Đi Và Mời

print

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO 2024

ĐI VÀ MỜI

Lm. Giuse Nguyễn

Vào ngày lễ Thánh Phaolô Trở Lại (25.01.2024), Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 98 năm 2024 với chủ đề: “Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc” (x. Mt 22, 9).

Chủ đề này lấy từ đoạn Tin mừng Matthêu 22, 1- 14 với hình ảnh bữa tiệc đã được dọn sẵn và ông chủ sai các gia nhân “Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc”. Qua dụ ngôn này, Đức Thánh Cha mời mọi người suy tư 2 động từ “đi” và “mời”. Trong ý hướng đó, tôi xin được chia sẻ 2 động từ “ĐI” và “MỜI” trong tiến trình hiệp hành để loan báo Tin Mừng.

 

ĐI là di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác bằng những bước chân. Đi đòi buộc người ta phải rời khỏi hoàn cảnh hiện tại để đến chỗ khác. Trong bối cảnh dụ ngôn tiệc cưới, đi là mệnh lệnh của ông chủ, do đó khi làm theo, người gia nhân thể hiện sự trung thành của mình để sẵn sàng thực hiện những gì ông chủ muốn; trong dụ ngôn chẳng những đi một lần, mà đi đến hai lần, vì lần đầu đã bị người ta từ chối. Mục đích của việc đi không phải cho thanh thản như dạo chơi, hay đi trong vô định như người mất trí, nhưng đi là để làm một việc gì đó; trong tiến trình hiệp hành, đi để tham gia vào đời sống Giáo hội, mà việc tham gia đó dù là việc gì cũng là để thể hiện bản chất của Giáo hội là Truyền Giáo như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Truyền Giáo 2024: Các khía cạnh này xuất hiện đặc biệt đúng lúc cho tất cả chúng ta, với tư cách những môn đệ truyền giáo của Đức Kitô, trong giai đoạn cuối này của tiến trình Thượng Hội Đồng, mà khẩu hiệu: “Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ” của nó có ý đưa Hội Thánh một lần nữa tập trung sự chú ý vào nhiệm vụ hàng đầu của mình, đó là rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

Như vậy ĐI không chỉ là một động từ theo nghĩa đen, mà còn là một lối sống, lối sống đó thể hiện bản chất của Hội Thánh là Truyền Giáo.

ĐI thể hiện bản chất Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khi Ngôi Hai từ trời cao xuống thế làm người. Đó là một cuộc ra đi vĩ đại nhất của lịch sử cứu độ xét về toàn diện. Và trong suốt 3 năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu trở thành đối tượng và kiểu mẫu cho việc loan báo Tin mừng khi Ngài không biết mệt mỏi để ra đi giới thiệu Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, ngay cả khi phải đối diện với sự dửng dung và chối từ.

Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng tử thần để mang tin vui đến toàn thể nhân loại, đó là tin vui ơn cứu độ, các Tông đồ là những người lãnh nhận sứ mạng tiếp tục ra đi từ Đấng Phục Sinh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Các Tông đồ đã ĐI bằng chính mạng sống mình, nghĩa là các Ngài đã làm tất cả để loan báo Tin mừng Phục Sinh của Đức Kitô, đó là tin vui không thể giữ riêng cho chính mình.

Và cứ thế, lịch sử cứu độ là lịch sử của những cuộc ra đi để loan truyền tin vui. Trong Sứ Điệp Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha nhắc đến những nhà Truyền Giáo chuyên biệt, nghĩa là những người thực sự ra đi đến những vùng xa xôi để loan báo Tin mừng, ngài viết: “Các bạn [truyền giáo] thân mến, sự tận hiến quảng đại của các bạn là một sự thể hiện cụ thể cam kết dấn thân của các bạn cho sứ vụ đến với muôn dân (ad gentes) mà Chúa Giêsu đã uỷ thác cho các môn đệ của Người: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19). Chúng ta tiếp tục cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa về rất nhiều ơn gọi truyền giáo mới để phục vụ công việc rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất.” (SĐTG. 2024)

Đến phần của chúng ta, động từ ĐI cũng phải là cung cách sống của chính mình để thực sự lên đường vì sự thúc bách của niềm vui Tin mừng chúng ta đã đón nhận. ĐI để thể hiện sự trung thành của chúng ta với Thiên Chúa vì chúng ta là những người được chọn và sai đi. Chúng ta phải ĐI để giới thiệu Thiên Chúa là Đấng tuyệt vời và giàu lòng thương xót.

Vậy thì phải Đi như thế nào để loan báo Tin mừng? Trong tiến trình Hiệp Hành mà Giáo hội đang cổ vũ, đặc biệt trong năm nay là sự Tham Gia Đời Sống Giáo Hội, ĐI để tham gia vào mọi sinh hoạt của Giáo hội, nhất là sinh hoạt phụng vụ và bác ái.

Phải thực sự ra ĐI đến với Chúa trong việc tham dự phụng vụ, nhất là Thánh Lễ cách trọn vẹn và tích cực. ĐI để hòa chung tâm tình với cộng đoàn trong các việc đạo đức bình dân, nhất là việc sùng kính Đức Mẹ, cách riêng việc lần chuỗi Mân Côi trong Tháng Mười truyền giáo này. Những sự ra đi đó thể hiện lòng trung thành của chúng ta với Chúa và trở thành một lời loan báo đức tin sống động của chúng ta.

Nhất là ĐI để loan báo Thiên Chúa là Tình Yêu qua những việc bác ái cụ thể trong kinh thương người có 14 mối, thương xác 7 mối.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã căn dặn: “Chúng ta đừng quên rằng tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi tham gia vào sứ vụ phổ quát này bằng việc cống hiến chứng tá Tin Mừng của chính họ trong mọi hoàn cảnh, để toàn thể Hội Thánh có thể liên tục cùng với Chúa của mình đi ra “mọi ngả đường” của thế giới hôm nay. “Cái bi kịch trong Hội Thánh hôm nay là Chúa Giêsu vẫn đang gõ cửa, nhưng từ bên trong, để chúng ta mở cho Người đi ra! Chúng ta thường trở thành một Hội Thánh ‘giam hãm’ không cho Chúa ra, mà cứ giữ Người lại “làm của riêng mình”, trong khi Chúa đã đến là để truyền giáo và muốn chúng ta là những người truyền giáo” (Diễn từ cho các Thành viên tham dự Hội Nghị do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự Sống, 18 tháng 2, 2023). Mong sao tất cả chúng ta, những người đã được rửa tội, luôn sẵn sàng ra đi một lần nữa, mỗi người theo bậc sống của mình, để khai mở một phong trào truyền giáo mới, như là vào thuở ban sơ của Kitô giáo!” (SĐTG.2024)

 

Kế đến là động từ “MỜI”. Đức Thánh Cha cho rằng động từ mời là: “các đầy tớ chuyển lời mời của vua với sự thúc bách nhưng cũng đầy kính trọng và dịu dàng”. Từ đó Ngài đưa ra hướng hành động cho lời mời đó là: “Các môn đệ truyền giáo phải rao giảng với niềm vui, sự độ lượng và nhân hậu vốn là những hoa quả của Chúa Thánh Thần trong lòng họ (x. Gl 5:22). Không phải bằng gây áp lực, cưỡng ép hay chiêu dụ, nhưng bằng sự thân thiện, cảm thương và dịu dàng, và bằng cách này phản ánh cách hiện hữu và hành động của chính Thiên Chúa.” (SĐTG.2024)

Động từ “MỜI” cho thấy việc loan báo Tin Mừng không phải của cá nhân, nhưng là chuyển lời của “ông chủ tiệc cưới” một cách chân thành và trịnh trọng. Từ đó muốn hướng dẫn cung cách của người môn đệ trong việc loan báo Tin mừng. Người môn đệ phải có một cung cách dễ thương mới có thể dễ gần để “mời” người khác. Cung cách này xuất phát từ tình yêu thương đón nhận nơi ông chủ, để cũng biết yêu thương hết thảy mọi người. Những thái độ quát nạt, cộc cằn không thể có trong lối sống của người được sai đi, và tư cách “kẻ cả” cũng không thể chấp nhận trong việc loan báo Tin Mừng.

 

Tóm lại với Sứ Điệp Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người chúng ta hãy hành động một cách cụ thể bằng cách “ĐI” và “MỜI”. “Đi” để ra khỏi chính mình đến với Chúa trong việc thờ phượng Chúa, đến với tha nhân trong việc bác ái. “Mời” để nhắc nhở lối sống của người môn đệ phải ngập tràn yêu thương để giới thiệu cho người khác sứ điệp yêu thương.

Hơn bao giờ hết, sứ điệp “đi và mời mọi người đến dự tiệc” trong lúc này là khẩn cấp, vì: Trong khi thế gian bày ra trước mặt chúng ta những “bàn tiệc” của chủ nghĩa tiêu thụ, sự tiện nghi ích kỷ, sự tích luỹ của cải và chủ nghĩa cá nhân, thì Tin Mừng kêu gọi mọi người đến với bàn tiệc của Thiên Chúa, bàn tiệc ngập tràn niềm vui, sự chia sẻ, công lý và tình huynh đệ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác”. (SĐTG.2024)

 

Xin Mẹ Maria là người nữ Truyền Giáo không ngừng thúc đẩy chúng con “đi và mời mọi người đến dự tiệc” bằng lời kinh Mân Côi hằng ngày, đặc biệt trong tháng Mười này.