Điểm Hẹn Ga-Li-Lê
Sr. Ter.Trúc Băng
GA-LI-LÊ- ĐIỂM HẸN TIN MỪNG
Cái chết bi thương của thầy Giêsu vẫn ám ảnh các tông đồ, họ sợ hãi vì bị liên lụy, ngôi nhà họ ở vẫn cửa đóng then cài, một tiếng động nhẹ cũng có thể làm họ co rúm và thót tim, các ông chán chường, thất vọng, tương lai mịt mờ, sợ những người Do thái sẽ đến giết mình như đã giết Thầy, cuộc sống thật tối tăm và ảm đạm…Một trong số họ có ý định bỏ cuộc, về quê sinh sống; số khác như buông xuôi mặc cho cuộc đời đưa đẩy, trở lại nghề cũ – đánh cá…ba năm theo Thầy luống công, trở về con số không, xem như thất bại ê chề khi chọn làm môn đệ của Thầy Giêsu.
Chúa Giêsu Phục Sinh biết và hiểu rõ tâm trạng của từng môn đệ mà Ngài vẫn yêu thương họ đến cùng, nên Chúa đã tạo cơ hội và chủ động hẹn gặp tại Ga-li-lê.
- Ga-li-lê là nơi các ông đã từng sinh sống, làm nghề chài lưới,
- Ga-li-lê nơi hẹn hò đầu đời của Thầy và trò
- Ga-li-lê gợi nhớ lại điểm xuất phát ban đầu.
- Ga-li-lê điểm hẹn sau Phục Sinh. Thầy Giêsu như muốn các ông sống lại các tương quan ban đầu cùng với Thầy đó là: “Bẻ Bánh”, cùng Thầy ngược xuôi vì cái đói và “cuộc sống bơ vơ của đám đông dân chúng”… Từ đó, giúp họ sống lại kinh nghiệm tình yêu thuở ban đầu, hầu mở ra chân trời mới mà các ông là người ra đi cùng với Thánh Thần.
Chính nơi đây Chúa đã cho các ông một “mẻ cá lạ lùng”. Như gợi lại lời hứa ban đầu. “Các anh sẽ trở thành lưới người như lưới cá”.
Ga-li-lê khơi lại những kỷ niệm đẹp của thầy trò như địa điểm tạo nên tâm điểm của tương quan cá vị của thầy trò bằng việc ở lại, lắng nghe và chia sẻ cuộc sống với Thầy. Từ tương quan cá vị ấy mà các ông đã nhận ra Thầy đã Phục Sinh với bình an Thầy ban cho, trong niềm hân hoan và không còn nghi ngờ nữa.
Sau khi củng cố niềm tin cho các tông đồ và các ông đã xác tín Thầy đã Phục Sinh.
Chúa Giêsu bắt đầu trao sứ mạng cho các Tông đồ khởi đi từ Phê-rô. “Con có yêu mến Thầy không?” Điều thật đánh động là ba lần tuyên xưng tình yêu của Phê-rô được Chúa đáp trả lại bằng ba mệnh lệnh: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”
Điều này nói với chúng ta rằng mối tương quan tình yêu của Chúa Giêsu với chúng ta nay trở thành sứ mạng: Ân ban và trách nhiệm yêu thương chiên của Ngài. Vì thế, tình yêu nơi mỗi Kito hữu, đặc biệt nơi mỗi chúng ta- những người sống đời dâng hiến bao gồm ba thành phần: Thiên Chúa, Bản thân và tha nhân.
Vì thế, mỗi người tu sĩ không ngừng được kêu gọi và yêu mến Chúa Kito cách riêng biệt và sâu sắc. Cũng trong cùng một tình yêu đó chúng ta được mời gọi cách triệt để cho sứ mạng. Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa sinh hoa trái nơi sứ mạng. Đó là tình yêu ban sự sống không chỉ cho chúng ta, nhưng còn cho tất cả những người xung quanh chúng ta nữa.
Ga-li-lê, nơi gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh, các môn đệ, và của mỗi người chúng ta. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta quy tụ biết bao tâm hồn tan vỡ, biết bao tiếng than khóc nơi đàn chiên của Chúa Kitô: vô số nhũng người nghèo đói, yếu đau, bị tổn thương, bị lạc đường, bị bỏ rơi hay bị loại trừ. Chúng ta hãy là Ga-li-lê của họ, để họ cũng cảm nhận rằng Chúa đang gặp gỡ họ từng ngày trong đời sống.
Ga-li-lê-a là nơi gặp gỡ của Chúa Giêsu và các tông đồ, và cũng là nơi các ông lãnh nhận sứ mạng. Điều đó cũng nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta cũng phải luôn trở về Ga-li-lê của đời mình: trong đời sống cầu nguyện để được chìm sâu trong tình yêu với Thiên Chúa. Khi đó tình yêu sẽ là nguồn gốc và động lực ban sức mạnh, giúp chúng ta hiến thân cho sứ mạng hoàn toàn và dứt khoát, với niềm vui mạnh mẽ hơn.
SỐNG TINH THẦN PHÚC ÂM
MIỀN GA-LI-LÊ CỦA GIÁO HỘI.
Ga-li-lê-a là điểm hẹn gặp gỡ thân tình của thầy trò Giêsu. Từ Ga-li-lê là hạt giống, Giáo Hội nẩy mầm và sứ mạng loan báo Mầu Nhiệm Vượt Qua và Tin Mừng Phục sinh cũng lớn lên từ đây. Vì thế, Giáo Hội là chứng nhân cho Tình Yêu. Tu sĩ là người được thừa kế tình yêu đó qua sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Quả thế, ơn gọi trước tiên của người tu sĩ là làm chứng cho tình yêu. Vì Thiên Chúa là Tình yêu. Giáo Hội là nhân chứng của Tình Yêu và phân phát tình yêu cho thế giới hôm nay.
Hơn bao giờ hết, người tu sĩ mang trong mình lời chứng hùng hồn cho thế giới hôm nay khi chúng ta sống tinh thần TIN MỪNG theo lời khuyên Phúc Âm trong thế giới ngay tại cộng đoàn và môi trường chúng ta đang sống.
Chúng ta có dám khẳng định lời khuyên Phúc Âm là MIỀN GA-LI-LE của Giáo Hội hôm nay, để từ miền đất ấy chúng ta bước vào thế giới với niềm xác tín mạnh mẽ. Ba lời khuyên phúc Âm là nẻo đường tự do để yêu thương.
- Lời khuyên Phúc Âm về Vâng Phục:
Được gợi hứng từ đời sống vâng phục của Đức Giêsu. Điều thú vị là Đức Giêsu nối kết tự do của Ngài với việc thi hành ý muốn của Cha. Với Đức Giêsu, tự do của Ngài là đạt tới viên mãn trong việc trao hiến chính mình cho “công việc của Cha”. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4, 34). Đức Giêsu lấy làm vui thích để thi hành Thánh ý Cha: “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào thì tôi làm như vậy…” (Ga 8, 28-29) Chúa Giêsu cố gắng làm vui lòng Chúa Cha vì Ngài yêu mến Chúa Cha.
Vâng phục không thể không mang lại đau khổ. Vâng phục của Đức Giêsu trên thập giá là biểu lộ tột đỉnh về tự do của Ngài để mến yêu Cha và nhân loại. Sự tự do duy nhất của Ngài là để yêu thương.
Vậy đâu là vâng phục của người tu sĩ chúng ta? Trải qua những biến cố trong cuộc sống, chúng ta cũng đã cảm nhận:
- Vâng phục giải thoát chúng ta khỏi sụ tự phụ của tính kiêu căng và sự ngạo mạn của chủ nghĩa cá nhân.
- Vâng phục liên kết chúng ta với cộng đoàn và giúp chúng ta sẵn sàng để ý lưu tâm đến bất kỳ trách nhiệm hay sự phân công nào của Hội Dòng trao cho chúng ta.
- Vâng phục còn đòi hỏi chúng ta tinh thần “lên đường”, “ra chỗ nước sâu” đối diện với điều mới mẻ.
- Vâng phục là chúng ta sẵn sàng để bị làm xáo trộn hoặc không an cư vì những đòi hỏi của Đời sống ơn gọi và sứ mạng.
- Cuối cùng, vâng phục đòi người tu sĩ chúng ta can đảm chết cho một cái gì đó, có giá trị trong cuộc đời dâng hiến của mình. Điều này chúng ta phải trả giá và chấp nhận chịu đớn đau. Không thể dễ dàng bỏ một dự định yêu thích, nghề nghiệp, chức vụ, nơi chốn… điều khó nhất là chết đi cho an toàn của chính mình. Thậm chí điều này có thể mang ý nghĩa là từ bỏ chính mạng sống mình. Đó chính là cách để học biết tự do vì ơn gọi và sứ vụ, để cùng đi vào mầu nhiệm vượt qua của Đức Kito- Đấng mà sự chết của Ngài đã mang lại cho nhân loại và chúng ta sự tự do để sống và để yêu như con cái Thiên Chúa.
- Lời khuyên Âm về đời sống Khiết Tịnh
Người tu sĩ chúng ta hôm nay bị thách đố để khôi phục lại sự tốt lành và vẻ đẹp của tình yêu nhân loại. Khiết tịnh không phải là dồn nén, nhưng là “sự kiện toàn của tình yêu nhân loại. Để đời sống khiết tịnh trở thành đáng tin cậy trong thời đại của chúng ta, như Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến đưa ra: “Đời sống thánh hiến giới thiệu cho thế giới ngày nay những mẫu gương của đời sống khiết tịnh của nam nữ tu sĩ là những con người tỏ rõ, sự quân bình, tự chủ, tinh thần dấn thân, tâm lý và tình cảm trưởng thành”. Qua đó cho chúng ta một xác tín:
- Khiết tịnh phải được sống như một cách để yêu thương với đời sống nhân bản đích thực và tình cảm trưởng thành.
- Sống khiết tịnh là hình thành nơi người tu sĩ tình yêu nhân loại nồng ấm và vui tươi khi đối diện với nền văn hóa kỷ – trị và vụ lợi trong thời đại chúng ta.
- Sống khiết tịnh giải thoát chúng ta khỏi sự cằn cỗi và mang đến cho ta tình yêu sáng tạo và trọn vẹn. Vì nó giải thoát chúng ta khỏi cảnh ngột ngạt của cái tôi ích kỷ.
- Sống khiết tịnh giải thoát chúng ta khỏi sự hẹp hòi, chiếm đoạt… hướng về sự siêu thăng chính mình để đi tới một mối lợi lớn hơn.
Sống khiết tịnh giúp chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Đức Giêsu như là mẫu mực của tình yêu giải thoát và đơm bông kết trái. Tình yêu của Ngài là tình yêu trao ban vì lợi ích của người khác. “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Đó là tình yêu không loại trừ, một tình yêu dành chỗ cho bất cứ ai đến với mình khiến chúng ta tôn trọng tha nhân và yêu thương người khác ngay trong cái khác biệt của họ. Qua đời sống khiết tịnh, chúng ta làm chứng cho một tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
- Lời khuyên Phúc Âm về sống khó nghèo
Khó nghèo là sự thiếu thốn không ai muốn. Tự nó, nghèo khổ không có giá trị gì cả, trong xã hội hôm nay, nghèo khó phải được khử trừ.Vậy có hợp lý chăng khi mọi người trên thế giới tìm cách để thoát khỏi cái nghèo, thì chúng ta- người tu sĩ lại khấn sống khó nghèo? Có nghĩa gì không, để chọn trở thành người nghèo? Chắc chắn không ai chọn nghèo vì nó cả.
Chúng ta chọn sống nghèo vì yêu mến Chúa Kito nghèo khó. “Đấng không có chỗ tựa đầu”. Và lời chúc phúc cho những ai sống nghèo khó vì “Nước Trời là của họ”
Quả vậy, Khó nghèo là chứng từ cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Vì nó tham gia vào tình yêu tự hiến của Ngôi Hai Thiên Chúa và liên đới với người nghèo bị áp bức, bênh vực người yếu kém, lắng nghe tiếng kêu than của người bị đối xử bất công qua đời sống bác ái và kinh nguyện hiệp thông.
Khó nghèo là tình yêu tự quên mình và hạ mình, là tình yêu không giữ lại bất cứ điều gì cho mình nhưng là trao hiến vì lợi ích của người khác, nhằm vun trồng các giá trị của sự siêu thoát, đơn sơ và tín thác vào Chuá Quan Phòng.
Khó nghèo là chia sẻ tình yêu, không tích lũy cá nhân, thể hiện tình tương thân tương ái. Tất cả là vì cộng đoàn giải thoát ta khỏi sở hữu cá nhân, nhằm giúp ta lớn lên trong tinh thần hiệp thông liên đới với người nghèo, cho đi cách quảng đại mà không mong chờ sự đáp trả.
LỜI KẾT
“ Hãy đến Galile và sẽ gặp Thầy ở đó.” Lời mời gọi của Chúa Kito Phục sinh như một điểm dừng nhắc nhở người tu sĩ tạm gác mọi bộn bề, lo toan, vất vả, kế hoạch… của bản thân để gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong từng ngày sống. Điểm hẹn Galile chính là Bí tích Thánh Thể -trung tâm điểm của đời sống người tu sĩ, để kín múc nguồn sức sống và tình yêu của Chúa, để từ đó chúng ta sẵn sàng đến với mọi người trong tình yêu dấn thân và phục vụ vô vị lợi.