Docat : Chương 4: Các Nguyên tắc trong Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội 

print

Chương 4: Các Nguyên tắc trong Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội 

 LTS: Chúng tôi gửi đến các bạn chương 4 của cuốn Docat để xin các bạn ý kiến về bản dịch. Xin các bạn gửi  thư về email: antnnson1948@yahoo.com. Cảm ơn các bạn nhiều.

Chương 4

Công ích, Nhân phẩm, Liên đới, Bổ trợ

Các Nguyên tắc trong Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội

Câu hỏi 84 – 111

với sự cộng tác của Christoph Krauss và Joachim Hüpkes

Tại sao chúng ta lại bàn đến bốn nguyên tắc chính của học thuyết xã hội; các nguyên tắc này được biện minh về mặt đạo đức và được đưa vào thực hành ra sao. Vì sao các nguyên tắc này lại đủ phẩm chất để có thể phân tích và cải thiện các điều kiện xã hội

 

 

 

 

84 Những nguyên tắc của giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo là gì?

Giáo huấn Công giáo về xã hội có bốn nguyên tắc:

– nguyên tắc về nhân phẩm (phẩm giá của con người)

– nguyên tắc về công ích (lợi ích chung)

– nguyên tắc bổ trợ (trợ giúp thêm chứ không làm thay)

– nguyên tắc liên đới

Đnl 6,5: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” và Lv 19,18: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”, cả hai mệnh lệnh cùng tạo thành Điều răn trọng nhất là yêu thương.

 

Tôi kêu gọi anh em đoàn kết cách rộng lượng với nhau, và kêu gọi nền kinh tế tài chính quay trở về đường lối đạo đức dành ưu tiên cho con người.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 58

Với bốn nguyên tắc trên chúng ta có thể hiểu xã hội loài người trong tính toàn thể, và cân nhắc hiện thực này một cách đúng đắn. Tại sao những nguyên tắc này nên được áp dụng? Trước tiên, vì chúng do lý trí suy diễn ra; kế đó, vì lý trí này được đức tin Kitô giáo soi sáng. Người có niềm tin đều muốn tuân theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, đặc biệt là Điều răn cao trọng nhất: Yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Ngày nay, các Kitô hữu đối diện với đủ loại vấn đề xã hội khác nhau. Với sự hỗ trợ của bốn nguyên tắc giáo huấn xã hội Công giáo, dù gặp vấn đề nào trong mối liên hệ cá nhân hay tập thể, hoặc quốc gia, chúng ta vẫn có thể khẳng định điều gì thật sự nhân đạo, đúng đắn, có lợi cho xã hội.

Ü 160 è 1881, 1883, 1938…, 1939… ð 322, 323, 327, 332

Một người không thể nên tốt đẹp nếu không có mối liên hệ đúng đắn với lợi ích chung.

Thánh Tôma AquinôSumma theologiae [Tổng luận Thần học] I-II, q. 92 a. 1 ad 3 [câu hỏi 92, câu trả lời 1, 3]

 

Lằn ranh giữa thiện và ác cắt ngang qua trái tim của mỗi người. Và ai dám sẵn sàng phá huỷ một mảnh của trái tim mình?

 

Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008), nhà văn Nga, giải Nobel Văn chương

85 Các nguyên tắc trên phối hợp với nhau như thế nào?

Bốn nguyên tắc trên liên quan với nhau. Chúng ta không thể tách rời chúng hay đặt một nguyên tắc làm nguyên cớ chống lại các nguyên tắc còn lại. Nếu chúng ta áp dụng bốn nguyên tắc cùng nhau, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc thực tại xã hội. Ví dụ: “gia đình” là một thực tại xã hội đáng giá và xứng đáng được bảo vệ; trong gia đình, con người có thể phát triển phẩm giá của mình; trong tổ ấm ấy, gia đình là nơi thực hành tình liên đới. Tuy nhiên, một gia đình cũng cần tình liên đới với những gia đình khác, vì nếu thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài, gia đình không thể đóng góp phần đặc trưng của mình cho công ích. Dù vậy, khi giúp đỡ gia đình, các cấp thẩm quyền cao hơn không được phép lấy đi những gì gia đình có thể tự làm, ví dụ như việc nuôi dạy con cái (nguyên tắc bổ trợ).

Ü163 è1734… ð288

Nhiều người chẳng thể tự khuyên mình, lại thích khuyên người khác, giống như những kẻ mạo danh bất tín len lỏi vào hàng ngũ những người rao giảng: chúng dạy và tuyên xưng những điều tốt đẹp mà chính chúng chẳng bao giờ muốn làm.

Chrétien de Troyes (k.1140-1190), nhà văn Pháp

 

& Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ.

Tb 4,7

86 Tại sao chúng ta phải hành động theo bốn nguyên tắc trên?

Làm người nghĩa là đảm nhận trách nhiệm. Không ai có thể đứng ngoài đời sống xã hội. Chúng ta sống nhờ vào người khác thì đồng thời ta cũng có trách nhiệm với người. Qua mệnh lệnh yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, các Kitô hữu có nghĩa vụ theo đạo đức là giúp đỡ người khác, phục vụ công ích, giúp từng người sống một cuộc đời xứng đáng thật sự với nhân phẩm, và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhóm và hội đoàn.

Ü163è 1734… ð 288

 

 

 

Bất cứ điều tốt đẹp nào xuất hiện trên trái đất đều là do một ai đó đã làm nhiều hơn bổn phận của mình. Tôi không làm điều tốt, thì cũng đừng mong ai khác đối xử tử tế với tôi.

Hermann Gmeiner (1919-1986), sáng lập Làng Trẻ em SOS

 

V Yêu ai là mong ước điều tốt cho họ, và tiến hành những bước hữu hiệu để đảm bảo điều đó. Ngoài lợi ích của cá nhân, còn có công ích – là lợi ích gắn với đời sống trong xã hội. Đó là điều tốt đẹp cho “tất cả chúng ta”, gồm cá nhân, gia đình, nhóm trung gian, cùng nhau tạo thành xã hội.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 7

 

87 “Công ích” nghĩa là gì?

Công đồng Vatican II giải thích công ích là “toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể, và các phần tử riêng rẽ của tập thể, có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (GS 26). Mục tiêu của cá nhân là thực hiện điều tốt. Mục tiêu của xã hội là ích chung. “Thật ra, công ích có thể hiểu như là chiều hướng xã hội và cộng đồng của điều tốt theo luân lý” (Tóm lược Học thuyết Xã hội, 164). Công ích chỉ điều tốt cho tất cả mọi người và cả điều tốt chotoàn thể một con người. Công ích, trước hết, đòi hỏi những tiêu chuẩn của một trật tự điều hành do chính quyền thực hiện, theo như được quy định trong một nước có hiến pháp. Kế đến, cần phải lo duy trì phương tiện tự nhiên để sinh sống. Trong khuôn khổ này, là quyền của mỗi người được có nước uống, thực phẩm, chỗ ở, và chăm sóc sức khoẻ, công ăn việc làm, học hành. Cũng cần phải có quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, và tự do hội họp. Tại đây, những đòi hỏi của công ích trùng khớp với nhân quyền phổ quát.

Ü 164 è 1903 ð 326-327

Và như thế, hỡi các bạn đồng hương của tôi, đừng hỏi nước Mỹ có thể làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi các bạn có thể làm gì cho đất nước. Hỡi các bạn công dân của tôi trên khắp thế giới, đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm gì cho các bạn, nhưng là cùng với nhau chúng ta hỏi có thể làm gì cho quyền tự do của con người.

John F. Kennedy (1917-1963), Tổng thống Hoa Kỳ, Diễn văn Nhậm chức ngày 20 tháng Giêng năm 1961

 

Điều gì bất lợi cho đàn ong, thì làm sao có lợi cho chú ong?

Charles-Louis de Montesquieu (1689-1755), triết gia về chính trị

88 Lợi ích chung xuất hiện như thế nào?

Mỗi người và mỗi tập thể có những lợi ích thích đáng ít nhiều được biện minh là phù hợp. Ước muốn “lợi ích chung” nghĩa là có khả năng nghĩ vượt hơn nhu cầu của bản thân. Chúng ta nên quan tâm đến điều tốt cho tất cả, ngay cả cho những ai mà người ta không muốn nhắc tới vì họ chẳng có tiếng nói cũng không có quyền thế. Tài nguyên trên trái đất là dành cho tất cả mọi người. Và nếu mỗi người chỉ biết nghĩ cho chính mình, việc chung sống hoá thành cuộc chiến giữa người với người. Lợi ích chung không chỉ gồm lợi lộc vật chất bên ngoài, mà còn cả lợi ích tinh thần, nghĩa là bao hàm lợi ích toàn diện của con người. Như vậy, sự lo lắng cho lợi ích tinh thần của con người cũng là một phần thuộc về mối bận tâm đối với công ích. Chúng ta không thể bỏ qua khía cạnh nào trong sự hiện hữu của con người.

Ü 168-170 è 1907-1912, 1925, 1927 ð 327

 

Ngăn cản người nghèo chia sẻ của cải với chúng ta, là ăn cắp những của thuộc về họ, và tước đoạt mạng sống của họ. Những của cải chúng ta sở hữu không phải thuộc quyền chúng ta, mà là của họ.

Thánh Gioan Chrysostom (354-407), Giáo phụ

 

Thiên Chúa đã muốn đặt để trái đất với mọi thứ trong đó cho mọi người và mọi dân tộc hưởng dùng. Do đó, theo sự hướng dẫn của đức công bình đi đôi với lòng bác ái, của cải được tạo ra cũng phải được phân phối cho tất cả hưởng dùng như vậy.

Công đồng Vatican II, GS 69

 

89 Chúng ta xử lý tài nguyên của trái đất như thế nào?

Thiên Chúa đã dựng nên thế giới cho tất cả. Với sự canh tác của con người, trái đất sẽ sản sinh mùa gặt và hàng hoá. Trên nguyên tắc, sản vật nên dành cho tất cả mọi người tuỳ nghi sử dụng mà không thiên vị một ai, và nên được dùng để phục vụ lợi ích chung. Mỗi người có quyền hưởng những gì là thiết yếu cho sự sống của mình, mà không ai được phép tước đoạt, dù chúng ta biết rằng mỗi người được giữ quyền tư hữu và sẽ luôn có những khác biệt về số tài sản sở hữu của từng người. Nếu một số người có nhiều hơn mức tài sản cần để sinh sống, trong khi những người khác thiếu cả những thứ cơ bản để duy trì sự sống, thì điều này không chỉ đòi buộc người ta tỏ lòng bác ái, mà trên hết, phải giúp đỡ theo lẽ công bằng.

Ü 171-175 è 2443-2446 ð 449

Khi tôi cho người nghèo thực phẩm, họ gọi tôi là thánh. Khi tôi hỏi nguyên nhân vì sao họ trở nên nghèo, họ gọi tôi là người Cộng sản!

Dom Hélder Camara (1909-1979), Tổng giám mục Brazil, hoạt động vì người nghèo

 

Tin Mừng được rao giảng trước tiên cho người nghèo.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 28/5/2007

 

V Một người bị tước đoạt những gì “của riêng mình”, và cả khả năng kiếm sống bằng chính năng lực, sáng kiến của mình, buộc phải dựa vào bộ máy xã hội và vào những kẻ kiểm soát bộ máy đó. Điều này càng khiến người ấy khó mà nhận ra phẩm giá làm người của mình, và cản trở bước tiến bộ hướng tới việc xây dựng một cộng đồng thật sự nhân đạo.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, CA 13

 

90 Có được phép giữ tài sản riêng không?

Vâng, đây là điều hợp lý: người ta được quyền có tài sản riêng. Nhờ ra công làm việc, một người cải tạo đất đai và giữ phần cho riêng mình. Tài sản riêng khiến người ta tự do và độc lập. Tài sản riêng khuyến khích cá nhân gìn giữ cơ ngơi của mình, chăm sóc và bảo vệ nó khỏi bị phá hại. Trái lại, những thứ của chung thường xuống cấp do không ai thấy mình có nghĩa vụ phải chăm lo. Sở hữu tài sản vật chất để tuỳ ý sử dụng khích lệ chúng ta đảm nhận trách nhiệm và các nghĩa vụ trong cộng đồng. Như vậy, quyền tư hữu là yếu tố quan trọng trong quyền tự do của công dân. Đấy là nền tảng của một trật tự kinh tế thật sự mang tính dân chủ, vì việc mọi người đều có phần trong lợi nhuận từ hoạt động kinh tế chỉ trở nên khả thi thông qua quyền sở hữu tài sản riêng.

Ü 176 è 2401 ð 426

 

& Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.

Mt 10,8

 

Một người chẳng thể kiếm nổi tài sản gì, thì cũng chẳng còn mối quan tâm nào khác ngoài việc ăn càng nhiều càng tốt, và làm càng ít càng tốt.

Adam Smith (1723-1790), nhà Kinh tế học Scotland

 

Nơi nào không có tài sản, thì nơi đó cũng chẳng còn niềm vui cho tặng; rồi không ai còn hưởng được sự mãn nguyện khi giúp đỡ bạn bè, khách lỡ đường, hay người nghèo khổ túng quẫn.

Aristotle (384-322 TCN), triết gia và nhà khoa học Hy Lạp, Politics [Chính trị], bk. 2, pt. 5 [quyển 2, phần 5]

 

91 Những giới hạn của tài sản riêng là gì?

Quyền tư hữu không bao giờ được xem như tuyệt đối. Đúng ra, bất kỳ ai sở hữu tài sản phải dùng nó theo cách phù hợp với ích lợi dành cho mọi người. Điều này đúng đối với tài sản công, ví dụ, đèn đường, và đèn tín hiệu giao thông, mà cũng áp dụng cho cả tài sản tư nhân, ví dụ, điện thoại di động. Tôi phải để người khác dùng điện thoại của mình, nếu người đó cần sự giúp đỡ và cần thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp. Của cải riêng nên phải được dùng như một công cụ phục vụ cho việc quản lý tốt hơn tài nguyên của trái đất. Mỗi người phải cảm thấy có trách nhiệm đối với một số vật cụ thể. Nếu mọi người đều chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ, thì trên thực tế, không ai thấy có trách nhiệm về bất cứ thứ gì cả. Quyền tư hữu không thể chiếm quyền ưu tiên trên công ích, vì theo nguyên tắc, mọi của cải đều phục vụ mọi người.

Ü 177, 282 è 2402-2406, 2452 ð 427

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà một người đang thiếu thốn có thể lấy đi những gì họ cần để duy trì sự sống và sức khoẻ của mình, nếu người đó không thể có được những thứ cơ bản để nuôi sống bản thân bằng cách nào khác, như bằng việc lao động, hoặc đi ăn xin.

Bài giảng trước thềm Năm Mới (1946), của Hồng y Josef Cardinal Frings (1887-1987). Trong giai đoạn hậu chiến ở Đức, từ “fringsen” ám chỉ việc ăn cắp thực phẩm hay nhiên liệu. Vị Hồng y tại Cologne đã diễn tả sự thông cảm đối với việc người dân cướp các toa xe lửa chở than, do khan hiếm nguồn cung chất đốt trong mùa đông lạnh giá

 

92 Việc chia sẻ của cải có những giới hạn nào?

Một người có tài sản riêng giữ gìn của cải của mình, để của cải đó có thể đượcdùng chung với người khác. Ở đây chúng ta không chỉ nghĩ đến những anh chị em đang sống hiện nay, mà còn phải nghĩ đến những thế hệ tương lai. Đây là lý do hình thành nguyên tắc sử dụng bền vững. Thực hiện hoạt động kinh tế bền vững lâu dài có nghĩa là xã hội không được dùng nhiều hơn tổng lượng tài nguyên mà xã hội có thể thay thế hay tái tạo. Do đó, khi sử dụng một nguồn tài nguyên, người ta không được phép chỉ tính đến lợi lộc cá nhân, mà còn phải nghĩ đến cả lợi ích của mọi người, hay nói cách khác, là công ích. Chủ tài sản có nghĩa vụ sử dụng của cải một cách có hiệu quả, nếu không, cần chuyển sang cho người nào có thể làm cho khối tài sản đó sinh ích, nghĩa là, tạo ra một điều gì mới mà phục vụ cho tất cả.

Ü 178

Nếu các trang trại nào cản trở sự phồn thịnh chung vì chúng quá rộng, không dùng đến, hay bị sử dụng một cách kém cỏi tệ hại, hay vì chúng gây ra bao gian khổ cho các dân tộc, hoặc gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia, thì đôi khi vì công ích, người ta có thể đòi truất quyền sở hữu các trang trại đó.

Giáo hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (PP 24)

 

 

 

93 Con người cần những loại của cải nào để có thể sinh lợi?

Ngày nay nghĩa vụ phải làm cho tài sản sinh lời và hữu ích không chỉ áp dụng đối với đất đai và tiền vốn, mà càng ngày càng mở rộng thêm đối với kiến thức chuyên ngành, nói cách khác, là tài sản trí tuệ. Thật ra, sự thịnh vượng của các quốc gia công nghiệp ngày càng dựa trên loại tài sản trí tuệ đó, trong khi việc sở hữu đất đai và nguyên vật liệu thô đang trở nên ngày càng ít quan trọng hơn (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, CA 32). Một ví dụ là cơ hội tiếp cận các loại hạt giống đặc biệt siêu năng suất có nguy cơ bị các tập đoàn lớn kiểm soát. Nếu mọi quốc gia không được quyền tiếp cận các loại tài sản trên, thì không thể nào đạt tới công ích. Lợi ích chung toàn cầu hàm ý rằng dân chúng tại các nước nghèo cũng được chia sẻ những phát minh cải tiến như thế.

Ü 179 è 2408… ð 429

Hãy nhìn đi, đây là tài sản của Giáo Hội!

Lôrenxô, thầy Phó tế người La Mã, đã nói như thế với Hoàng đế Sixtus, kẻ đòi Lôrenxô phải giao nộp tất cả vàng bạc của Giáo Hội. Theo truyền thuyết, Lôrenxô đã phân phát toàn bộ của cải đó cho dân nghèo ở thành Rôma. Người nghèo chính là kho tàng đích thực của Giáo Hội.

 

 

Thế giới đủ cung cấp cho nhu cầu của tất cả mọi người, nhưng không thể đủ cho lòng tham của mọi người.

Mahatma Gandhi (1869-1948), chính trị gia Ấn Độ

 

& Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.

Gb 2,15-17

 

V Tôi mong ước biết bao một Giáo Hội nghèo, và sống vì người nghèo.

Giáo hoàng Phanxicô, ngày 16/3/2013

94 Công ích có ý nghĩa gì cho người nghèo?

Người nghèo phải là trọng tâm của Giáo Hội, nếu không, Giáo Hội đi ngược lại sứ mệnh của mình. Trong Gaudium et Spes, Công đồng Vatican II nói về sự chọn lựa ưu tiên cho người nghèo (GS 1). Từ đây dẫn tới nghĩa vụ xã hội trung tâm của từng cá nhân và của cả Giáo Hội: chăm lo những nhu cầu đặc biệt của những ai sống bên lề xã hội. Tám Mối Phúc trong Bài giảng trên Núi, sự khó nghèo của chính Đức Kitô, và sự chăm sóc đầy thương yêu của Ngài dành cho dân nghèo, chỉ cho chúng ta biết con đường phải đi. Tranh đấu vì những người bên lề xã hội là mệnh lệnh trực tiếp của Đức Kitô: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40). Tuy nhiên, Đức Kitô cũng cảnh báo chúng ta tránh tư tưởng sai lầm rằng chúng ta có thể chấm dứt sự nghèo đói ở mọi nơi (Mt 26,11). Điều đó chỉ có thể xảy ra khi Đức Kitô đến lần thứ hai. 

Ü 182-183 è 2443-2446 ð 448-449

Nguyên tắc bổ trợ [Principle of Subsidiarity]

! Subsidium từ Latin có nghĩa là sự hỗ trợ

Cấp cao hơn (ví dụ, Nhà nước) không được giữ thẩm quyền thực hiện một việc nếu như cấp thấp hơn (ví dụ, gia đình) có thể tự mình giải quyết vấn đề.

 

Đề nghị Hỗ trợ

Nếu nhóm cấp thấp hơn quá nặng gánh do một vấn đề gây ra, thì cấp cao hơn gần nhất phải sẵn sàng giúp đỡ.

 

V [Các nhà cầm quyền trong Giáo Hội] cần trao phó cho giáo dân những công việc mà họ có thể thực hiện, thậm chí còn làm tốt hơn các giáo sĩ, và cần cho phép giáo dân được tự do hoạt động và thể hiện trách nhiệm cá nhân, trong giới hạn được quy định cho công việc của họ, hoặc được đòi hỏi bởi lợi ích chung của Giáo Hội.

Giáo hoàng Piô XII, ngày 5/10/1957

95 Nguyên tắc bổ trợ có liên quan gì?

Mỗi nhiệm vụ xã hội luôn được giao trước tiên cho nhóm nhỏ nhất mà có thể thực hiện việc đó. Một nhóm ở cấp độ cao hơn có thể đảm nhận trách nhiệm chỉ khi nào nhóm nhỏ nhất không giải quyết được vấn đề. Tuy vậy, nếu nhóm nhỏ hơn cần sự giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ, nhóm cao cấp hơn phải hỗ trợ. Sự sắp đặt như thế được tóm tắt trong → Nguyên tắc Bổ trợ, và → Đề nghị Hỗ trợ. Ví dụ, nếu một gia đình gặp chuyện khó giải quyết, Nhà nước chỉ có thể can thiệp nếu gia đình đó hay bậc cha mẹ đã mang nhiều gánh nặng và không thể giải quyết được vấn đề. Nguyên tắc bổ trợ ra đời để gia tăng quyền tự do của cá nhân, nhóm, đoàn thể, và để ngăn chặn sự tập quyền (tập trung quyền lực vào tay một người hay một hội) quá mức. Sáng kiến cá nhân cần phải được khuyến khích, vì có khả năng giúp đỡ, cải thiện chính mình là một yếu tố quan trọng của phẩm giá làm người. Nguyên tắc bổ trợ được hình thành lần đầu tiên năm 1931, trong Thông điệp Quadragesimo Anno của Giáo hoàng Piô XI.

Ü 185-187 è 1883-1885 ð 286, 323

Bạn đừng giúp người ta bằng cách làm cho họ những gì chính họ có thể làm và nên tự làm.

Abraham Lincoln (1809-1865), Tổng thống Hoa Kỳ

 

 

96 Nguyên tắc bổ trợ có áp dụng cho chính trị?

Có. Áp dụng nguyên tắc bổ trợ là bắt buộc, ví dụ, khi phải quyết định mối liên hệ giữa chính quyền địa phương với chính quyền trung ương. Chỉ trong trường hợp chính quyền địa phương không thể tự giải quyết vấn đề, thì chính quyền trung ương mới giành thẩm quyền thực hiện. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, cũng có những tình huống mà cấp cao hơn phải can thiệp: ví dụ, khi thiên tai xảy ra trên diện rộng, hay khi nhân quyền bị vi phạm.

Ü 185-187 è 1883-1885, 1894 ð 286, 323

Điều anh nói, tôi có thể quên. Điều anh cho tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Điều anh để tôi làm, tôi mới hiểu.

Khổng Tử [Confucius] (551-479 TCN), Hiền triết Trung Hoa

 

 

97 Nguyên tắc bổ trợ có ý nghĩa gì cho cá nhân?

Chúng ta không thể cứ đẩy những vấn nạn về đời sống chung cho “các quan chức cấp cao”. Trong tình huống của mình, chúng ta cần tự mình nghĩ ra cách giải quyết vấn đề và chỉ yêu cầu sự nâng đỡ từ cấp cao hơn gần nhất khi gánh chúng ta mang đã quá nặng nề. Dĩ nhiên trước khi thực hiện bước trên, chúng ta nên tìm đến sự nâng đỡ trực tiếp ngang cấp từ các cá nhân, vì điều đó phù hợp cho cả người giúp và người được giúp. Các Kitô hữu, trên nguyên tắc, được kêu gọi tham gia tích cực vào xã hội, và không loại trừ một ai.

Ü 189 è 1913 ð 323, 328

 

 

Một người tự tin sẽ làm cho nhiều người khác tin tưởng.

François de la Rochefoucauld (1613-1680), nhà văn và nhà ngoại giao

Trách nhiệm đối với bản thân là gốc rễ của tất cả mọi trách nhiệm.

Mạnh Tử [Mong Dsi] (372-289 TCN), Hiền triết Trung Hoa

 

Sự an nguy của tiện dân dựa vào sự an nguy của quan lớn; sự an nguy của quan lớn dựa vào sự an nguy của tiện dân. Người làm lớn, kẻ chẳng danh phận; bậc cao quý, và đám thường dân, đều phải nương dựa vào nhau, để tất cả có thể sống an vui.

Lã Bất Vi [Lu Buwei] (k.300-236 TCN), Nhà mưu lược Trung Hoa

 

 

98 Làm sao có thể chia sẻ trách nhiệm mà tránh sự phụ thuộc gây hại?

Bằng sự tham gia. Sự tham gia của công dân là đá tảng góc tường xây nên nền dân chủ, và do đó, cũng quan trọng đối với người Kitô hữu. Các Kitô hữu thể hiện sự liên đới bằng cách tìm dịp tham gia vào xã hội dân sự và tác động lên số phận của nó. Như thế, họ quan tâm đến trách nhiệm định hình thế giới của mình. Quyền tham gia của mọi công dân phải được đảm bảo, để mang đến sự công bằng tham gia (xem bên dưới).

Ü 190 è 1913-1917

Nhiều con người nhỏ bé tại những nơi nhỏ bé làm nhiều điều nhỏ bé có thể thay đổi bộ mặt của trái đất.

Ngạn ngữ Xhosa (Nam Phi)

 

Hoa quả của Thinh lặng là Cầu nguyện

Hoa quả của Cầu nguyện là Đức tin

Hoa quả của Đức tin là Tình yêu

Hoa quả của Tình yêu là Phục vụ

Hoa quả của Phục vụ là Bình an

Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997)

 

 

 

99 Sự tham gia có thể thể hiện như thế nào trong thực tế?

Điều kiện tiên quyết cho sự tham gia thích hợp là nền giáo dục vững chắc và nguồn thông tin lành mạnh. Sự tham gia phải có mức độ đúng đắn, và không bị dùng sai để chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân. Sự tham gia cũng không nên chỉ gồm có mỗi quyền bỏ phiếu bầu cử (GS 30-31; CA 51-52). Về điểm này, học thuyết xã hội của Giáo Hội phê bình gay gắt những chế độ độc tài nhìn bất kỳ sự tham gia nào của công dân cũng chỉ như một mối đe doạ. Ngoài và vượt trên quyền bầu cử, các Kitô hữu còn cần phải dấn thân vào xã hội, bất kể sự dấn thân nàythực hiện trong nội bộ giáo xứ, một đảng phái chính trị hay một đoàn thể gần gũi. Giáo dân nên đào luyện để có khả năng chuyên môn trong nhiều vấn đề xã hội và nhờ đó mới có thể cộng tác vào việc định hình cộng đồng địa phương (GS 43). Dĩ nhiên, một Kitô hữu không nên chỉ tham gia vào xã hội với tư cách cá nhân, mà còn nên tạo điều kiện cho những người khác cùng tham gia với mình trong tư cách liên đới nữa. Sự tham gia đúng nghĩa của tất cả mọi người là cốt lõi của sự công bằng tham gia – mà sự công bằng tham gia này, đến lượt mình, là yếu tố quyết định của công bằng xã hội nói chung. Việc loại trừ các cá nhân ra ngoài là hành vi phủ nhận phẩm giá của họ, và do đó vi phạm mệnh lệnh phải tôn trọng con người.

Ü 151, 189-191, 406 è 1913-1917 ð 328

Chúng ta học bay trên trời như chim, học bơi dưới nước như cá, nhưng đến nay vẫn không học nổi cách đi trên mặt đất cùng nhau như anh chị em một nhà.

Martin Luther King

 

Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em đã chu toàn luật Đức Kitô.

Gl 6,2

 

100 Nguyên tắc liên đới hàm chứa điều gì?

Nguyên tắc liên đới diễn tả chiều kích xã hội của con người. Không ai có thể sống một mình, mà phải dựa vào người khác, không chỉ để nhận sự giúp đỡ thực tế, mà còn để đối thoại, trò chuyện, để thăng tiến nhờ hiểu biết các ý tưởng, lý lẽ, nhu cầu, mong ước của người khác, và để có thể phát triển nhân cách trọn vẹn hơn.

Ü 192 è 1939-1942 ð 332

V Lối sống tiện nghi, kiểu sống làm chúng ta chỉ nghĩ đến chính mình, vô cảm trước tiếng kêu cứu của đồng loại, đã đưa chúng ta vào cuộc sống mong manh như những bong bóng xà phòng, dù thú vị thế nào đi nữa, vẫn không có thực chất. Chúng khiến ta rơi vào ảo tưởng phù du và trống rỗng, đưa đến sự thờ ơ trước tha nhân. Thật ra, thái độ lãnh đạm này dường như được toàn cầu hoá. Chúng ta đang có thói quen giữ thái độ thản nhiên trước nỗi khổ của người khác vì nó không ảnh hưởng gì đến tôi; nó không liên can gì đến tôi; nó chẳng phải là việc của tôi!

Giáo hoàng Phanxicô, tháng 7 năm 2013, trong chuyến viếng thăm đảo Lampedusa

 

101 Tình liên đới có thể đi xa đến đâu?

Trong thế giới toàn cầu hoá, chúng ta vui vì các đường biên giới trở nên ít quan trọng hơn trước, các vùng miền trên thế giới trở nên gần nhau hơn, và giao tiếp truyền thông có thể trực tiếp. Tuy nhiên, toàn cầu hoá vẫn ẩn chứa những mối hoạ lớn: biến động kinh tế chính trị ở vùng này gây hệ quả tức thời đến dân chúng đang sống ở miền xa xôi khác. Dù nguyên tắc bổ trợ vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng từ quan điểm đạo đức, chúng ta phải học cách suy nghĩ mở rộng ra toàn cầu. Nhiều vấn đề như nạn đại dịch, và nạn di cư ồ ạt, chỉ có thể giải quyết ở cấp độ toàn cầu, nếu chúng ta muốn đạt tới những giải pháp dài hạn, ổn thoả cho tất cả mọi người trên hành tinh trái đất này.

Ü 192 è 1939-1948 ð 332, 376, 395

 

 

 

Công lý nghĩa là ‘trao lại’ –  cho Thiên Chúa, hoặc cho con người – ‘điều xứng đáng thuộc về Thiên Chúa,  và phần thoả đáng của mỗi người’.

Thánh Tôma AquinôSumma Theologiae [Tổng luận Thần học] II-II, q. 58, art. I [câu hỏi 58, mục I]

 

& Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cũng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.

1Cr 12,26

 

Nhiều người nói về người nghèo, nhưng rất ít người chịu nói với người nghèo.

Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997)

 

102 Tình liên đới có thể được đưa vào thực hành ra sao?

Tình liên đới là nguyên tắc xã hội và đồng thời cũng là đức tính luân lý (Tóm lược Học thuyết Xã hội, 193). Với tư cách là một nguyên tắc cho trật tự xã hội, tình liên đới giúp khắc phục “các cấu trúc tội lỗi” (SRS 36), tạo ra “nền văn minh tình yêu” và do đó là nền văn minh của tình liên đới. Với tư cách là một đức tính luân lý, tình liên đới có nghĩa là chủ tâm hỗ trợ mọi người một cách thực tế để họ được sống tốt đẹp. Những từ ngữ diễn tả lòng thương cảm mù mờ không có tác dụng; chúng ta phải hành động! “Nguyên tắc liên đới đòi hỏi mọi người thời nay phải đào luyện, trau dồi tâm trí để nhận thức rõ hơn rằng họ là những kẻ mắc nợ xã hội mà họ là một thành phần trong xã hội đó” (Tóm lược Học thuyết Xã hội 195). Nếu tự mỗi người, khó có thể làm nên chuyện lớn; tuy nhiên người ta vẫn hoàn thành nhiều việc khi biết phụ thuộc vào người khác, kể phụ thuộc vào những bậc tổ tiên. Như vậy, chúng ta cần phải có mặt vì những người khác nữa, và tính đến cả thế hệ tương lai trong mọi quyết định và hành động của mình.

Ü 193-195 è 1942 ð 323, 328, 332, 447

Tôi không thể nào chịu nổi cảnh trần trụi của cái nghèo!

Bob Geldof (1951), nhạc sĩ rock người Ailen

Đặc tính cốt yếu của tình yêu là sự quên mình.

Edith Stein (1891-1942)

 

Công lý mà thiếu tình thương là khắc nghiệt; tình thương mà thiếu công lý làm cho hư hỏng.

Friedrich Von Bodelschwingh (1831-1910), nhà thần học phái Luther, và nhà cải cách xã hội

 

103 Đối với người tín hữu, lý do sâu xa nhất của việc thực hành tình liên đới là gì?

Là tình liên đới của Đức Giêsu. Không ai thực hành tình liên đới cao cả hơnĐức Giêsu. Ngài được gửi đến như dấu hiệu sống động cho tình liên đới của Thiên Chúa với loài người, loài người chẳng thể giúp nổi bản thân mình. Con Thiên Chúa không chỉ công bố tình liên đới của mình với toàn thể loài người mà còn từ bỏ mạng sống vì họ nữa. Sự tự hiến tận cùng như thế vì người khác thể hiện mức độ cao nhất của tình yêu và tình liên đới, và phải trở thành chuẩn mực cho hành động của các tín hữu Kitô giáo.

Ü 196 è 949-953 ð 395

V Một chút trắc ẩn khiến thế giới bớt lạnh lẽo, và thêm tử tế.

Giáo hoàng Phanxicô, ngày 17/3/2013

 

Khi tôi tuyệt vọng, tôi nhớ lại rằng trong dòng lịch sử, những đường lối của chân lý và tình yêu đều luôn thắng thế vào phút cuối. Vẫn có những tên bạo chúa, những kẻ sát nhân, và trong một thời gian, dường như chúng bất khả chiến bại. Nhưng cuối cùng, chúng luôn thất bại. Hãy luôn nghĩ về điều đó.

Mahatma Gandhi (1869-1948)

 

104 Các nguyên tắc của học thuyết xã hội có phải là nền tảng duy nhất để xây dựng một xã hội tốt đẹp?

Không. Học thuyết xã hội của Kitô giáo tự bản chất gắn liền với những giá trị phổ quát đã có sẵn trước cả khi học thuyết được hình thành. Tôi phải có những giá trị vững chắc và tự mình cam kết giữ chúng để có một đời sống đúng theo tiếng lương tâm và có thể tham gia vào xã hội một cách vững vàng. Như vậy các nguyên tắc xã hội là những đường lối giúp định hình xã hội. Đến lượt, tất cả các giá trị được nối kết với phẩm giá con người như là giá trị chủ đạo, bắt nguồn từ việc con người là hình ảnh giống như Thiên Chúa.

Ü 197 è 2419-2425  ð 324, 438

V Không nên chỉ nói đến chuyện bảo tồn tính tổng thể của các hệ sinh thái, chúng ta còn phải dám nói đến việc gìn giữ tính toàn vẹn của sự sống con người, nói về vấn đề cần thúc đẩy và hợp nhất tất cả các giá trị hệ trọng.

Giáo hoàng Phanxicô, LS 224

 

105 Những giá trị nào quan trọng trong học thuyết xã hội?

Ba giá trị nền tảng: sự thật, tự do, và công lý. Thế nhưng để con người thật sự chung sống, tử tế với nhau, còn phải thêm tình yêu và lòng thương xót. Vì thế, thánh Tôma Aquinô nói: “Công lý mà thiếu vắng lòng thương xót là ác độc; thương xót mà không có công lý là nguồn gốc của suy đồi.”

Ü 197 è 1886 ð 324

 

Điều vĩ đại nhất được ban tặng cho con người là được chọn lựa, là tự do.

Sþren Kierkegaard (1813-1855), triết gia người Đan Mạch

 

Phục vụ Thượng Đế, chính là tự do.

Lucius Annaeus Seneca (k.4 TCN – 65 CN), chính trị gia và triết gia La Mã

 

 

 

106 Tự do nghĩa là gì?

Tự do là điều đặt con người lên trên muôn loài, và theo một nghĩa nào đó, khiến cho con người trở nên giống Thiên Chúa. Tự do đích thực không phải là khả năng chọn bất cứ thứ gì mình muốn, dù tốt hay xấu, mà là khả năng chọn lựa điều thiện hảo. Chỉ con người tự do mới có thể lãnh nhận trách nhiệm. Được tự do cá nhân, con người trở nên độc đáo. Trong một loạt các khả năng tuỳ chọn, con người có thể tự do chọn lựa nghề nghiệp, và ơn gọi riêng của mình; con người có thể đến và đi, chọn điều này và để lại điều kia. Đó là quyền căn bản –mà người ta không được giới hạn việc thực thi quyền này mà không có lý do hợp lý. Đối với sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, con người phải được phép phát biểu những ý kiến của họ về tôn giáo, chính trị, văn hoá. Mỗi người phải có thể được tự do nói lên quan điểm riêng của mình. Để việc đó có khả năng thực hiện được, cần phải có một trật tự pháp lý đảm bảo quyền tự do của một cá nhân, và bảo vệ quyền tự do đó khỏi áp lực bị xâm hại tự do bởi người khác.

Ü 199-200 è 1738 ð 286, 290

Khi bạn nói sự thật, sau này bạn sẽ không bao giờ phải cố nhớ lại bạn đã nói dối về chuyện gì.

Warren Buffet (1930-), doanh nhân tỉ phú Mỹ

 

Sự thật không tuân theo miệng lưỡi của chúng ta, mà đúng ra chính chúng ta phải tuân theo sự thật.

Matthias Claudius (1740-1815), nhà thơ Đức

 

107 Tại sao trong đời sống xã hội, chúng ta cần sự thật?

Sự thật, được diễn giải trong đời sống cá nhân của mỗi người, có nghĩa là tính thành thật và lòng trung thực. Nếu người ta không cư xử chân thành với nhau, xã hội nào cũng tan rã. Khi việc làm không còn đi đôi với lời nói, và khi chúng ta không còn có thể dámtin chắc rằng những người khác thành thực với mình, thì thái độ ngờ vực, lạnh lùng, và xảo quyệt sẽ định dạng cách con người chung sống với nhau. Một thành phần khác của sự thật trong lĩnh vực kinh tế-chính trị là tính minh bạch, cả trong những quyết định lẫn trong hành động. Điều này đặc biệt đúng khi liên quan tới vấn đề sử dụng những nguồn lực tài chính.

Ü 198 è 2464-2487 ð 452-455

& Chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa:… bằng một tình yêukhông giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ.

2Cr 6,4.7

 

108 Công lý là gì?

Công lý (sự công bằng) là sự quyết tâm “trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận” (CCC 1807).

Ü 201 è 1807, 2411 ð302

 

Công lý trao cho mỗi người những gì thuộc về họ, và không giành quyền trên tài sản của kẻ khác; công lý xem thường lợi lộc bản thân, để gìn giữ sự công bằng cho tất cả.

Thánh Ambrôsiô thành Milan (339-397), Tiến sĩ Hội Thánh

 

&  Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin xử cho con theo lẽ công bình của Chúa.

Tv 35,24

 

V Sự phát triển, là tên gọi mới của hoà bình.

Giáo hoàng Phaolô XI, PP 76

 

Một người không thể sống tử tế ở phạm vi này, mà lại có thể cho phép mình hành xử ác hại trong phạm vi khác của đời sống. Cuộc sống là một tổng thể hợp nhất, không tách rời.

Mahatma Gandhi

 

& Hãy thực thi lẽ công minh và điều chính trực; hãy giải thoát người bị bóc lột khỏi tay kẻ áp bức; đừng ngược đãi ngoại kiều, trẻ mồ côi và người goá bụa…

Gr 22,3

 

& Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Mt 13, 43

 

Mọi người đều ca ngợi công lý, nhưng lại đóng chặt cửa khi công lý đến gần.

Thành ngữ Thuỵ Điển

 

Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chẳng phải vì chúng ta đáng yêu gì, nhưng vì Thiên Chúa là Tình yêu.

C. S. Lewis (1868-1963), nhà văn viết tiểu thuyết, tiểu luận, và người biện hộ cho Thiên Chúa giáo

109 Có những hình thức công bằng nào?

Công bằng phân phối là mối liên hệ của cộng đồng với những thành viên của nó. Công bằng phân phối giao phần xứng hợp cho mỗi người hay mỗi nhóm. Công bằng pháp luật là mối liên hệ của các thành viên với cộng đồng. Công bằng pháp luật đòi hỏi mỗi thành viên phải đóng góp một phần phù hợp cho cộng đồng của mình. Công bằng giao hoán là mối liên hệ giữa những bên tương đương nhau: một người bán hàng cần phải nhận được một giá hợp lý cho món hàng mình bán. Công bằng giao hoán quy định sự phân phối hàng hoá khắp thị trường trên thế giới. Các hình thức công bằng nói trên họp thành công bằng xã hội. Đấu tranh cho công bằng xã hội là sự triển khai quan trọng của công bằngpháp luật. Trong khi công bằng pháp luật liên quan đến việc tuân thủ luật pháp và cơ quan chức năng đang thi hành luật, thì công bằng xã hội nêu lên vấn đề xã hội tổng thể. Sản vật của đất đai phải được chia phần đúng đắn. Những khác biệt không hợp lý giữa các cá nhân phải được cân bằng lại cho bớt chênh lệch. Trên hết, phẩm giá của con người phải được tôn trọng. Đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, con người không thể bị thu hẹp lại chỉ còn theo giá trị tài sản và giá trị hữu dụng của họ. Các chính sách mưu cầu hoà bình phải mang đến công bằngtheo nghĩa toàn diện của từ này, đặc biệt khi liên quan tới vấn đề phân phối của cải cách công bằng (GS 29). Sự phân phối của cải qua thị trường thế giới phải được quy định bởi công bằng giao hoán: một người bán hàng cần phải nhận được một giá hợp lý cho món hàng mình bán.

Ü 201 è 1928, 1943, 2411-2412, 2426-2436 ð 329, 430, 449

 

 

& Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.

1Cr 13,3

 

Điều gì chúng ta làm vì thương mến, chúng ta sẵn lòng làm hơn cả.

Thánh Tôma Aquinô Summa Theologiae [Tổng luận Thần học] I-II, q. 114, art. 4, corpus [câu hỏi 114, mục 4, phần chính]

 

110 Đâu là nguồn gốc của những giá trị này?

Tất cả mọi giá trị đều có cội nguồn từ Thiên Chúa. Tình yêu không phải là một thuộc tính mà Ngài ; chính “Thiên Chúa  Tình yêu” (1Ga 4,8). Do vậy, tình yêu thương dành cho tha nhân phải là điểm tham chiếu trung tâm cho tất cả hoạt động xã hội. Nếu tôi yêu mến, tôi sẽ chân thật, sẽ chấp nhận tự do của người khác, và sẽ hành động vì công lý. Tình yêu vượt quá công lý, vì tôi không chỉ trao cho người khác phần người ấy xứng đáng được nhận theo lẽ công bằng, mà còn hết lòng mong ước làm điều tốt đẹp cho người ấy. Giá trị căn bản của “phẩm giá con người” cũng đặt cơ sở trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vì Chúa yêu mến mỗi người vô cùng, nên Ngài đã tạo ra người ấy giống hình ảnh đáng yêu của Ngài; như thế, con người sở hữu một phẩm giá nội tại và không thể tách rời.

Ü 205 è2212 ð 321-324, 332

 

 Nếu Tình yêu thống lĩnh mặt đất, người ta không còn cần đến luật pháp nữa.

Aristotle, Nichomachean Ethics III, 7

& Tình yêu vui mừng trước điều thiện hảo; đối tượng của tình yêu là điều tốt đẹp. Yêu mến ai nghĩa là ước mong điều tốt lành cho người đó.

Thánh Tôma Aquinô Summa Theologiae [Tổng luận Thần học] I-II, [câu 26, mục 1, phần chính; câu 27, mục 1, phần chính; câu 26, mục 4, phần chính]

 

Thiếu tự do, thì chẳng có hoà bình; thiếu công lý, thì chẳng có tự do; thiếu tình yêu, thì chẳng có công lý.

Dan Assan (1946-), nhà hoạt động vì nhân quyền, tại Tel Aviv

 

 

111 Vì sao chỉ có công lý thôi thì chưa đủ?

Tình yêu cao hơn công lý, vì tình yêu thì “nhẫn nhục, hiền hậu” (1Cr 13,4). Lòng thương xót phải được thêm vào công lý, thì xã hội mới thật sự nhân đạo. Công bằng xã hội còn chưa đủ để con người có thể cùng chung sống, nói chi đến công bằng pháp luật, vì không nền pháp chế nào có khả năng làm phát sinh nơi người ta thiện ý dành cho nhau. Công bằng pháp luật chỉ có thể trừng phạt những tội phạm đến phẩm giá con người, và giúp cải huấn hành vi, nhưng tình bác ái xã hội mới giải phóng những nguồn lực sáng tạo hướng đến công ích, và đến thiện ích toàn diện cho tất cả mọi người. Điều này bao gồm những cấu trúc ngay chính cho phép lòng thương xót có mặt. Tuy nhiên, lòng thương xót không thể thay thế công lý, vì đây là một đòi hỏi đạo đức cơ bản. Người ta chỉ có thể kêu gọi lòng thương xót; nhưng bị buộc phải thực thi công lý.

Ü 206-207 è 1822-1829, 1844 ð 309

 

 

Trích dẫn các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

4

CÁC NGUYÊN TẮC TRONG GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

 

Rerum Novarum Gia đình như một ví dụ về sự bổ trợ

Nếu gia đình thấy mình rơi vào tình trạng đau buồn, hoàn toàn thiếu lời tư vấn của bạn bè, và không có cách nào để gỡ rối,  thì lúc đó gia đình rất cần sự trợ giúp của cộng đồng, vì gia đình là một phần của cộng đồng. Cũng vậy, nếu trong phạm vi gia đình xảy ra xung khắc nghiêm trọng về quyền lợi của các thành viên, các cơ quan công quyền phải can thiệp để buộc mỗi bên cho bên kia hưởng quyền lợi chính đáng. Đây không phải là chuyện tước đoạt quyền công dân, nhưng là đảm bảo và củng cố quyền lợi của họ cách đúng đắn và chính đáng. Thế nhưng nhà cầm quyền không được đi xa hơn; luật tự nhiên bảo họ phải dừng lại ở đây.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 11

 

Rerum Novarum Tài sản chung

Không chỉ có sự bất công, ai cũng thấy cả cái cảnh buồn nản và rối loạn trong mọi tầng lớp [của hệ thống xã hội chủ nghĩa], và cảnh công dân bị dồn vào lối sống nô lệ ngột ngạt và căm phẫn. Cánh cửa dẫn tới sự đố kỵ, công kích, bất hoà đã mở tung. Các nguồn của cải cũng sẽ cạn, vì không ai quan tâm gì đến chuyện áp dụng tài năng hay ngành nghề của họ; và sự bình đẳng lý tưởng mà dân chúng ôm ấp những giấc mộng êm đềm về nó, trên thực tế sẽ chỉ là sự san bằng hạ cấp tất cả mọi người vào một điều kiện sống suy đồi và khổ sở.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 12

 

Rerum Novarum Chức năng bổ trợ của Nhà nước, và công ích

Nhà nước không được bao biện cho cá nhân và gia đình, vì cả hai cần phải được hành động tự do, không bị cản trở, chừng nào mà hành động đó không đi ngược lại ích chung và lợi ích của người khác. Tuy vậy, nhà cầm quyền cũng cần tích cực đảm bảo an toàn cho cộng đồng và tất cả mọi cá nhân. Phải đảm bảo cho cộng đồng, vì sự gìn giữ này rõ ràng là việc của chính quyền cấp cao, điều này quá hiển nhiên đến mức sự an toàn của cộng đồng không chỉ là quy luật trên hết, mà còn là toàn bộ lý do tồn tại của chính quyền. Phải đảm bảo cho mỗi cá nhân, vì cả triết học lẫn Phúc Âm đều đồng thuận khi chỉ ra rằng đối tượng của chính quyền Nhà nước không được bao giờ là lợi ích của nhà cầm quyền, mà là lợi ích của những người đã chọn họ lên nắm quyền.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 28

 

Centesimus Annus Nền tảng: Sự liên đới xuất phát từ tình yêu

Điều chúng ta ngày nay gọi là nguyên tắc liên đới… rõ ràng là một trong những nguyên tắc căn bản của quan điểm Kitô giáo về sự tổ chức xã hội và chính trị. Đức Giáo hoàng Lêô XIII thường nhắc đến nguyên tắc đó bằng từ “tình thân hữu” – một khái niệm đã có trong triết học Hy Lạp. Giáo hoàng Piô XI đề cập đến nguyên tắc ấy với cụm từ tương đương về nghĩa là “tình bác ái xã hội”. Giáo hoàng Phaolô VI, đã mở rộng khái niệm này để bao hàm nhiều khía cạnh hiện đại của vấn đề xã hội, khi ngài nói đến nền văn minh tình yêu.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 10

 

Centesimus Annus Nhà nước và các nguyên tắc xã hội

Chính quyền phải trực tiếp và gián tiếp góp phần để đạt đến những mục tiêu này [quyền lợi của giai cấp công nhân]. Một cách gián tiếp, theo nguyên tắc bổ trợ, bằng cách tạo ra những điều kiện dễ dàng cho tự do hoạt động kinh tế, điều này sẽ dẫn đến nhiều cơ hội để có việc làm và các nguồn của cải tích luỹ. Một cách trực tiếp và theo nguyên tắc liên đới, bằng cách bảo vệ những phần tử yếu kém nhất, đặt các giới hạn cần thiết trên quyền tự quyết của các đoàn thể có quyền quy định điều kiện lao động, và đảm bảo sự hỗ trợ tối thiểu cần thiết cho người thất nghiệp trong bất kỳ trường hợp nào.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 15

 

Centesimus Annus Mạng lưới liên đới

Ngoài gia đình, những cộng đồng trung gian khác cũng có chức năng quan trọng và mang đến sức sống cho các mạng lưới liên đới. Những cộng đồng này phát triển như là những tập thể thật sự bao gồm những con người cụ thể và củng cố sức mạnh của mạng lưới xã hội, ngăn xã hội biến thành một khối vô danh không có tình người, thường xảy ra cách đáng tiếc như hiện nay. Chính trong sự liên đới với nhau trên nhiều cấp độ mà một con người sống được và xã hội trở nên “người” hơn.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 15

 

Centesimus Annus Giáo huấn xã hội về đối thoại

Ngoài ra, giáo huấn xã hội của Giáo Hội còn có chiều kích quan trọng về liên ngành. Để đưa sự thật duy nhất về con người thấm nhập dễ dàng hơn vào những bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị khác biệt và không ngừng thay đổi, giáo huấn xã hội phải bước vào cuộc đối thoại với nhiều ngành khác nhau liên quan đến con người. Giáo huấn đón nhận những điều hay mà những ngành này đóng góp, đồng thời giúp các ngành mở ra tới chân trời rộng hơn, nhằm phục vụ cá nhân con người, đối tượng được nhận biết và yêu thương trong sự viên mãn của ơn gọi mỗi người.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 59

 

Evangelium Vitae Chối bỏ sự liên đới

Trong khi bầu khí bất ổn về luân lý đang lan tràn được giải thích là do sự nhân rộng và tính nghiêm trọng của các vấn đề xã hội ngày nay, và kiểu giải thích đó đôi khi làm giảm nhẹ trách nhiệm của từng cá nhân, thì chúng ta cũng không thể chối bỏ sự thật rằng chúng ta đang phải đối diện với một hiện trạng có quy mô còn lớn hơn, có thể được mô tả như một cơ cấu thực thụ của tội lỗi. Đặc trưng của hiện trạng này là sự xuất hiện một nền văn hoá chối bỏ tình liên đới, và trong nhiều trường hợp, mang những dạng thức của một “nền văn hoá sự chết” đúng nghĩa. Nền văn hoá này được ủng hộ tích cực bởi những trào lưu mạnh mẽ về văn hoá, kinh tế, chính trị luôn khuyến khích ý tưởng về một xã hội quan tâm quá đáng đến tính thực dụng.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (1995), 12

 

Caritas in Veritate Bác ái vượt xa công lý

Ubi societas, ibi ius [Ở đâu có xã hội, ở đó có luật pháp]: mỗi xã hội xây dựng hệ thống pháp luật của mình. Bác ái vượt xa công lý, vì tình yêu là cho đi, gửi tặng những gì là “của mình” cho người khác; nhưng tình yêu không bao giờ được phép thiếu công lý, vì công lý thúc đẩy chúng ta trao cho người khác những gì là “của người ấy”, những gì người đó xứng đáng lãnh nhận do sự hiện hữu của mình, hay bởi công việc mình làm. Tôi không thể “cho” những gì thuộc về tôi cho người khác mà trước tiên không chịu đưa cho người ấy những gì thuộc về họ theo lẽ công bằng. Nếu chúng ta yêu thương người khác với lòng bác ái, trước tiên chúng ta phải công bằng với họ… Một mặt, bác ái đòi hỏi công lý: sự công nhận và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của mỗi cá nhân và mọi dân tộc… Mặt khác, bác ái trổi vượt công lý và kiện toàn công lý trong lý lẽ của trao ban và tha thứ. Thành đô trần thế được xây dựng không chỉ bởi mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, mà còn vươn tới một mức độ rộng lớn hơn và cơ bản hơn, nhờ những mối quan hệ từ sự rộng lượng, lòng thương xót, và sự hiệp thông.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 6

 

Caritas in Veritate Tình yêu, công lý, và công ích

Ước muốn công ích và nỗ lực hướng tới công ích, là một đòi hỏi của công lý và bác ái. Hành động cho công ích có nghĩa là, một mặt là phải quan tâm đến, và mặt khác, còn phải biết tận dụng toàn bộ các cơ chế quy định đời sống xã hội về mặt pháp lý, văn minh, chính trị, văn hoá, và với cách thức này polis, mới đạt được hình dạng của “thành phố”. Chúng ta càng đảm bảo sao cho công ích tương thích với những nhu cầu thật sự của người lân cận, thì tình yêu của chúng ta dành cho họ mới càng phát sinh hiệu quả nhiều hơn. Mỗi Kitô hữu được kêu gọi để thi hành đức bác ái này tương ứng với ơn gọi và mức độ ảnh hưởng mà người đó có thể vận dụng, trong thành phố (polis). Đây là con đường thuộc cơ cấu, mà chúng ta cũng có thể gọi là con đường chính trị – của bác ái, không kém ưu tú hay ít hiệu quả hơn so với kiểu bác ái mà tiếp cận trực tiếp người khác, nghĩa là ra ngoài sự vận hành của cơ chế phố thị (polis). Khi được tình bác ái tác động, sự dấn thân cho công ích sẽ có giá trị lớn hơn sự dấn thân theo lập trường thuần tuý thế tục và chính trị.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 7

 

Evangelii Gaudium Xây dựng cầu nối với tha nhân

Chủ nghĩa cá nhân thời hậu hiện đại và toàn cầu hoá ưu ái một lối sống làm suy yếu sự phát triển và bền vững của các mối dây liên hệ giữa con người, và làm biến dạng giềng mối gia đình. Hoạt động mục vụ cần làm nổi bật sự thật này là mối liên hệ của chúng ta với Cha Trên Trời đòi hỏi và khuyến khích một tình hiệp thông có tác dụng chữa lành, thúc đẩy, và củng cố các mối quan hệ giữa con người với nhau. Trong thế giới của chúng ta, đặc biệt ở một số quốc gia, những loại xung đột và chiến tranh khác nhau đang xuất hiện trở lại, tuy vậy các Kitô hữu chúng ta vẫn kiên vững trong ý hướng tôn trọng người khác, chữa lành các vết thương, xây dựng cầu nối, củng cố các mối quan hệ, và “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2). Cũng vậy, ngày nay nhiều tổ chức bảo vệnhân quyền và theo đuổi những mục tiêu cao quý đang được thành lập. Đây là dấu hiệu cho thấy nỗi khao khát của nhiều người muốn đóng góp vào sự tiến bộ văn hoá và xã hội.

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 67

 

Evangelii Gaudium Của cải nên phục vụ lợi ích chung

Tình liên đới là một phản ứng tự phát nơi những người nhận ra rằng chức năng xã hội của tài sản và mục đích phổ quát của vật chất là những thực tại quan trọng hơn chính của cải cá nhân. Quyền tư hữu tài sản được biện minh bằng nhu cầu bảo vệ và gia tăng của cải, để chúng có thể phục vụ công ích tốt hơn; vì lý do này, tình liên đới phải được thể hiện như một quyết định trả lại cho người nghèo những gì thuộc về họ. Niềm xác tín trên cùng những thói quen tương trợ, khi được đưa vào thực hành, sẽ mở đường cho những biến đổi về cơ cấu và khiến cho những biến đổi đó trở nên khả thi. Thay đổi cơ cấu mà thiếu những niềm xác tín mới và thái độ mới như trên, thì những cơ cấu đó sớm muộn cũng sẽ đổ vỡ nặng nề và vô hiệu.

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 189

Nguồn: HKK