Đức Giêsu Xây Dựng Một Thế Giới Mới – Đạo yêu thương.

print

Đức Giêsu Xây Dựng Một Thế Giới Mới

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Bạn thân mến,

Cùng với việc bày tỏ dung mạo đích thực của Thiên Chúa là Cha yêu thương, Đức Giêsu đến trong cuộc đời này còn để loan báo và kiến tạo một thế giới mới, được gọi là Nước Trời, Nước của Thiên Chúa.

Thế giới mới ấy là thế giới của tình yêu thương và chia sẻ, thay cho một thế giới tràn ngập áp bức, bất công và bóc lột.

Có lần Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng Ngài nuôi sống cả chục ngàn người. Đám đông hàng ngàn người ấy, với những khác biệt về tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa, tất cả đều dùng chung một bữa ăn thanh đạm, nhưng hoàn toàn bình đẳng và đầy ắp tình người (Gioan 6,1-15).

Các Kitô hữu đầu tiên đã sống tinh thần ấy cách triệt để:

“Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của cải chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Công vụ Tông Đồ 2,44-45).

Lại chẳng phải là hình ảnh của thế giới lý tưởng mà nhân loại hằng mong ước sao?

Thế giới mới là thế giới của sự thật và thành tín thay cho một thế giới của gian dối và lừa lọc.

Khi phải ra trước tòa án của Philatô, tổng trấn Rôma thời đó, Đức Giêsu đã dõng dạc tuyên bố:

“Tôi đã sinh ra và đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Gioan 18,37).

Vâng, Ngài đến để bày tỏ sự thật về Thiên Chúa, sự thật về con người, về phẩm giá và vận mệnh tối hậu của con người. Khi sống theo sự thật đó, chúng ta sẽ trở thành
những con người tự do đích thực:

“Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Gioan 8,32).

Thế giới mới là thế giới của khoan dung và tha thứ, thay cho một thế giới đầy rẫy hận thù và chiến tranh.

Đức Giêsu dạy các môn đệ rằng:

“Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất lương” (Matthêu 5,44-45).

Đức Giêsu không chỉ nói, mà chính Ngài còn làm gương trước.

Khi bị đóng đinh trên thập giá, Ngài cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình:

“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23,34).

Martin Luther King, nhà đấu tranh cho dân quyền bằng đường lối bất bạo động tại Hoa Kỳ, được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1964, khi suy nghĩ về lời cầu nguyện này, đã kêu lên:

“Đó là giây phút đẹp nhất cuộc đời Đức Giêsu”.

Thế giới mới ấy có được khi chúng ta hiểu ra rằng: Tất cả nhân loại có chung một người Cha là Thiên Chúa, vì thế tất cả là anh chị em với nhau. Và phải cư xử với nhau như anh chị em ruột thịt trong một mái ấm gia đình.

Một người con càng có lòng hiếu thảo với cha mẹ bao nhiêu, thì càng yêu thương  anh chị em trong nhà bấy nhiêu.

Cũng thế, chính niềm tin vào Thiên Chúa là Cha yêu thương, giúp cho người môn đệ Đức Giêsu nhìn người khác bằng một cặp mắt mới, để khám phá đây là anh chị em của tôi.

Trong gia đình của Thiên Chúa, luật tối thượng là luật yêu thương như Đức
Giêsu dạy:

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Người ta cứ dựa vào dấu hiệu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Gioan 13,34-35).

Tiêu chuẩn để nhận diện một tình yêu chân chính là sự hy sinh và từ bỏ, chứ không phải chiếm hữu hay hưởng thụ như nhiều người lầm tưởng:

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gioan 15,13).

Vì thế giới mới là thế giới của tình yêu thương và chia sẻ, sự thật và thành tín, khoan dung và tha thứ, nên phương thế xây dựng thế giới mới không phải là vũ khí và kế hoạch quân sự, càng không phải là bạo lực và khủng bố, nhưng là sự hoán cải:

“Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Maccô 1,15).

Hoán cải là thay đổi trong chiều sâu của tâm hồn, từ hận thù sang yêu thương, từ ích kỷ đến vị tha, từ kiêu căng đến khiêm tốn. Sự thay đổi ấy sẽ tác động trên cách nhìn, cách nghĩ và cách sống của chúng ta; từ đó, hình thành và làm mới lại những quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, những quan hệ thấm đậm tình yêu thương và chia sẻ, khoan dung và tha thứ. Thế giới mới ấy được bắt đầu trong tâm hồn mỗi người và ngày càng rõ nét nhờ những con người mới, với quả tim mới.

Tôi muốn mời bạn đọc một bài thơ, cũng là lời cầu nguyện của một vị thánh Công Giáo, thánh Phanxicô Assisi, ở đó gói ghém tâm tình và hướng sống của những con người thuộc về thế giới mới, thế giới chứa chan mừng vui, bình an và hạnh phúc.

Lạy Chúa từ nhân,
xin cho con biết mền yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,
đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
đem an hòa vào nơi tranh chấp,
đem chân lý vào chốn lỗi lầm,
để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn ụ sầu.

Lạy Chúa, xin hãy dạy con,
tìm an ủi người hơn được người ủi an,
tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con.
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.