Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 06 – Bài 10

print

Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 06 – Bài 10

Kulandaisamy và Y. Karunanidhi

Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC

Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”

Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections

WHĐ

Bài 06 – Ngợi khen Thiên Chúa.

Bài 07 – Thinh lặng.

Bài 08 – Suy đi nghĩ lại trong lòng.

Bài 09 – Được người cao niên chúc phúc.

Bài 10 – Nhận biết những nhu cầu.

 

Bài 06 – Ngợi khen Thiên Chúa

Bài ca ngợi khen Thiên Chúa của Đức Maria

Kinh Magnificat là bài ca ngợi khen Thiên Chúa của Đức Maria. Bài thánh ca tuyệt vời này tuôn trào từ tâm hồn Mẹ, sau khi bà Elisabeth, người đang cưu mang Gioan tiền hô, đã nhìn nhận Mẹ được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa (x. Lc 1,42-45). Trái tim Đức Maria vỡ òa trong niềm vui lớn lao và Mẹ ngợi khen Thiên Chúa. Mẹ không nói gì về mình nhưng chỉ nói về sự can thiệp đầy lòng thương xót của Thiên Chúa trong đời sống của Mẹ và đời sống của dân Israel.

Trong lời kinh Magnificat, Đức Maria không chỉ nhớ đến những việc tốt lành Thiên Chúa đã làm cho cuộc đời Mẹ (câu 46-49), nhưng còn cho cả nhân loại (câu 50-53). Trong phần kết luận (câu 54-55), Mẹ nhắc đến những việc tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho Israel. Có hai lý do để Đức Maria ca ngợi Thiên Chúa: (1) Thiên Chúa đã đoái thương đến phận hèn của nữ tỳ Ngài; (2) Đấng Toàn Năng đã làm bao việc trọng đại cho Mẹ và cho dân Israel.

Trong Phụng vụ Giờ kinh, Giáo hội công bố bài ca này trong giờ Kinh chiều mỗi ngày. Giáo hội nhìn nhận bài ca này là một trong những bài ca quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất của Tân ước. Cùng với Đức Maria, Giáo hội ca ngợi Thiên Chúa bằng chính những lời của Mẹ.

 

Chiều kích Giáo hội của Kinh Magnificat

Như đề cập từ rất sớm, trong kinh Magnificat, Đức Maria không chỉ ca ngợi Thiên Chúa vì những ích lợi và ân sủng Mẹ nhận được cho mình, nhưng lời cầu nguyện của Mẹ lên đến đỉnh điểm trong việc công bố mọi kỳ công Thiên Chúa đã làm cho dân của Ngài là Israel mà Mẹ là một thành viên. Ở đây nói lên tầm quan trọng của khía cạnh cộng đoàn trong lời ca ngợi của Mẹ. Mẹ là đại diện cho toàn thể dân Israel.

“Hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”: trong những lời này, Đức Maria nhắc lại lời của Leah trong sách Sáng Thế 30,13: “Tôi hạnh phúc biết bao ! Vì các cô gái sẽ khen ngợi tôi có phúc”. Về điểm này, J. Fitzmyer đã viết trong lời bình luận của ông như sau: “Thánh Luca đã đổi cụm từ “các cô gái” thành “hết mọi đời” và có ngụ ý nói lên một sự tôn trọng dành cho Đức Maria, là Mẹ Thiên Chúa và là người đại diện đầu tiên của đức tin trong bài tường thuật của ngài liên quan đến tất cả mọi người sẽ đón nhận Con của Mẹ trong đức tin. Câu này diễn tả một thái độ căn bản của tất cả Kitô hữu đối với người Mẹ đáng tin của Chúa”[1]. Bài thánh ca này mang chiều kích Giáo hội. Một mặt, nó nhắc nhớ về lịch sử của dân Israel, mặt khác nó diễn tả một Israel mới, đó là những người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, Đức Maria đại diện cho cả Israel cũ và mới.

Trong Giáo hội hiệp hành, khía cạnh cộng đoàn rất quan trọng. Đó như là một sự tập họp để chúng ta ca ngợi Thiên Chúa. Tất cả mỗi người chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Là Giáo hội hiệp hành, chúng ta phải phụng thờ Thiên Chúa và ca ngợi Ngài như một gia đình. Điều đó không chỉ thể hiện trong việc thờ phượng của chúng ta, mà còn nên được thể hiện trong đời sống thường ngày của chúng ta đối với nhau trong tư cách là dân Chúa được liên kết trong tình yêu.

 

Khiêm nhường chấp nhận thân phận thấp hèn của mình

Khi Đức Maria công bố mình “là nữ tỳ của Chúa” trong biến cố Truyền tin, Đức Maria đã tái khẳng định sự khiêm nhường của Mẹ trong kinh Magnificat qua việc công nhận cách chính đáng những sự tốt lành mà Chúa làm trong cuộc đời Mẹ. Lời cầu nguyện của bà Anna nài xin một đứa con và những lời của Leah sau khi bà sinh con đã được lặp lại trong Luca 1,48a. Vị thế thấp kém của người nữ tỳ của Chúa trong câu 48a trong kinh Magnificat có thể được ghi nhận trong các đoạn Kinh Thánh Cựu ước: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến thân phận thấp hèn của nữ tỳ Ngài” (1 Sm 1,11); “vì Đức Chúa đã đoái đến thân phận thấp hèn này” (St 29,32); “Tôi hạnh phúc biết bao ! Vì các cô gái…” (St 30,13); “Đức Chúa đã nghe nữ tỳ Ngài và đoái đến thân phận thấp hèn, và đoái xem sự khốn cùng của tôi và ban cho tôi một người con trai” (4 Ezra 9,45).

Trung thành với giáo huấn trong Cựu ước, Đức Maria chấp nhận thân phận thấp hèn và tín thác vào lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Mẹ không ngần ngại chấp nhận mọi tình huống trong cuộc sống như “nghèo khó” và “thấp hèn”. J. Fitzmyer nhận định rằng: “Đức Maria đã nhìn nhận bản thân Mẹ như một người ‘nữ tỳ’ (Lc 1,38) trong câu trả lời của Mẹ với sứ thần Gabriel; vì thế, danh từ ‘nữ tỳ’ ở đây nên được hiểu là ‘người có địa vị thấp’. Nó diễn tả sự không xứng đáng của Mẹ, khi được trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế”[2].

Với một người khiêm tốn, họ sẽ chấp nhận sự nghèo khó của mình và dựa vào Chúa. Sự khiêm tốn của chúng ta phải xuất phát từ sự xem xét bản thân. Chấp nhận tổn thương với thái độ tích cực là một điều kiện tiên quyết để lớn lên như một Kitô hữu trưởng thành. Khiêm tốn trước Chúa và trong mối tương quan với người khác có thể giúp chúng ta trưởng thành trong hành trình thiêng liêng. Những lời của Đức Maria trong kinh Magnificat dạy chúng ta khiêm tốn, để đón nhận ân huệ của Chúa, và củng cố tương quan huynh đệ bằng cách thiết lập một mối dây hiệp thông giữa anh chị em của chúng ta.

 

Ca tụng tình yêu thương xót của Chúa

Chúng ta cần nhận ra tình yêu thương xót của Chúa như một động lực thúc đẩy chúng ta cất bước với nhau trên cùng con đường như một gia đình. Tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa đối với dân người không thể so sánh được. Trong kinh Magnificat, Đức Maria dùng từ ‘thương xót’ (trong tiếng Hy Lạp là eleos) đến hai lần (câu 50 và 54).

Trong tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và Israel, thuật ngữ ‘thương xót’ (trong tiếng Do thái là hesed) liên quan đến một cam kết pháp lý và trung thành. Nhưng khi dân Israel không còn tôn trọng giao ước và vi phạm lề luật, Thiên Chúa đã không bám chặt vào các khía cạnh pháp lý của giao ước, vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi giới luật. Do đó, thuật ngữ này không bị giới hạn trong nghĩa vụ pháp lý nhưng nó bày tỏ một tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa, tình yêu vượt trên mọi điều kiện và luật lệ. Ở đây, thuật ngữ này đạt đến một ý nghĩa sâu sắc hơn về tình yêu vô điều kiện và vĩnh cửu đối với dân Người.

Tiến trình hiệp hành là một cơ hội tuyệt vời để nhận ra và chiêm ngưỡng tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa trong mỗi kinh nghiệm cá nhân và trong mỗi kinh nghiệm của đời sống Giáo hội. Đôi khi chúng ta bị cám dỗ xem Thiên Chúa như là một quan tòa vô cùng nghiêm khắc, thay vì cần xây dựng mối tương quan hiếu thảo với Người như là Cha yêu thương. Nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, là Cha, cũng giống như tình yêu của một người mẹ được mặc khải trong Hôsê 11,8 và Isaia 49,15 là một yếu tố cần thiết cho linh đạo hiệp hành, bởi vì một người không có cảm nhận rằng mình được yêu – thì họ không thể yêu người khác và cũng không thể xây dựng một cộng đoàn hiệp hành.

 

Nói không với tính kiêu căng và tự mãn

Khi tuyên bố công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, Đức Maria hát lên: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (câu 51). Cánh tay Chúa là sự nhấn mạnh đến uy quyền và sức mạnh của Ngài (x. Xh 6,6; Đnl 4,34). Cựu Ước mô tả kẻ kiêu căng và tự mãn như là kẻ thù của Thiên Chúa (x. Is 2,12). Thiên Chúa không muốn ai trở thành người kiêu căng và tự mãn.

Kiêu căng và tự mãn là những kẻ thù nguy hiểm của Tính hiệp hành, bởi vì chúng phá hủy những tương quan giữa con người với nhau. Người kiêu căng đối lập với kẻ khiêm nhường (x. Cn 3,34; Gc 4,6). Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tội kiêu ngạo như sau: “Có những tội được nhìn thấy và những tội không được nhìn thấy. Có những tội rõ ràng, ồn ào nhưng cũng có những tội quanh co ẩn nấp trong lòng khiến chúng ta không hay biết. Điều tồi tệ nhất trong số này là tội kiêu ngạo, nó có thể tiêm nhiễm vào cả những người đạo đức. Có một tu viện nổi tiếng của các nữ tu, vào những năm 1600-1700, vào thời Jansenimo. Họ vô cùng hoàn hảo, và người ta nói họ trong sáng như thiên thần, nhưng cũng kiêu ngạo như ác quỷ. Đúng là một điều tồi tệ. Tội chia rẽ tình huynh đệ; tội khiến chúng ta nghĩ rằng mình tốt hơn người khác; tội cũng làm chúng ta tưởng rằng mình có thể so sánh với Chúa”[3].

Bất cứ ai kiêu ngạo và tự mãn dù họ là linh mục, tu sĩ nam nữ, hoặc những người giáo dân đang cộng tác và phục vụ trong các giáo xứ, hội dòng, giáo phận hoặc bất kỳ một tổ chức nào của Giáo hội, đều đi ngược lại tinh thần của sứ điệp Tin mừng và Linh đạo Hiệp hành.

 

Tán thành bình đẳng và công bằng xã hội

Kinh Magnificat của Đức Maria là một bài ca cách mạng có tính thay đổi rất lớn. Nó nói lên tệ nạn áp bức xã hội và khoảng cách giàu nghèo. Đức Maria tiên báo Chúa là “Đấng hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (câu 52, 53).

Những suy nghĩ mang tính cách mạng của Đức Maria về sự giải thoát của Thiên Chúa truyền cảm hứng để chúng ta cộng tác trong việc xây dựng Vương quốc Thiên Chúa, nơi không còn sự khác biệt giữa chủ và tớ, giàu và nghèo, nam và nữ, có học hay thất học, v.v… Chúng ta là con cái Thiên Chúa và chúng ta có phẩm giá giống nhau như những con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Là những người đã được rửa tội, chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô, với những quyền lợi và bổn phận như nhau trong Giáo hội.

 

Magnificat – một lời cầu nguyện hiệp hành

Suy niệm kinh Magnificat mời gọi chúng ta hát lên lời ca ngợi Thiên Chúa cùng với Đức Maria trong suốt tiến trình hiệp hành. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói: “Đức Maria là trinh nữ cầu nguyện. Mẹ thể hiện điều đó trong chuyến viếng thăm bà mẹ của vị tiền hô, khi đó tâm hồn Mẹ dâng trào lời tôn vinh Thiên Chúa, bày tỏ lòng khiêm nhường, tin tưởng và hy vọng. Tâm tình cầu nguyện này chính là kinh Magnificat (x. Lc 1,46-55), lời cầu nguyện tuyệt hảo của Đức Maria, bài ca về thời thiên sai trong đó hòa lẫn niềm vui của dân Israel cũ và mới. Theo thánh Irênê, trong bài thánh ca của Đức Maria, người ta một lần nữa có thể nghe thấy niềm vui của Abraham, người đã thấy trước Đấng Thiên Sai (x. Ga 8,56) và vang lên trong sự dự đoán tiên tri về tiếng nói của Giáo hội: Trong niềm hân hoan của mình, Đức Maria nhân danh Giáo hội đã tuyên bố lời tiên tri: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…” Và quả thực, bài thánh ca của Đức Maria đã lan truyền khắp mọi nơi và trở thành lời cầu nguyện của toàn Giáo hội qua mọi thời đại”[4].

Chúng ta hãy học nơi Mẹ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện trong đời sống đức tin cá nhân và cộng đoàn của chúng ta. Đức Maria dạy chúng ta hát lên lời ca ngợi Thiên Chúa và trở thành những cộng tác viên của Ngài trong việc thúc đẩy công lý và hoà bình. Nếu Giáo hội muốn trở nên hiệp hành, thì Giáo hội phải mang tính quy tụ, đón nhận người bị áp bức, người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề xã hội và phải đấu tranh cho công bằng xã hội. Dù cho chúng ta bị tổn thương và yếu đuối, Thiên Chúa vẫn tiếp tục hướng dẫn chúng ta như Ngài đã từng dẫn dắt dân Israel. Chúng ta hãy cam kết bước đi trên con đường biến đổi, con đường thống nhất nội tâm, con đường Giêsu và con đường mà Giáo hội đang đề nghị cho hành trình hiệp hành của chúng ta.

[1] The Gospel According to Luke I-IX (Tin Mừng theo Thánh Luca 1-9) (Anchor Bible 28), Doubleday, New York 1981, trang 367.

[2] Ibid.

[3] Buổi Tiếp Kiến Chung của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 10.04.2019

[4] Đức Phaolô VI, Tông huấn Marialis Cultus về việc tôn kính Ðức Maria trong Giáo hội, ngày 10.02.1974, số 18.

 

 Bài 07 – Thinh lặng

Nền tảng Thánh Kinh

Trong Tông thư Patris Corde (Trái Tim Người Cha) – Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Trong cuộc sống, vẫn có những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, ngài vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình… Thánh Giuse tìm được hạnh phúc không phải ở sự hy sinh bản thân mà là ở sự tự hiến. Nơi ngài, chúng ta không bao giờ thấy nỗi thất vọng mà chỉ thấy niềm tin tưởng. Sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng”[1].

Những lời này của Đức Thánh Cha cũng đúng với Đức Maria. Không như Thánh Giuse, Đức Maria đã từng lên tiếng trong Tin mừng. Lời của Mẹ đã được các Thánh sử ghi lại. Mẹ tương tác với sứ thần Gabriel (x. Lc 1,34); chào hỏi bà Elisabeth ở nhà ông Dacaria (x. Lc 1, 41); hát Kinh Magnificat (x. Lc 1,47-55); chất vấn trẻ Giêsu trong đền thờ Giêrusalem (x. Lc 2,48); và tại Cana, Mẹ thông báo cho Chúa Giêsu biết họ hết rượu rồi (x. Ga 2,3); và hướng dẫn người phục vụ hãy làm những gì Chúa Giêsu bảo (2,5).

Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhận thấy sự thinh lặng bao trùm trên tất cả những lời này. Thật ra, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, sự thinh lặng nơi Đức Maria có vẻ nhiều hơn những lời Mẹ nói. Thánh sử Matthêu trình bày Đức Maria như một người thinh lặng trong trình thuật thời Thơ ấu. Thánh Matthêu giới thiệu Đức Maria đã đính hôn với Giuse (x. Mt 1,18), được Giuse đón về làm vợ (x. Mt 1,24); được ba Đạo sĩ thăm viếng (x. Mt 2,11), được Thánh Giuse bảo vệ trên đường trốn sang Ai Cập và trên đường trở về (x. Mt 2,13-14; 2,20-21). Khác với nhiều trường hợp trong trình thuật thời Thơ ấu của Matthêu, trong Tin mừng Luca, Đức Maria im lặng khi họ không có chỗ trong quán trọ (x. Lc 2,7), khi các mục đồng đến thăm Mẹ và hài nhi trong máng cỏ (x. Lc 2,16), và việc dâng Hài nhi Giêsu trong đền thờ Giêrusalem (x. Lc 2,34-35). Trong Maccô và Luca, chúng ta có những sự đề cập đến việc Mẹ của Chúa Giêsu đến gặp Người (x. Mc 3,31; Lc 8,19). Trong Gioan, Đức Maria đứng lặng yên dưới chân thập giá (x. Ga 19, 26-27).

 

Ý nghĩa hiệp hành

Những trường hợp thinh lặng của Đức Maria miêu tả phẩm chất quan trọng cần có cho Giáo hội hiệp hành.

Nói không với quyền lợi

‘Việc được hưởng quyền’ làm cho một người có cảm giác rằng mình được ban cho quyền để có hoặc làm một điều gì đó trong địa vị, chuyên môn hoặc ơn gọi của mình. Một người có thể được hưởng quyền từ một đặc quyền, một sự vật hoặc một hoạt động. Ví dụ, một người mang cấp bậc chỉ huy trong quân đội vũ trang thì có quyền được cấp dưới chào. Khi Đức Maria bị từ chối để có một chỗ trong quán trọ, Mẹ đã từ bỏ quyền lợi trong địa vị là Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã cảm thấy không có quyền để đòi hỏi Thiên Chúa phải chuẩn bị mọi thứ cho Con Chúa được sinh ra qua Mẹ. Giáo sĩ trị nổi lên là bởi vì ‘quyền lợi’; và việc được hưởng quyền lực với tư cách là giáo sĩ dẫn đến nhiều hình thức lạm dụng khác nhau như: quyền lực, kinh tế, lương tâm và tình dục[2].

 

Nói không với óc bài ngoại

‘Óc bài ngoại’ là sợ hoặc ghét những người xa lạ hay người nước ngoài hoặc bất cứ thứ gì lạ. Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng điều này, khi chúng ta không chấp nhận người ngoại kiều hoặc những thứ khác lạ từ bên ngoài vào cộng đoàn của chúng ta. Trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta có nhiều nhóm khác nhau về quốc tịch, ngôn ngữ hoặc lễ nghi. Điều này tạo thuận tiện cho việc phục vụ các nhu cầu mục vụ của họ. Tuy nhiên, ở cấp độ hiện sinh, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là điều đó có thể tạo ra sự phân biệt đối xử, phân cực và chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ. Đức Maria chào đón các đạo sĩ với đôi tay rộng mở. Không có bất kỳ một sự kháng cự nào từ nơi Mẹ.

 

Nói không với định kiến

Vào thời Chúa Giêsu, những người chăn chiên được xem như những kẻ trộm cắp, nói dối và xâm phạm tài sản và ruộng vườn của người khác. Đối với họ, sự ra đời của Chúa Giêsu là nhờ Thiên thần loan báo. Ngay khi Thiên thần rời đi, những người chăn chiên đã để lại đàn súc vật ngoài đồng hoang mà đến Bêlem hầu chứng kiến sự kiện đang xảy ra. Họ không chỉ viếng thăm Hài nhi nằm trong máng cỏ, mà còn thuật lại cho Đức Maria và thánh Giuse những điều họ đã được nghe nói về Hài nhi. Đức Maria không có bất cứ định kiến nào đối với những người chăn chiên. Mẹ lắng nghe họ mà không phán xét. Trong Giáo hội hiệp hành, việc lắng nghe thường xuyên bị cản trở bởi thành kiến đối với người khác như thế nào?

Nói không với sự sợ hãi

Liên kết chặt chẽ với tư tưởng bài ngoại và định kiến, chính là nỗi sợ hãi của chúng ta về những điều chưa biết. Đức Maria không chỉ gặp gỡ những người lạ (các đạo sĩ) trên chính quê hương của Mẹ, nhưng ngay cả trong cuộc chạy trốn sang Ai Cập, mảnh đất dân ngoại. Câu chuyện về chế độ nô lệ của tổ tiên Mẹ tại Ai Cập có lẽ đã nằm trong tiềm thức của Mẹ, nhưng Mẹ không hề sợ hãi những gì chưa biết. Tầm nhìn đức tin của Mẹ đã vượt qua ranh giới của Ai Cập. Mẹ sẵn sàng đối diện với những ẩn số về không gian – những gì có thể xảy ra trên vùng đất mới – và những ẩn số về thời gian – những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Giáo hội hiệp hành cần phải vượt qua những nỗi sợ này.

 

Nói không với sự cứng nhắc

Khi ông Simêon nói với Đức Maria rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ (x. Lc 2,35), tâm hồn của Mẹ đã không cứng nhắc để chống lại lời tiên báo hay chống lại lưỡi gươm. Đối lập với sự cứng nhắc là sự thích ứng. Sự thích ứng được định nghĩa là khả năng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Từ bản văn, chúng ta không thấy được rõ ràng ý nghĩa của thanh gươm xuyên thấu. Nhưng điều rõ ràng là một vết gươm đâm thấu sẽ để lại một vết sẹo không thể xóa nhòa, và sẽ là một lời nhắc nhở về sự tổn thương của Mẹ. Bài học mà chúng ta học nơi Đức Maria cho Giáo hội hiệp hành là bất cứ tổn thương nào mà chúng ta đã trải qua, dù là cá nhân hay tập thể, chúng ta cần phải hồi phục nhanh và tiếp tục cuộc hành trình.

 

Nói không với sự xung đột của những ý muốn

Tại đền thờ Giêrusalem, khi Đức Maria chất vấn cậu bé Giêsu: ‘Này con, tại sao con lại đối xử với chúng ta như thế? Cha con và Mẹ đã cực lòng tìm con’, Cậu bé Giêsu trả lời, “Tại sao Cha Mẹ lại tìm con? Cha Mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà của Cha con sao? (x. Lc 2,48-49). Thánh Luca viết rằng: cha Mẹ Chúa Giêsu đã không hiểu những gì Ngài nói (x. Lc 2,50). Đức Maria, người đã nghe được lời giải thích từ sứ thần Gabriel, nhưng lại không nghe được lời giải thích từ người con của Mẹ. Ý nghĩa của ‘nhà Cha’ chắc hẳn đã làm Mẹ hoang mang. Mẹ nhận ra rằng có sự xung đột giữa ý Chúa và ý muốn nhân loại, và trong thinh lặng, Mẹ phó dâng cho ý Chúa. Giáo hội hiệp hành là nơi ý Chúa hoà hợp với ý muốn nhân loại.

 

Nói vâng với tính chất dễ bị tổn thương

Trong cuộc đời, Đức Maria đã có hai lần cảm thấy bị tổn thương vô cùng: một là khi Thánh Giuse định tâm bỏ Đức Maria cách kín đáo (x. Mt 1,19) và hai là khi Chúa Giêsu trao Mẹ cho Thánh Gioan – người môn đệ yêu dấu – với những lời ‘Này là Mẹ con!’ Chúng ta cảm nghiệm những thương tổn khi chúng ta không nhận được sự giúp đỡ và khi chúng ta bị đặt dưới sự thương xót của một ai khác. Đức Maria đón nhận những tổn thương trong sự nhẹ nhàng, Mẹ không cãi lại Thánh Giuse và Chúa Giêsu. Những thành viên của Giáo hội hiệp hành được mong đợi biết đón nhận tất cả những tổn thương của chính mình. Chính việc chúng ta không có khả năng đón nhận những tổn thương đã khiến chúng ta nổi loạn trong các cộng đoàn Giáo hội của chúng ta.

 

‘Thinh lặng’ giúp chúng ta lớn lên hơn trong tính hiệp hành như thế nào?

Thinh lặng không chỉ đơn thuần là không có tiếng động. Nó không phải là một tình trạng thụ động. Đúng hơn, thinh lặng là sự hiện diện của toàn thể con người chúng ta dành cho chính bản thân chúng ta. Đó là một hành động với ý chí tự do. Thinh lặng giúp suy nghĩ được nhạy bén, các tương quan được củng cố, và việc giao tiếp được tập trung hơn.

Thinh lặng tạo không gian cho sự tự nhận thức. Trong thinh lặng, Đức Maria nhận ra mình là ai, và cuộc sống của Mẹ có ý nghĩa gì. Trong và qua Giáo hội, chúng ta nhận ra con người của chính mình, và sự hiểu biết về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta.

Thinh lặng làm chúng ta kiên nhẫn hơn với chính mình và người khác. Chúng ta có thường làm tổn thương người khác vì lời nói hấp tấp của mình không? Thường thì chúng ta hối hận vì lời nói hơn là hối hận vì sự thinh lặng.

Thông qua sự thinh lặng, chúng ta có thể trở nên người sáng tạo và hữu ích. Khi chúng ta khép mình với thế giới bên ngoài, chúng ta có thể chạm sâu vào cõi lòng mình.

 

Cẩm nang về hiệp hành[3] đề cập đến những khoảng thinh lặng như là một thành phần của trải nghiệm hiệp hành, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thinh lặng trong thỉnh ý hiệp hành. Điều đó nói lên rằng: thinh lặng giúp chúng ta ghi nhận những chuyển động nội tâm của chính mình và làm cho chúng ta hấp thụ những lời chia sẻ của người khác với sự chăm chú thiêng liêng[4].

Trong Tài liệu Chuẩn bị, khi liệt kê mười chủ đề chính, dưới tiêu đề ‘Đối thoại’ trong Giáo hội và xã hội, Đức Thánh Cha viết: “Đối thoại là con đường kiên trì bao gồm cả những lúc im lặng và chấp nhận đau khổ, nhưng lại có khả năng thu thập kinh nghiệm của con người và các dân tộc”[5].

Thánh Augustinô cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin cho con biết con”[6]. Theo thánh Augustinô, người đã đưa ra thuật hùng biện về sự thinh lặng, thì chính nhờ sự thinh lặng mà một người có thể đối diện với chính mình… Các tác giả tâm linh đều đề cao sự cần thiết của thinh lặng trong việc theo đuổi sự thánh thiện.

Đức Maria có thể đã học từ những đoạn Kinh Thánh Do thái và hiểu được ý nghĩa của thinh lặng:

 

“Một thời để làm thinh, và một thời để lên tiếng” (Gv 3,7).

“Lời lẽ ôn hoà của bậc khôn ngoan được lắng nghe trong yên lặng, mạnh hơn cả tiếng quát tháo của kẻ chỉ huy bọn ngu xuẩn” (Gv 9,17).

“Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn” (Cn 10,19).

“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa !” (Tv 46,11).

 

Sự ồn ào bên trong cũng như bên ngoài thường nhấn chìm hai tiếng nói quan trọng nhất: tiếng Thiên Chúa và tiếng lương tâm. Chúng ta kết luận bằng những lời của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Mẫu gương của Đức Maria có thể giúp Giáo hội đề cao hơn nữa giá trị của sự thinh lặng. Sự thinh lặng nơi Đức Maria không chỉ là sự tiết độ trong lời nói, nhưng còn là một khả năng sáng suốt dành cho việc ghi nhớ và đón nhận trong cái nhìn đức tin mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và các biến cố trong cuộc sống dương thế của Ngôi Lời. Chính sự thinh lặng đón nhận Ngôi Lời, chính khả năng chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Kitô là những điều mà Đức Maria đã truyền lại cho các tín hữu. Trong một thế giới ồn ào với muôn vàn thông điệp đủ loại, chứng tá của Mẹ giúp chúng ta đánh giá cao hơn nữa về một sự thinh lặng thiêng liêng phong phú và nuôi dưỡng một tinh thần chiêm niệm”[7].

[1] Đức Phanxicô, Tông Thư Patris Corde – Trái Tim Người Cha, 08.12.2020, số 4 và số 7.

[2] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 6

[3] x. Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Cẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, phần Phụ lục B, phần 4.5.

[4] x. Ibid., phần Phụ lục B, số 8.

[5] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ: Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 30

[6] The Confessions (Tự thú), Phần X, số. 37.

[7] Đức Gioan Phaolô II, Buổi Tiếp Kiến Chung, ngày 22.11.1995.

 

Bài 08 – Suy đi nghĩ lại trong lòng

 

Nền tảng Thánh Kinh

Thánh sử Thánh Luca trình bày Đức Maria như một người chiêm niệm trong hai biến cố: 1) Tại lần thăm viếng của những người chăn chiên, họ đã kể cho Đức Maria và Thánh Giuse nghe điều mà họ đã được nghe; 2) Sau khi tìm thấy Chúa Giêsu lạc trong đền thờ Giêrusalem. Đức Maria ấp ủ trong lòng và suy đi nghĩ lại tất cả mầu nhiệm liên quan đến Mẹ và cuộc sống của Chúa Giêsu, con Mẹ. Chúng ta học được gì từ Đức Maria, Người nữ của chiêm niệm cho hành trình hiệp hành của chúng ta?

Bản chất chiêm niệm của Đức Maria

Xuyên suốt các Tin mừng, Đức Maria nói rất ít. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ sự thinh lặng cũng như những lời của Mẹ. Sự thinh lặng của Mẹ không phải là dấu chỉ của thụ động nhưng có tác động mạnh hơn cả hành động như đã được các Thánh sử mô tả. Khi các người chăn chiên giải thích về cuộc gặp gỡ của họ với Thiên thần, thì Mẹ “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại” (x. Lc 2,19). Chú giải câu Kinh thánh này, Joseph A. Fitzmyer nói: “Phản ứng của Đức Maria đối với những gì đã xảy ra là Mẹ giữ lại những điều đó trong lòng, nó ngược lại với phản ứng của những người chăn chiên, họ ra đi và loan truyền tin vui, và cũng ngược lại với phản ứng ngạc nhiên của những người lắng nghe tin vui này. Việc ghi nhớ và suy đi nghĩ lại của Mẹ là một phần trong bức tranh về ‘người nữ đức tin’, ‘người nữ tỳ của Chúa’”[1]. Khi Đức Maria được chọn để trở thành Mẹ Thiên Chúa, thì Mẹ có được một hồng ân siêu nhiên về chiêm niệm. Vì thế, Mẹ được xem là một người chiêm niệm tuyệt hảo.

 

Suy niệm như viên đá gốc của sự phát triển tâm linh

Không chỉ Kitô giáo, nhưng cả những tôn giáo lâu đời nhất như Ấn giáo, Phật giáo cũng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của suy niệm và chiêm niệm đối với sự phát triển tâm linh của một người. Sở dĩ như vậy là vì chiều kích chiêm niệm của mỗi người là con đường dẫn đến sự trưởng thành tâm linh. Về điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chiều kích chiêm niệm của con người – vốn chưa phải cầu nguyện chiêm niệm – là một điều bé nhỏ như “muối” cho cuộc sống; nó mang lại hương vị cho những ngày sống của chúng ta. Chúng ta có thể chiêm niệm khi nhìn mặt trời mọc lúc bình minh, hoặc nhìn cây cối xanh tươi trong mùa Xuân; chúng ta có thể chiêm niệm khi nghe âm nhạc hoặc tiếng chim hót, đọc sách, đứng trước một tác phẩm nghệ thuật hoặc một kiệt tác là khuôn mặt con người… Khi Carlo Maria Martini trở thành Giám mục Milan, ngài đặt tên cho Lá Thư Mục Tử đầu tiên của mình là ‘Chiều kích chiêm niệm của đời sống’: Thật vậy, những người sống trong các thành phố lớn, nơi mà – chúng ta có thể nói – mọi thứ đều nhân tạo và thực dụng, đều có nguy cơ đánh mất khả năng chiêm niệm. Trước tiên, chiêm niệm không phải là một cách hành động, nhưng là một cách hiện hữu, trở thành chiêm niệm. Để trở thành người chiêm niệm thì không phụ thuộc vào đôi mắt, nhưng vào con tim. Ở đây, cầu nguyện can dự vào như một hành động của đức tin và tình yêu, và như ‘hơi thở’ của mối tương quan của chúng ta với Chúa”[2].

 

Nói vâng với sự khôn ngoan chiêm niệm

Chiêm niệm trong tinh thần cầu nguyện giúp chúng ta có được Đức khôn ngoan của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “‘Đức Maria hằng ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2,19). Đó là cách Thánh sử Luca mô tả Mẹ Thiên Chúa trong Tin mừng thời thơ ấu. Mọi thứ xảy ra xung quanh Mẹ đều được suy niệm trong sâu thẳm tâm hồn Mẹ: những ngày tràn niềm vui, cũng như những khoảnh khắc đen tối nhất khi Mẹ phải đấu tranh để hiểu được con đường Cứu chuộc phải đi qua. Mọi thứ đều kết thúc trong tâm hồn Mẹ, nhờ đó mọi thứ đều được sàng lọc bằng chính việc cầu nguyện và được biến đổi bằng chính việc đó: dù đó là món quà của các Đạo sĩ hay cuộc chạy trốn sang Ai Cập, cho đến cuộc khổ nạn kinh hoàng ngày thứ Sáu. Mẹ ghi nhớ mọi sự và đem chúng vào trong cuộc đối thoại của Mẹ với Chúa. Có người so sánh tâm hồn của Đức Maria như một viên ngọc trai vô cùng lộng lẫy, được hình thành và mài giũa bằng sự kiên nhẫn chấp nhận ý Chúa qua những mầu nhiệm của Chúa Giêsu được Mẹ suy niệm trong cầu nguyện. Thật đẹp biết bao nếu chúng ta cũng có thể giống như Mẹ! Một tâm hồn mở ra với Lời Chúa, một tâm hồn thinh lặng, một tâm hồn vâng phục, và một tâm hồn biết cách đón nhận Lời Chúa, và để cho Lời ấy lớn lên thành hạt giống tốt cho Giáo hội”[3].

Trong Luca 2,19, chúng ta đọc thấy Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong tâm hồn. Bình luận về câu này, Peter John McGregor viết: “Theo Thánh Kinh, tâm hồn đó suy nghĩ, chọn lựa, cảm nhận, tưởng tượng và ghi nhớ. Nếu nó làm được tất cả những điều này, thì nó không đơn giản chỉ là một trong những điều này, nhưng nó phải là sự hợp nhất của tất cả những điều này… Tâm hồn không được xác định đơn giản chỉ là trí tuệ, hoặc ý chí, hoặc đam mê, hoặc giác quan, hoặc thể xác hay linh hồn. Nó cũng không được xác định chỉ là cái tôi… Tâm hồn là nơi tương quan với Thiên Chúa. Đó cũng là nơi mà Thiên Chúa kiếm tìm và biết đến. Vì thế, sự suy đi nghĩ lại của Đức Maria chính là sự suy đi nghĩ lại trong tinh thần cầu nguyện. Không giống người kiêu căng, họ có hiểu biết trong tâm hồn và hiểu biết đó bị đập tan bởi Thiên Chúa (x. Lc 1,51), chính cuộc gặp gỡ của Đức Maria với Chúa nơi tâm hồn Mẹ đã giúp Mẹ hiểu được ý nghĩa thực sự của những gì Chúa muốn mặc khải cho Mẹ. Hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng tâm hồn Đức Maria là nơi mà tất cả những gì đã xảy đến cho Mẹ mà có liên quan đến Chúa Giêsu đều được tập hợp lại trong sự suy đi nghĩ lại với tinh thần cầu nguyện – ký ức của Mẹ về tất cả những sự kiện gắn liền với Chúa Giêsu, cùng tất cả suy tư và cảm nhận có được trong những sự kiện này, đều được hiện diện và cùng nhau phát triển thành một tổng thể thống nhất nơi tâm hồn trong sạch của Đức Maria”[4].

 

Tiến trình hiệp hành: thời gian để suy đi nghĩ lại và phân định

Trong Tài liệu Hiệp hành trong Đời sống và Sứ mạng của Giáo hội, Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC) đưa ra các nền tảng Giáo hội học và thần học của Tính hiệp hành. Tài liệu nêu rõ: “Chiều kích hiệp hành của Giáo hội phải được thể hiện qua việc đưa ra và chỉ dẫn những tiến trình phân định vốn làm chứng cho động lực của sự hiệp thông, là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi quyết định của Giáo hội”[5]

Nếu chúng ta muốn sống tiến trình hiệp hành một cách tràn đầy ý nghĩa, chúng ta nên suy đi nghĩ lại cách cẩn thận với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần về: 1) tương quan của chúng ta với Chúa; 2) thái độ và cách tiếp cận của chúng ta với những sự kiện đang diễn ra trong thực tế cuộc sống của chúng ta; 3) tương quan của chúng ta với Giáo hội địa phương và các thừa tác viên của Giáo hội; 4) điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta trong việc tiến bước cùng với người khác như là thành viên của Giáo hội hiệp hành.

[1] The Gospel According to Luke I-IX (Tin Mừng theo Thánh Luca 1-9) (Anchor Bible 28), Doubleday, New York 1981, trang 398

[2] Buổi Tiếp Kiến Chung của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 05.05.2021.

[3] Buổi Tiếp Kiến Chung của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 18.11.2020.

[4] P. J. McGregor, “Mary as Priest, Prophet and King”, in Mariology at the beginning of the Third Millennium (“Đức Maria như là Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế” trong Thánh Mẫu học vào đầu Thiên niên kỷ thứ ba”, Biên tập bởi Wagner và những người khác, Nhà xuất bản Pickwick, Eugene, Oregon, các trang 177-179.

[5] Ủy ban Thần học Quốc tế, Sinodality in the life and mission of the Church (Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội), ngày 02.03.2018, số 76.

 

Bài 09 – Được người cao niên chúc phúc

Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng (và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà); và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” (Lc 2,34-35).

 

Nền tảng Thánh Kinh

Đức Maria và Thánh Giuse đem hài nhi Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa. Như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2, 23). Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa… Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người. Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (x. Lc 2,25-28.33-35).

Điều đáng ngạc nhiên là giữa nhiều hài nhi được đưa đến Đền thờ Giêrusalem mỗi ngày, nhưng ông Simêon lại nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Ông có cặp mắt đức tin. Ông được linh báo bởi Chúa Thánh Thần. Và trên tất cả, ông hằng mong đợi Đấng Mêsia xuất hiện. Ông Simêon và bà Anna đang “mong chờ niềm an ủi’ (Lc 2,25).

Có hai điều nổi bật về những nhân vật này. Thánh Luca mô tả ông Simêon là một người công chính và sùng đạo (x. Lc 2,25). Bà Anna được đặt ở vị trí của một ngôn sứ (câu 36), điều này có nghĩa đơn giản là “bà được đầy ân sủng và không sợ công bố lời Chúa”. Thêm vào đó, họ là những người cao tuổi. Ông Simêon biết thời gian trên trần gian của ông đã gần hết. Bà Anna cũng đã 84 tuổi, vượt xa tuổi thọ trung bình của thời ấy (câu 37). Dù cuộc sống của họ không có gì chê trách và rất đáng khâm phục, họ cũng không thể kéo dài thêm đời mình. Cả hai đều ý thức được sự yếu đuối và không có khả năng thay đổi. Ân sủng Chúa thường xuất hiện khi chúng ta yếu đuối, không có nguồn lực riêng để đáp ứng nhu cầu. Ông Simêon được mô tả là một người lắng nghe cách cẩn thận Thần Khí của Chúa. Chúng ta biết được rằng Chúa Thánh Thần hằng ngự trên ông (câu 25), và Chúa Thánh Thần đã linh báo cho ông biết nhiều điều (câu 26), và Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy ông (câu 27).

Đức Maria được chúc phúc bởi hai vị cao niên: Ông Simêon và bà Anna. Đức Maria thinh lặng trước ông Simêon, người đã nói với Mẹ những lời an ủi và đau buồn. Đức Maria hiện diện như một người với nhiều sự kiên nhẫn.

 

Ý nghĩa hiệp hành

Trong bài nói chuyện với các vị cao niên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “cần có người cao niên để giúp xây dựng tình huynh đệ, tương quan xã hội, và thế giới ngày mai”[1]. Đức Thánh Cha cũng nói rằng “giữa những trụ cột chống đỡ tòa nhà mới này, có 3 cột trụ mà những người cao niên có thể giúp xây dựng lên. Ba trụ cột đó là ước mơ, ký ức và cầu nguyện”. Suy tư về Hc 3,3-6, 12,13-16, Đức Thánh Cha nói, sự yếu đuối của tuổi già đã “bị đánh dấu bởi những kinh nghiệm hoang mang và bị xem thường, mất mát và bị bỏ rơi, mất hy vọng và nghi ngờ”[2].

Cẩm nang hiệp hành đề cập một cách rõ ràng về người cao niên năm lần. Cẩm nang cũng kể họ vào nhóm “những người thường không được lắng nghe trọn vẹn”. Trong Tông huấn “Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống” gửi toàn thể dân Chúa, đặc biệt là giới trẻ, Đức Thánh Cha viết: “Kinh Thánh luôn mời gọi kính trọng người già, vì người già có cả một kho tàng kinh nghiệm; họ đã nếm trải những thành công và thất bại, những niềm vui và sầu khổ của cuộc đời, những hy vọng và thất vọng; và trong cõi lặng của tâm hồn, họ lưu giữ nhiều câu chuyện có thể dạy chúng ta đừng phạm sai lầm hay để cho những ảo tưởng lôi cuốn”[3]

Giáo hội hiệp hành cần trở thành một ngôi nhà đón tiếp những người cao niên. Trong nhiều gia đình, con cái đã không thể hiện sự kính trọng và chăm sóc tốt cho những cha mẹ cao tuổi. Tại nhiều giáo xứ, những người cao tuổi không được tham gia trong việc ra quyết định, mặc dù họ đầy khôn ngoan và trưởng thành bởi nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Giáo hội hiệp hành nên nhớ rằng chính nhờ sự khôn ngoan và kinh nghiệm cuộc sống của các tổ phụ, những người đã rất tiến bộ trong thời đại của họ (như Abraham, Isaac and Jacob), mà đã xây dựng nên một quốc gia vĩ đại.

“Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả” (Tv 92, 15). Nhận xét về câu Kinh Thánh này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tuổi già không phải là thời gian vô ích để hạ mái chèo con thuyền sang một bên, nhưng là mùa vẫn còn trổ sinh hoa trái: có một sứ mạng mới đang chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta hướng ánh nhìn về tương lai. “Khả năng cảm nhận đặc biệt của tuổi già về sự quan tâm, suy nghĩ và tình cảm, điều làm chúng ta nhân bản hơn, một lần nữa trở thành ơn gọi của nhiều người. Và nó sẽ là một lựa chọn tình yêu của những người cao tuổi đối với những thế hệ mới.” Đó là sự đóng góp của chúng ta vào cuộc cách mạng của sự dịu dàng, một cuộc cách mạng tinh thần, bất bạo động, trong cuộc cách mạng này, tôi mời gọi các ông bà và người cao tuổi, hãy là những nhân vật chính”[4]. Những lời này của Đức Thánh Cha cho thấy rất rõ ràng rằng Giáo hội hiệp hành cũng có thể loan báo Tin Mừng thông qua cả những người cao tuổi.

Đôi khi những linh mục và tu sĩ cao niên thường là đối tượng bị lãng quên nhất trong Giáo hội. Chừng nào họ còn hữu dụng cho sứ mạng thì họ còn được săn đón. Khi giá trị sử dụng giảm sút, người cao tuổi cũng mất giá trị. Mặt khác, người cao tuổi cũng phải học cách từ bỏ quyền lực và trách nhiệm, nhường chỗ cho những người trẻ hơn. Họ cần già đi một cách đầy chúc phúc. Giáo hội hiệp hành được tạo thành bởi cả người trẻ tuổi và người cao tuổi, họ bước đi cùng nhau, với những điểm mạnh cũng như điểm yếu dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Lời cầu nguyện và phúc lành của những người cao tuổi là một điều cần thiết cho hành trình hiệp hành đầy ý nghĩa của chúng ta.

—-

[1] Đức Phanxicô, Sứ điệp cho ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ nhất, ngày 25.07.2021.

[2] Đức Phanxicô, Giáo lý tuổi già: “Sự thảo kính đối với người già”, buổi Tiếp Kiến Chung ngày 20.04.2022

[3] Đức Phanxicô, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, ngày 25.03.2019, số 6.

[4] Đức Phanxicô, Sứ điệp cho ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ hai, ngày 25.07.2021.

 

Bài 10 – Nhận biết những nhu cầu

Khi Đức Maria nhận ra rượu đã hết, Mẹ không chờ đợi người khác tìm cách giải quyết vấn đề, nhưng chính Mẹ đã chủ động nói với con của Mẹ trước tiên: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ không ra lệnh hay thỉnh cầu mà chỉ đơn giản bày tỏ nhu cầu, bởi vì Mẹ tin chắc rằng Con của Mẹ sẽ làm tất cả.

 

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (Ga 2,1-11).

 

Nền tảng Thánh Kinh

Thánh Gioan là người duy nhất trong số các tác giả Tân Ước trình bày phép lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện tại tiệc cưới Cana. Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu là người đầu tiên được giới thiệu trong đoạn văn này (câu 1), rồi đến Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài (câu 2). Điều này cho thấy vai trò của Mẹ đã được Thánh Sử đặc biệt coi trọng. Trong Tin mừng Gioan, Đức Maria hiện diện trong hai biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu: tại Cana (Ga 2,1-11) và tại đồi Calvariô (19,25-27). Trong biến cố đầu tiên, Đức Maria phát hiện thiếu rượu tại tiệc cưới và đã nài xin Chúa Giêsu, con Mẹ. Biến cố thứ hai là Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá, Mẹ chung phần đau khổ với con Mẹ tại đỉnh đồi Calvariô. Từ quan điểm chú giải và thần học, hai đoạn Kinh Thánh về Đức Maria này (Ga 2,1-12 và 19,25-27) có một số yếu tố chung quan trọng: 1. Đức Maria hiện diện ngay từ đầu cho đến lúc kết thúc sứ mạng trần thế của Chúa Giêsu; 2. Chúa Giêsu gọi Đức Maria là ‘bà’ trong cả hai đoạn văn; 3. Câu trả lời của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài “giờ con chưa đến” có một liên kết chặt chẽ với “giờ” chết của Ngài trên thập giá. Sự hiện diện của Đức Maria trong Tin mừng Gioan hàm chứa một yếu tố quan trọng về thần học. Trong những đoạn tiếp theo, chúng ta hãy cùng xem chúng ta có thể học được những gì từ Đức Maria cho hành trình hiệp hành.

 

Đức Maria là người đầu tiên để ý

Tại tiệc cưới, có nhiều người hiện diện: các tông đồ, các đầy tớ, chủ tiệc, đôi tân hôn, Chúa Giêsu và các vị khách mời khác, v.v… Khi tiệc cưới hết rượu, các khách mời rất có thể không nhận ra. Đây là điều bình thường tại tiệc cưới, rượu có thể hết, bởi vì theo phong tục Cựu Ước, tiệc cưới kéo dài liên tục bảy ngày đêm (x. Tb 11,20).

Khi hết rượu, chính Đức Maria đã nhận ra ngay lập tức. Điều đó cho thấy Mẹ đã rất để tâm đến những gì xảy ra xung quanh. Mẹ có thể làm lơ, nhưng Mẹ lại rất lo lắng cho tình huống xấu hổ này. Cũng như nước cần thiết cho cuộc sống thế nào thì rượu cũng vô cùng cần thiết cho niềm vui của tiệc cưới như vậy. Các ngôn sứ chỉ ra rượu là một yếu tố điển hình của bữa tiệc thiên sai (x. Am 9,13-14; Is 25,6).

Đôi tân hôn sẽ cảm thấy xấu hổ về việc hết rượu. Đức Maria hiểu tình huống xấu hổ của họ và nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Xin lưu ý! Mẹ không nói rằng: “Hết rượu rồi” theo một hình thức khách quan, nhưng Mẹ nói: “Họ hết rượu rồi”. Nghĩa là Mẹ hết sức lo lắng cho đôi tân hôn hơn việc hết rượu. Thay vì chỉ trình bày sự kiện, Mẹ nói với con của Mẹ về tình huống xấu hổ của đôi tân hôn. Ở đây, chúng ta có thể hiểu rằng Đức Maria nhạy cảm với nhu cầu của người khác biết bao! Chúng ta phải nhìn đến sự nhân hậu nơi tâm hồn Mẹ.

Chúng ta cần học với Đức Maria bài học quan trọng để biết lưu tâm đến nhu cầu của người khác. Một trong những tội nghiêm trọng nhất của thời đại ngày nay chính là vô cảm. Khi có bất kỳ điều tồi tệ nào xảy ra cho người khác, chúng ta thường giả điếc làm ngơ. Trong thế giới hôm nay, sự vô cảm đã trở thành tội lỗi hủy diệt nhất. Tại sao chúng ta lại ngủ thiếp đi? Bởi vì chúng ta rơi vào trạng thái mơ ngủ và lơ đễnh. Nhìn vào hành vi gương mẫu của Đức Maria tại Cana, chúng ta phải thức tỉnh và biết lưu tâm đến nhu cầu của người khác trong Giáo hội hiệp hành và trong xã hội.

 

Trung gian từ mẫu của Đức Maria

Không phải chỉ tại tiệc cưới Cana mà Đức Maria đã chuyển cầu cho những người túng thiếu, nhưng Mẹ vẫn tiếp tục làm như vậy cho đến hôm nay. Mẹ cũng chuyển cầu cho Giáo hội hiệp hành. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Sau khi Con của Mẹ ra đi, tình mẫu tử của Mẹ vẫn ở lại với Giáo hội như một trung gian từ mẫu: Mẹ chuyển cầu cho tất cả con cái của Mẹ. Mẹ cũng đã cộng tác vào công trình cứu chuộc của Con Mẹ, Đấng cứu chuộc toàn thể thế giới. Trong thực tế, Công đồng dạy rằng: “Trong nhiệm cục ân sủng, thiên chức làm mẹ của Đức Maria luôn được duy trì không hề gián đoạn cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ cho tất cả những ai được tuyển chọn” (x. Lumen Gentium, số 62). Với cái chết cứu chuộc của Con Mẹ, vai trò trung gian từ mẫu của người nữ tỳ của Chúa mang một chiều kích phổ quát, vì công trình cứu chuộc bao trùm toàn thể nhân loại. Như thế, hiệu lực sự trung gian duy nhất và phổ quát của Đức Kitô “giữa Thiên Chúa và loài người” được biểu lộ một cách đặc biệt. Sự cộng tác của Đức Maria chia sẻ, trong đặc tính phụ thuộc, tính phổ quát của vai trò trung gian của Đấng Cứu Chuộc, Đấng Trung Gian… Với đặc tính của sự “chuyển cầu”, được thực hiện lần đầu tiên tại tiệc cưới Cana ở Galilê, vai trò trung gian của Đức Maria tiếp tục trong lịch sử Giáo hội và trong thế giới. Chúng ta biết rằng “bằng tình mẫu tử, Đức Maria chăm sóc những người anh chị em của Con Mẹ đang còn lữ hành trên trần gian đầy hiểm nguy và gian nan, cho đến khi họ được hưởng hạnh phúc trên quê hương vĩnh cửu”. Bằng cách này, vai trò làm Mẹ của Đức Maria tiếp tục không ngừng trong Giáo hội”[1].

Qua vai trò trung gian từ mẫu, Đức Maria đã đưa chúng ta đến gần Con Mẹ, Chúa Giêsu Kitô. Trong tiến trình hiệp hành, vai trò trung gian của Đức Maria giúp chúng ta đi đúng hướng. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu Kitô mới là Đấng trung gian duy nhất (1 Tm 2,5). Và vai trò trung gian của Đức Kitô cũng bao gồm và không loại trừ sự hợp tác của con người. Vai trò trung gian từ mẫu của Đức Maria không làm lu mờ hoặc giảm bớt bằng bất cứ cách nào vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô[2].

 

Đức Maria: Trạng sư, Đấng cứu giúp, Đấng phù hộ, Đấng trung gian

Khi Đức Maria nhận ra rượu đã hết, Mẹ không chờ đợi người khác tìm cách giải quyết vấn đề, nhưng chính Mẹ đã chủ động nói với con của Mẹ trước tiên: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ không ra lệnh hay thỉnh cầu mà chỉ đơn giản bày tỏ nhu cầu, bởi vì Mẹ tin chắc rằng Con của Mẹ sẽ làm tất cả. Việc Mẹ chuyển cầu và nài xin Chúa Giêsu cho đôi tân hôn tại Cana, cho thấy sự quan tâm và tình yêu của Mẹ dành cho những ai đang cần giúp đỡ. Ngày nay, Mẹ vẫn tiếp tục nài xin thay cho chúng ta.

Công đồng Vatican II tuyên bố: “Trong nhiệm cục ân sủng, thiên chức làm mẹ của Đức Maria luôn được duy trì, từ khi ngài tin tưởng nói lời ưng thuận vào ngày truyền tin và vẫn tiếp tục giữ vững lời ưng thuận ấy dưới chân thập giá, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ cho tất cả những ai được tuyển chọn. Sau khi được đưa về trời, Đức Maria không rời bỏ vai trò của Mẹ trong việc cứu độ, nhưng vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta hồng ân cứu độ đời đời. Với tình hiền mẫu, Mẹ chăm sóc những người em của Con Mẹ còn đang lữ hành giữa bao nguy hiểm và thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo hội, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Đấng cứu giúp, Đấng phù hộ, Đấng trung gian. Tuy nhiên phải hiểu cho đúng điều này để không giảm cũng như không thêm gì vào địa vị và hiệu năng của Đức Kitô, Đấng Trung gian duy nhất”[3].

Chúng ta cần học nơi Đức Maria, “Trạng sư, Đấng cứu giúp, Đấng phù hộ, và Đấng trung gian”, cách giúp đỡ người túng thiếu, tăng cường sức mạnh cho người yếu đuối, ban can đảm cho người bị áp bức và nâng đỡ người bị chà đạp trong các nhu cầu của họ.

 

Ý nghĩa hiệp hành: “Chăm sóc lẫn nhau”

Trở thành Giáo hội Hiệp hành nghĩa là làm như Đức Maria đã làm tại Cana: bày tỏ sự liên đới với người túng thiếu và giúp đỡ những người khó khăn. Đôi khi chúng ta rơi vào cám dỗ của sự vô cảm đối với người khác; chúng ta làm ngơ trước nhu cầu và đau khổ của người xung quanh. Ngược lại, chúng ta nên dấn thân hơn nữa trong sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, đặc biệt chúng ta cần đặt những người yếu đuối và bị thiệt thòi nhất ở trung tâm của cộng đoàn Giáo hội. Trong các giáo xứ và giáo phận có thể có những người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội vì yếu tố tôn giáo, sắc tộc và giai cấp. Cũng như đôi tân hôn cần có rượu để không xấu hổ, những người nghèo này cũng cần tình yêu, bảo vệ, chăm sóc và đùm bọc.

 

Hiệp hành nghĩa là: Hiệp thông, tham gia, và sứ vụ. Chúng ta hãy tự vấn bản thân chúng ta có sống hiệp thông với người nghèo và người túng thiếu không; chúng ta có chia sẻ đau khổ của những người xung quanh không; chúng ta có loan báo Tin mừng với tình yêu và sự khiêm tốn cho những người đang cần đến Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô không?

 

Đồng trách nhiệm trong việc phục vụ Giáo hội hiệp hành

Là một vị khách tại tiệc cưới Cana, Đức Maria không có bất kỳ trách nhiệm nào. Mẹ có thể im lặng và làm ngơ. Nhưng Mẹ lại là người đầu tiên nói với con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi”. Tiếp đến, Mẹ lại nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Đây là một lời mời gọi cho sự cộng tác và đồng trách nhiệm của họ. Chúng ta học nơi Đức Maria để trở thành người có trách nhiệm. Trong mười chủ đề chính của Tài liệu Chuẩn bị, chủ đề thứ năm là đồng trách nhiệm trong sứ mạng. Ở đây chúng ta trích dẫn nội dung bản văn để giúp chúng ta suy tư: “Sự hiệp hành là để phục vụ sứ mạng của Giáo hội, nơi đó mọi thành viên trong Giáo hội đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này. Vì tất cả chúng ta đều là môn đệ truyền giáo, mỗi người đã lãnh phép Rửa được kêu gọi trở thành chủ thể tích cực trong sứ vụ này như thế nào? Làm thế nào để cộng đồng hỗ trợ các thành viên của mình dấn thân phục vụ xã hội (công tác xã hội và hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học và giảng dạy, thúc đẩy công bằng xã hội, bảo vệ nhân quyền và chăm sóc ngôi nhà chung, v.v…)? Anh chị em giúp họ thế nào trong việc sống những dấn thân này theo đòi hỏi của sứ vụ? Sự biện phân các lựa chọn liên quan đến sứ mạng được thực hiện như thế nào và ai tham gia vào đó? Theo quan điểm của một chứng tá Kitô hữu đích thực, các truyền thống khác nhau mang phong cách hiệp hành, vốn tạo nên di sản của nhiều Giáo hội, đặc biệt là các Giáo hội Đông phương, được hội nhập và thích nghi như thế nào? Sự cộng tác diễn ra như thế nào trong các lãnh thổ có sự hiện diện của các Giáo hội tự trị [sui iuris] khác nhau?”[4].

 

Cần một “lộ trình chung”

Khi mô tả tình trạng thất bại, cô lập và tuyệt vọng trong bối cảnh toàn cầu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất ngày càng phai nhạt, và giấc mơ cùng chung tay xây dựng công lý và hòa bình dường như là điều không tưởng, lỗi thời. Ngự trị thay vào đó là sự lãnh đạm tiện lợi, lạnh lùng và bao trùm, phát sinh từ mối thất vọng sâu xa, mối thất vọng được che giấu bởi sự xảo trá của ảo tưởng… Sự cô lập hoặc khép kín trong những mối bận tâm của chính mình không bao giờ là con đường mang lại hy vọng và dẫn đến đổi mới… Thế giới vẫn đang tiến bước mà không có lộ trình chung. Trong thế giới đó, chúng ta ngày càng cảm thấy một bầu khí ở đó khoảng cách giữa mối bận tâm về phúc lợi cá nhân và sự thịnh vượng của nhân loại dường như ngày càng dang rộng đến nỗi có sự phân cách hoàn toàn giữa cá nhân và cộng đồng nhân loại… Thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta tái phát hiện ra những nhu cầu của các anh chị em sống chung quanh chúng ta”[5].

Những lời này của Đức Thánh Cha Phanxicô cần được cân nhắc nghiêm túc để tạo nên một “Lộ Trình Chung” giữa các cộng đoàn Giáo hội và giữa các giáo phận để cùng làm việc chung, thúc đẩy tình huynh đệ và hiệp thông. Bằng việc dấn thân cho những người đang khó khăn và chăm sóc lẫn nhau, chúng ta có thể tạo nên hành trình hiệp hành ý nghĩa hơn.

[1] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Mater – Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 60.

[2] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, số 60.

[3] Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, số 62.

[4] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 30.

[5] Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về Tình huynh đệ và Tình bằng hữu xã hội, 03.10.2020, số 30-31.