Đường Hy Vọng – Chương 19: Gia Đình

print

CHƯƠNG 19: GIA ĐÌNH
Gia đình, tế bào của Hội Thánh.

 

462. Hạnh phúc của một người không căn cứ ở của cải, chức vụ, nhưng ở tình yêu mà người ấy tập yêu suốt đời.

463. Chuẩn bị làm linh mục có chủng viện, chuẩn bị làm tu sĩ có đệ tử viện, tập viện, chuẩn bị làm giáo sư có trường sư phạm, chuẩn bị làm cha mẹ có gì? Chẳng có gì cả! Thật là một thiếu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này tạm có lớp dự bị hôn nhân nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân do cuộc phiêu lưu của các con?

464. Con hãy suy niệm tiệc cưới Cana (Ga 2,1-10).
Lúc đầu, người ta lo ăn uống, vui chơi, hưởng thụ: nhưng giữa tiệc hết rượu, chỉ còn nước lã. Sau đó, người ta cầu xin Chúa: Ngài đã biến nước thành rượu và rượu sau ngon hơn rượu trước. 
Con hãy ý thức rằng: tự sức riêng mình phương tiện con có giới hạn, tình yêu con khó bền bỉ và gia đình con thiếu an vui. Nhưng có ơn Chúa phù giúp, phương tiện con thêm phong phú, tình yêu con thêm nồng nàn, gia đình con sẽ được hạnh phúc.
Con hãy luôn nhớ sử dụng đến kho tàng đạo đức ấy giữa gia đình con.

465. Khi con còn trẻ, con đi nơi con muốn, nhưng khi trưởng thành, người khác sẽ cầm tay con, nhiều người khác, nhiều bàn tay nhỏ sẽ níu lấy tay con lôi kéo con đến nơi con không muốn, nơi mà không bao giờ con dám đến, không bao giờ con tin rằng con có sức đến… Nhưng tình yêu có thể giúp con làm tất cả!

466. Đối với nhau, cũng như đối với con cái, đôi bạn sống tất cả tình yêu của Chúa Giêsu đối với mọi người.
Nhờ đó, đôi bạn tham dự và sống mầu nhiệm cứu chuộc.
Đôi bạn tập yêu thương cách phong phú, vô bờ bến, như Chúa Giêsu yêu họ và yêu mọi người.

467. Tình yêu hôn nhân có sức rút từ quả tim con người tất cả can đảm, tin tưởng và quảng đại.

468. Đòi hỏi biến đổi mà không yêu thương làm cho bạn mình bất mãn.
Yêu thương mà không đòi hỏi biến đổi là hạ giá bạn mình.

469. Yêu thương để giúp bạn biến đổi là cho bạn phương tiện.
Bắt bạn biến đổi mới yêu thương là cắt hết phương tiện.

470. Phương tiện độc nhất để biến đổi tâm hồn bạn mình là chấp nhận bạn như thuở ban đầu, vì được yêu là điều kiện cần thiết để biến đổi.

471. Tình yêu luôn luôn thao thức; không phải vì hoài nghi tình yêu của bạn mình, nhưng vì thấy mình có trách nhiệm làm cho nhau những gì là mới mẻ, là cảm hứng, là biến đổi, có khi chính bạn cũng không hay biết. Chính nỗi thao thức ấy là một niềm vui.

472. Có một sự sáng suốt đáng buồn: xét mọi người theo quá khứ của họ.
Có một sự sáng suốt đầy yêu thương: đoán trước người ta có thể biến đổi tốt đẹp chừng nào!

473. Tình yêu không mù quáng: thấy yếu đuối của người yêu và cố gắng gánh vác. Thấy khả năng của người yêu và tế nhị khơi dậy.

474. Người không biết yêu “xương của xương mình, thịt của thịt mình”, người không thể làm cho cái xã hội thứ nhất, nền tảng mọi xã hội khác được hạnh phúc, làm sao cả gan canh tân thế giới được?

475. Thời đại ta, Hội Thánh đã vạch ra một linh đạo về hôn nhân, cho chúng ta thấy hôn nhân là một phương thế để con người triển nở và là một ơn gọi đến sự thánh thiện.

476. Các con ngạc nhiên khi nghe nói đến “ơn gọi làm cha mẹ gia đình”? – Người ta lầm lạc khi dành ơn thiên triệu, bậc trọn lành cho tu sĩ thôi.
Hai người thề hứa yêu nhau suốt đời trong Chúa Kitô, nhờ bí tích hôn nhân, không phải là một cách tuyên xưng đức tin, một cách khấn hứa sao?

477. Nếu giáo dân đặt nặng nhiệm vụ trần thế của mình, thì nhiệm vụ trần thế quan trọng nhất, quyết định nhất của họ là đời sống gia đình.

478. Canh tân gia đình để canh tân Hội Thánh.

479. Con hãy bỏ thói quen sai lạc: khi nói về giáo dân, thì quan niệm họ như những người độc thân sống riêng, không có cộng đoàn, hoặc hiểu cách tiêu cực: giáo dân không phải là tu sĩ.
Con đừng quên đa số giáo dân là những người sống trong một gia đình và phải hỏi rằng họ hiểu, họ sống bí tích hôn nhân Công giáo thế nào?

480. Thực đáng buồn khi thế giới văn minh ngày nay chỉ hiểu giáo lý Công giáo về hôn nhân qua “những luật cấm!”; thế giới đâu ngờ Chúa Giêsu đã đến cứu chuộc tình yêu nhân loại, đã thăng tiến con người lạ lùng là bí tích hôn nhân! Con phải học và trình bày khía cạnh tích cực, tốt đẹp của hôn nhân Công giáo.

481. Phải nỗ lực về phương diện giáo lý cũng như mục vụ để làm cho các gia đình Công giáo xác tín về sức mạnh của họ. Họ sẽ khám phá ra họ không phải là thành phần thụ hưởng, chỉ biết lãnh nhận giáo lý, lãnh nhận bí tích, lãnh nhận ơn Chúa, mà họ cũng là thành phần hoạt động tông đồ.

482. Ý thức được sứ mạngcủa mình, nhiều gia đình Công giáo sẽ đặt dưới quyền xử dụng của Hội Thánh những mãnh lực nhân loại và siêu nhiên của tình yêu vợ chồng, của bí tích hôn nhân với một sự hăng say lạ thường.

483. Yêu bạn mình là hành động theo thánh ý Chúa. Lúc ấy các con hiểu rằng: trong đời sống thường ngày, các con có thể thực hiện ơn thiên triệu của các con, bằng mọi cử chỉ nhỏ nhặt, để đáp lại tiếng gọi của Chúa.
Đó là một khía cạnh khả dĩ cách mạng cả cuộc đời các con, đó là một mạc khải không thể quên được.

484. Tình yêu vợ chồng là hình ảnh, là dấu hiệu tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh. Trong mầu nhiệm ấy, con tìm thấy cao cả, sức mạnh và hiệp nhất. Phấn khởi và nâng đỡ biết chừng nào!

485. Chúa đã trao cho con một người bạn thân yêu, những đứa con xinh xắn, trong sáng để nâng đỡ nhau nên thánh. Con đã làm gì?

486. Ý thức rằng các con đồng trách nhiệm về sự trưởng thành trong tình yêu Chúa.
Ý thức rằng ơn gọi của các con là cùng nhau và nhờ nhau nên thánh.
Ý thức rằng ơn bí tích thường xuyên giúp đỡ các con.
Các con hãy hăng say sống mầu nhiệm đTử nạn và Phục Sinh qua mọi khía cạnh của đời sống các con.

487. Phải khám phá ra rằng các con có thể và có bổn phận thánh hóa mình trong hôn nhân và nhờ hôn nhân.

488. Tất cả những thực tại của đời sống vợ chồng, cha mẹ, bao nhiêu trách nhiệm xã hội là bấy nhiêu cơ hội để tỏ mình, để vươn lên, để tiến tới trên đường thánh thiện chân chính.

489. Sự hiệp nhất giữa đôi bạn, rất trọn vẹn: hiệp nhất thể xác, tình yêu, tinh thần và thiêng liêng, nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô.

Yêu trong Chúa, đẹp lắm! Yêu thương vì Chúa, càng đẹp hơn! Gia đình lắng nghe tiếng Chúa và cùng tiến lên trong sự thân mật Chúa.

490. Những giây phút thinh lặng bên nhau, chìm đắm trong suy niệm,
Những giây phút tự phát cầu nguyện cho nhau, cho con cái,
Những giây phút trao đổi thân mật về đời sống thiêng liêng, về việc tông đồ,
Là một mạc khải, một niềm vui sâu xa và thắm thiết.
Các con hãy sống kinh nghiệm: Chúa ở giữa các con!

491. Sinh con cái không phải đáp lại nhu cầu nối tiếp giống nòi, nhưng là ước muốn tăng trưởng nhiệm thể. Giáo dục con cái là huấn luyện những kẻ thờ phượng Chúa Cha cách trung thực. Hãy khám phá và khâm phục ý định cao cả của Chúa về gia đình các con.

492. Huấn luyện những chi thể hoạt động trong nhiệm thể Chúa Kitô, làm cho con mình nên con Chúa. Nhiệm vụ đó đòi buộc cha mẹ phải đi tiên phong về mọi phương diện, mọi nhân đức.

493. Gia đình là tế bào của Hội Thánh, nói cách khác, là một “Hội Thánh cỡ nhỏ” (Ecclesiuncula), ở đó, Chúa Giêsu hiện diện, sinh sống, chết, phục sinh cách mầu nhiệm trong các chi thể.
Tư tưởng ấy làm sáng tỏ ý nghĩa và có sức biến đổi đời sống của gia đình Công giáo.

494. Gia đình là tế bào của Hội Thánh.
Chân lý này làm thấy rõ sự cao cả và sứ mạng của gia đình:
1. Nối tiếp Hội Thánh Chúa Giêsu đã thiết lập ở trần gian.
2. Làm cho Chúa Giêsu hiện diện như là chủ gia đình thực sự.
3. Làm chứng tích sự hiện diện của Hội Thánh bằng cuộc sống gia đình hàng ngày.
4. Nỗ lực vươn lên đến Chúa, làm Hội Thánh cùng tiến lên.
5. Thắt chặt mối liên hệ giữa Chúa với mọi chi thể trong gia đình.

495. Chúa Giêsu đã muốn xây dựng Nhiệm Thể Ngài bằng những tế bào gia đình; Hội Thánh có thể thay đổi đường lối tông đồ, thay đổi các hội đoàn, nhưng Hội Thánh luôn luôn phát triển nhờ các gia đình. Đức tin được thông truyền qua các tế bào sống động và lành mạnh ấy.

496. Giáo dục con cái là “Trường vươn lên” cho cha mẹ. Trẻ con có “cái nhìn chỉ trích”, chúng là những “quan sát viên khắt khe”. Chúng bắt buộc các con là bậc cha mẹ xử trí đúng vai trò của mình và nhờ đó giúp các con tiến lên.

497. Con hãy tin rằng: đời sống gia đình Công giáo là một “lối tu đức” riêng biệt.

498. Nếu chúng ta chủ trương rằng phải nhờ giới lao động thánh hóa giới lao động, thì chúng ta cũng phải tin rằng: gia đình Công giáo là tông đồ số một của các gia đình khác.

499. Người ngoài đánh giá hôn nhân công giáo theo mức độ thánh thiện của gia đình Công giáo.

500. Kinh nghiệm dạy các con rằng: kinh tối, sáng trong gia đình, nói đúng hơn, giờ cầu nguyện của gia đình, thực hiện được ước vọng “thành một cộng đoàn Kitô hữu”, “một tế bào của Hội Thánh”, như lời Chúa Giêsu: “nếu các con hiệp nhau cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha…”

501. Gia đình Công giáo làm tông đồ bằng “chứng tích”. Phải chứng minh rằng: các con được gọi nên thánh và các con có thể sống một đời hôn nhân đẹp lòng Chúa. Các con chia sẻ với các gia đình khác: ân sủng, hạnh phúc, Chúa đã ban cho gia đình các con.
Nhìn vào gia đình các con, thiên hạ phải đặt câu hỏi: “Tại sao họ có thể sống hiệp nhất, yêu thương, trung thành với nhau như thế?”

502. Gia đình là một “trung tâm ánh sáng”, đem ngọn lửa hồng chiếu soi kẻ khác.
Ngày nào mọi gia đình là một “trung tâm ánh sáng”, thế giới này sẽ là một đại gia đình đầy ánh sáng, đầy hy vọng.

503. Gia đình công giáo làm tông đồ bằng “tiếp đón”. “Mở rộng nhà” các con và đồng thời “mở rộng lòng” các con. Nhà nào lại không có khách?
“Tiếp đón” là cách thế tiện nhất, tự nhiên nhất, để làm chứng tích về tình yêu, về sự hiệp nhất, về niềm vui, về cởi mở…
“Nghệ thuật tiếp đón” sẽ trở nên “tông đồ tiếp đón”. Các con hãy sống và làm cho những ai đến gia đình các con đều “thèm sống như các con”.

504. Giờ “ngồi bên nhau”, “cùng nhau ngồi bên Chúa” là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là một liều thuốc thần tiên.
Bầu khí gia đình sẽ thay đổi, nhiều vấn đề gay cấn được thông cảm giải quyết.
Trước kia hai vợ chồng “chung sống hòa bình” cách nông cạn, rời rạc. Giờ đây tất cả là một tình yêu, một niềm vui, một lo âu, một lời cầu nguyện.

505. Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình Công giáo.
Không vị giám đốc nào tài ba, chuyên môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được.
Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội Thánh và xã hội nhân loại cũng rung rinh sụp đổ. Đức Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ ngày Ngài được ngũ tuần: “Thưa Thầy Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi, Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi bên Thầy Mẹ”.

HY. FX. NGUYỄN VĂN THUẬN