Fatima, tiếng gọi yêu thương và hoà bình

print

FATIMA, TIẾNG GỌI YÊU THƯƠNG VÀ HOÀ BÌNH   

            

Với nhiều người Công giáo Việt nam, nói đến Lisbon – Bồ Đào Nha thì không biết nhưng nói đến Fatima thì biết ngay. Cho nên đi Bồ Đào Nha mà không đến Fatima thì thật uổng phí. Rất may trong những ngày Đại hội giới trẻ thế giới tại Lisbon, Bồ Đào Nha, Đức giáo hoàng Phanxicô đã đến Fatima vào Thứ Bảy 05/08, và chuyến đi này làm vang lên sứ điệp yêu thương và hòa bình.

Chủ đề của Đại hội giới trẻ là “Vội vã lên đường” (Lc 1,39). Khi sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ, sứ thần nhắc tới trường hợp bà Elisabeth, “tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai” (Lc 1,35). Thế nên Đức Maria vội vã lên đường đi thăm bà Elisabeth để giúp đỡ bà trong lúc thai nghén.

Đức Mẹ không chỉ chăm sóc cho bà Elisabeth mà thôi nhưng còn chăm sóc tất cả con cái của Mẹ, nhất là những ai đang gặp khó khăn, thử thách. Fatima là biểu tượng của tình thương chăm sóc ấy, và như một cử chỉ thể hiện niềm tin tưởng này, khi đến Fatima, Đức giáo hoàng đã lần hạt chung với các bệnh nhân tại Nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima. Hàm chứa trong cử chỉ ấy là lời mời gọi mọi tín hữu hãy đến với Mẹ, hãy tin tưởng vào tình mẫu tử của Mẹ.

Với các bạn trẻ, đây còn là lời mời gọi chiêm ngắm Đức Maria và học với Mẹ bài học “vội vã lên đường”. Lên đường là ra khỏi ngôi nhà của mình, ra khỏi những tính toán ích kỷ để đến với người khác, gặp gỡ người khác và giúp đỡ những ai cần được trợ giúp. Ngày xưa Đức Mẹ lên đường là đi trên những con đường sỏi đá gập ghềnh của miền núi, còn người trẻ ngày nay có những phương tiện giao thông cũng như phương tiện truyền thông rất hiện đại, nhưng nếu tâm hồn không mở ra thì các phương tiện ấy cũng chẳng giúp được gì, trái lại có thể làm cho bản thân càng ích kỷ hơn!

Đức giáo hoàng đến Fatima trong dịp này còn là để nêu cao sứ điệp hòa bình. Nói đến sứ điệp Fatima, không thể không nhớ đến nước Nga. Theo nữ tu Lucia, Đức Mẹ đã yêu cầu dâng hiến nước Nga cho Đức Mẹ. Các Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI đều đã thực hiện việc này. Đức giáo hoàng Phanxicô cũng thế, vào tháng 3 năm 2022, ngài đã long trọng dâng lên Đức Mẹ không những nước Nga mà cả Ukraina và toàn thế giới.

Nhắc đến nước Nga ngày nay là nhắc đến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, và ở mức độ nào đó, là chiến tranh thế giới vì ở đằng sau hai nước này là những quốc gia khác tham gia, trợ giúp bằng nhiều cách. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân cũng thấp thoáng đâu đó, khiến mọi người âu lo, sợ hãi. Vì thế khi Đức giáo hoàng Phanxicô đến Fatima lần này, không thể không lắng nghe ở đó lời mời gọi cầu nguyện cho hòa bình thế giới: “Lạy Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, chúng con long trọng dâng hiến và thánh hóa chính mình chúng con, Hội Thánh và toàn thể nhân loại, đặc biệt nước Nga và Ukraina, cho Trái tim vẹn sạch Mẹ. Xin Mẹ đón nhận sự dâng hiến này mà chúng con thực hiện với cả niềm tín thác và yêu mến. Xin Mẹ cho chiến tranh chấm dứt và hòa bình lan rộng khắp nơi. Tiếng “Xin vâng” thốt lên từ trái tim Mẹ đã mở cánh của lịch sử cho Hoàng tử hòa bình. Chúng con tin tưởng rằng qua Trái tim Mẹ, hòa bình một lần nữa sẽ ngự trị”.

Cùng với lời cầu nguyện, Tòa Thánh đã làm hết sức có thể trong việc vận động cho hòa bình và cứu trợ nhân đạo. Cũng đừng quên rằng để có hòa bình, mỗi người cần phải hoán cải như Đức Mẹ dạy tại Fatima, “ăn năn sám hối; lần chuỗi Mân Côi; tôn sùng Trái tim Mẹ”. “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4,1-3).

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm