PHẦN II
CỬ HÀNH MẦU NHIỆM KI-TÔ GIÁO
Những nội dung của Mầu Nhiệm Đức Tin (tức Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa được Chúa Giê-su Ki-tô thực hiện) không chỉ được « Tuyên Xưng » trong Kinh Tin Kính (Phần I), nhưng còn được Hội Thánh « Cử Hành » trong Phụng Vụ và các Bí Tích, để các Tín Hữu được sống nhờ ơn ích của Mầu Nhiệm ấy và làm chứng về Mầu Nhiệm ấy, trong cuộc sống của mình giữa trần gian[1].
Đó là nội dung chúng ta sẽ tìm hiểu từ Gặp Gỡ 11 đến 19.
Gặp gỡ 11 – Chúa Giê-su dạy ta phụng thờ Thiên CHUA : Phụng vụ và các Bí tích
I. DẪN VÀO LỜI CHÚA
– Cầu nguyện đầu giờ.
– Lịch sử Hội Thánh có những trang sử thật cảm động của Giáo Đoàn A-bi-thi-na, những “Anh hùng Ngày Chúa Nhật” : Ngày 12.3.304, 38 vị nam và 18 vị nữ đã bị bắt và kết tội ‘hội họp bất hợp pháp’, vì đã họp nhau cử hành Lễ Chúa Nhật. Nhưng Cha Sa-tu-ni-út nói : “Chúng tôi có bổn phận cử hành Ngày Của Chúa, đó là luật lệ của chúng tôi”. Còn ông Ê-mê-ri-út, người cho mượn nhà, thì can đảm trả lời : “Tất cả đều đã cử hành Ngày Của Chúa trong chính nhà tôi. Chúng tôi không thể sống mà không cử hành Ngày Của Chúa !”.
Các ngài đã xác tín: việc cử hành Ngày Của Chúa là một trong những việc « thờ phượng đích thực, thờ phượng trong tinh thần và chân lý », một trong những bổn phận căn bản mà Ki-tô hữu phải thực hành, như chính Chúa Giê-su đã dạy trong Lời Chúa sau đây :
II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA(Ga 4, 21-24) :
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an :
Khi ấy Đức Giê-su nói với người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a : “Này chị, hãy tin tôi : giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế…”.
Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).
III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA
Hội Thánh là “những người thờ phượng đích thực”, qua việc chu toàn bổn phận thờ phượng và ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi trong các cử hành Phụng Vụ và Bí Tích, như chúng ta tìm hiểu sau đây :
A. VỀ PHỤNG VỤ :
- Phụng Vụ là gì ?
Phụng Vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh, được Thừa Tác Viên hợp pháp cử hành, nhân danh toàn thể Hội Thánh. Như vậy, một cử hành Phụng Vụ phải có 3 yếu tố :
Thứ nhất : phải là lời kinh chính thức của Hội Thánh, được ấn định trong sách Phụng Vụ, chứ không phải là lời nguyện tự phát.
Thứ hai : phải do một Thừa Tác Viên hợp pháp cử hành, đó là những người được Hội Thánh cắt đặt và ban quyền chủ sự.
Thứ ba : phải được cử hành nhân danh Hội Thánh. Phụng Vụ không bao giờ có tính cá nhân, dù Thừa Tác Viên chỉ cử hành một mình.
Như vậy, những việc sau đây được coi là việc Phụng Vụ : Thánh Lễ, bảy Bí Tích, các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Những cử hành khác chỉ được coi là những việc đạo đức (Lần hạt, tĩnh tâm, hành hương, cầu nguyện …). Trung tâm của mọi cử hành phụng vụ là tưởng niệm việc Chúa Giê-su chịu chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại, nhằm tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ cho con người.
- Mùa Phụng Vụ :
Cử hành Phụng Vụ được tổ chức thành Năm Phụng Vụ, bắt đầu với Chúa Nhật I mùa Vọng, kết thúc bằng lễ Chúa Ki-tô Vua. Đỉnh cao là Tuần Thánh và lễ Phục Sinh. Năm Phụng Vụ chia làm 5 mùa :
(1) Mùa Vọng : là mùa hướng lòng về ngày Chúa Ki-tô sẽ lại đến trong vinh quang để xét xử nhân loại, nhưng gần hơn cả là chuẩn bị tâm hồn và đời sống để mừng Lễ Chúa Giáng Sinh.
Bắt đầu từ Chúa Nhật I mùa Vọng đến chiều 24/12. Lễ phục màu tím chỉ về sự hoán cải, trông đợi Ơn Cứu Độ.
(2) Mùa Giáng Sinh : mừng kính mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người. Từ 25/12 đến hết lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa. Lễ phục trắng, chỉ về sự mừng vui.
(3) Mùa Chay : là mùa thống hối, trở về với Chúa để sửa soạn tâm hồn đón mừng đại lễ Phục Sinh. Lễ phục màu tím chỉ về sự sám hối.
Truyền thống Hội Thánh dạy giữ chay 40 ngày, từ thứ Tư Lễ Tro, trước Chúa Nhật I mùa Chay, đến Tam Nhật Vượt Qua : Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh.
Sáng thứ Năm Tuần Thánh, mỗi Giáo Phận chỉ có một Thánh Lễ làm phép Dầu Thánh do Đức Giám Mục cử hành, để dùng cho cả năm. Chiều thứ Năm Tuần thánh cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, tưởng niệm Chúa Giê-su lập Phép Thánh Thể…Thứ Sáu, thứ Bảy Tuần Thánh không cử hành Thánh Lễ, nhưng chiều thứ Sáu có nghi thức tôn thờ Thánh Giá, tưởng nhớ cuộc Khổ Nạn của Chúa. Chiều tối thứ Bảy đã bắt đầu Đại Lễ nên cử hành canh thức và Thánh Lễ Vọng Phục Sinh.
(4) Mùa Phục Sinh : mừng kính mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô sống lại. Lễ phục trắng, chỉ về sự vui mừng. Bắt đầu từ Thánh Lễ Vọng Phục Sinh cho đến hết lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, gồm 7 tuần lễ.
(5) Mùa Thường Niên : gồm 34 tuần. Lễ phục màu xanh lá cây, xen kẽ giữa mùa Giáng Sinh và mùa Chay (khoảng 8 tuần), giữa mùa Phục Sinh và mùa Vọng (các tuần còn lại).Trong Mùa này, Hội Thánh tôn kính mầu nhiệm Chúa Ki-tô cách chung. Hội Thánh mời gọi suy niệm những lời rao giảng và cuộc đời Chúa Ki-tô, và hướng ta đến niềm hy vọng vinh quang muôn đời.
Xen vào giữa các Mùa, có các lễ kính Đức Mẹ và các Thánh…
B. VỀ CÁC BÍ TÍCH :
- Bí tích là gì ?
Là dấu chỉ do Chúa Giê-su thiết lập.
Để thành Bí Tích phải hội đủ 3 yếu tố :
– Phải là một dấu chỉ, nghĩa là có thể nghe, thấy, cảm nhận được bằng giác quan (hữu hình); và dấu chỉ ấy phải sinh hiệu quả do việc thừa tác viên hợp pháp cử hành đúng nghi thức của Hội Thánh (hữu hiệu). Bí tích nào cũng thường có hai dấu chỉ hữu hình quan trọng : bằng sự việc (vd. nước, đặt tay…) và bằng lời (vd. lời đọc khi Thánh Tẩy, lời cầu xin Chúa Thánh Thần…).
– Phải nhằm thông chuyển ơn lành của Thiên Chúa. Ơn Chúa được hiểu là chính Chúa đến trợ giúp chúng ta, chứ không phải là một cái gì phụ thuộc của Chúa ban cho.
– Phải do Chúa Giê-su thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh[2]…
Như vậy, có 7 Bí Tích là : Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Thống Hối, Xức Dầu bệnh nhân, Hôn Phối, Truyền Chức Thánh.
Có nhiều nghi thức khác do Hội Thánh lập cũng để ban ơn thánh, song chỉ được gọi là phụ tích (như việc ban phép lành, tẩn liệm…).
- Người ban và người lãnh nhận Bí tích :
– Người ban (Vị cử hành/Thừa tác viên), phải được Hội Thánh thừa nhận (được nhận chức thánh), và phải được Hội Thánh ban quyền (hợp pháp), phải làm đúng nghi thức Hội Thánh, với ý ngay lành, thì Bí tích mới sinh hiệu quả, mang lại ơn thánh cho những người lãnh nhận, mà không tuỳ thuộc vào tình trạng thánh thiện hay tội lỗi của người ban.
– Người nhận Bí tích phải có đức tin và ý muốn ngay lành. Bí Tích chỉ được ban cho người còn sống, họ phải tin và có ý muốn tự do lãnh nhận. Mức độ lãnh nhận ơn Chúa ban cho cũng tuỳ thuộc tình trạng tâm hồn của người lãnh nhận.
IV. NÓI VỚI CHÚA
“Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban cho Hội Thánh Phụng Vụ và các Bí Tích, để Hội Thánh có thể chu toàn việc phụng thờ cho đúng thánh ý Thiên Chúa. Xin thương ban ơn Thánh Thần, giúp con siêng năng học hỏi, hầu có thể hiểu biết về Phụng Vụ và các Bí Tích, để luôn sốt sắng phụng thờ Thiên Chúa. Amen”
V. NHỚ LỜI CHÚA
1. H. Phụng Vụ là gì ?
T. Phụng Vụ là việc Hội Thánh chính thức cử hành mầu nhiệm Đức Ki-tô, để thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa con người.
2. H. Đức Ki-tô tiếp tục công trình cứu độ của Người trong Hội Thánh thế nào ?
T. Đức Ki-tô tiếp tục công trình cứu độ của Người trong Hội Thánh qua các Bí tích.
3. H. Bí tích là gì ?
T Bí tích là những dấu chỉ bên ngoài, Chúa Giê-su đã lập và truyền lại cho Hội Thánh cử hành, để diễn tả và thông ban ân sủng bên trong là sự sống thần linh.
VI. SỐNG LỜI CHÚA
– Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Học thuộc tên bảy Bí Tích (Trang 56).
—
[1] Xem GLHTCG số 1068.
[2] x. Mt 28,19; Lc 22,19; Ga 20, 22.