Gặp gỡ 14 – Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể

print

 

Gặp gỡ 14 – Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể [1]

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Mẹ Tê-rê-sa Can-cut-ta sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, chuyên lo cho những người nghèo đói, hấp hối; được gọi là “vị thánh của những kẻ khốn cùng”, thế giới tặng cho bà danh hiệu: “Người phụ nữ của thế kỷ 20”; được tuyên thánh Chúa nhật 4.9.2016.

Khi được mời qua cứu trợ sau trận động đất năm 1989 tại Ác-mê-ni-a, Bà đã xin cho có một Linh mục đi theo. Chính quyền ở đó rất ngần ngại. Mẹ Tê-rê-sa đã giải thích chân tình rằng : Nguồn sức mạnh của các nữ tu chúng tôi là Mình Thánh Chúa; khi mỗi ngày được rước Mình Thánh Chúa, nhờ Linh mục dâng Thánh Lễ, chúng tôi mới có sức hy sinh, quên mình để phục vụ những người nghèo khổ, khốn cùng nhất trong xã hội…

Lời giải thích của Mẹ đã nói lên xác tín thâm sâu về ý nghĩa và giá trị của bí tích Thánh Thể, điều mà chính Đức Giê-su đã nói lên trong bài giảng  sau phép lạ hóa bánh ra nhiều :

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 6, 53-55) :

“Đức Giê-su nói với dân chúng : Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì được sống muôn đời và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết…”

Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA

1/ Về việc Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể :

a. Chúa lập bí tích Thánh Thể khi nào ?

Chúa lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, là Tiệc Vượt Qua của Do thái, trước khi Người chịu khổ nạn  (x. Lc 22, 14).

b. Chúa lập thế nào ?

Thánh Phao-lô ghi nhận : “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và nói : Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để nhớ đến Thầy…Cuối bữa ăn, Người nâng chén rượu và nói : Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới, mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 23-25).

c. Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể khi nào và thế nào ?

Dấu chỉ chính yếu của bí tích Thánh Thể là Bánh Miến và Rượu Nho. Chúa Giê-su hiện diện trong dấu chỉ hình bánh hình rượu từ khi Chủ Tế đọc lời Truyền Phép trong Thánh Lễ. Người hiện diện thực sựtrọn vẹn cùng với linh hồn và tính Thiên Chúa của Người, bao lâu còn hình bánh hình rượu.

2/ Về ý nghĩa của bí tích Thánh Thể : đây là vài danh hiệu chính:

–  Lễ Tạ Ơn : vì khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đã muốn thực hiện để tạ ơn Thiên Chúa : “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn (1 Cr 11, 24).

  • Bữa Tiệc Của Chúa, Bữa Tiệc Vượt Qua (1 Cr 11, 20) : vì Bí Tích này nhắc nhớ bữa Tiệc Ly của Chúa với các môn đệ.
  • Lễ Bẻ Bánh (Cv 2, 42): vì trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã làm cử chỉ quen thuộc : “Người bẻ bánh và trao cho các Môn đệ”.
  • Hiến Tế Tạ Ơn (Dt 13, 15) : vì bí tích Thánh Thể hiện tại hóa Hiến Tế của Chúa Ki-tô đã dâng trên Thánh Giá xưa, để cùng với Người Hội Thánh dâng lên, tạ ơn Chúa Cha.
  • Bánh Trường Sinh : vì Thánh Thể cho ta “được sống lại và được sự sống muôn đời” (Ga 6, 54).
  • Bí tích Tình Yêu, Hiệp Thông (1 Cr 10, 16-17) : vì bí tích Thánh Thể cho ta cảm nhận được tình yêu “dám chết vì bạn hữu” cũng như dám “trao ban chính mình” của Chúa Ki-tô, để nên của ăn, cho ta được nên một với Người, cũng như nên một với nhau trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người là Hội Thánh.
  • Bí Tích Cực Thánh : vì bí tích Thánh Thể ban cho ta ơn huệ cao trọng nhất là chính Chúa Ki-tô, Ngôi Hai Chí Thánh.

3/ Bí tích Thánh Thể  với Hội thánh và người Ki-tô-hữu.

a/ Bí Tích Thánh Thể  là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống toàn thể Hội Thánh.

Vì bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh là Chúa Giê-su, nên các bí tích khác, cũng như các thừa tác vụ và mọi hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể, quy hướng về Thánh Thể. Trên thực tế, hầu hết các bí tích đều cử hành trong Thánh Lễ; Thánh Lễ luôn là trung tâm điểm, là sinh hoạt chính trong các chương trình, các lễ hội, như  hành hương, tĩnh tâm, khai giảng hoặc kết thúc các khoá huấn luyện…

b/ Bí Tích Thánh Thể dấu chỉ và phương thức hiệp thông :

. Là dấu chỉ hiệp thông : Cộng đoàn Thánh Thể, khi đông đảo Kitô-hữu quây quần bên Bàn Tiệc Thánh, chính là hình ảnh rõ nét nhất  cho thấy : Hội Thánh đang hiệp thông cùng nhau. Cũng vậy, khi một Kitô-hữu còn đến với Thánh Lễ, thì đó là dấu chỉ rõ nhất cho thấy người đó còn hiệp thông với Hội Thánh.

. Là phương thức xây dựng và bảo tồn hiệp thông : Hội Thánh được thiết lập để giúp ta hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ. Hội Thánh chỉ đạt được điều này khi trung thành cử hành Thánh Thể : Mỗi khi Rước Lễ,  ta được hiệp thông với Chúa, với nhau; và càng rước lễ sốt sắng, ta càng hiệp thông sâu đậm hơn.

IV. NÓI VỚI CHÚA

Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương ban cho con trí hiểu biết và lòng yêu mến, để con cảm nhận sâu xa được sự cao trọng và tình yêu của Chúa Giê-su nơi bí tích Thánh Thể, để con cố gắng học hỏi về bí tích Thánh Thể, hầu dọn mình xứng đáng hơn cho ngày con được Chúa Thánh Thể ngự vào lòng con. Amen.

V. NHỚ LỜI CHÚA

1. H. Bí tích Thánh Thể là gì ? (C. 267)

T. Là bí tích Chúa Giê-su lập để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh Giá và để ban Mình Máu Người, làm của ăn nuôi sống chúng ta.

2. H. Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể khi nào ?

T. Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, trước khi Người ra đi chịu khổ nạn (C. 268)

3. H. Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì trong đời sống Ki-tô giáo? (C. 270)

T. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống của toàn thể Hội Thánh và của mỗi Ki-tô hữu, vì bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh là chính Chúa Ki-tô.

VI. SỐNG LỜI CHÚA

– Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm :

Trước khi vào lớp giáo lý, con sẽ vào Nhà thờ viếng Chúa Thánh Thể. Con nói với Chúa :

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, con tin thật, tôn thờ, và yêu mến Chúa…Xin Chúa chúc lành cho con và mọi người thân yêu của con. Amen.

[1] GLHTCG, số 1322-1419.