Gặp gỡ 15 – Chúa Giê-su mời gọi Hội thánh cử hành Thánh lễ

print

 

 

Gặp gỡ 15 – Chúa Giê-su mời gọi Hội thánh cử hành Thánh lễ

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Trong một nhà thờ bên Ý, có một bức họa ? rất cảm động, vẽ  cảnh một Linh Mục đang dâng Thánh lễ; phía sau Ngài, bốn thiên thần bay lượn, miệng ngậm loa, chờ sẵn để thổi loa báo lệnh phán xét, trừng phạt tội lỗi trần gian! Thế nhưng các thiên thần cứ phải nhóng loa chờ đợi, vì Thánh Lễ chưa chấm dứt…Bức  họa muốn nói lên sức mạnh vô biên của Thánh Lễ : bao lâu còn Thánh Lễ, bấy lâu còn Hy Lễ đền tội, bấy lâu Thiên Chúa còn sẵn sàng chờ đợi! Đó là một trong những ơn huệ nói lên sự cao cả của Thánh Lễ. Ý thức sâu xa điều này, vị tử đạo cao tuổi nhất trong số 117 vị được tuyên thánh ngày 19.6.1988, cha thánh Lu-ca Vũ Bá Loan ? (1756-1840) luôn dâng Thánh Lễ  hết sức sốt sắng, cung kính : có một Thầy góp ý xin Cha dâng lễ mau hơn một chút, Cha nói : “Con ơi, Thánh Lễ là việc cao trọng nhất trên trần gian. Không có gì đáng để chúng ta phải cử hành Thánh Lễ vội vã cả !”

Chúng ta tìm hiểu về “việc cao trọng nhất trần gian” này :

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (1 Cr 11, 23-25) :

Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô :

“Điều đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại : trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói : Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra lập Giao ước mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”.

Đó là Lời Chúa (Tạ ơn Chúa).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA

1/ Thánh Lễ là Hiến Tế của Chúa Ki-tô :

– Chúa Ki-tô đã hiến tế chính mình một lần trên thập giá, để đền tội cho muôn dân, và Người “chỉ dâng một lần là đủ” (Dt 7, 27)…nhưng để liên kết chúng ta với Hiến Tế của Người, Người đã muốn nối dài Hiến Tế xưa trên thập giá trong mỗi Thánh Lễ.

– Qua lời Truyền Phép “Này là Mình Thầy…là Máu Thầy”, chính Chúa Ki-tô, Đấng tự hiến tế xưa trên thập giá, giờ đây cũng được hiến tế trên bàn thờ; khác một điều là “… không đổ máu”.

2/ Thánh Lễ là bàn tiệc hiệp thông :

  • Vì trong Thánh Lễ, Chúa Ki-tô muốn ta được kết hiệp với Mình và Máu Người để được cùng Người hiến tế cho Thiên Chúa…
  • Đồng thời, vì cùng được kết hiệp với Mình và Máu Người, các tín hữu được hiệp thông với nhau thành một thân thể (x. 1 Cr 10, 16).
  • Sau nữa, nơi Thánh Lễ, nhất là khi Rước Lễ, ta còn được hiệp thông với Bàn Tiệc của cộng đoàn Phụng Vụ trên trời, được tham dự trước vào vinh quang Nước Trời (GLHTCG 1402).

3/ Hội Thánh dâng Thánh Lễ để làm gì ?

a/ Hội Thánh dâng Thánh Lễ để tạ ơn, ca ngợi Chúa Cha :

  • Để tạ ơn : nhờ của lễ là Thánh Thể Chúa Ki-tô, Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa hy tế tạ ơn, cảm tạ Thiên Chúa vì mọi ân huệ Người ban qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.
  • Để ca ngợi : như lời tung hô của chủ tế “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng…”, Hội Thánh không ngớt dâng lời ca ngợi nhân danh mọi loài thụ tạo.

b/ Hội Thánh dâng Thánh Lễ để tưởng niệm hy tế của Chúa Ki-tô theo đúng lệnh truyền của Người (1 Cr 11, 23-25).

c/ Hội Thánh dâng Thánh Lễ để tiến dâng chính hy tế của mình:

Trong Thánh Lễ, tất cả đời sống của người Ki-tô hữu : lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công ăn việc làm, “mọi lao công con người”… đều được kết hiệp với Chúa Ki-tô, là Đầu Hội Thánh, để nên hy tế dâng lên Chúa Cha; nhờ đó, tất cả đời sống Ki-tô hữu mang giá trị mới, là cho ta được lập công phúc trước mặt Chúa và được đón nhận ơn Cứu Độ của Người.

d/ Hội Thánh dâng Thánh Lễ để chuyển cầu cho toàn thể tín hữu :

Kết hiệp với lời chuyển cầu của Chúa Ki-tô, Cộng đoàn nhắc nhớ đến Đức Giáo Hoàng, Giám mục Giáo Phận, hàng Giám Mục, Giáo Sĩ, toàn thể Dân Chúa. Và cũng long trọng kính nhớ, “hiệp thông với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, các Tông Đồ và toàn thể các Thánh…”

Cộng đoàn cũng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời…

4/ Thánh Lễ có mấy phần ?

Có hai phần chính : Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể. Hai phần này liên kết chặt chẽ thành một Lễ thống nhất, được đóng khung bởi Nghi thức đầu lễ và Nghi thức kết lễ.

* Nghi thức đầu Lễ :

Gồm Lời chào của chủ tế, nghi thức sám hối, kinh Xin Chúa thương xót và Vinh Danh, Lời Nguyện Nhập Lễ.

  1. Phụng vụ Lời Chúa : gồm các Bài đọc, Đáp ca, Tin Mừng, Bài giảng, kinh Tin kính, Lời nguyện chung.
  2. Phụng vụ Thánh Thể. Gồm các phần :
  3. Chuẩn bị lễ vật; dâng lễ vật.
  4. Kinh Tạ Ơn (Kinh nguyện Thánh Thể) : đây là trung tâm của cuộc cử hành Thánh Lễ, gồm :

b.1. Kinh Tiền Tụng : cùng với triều thần thiên quốc, Hội Thánh ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa.

b.2.  Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần : Hội Thánh xin Chúa Thánh Thần đến dùng quyền năng Người làm cho Bánh Rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô.

b.3.  Kinh Truyền Phép : là giây phút linh thiêng nhất, tường thuật việc Chúa lập bí tích, để nhờ quyền năng của Lời Người và của Thánh Thần, bánh rượu thực sự trở thành Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

b.4.  Kinh Tưởng Niệm : tưởng niệm cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh, Lên trời, và ngày Trở Lại vinh quang của Chúa Ki-tô.

b.5. Kinh Chuyển Cầu : nói lên tình hiệp thông giữa toàn thể Hội Thánh trần gian và quê trời, kẻ sống và kẻ chết, các chủ chăn và toàn thể Dân Chúa địa phương cũng như toàn cầu.

* Nghi thức Hiệp Lễ : mở đầu là Kinh Lạy Cha và nghi thức Bẻ Bánh. Chính trong phần Hiệp Lễ, Ki-tô hữu đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô để được nên một với Người và với nhau…

* Nghi thức kết lễ : Chủ tế ban Phép Lành, và chào chúc cộng đoàn lên đường đi vào Thánh Lễ cuộc sống.

5/ Hiệu quả của việc Rước Lễ :

Rước lễ đem lại những hiệu quả to lớn :

  1. Tăng triển sự  hiệp thông của ta với Chúa Ki-tô : cho ta được nên một với Người, như Người đã nói : “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi, thì ở  lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy…” (Ga 6, 56).
  2. Giúp ta xa lánh tội lỗi : như của ăn vật chất hồi phục sức lực bị tiêu hao, Thánh Thể củng cố lòng mến của ta với Chúa Ki-tô, Đấng xóa tội trần gian, để xóa đi các tội nhẹ, và giữ ta khỏi phạm tội trọng.
  3. Giúp hiệp nhất các Ki-tô hữu :

Khi Rước Lễ, ta được nên một với Chúa Ki-tô là Đầu của Nhiệm Thể, nhờ đó, Chúa Ki-tô liên kết chúng ta nên một thân thể là Hội Thánh Người : “Vì chỉ có một Tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một Thân Thể” (1 Cr 10, 17-17).

  1. Rước lễ bảo đảm cho vinh quang mai sau : vì chính Chúa Giê-su đã nói : “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6, 54).

6/ Điều kiện để Rước Lễ nên : Ta phải :

  • Sạch tội trọng : “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này…” (1 Cr 11, 27-29), nên nếu mắc tội trọng thì cần lãnh bí tích Hòa Giải trước. Cần có tâm tình khiêm tốn như viên đại đội trưởng trong đã nói lên : “Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì con được lành mạnh” (Mt 8, 8).
  • Giữ chay Thánh Thể : không được ăn uống (trừ nước lạnh hoặc uống thuốc) 1 giờ trước lúc Rước Lễ.
  • Dọn mình chu đáo : thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) phải biểu lộ tâm tình bên trong là lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui của giây phút được Chúa ngự vào lòng.

IV. NÓI VỚI CHÚA

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Thánh Lễ. Chúng con nguyện xin Chúa ban ơn Thánh Thần, để chúng con luôn biết quí trọng và đến với Thánh Lễ, hầu Lời Chúa và Thánh Thể Chúa luôn nuôi sống chúng con. Amen.

V. NHỚ LỜI CHÚA

1. H. Trong cử hành bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su hoạt động thế nào ? (C. 276)

T. Trong cử hành bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su vừa là chủ tế vừa là của lễ, để thờ phượng Chúa Cha và thánh hóa loài người.

2. H. Phải có những điều kiện nào để được rước lễ ? (C. 289)

T. Phải có những điều kiện này :

– Một là hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công Giáo.

– Hai là ý thức mình không có tội trọng.

– Ba là phải giữ chay theo quy định của Hội Thánh.

– Bốn là có thái độ tôn kính Đức Ki-tô.

3. H. Rước lễ đem lại những ơn ích nào ? (C. 290)

T. Rước lễ làm cho chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Ki-tô và Hội Thánh, được tẩy xóa các tội nhẹ, gia tăng ân sủng và lòng yêu mến tha nhân.

VI. SỐNG LỜI CHÚA

Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, trọn vẹn, sốt sắng, không đi trễ về sớm, không ngồi ngoài Nhà Thờ.