Gặp gỡ 19 – Chúa Giê-su lập bí tích Hôn phối

 

Gặp gỡ 19 – Chúa Giê-su lập bí tích Hôn phối

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Hội Thánh được làm thành bởi số đông Ki-tô-hữu bậc Giáo Dân (1.328.993.000 # 17,73%  dân số thế giới), cách riêng là những Ki-tô-hữu sống đời vợ chồng. Họ được củng cố và được thánh hiến bằng bí tích Hôn Phối, cũng là “bí tích xây dựng cộng đoàn”. Qua bí tích này, cha mẹ nhận lãnh vinh dự và cũng là bổn phận: xây dựng mái ấm gia đình thành Hội-Thánh-Tại-Gia, như tấm gương của nhiều đôi vợ-chồng-thánh trong lịch sử Hội Thánh[1].

 “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Câu ca dao này nhắc mỗi người chúng ta: ai cũng phải biết đến cội nguồn sinh thành ra mình. Cội nguồn gần gũi là tổ tiên, ông bà, nhất là cha mẹ trong gia đình. Gia đình được thành hình từ ngày cha mẹ thành hôn, được phối hợp với nhau qua bí tích hôn phối. Thế nhưng, xa hơn nữa, cội nguồn của hôn nhân gia đình phát sinh do Thiên Chúa, như Lời Chúa sau đây :

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Mt 19, 4-6) :

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu :

“Ngay từ thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam, có nữ và Người đã phán : vì thế người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ, cả hai sẽ trở thành một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA

1/ Nguồn gốc, ý nghĩa của hôn nhân, gia đình, cách riêng của bí tích Hôn Phối :

a. Từ thuở ban đầu, khi Thiên Chúa tạo dựng loài người :

Chính Thiên Chúa đã là nguồn gốc : Người thiết lập đời sống hôn nhân gia đình khi Người “dựng nên con người có nam (A-đam) có nữ (E-và)”.

Như vậy, đời sống hôn nhân gia đình là một Ơn Gọi được khắc ghi ngay trong bản tính con người: con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa là Tình Yêu, nên con người được mời gọi nên giống Thiên Chúa Tình Yêu bằng đời sống yêu thương nơi gia đình.

Trách nhiệm của hôn nhân cũng đã được chính Thiên Chúa trao phó, thứ nhất : yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau : “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24); và thứ hai : sinh dưỡng con cái : “Thiên Chúa phán: hãy sinh sôi nảy nở cho đầy khắp mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1, 28).

b. Đến Chúa Giê-su, Người thiết lập bí tích Hôn Phối :

Qua các thời đại, cả trong lịch sử Dân Chúa là Ít-ra-en và ngay trong thời đại chúng ta, cũng có những sai trái trong đời sống hôn nhân gia đình, như việc ly dị hoặc nhiều vợ nhiều chồng…làm cho hôn nhân mất đi nét tốt đẹp Thiên Chúa sắp định ban đầu. Hôn nhân chỉ tìm lại được giá trị cao quý đích thực và trọn vẹn khi Đức Giê-su nâng hôn nhân lên hàng bí tích :

Qua  phép lạ đầu tiên ‘hóa nước thành rượu’ tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 1-11), Người xác nhận sự  thiện hảo của hôn nhân.

Khi giảng dạy, Người xác quyết lại ý định nguyên thủy của Thiên Chúa : “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Đây là đòi hỏi nặng nề ! Nhưng sự hiện diện của Chúa Ki-tô tại tiệc cưới Ca-na là dấu chỉ nói lên : Người luôn hiện diện “qua bí tích Hôn Phối” để chúc lành, và nâng đỡ đời sống hôn nhân gia đình.

c. Phần Hội Thánh : luôn trân trọng, bảo vệ, củng cố, đồng hành:

Trong Hội Thánh Công giáo : Có những luật lệ nghiêm túc để bảo vệ hôn nhân và gia đình. Có những chuẩn bị rất cẩn thận trước khi cử hành bí tích Hôn Phối.

– Bí tích Hôn Phối được cử hành với những nghi thức của Hội Thánh, thường là trong Thánh Lễ, do Linh Mục hay Phó Tế chứng nhận, nhưng do chính đôi bạn cử hành khi trao đổi sự ưng thuận hoàn toàn tự do của họ trước mặt Chúa và Hội Thánh.

2/ Những đặc tính của bí tích hôn phối :

  1. Đơn hôn : một vợ một chồng : “Cả hai sẽ thành một xương một thịt…” (Mc 10, 8).
  2. Vĩnh hôn : chung sống trọn đời : “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” .

3/ Những ơn ích của bí tích Hôn Phối:

  • Vợ chồng được liên kết chặt chẽ với nhau bằng “dây hôn phối” : dây liên kết này không chỉ là việc do hai người giao ước với nhau, nhưng là do “Thiên Chúa đã phối hợp họ”. Chính Thiên Chúa đóng ấn, xác nhận lời giao ước của hai người với nhau và với Thiên Chúa nữa.
  • Vợ chồng được thánh hóa : Các đôi vợ chồng Ki-tô-hữu được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa. Chúa Ki-tô đến với đôi vợ chồng, ở lại và ban sức mạnh, ân sủng cho họ. Nhờ những ơn này, tình yêu, sự chung thuỷ, hiệp nhất được củng cố, và được thánh hóa để họ giúp nhau, giúp con cái nên thánh trong cuộc sống gia đình.

IV. NÓI VỚI CHÚA

Lạy Chúa, Chúa đã phối hợp các đôi vợ chồng nên một nhờ bí tích Hôn Phối. Xin Chúa thương ban ơn Thánh Thần, để các đôi hôn nhân Công Giáo luôn ý thức sâu xa về ơn gọi của họ, hầu luôn nỗ lực củng cố tình yêu, sự chung thuỷ, hiệp nhất, và luôn giúp nhau cùng con cái nên thánh trong cuộc sống gia đình. Amen.

V. NHỚ LỜI CHÚA

1/ H. Bí tích Hôn Phối là gì ?

T. Bí tích Hôn Phối là bí tích Đức Giê-su đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.

2/ H. Hôn nhân Công Giáo có mục đích gì ?

T. Hôn nhân Công Giáo có hai mục đích này :

    • Một là để hai vợ chồng yêu thương và giúp đỡ nhau.
    • Hai là để họ cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và dưỡng dục con cái.

3/ H. Hôn nhân Công Giáo có những đặc tính nào ?

T. Hôn nhân Công giáo có hai đặc tính này : Một là đơn hôn : là chỉ sống một vợ một chồng. Hai là vĩnh hôn : là trung thành yêu thương nhau trọn đời.

VI. SỐNG LỜI CHÚA

Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Cầu nguyện cho gia đình tôi, các gia đình Công Giáo : luôn sống trong ơn nghĩa Chúa, hòa thuận yêu thương.

[1] Ít nhất, có thể kể ra 10 gia đình có vợ chồng là các vị Thánh :

  1. Thánh Lou-is Mar-tin và thánh Ze-lie Gue-rin (cha mẹ của thánh Tê-rê-sa hài đồng Giê-su).
  2. Thánh Gre-go-ry và Thánh Non-na (cha mẹ của thánh Gor-go-ni-a, thành Cae-sa-ri-us và thánh Grê-go-ry thành Na-zi-a-zus, tiến sĩ Hội Thánh.
  3. Thánh A-qui-la và Thánh Pris-cil-la (đã đón tiếp thánh Phao-lô khi ngài viếng thăm Rô-ma).
  4. Thánh Gio-an Kim và thánh An-na (Cha mẹ của Đức Ma-ri-a).
  5. Thánh Za-ca-ri-a và thánh Ê-li-za-beth (cha mẹ thánh Gio-an Tẩy Giả).
  6. Chân phước Lu-i-gi và chân phước Ma-ri-a Bel-tra-me (Hai vị đã cương quyết từ chối phá thai).
  7. Thánh Vin-cent và thánh Wal-de-tru-dis (cha mẹ của bốn vị thánh khác là: Lau-de-ri-cus, Ma-da-lber-ta, A-de-ltru-dis, và Den-te-lin).
  8. Thánh I-si-do-re và thánh Ma-ri-a De La Ca-be-za (bổn mạng của những người nông dân hiền lành và kiên nhẫn).
  9. Thánh Gor-di-a-nus và thánh Sil-vi-a (cha mẹ của thánh giáo hoàng Grê-gô-ri-ô Cả).
  10. Thánh Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a (Cha mẹ của Chúa Giê-su).
print