PHẦN III
ĐỜI SỐNG TRONG CHÚA KITÔ
Mầu Nhiệm Đức Tin (tức Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa được Chúa Giê-su Ki-tô thực hiện, mà chúng ta đã tìm hiểu trong Phần I và II), làm cho phẩm giá của con người, là hình ảnh Thiên Chúa được kiện toàn, vì trong Mầu nhiệm này, con người còn được Thiên Chúa mời gọi đến hưởng hạnh phúc đích thực trong Nước Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc này khi chúng ta thực thi những điều mà Chúa Giê-su đã công bố trong Bài Giảng trên núi về Tám Mối Phúc thật[1], bằng cách chúng ta sống theo Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, cùng với các Điều Răn Hội Thánh. Đây chính là «Đời Sống Trong Chúa Ki-tô», nghĩa là trong con đường mà chính Người đã sống cách mẫu mực, mà chúng ta sẽ tìm hiểu từ Gặp Gỡ 20 đến 28 sau đây :
Gặp Gỡ 20 – Điều răn thứ nhất
Chúa Giê-su dạy ta: thờ phượng va kinh mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự
I. DẪN VÀO LỜI CHÚA
– Cầu nguyện đầu giờ.
– Thánh Niu-mân [2] đã viết : Ngày nay, “giàu sang” là vị thần vĩ đại, là một trong những ngẫu tượng của thời đại được đông đảo quần chúng sùng bái, tôn thờ. Một ngẫu tượng nữa là “danh vọng” : được mọi người biết đến, được tiếng tăm lừng lẫy, được các phương tiện truyền thông nói đến. Danh vọng đã trở thành như điều thiện hảo tuyệt đối…được người ta tôn thờ sùng bái”.
Vào thời văn minh, kỹ thuật 4.0 này, chước cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng càng mạnh mẽ, đe dọa trực tiếp niềm tin chúng ta ! Đòi hỏi mỗi Kitô hữu phải luôn suy niệm sâu sắc về Điều Răn Thứ Nhất.
II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Mt 4, 1-11) :
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu :
“Quỷ lại đem Người lên ngọn núi rất cao, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Đức Giê-su liền nói : “Xa-tan, xéo đi! vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi…”.
Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).
III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA
Lời Chúa cho ta thấy thái độ và lời dạy dứt khoát của Chúa Giê-su rằng: những vinh hoa lợi lộc trần gian không được lấn áp nghĩa vụ ưu tiên số một : “Thờ phượng một mình Thiên Chúa”. Đó là lời mời gọi và cũng là yêu sách chính đáng, mà Thiên Chúa đòi hỏi vì con người là thụ tạo mà Người đã tạo dựng : Chúng ta phải tôn thờ Người, bằng đời sống đức tin, cậy, mến, bằng thực thi “Nhân đức thờ phượng”:
A/ Đời sống Đức Tin :
a/ Ý nghĩa :
- Đức tin là tin nơi Thiên Chúa, và tuyên xưng Người : là Đấng quyền phép vô cùng và yêu thương chúng ta vô ngần, là Đấng thường hằng, trung tín, tuyệt đối công bình; tin là đón nhận mọi Lời Người.
- Vì tin vào Người, ta sống đời sống luân lý : Thánh Phao-lô nói đến việc “họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16, 26) như một nghĩa vụ hàng đầu. Theo ngài, nguyên nhân và lời giải thích cho mọi lệch lạc luân lý là vì người ta “không nhận biết Thiên Chúa” (Rm 1, 18..).
- Vì vậy, Điều Răn thứ nhất buộc gìn giữ và bồi dưỡng đức tin cách cẩn trọng, và phải loại bỏ tất cả những tội nghịch cùng đức tin.
b/ Những tội nghịch cùng đức tin :
(1) Cố tình hoài nghi : là xem thường hay không nhìn nhận là chân thật những điều Thiên Chúa mặc khải và những điều Hội Thánh dạy tin.
(2) Vô tình hoài nghi : là do dự không tin, hoặc không cố gắng vượt qua những vấn nạn, nghi ngờ trong đời sống đức tin (Vd: Nghi ngờ sự quan phòng của Thiên Chúa…).
(3) Vô tín : là khinh thường chân lý mặc khải hay cố tình từ chối không tin.
(4) Lạc giáo : là ngoan cố phủ nhận hay nghi ngờ một chân lý phải tin nhận đối với Thiên Chúa của Giáo hội Công giáo.
(5) Bội giáo : là tội chối bỏ toàn bộ đức tin Ki-tô giáo.
(6) Ly giáo : là tội từ chối phục tùng Giáo Hoàng, hay từ chối hiệp thông với các phần tử của Hội Thánh đang phục quyền Giáo Hoàng.
B/ Đời sống Đức Cậy :
a/ Ý nghĩa :
- Con người phải trông cậy nơi Thiên Chúa vì tự sức riêng, chúng ta không thể đáp lại tình yêu của Thiên Chúa khi Người tự mặc khải và kêu gọi chúng ta.
- Vì vậy phải cậy trông vào Thiên Chúa, nghĩa là :
. Phải hết lòng mong đợi Chúa ban cho ta khả năng để ta đáp lại tình yêu của Người, cho ta hành động phù hợp với lề luật Người, cho ta “giữ đạo nên ở đời này”.
. Cũng phải hết lòng mong đợi Thiên Chúa ban phúc, cho chúng ta “ngày sau được lên Thiên Đàng xem thấy mặt Ðức Chúa Trời hưởng phúc đời đời”.
. Phải tránh những tội nghịch cùng đức cậy.
b/ Những tội nghịch cùng đức cậy :
(1) Ngã lòng : là không trông cậy Chúa ban cho mình ơn cứu độ và trợ giúp mình đạt tới hạnh phúc đời đời hay tha thứ tội lỗi cho mình.
(2) Tự phụ : là quá tin vào sức riêng: nghĩ rằng mình có thể tự cứu rỗi mà chẳng cần đến Thiên Chúa; hoặc quá ỷ lại vào lòng nhân từ Chúa: nghĩ mình sẽ được tha thứ mà chẳng cần hối cải, cũng như sẽ được hưởng phúc mà chẳng cần cố gắng lập công.
C/ Đời sống Đức Mến :
a/ Ý nghĩa :
Khi tin Thiên Chúa yêu thương mình, con người phải đáp lại Tình Yêu ấy bằng một tình yêu chân thành. Vì vậy, Điều Răn thứ nhất dạy:
– Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
- Phải yêu thương toàn thể thụ tạo “vì Chúa và cho Chúa” (vd. biết dùng của cải để lo việc tôn thờ Chúa, giúp đỡ người khác vì họ cũng là con cái Chúa / x. Đnl 6, 4 – 5).
- Phải tránh phạm những tội nghịch với tình yêu Thiên Chúa.
b/ Những tội nghịch với tình yêu Thiên Chúa (Nghịch đức mến) :
(1) Lãnh đạm : xem thường, không quan tâm hay không biết đến đến tình yêu Thiên Chúa.
(2) Vong ân : quên lãng, hay từ chối tình yêu Thiên Chúa, từ chối đáp lại bằng tình yêu của mình.
(3) Nguội lạnh : là chểnh mảng đáp lại tình yêu Thiên Chúa, hoặc từ chối dấn thân trong đức mến Chúa yêu người.
(4) Lười biếng : làm biếng việc thiêng liêng, có thể đưa đến tội từ khước và khinh chê những lợi ích thiêng liêng.
(5) Oán ghét Thiên Chúa : chống lại Người vì cho rằng Người không tốt lành; hoặc chối từ Người vì Người cấm phạm tội và vì Người thường trừng trị con người bằng các hình phạt.
D/ Thực thi nhân đức thờ phượng :
1/ Bằng thờ lạy :
- Thờ lạy là hành vi đầu tiên của đức thờ phượng : biểu tỏ sự nhận biết Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu chuộc, là Chúa và Thầy của mọi loài, là Tình Yêu Vô Biên và giàu Lòng Thương Xót.
- Thờ lạy là tôn kính và tuyệt đối thần phục Thiên Chúa, vì nhận thực con người chúng ta chỉ là thụ tạo, hoàn toàn ở trong tay Người.
- Thờ lạy một mình Thiên Chúa, ta sẽ được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi, hoặc việc sùng bái các ngẫu tượng.
- Đức Ma-ri-a, qua lời kinh “Ngợi khen” (Ma-nhi-fi-cat), đã nên mẫu gương thờ lạy : bằng việc ca ngợi, chúc tụng Thiên Chúa; với lòng khiêm tốn, biết ơn, Mẹ tuyên xưng rằng : “Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại và Danh Người Chí Thánh” (Lc 1, 46 – 49).
2/ Bằng cầu nguyện :
- Cầu nguyện hoàn tất những hành vi tin, cậy, mến mà Điều Răn thứ nhất đòi buộc.
- Cầu nguyện là một cách thức thờ lạy Thiên Chúa : ta nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa, nhận biết sự cao cả của Người và ý thức mình hoàn toàn lệ thuộc vào Người; qua lời cầu nguyện, ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tình:
(1) Tạ ơn : biết ơn vì những ân huệ phần hồn phần xác Thiên Chúa ban cho mình hoặc cho người khác.
(2) Đền tội : ăn năn đau buồn vì những tội mình đã phạm và xin Thiên Chúa thương xót.
(3) Xin ơn : xin Thiên Chúa ban những ơn cần thiết cho hoàn cảnh sống hiện tại, phần hồn phần xác.
(4) Cảm mến : bày tỏ tình yêu đối với TC là Đấng trọn lành.
- Cầu nguyện giúp ta đến gần Chúa là nguồn sức mạnh, giúp ta có sức tuân giữ các giới răn cách trọn hảo hơn, chính vì vậy, Chúa Giê-su dạy : “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18, 1).
3/ Bằng dâng lễ tế :
- Dâng lễ tế lên Thiên Chúa là cách bày tỏ tâm tình thờ lạy, tạ ơn, cầu khẩn và hiệp thông với Người.
- Khi dâng lễ tế, cần có tâm tình bên trong (Am 5, 21- 25), cần đi đôi với lòng nhân ái yêu thương tha nhân (Is 1, 10- 20).
- “Mọi hành vi con người thực hiện để được kết hiệp với Thiên Chúa và để được vinh phúc, đều là lễ tế đích thực”[3].
- Nhưng chỉ có một lễ tế hoàn hảo duy nhất là lễ tế Đức Ki-tô dâng trên bàn thờ Thập Giá vì tình yêu Chúa Cha và để cứu độ nhân loại. Kết hợp với lễ tế này, nghĩa là với Thánh Lễ, ta biến đời mình thành lễ tế dâng lên Thiên Chúa.
4/ Bằng các lời hứa và lời khấn với Thiên Chúa :
a/ Lời hứa : Trong một số trường hợp, Ki-tô hữu được mời gọi tuyên hứa với Thiên Chúa, vì việc trung thành giữ lời hứa cũng nói lên lòng tôn kính mến yêu đối với Người :
+Lời hứa trong các Bí Tích :
. Bí tích Thánh Tẩy : hứa từ bỏ tội lỗi, trung thành với bổn phận làm con Chúa…
. Bí tích Thêm Sức : lặp lại lời hứa khi chịu Thánh Tẩy.
. Bí tích Hôn Phối : hứa trung thành với “điều mà Thiên Chúa đã liên kết…”.
. Bí tích Truyền Chức Thánh : hứa vâng phục Hội Thánh và trung thành với Ơn gọi.
+ Lời hứa do lòng đạo đức cá nhân : Ki-tô hữu cũng có thể hứa với Chúa làm một việc tốt lành nào đó (vd. dâng một số kinh nguyện, thực hiện việc bố thí, đi hành hương…).
b/ Lời khấn : Lời khấn là một lời hứa có suy tính và tự nguyện dâng lên Thiên Chúa, cam kết làm một điều thiện hảo hơn và có thể làm được. Vì thuộc về đức thờ phượng, lời khấn buộc phải được chu toàn. Vd. Các tu sĩ khấn sống theo các lời khuyên Phúc Âm : “khó nghèo”, “vâng phục”, “khiết tịnh”.
IV. NÓI VỚI CHÚA : Sốt sắng đọc kinh Tin, Cậy, Mến (Trg 154).
V. NHỚ LỜI CHÚA
1. H. Điều Răn thứ nhất dạy chúng ta sự gì ? (c. 477)
T. Điều Răn thứ nhất dạy chúng ta phải thờ phượng một Thiên Chúa và kính mến Ngài trên hết mọi sự.
2. H. Chúng ta phải làm gì để yêu mến Thiên Chúa ? (c. 486)
T. Chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa, cầu nguyện, dâng lễ tế và chu toàn các lời khấn hứa với Thiên Chúa.
3. H. Đâu là việc tôn thờ Thiên Chúa hoàn hảo nhất ? (c. 487)
T. Thánh lễ là việc tôn thờ Thiên Chúa hoàn hảo nhất, vì nhờ đó chúng ta kết hợp với hy lễ của Chúa Ki-tô.
VI. SỐNG LỜI CHÚA
Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Để nói lên niềm tin, cậy, mến Chúa, trong thời gian khóa học giáo lý dự tòng này, tôi sẽ luôn trung thành với Thánh lễ Chúa Nhật; tôi cầu nguyện mỗi tối và mỗi sáng, trước và sau ngủ đêm.
—
[1] Kinh “Phúc Thật Tám Mối”, trang 196. X. Phụ trương trang 185.
[2] Người Anh, 1801-1890.
[3] Au-gu-ti-nô, “Thành Đô Thiên Quốc” : 10, 6.