Gặp gỡ 23 – Điều răn thứ bốn
Chúa Giê-su dạy con thảo kính cha mẹ
I. DẪN VÀO LỜI CHÚA
– Cầu nguyện đầu giờ.
– Chuyện bà Rút (Rth 1 & 2) : Vào thời các Thủ Lãnh, có một người đàn bà tên là Nô-ê-mi, quê thành Bê-lem, bị nạn đói kém khiến bà phải bỏ quê cha đất tổ, sang miền ngoại giáo là Mô-áp, kiếm sống. Cùng đi với bà có chồng và hai con trai. Ở đó lối mười năm, hai cậu trai lấy vợ, một nàng tên Or-pa, nàng kia tên Rút. Chẳng bao lâu, chồng bà và hai con trai đều chết tại đất lạ xứ người! Thân goá bụa, không chỗ tựa nương, bà nhất định trở về quê quán, vì nghe nói ở đó Thiên Chúa thương đã cho chấm dứt đói kém. Hai nàng dâu cũng theo mẹ chồng. Đi được ít lâu, bà Nô-ê-mi nói với hai nàng :
– Các con hãy lui về nhà cha mẹ ruột đi. Xin Gia-vê chúc phúc, cho hai con mỗi người một tấm chồng làm nơi nương tựa.
Nàng Or-pa đành từ giã mẹ chồng. Còn nàng Rút khăng khăng một mực không chịu. Nàng nói :
– Mẹ đừng bắt con lìa mẹ… Không bao giờ! Mẹ đi đâu, con sẽ đi đó. Dân của mẹ là dân của con. Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ sống ở đâu, con sẽ sống ở đó, mẹ chết ở đâu con cũng sẽ chết ở đó và nguyện được chôn ở đó!
Hai mẹ con cảm động ôm nhau khóc !
Về đến Bê-lem, ai cũng thương xót số phận hẩm hiu của hai mẹ con. Sau này, bà Rút đã vâng theo sự sắp xếp của mẹ, cưới ông Bô-át, và sinh ra một con trai tên là Ô-bed, Ô-bed chính là cha của vua thánh Đa-vít, mà Chúa Giê-su đã sinh ra từ dòng họ vua này…Chính nhờ cuộc sống hết mực hiếu thảo, bà Rút đã được Thiên Chúa chúc lành và thưởng công cho làm Tổ Mẫu của Chúa Giê-su. Bà Rút đã nêu gương thảo hiếu cho chúng ta, như Lời Chúa sau đây :
II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Lời Chúa trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 5, 16) :
“Thiên Chúa truyền dạy : Con hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của con, đã truyền cho con, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của con, ban cho con”.
Đó là Lời Chúa (Tạ ơn Chúa).
III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA
Lời Chúa công bố Điều Răn thứ bốn, xác định về :
A. Bổn phận của các phần tử trong gia đình :
1/ Bổn phận con cái đối với cha mẹ : thảo hiếu, tôn kính.
a/ Vì sao phải thảo hiếu, tôn kính cha mẹ ?
– Vì luật Chúa đòi hỏi : Lời Chúa hứa ban phúc: ai thảo kính cha mẹ thì được sống lâu, hạnh phúc[1], bởi lẽ cha mẹ thay quyền Chúa chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Ai tôn trọng Điều Răn này, còn nhận được những lợi ích trần thế như: gia đình được thuận thảo, thành đạt : “Ai tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm, ai trọng kính mẹ thì tích trữ kho báu…” (Hc 3, 2-5).
– Vì lòng yêu mến tự nhiên đòi hỏi con cái phải thảo kính cha mẹ.
– Vì lòng biết ơn đòi hỏi : “Đừng quên ơn cha mẹ mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng ?” (Hc, 7, 27-28).
b/ Để thảo hiếu với cha mẹ, con cái phải làm gì ?
– Khi còn sống trong gia đình, con cái phải luôn vâng lời, vì cha mẹ giàu kinh nghiệm, luôn thương yêu và muốn con cái nên người tốt, luôn lo lắng cho ta được mọi sự lành : “Kẻ làm con hãy nghe lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl. 3, 20). Lòng hiếu thảo phải chân tình từ trong lòng, biểu lộ qua lời nói, việc làm : đi thưa về trình, làm việc chia sẻ gánh nặng với cha mẹ.
– Khi trưởng thành, dù đã riêng tư, con cái vẫn phải luôn :
. Biết đón trước ý muốn của cha mẹ, bàn hỏi cha mẹ trong các dự tính….
. Biết chăm lo cho cha mẹ về vật chất lẫn tinh thần, nhất là khi các ngài già yếu, đau ốm, phải tận tình chăm sóc cơm nước, thuốc thang; khi cần, mời Linh Mục đến cho các ngài xưng tội, rước lễ, lãnh xức dầu. Lời Chúa nhắn nhủ thật cụ thể : “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3, 12-13.16).
. Biết quan tâm nhắc nhở anh chị em lấy tình thảo hiếu sưởi ấm gia đình, nên “Vinh quang cho tuổi già của cha mẹ” (Cn. 17, 6), bằng cách : “Ăn ở khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại…lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Eph 4, 2); quảng đại tha thứ cho nhau khi gặp những xúc phạm gây gỗ, bất công và thiếu quan tâm, chính nhờ đó, con cái góp phần giúp cha mẹ cũng như giúp nhau sống thánh thiện.
– Khi các ngài được Chúa gọi về, phải lo tươm tất chuyện hậu sự, mà chủ yếu không phải là cỗ bàn, nhưng là cầu lễ, dâng lễ, xin lễ…
c/ Bổn phận đối với những người có trách nhiệm dạy dỗ :
. Đối với các mục tử, các giáo lý viên, vú bõ…có trách nhiệm với ta trong đời sống đạo, nên ta phải biết ơn, tôn kính, vâng nghe…
. Đối với chú bác cô dì, thầy cô : phải biết kính trọng, yêu mến, biết ơn, vì đây là những bậc ngang hàng với cha mẹ. Cách riêng, thầy cô là những người đã trực tiếp góp phần dạy dỗ ta nên người.
2/ Bổn phận cha mẹ đối với con cái :
Cha mẹ đã sinh thành, nên cũng có quyền và bổn phận dưỡng dục con cái về mọi mặt nhân bản cũng như đức tin. Cha mẹ là những người có trách nhiệm trước hết, và không ai thay thế được.
a/ Về mặt nhân bản :
– Cha mẹ phải xây dựng một gia đình đầm ấm, yêu thương, là nơi tốt nhất để con cái tập các đức tính, tập hy sinh quên mình, phán đoán lành mạnh, tự chủ, tự do đích thực… tình liên đới và tinh thần trách nhiệm, biết coi trọng những giá trị thiêng liêng hơn là vật chất, thân xác, bản năng.
– Cha mẹ phải dạy con cái biết tránh những thái độ thỏa hiệp với điều xấu, vd. quay cóp bài vở, hối lộ thầy cô…
– Nhất là cha mẹ phải luôn làm gương sáng, đây là điều hữu hiệu nhất, giúp cha mẹ dễ hướng dẫn và sửa dạy con cái.
b/ Về mặt đức tin :
– Khi lãnh nhận bí tích Hôn phối, cha mẹ lãnh trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái, khai tâm đức tin, dẫn đưa con cái vào đời sống Hội Thánh ngay từ tuổi thơ ấu. Chính nếp sống đạo hạnh của gia đình sẽ chuẩn bị, nâng đỡ đức tin cho con cái suốt đời.
– Cha mẹ lo phải giáo dục đức tin cho con cái :
. Bằng đời sống chứng nhân Tin Mừng của các thành viên trong gia đình.
. Bằng dạy giáo lý trong gia đình, quan tâm tới các sinh hoạt đoàn thể, việc học giáo lý nơi xứ đạo, giúp con cái biết cầu nguyện, biết khám phá ra ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Cha mẹ chính là những Giáo lý viên đầu đời, suốt đời và không ai thay thế được.
– Cha mẹ giúp cho con cái biết sử dụng lý trí và tự do.
– Cha mẹ có quyền chọn trường học cho con cái, để chu toàn bổn phận và trách nhiệm của người giáo dục đức tin.
– Khi con cái đã khôn lớn : trong việc chọn nghề nghiệp, bậc sống (lập gia đình, tu trì, sống độc thân), cha mẹ không được ép buộc, nhưng phải góp ý và khuyên bảo, cầu nguyện…để con cái tín nhiệm, bàn hỏi và tự ý vâng theo. Cha mẹ cần đặc biệt quan tâm cổ võ, nâng đỡ khi con cái muốn dâng mình cho Chúa trong đời sống tu sĩ, linh mục.
B. Bổn phận của những thành phần khác trong xã hội :
1/ Bổn phận của chính quyền :
Chính quyền phải tôn trọng những quyền căn bản của con người, và tôn trọng các điều kiện để giúp mọi người sử dụng tự do và thi hành trách nhiệm của người công dân.
2/ Bổn phận của người công dân :
Người công dân phải cộng tác với chính quyền, để xây dựng xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, liên đới và tự do.
C. Đạo hiếu của dân tộc Việt Nam :
– Truyền thống dân tộc Việt Nam luôn đề cao chữ hiếu :
“Uống nước nhớ nguồn” “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
– Đạo hiếu Việt Nam trùng khớp với Điều Răn thứ bốn của Thiên Chúa, nhất là đã theo đúng tấm gương hiếu thảo của Chúa Giê-su : Người luôn thảo kính với Cha trên trời : “Xin theo ý Cha, đừng theo ý Con” (Mt 26, 39), với cha mẹ dưới đất : “Người hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 54).
– Qua Chỉ thị năm 1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xác định: Giữ đạo hiếu là “hội nhập văn hóa”, là nghiêm túc sống Điều Răn thứ bốn “thảo kính cha mẹ”, góp phần xóa bỏ dần thành kiến của nhiều người vẫn cho rằng : theo đạo Công Giáo là bỏ ông bà.
IV. NÓI VỚI CHÚA
Sốt sắng đọc kinh Lạy Cha, cầu cho ông bà, cha mẹ.
V. NHỚ LỜI CHÚA
1. H. Điều Răn thứ bốn dạy chúng ta sự gì ? (c.505)
T. Điều Răn thứ bốn dạy chúng ta thảo kính cha mẹ và những người được Chúa trao quyền để mưu ích cho chúng ta.
2. H. Con cái có những bổn phận nào đối với cha mẹ ?
T. Con cái có bổn phận hiếu thảo, biết ơn và vâng phục cha mẹ, đồng thời phải trợ giúp các ngài về vật chất cũng như tinh thần, khi còn sống cũng như khi đã qua đời.
3. H. Cha mẹ có những bổn phận nào đối với con cái ?
T. Cha mẹ có bổn phận yêu thương và tôn trọng, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, đồng thời giúp con cái chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống và giáo dục chúng trong đời sống đức tin .
VI. SỐNG LỜI CHÚA
Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Luôn nhớ tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn, vâng phục và giúp đỡ ông bà cha mẹ.
—
[1] x. Xh 20, 12; Đnl 5, 16.