Gặp gỡ 28 – Chúa Giê-su trao ban cho Hội thánh quyền làm Mẹ và Thầy.

Gặp gỡ 28 – Chúa Giê-su trao ban cho Hội thánh
quyền làm Mẹ và Thầy.
Năm điều răn Hội thánh

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Trong Tin Mừng thánh Lu-ca 13, 34 ghi lại câu truyện với lời mà Chúa Giê-su đã nói, khi đứng trước thành Giê-ru-sa-lem :

“Giê-ru-sa-lem ! Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh…”

Câu nói của Chúa khiến chúng ta liên tưởng tới tựa đề của một thông điệp mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an 23 đã ban hành năm 1961, đó là thông điệp Hội Thánh là “Mẹ và Thầy”.

Từ đầu khóa Giáo lý Dự tòng này, chúng ta đã thấy : Chúa Giê-su trao ban cho các Ki-tô hữu kho tàng vô cùng cao quí là Đức Tin,  các Bí Tích và các Điều Răn…Và Chúa Giê-su đã trao cho Hội Thánh, như một bà Mẹ và một vị Thầy, hỗ trợ cho tất cả các Ki-tô hữu biết quản lý và phát triển kho tàng cao quí này. Như chính Chúa đã nói :

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Mt 28, 16-20) :

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mat-thêu :

“Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.

Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA

Chúa Giê-su đã trao quyền và trách nhiệm cho Hội Thánh hướng dẫn và dạy dỗ muôn dân thành môn đệ Chúa. Hội Thánh thực hiện quyền và trách nhiệm Chúa trao thế nào ?

A. Hội Thánh là “Mẹ” và là “Thầy” :

Hội Thánh đã thực hiện quyền và trách nhiệm Chúa trao như người Mẹ và như vị Thầy :

a. Như Người Mẹ, Hội Thánh nâng đỡ, chăm sóc đời sống Ki-tô-hữu bằng cách :

. Sinh ra ta qua bí tích Thánh Tẩy.

. Chữa trị tâm hồn ta, thông truyền cho ta lòng tha thứ của Thiên Chúa qua bí tích Thống Hối.

. Nuôi sống ta bằng lương thực Lời Chúa và Thánh Thể qua Phụng Vụ mỗi ngày.

b. Như Vị Thầy, Hội Thánh hướng dẫn, dạy dỗ đời sống luân lý của các Ki-tô-hữu bằng cách :

. Hội Thánh nêu lên những tấm gương thánh thiện nơi đời sống của những Ki-tô-hữu gương mẫu, của các Thánh, nhất là của Thánh Mẫu Ma-ri-a và Thánh Cả Giu-se…

. Hội Thánh thực thi “Huấn Quyền”, mà chúng ta tìm hiểu sau đây.

B. Ý nghĩa & Phạm vi của Huấn Quyền :

1/ Ý nghĩa: Huấn Quyền là gì ?

Huấn Quyền là “Quyền giáo huấn của Hội Thánh” : Hội Thánh đã nhận từ các Tông Đồ mệnh lệnh long trọng của Đức Ki-tô  là rao giảng chân lý cứu độ để giáo huấn muôn dân, nên Hội Thánh chẳng những giảng dạy giáo lý từ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, từ kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha, mà Hội Thánh còn có quyền công bố các nguyên tắc luân lý liên quan đến đời sống con người (như trật tự xã hội, phẩm giá con người).

Hơn nữa, Hội Thánh có quyền phán quyết, nghĩa là xác định một hành động là đúng hay sai, được làm hay không được làm, vd. Hội Thánh ban bố các Điều Răn; Hội Thánh xác định phá thai là trọng tội (GLHTCG. số 2271; Gl 1398)…

2/ Phạm vi của Huấn Quyền :

(1) Phạm vi luân lý : Những luật luân lý được các Mục tử trong Hội thánh hướng dẫn qua việc “Huấn giáo”, “thuyết giảng”, với sự giúp đỡ của các nhà thần học, các tác giả linh đạo.

(2) Phạm vi đức tin : những chân lý phải tin, đức mến phải thực hành, những Phước Thật phải hy vọng…được Huấn quyền thông thường của Giáo Hoàng và các Giám Mục dạy dỗ.

(3) Phạm vi Luật tự nhiên : những Giới Luật đặc biệt của Luật tự nhiên cũng thuộc Huấn Quyền, vì đây cũng là những giới luật cần thiết phải thực hành để được cứu rỗi.

(4) Hội Thánh được Ơn bất khả ngộ : là một đặc sủng làm cho Hội Thánh luôn được Chúa Thánh Thần gìn giữ để không sai lầm khi giảng dạy về đức tin và luân lý.

3/ Các tín hữu đối với Huấn Quyền :

  • Các tín hữu có quyền được giảng dạy về các giới luật của Thiên Chúa để được cứu độ.
  • Các tín hữu cũng có nghĩa vụ tuân giữ các Hiến Chế và Sắc Lệnh do Hội Thánh công bố, cả khi những điều này mang tính cách kỷ luật. Ki-tô-hữu phải biết tuân giữ những lề luật Hội Thánh trong tình yêu đối với Chúa và trong tinh thần thảo kính đối với Mẹ Hội Thánh. Cụ thể là qua các Điều Răn Hội Thánh :

C. Các Điều Răn Hội thánh :

1/ Ý nghĩa, mục đích của các Điều Răn Hội Thánh :

  • Để thực hiện quyền giáo huấn, Hội Thánh ban bố các Điều Răn.
  • Các Điều Răn Hội Thánh gắn liền với sinh hoạt Phụng vụ.
  • Nhằm nâng đỡ đời sống luân lý của các Ki-tô-hữu. Hội Thánh buộc ta giữ những Điều Răn để giúp ta có được những điều kiện cần thiết cho đời sống cầu nguyện, cho việc tuân giữ các Giới Răn Chúa, và giúp ta tăng thêm lòng mến Chúa yêu người.

2/  Năm Điều Răn của Hội Thánh :

(1) Điều Răn thứ nhất :

“Dự lễ và kiêng việc xác Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc”.

Vào ngày Chúa nhật và các ngày Lễ buộc :

– Các tín hữu buộc phải tham dự  Thánh Lễ, để thánh hóa ngày Chúa Nhật, mừng Chúa Phục Sinh.

– Và các tín hữu không được làm những công việc tự bản chất ngăn trở việc thánh hóa và niềm vui của ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ buộc.

(2) Điều Răn thứ hai :

“Xưng tội trong một năm ít là một lần”.

Điều Răn này để bảo đảm cho việc chuẩn bị rước Thánh Thể, nối tiếp việc hoán cải và tha thứ của bí tích Thánh Tẩy.

(3) Điều Răn thứ ba :

“Rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh”.

Mọi tín hữu buộc phải rước Mình Thánh Chúa ít là một lần trong mùa Phục Sinh, để bảo đảm mức tối thiểu trong việc rước Mình Thánh Chúa. Phải rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục Sinh vì Lễ Phục Sinh là nguồn gốc và trung tâm của Phụng Vụ Ki-tô giáo.

(4) Điều Răn thứ tư :

  Giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội Thánh buộc”.

Vào những ngày sám hối do Hội Thánh ấn định (Thứ tư Lễ tro, thứ sáu Tuần Thánh…), buộc các tín hữu kiêng thịt và giữ chay để dọn mình mừng lễ, vì việc chay tịnh giúp ta sám hối, tu luyện bản thân: làm chủ các bản năng, lánh xa tội lỗi, tự do tiến bước theo Chúa.

(5) Điều Răn thứ năm :

  Góp công góp của xây dựng Hội Thánh, tùy theo khả năng của mình”.

Các tín hữu buộc đóng góp cho các nhu cầu của Hội Thánh, tuỳ theo khả năng mỗi người.

D. Đời sống luân lý và chứng từ loan báo Tin Mừng :

Đời sống luân lý của mỗi Ki-tô-hữu góp phần thế nào vào sứ mệnh căn bản của Hội Thánh là Loan báo Tin Mừng ? Đời sống luân lý tốt đẹp chính là lời chứng hết sức quan trọng, tạo những điều kiện thuận lợi, đem lại những hiệu quả cho việc loan báo Tin Mừng. Vì sao?

  • Vì “đời sống chứng nhân của Ki-tô-hữu, với các việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên, có sức lôi kéo người ta đến với Đức tin và với Thiên Chúa”.
  • Vì chính nhờ đời sống thánh thiện của Ki-tô-hữu, Hội Thánh lớn lên, kiên vững và phát triển.
  • Vì nhờ sống theo Chúa Ki-tô, các Ki-tô-hữu góp phần làm cho Nước Chúa mau đến, tuy dù họ vẫn không xao lãng nhiệm vụ xây dựng xã hội cách ngay thẳng, nhẫn nại và yêu thương.

IV. NÓI VỚI CHÚA

Đọc kinh : Hội Thánh có năm Điều Răn :

–  Thứ nhất : Dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.

–  Thứ hai : Xưng tội trong một năm ít là một lần.

–  Thứ ba :  Rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh.

–  Thứ bốn : Giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội Thánh buộc.

–  Thứ năm : Góp công góp của xây dựng Hội Thánh, tùy theo khả năng của mình.

V. NHỚ LỜI CHÚA

1. H. Vì sao gọi Hội Thánh là Mẹ và là Thầy ? (c. 463)

T. Gọi Hội Thánh là Mẹ và là Thầy, vì Hội Thánh sinh thành, dưỡng dục người tín hữu trong đời sống đức tin.

2. H. Hội Thánh có mấy Điều Răn ? (c. 466)

T. Hội Thánh có năm Điều Răn :

– Thứ nhất : Dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật cùng   các ngày lễ buộc.

– Thứ hai : Xưng tội trong một năm ít là một lần.

– Thứ ba : Rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh.

– Thứ bốn : Giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội Thánh buộc.

– Thứ năm : Góp công góp của xây dựng Hội Thánh, tùy theo khả năng của mình.

3. H. Các Điều Răn của Hội Thánh có mục đích gì ?

T. Các Điều Răn của Hội Thánh có mục đích nâng đỡ đời sống luân lý, gắn liền với đời sống phụng vụ và được đời sống phụng vụ nuôi dưỡng.

VI. SỐNG LỜI CHÚA

Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Học thuộc lòng kinh : “Hội Thánh có năm Điều Răn” (Trang 140).

print