“Hãy Vui Mừng!”

print

Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm C 2019

“Hãy Vui Mừng!”

Lm. Giuse Nguyễn

Ngày 19-03-2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn mang tên Gaudete et exsultate (hãy vui mừng và hoan hỷ) về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay. Tên Tông huấn này được lấy từ Mt 5, 12 sau bài giảng trên núi. Khi sống theo tám mối phúc thật, người môn đệ sẽ gặp rất nhiều những thử thách, nhưng: “Hãy vui mừng và hoan hỷ”. Hôm nay chúng ta lại nghe Đức Giêsu lặp lại ý tưởng “hãy vui mừng”. Tại sao lại vui mừng? Thưa vì “Tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10, 20) do anh em đã sống sứ mạng loan báo Tin mừng, hay đã thực hiện mệnh lệnh truyền giáo của Đức Giêsu. Khác với 2 tác giả Nhất Lãm còn lại, Chúa Giêsu chỉ sai các Tông Đồ thôi, nhưng Luca thì sai cả các Môn đệ nữa, để chúng ta thấy tính phổ quát của công việc truyền giáo. Ai cũng phải truyền giáo chứ không phải chỉ những người được tuyển chọn. Trong bài sai truyền giáo, Chúa Giêsu đã đưa ra những nguyên tắc hoạt động cho những cán bộ truyền giáo. Nguyên tắc đó không phải chỉ áp dụng cho các môn đệ thời đó, mà còn là nguyên tắc cho mọi thời trong công cuộc truyền giáo. Xin được chia sẻ vài nguyên tắc sau đây:

  1. Quan tâm đến công cuộc truyền giáo

Nguyên tắc đầu tiên là phải quan tâm đến cộng cuộc loan báo Tin Mừng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10, 2). Thực sự Tin mừng là để ta biết sự thật về Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Đoạn Tin mừng này trước hết cho ta thấy được thao thức của Đức Giêsu là muốn ơn cứu độ được giới thiệu rộng rãi đến cho mọi người ở khắp mọi nơi. Ngài sai các môn đệ là để họ được chia sẻ công việc với Ngài. Vì vậy người môn đệ thực sự phải là người luôn ấp ủ trong trong lòng công cuộc loan báo Tin Mừng. Sự ấp ủ đó được thể hiện qua việc quan tâm, thao thức, cầu nguyện và cộng tác với Giáo hội trong việc truyền giáo.

Vì sự quan tâm đó mà Giáo hội có hẳn một dòng tu mang tên Tông đồ cầu nguyện cho ơn gọi. Nhiệm vụ của các tu sĩ này là cầu nguyện cho ơn gọi tu trì.

Vì sự quan tâm đến công cuộc truyền giáo mà có các Linh mục đã sẵn sàng hy sinh tất cả, đã làm mọi cách để tìm kiếm ơn gọi cho Giáo hội.

Vì thao thức với Giáo hội nên có những người đã sẵn sàng góp công, góp của, góp sức, góp lời cầu nguyện cho việc truyền giáo.

  1. Những nguy hiểm trên đường truyền giáo

Nguyên tắc thứ hai là đường truyền giáo luôn có những hiểm nguy. “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Vì vậy bước vào con đường đó thì phải gặp nguy hiểm. Đó là sự thật nơi cuộc đời Đức Giêsu: bị chống đối, bị hãm hại, bị kết án, bị giết chết… Nguyên tắc này chính là con đường thập giá cho mọi Kitô hữu, nhất là những cán bộ truyền giáo.

Theo Fides News Agency, nhiều nhà truyền giáo “đã mất mạng trong các vụ cướp bóc, gây ra một cách tàn bạo, trong bối cảnh xã hội nghèo nàn và xuống cấp, mà trong đó bạo lực là quy luật của cuộc sống, quyền lực của nhà nước không có hoặc bị suy yếu bởi tình trạng tham nhũng và sự thỏa hiệp, hoặc nơi mà tôn giáo bị lợi dụng vì các mục đích khác”.

Dữ liệu của Fides cho thấy trong số 40 nhà truyền giáo bị giết hại năm 2018, 35 người là linh mục, 1 người là chủng sinh và 4 người là giáo dân. Nam Mỹ chứng kiến việc 15 nhà truyền giáo bị giết hại, trong đó có 12 linh mục và giáo dân, và châu Á đứng kế tiếp với 3 linh mục và1 linh mục ở châu Âu. 

Những nguy hiểm này trong hoàn cảnh Giáo hội Việt Nam được gọi là những khó khăn. Khó khăn là vì bất cứ lý do nào đó Tin Mừng không được chuyển tải. Có khi là vì người ta chỉ lo giữ đạo mà không sống đạo; có khi cán bộ chủ chốt là các linh mục, tu sĩ được nuông chìu quá đáng để chỉ lo hưởng thụ trong sứ vụ mà không thực hành mệnh lệnh của Đức Giêsu ; có khi cán bộ không được đào tạo kỹ lưỡng dẫn đến việc biến chất, thay vì truyền giáo lại trở thành phá đạo ; có khi cán bộ không được bề trên quan tâm để phân phối hợp lý, nên có khi đến những họ đạo thực sự như đi vào mầy sói, vì mỗi một cán bộ có hoàn cảnh, có trình độ, có khả năng và tâm tính khác nhau, nếu đưa vào cách đồng này sẽ gặt rất tốt, còn đưa vào cánh đồng khác thì sẽ không gặt được gì, ngược lại còn giẫm đạp…

Biết như vậy để người môn đệ phải luôn luôn ý thức, canh phòng những nguy hiểm, nhất là dù thế nào cũng không để mình biến chất.

  1. Không chiêu dụ, nhưng chỉ sống giá trị của Tin Mừng

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong mệnh lệnh truyền giáo của Đức Giêsu không hề có việc kêu người ta phải gia nhập đạo, nhưng hoàn toàn là cách sống cho người môn đệ. Cách sống này phải làm nổi bật lên giá trị của Tin Mừng, nét đẹp của Thiên Chúa, đó chính là cách sống yêu thương phục vụ. Ở đâu người ta biết sống yêu thương phục vụ, hy sinh quên mình thì ở đó là Nước Trời.

Nói tóm lại lý tưởng của Kitô hữu là nên thánh. Chúng ta chỉ nên thánh khi thực hiện theo những gì Chúa dạy. Những điều Chúa dạy rất khó, nhưng nếu thực hiện sẽ có niềm vui trong cuộc đời như Tám mối phúc thật, hay mệnh lệnh truyền giáo. Sau mỗi huấn từ đó, Đức Giêsu đều nói: “Anh em hãy vui mừng hoan hỷ” ; “Hãy mừng…”

Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta ý thức trách nhiệm truyền giáo để tìm hiểu, học hỏi về những nguyên tắc mà Đức Giêsu đã nêu ra đó là: quan tâm đến việc truyền giáo, những nguy hiểm trên đường truyền giáo và việc sống chứng tá cho giá trị của Tin Mừng.

Xin Mẹ Maria là người nữ truyền giáo, giúp cho mọi người chúng con biết bắt chước Mẹ để hang say lên đường mỗi ngày.