Ghen tị với lòng quảng đại của Chúa

print

Ghen tị với lòng quảng đại của Chúa

Đức hồng y Fulton Sheen nhấn mạnh: Lòng nhân từ phải đi đôi với công bằng. Lòng thương người mà bỏ qua sự công bằng, thì đó chỉ là lòng nhân từ theo cảm xúc. Tình yêu mà chỉ đặt nền trên tình cảm sẽ dung túng cho những điều sai trái và gây ra nhiều bất công. Cho nên, lòng nhân từ phải đặt nền trên sự công bằng. Hay nói một cách khác, trước khi nói đến lòng nhân từ, thì phải có sự công bằng trước đã.

Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay,[1] những người thợ vào làm từ sáng sớm đã nghĩ ông chủ đối xử bất công với mình.

Chuyện thế này. Ông chủ cần nhiều người thợ vào làm trong vườn nho của mình. Sáng sớm, ông đã ra mướn thợ. Sau đó, vào buổi trưa, buổi chiều và khi trời đã gần tối, ông cũng mời thợ vào làm việc. Đến cuối ngày làm việc, ông trả cho mỗi người một quan tiền. Điều này khiến cho những người vào làm việc từ sáng sớm nghĩ rằng, ông chủ không đối xử công bằng với mình. Ông chủ giải thích: Này bạn, tôi đâu đối xử bất công với bạn. Chẳng phải chúng ta đã thỏa thuận một quan tiền sao? Hãy lấy những gì thuộc về bạn và đi đi.

Thoạt nghe câu chuyện, chúng ta cũng tưởng là ông chủ đối xử không công bằng. Ông coi những người làm việc cả ngày dưới cái nắng thiêu đốt, giống như những người mới chỉ vào làm việc được khoảng một giờ. Xét về thời lượng làm việc, đúng ra ông chủ phải trả cho những người làm việc từ sáng sớm số tiền công nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn sự việc ở một góc độ khác – ông chủ rộng lượng trả cho người thợ làm một giờ, bằng tiền công của người làm cả một ngày – thì ông chủ thật là người tốt bụng. Sự quảng đại của ông chủ đã gây cớ vấp phạm, khiến những người thợ siêng năng nghĩ rằng, mình bị đối xử bất công.

Đôi lúc, chúng ta cũng ghen tị với lòng quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta cảm thấy khó chịu, khi thấy những người không xứng đáng nhận được những ân huệ từ Thiên Chúa. Cũng như chúng ta thường ghen tị với những người trộm lành. Suốt cả đời, họ chẳng làm điều gì tốt đẹp, thế mà đến giờ phút chót, họ vẫn nhận được thưởng Nước Thiên Đàng. Chúng ta ghen tị với họ. Vì họ là những người chỉ làm việc một giờ, mà nhận được mức lương cả ngày.

Mặc dù câu chuyện dụ ngôn chỉ kể về cuộc sống đời thường, nhưng ẩn giấu trong đó những điều kỳ lạ và sâu sắc. Vào thời gian thu hoạch, các ông chủ cần nhiều thợ làm việc. Nhưng làm gì có chuyện, một ông chủ đi mướn thợ làm việc vào nhiều khung giờ khác nhau. Mướn người làm việc cả khi ngày sắp tàn! Một ông chủ khôn ngoan thừa biết: những người lao động có động lực làm việc mạnh hơn, sẽ đến chợ sớm hơn để tìm việc làm. Còn những người đến muộn hơn, thì ít khao khát làm việc hơn. Cho nên, những nhà tuyển dụng sành sỏi sẽ không nhận những người đến sau. Nhưng ở đây, ông chủ vẫn mời cả những người thợ vào vườn nho, dù chỉ còn một giờ để làm việc. Thử hỏi ông chủ có phải là người khôn ngoan?

Khi đọc kỹ bản văn, chúng ta nhận thấy rằng:  Những người được thuê sáng sớm có hợp đồng rõ ràng. Thỏa thuận nhận một quan tiền công cho một ngày làm việc. Đối với những người được thuê vào giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín, ông chủ chỉ hứa trả hợp lẽ công bằng. Còn đối với những người được thuê vào giờ thứ mười một, tức là khoảng 17 giờ chiều,[2] thì ông chủ không đề cập đến việc trả công. Nhưng sau cùng, mỗi người đều nhận được một quan tiền.

Câu chuyện dụ ngôn người thợ làm vườn nho giúp cho chúng ta suy ngẫm về chính mình. Cũng như những người thợ hớn hở vào làm việc từ sáng sớm, chúng ta là những người may mắn biết Chúa và sống trong cộng đoàn Giáo Hội từ thời thơ bé. Cũng như dân Israel, họ là dân được tuyển chọn và cao quý. Đôi khi, họ khó chấp nhận việc Thiên Chúa cũng mời gọi và ưu ái các dân tộc khác. Như những người thợ chăm chỉ, họ cảm thấy mình bị đối xử bất công. Họ là những người đến trước, và chăm chỉ làm việc cả ngày. Đúng ra, họ phải được trả công cao hơn… Nhưng câu hỏi của ông chủ sẽ khiến chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của mình: Có phải vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?

Mặt khác, có nhiều người có vẻ khôn lỏi. Họ lợi dụng lòng quảng đại của ông chủ. Họ chỉ muốn vào làm việc một giờ thôi. Những người ấy tự an ủi mình, cứ ăn chơi xả láng, chỉ cần hối lỗi vào phút 89, thì cũng nhận được phần thưởng giống như những người đã vất vả theo đạo cả đời. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào trong kinh nghiệm của những người đi kiếm việc làm. Họ phải chờ đợi, lo lắng và mong mỏi cho đến lượt gọi tên mình để được vào làm việc, thì chúng ta mới nhận ra rằng, ai được nhận vào làm việc từ sáng sớm là một món quà lớn. Nếu người ấy là người lao động chính trong gia đình, thì mỗi ngày họ phải tự hỏi: kiếm đâu ra việc làm, để có tiền trang trải cho các con của mình? Đối với những người ấy, khi được nhận vào làm việc từ sáng sớm là hạnh phúc lớn lao. Họ sẵn sàng đổ mồ hôi dưới nắng cháy cả ngày, vì yên tâm rằng sẽ có tiền để nuôi sống gia đình mình.

Đối với những ai chỉ muốn làm việc có một giờ, thì có thể tự hỏi: Có tốt hơn không, nếu phần lớn cuộc đời mình không có Chúa, không cần sống đức tin, không cần cầu nguyện và không cần lãnh nhận các bí tích… mà chỉ cần biết Chúa vào những giây phút cuối của cuộc đời? Nếu chúng ta có cái nhìn trả giá với Chúa như thế, thì thật đáng buồn! Chúng ta đang tự thu hẹp sự phong phú và hấp dẫn của cuộc đời mình.

Dụ ngôn thợ làm vườn nho muốn giúp chúng ta vượt ra khỏi cái não trạng tính toán theo thế gian. Chúng ta cần nhận ra lòng quảng đại của Thiên Chúa bao la hơn những gì chúng ta tưởng. Chúng ta được mời gọi sống biết ơn và quảng đại trao tặng những gì mình đang có. Lòng quảng đại sẽ giúp ta mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn.

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Tin Mừng Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm A: Dụ ngôn người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16a).

[2] Thời đó, người ta chia ngày thành 12 giờ, tính từ lúc mặt trời mọc. Các giờ tương đương với thời gian bây giờ: Giờ thứ ba tương đương với chín giờ. Giờ thứ sáu tương đương với mười hai giờ. Giờ thứ chín tương đương với mười lăm giờ. Giờ thứ mười một tương đương với mười bảy giờ.