Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 1 Mùa Chay, Năm B

 TÔI CHỈ MUỐN ĐƯA MŨI VÀO MỘT CHÚT

Một truyện ngụ ngôn Ả Rập kể về một người thợ xay đã giật mình khi thấy mũi một con lạc đà thò vào trong cửa lều nơi anh ta đang ngủ. Lạc đà nói: “Bên ngoài trời rất lạnh, tôi chỉ muốn đưa mũi vào trong lều một chút thôi.” Mũi được cho phép, rồi sau đó đến cổ, cuối cùng là toàn bộ thân thể lạc đà. Chẳng mấy chốc người thợ xay bắt đầu cảm thấy bất tiện bởi một người bạn đồng hành bất đắc dĩ như vậy trong một căn lều không đủ rộng cho cả hai. Lạc đà nói: “Nếu bạn thấy bất tiện, bạn có thể rời đi; còn đối với bản thân tôi, tôi sẽ ở lại nơi tôi đang ở.” Lancelot Andrews nói: “Nếu nhún nhượng một phân ma quỷ sẽ lấn tới một mét; nếu lấy được một cánh tay nó sẽ nắm bắt toàn bộ cơ thể của bạn.

* Tin Mừng hôm nay cảnh báo chúng ta không nên thỏa hiệp với ma quỷ bằng cách để hắn cám dỗ chúng ta.

  1. GIÊRÔNIMÔ, CON VẪN CHƯA TRAO TỘI CHO TA

Thánh Giêrônimô, vị tiến sĩ lỗi lạc của Giáo hội, đã sống hai mươi lăm năm trong hang đá nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra. Một lần nọ, ngài cầu nguyện với Chúa Giêsu như sau: “Lạy Hài Nhi, Chúa đã chịu nhiều đau khổ để cứu con; làm cách nào con có thể cải đổi để nên tốt hơn?” Một giọng nói cất lên: “Con có thể trao cho Ta những gì, Giêrônimô?” Giêrônimô trả lời: “Con sẽ dành toàn bộ cuộc đời mình để cầu nguyện, và con sẽ dâng tất cả tài năng của mình để phục vụ Chúa”. Giọng nói hỏi lại: “Con làm điều đó để tôn vinh Ta, nhưng con có thể cho Ta điều gì hơn nữa?” Giêrônimô trả lời: “Con sẽ dâng tất cả tài sản của mình cho người nghèo”. Giọng nói lại cất lên: “Bố thí cho người nghèo thì cũng giống như thể con trao nó cho Ta vậy. Nhưng con còn có thể cho Ta những gì khác?” Thánh Giêrônimô trở nên quẫn trí và nói: “Lạy Chúa, con đã trao cho Chúa tất cả! Còn lại gì để cho nữa?” Chúa trả lời: “Giêrônimô, ngươi vẫn chưa trao tội lỗi cho Ta”. “Hãy trao cả tội cho Ta để Ta có thể xóa đi.” Với những lời này, Giêrônimô bật khóc và nói: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhận lấy tất cả những gì là của con và cho con tất cả những gì là của Chúa.”

* Mùa Chay là thời gian để tạ tội với Thiên Chúa với tấm lòng ăn năn.

  1. HỘP BÁNH YỂM BÙA

Trong cuốn sách của C. S. Lewis, “The Lion, the Witch and the Wardrobe” (Sư tử, Phù thủy và Tủ áo), nữ hoàng độc ác đã dụ dỗ cậu bé Edmund bằng một hộp bánh làm mê hoặc, hiệu là Turkish Delight. Mỗi miếng bánh Edmund ăn đều cảm thấy ngọt dịu và thơm ngon. Cậu chưa bao giờ được nếm thứ gì ngon hơn như vậy. Chỉ có một vấn đề là càng ăn bánh Turkish Delight đầy mê hoặc này, cậu ấy càng muốn ăn nhiều hơn. Cậu không biết rằng đây là kế hoạch của nữ hoàng độc ác. Cậu càng ăn nhiều, cậu càng muốn nhiều hơn, và do đó cậu sẽ ăn và ăn cho đến khi nó giết chết cậu. Nó không bao giờ có thể thỏa mãn cơn đói của cậu; nó sẽ không bao giờ lấp đầy cái bụng cậu… nó chỉ đơn giản là giết cậu mà thôi.

* Lewis muốn cho chúng ta một thí dụ về những cám dỗ phạm tội. Tội lỗi không bao giờ làm ta thỏa mãn, nó chỉ trói buộc chúng ta trở nên nô lệ.

  1. BẪY KHỈ ĐUÔI NHẪN

Những người bẫy động vật ở châu Phi cho các vườn thú ở Mỹ nói rằng một trong những loài động vật khó bắt nhất là khỉ đuôi nhẫn. Tuy nhiên, đối với Zulus đã từng sống trong miền đất đó, điều này thật đơn giản. Họ đã bắt được nhiều con vật nhỏ bé nhanh nhẹn này một cách dễ dàng trong nhiều năm. Phương pháp mà Zulus sử dụng dựa trên kiến ​​thức về loài vật. Cái bẫy gài bắt chúng chẳng qua chỉ là một loại quả dưa, buộc trên một cành dây leo. Hạt của loại dưa này là món khoái khẩu của khỉ. Biết được điều này, Zulus chỉ cần khoét một lỗ trên quả dưa, vừa đủ lớn để chú khỉ có thể luồn tay vào lấy hạt bên trong. Khỉ sẽ thò tay vào, lấy càng nhiều hạt càng tốt, sau đó bắt đầu rút ra. Nhưng điều này nó không thể làm được nữa, nắm tay của nó bây giờ lớn hơn cái lỗ. Con khỉ sẽ kéo và giật mạnh, kêu la và tranh giành quả dưa trong nhiều giờ. Nhưng nó không thể thoát khỏi cái bẫy, trừ khi nó bỏ hạt dưa ra, điều mà nó từ chối làm. Trong khi đó, Zulus lẻn đến và tóm bắt dễ dàng.

* Ma quỷ cũng dùng thủ đoạn tương tự đối với con người bằng cách khai thác điểm yếu của chúng ta như vậy.

  1. CÁM DỖ THỰC SỰ

Hình ảnh phổ biến mà chúng ta có về Mẹ Têrêsa thường là thấy bà đang ẵm một đứa nhỏ thiếu dinh dưỡng, hoặc bôi thuốc lên vết thương của những người bệnh phong. Và chúng ta coi bà như một người hoạt động xã hội. Một ngày nọ, khi Mẹ Têrêsa nói chuyện với cha Le Joly, một linh mục Dòng Tên, người đã viết một vài cuốn sách về Mẹ và cộng đoàn của bà; Mẹ nói với ngài rằng: “Cha ơi, khi cha viết một cuốn sách về con, hãy nói với mọi người rằng chúng con hiện diện ở đây không phải vì công việc. Chúng con đến ở đây vì Chúa Giêsu. Chúng con là tu sĩ, không phải là nhân viên xã hội, hay y tá hay giáo viên; chúng con là những nữ tu. Tất cả những gì chúng con làm, cầu nguyện, công tác bác ái, hi sinh của chúng con, đều dành cho Chúa Giêsu. Nếu không có Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng con sẽ trở nên vô nghĩa, và…. không thể hiểu nổi…!”

  1. CÂY ĂN THỊT

Ở nước Úc có một loại cây nhỏ gọi là “cây su su”. Nó gồm một thân mảnh mai và những chiếc lá tròn nhỏ viền tua rua với những sợi lông lấp lánh, đọng những giọt chất lỏng sáng trong như sương mịn. Còn những cánh hoa thì mang màu sắc đa dạng: đỏ, trắng và hồng rất lung linh. Hình ảnh này hấp dẫn nhiều côn trùng. Tuy nhiên, những chiếc lá của loại cây này lại có khả năng “hủy diệt”. Sẽ khốn nạn cho đám sâu bọ nào bước vào tìm tòi thức ăn trên đó. Độ ẩm bóng trên mỗi chiếc lá có chất dính và sẽ giam giữ bất kỳ sâu bọ nào chạm vào nó. Khi côn trùng cố gắng để tự thoát thân, sự rung động khiến những chiếc lá khép chặt xung quanh nó. Loài thực vật trông vô tội này sau đó ăn thịt nạn nhân của nó.

* Cám dỗ và tội lỗi cũng vận hành như tình trạng trên đây.

  1. KHÔNG AI BIẾT ĐƯỢC

Vào thời đại hậu Hán bên Trung Quốc, có một chính trị gia tên là Chính Dân, một người nổi tiếng với đức tính ngay thẳng. Sau khi Chính Dân được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng một tỉnh lớn, một trong những người bạn trước đó của ông là Vương Mã, đã đến thăm ông bất ngờ. Khi họ nói chuyện xưa, Vương Mã đã mang ra một hộp vàng lớn và tặng cho Chính Dân. Chính Dân từ chối nhận, nhưng Vương Mã vẫn kiên trì nói: “Tối nay không có ai ở đây ngoài tôi và ông, vì vậy sẽ không ai biết.” Chính Dân trả lời: “Ông nói rằng sẽ không ai biết, nhưng điều đó không đúng. Có trời biết, tôi và ông cũng sẽ biết. Tại sao lại nói không có ai biết?”. Vương Mã xấu hổ và lùi lại. Sau đó, sự chính trực của Chính Dân ngày càng được nhìn nhận và ông ấy đã lên giữ chức vụ cao trong phẩm hàm trung ương.

* Chuyện này làm chúng ta nhớ đến câu Nathanaen hỏi Chúa: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” (Ga 1,48) Bản chất con người là yếu đuối, và chúng ta có xu hướng khuất phục trước sự cám dỗ khi chúng ta nghĩ rằng không ai có thể nhìn thấy chúng ta.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm