Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

  1. TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI

Truyền thuyết này cho rằng Đức Trinh Nữ Maria đã an nghỉ ở Giêrusalem (hay Êphesô). Và trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế, tất cả các Tông đồ vẫn còn sống và đều có mặt ở đó ngoại trừ Thánh Tôma, người lúc đó đang rao giảng ở Ấn Độ. Tuy nhiên thánh nhân được đưa đến đó một cách kỳ diệu, và ngài khăng khăng muốn nhìn thấy xác thân của Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngôi mộ của Đức Mẹ được tìm thấy trống rỗng, ngoại trừ y phục còn để lại.

  1. LÀM GIẢM SẮC ĐẸP

Một câu chuyện thật hấp dẫn kể về người thiếu nữ nổi tiếng thế kỷ XIX là Bernadette Soubirous ở Lộ Đức, nước Pháp. Các nghệ sĩ thời đó rất quan tâm muốn cô mô tả người phụ nữ mà cô ấy đã nhìn thấy trong hang động đẹp như thế nào. Vì vậy, hết người này đến người khác, họ đưa cho cô xem những bức họa nổi tiếng nhất về Mẹ Maria. Cô Bernadette được cho xem những bức Madonnas xinh đẹp của các họa sĩ lừng danh: Murillo, Da Vinci, Raphael, Botticelli, El Greco, v.v… Cô đều lắc đầu ngán ngẩm. Trước sự ngạc nhiên của họ, cô Bernadette nói: “Người phụ nữ mà tôi trông thấy không giống bất cứ ai trong những bức tranh này.” Còn cô thì nói với chính mình: “Mẹ ơi, tại sao họ lại làm giảm sắc đẹp của Mẹ đến như vậy?”

  1. RƯỚC KIỆU CÚI ĐẦU

Tại một thị trấn nhỏ nằm dọc một ngọn đồi bao quanh thành Rôma, lễ Phục Sinh được cử hành với một nghi thức được gọi là “rước kiệu cúi đầu”. Từ một đầu của thị trấn, giáo dân rước bức tượng Đức Trinh Nữ Maria. Từ đầu kia thị trấn, một nhóm giáo dân khác cũng rước kiệu đi vào, cung nghinh tượng Chúa Giêsu. Người Con của Mẹ Maria đến gặp Mẹ Ngài. Đến mặt tiền của khuôn viên nhà thờ giáo xứ, hai nhóm rước gặp nhau. Hàng hàng lớp lớp các loại hoa đã được trang trí tại các bậc thềm nhà thờ. Chúa Giêsu và Mẹ Người trịnh trọng cúi đầu chào nhau. Tiếp theo dân làng cùng cung nghinh tượng Đức Mẹ và tượng Chúa Giêsu cạnh nhau đi vào trong cung thánh. Đó là hình ảnh sống động diễn tả ý nghĩa của mầu nhiệm cử hành hôm nay: Con Thiên Chúa dẫn Mẹ Ngài ngự lên ngôi của Mẹ ở trên trời.

  1. TẠI SAO TÔI

Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình câu hỏi đó chưa? Hoặc nói thay cho người khác chưa? Tại sao lại là tôi? Tại sao điều này lại xảy đến với tôi? Nếu, và khi chúng ta nói “Tại sao lại là tôi” nó thường liên quan đến một điều gì đó rất tồi tệ đã xảy ra với chúng ta, phải không? Tại sao tôi phải mắc chứng bệnh hiểm nghèo này? Tại sao tôi làm ăn luôn thất bại? Tại sao cuộc hôn nhân vốn đẹp kì diệu lại đi đến đổ vỡ? Tại sao điều tồi tệ nhất luôn xảy ra với tôi? Tại sao và tại sao?…Nhưng có bao giờ chúng ta nói “Tại sao lại là tôi” khi có biết bao điều thực sự tốt đẹp đến với chung ta? Khi chúng ta sống khỏe mạnh giữa lúc có bao nhiêu người nhiễm bệnh? Khi chúng ta hằng ngày dùng đủ trong lúc biết bao người đói khổ? Khi chúng ta không bị những tai ương hoạn nạn như nhiều người khác?…Và nhiều điều tốt đẹp khác nữa. Những lúc đó chúng ta có nói “Tại sao lại là tôi? Tại sao những điều tuyệt vời như vậy lại xảy ra cho tôi? Tại sao tôi lại được đối xử tốt như vậy?”

* Chúng ta hãy học sống tâm tình tạ ơn Chúa như Mẹ Maria, Mẹ đã được Chúa thực hiện muôn việc trọng đại nơi Mẹ. Chúa cũng sẽ ban cho chúng ta dư đầy ơn của Ngài.

  1. NGÔI SAO BIỂN, STELLA MARIS

Vào thời tiền Kitô giáo, các tôn giáo dân ngoại Hy Lạp và La Mã cổ đại đã có một cái nhìn rất thú vị về tâm hồn con người. Một số huyền thoại của họ đã mô tả cách các anh hùng vĩ đại từ thời xa xưa phải chiến đấu với các vị thần, bằng sức mạnh thể chất hoặc thông qua một cuộc đấu trí. Và khi một người chiến thắng trong một trận chiến như vậy, phần thưởng dành cho họ sẽ là tránh được cái chết và địa ngục (không có niềm tin vào thiên đàng). Và họ sẽ biến thành một chòm sao trên bầu trời ban đêm. Khi trở thành một chòm sao, họ sẽ bước vào cõi trường sinh bất tử, bởi vì các ngôi sao thần thiêng không bao giờ bị biến đổi. Bằng cách đó, những người này sẽ truyền cảm hứng và hướng dẫn các thế hệ tương lai. Chính vì thế, các chùm sao đã được tìm đến để hướng dẫn những người đi biển, trước khi phát minh ra la bàn. Niềm tin cổ xưa này hoàn toàn thuộc về huyền thoại, nhưng nó đã hấp dẫn các nghệ sĩ và thi sĩ nhiều thế kỷ. Dường như nó phù hợp với khao khát nền tảng của con người, là ngưỡng vọng về Thiên đàng. Mỗi người đều cảm thấy mình cần phải được giúp đỡ để đạt đến đó. Khi Kitô giáo xuất hiện, niềm tin này từ thi ca ngoại giáo đã tìm thấy sự ứng nghiệm thực sự của nó: Đức Trinh Nữ Maria. Ngài một con người giống như mỗi người chúng ta, nhưng nhờ ơn sủng Chúa ban Mẹ đã chiến thắng sự dữ. Mẹ đã xóa bỏ tội lỗi xưa của bà Evà. Và Chúa đã ban thưởng cho Mẹ hạnh phúc Thiên đàng. Và từ Thiên đàng, Mẹ là nguồn cảm hứng và là người hướng dẫn chúng ta, những người lữ khách vẫn còn phải băng qua đại dương cuộc đời đầy khó khăn và thử thách. Chính vì vậy, từ rất sớm, Giáo hội đã gọi Đức Maria là “Ngôi Sao Biển”, “Stella Maris”.

  1. ĐỒNG KHÍ TƯƠNG CẦU

(Like is attracted to like)

Sự hấp dẫn nhau vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày, mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận ra được. Những người có cùng sở thích, mối quan tâm và mục tiêu được thu hút bởi nhau. Đây là lý do tại sao có các hội huynh đệ, câu lạc bộ, đồng hương, và hội ái hữu…, Tại sao có những người thuộc Đồng hương Kiên Giang, Hội Ái hữu Trung học Cái Sắn, Hội thánh Vincentê, Hội Legio Mariae,… và những thứ tương tự. Các thành viên đều có những điểm chung thu hút họ lại với nhau. Đó là lý do tại sao Like thu hút like. Bạn có bao giờ để ý đến việc con cái theo sau mẹ chúng như thế nào không? Từ phòng này sang phòng khác, họ bám nhau sát gót. Và càng ở gần mẹ, chúng càng trở nên giống mẹ hơn. Chúng bắt đầu suy nghĩ, hành động và giống như mẹ của chúng. Tất cả chúng ta đều có chung một người mẹ rất đặc biệt mà chúng ta tôn vinh ngày hôm nay, đó là Mẹ Maria. Mẹ Maria đang ở trên Thiên đàng. Nếu “like” thu hút được các lượt thích, thì điều đó có nghĩa là chúng ta hãy cố gắng noi theo những nhân đức của Mẹ và tập sống trong đời sống hằng ngày.

  1. KHÔNG AI LÀ VÔ DỤNG

Một câu chuyện thời Trung cổ kể về một sinh viên đại học đi lang thang đây đó tìm thầy dạy học. Cũng như nhiều sinh viên trong thời kỳ mà các trường đại học mới được xây dựng, anh này sẽ đi đến bất kỳ nơi nào mà anh nghe nói có những vị thầy giỏi. Và cũng như nhiều người bạn của mình, anh ta bẩn thỉu, ốm đói, và lôi thôi lếch thếch. Một ngày nọ anh ta ngã bệnh nặng và được đưa đến bệnh viện, gần như đã chết. Các bác sĩ hội chẩn ở xung quanh giường của anh. Họ nói rằng mạng sống của anh dường như vô giá trị, và cách sử dụng tốt nhất mà họ có thể, đó là dành cơ thể anh để làm các thí nghiệm y khoa. Họ nói chuyện bằng tiếng Latinh mà không nhận ra rằng anh ta là một sinh viên đại học chuyên ngôn ngữ đó. Nghe thấy họ nói chuyện, anh mở mắt và nói với họ bằng tiếng Latinh: “Đừng gọi ai là kẻ vô dụng người mà Chúa Giêsu đã chết để cứu chuộc”.

  1. CHUYỆN VUI

Cô Thanh Lan là giáo lí viên dạy lớp giáo lí lớp sữa đức tin ngày Chúa nhật. Cô vừa giải thích xong về lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời cho các em trong lớp học của mình. “Bây giờ,” cô ấy nói, “những ai muốn lên Thiên đàng để nhìn thấy Đức Mẹ thì giơ tay.” Tất cả bọn trẻ đều giơ tay ngoại trừ cô bé Hân ngồi ở hàng ghế đầu. Cô Thanh Lan hỏi: “Em không muốn lên Thiên đường sao, Hân?” Hân rưng rưng nước mắt nói: “Em không thể. Mẹ em bảo em phải về thẳng nhà ngay sau giờ học giáo lí!”.

Một ngày nọ, Chúa Giêsu đi dạo quanh Thiên đàng và bất chợt nhận thấy có một số người đang lẩn trốn tại các con đường quanh công viên, những người này đã được xét là không được vào Thiên đàng. Ngài vội tìm thánh Phêrô ở cổng và nói với ông: “Phêrô, anh đã được giao nhiệm vụ của mình mà không chu toàn; anh đưa sai người vào Thiên đàng.” Phêrô than van với Chúa: “Xin đừng trách con, Chúa ơi”. “Con từ chối họ giống như Chúa đã truyền lệnh. Nhưng họ lại đi vòng ra phía sau, và Mẹ của Chúa đã mở cửa cho họ vào!”

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm