Giáo hội Thái Lan trước ngưỡng cửa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

print

Giáo hội Thái Lan trước ngưỡng cửa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha

Dù là một cộng đoàn nhỏ bé, Giáo hội Công giáo Thái Lan được đánh giá cao bởi các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội. Tìm kiếm những con đường mới để truyền giảng Tin Mừng và thăng tiến các giá trị của gia đình và sự sống là các thách đố chính và ưu tiên của Giáo hội Thái Lan hiện nay.
 

Hồng Thủy – Vatican

Tối thứ ba 19/11, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rời Roma bắt đầu chuyến viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản, kéo dài từ ngày 20-26/11. Đây sẽ là chuyến viếng thăm nước ngoài lần thứ 32 của Đức Thánh Cha, và là chuyến viếng thăm Á châu lần thứ tư. Trước đó, ngài đã thăm Nam Hàn vào năm 2014, Sri Lanka và Philippines năm 2015, và Myanmar và Bangladesh năm 2017.

Đây sẽ là lần đầu tiên Đức Thánh Cha thăm Thái Lan, quốc gia có 69 triệu dân, trong đó số tín hữu Công giáo chỉ có 389 ngàn, chiếm 0,59% dân số. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ 2 thăm Thái Lan; trước đó, thánh Gioan Phaolô II đã thăm Thái Lan vào năm 1984. Lần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thái Lan nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập Miền truyền giáo Xiêm La, Thái Lan ngày nay, vào năm 1669. Khẩu hiệu chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại nước này, “Các môn đệ của Chúa Kitô, các môn đệ truyền giáo”, có ý nghĩa rằng truyền giảng Tin Mừng là trọng tâm của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

Lịch sử Giáo hội Thái Lan

Kitô giáo đến Vương quốc Xiêm La từ giữa thế kỷ XVI và XVII. Năm 1567, hai tu sĩ dòng Đaminh người Bồ Đào Nha là những nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến nước này; cả hai bị sát hại vào năm 1569. Tiếp đến là các thừa sai dòng Phanxicô vào năm 1589. Năm 1607, các tu sĩ dòng Tên đến Xiêm La và đã xây dựng nhà cửa, trường học và nhà thờ. Năm 1662, các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris đến nước này và 7 năm sau, năm 1669, Miền truyền giáo Xiêm La được thành lập và được ủy thác cho các thừa sai của Hội Thừa sai Paris. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành 350 năm sự kiện này.

Năm 1673, Miền truyền giáo Xiêm La được nâng lên thành Hạt Đại diện Tông tòa, bao gồm quyền tài phán cả Malaysia, Sumatra và Nam Birmania. Miền truyền giáo phát triển dưới thời vua Narai đệ nhất, khi ông cho các nhà truyền giáo được tự do truyền đạo. Nhưng lòng nhân từ của ông đã biến thành thù ghét vào cuối đời, và bắt đầu cuộc bách hại kéo dài cho đến năm 1782, với sự lên ngôi của vua Rama I, người mong muốn thúc đẩy liên minh với các cường quốc phương Tây.

Trong thế kỷ XIX, Giáo hội được củng cố tại Xiêm La. Năm 1841, Hạt Đại diện Tông tòa được chia thành hai phần: Miền truyền giáo Tây Xiêm La, bao gồm Malaysia, đảo Sumatra và Nam Birmania; và Miền truyền giáo Đông Xiêm La, bao gồm Vương quốc Xiêm và Lào.

Sang thế kỷ XX, với cuộc chiếm đóng của Nhật Bản trong thời gian thế chiến thứ hai, một cuộc bách hại mới bắt đầu. Các linh mục bị bắt, các cứ điểm truyền giáo bị phá hủy. Sau chiến tranh, khi không còn sự chiếm đóng của Nhật, Giáo hội có thể tái lập các hoạt động và củng cố: các giáo phận mới được thành lập. Năm 1957, Văn phòng Đại diện Tòa Thánh được thành lập, chuẩn bị cho việc thành lập quan hệ ngoại giao ở mức Sứ thần vào năm 1968, và hàng giáo phẩm Công giáo được thành lập năm 1965.

5 năm sau chuyến viếng thăm vào năm 1984, ngày 22/10/1989, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho 7 vị tử đạo người Thái: giáo lý viên Philip Siphong Onphitake, hai nữ tu và 4 giáo dân; họ bị giết vì sự thù ghét đức tin vào năm 1940 tại làng Songkhon, giáp biên giới với Lào.

Giáo hội Thái Lan hiện nay

Ngày nay, các Kitô hữu Thái vẫn là một thiểu số rất bé nhỏ tại Thái Lan: chỉ hơn 1% giữa hơn 90% Phật tử và 4-5% Hồi giáo. Tín hữu Công giáo chiếm khoảng 0,59%, phần lớn thuộc các bộ tộc thiểu số địa phương và các di dân người Việt và Trung Quốc. Số Kitô hữu còn lại thuộc các giáo hội khác và các giáo hội Tin Lành.

Giáo hội Công giáo có hai tổng giáo phận Bangkok và Thare-Nonseng và 9 giáo phận, với 502 giáo xứ, 566 trung tâm mục vụ, 16 giám mục, 835 linh mục, trong đó có 523 linh mục triều và 312 linh mục dòng, 1461 nữ tu và 123 nam tu không phải là linh mục, 221 thừa sai giáo dân và 1901 giáo lý viên.

Tương quan giữa Giáo hội và Nhà nước

Giáo hội và Nhà nước có tương quan tốt đẹp, ngay cả trong những năm 1980, khi các tu sĩ Phật giáo lo lắng về hoạt động của các thừa sai. Phật giáo luôn được bảo vệ nhưng không phải là quốc giáo và do đó tự do tôn giáo được bảo đảm. Theo Hiến pháp, Nhà nước cổ võ sự hòa hợp giữa các tín hữu của các tôn giáo và khuyến khích áp dụng các nguyên tắc tôn giáo “để phát triển phẩm chất cuộc sống.”

Cuộc cải cách hiến pháp được thông qua vào 04/2017 đã thêm vào một điều khoản gây tranh cãi; đó là Nhà nước buộc cổ võ cho Phật giáo và thông qua các quy tắc “để ngăn ngừa sự báng bổ đối với Phật giáo dưới bất cứ hình thức nào.” Điều sửa đổi này tạo nên lo lắng đối với các nhóm thiểu số Kitô giáo và Hồi giáo, bởi vì mỗi hành động bị cho như là sự đe dọa hay khinh thường Phật giáo có thể bị phạt.

Hoạt động xã hội của Giáo hội Thái Lan

Tuy là cộng đoàn thiểu số, Giáo hội được đánh giá cao bởi các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội. Tại Thái Lan có 426 trường Công giáo với hơn 450 ngàn học sinh. Các cơ sở giáo dục của Công giáo được nhìn nhận về phẩm chất giáo dục cao, được nhiều học sinh ngoài Kitô giáo theo học. Sự dấn thân của Giáo hội dành cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có những người tị nạn và di dân, cũng được ghi nhận. Đặc biệt, từ nhiều năm, Giáo hội đứng đầu trong các trợ giúp nhân đạo giúp người Hồi giáo Rohingya tị nạn từ Myanmar, và cả các Kitô hữu Pakistan xin tị nạn, những nạn nhân của người Hồi giáo cực đoan. Caritas Thái Lan cộng tác với cơ quan cứu trợ Công giáo của các giám mục Hoa Kỳ thực hiện các chương trình cung cấp chữa trị y khoa, thực phẩm và trợ giúp tại các trung tâm đón tiếp. Các dịch vụ này cũng trợ giúp cho rất nhiều phụ nữ và trẻ em, nạn nhân của nạn buôn người; những nạn nhân này tìm được chõ cư trú an toàn và tìm lại được phẩm giá tại các cơ sở của Công giáo.

Dấn thân vì hòa bình và đối thoại

Trước các xung đột tái diễn và sự phân cực chính trị , giáo hội nhiều lần kêu mời đối thoại, kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo cần thiết để thực hiện các hoạt động thờ phường, mục vụ, giáo dục và bác ái để đóng góp cho thiện ích chung của quốc gia. Đối thoại, hòa bình, cầu nguyện và trên hết, bất bạo động là con đường của Giáo hội trong mọi thời khắc khó khăn của đất nước. Đồng thời các giám mục cũng khẳng định rằng gốc rễ của các căng thẳng là những bất bình đẳng cao độ và bất công xã hội và vết thương của nạn tham nhũng.

Tìm kiếm những con đường mới để truyền giảng Tin Mừng

Tìm kiếm những con đường mới để truyền giảng Tin Mừng và thăng tiến các giá trị của gia đình và sự sống là các thách đố chính và ưu tiên của Giáo hội Thái Lan ngày nay. Kỷ niệm 350 năm thành lập Miền truyền giáo Xiêm La là cơ hội để tái truyền giảng Tin Mừng. Giáo hội Thái Lan đã dành 3 năm, 2019-2019, chuẩn bị cho biến cố này, “để tái khám phá đức tin, cổ võ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng trong các cộng đoàn nhỏ bé và đào sâu đối thoại liên tôn, nhất là với Phật giáo. Công nghị các Giám mục Thái Lan với chủ đề “các môn đệ Chúa Kitô sống việc tái truyền giảng Tin Mừng, là cơ hội để nhớ lại quá khứ nhưng cũng để canh tân cái nhìn về tương lai. Trong tài liệu chung kết của Công nghị, các Giám mục đưa ra những đường hướng hoạt động mục vụ cho Giáo hội trong những năm tới. Tài liệu viết: “Các tín hữu Công giáo tìm kiếm những con đường mới để đưa Tin Mừng nhập thể vào đất nước và sống Tin Mừng trong xã hội, trong nền kinh tế, chính trị, để đóng góp cho ích chung của quốc gia”. Giáo hội dấn thân thăng tiến các giá trị của gia đình và phẩm giá của sự sống con người.