Giáo Lý 5 Phút GPCT 2019: Giáo Huấn 32-51 (Có Giải Thích – Từ 7/7 đến 24/11/2019)

print

Giáo Lý 5 Phút GPCT 2019: Giáo Huấn 32-51 (Có Giải Thích)

(Từ 7/7 đến 24/11/2019)

 

GIÁO HUẤN SỐ 32:  7/7/2019. 1

GIÁO HUẤN SỐ 33: 14/7/2019. 1

GIÁO HUẤN SỐ 34: 21/7/2019. 2

GIÁO HUẤN SỐ 35: 28/7/2019. 3

GIÁO HUẤN SỐ 36: 4/8/2019. 3

GIÁO HUẤN SỐ 37: 11/8/2019. 4

GIÁO HUẤN SỐ 38: 18/8/2019. 5

GIÁO HUẤN SỐ 39: 25/8/2019. 5

GIÁO HUẤN SỐ 40: 1/9/2019. 6

GIÁO HUẤN SỐ 41: 8/9/2019. 6

GIÁO HUẤN SỐ 42: 15/9/2019. 7

GIÁO HUẤN SỐ 43: 22/9/2019. 8

GIÁO HUẤN SỐ 44: 29/9/2019. 9

GIÁO HUẤN SỐ 45: 6/10/2019. 9

GIÁO HUẤN SỐ 46: 13/10/2019. 10

GIÁO HUẤN SỐ 47: 20/10/2019. 11

GIÁO HUẤN SỐ 48: 27/10/2019. 11

GIÁO HUẤN SỐ 49: 3/11/2019. 12

GIÁO HUẤN SỐ 50: 10/11/2019. 12

GIÁO HUẤN SỐ 51: 17/11/2019. 13

GIÁO HUẤN SỐ 52: 24/11/2019. 14

 

 

GIÁO HUẤN SỐ 32:  7/7/2019

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT (1):

NHỮNG TỘI NGHỊCH ĐỨC TIN

H. Có những tội nào nghịch lại đức tin? (481)

T. Có những tội này:

Một là thờ ơ không chịu tìm hiểu các chân lý mạc khải.

Hai là cố ý nghi ngờ, hoặc chối bỏ các chân lý ấy, mà trở thành rối đạo, hoặc ly khai khỏi Hội thánh.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa phán: “Ta là Thiên Chúa của ngươi… Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”. Điều răn thứ nhất dạy ta thờ phượng một mình Thiên Chúa, vì vậy, ta phải tin kính, cậy trông, mến yêu Ngài trên hết mọi sự. Muốn tránh những tội nghịch lại đức tin, ta phải học hỏi giáo lý, siêng năng cầu nguyện, sống và truyền bá đức tin. Về việc thờ cúng tổ tiên, Hội Thánh không ngăn cấm, mà còn khuyến khích ta bày tỏ lòng tôn kính, hiếu thảo với tổ tiên, miễn là cách thức biểu lộ phù hợp với đức tin công giáo.

Ý thức rằng việc học hỏi giáo lý, cầu nguyện… rất quan trọng để có thể kiên vững đức tin, nên Thánh cai đội Phan-xi-cô Trung : có con gái được phép ở trong tù chăm sóc, nhưng ông bắt con về nhà, để kịp học giáo lý với các bạn – Còn thánh An-tôn Nguyễn Đích thì mỗi ngày chỉ định một hai người coi nhà, còn tất cả đều đi Lễ”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 33: 14/7/2019

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT (2)

NHỮNG TỘI PHẠM ĐẾN ĐỨC TRÔNG CẬY.

H.Có những tội nào phạm đến đức trông cậy? (484)

T. Có ba tội này:

Một là ỷ vào tình thương Chúa mà không chịu hoán cải.

Hai là thất vọng mà buông theo đàng tội lỗi.

Ba là chỉ cậy dựa vào sức riêng mình.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa khích lệ chúng ta: “Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo và can đảm lên nào!” Ta phải luôn cậy trông vững vàng, phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nên ta không được ngã lòng, nghĩa là chán nản thất vọng vì cho rằng mình quá tội lỗi, sa đi ngã lại, không còn đáng được Chúa tha thứ nữa! Ta cũng không được tự phụ nghĩ rằng: ‘có đức tin’ là đã đủ, mà không nỗ lực “sống đức tin bằng hành động”, không xa lánh những dịp tội hiểm nguy, không siêng năng giữ luật Chúa, không năng chịu các bí tích… Ta cũng không được ỷ vào lòng thương xót tha thứ vô bờ của Chúa, mà không chịu hối cải và lập công phúc.

Ba Thánh binh sĩ Au-gu-ti-nô Huy, Ni-cô-la Thể, Ða-minh Ðạt nêu cao gương trông cậy vào lòng Chúa tha thứ: Sau khi yếu đuối chối đạo, 3 ông quyết vào tận Huế, xin vua Minh Mạng để được xưng đạo… Đến tháng 6.1839, cả 3 ông đã được phúc tử đạo, sửa lại gương mù gương xấu đã làm.

 

GIÁO HUẤN SỐ 34: 21/7/2019

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT (3)

NHỮNG TỘI NGHỊCH LẠI ĐỨC MẾN

H.Có những tội nào nghịch lại đức mến? (488)

T. Có những tội này:

Một là dửng dưng trước tình yêu Thiên Chúa.

Hai là vô ơn không đáp lại tình yêu của Ngài.

Ba là lười biếng không chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa.

Bốn là thù ghét và chống lại Ngài.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Hãy yêu mến Thiên Chúa, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Điều răn thứ nhất cũng dạy ta phải yêu toàn thể thụ tạo vì Chúa và cho Chúa. Phải tránh tội dửng dưng, là không quan tâm đến tình yêu Thiên Chúa. Tội vong ân, là từ chối nhận biết, và đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng lòng mến của ta. Tội nguội lạnh là chểnh mảng, không nhiệt tình đáp lại tình yêu Chúa. Tội lười biếng thiêng liêng, khiến ta khinh chê những hạnh phúc Chúa hứa và những ơn ích thiêng liêng. Tội oán ghét Thiên Chúa vì cho rằng: Ngài chẳng tốt lành gì, mà còn cấm đoán đủ điều, và còn trừng phạt người ta nữa!

Thánh Đa-minh Trạch nêu gương cho ta: hãy tuyên xưng lòng mến của ta, trước những kẻ dửng dưng hoặc oán ghét Thiên Chúa, Ngài nói thẳng với nhà quan: “Nếu quan muốn sống đời đời, hãy thờ lạy Thánh Giá này”.

GIÁO HUẤN SỐ 35: 28/7/2019

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT (4) TÔN KÍNH ẢNH TƯỢNG

H. Vì sao chúng ta có thể tôn kính ảnh tượng? (491)

T. Vì Con Thiên Chúa đã làm người, nên chúng ta có thể dùng ảnh tượng, để dễ hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, mà noi gương các Ngài.

Giáo huấn này dựa trên lời chính Chúa Giê-su đã dạy: “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”. Việc tôn kính ảnh tượng không nghịch lại điều răn thứ nhất cấm thờ ngẫu tượng. Vì “Khi tôn kính một ảnh tượng, ta hướng tâm hồn lên, tôn kính chính Đấng ta tưởng nhớ đến”. Như khi hôn kính Thánh Giá bằng vàng bạc hay gỗ đá, ta không hôn kính vàng bạc hay gỗ đá, nhưng ta hôn kính chính Đấng đã chết trên cây Thánh giá vì thương ta. Vì vậy, việc tôn kính ảnh tượng phải được hiểu biết đúng đắn, để không đi đến những tình cảm sai lạc, mê tín.

Thánh Em-ma-nu-el Phụng đã lấy Thánh giá đeo cho cô con gái An-na Nhiên, với lời căn dặn đầy ý nghĩa: “Con hãy nhận lấy kỷ vật của Ba. Đây là ảnh Đức Giê-su Ki-tô Chúa   chúng ta, quý hơn vàng bạc bội phần. Con hãy mang luôn trên cổ, và trung thành cầu nguyện sớm chiều”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 36: 4/8/2019

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT (5)

CÁC TỘI NGHỊCH ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT

H. Có những tội nào nghịch lại điều răn thứ nhất? (490)

T. Có những tội này:

Một là tôn thờ tà thần, và các loài thụ tạo.

Hai là mê tín dị đoan.

Ba là thử thách Thiên Chúa, phạm sự thánh, hay buôn thần bán thánh.

Bốn là chối bỏ Thiên Chúa.

Năm là cho rằng con người không thể biết gì về Thiên Chúa.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa phán: “Ta là Thiên Chúa của ngươi… Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”. Chúa Giê-su đã nhắc lại: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Đó là điều răn quan trọng nhất và là thứ nhất”. Thiên Chúa mạnh mẽ truyền Điều răn cho ta, vì muốn cho ta được hiệp thông với Ngài, mà được hạnh phúc đời này đời sau.

Vì vậy, cha Thánh Tự thà phải chết chứ không lỗi nghịch Điều răn thứ nhất, đã khảng khái nói với quan tòa: Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, kính cha mẹ như hạ phụ. Không thể nghe cha mẹ mà hại vua, cũng không thể nghe vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa.

GIÁO HUẤN SỐ 37: 11/8/2019

ĐIỀU RĂN THỨ HAI

H. Có những tội nào nghịch lại điều răn thứ hai? (494)

T. Có những tội này:

Một là lấy Danh Chúa làm chứng cho tội ác, như thề gian, bội thề.

Hai là dùng Danh Chúa cách bất xứng, như kêu tên Chúa vô cớ, lộng ngôn, nguyền rủa, và không tuân giữ những lời hứa nhân Danh Chúa.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa phán: “Ngươi không được dùng Danh Thiên Chúa cách bất xứng”. Thiên Chúa tỏ ra tín nhiệm và thân thiết, khi bày tỏ cho ta Danh Ngài “là Đức Chúa, Đấng Hằng Hữu”, nên ta phải ghi nhớ, kính cẩn, yêu mến ; và chỉ kêu tên Chúa để chúc tụng, tôn vinh. Ta hãy siêng năng làm dấu Thánh Giá “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”, để tôn vinh Danh Chúa, và để nhờ Danh quyền năng Ngài mà vượt qua các cám dỗ, khó khăn.

Ngày 13.1.1859, trên đường ra pháp trường 7 Mẫu, Thánh án Khảm, cai Tả, cai Thìn và 7 giáo hữu làng Quần cống lớn tiếng đọc kinh… và không ngừng kêu Tên cực trọng Giê-su.

 

GIÁO HUẤN SỐ 38: 18/8/2019

ĐIỀU RĂN THỨ BA (1): Ý NGHĨA CHÚA NHẬT

H. Chúa Nhật nghĩa là gì? (498)

T. Chúa Nhật là ngày của Chúa theo hai nghĩa:

Một là nhắc nhớ việc sáng tạo mới, được thực hiện nhờ cuộc Phục sinh của Chúa Ki-tô.

Hai là hoàn tất ý nghĩa ngày lễ nghỉ của dân Do Thái, và loan báo sự nghỉ ngơi muôn đời nơi Thiên Chúa.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa truyền: “Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, coi đó là ngày thánh”. Đây là ngày thánh, ngày vui mừng hoan hỉ, vì “là ngày Thiên Chúa đã làm ra” ; là ngày Ngài đã nghỉ ngơi và chúc phúc ; là ngày của Đức Chúa giàu lòng thương xót… ; là ngày Chúa Giê-su đã sống lại.

Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II mời gọi : “Chúng ta đừng sợ dâng hiến thời gian Chúa nhật cho Chúa Ki-tô, để Ngài chiếu sáng, hướng dẫn ta. Chỉ có Ngài biết rõ bí mật của thời gian và vĩnh hằng; Ngài ban cho ta “Ngày của Ngài”, như một quà tặng thân ái mỗi tuần. Thời gian ta hiến dâng cho Chúa sẽ không bao giờ là thời gian ta bị mất mát đi, nhưng luôn là thời gian ta được nhận thêm, cho cuộc sống của ta tròn đầy hơn mãi!”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 39: 25/8/2019

ĐIỀU RĂN THỨ BA (2):

THÁNH HÓA CHÚA NHẬT

H. Ta phải làm gì để thánh hóa Chúa nhật và các ngày lễ buộc? (499)

T. Ta phải tham dự Thánh lễ, tránh mọi hoạt động làm ngăn trở việc thờ phượng Chúa, hay làm mất đi niềm vui trong ngày của Chúa, cũng như sự nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa truyền: “Sa-bát là ngày kính Thiên Chúa, ngươi không được làm công việc gì”. Khi cùng tham dự Lễ Chúa Nhật, nhất là nơi nhà thờ họ đạo: chúng ta chứng tỏ sự gắn bó với Đức Ki-tô và Hội Thánh; bày tỏ sự hiệp thông trong đức tin, đức mến; nâng đỡ nhau dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần; hiệp cùng linh mục làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa, cho niềm hy vọng vào ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô. Đây là ngày lễ nghỉ, vì Thiên Chúa muốn cho ta có thời giờ nghỉ ngơi, giải trí, chăm lo cách riêng cho đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo.

Chúng ta có những “Anh Hùng Chúa Nhật” là cộng đoàn A-bi-ti-na. Ngày 12.3.304; 38 vị nam và 18 vị nữ đã bị kết tội “hội họp bất hợp pháp”, vì đã họp nhau cử hành lễ Chúa nhật. Cha Sa-tua-ni-út nói: “Chúng tôi có bổn phận, có luật cử hành Ngày của Chúa”. Còn ông chủ nhà Ê-mê-ri-út thì tuyên xưng: “Chúng tôi không thể sống mà không cử hành Ngày của Chúa!”                   

GIÁO HUẤN SỐ 40: 1/9/2019

ĐIỀU RĂN THỨ BỐN:

GIA ĐÌNH TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

H. Gia đình là gì trong kế hoạch của Thiên Chúa? (506)

T. Gia đình vừa là cộng đoàn yêu thương Thiên Chúa đã thiết lập, để cha mẹ và con cái chung sống hạnh phúc; vừa là Hội Thánh tại gia, vì là cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Ngài phán: Hãy sinh sôi thật nhiều… và thống trị mặt đất”. “Hôn nhân và gia đình là một trong những điều thiện hảo quý giá nhất của nhân loại”, vì gia đình đã được chính Thiên Chúa thiết lập, khi tạo dựng con người có nam có nữ, để qua việc sinh dưỡng con cái, họ góp phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Qua bí tích hôn phối, Chúa Giê-su còn ban ơn thánh, để hiệp thông gia đình Ki-tô hữu nên một “Hội Thánh tại gia” : được mời gọi tham dự vào sứ mạng của Đức Ki-tô, là tế lễ cho Thiên Chúa, và loan báo Tin Mừng truyền giáo.

Gia đình Thánh An-tôn Nguyễn Đích là một cộng đoàn tin- cậy-mến gương mẫu: ngoài thánh Lý Mỹ, con rể, đã cùng tử đạo với Ngài, gia đình Ngài còn cống hiến 2 chứng nhân nữa, là ông Lý Thi, xử giảo năm 1858, và ông phó Nhâm, con thứ tư, bị đầy lên Cao Bằng và chết vì đạo tại đây!

 

GIÁO HUẤN SỐ 41: 8/9/2019

ĐIỀU RĂN THỨ BỐN: THẢO KÍNH CHA MẸ

H. Con cái có những bổn phận nào đối với cha mẹ?

T.  Con cái có bổn phận hiếu thảo, biết ơn, vâng phục, trợ giúp cha mẹ, về vật chất cũng như tinh thần, khi cha mẹ còn sống cũng như khi đã qua đời.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Hãy thờ kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa ban”. Con cái cũng cần ý thức rằng: Cha mẹ chúng ta có bổn phận “khuyên răn và  sửa dạy thay mặt Chúa” , bằng sự yêu thương, tôn trọng, nuôi dưỡng, giúp con cái chọn lựa nghề nghiệp, bậc sống; nhất là giáo dục đời sống đức tin bằng gương sáng, kinh nguyện, quan tâm việc học hỏi giáo lý, và tham dự vào đời sống Giáo Hội.

Những lời Thánh Lý Mỹ nói với cha vợ là Thánh trùm Đích cho thấy: Ông vừa là người cha chí tình, vừa là đứa con chí hiếu: “Con đây còn đàn con thơ dại, nhưng con tin Thiên Chúa sẽ lo liệu thật tốt đẹp cho chúng. Rồi khi cha con ta được lên Thiên Đàng, sẽ cầu bầu trước nhan Thiên Chúa, thì có ích hơn cho cả gia đình dòng tộc nhiều. Cha hãy can đảm chết vì  yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết vì chúng ta…” Và thế là, mỗi lần quan truyền đánh đòn ông trùm Đích, thì ông Lý Mỹ lại chịu đòn thay cha!

                       

GIÁO HUẤN SỐ 42: 15/9/2019

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM

H. Điều răn thứ năm dạy ta sự gì? (516)

T. Điều răn thứ năm dạy ta tôn trọng sự sống con người do Thiên Chúa ban, vì chỉ mình Ngài mới là chủ, có toàn quyền trên sự sống ấy.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa phán: “Ngươi không được giết người”. Vì vậy, ta phải tránh xa những tội nghịch lại điều răn này:

Một là cố ý giết người.

Hai là trực tiếp hay cộng tác vào việc phá thai.

Ba là làm cho chết êm dịu.

Bốn là tự tử hay cộng tác vào việc ấy.

Năm là làm gương xấu nặng, “có thể đưa người anh em đến tội trọng, là giết chết họ về phần linh hồn”.

Sáu là phá hoại, hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe, của mình và của người khác.

Đức tiết độ đòi ta bảo vệ sức khỏe, tránh ăn uống, say sưa, nghiện hút quá độ; say rượu, say tốc độ, gây nguy hiểm cho tính mạng những người giao thông đều là tội nặng!

Vì ý thức sâu xa: “Sự sống là do Thiên Chúa ban…”, các Thánh tử đạo đã muốn dâng lại Chúa mạng sống mình như lễ vật cao quý nhất. Thánh Bô-na Hương đã viết: “Tôi tự nguyện hiến dâng máu và mạng sống, vì yêu mến Chúa, vì những linh hồn, mà tôi muốn yêu thương phục vụ hết mình…”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 43: 22/9/2019

ĐIỀU RĂN THỨ SÁU (1)

H. Điều răn thứ sáu dạy ta sự gì? (535)

T. Điều răn thứ sáu dạy ta giữ khiết tịnh trong tư tưởng, lời nói, việc làm.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa dạy: “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác”. Vì vậy, ta phải xa lánh những tội:

Một là nhìn ngắm hoặc nghĩ tưởng những điều dâm ô.

Hai là nói những lời thô tục, ám chỉ ý xấu, và phổ biến phim ảnh sách báo khiêu dâm.

Ba là tìm thú vui nhục dục một mình, hoặc với người khác ngoài cuộc sống hôn nhân.

Bốn là có hành vi đồng tính luyến ái.

Năm là lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Để có thể sống khiết tịnh, ta cần đón nhận ơn Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích; hy sinh hãm mình, thực hành các nhân đức, nhất là đức tiết độ.

Ma-ri-a Gô-ret-ti là tấm gương giữ khiết tịnh chói ngời: Năm 1950, cô đã được Đức Giáo hoàng Pi-ô 12 tuyên phong là “Thánh trinh nữ tử đạo”, vì ngày 6.7.1902, khi chưa tròn 12 tuổi, trước cuộc tấn công hãm hiếp của A-lét-xăng, 17 tuổi, Gô-ret-ti đã sẵn sàng chết để “bảo toàn bông huệ khiết trinh”, với lời trăn trối: “Tôi tha thứ cho anh ta, tôi muốn anh ta lên Thiên Đàng”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 44: 29/9/2019

 ĐIỀU RĂN THỨ SÁU (2):

NHỮNG TỘI NGHỊCH PHẨM GIÁ HÔN NHÂN

H. Những tội nào phạm đến phẩm giá của hôn nhân? (551)

T. Những tội phạm đến phẩm giá của hôn nhân là ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, sống chung ngoài hôn nhân, hoặc ăn ở với nhau trước hôn nhân.

Lời Chúa đã bác bỏ những khoan nhượng của Luật cũ, Ngài bảo: “Vì lòng dạ các ông chai đá, nên Mô-sê đã cho phép rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế”. Những thách đố của các đôi hôn nhân và gia đình trên thế giới hiện nay rất nặng nề, nhiều đôi đã tan vỡ! Nhưng ta không được dừng lại ở những điểm đen tối ấy, mà hãy cố gắng “Loan báo Tin Mừng gia đình”, bằng việc sống nêu bật những nét cao đẹp của gia đình, là Hội thánh tại gia, được Thiên Chúa sáng lập, được Chúa Ki-tô thánh hóa nên cộng đoàn tin-cậy-mến. Hãy thương xót những ai chưa thực hiện được lý tưởng hoàn thiện của hôn nhân; vì tất cả các gia đình đều là thành phần thiết yếu, đều được chào đón trong Hội thánh, bởi lẽ Hội thánh là gia đình của các gia đình.

Trong số các vị tử đạo Việt Nam, không phải tất cả đã luôn trung thành với lời cam kết hôn nhân, như Thánh Gẫm, thánh Huy, Thánh Cai Thìn đã có lúc sa ngã! Nhưng tất cả các ngài đều đã trở về vun đắp lại mái ấm gia đình.

 

GIÁO HUẤN SỐ 45: 6/10/2019

ĐIỀU RĂN THỨ BẢY (1): NHỮNG ĐIỀU BUỘC

H. Điều răn thứ bảy đòi buộc những gì? (553)

T. Điều răn thứ bảy đòi buộc:

Một là tôn trọng của cải người khác.

Hai là giữ các lời hứa đã cam kết.

Ba là đền bù thiệt hại đã gây ra, và trả lại cho người khác những gì đã lấy.

Bốn là sử dụng khôn ngoan, và chừng mực những tài nguyên thiên nhiên.

Những điều buộc này dựa trên Lời Chúa dạy: “Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó”.

Như vậy, ta được mời gọi sống công bằng:

Một là tôn trọng của cải của nhau, vì mỗi người được quyền có của cải riêng, để bảo đảm nhân phẩm và nhu cầu cuộc sống, nghĩa là có quyền tư hữu. Vì thế, ta cần tôn trọng những hợp đồng, như khi thuê mướn, hứa hẹn làm ăn với nhau.

Hai là bảo vệ và phát huy những tài nguyên thiên nhiên môi trường, như đất đá, sông nước, cây rừng, khí hậu, loài vật… vì đó là những của chung, Thiên Chúa ban cho mọi người, và cho cả những thế hệ tương lai.

Bà mẹ Thánh An-rê Trông nêu gương sống công bằng thật tuyệt vời: khi hay tin con bị đem đi xử, bà vội vã ra đón, gặp con, bà hỏi ngay: “Khi ở tù, con có nợ nần ai chăng, nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả ngay thay con”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 46: 13/10/2019

ĐIỀU RĂN THỨ BẢY (2): NHỮNG ĐIỀU CẤM

H. Điều răn thứ bảy cấm những điều gì? (555)

T. Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, hối lộ, trả lương không cân xứng, đầu cơ tích trữ, giả mạo chi phiếu hay hóa đơn, gian lận, trốn thuế, cho vay nặng lãi, tham nhũng, lạm dụng, lãng phí phá hoại của công, làm không tốt công việc bổn phận.

Lời Chúa đã dạy: “…Người nào được lợi lãi cả thế gian, mà phải đánh mất chính mình hay thiệt thân, thì nào được ích lợi gì? Quả vậy, những lỗi phạm kể trên xem ra đem lại cho người ta những lợi lãi thế gian trước mắt, nhưng lại gây thiệt hại cho chính mình và cho những người khác, về phần thể xác, tinh thần và linh hồn: Con người bị coi như những nô lệ, bị mua bán trao đổi như hàng hóa, vật dụng hoặc chỉ như một nguồn lợi !

Thánh Mi-ca-e Hy nêu cao tấm gương sống thanh liêm: có một người bị tố cáo lấy trộm kho lẫm nhà vua. Là quan thái bộc, ông can thiệp giùm, nên được vua Tự Đức ân xá. Người này đem một túi tiền lớn đến tạ ơn. Nhưng ông nói với anh ta: “Cầm tiền về ngay, bằng không tôi sẽ giao anh cho công lý bây giờ!”

 

GIÁO HUẤN SỐ 47: 20/10/2019

ĐIỀU RĂN THỨ BẢY (3): HỌC THUYẾT XÃ HỘI (557)

H. Hội thánh trình bày những gì trong Học thuyết xã hội?

T. Hội thánh trình bày có hệ thống các chân lý của Tin Mừng, về phẩm giá và bản tính xã hội của con người; đề ra những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán, những quy luật và định hướng để hành động.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ…” Như vậy, phát triển kinh tế, gia tăng sản xuất không được chỉ nhằm tới việc tăng thêm các sản phẩm, lợi nhuận, giàu sang, quyền lực… nhưng trước tiên phải nhằm phục vụ cho các quyền lợi căn bản, cho phần rỗi linh hồn của con người, như ý định của Thiên Chúa. Vì vậy, cảm hứng từ Tám mối Phúc thật, từ gương sống nghèo khó, và từ lòng thương xót của Chúa Giê-su đối với những kẻ nghèo, Hội Thánh mời gọi ta yêu thương người nghèo… Tình thương này thúc đẩy ta “Thương người có 14 mối” và cũng “lo làm ăn, để có gì chia sẻ với những người thiếu thốn”.

Ta có gương thương người của Thánh trùm Đích : Ngài thường xuyên thăm viếng trại cùi, sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà. Còn Đức cha Hê-na-rết Minh thì đi đâu cũng mang theo tráp thuốc chữa bệnh miễn phí.

 

GIÁO HUẤN SỐ 48: 27/10/2019

 ĐIỀU RĂN THỨ TÁM

H. Điều răn thứ tám dạy ta sự gì ? (569)

T. Điều răn thứ tám dạy ta sống thành thật, làm chứng cho chân lý, và tôn trọng danh dự của mọi người.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. Lời Chúa đòi hỏi ta tránh xa những tội:

Một là làm chứng gian, thề gian và nói dối.

Hai là xét đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống và bôi nhọ.

Ba là nịnh hót, tâng bốc và xu nịnh nhằm thủ lợi bất chính.

Hiện nay, chúng ta cần hết sức cảnh giác, cần biết điều độ và kỷ luật, cần lương tâm sáng suốt và ngay thẳng… trước những phương tiện truyền thông đại chúng, với những thông tin và hình ảnh thiếu lành mạnh !

Các Thánh tử đạo là những chứng nhân anh dũng cho sự thật: cha Lê Tùy, Đỗ Yến và các bạn nhất quyết không khai man lý lịch là thầy lang. Thầy Mậu và các bạn , quan chỉ yêu cầu đi vòng quanh Thánh Giá… nhưng các vị đã thà chết chứ không làm việc giả dối.

 

GIÁO HUẤN SỐ 49: 3/11/2019

ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN (1)

H. Điều răn thứ chín dạy ta sự gì? (576)

T. Điều răn thứ chín dạy ta phải chiến thắng đam mê xác thịt, trong tư tưởng, cũng như trong ước muốn.

Điều răn này dựa trên Lời Chúa dạy: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Chúa dạy   ta phải có lòng trong sạch, vì Thiên Chúa cho những ai có lòng trong sạch được ngắm nhìn Thiên Chúa tận mắt, và trở nên giống Người. Ngay từ bây giờ, họ biết nhìn mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa; biết nhìn tha nhân như người thân cận; biết nhìn ra thân xác, của mình và của người khác, là đền thờ Chúa Thánh Thần, là tác phẩm tốt đẹp mà Thiên Chúa đã dựng nên, mà Chúa Ki-tô đã mặc lấy. Để có lòng trong sạch, ta phải quyết tâm làm chủ các giác quan và trí tưởng tượng, phải chuyên cần cầu nguyện, và vững lòng trông cậy ơn Chúa giúp.

Thánh Gio-an Bốt-cô đã nói: “Trong thời đại này, thánh thiện là trong sạch”. Đức hồng y Phan-xi-cô xa-vi-ê Nguyễn văn Thuận đã viết: “Giá trị của thân xác con: là được cứu chuộc bằng Máu Thánh Chúa, là Đền thờ Chúa Ba Ngôi, sẽ được vinh hiển muôn đời. Con đừng đem bán rẻ!”

GIÁO HUẤN SỐ 50: 10/11/2019

ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN (2): NHỮNG ĐÒI BUỘC

H. Sự trong sạch còn đòi buộc ta những điều nào khác nữa không? (579)

T. Sự trong sạch còn đòi buộc ta:

Một là sống nết na và đoan trang.

Hai là ngăn chặn thói khiêu dâm đang lan tràn.

Ba là thanh tẩy môi trường xã hội, bằng cách chống lại sự suy thoái phong hóa, do quan niệm sai lạc về tự do của con người. Lời Chúa nói: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. Lời Chúa mời gọi ta nết na, đoan trang trong tâm tư cũng như ngũ quan… cảnh giác trước những phương tiện truyền thông: thường quảng cáo, khai thác quá đáng những hình ảnh phơi bày thân xác, hoặc những cảnh thầm kín riêng tư. Cần luôn thận trọng trước những tò mò thiếu trong sáng, tránh đua đòi theo thời trang và theo những trào lưu tư tưởng theo thời. Tiên quyết, phải phòng tránh lối sống phóng túng do quan niệm sai lạc về tự do. Tự do đích thực đòi ta phải được giáo dục, để biết tôn trọng sự thật và các nhân đức, các giá trị đạo đức, thiêng liêng, vĩnh cửu của con người.

Thánh trẻ Tô-ma Thiện nêu gương cho các bạn trẻ biết ý thức và chọn lựa những giá trị thiêng liêng, vĩnh cửu của con người. Nhà quan muốn nhận chú Thiện làm con rể, nhưng chú đã nói: Tôi chỉ mong chức vị Nước trời, chứ đâu màng đến quyền chức trần thế!

GIÁO HUẤN SỐ 51: 17/11/2019

ĐIỀU RĂN THỨ MƯỜI (1)

H. Điều răn thứ mười dạy ta sự gì? (581)

T. Điều răn thứ mười dạy ta phải tôn trọng tài sản của người khác, không ganh tị, tham lam và ham muốn của cải cách bất chính.

Điều răn này dựa trên Lời Chúa: “Ngươi không được ước ao nhà cửa, ruộng vườn, tôi tớ nam nữ, bò lừa, hay bất cứ vật    gì của người ta”. Đừng ham muốn những gì không thuộc về mình, vì lòng tham không đáy. Ðiều răn này không cấm ta ước ao của cải, bằng những phương thế chính đáng. Ðiều răn này còn dạy ta chớ ganh tị, vì “ganh tị sinh thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi thấy kẻ khác hoạn nạn, buồn khi thấy họ may mắn” ; như vậy là ta đã cấu xé tan nát Thân thể Ðức Ki-tô ! Trái lại, “Thiên Chúa sẽ được ca ngợi, khi các tôi tớ Ngài biết tự thắng mình, để biết vui mừng trước những thành công của người anh em”.

Thánh Phao-lô Hạnh vì muốn cho những kẻ gian tham phải tôn trọng người khác, nên khi chứng kiến một thiếu phụ nghèo khổ bị đàn em bóc lột, Ngài đã bắt chúng phải trả lại tất cả. Chính vì hành động hào hiệp này mà Ngài đã bị chúng trả thù, nhưng cũng nhờ vậy, Ngài được phúc chết vì lẽ công chính.

 

GIÁO HUẤN SỐ 52: 24/11/2019

ĐIỀU RĂN THỨ MƯỜI (2): TINH THẦN KHÓ NGHÈO

H. Khi dạy sống tinh thần khó nghèo, Chúa Giê-su mời gọi ta điều gì? (582)

T. Chúa Giêsu mời gọi ta yêu mến Ngài trên hết mọi sự, và biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa, trong tinh thần khó nghèo của Nước Trời.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Người có tinh thần nghèo khó biết dùng của cải như phương tiện, để xây dựng những giá trị Nước Trời, như công bằng, bác ái: không vì của cải mà táng tận lương tâm; nhưng biết mưu cầu công ích; biết san sẻ với người nghèo khổ; biết luôn phó thác vào sự quan phòng quyền năng và yêu thương của Cha trên trời, để được giải thoát khỏi những âu lo về ngày mai , và luôn được an tâm hạnh phúc; biết tự nguyện sống khiêm nhường, phục vụ, quên mình, vác thập giá… theo gương Chúa Ki-tô.

Những lời chia tay của vợ chồng thánh Lý Mỹ dàn dụa nước mắt, nhưng tràn đầy tin yêu phó thác! Bà Mỹ nói với ông: “Vợ con ai mà chẳng thương, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh giá rất nặng vì Chúa đến cùng, đừng lo nghĩ gì về mẹ con tôi, Thiên Chúa quan phòng tất cả”.