Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 5/2019: Giáo Huấn 23-26 (Có Giải Thích)

print

Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 5/2019: Giáo Huấn 23-26 (Có Giải Thích)

GIÁO HUẤN SỐ 23 (5/5/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 24 CÔNG BẰNG XÃ HỘI (12/5.2019)

GIÁO HUẤN SỐ 25 LUẬT LUÂN LÝ (19/5/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 26 LUẬT TỰ NHIÊN (26/2/2019)

GIÁO HUẤN SỐ 23 (5/5/2019)

THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: XÂY DỰNG CÔNG ÍCH.

H. Ta phải tham gia xây dựng công ích bằng cách nào? (440)

T. Ta phải tham gia xây dựng công ích bằng cách:

–       Một là tôn trọng các luật công bằng.

–       Hai là chu toàn các trách nhiệm cá nhân trong xã hội.

–       Ba là tham gia vào đời sống cộng đồng.

Lời Chúa nhắc nhở chúng ta: “Hãy theo đuổi những gì đem  lại bình an, và những gì xây dựng cho nhau”. Là Ki-tô hữu, chúng ta cần tích cực tham gia vào đời sống xã hội, bằng nhiều cách thức: Mỗi người hãy hoán cải không ngừng; hãy xa tránh những thủ đoạn tránh né luật pháp, trốn tránh trách nhiệm    xã hội, vì chúng trái với đức công bình… Cần xác tín rằng: “Tương lai nhân loại nằm trong tay những người có thể trao cho hậu thế ý nghĩa cuộc sống, và những cơ sở để hy vọng”.

Chúng ta có gương của Thánh Gio-an Cỏn : Ngài đã mạnh dạn chống lại một lý trưởng đòi dân nghèo sưu cao thuế nặng. Còn Thánh Mi-ca-e Hồ đình Hy, là quan Thái bộc nên đã xin   vua Tự Đức ân xá cho một người. Người này đem một số tiền lớn đến tạ ơn. Nhưng Ngài bảo: “Anh cầm tiền về đi, nếu không, tôi sẽ giao anh cho công lý đó nha”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 24 CÔNG BẰNG XÃ HỘI (12/5.2019)

H. Công bằng xã hội là gì ? (441)

T. Công bằng xã hội là những điều kiện thuận lợi, giúp cho cá nhân, cũng như tập thể đạt được những gì thuộc quyền lợi của họ.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Thợ cày phải mong được chia phần; kẻ đạp lúa cũng mong được chia phần”. Công bằng xã hội đòi buộc ta tôn trọng phẩm giá siêu việt, và những quyền lợi căn bản của con người, vì họ đều là những người con cái của Thiên Chúa; nên “mỗi người đều phải xem người khác như chính mình, dù họ tốt hay xấu ; phải quan tâm đến đời sống, đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống xứng đáng là người”. Con người khác nhau về tuổi tác, thể xác, trí tuệ, về những cơ hội, về của cải… Những khác biệt này nằm trong chương trình đào tạo của Thiên Chúa: Ngài muốn chúng ta đón nhận lẫn nhau, đón nhận những điều mình cần từ người anh em, rộng lượng chia sẻ, và làm phong phú lẫn nhau.

Thánh cai Tả thường châm chước cho những người mắc nợ… Ngài đã phát biểu câu bất hủ, diễn tả lẽ công bằng của Thiên Chúa: “Mình quên nợ người, Chúa tha tội mình”.

GIÁO HUẤN SỐ 25 LUẬT LUÂN LÝ (19/5/2019)

H. Luật luân lý là gì? (446)

T. Luật luân lý là lời Thiên Chúa dạy, chỉ cho con người những con đường và quy luật sống, dẫn đến hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban, và ngăn cấm những nẻo đường đưa con người xa lìa Thiên Chúa.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa phán: “Ta  sẽ  ghi khắc  vào lòng dạ, vào tâm khảm chúng Lề luật của Ta”. Luật của Chúa đây là luật luân lý, gồm luật tự nhiên, luật cũ và luật mới (Sẽ học trong 2 tuần sau). Đây là tác phẩm của chính Thiên Chúa khôn ngoan, là lời người Cha dạy dỗ con cái,   là phương pháp giáo dục của Thiên Chúa. “Trong tất cả các sinh vật, chỉ con người mới có thể tự hào xứng đáng đón nhận luật của Thiên Chúa. Vì có lý trí để hiểu biết và nhận định, con người phải cư xử theo tự do và lý trí, để suy phục Đấng trao ban mọi sự cho mình”.

Cuộc tử đạo của bảy anh em, thời vua An-ti-ô-khô, quả là gương sáng tuyệt vời về việc suy phục Lề luật Thiên Chúa: “Người con thứ hai nói: Vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời này, nhưng vì chúng tôi chết cho Luật của Vua vũ trụ, nên Ngài sẽ cho chúng tôi sống lại để sống đời đời”. Người con út còn khảng khái hơn: “Tôi chẳng nghe theo lệnh vua đâu, tôi chỉ vâng theo lệnh của Lề Luật Thiên Chúa đã ban”

GIÁO HUẤN SỐ 26 LUẬT TỰ NHIÊN (26/2/2019)

  1. Luật tự nhiên là luật nào? (448)
  2. Luật tự nhiên là luật Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn con người, ở mọi nơi mọi thời, để giúp họ phân biệt điều tốt và điều xấu.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Dù dân ngoại không có luật Mô-sê, nhưng khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình”. Luật này được gọi là tự nhiên vì xuất phát từ lý trí, lương tâm tự nhiên của con người; đề ra những mệnh lệnh đầu tiên và chính yếu, điều khiển đời sống luân lý. Nền tảng của luật tự nhiên trước tiên là lòng khát mong và lòng tùng phục Thiên Chúa, Đấng là căn nguyên của mọi điều tốt lành; sau nữa là lòng chân thành cảm nhận rằng, mọi người là anh chị em bình đẳng với mình.

Luật này được trình bày thành những điều răn chính trong “Mười Giới Răn”, đã được Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê.

Vì cảm nhận sâu sắc những luật tự nhiên ghi khắc nơi lương tâm, thánh Mat-thêu Gẫm đã chân thành phân biệt điều tốt xấu. Nên sau khi yếu đuối sa ngã với một thiếu nữ ! Ông nghĩ lại và cương quyết từ bỏ. Bù lại, ông yêu thương vợ, và chú tâm dạy dỗ con cái nhiều hơn. Trong bốn người con của ông, hai người đã chết vì đức tin.