Giáo Lý Dự Tòng – Gp Vĩnh Long- Phần I: Tín Lý

print

WCT: Năm nay GPCT thường huấn LM theo chủ đề Huấn Giáo. Vì thế chúng tôi xin giới thiệu cuốn Giáo Lý Dự tòng của GPVL để Các Đấng tham khảo.

Giáo Lý Dự Tòng – Gp Vĩnh Long- Phần I: Tín Lý

Nguồn: giaophanvinhlong.net

LỜI GIỚI THIỆU.

LỜI NGỎ.

  1. CẤU TRÚC.
  2. GỢI Ý SƯ PHẠM..

HỌC ĐẠO.

PHẦN MỞ ĐẦU.

Bài 1: CON NGƯỜI TÌM KIẾM CHÚA.

Bài 2 : THIÊN CHÚA NÓI VỚI CON NGƯỜI

Bài 3: CON NGƯỜI ĐÁP TRẢ BẰNG ĐỨC TIN.

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN  HỌC KINH TIN KÍNH.

Bài 4: MỘT CHÚA BA NGÔI

Bài 5: THIÊN CHÚA SÁNG TẠO.

Bài 6: LOÀI NGƯỜI VÀ TỘI TỔ TÔNG.

Bài 7: NGÔI HAI LÀM NGƯỜI

Bài 8: CHÚA GIÊSU CỨU CHUỘC.

Bài 9: CHÚA GIÊSU PHỤC SINH.

Bài 10: CHÚA THÁNH THẦN.

Bài 11: HỘI THÁNH CHÚA KITÔ.

Bài 12: TỔ CHỨC HỘI THÁNH CÔNG GIÁO.

Bài 13: TÔN KÍNH ĐỨC MẸ MARIA.

Bài 14. TỨ CHUNG.

LỜI GIỚI THIỆU

“Không ai lên trời, ngoại trừ Đấng từ trời xuống, tức là Con người, vốn ở trên trời” (Ga 3,13)

Lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô không nhằm làm cho chúng ta thất vọng, nhưng cho thấy khoảng cách giữa Thiên Chúa hằng sống với con người quá lớn, vượt quá tầm vóc sức lực chúng ta, hơn nữa, tội lỗi càng đẩy chúng ta ra xa Chúa nhiều hơn. Thế nhưng con người còn có hy vọng, vì : “Thiên Chúa yêu thương thế gian (nhân loại tội lỗi), đến nổi đã ban Con Một của Ngài, để bất cứ ai tin vào Người, thì không phải chết, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16)

Đạo siêu việt, là Ơn Chúa; không do con người, nhưng là biết đón nhận Ơn Chúa, nên cần phải Cầu Xin. Đạo Duy nhất, “Ta là Đàng, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không nhờ Ta” (Ga 14,6)

Bởi vậy, HỌC ĐẠO trước tiên là học biết Chúa Giêsu, tin theo Người, rồi mới nói đến những điều Người dạy (các Tín điều), những phương thế Người trao cho (Hội Thánh, các Bí Tích), sau cùng thực hành lệnh truyền của Người (các Giới răn). Trong khi chờ đợi sách Giáo Lý Dự Tòng do Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận, Giáo Phận Vĩnh Long cho ấn hành Tập Sách nầy, để phục vụ các Linh mục, Tu Sĩ, Giáo Lý viên trong sứ mạng truyền giảng Phúc âm cho lương dân.

Vĩnh Long, ngày 11.11.2002

+ Tôma Nguyễn Văn Tân

Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long

LỜI NGỎ

– Tập Giáo lý Dự Tòng được biên soạn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách Dạy Giáo lý cho người Dự Tòng, chia sẻ cách dạy cho người bình dân đơn sơ, chất phác, với mong muốn cố gắng trình bày Giáo lý giản lược, ngắn gọn, dễ học, dễ hiểu và giúp ghi nhớ.

– Tập Giáo lý Dự Tòng gởi đến các Giáo lý viên (GLV) như những “gợi ý giảng dạy”, gởi đến các Dự Tòng như “bạn đồng hành”, giúp nhớ bài giảng trong giờ giáo lý.

– Tập Giáo lý Dự Tòng được biên soạn từ những sách Giáo lý Dự Tòng đang hiện hành tại các Giáo phận (Cần thơ, Xuân lộc, Saigon … ), nhưng trình bày theo sát bố cục của Sách GLGHCG (1992) : Tuyên xưng Đức tin, Bí tích Đức tin, Đời sống Đức tin, Kinh nguyện tín hữu.

I. CẤU TRÚC

Nội Dung chương trình Giáo lý Dự Tòng gồm có 4 PHẦN trong 38 bài, mỗi bài có một chủ đề, được trình bày qua 5 đề mục :

Mục 1: Ghi nhớ:

“Giáo lý là lý lẽ của Đạo”. Mỗi bài học cần được ghi nhớ bằng 1 hoặc 2 câu giáo lý Hỏi – Thưa ngắn gọn, để nêu ý nghĩa và giúp nhớ chủ đề bài học. Nếu học viên hiểu và thuộc các câu nầy, là đã thuộc phân nửa bài học rồi.

Mục 2: Thánh Kinh:

“Giáo lý là làm vang dội Lời Chúa trong lòng người nghe, giúp họ hoán cải”. Vì nguồn mạch của Giáo Lý là Thánh Kinh, nên mục này nêu lên một vài câu Thánh Kinh liên quan tới bài học để làm nền tảng cho chủ đề và giúp học viên gặp gỡ Chúa qua Lời Chúa.

Mục 3: Giải thích:

Mục nầy dựa vào Lời Chúa và các câu Hỏi – Thưa để gợi ý cho GLV tuỳ nghi tham khảo và giảng dạy. Mục này cũng để cho học viên có giờ xem trước hoặc sau khi nghe GLV giảng dạy, để hiểu rỏ hơn đề tài và còn lưu lại trong trí nhớ chút gì đã được nghe giảng.

Mục 4: Thực hành:

Học để Hiểu và Nhớ Giáo lý là cần thiết, nhưng quan trọng hơn, chính là thực hành trong cuộc sống. Mục nầy đề nghị vài việc cụ thể để giúp học viên thực hành điều đã học, cũng giúp GLV đánh giá mức độ tăng trưởng đức tin của học viên.

Mục 5: Cầu nguyện:

“Giáo lý dẫn đến gặp gỡ và hiệp thông thân mật với Chúa Kitô”. Mục này gợi lên vài tâm tình nhằm giúp học viên hướng ý cầu nguyện, cảm tạ và xin ơn Chúa.

II. GỢI Ý SƯ PHẠM

  1. CHUẨN BỊ

Dù mỗi bài đã có phần giải thích sẳn, nhưng GLV cần phải dọn bài trước, đọc kỹ, thuộc bài và nhất là có thể làm một dàn bài riêng cho mình, thêm vài ví dụ, chọn vài câu chuyện để minh hoạ.

Khi giảng bài, GLV cần chú ý đến từ ngữ và cách diễn đạt cho đơn sơ, dễ hiểu, vừa tầm tuổi tác và trình độ văn hoá của học viên.

  1. TIẾN TRÌNH GIẢNG DẠY
  2. Vào lớp giáo lý

GLV chào hỏi, mời mọi người đứng lên và hướng dẫn học viên cầu nguyện đầu giờ. Mỗi giờ giáo lý là giờ gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, nên GLV cần dạy về Cầu nguyện ngay những giờ đầu tiên. Lời nguyện cần đơn sơ, chân thành, được soạn sẳn cho phù hợp với đề tài. Nếu đọc kinh, cần giải nghĩa kinh trước và đọc chậm, với ý thức cao, để tránh lệ thói, đọc vô hồn.

  1. Kế đến

GLV dành ít phút ôn lại bài củ và công bố đề tài của bài mới. Cần giới thiệu bài mới, nêu vài nét ý nghĩa và tầm quan trọng của bài, vị trí của bài học trong toàn bộ Giáo lý.

  1. Mục Ghi nhớ

Nếu học viên đông, có thể chia 2 bên Hỏi-Thưa, đọc 2 hoặc 3 lần cho thuộc tạm, nhớ được ý chính của bài học, nhờ đó học viên sẽ dễ tiếp thu bài hơn.

  1. Mục Thánh Kinh:

Có thể đứng lên, đọc cách long trọng, do một người hay nhiều người tuỳ ý. Có thể đọc 2 lần.

  1. Mục Giải thích:

Cho học viên ngồi, GLV tuỳ ý mà giảng dạy. Cần diễn đạt hấp dẫn, vui tươi, sống động; giọng điệu cần sắc bén, thuyết phục. Giải thích xong, có thể đặt vài câu hỏi gợi ý suy nghĩ, kiểm tra mức tiếp thu của học viên. GLV cần nhẩn nại giải thích, minh hoạ cho dễ hiểu.

Ở mục này, nếu dạy cho các em nhỏ, GLV có thể tập bài hát có nội dung phù hợp đề tài, hoặc trò chơi, băng reo, kể chuyện …

Trước khi sang mục Thực hành, GLV cho ôn lại vài lần câu giáo lý Hỏi-Thưa để giúp nhớ đề tài.

  1. Mục thực hành

Tuy có đề nghị vài việc cụ thể, nhưng GLV tuỳ hoàn cảnh uyển chuyển, có thể đề nghị việc khác.

  1. Cầu nguyện kết thúc.

GLV mời mọi người đứng lên, rồi cùng nhau đọc lời nguyện đã dọn sẳn, hoặc GLV soạn lời nguyện khác, mọi người kết thúc bằng AMEN.

  1. SAU GIỜ DẠY

Nên lưu ý 3 mục tiêu của việc Dạy Giáo lý Dự tòng là:

Dạy chân lý đức tin (Tín lý)

Trình bày Giới luật (Luân lý)

Tập sống đời Kitô hữu (Bí tích, Cầu nguyện)

Vì thế, GLV cần giúp cho học viên hiểu và nhớ bài học, nhưng quan trọng hơn, đó là mời gọi học viên Hoán cải và Tập sống đời Kitô hữu. Nhờ gương sáng đời sống của GLV và cộng đoàn tín hữu, người Dự tòng thực hành quen dần nếp sống Kitô giáo. GLV cũng cần khích lệ, hướng dẫn người Dự tòng tham dự các cuộc cử hành Phụng vụ, để họ hiểu và cảm nghiệm được điều họ đã học hỏi và cũng được hưởng nhờ những ân phúc do các cuộc cử hành mang lại. GLV đừng quên mời gọi người Dự tòng tập làm gương sáng và làm Tông đồ, vì đây cũng là điều quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Chúc Bạn thành công trong Sứ mạng Rao giảng Tin mừng.

Ban Giáo Lý Giáo Phận

HỌC ĐẠO

  1. Học Đạo để TRỞ THÀNH NGƯỜI KITÔ HỮU.

Không chỉ là gia nhập một đoàn thể, không chỉ là chấp nhận một số lý thuyết hay một số lề luật. Nhưng trước hết là để gặp Chúa, để Tin Chúa và khám phá tình yêu vô tận của Chúa trong cuộc sống của bạn.

  1. Đạo không chỉ là một lý thuyết.

Nhưng là một lối sống. Học Đạo không chỉ là để hiểu biết, nhưng còn là để thay đổi lối sống, hoán cải bản thân, sống cuộc đời mới theo tinh thần của Chúa Giêsu.

  1. Theo Đạo

Thiên Chúa không hứa ban cho bạn một cuộc đời dễ dãi, những lợi lộc vật chất hay tinh thần. Theo Chúa thường tràn ngập chông gai, cần phấn đấu vượt qua. Cuộc đời của những người theo Chúa thường gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc, vì biết mình được Chúa yêu thương, dẫn dắt và nâng đỡ.

  1. Thiên Chúa yêu thương bạn.

Ngài hiện diện trong đời bạn từ lâu, Ngài luôn tìm kiếm bạn, nhưng hôm nay bạn mới nhận ra. Hãy đón nhận Ngài với lòng tri ân, cảm tạ. Cùng với Ngài, bạn hãy học Đạo và bắt đầu một đời sống mới trong tình yêu Chúa.

  1. Bạn hãy cầu nguyện ngay hôm nay.

Dù bạn chưa biết nhiều về Chúa, nhưng bạn có thể làm quen và nói chuyện với Ngài. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa trong tâm hồn, là tâm sự với Chúa, là nói với Chúa và nghe Chúa nói trong bạn. Cầu nguyện để có niềm tin. Nhờ cầu nguyện, bạn sẽ hiểu sâu hơn và Chúa sẽ từng bước biến đổi đời bạn.

BẠN HIỂU GÌ VỀ ĐẠO? TẠI SAO BẠN THEO ĐẠO?

“Đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay, ở lành”. Nhiều người hiểu Đạo chỉ dạy cách ăn ngay ở lành là đủ ! Hiểu như thế rất thiếu sót! Chủ đích của Tôn giáo là đưa tới chân lý cuộc đời, là tìm về cội nguồn Tình yêu và Hạnh phúc. Người ta có thể ăn ngay ở lành mà chưa tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Đối với con người có suy nghĩ, sống không quan trọng cho bằng ý nghĩa của cuộc sống : Tại sao ta sống ? Sống để làm gì ? Cuộc sống rồi sẽ đi về đâu? Một Tôn giáo đúng nghĩa sẽ mang đến cho con người một niềm tin, một chân lý cho cuộc sống, để sống có ý nghĩa và đạt hạnh phúc thật.

Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Ông Bà … là do con người sáng lập, do lòng hiếu thảo hình thành. Đức Phật, Đức Khổng là những con người, có thể ví như là bậc thánh hiền, những vị sứ giả mà Chúa sai đến để dạy dỗ loài người làm lành lánh dữ. Đạo Ông Bà là Đạo hiếu, dạy ta cần phải thảo hiếu, biết ơn ông bà tổ tiên, những người có công sinh thành, dưỡng dục. Đạo Tin Lành cũng dạy tin thờ Chúa, nhưng chỉ là nhánh tách ra từ gốc là Kitô giáo (thế kỷ 16). Đạo Hồi…

Đạo Thiên Chúa : nghĩa là Đạo từ trời xuống. Đạo này không do con người sáng lập, mà là do Thiên Chúa truyền dạy. Đạo tôn thờ Thiên Chúa và dẫn tới gặp Chúa là hạnh phúc thật. Thuở xưa, Chúa chọn một Dân riêng là Dân Israel để tỏ cho con người biết Chúa. Đến thời Tân ước, cách đây hơn 2000 năm, Chúa sai Con Một Chúa là ĐỨC GIÊSU KITÔ xuống thế làm người để giảng Đạo và Đạo ấy lưu truyền cho đến ngày nay, tên gọi là Kitô giáo hay là Đạo Công giáo.

Đạo Công giáo dạy: Cuộc sống của ta là do Chúa yêu thương ban tặng. Ta sống để nhận biết, tin thờ Thiên Chúa là Cha chúng ta, và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được về hưởng hạnh phúc với Chúa. Luật của Đạo Chúa là Mến Chúa Yêu người và Yêu Thương là giữ trọn Luật Đạo.

Theo Đạo chính là theo Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu độ duy nhất, Đấng đã phán: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Hãy bước đi Con đường của Ngài,

Hãy tìm đến Sự Thật của Ngài,

Hãy đón nhận Sự Sống của Ngài.

Ước mong mỗi ngày Bạn hiểu được ĐẠO, khám phá ra Tình yêu Chúa trong đời Bạn, Bạn TRỞ THÀNH KITÔ HỮU tốt, thành Chứng nhân Tình yêu, nhờ đó, Bạn được sự bình an và hạnh phúc thật nơi Chúa. 

PHẦN MỞ ĐẦU

Bài 1: CON NGƯỜI TÌM KIẾM CHÚA

  1. GHI NHỚ

H. Con người dựa vào đâu để biết Thiên Chúa ?

T. Con người có thể nhận biết Thiên Chúa khi dựa vào trật tự trong vũ trụ, vào khát vọng hạnh phúc, vào các tôn giáo, cách riêng vào Đạo Công giáo.

  1. THÁNH KINH. “Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên mặt đất. Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta … ” (CV 17, 26-28).
  1. GIẢI THÍCH.

Con người có thể nhận biết Thiên Chúa :

Dựa vào thiên nhiên: Khi ta nhìn xem vũ trụ, trời đất, muôn vật với trật tự lạ lùng, vẻ đẹp kỳ diệu, khiến ta nhận ra có Đấng Tạo hoá và điều khiển vũ trụ. Cách nhận biết nầy được gọi là luật nhân quả : nghĩa là xem hậu quả thì biết nguyên nhân (xem quả biết cây).

Dựa vào con người: Khi nhìn lại đời người : ta nhận thấy có tiếng lương tâm nhắc bảo ta làm lành lánh dữ. Ta còn nhận thấy có nơi ta có khát vọng muốn sống Hạnh phúc, muốn đạt điều chân thật, tốt đẹp (Chân-Thiện-Mỹ). Khát vọng ấy khiến ta tìm đến Đấng là căn nguyên, là cội nguồn của sự thật, sự tốt. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy mọi khát vọng hạnh phúc cho ta.

Dựa vào Tôn giáo: Qua các hiện tượng tôn giáo, các hình thức thờ tự, cúng vái, khẩn cầu, các tâm tình tôn giáo ăn sâu sâu vào con người, giúp ta nhận ra : ngoài thế giới trần tục, có thế giới thần linh.

Dựa vào Đạo Công giáo: Đạo Công giáo giúp ta nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn và có hiệu quả.

– Chắc chắn: vì đạo Công giáo do chính Chúa lập. Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống trần gian, để giảng dạy, để tỏ cho loài người (một Đạo), con đường để gặp gỡ Chúa (Đạo Mạc khải).

– Hiệu quả: vì Chúa vừa chỉ đường, vừa ban nhiều ơn trợ lực, giúp trí khôn con người nhận biết và kiên trì tìm gặp Chúa.

  1. THỰC HÀNH

Tôi quyết tâm siêng học giáo lý, năng cầu nguyện, để ngày càng nhận biết và yêu mến Chúa nhiều hơn.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, ” con là người ngoại đạo, nhưng vẫn tin Chúa ngự trên cao”. Chính niềm tin đơn sơ ấy thúc đẩy con tìm kiếm Chúa. Xin ban thêm niềm tin và sự hăng say, giúp con kiên trì học giáo lý để biết Chúa và yêu mến Chúa. Amen.

Bài 2 : THIÊN CHÚA NÓI VỚI CON NGƯỜI

GHI NHỚ.

H.Thiên Chúa dùng cách nào để tỏ mình cho con người ?

T. Chúa dùng nhiều cách, qua nhiều giai đoạn để tỏ mình ra cho con người biết Chúa, cách rõ ràng nhất là bằng Thánh Kinh.

2.THÁNH KINH.

“Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng đến thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Chúa Con”. (Dt 1,1)

  1. GIẢI THÍCH.

Chúa muốn tỏ mình: Loài người tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng thực ra chính Chúa tìm gặp con người trước. Chúa gieo vào tâm hồn con người khát vọng tìm Chúa, rồi chính Chúa tỏ mình cho con người, gọi là Mạc Khải, nhờ đó, con người mới có thể biết Chúa. Chúa dùng lời nói, hành động mà tỏ mình qua từng giai đoạn của lịch sử, nhất là qua Thánh Kinh. Chúa tỏ mình qua nhiều giai đoạn : Thuở xưa, qua các Tổ phụ, các Ngôn sứ, sau cùng Chúa tỏ mình cách trọn vẹn qua Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Kinh là gì ?

Là bộ sách chứa đựng Lời của Chúa nói với con người, trải qua các thời đại lịch sử của một dân tộc (Israel), được viết nhiều hình thức khác nhau, do nhiều tác giả nhân loại, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.

Thánh Kinh gồm có 2 bộ:

Bộ Cựu Ước gồm 46 quyển, viết về giao ước Chúa ký kết với Dân tộc Israel .

Bộ Tân Ước, gồm 27 quyển, viết về giao ước giữa Chúa và loài người, qua Chúa Giêsu. Có 4 sách Phúc Âm là quan trọng nhất, vì ghi lại đời sống và lời giảng dạy của Chúa Giêsu.

Nội dung Thánh Kinh: là chương trình và hành động cứu độ của Thiên Chúa thực hiện trong suốt lịch sử loài người, từ tạo thiên lập địa, cho đến ngày tận thế.

Đọc Thánh Kinh: Mỗi lần đọc Thánh Kinh là ta được gặp gỡ chính Chúa. Ta cần siêng đọc Thánh Kinh trong đức tin, với tâm tình cầu nguyện khiêm tốn, đơn sơ và đọc theo sự hướng dẫn của Hội Thánh.

Thánh Truyền: Những điều được ghi chép bằng văn tự gọi là Thánh Kinh, còn thêm những điều không ghi chép, tất cả được gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền trong Đạo Công giáo, gọi là Thánh Truyền.

  1. THỰC HÀNH.

Biết Chúa luôn tìm kiếm gặp gỡ, tôi quyết tâm tìm gặp Chúa trong cầu nguyện và nhất là tìm đọc Thánh Kinh để thêm biết Chúa.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy chúa, con biết Chúa luôn tìm kiếm và gặp gỡ con, và hôm nay con biết Thánh Kinh là bộ sách ghi lại Lời Chúa. Xin cho con biết qúi mến và siêng đọc Thánh Kinh, để thêm hiểu biết thánh ý Chúa. Amen.

Bài 3: CON NGƯỜI ĐÁP TRẢ BẰNG ĐỨC TIN

1.GHI NHỚ.

H.Đức tin là gì ?

T. Đức tin là hồng ân Chúa ban và là hành vi tự do của con người, để con người đáp lại lời mời gọi của Chúa và chấp nhận mọi Lời Chúa dạy.

2.THÁNH KINH

Đám đông dân chúng hỏi Chúa Giêsu : “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện việc Thiên Chúa muốn ?”Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn các ông làm là: tin vào Đấng Người đã sai đến”. (Ga 6,28-29)

3. GIẢI THÍCH.

  1. Tin: là chấp nhận là thật lời người khác nói về một điều mà ta chưa thấy, chưa biết. Mức độ tin còn tuỳ thuộc vào uy tín của người nói (người lớn hay trẻ con, đáng tin hay hèn hạ…).

Trong đời sống hàng ngày, niềm tin là điều cần thiết cho cuộc sống, nếu thiếu niềm tin, thì cuộc sống sẽ nặng nề vì ngờ vực, nghi kỵ. Từ thực tế đó, niềm tin vào Thiên Chúa trở nên gần gũi, nhưng cao siêu hơn, vì tin vào Thiên Chúa quyền năng, tin là gắn bó tuyệt đối vào Chúa, chấp nhận mọi lời Chúa dạy.

Đức Tin: là nhân đức siêu nhiên (đối thần) do Chúa ban, giúp ta vững lòng chấp nhận những Lời Chúa dạy, nhờ Hội Thánh truyền lại cho ta. Đức tin là còn sự gắn bó toàn diện con người với Thiên Chúa, đức tin dẫn đến hành động vì ”đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Đặc tính đức tin: Trước tiên, đức tin là Hồng Ân Chúa ban, nghĩa là Chúa thúc đẩy ta qui hướng về Chúa, Chúa mở lòng mở trí để ta suy nghĩ và đón nhận Chúa và tất cả giáo lý Chúa dạy. Đồng thời, đức tin cũng là Hành vi tự do của con người, có suy nghĩ và chấp nhận : “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin nhiều hơn”. Cuối cùng, đức tin cũng là một Ơn ban trong Hội Thánh, chính Hội Thánh là Mẹ trao ban và dạy dỗ ta đức tin. Khi lãnh phép Rửa tội, ta được hỏi : Con xin gì cùng Hội Thánh ? Và ta trả lời : Thưa con xin đức tin… Đức tin mang lại cho con sự sống đời đời.

Đức tin cần thiết để được cứu độ: Chúa Giêsu dạy : “Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,16) vì “không có đức tin, thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11,6). “Đức tin của con đã cứu chữa con”.

Những điều phải TIN trong Đạo: tóm trong Kinh Tin Kính, gồm 3 điều: 1. Tin Chúa Cha Tạo dựng trời đất,

  1. Tin Chúa Con cứu chuộc loài người
  2. Tin Chúa Thánh Thần, tin đạo Công giáo.

Sống đức tin: Tuy đức tin do Chúa ban, nhưng cũng có thể bị mất, nếu ta không học hỏi, bồi dưỡng, hay nói đúng hơn là sống đức tin. Sống đức tin là sống đời cầu nguyện, siêng lãnh bí tích, tuân giữ giới răn, sống đời Chứng nhân gương mẫu.

  1. THỰC HÀNH

Quyết tâm học hỏi giáo lý, siêng đọc Thánh kinh, để biết Chúa và tin Chúa nhiều hơn.

  1. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin ban đức tin cho chúng con, để chúng con vững lòng chấp nhận mọi điều điều Chúa dạy, nhờ Hội thánh truyền lại cho chúng con. Amen.

PHẦN I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN  HỌC KINH TIN KÍNH

Bài 4: MỘT CHÚA BA NGÔI

  1. GHI NHỚ

H.Có mấy Đức Chúa Trời ?

T. Có một Đức Chúa Trời mà Người có Ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Đức Chúa Cha, Ngôi thứ hai là Đức Chúa Con, ngôi thứ ba là Đức Chúa Thánh Thần. Ba ngôi bằng nhau.

2.THÁNH KINH

Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới lên, thì kìa tầng trời mở ra. Ngài thấy Thánh Thần Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Ngài. Và có tiếng từ trời phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài” (Mt 3,16-17).

  1. GIẢI THÍCH

Mỗi nước chỉ có một người làm đầu gọi là Tổng thống, chủ tịch, hay Quốc trưởng. Cũng vậy, trời đất muôn vật cũng chỉ có Một Thiên Chúa Tạo Hoá làm chủ mà thôi.

Thiên Chúa là Đấng nào ? Thiên Chúa là Đấng tự hữu, thiêng liêng, hằng có đời đời, quyền phép, thánh thiện, tốt lành, nhân từ, công bằng và chân thật vô cùng.

Một Chúa Ba Ngôi : Thiên Chúa đúng là chỉ có 1, nhưng lại có 3 Ngôi Vị khác biệt nhau là: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.

Thông thường ở trần gian, thì Cha phải sinh ra truớc con, lớn hơn con, nhưng đối với Thiên Chúa thì Ngôi Cha, Ngôi Con, Ngôi Thánh Thần đều có từ thuở muôn đời, đều có quyền phép và cao trọng như nhau. Đó là một mầu nhiệm.

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là điều vượt quá trí khôn loài người, cho nên ta không thể hiểu thấu được, chỉ cần đón nhận bằng lòng tin. Mầu nhiệm nầy được diển tả qua biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở sông Gio-đan, nhất là do chính Chúa Giêsu đã dạy, khi Ngài sai các Tông đồ ra đi rao giảng, làm phép Rửa: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Ba Ngôi yêu thương chúng ta, qua công việc:

Chúa Cha tạo dựng muôn loài,

Chúa Con Cứu chuộc loài người,

Chúa Thánh Thần thánh hoá loài người.

  1. THỰC HÀNH

Nghiêm trang, chăm chỉ là Dấu Thánh Giá, để tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

  1. CẦU NGUYỆN

Kinh Sáng Danh: “Sáng Danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh THần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.”

Bài 5: THIÊN CHÚA SÁNG TẠO

  1. GHI NHỚ

H.Trời đất muôn vật bởi đâu mà có ?

T. Trời đất muôn vật do Thiên Chúa tạo thành mà có. Trong muôn loài Chúa dựng nên, có hai loài quan trọng : đó là Thiên thần và Loài người. Vì thế, Thiên Chúa là Chủ muôn loài và là Cha của loài người chúng ta.

2.THÁNH KINH

“Từ đầu hết, Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất…Ngài phán : “Vòm trời hãy có trăng sao … Mặt đất hãy có thảo mộc xanh tươi, rau cỏ nảy hạt giống theo loại, cây sinh trái trong có hạt giống theo loại …Đất hãy sản xuất ra sinh vật theo : súc vật, côn trùng, mãnh thú … Và Thiên Chúa đã dựng nên con người giống như mình …” (St 1,1 – 27).

  1. GIẢI THÍCH.

Xem quả thì biết có cây. Có cái nhà là kết quả lao động của bao nhiêu tay thợ và công nhân. Ruộng lúa chín vàng là công của kẻ cấy người gieo. Chén cơm ta ăn phải có người thổi nấu v..v..

Chúa tạo dựng vũ trụ: Vậy trong vũ trụ bao la, trên trời thì trăng sao lấp lánh, dưới đất thì cỏ cây xanh tươi, muôn chim cầm thú đủ mọi giống loài, nhất là con người ta, tất yếu phải được Tạo Hóa sinh thành, chứ không thể tự nhiên mà có được. Kinh thánh diễn tả Chúa dựng nên muôn loài trong vũ trụ trong 6 ngày, ngày thứ 7, Chúa nghỉ ngơi. (Kể chuyện Tạo dựng (ST 1;2).

Trong các loài Chúa dựng nên có 2 loài quan trọng là Thiên thần và Loài người. Thiên thần là loài thiêng liêng, không có hình hài thể xác. Chúa dựng nên để hưởng phúc và phục vụ bên Chúa. Một số trong các thiên thần đã phản nghịch Chúa, bị trừng phạt, gọi là Tà thần hay ma qủi.

Thiên Chúa là Chủ, là Cha: Chúa đã tạo dựng nên trời đất thì đương nhiên Ngài là Chúa Tể của trời đất, cũng như người bỏ tiền ra xây nhà thì là chủ ngôi nhà. Chúa đã sinh dựng nên loài người thì Ngài là Cha của con người, có khác chi cha mẹ trần gian sinh ra con cái thì là cha mẹ của con cái. Như thế nói rằng Tạo Hoá là Tổ Phụ của loài người rất đúng. Do đó, loài người cần phải nhận biết, thờ phượng, kính mến Chúa, để trọn bề thảo hiếu của kẻ làm con.

Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục việc sáng tạo bằng việc chăm sóc và hướng dẫn mọi loài thụ tạo, để vũ trụ luôn phát triển theo các qui luật Ngài đã an bài. Đó là sự Chúa quan phòng.

  1. THỰC HÀNH.

Hết lòng thảo hiếu với Thiên Chúa là Cha, luôn tin tưởng, thờ phượng và yêu mến Ngài.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Thiên Chúa là Cha của con, đã bao năm nay con không được ai chỉ cho biết Chúa là Cha sinh thành dưỡng dục con. Kể từ hôm nay, sau khi đã được biết Chúa, con nguyện một lòng tin theo và thờ phượng Chúa suốt đời, để xứng đáng là con thảo của Chúa. Amen.

Bài 6: LOÀI NGƯỜI VÀ TỘI TỔ TÔNG

  1. GHI NHỚ

H.Loài người là loài nào ?

T. Loài người là loài có thể xác và có linh hồn, được Thiên Chúa tạo thành giống hình ảnh Ngài.

  1. Tội Tổ tông là tội gì ?
  2. Là tội do tổ tông loài người là Ông Ađam và bà Evà đã xúc phạm đến Chúa, vì kiêu căng không tuân lệnh Chúa.

2.THÁNH KINH

“Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19 ).

  1. GIẢI THÍCH

Theo Thánh Kinh, chính Thiên Chúa đã tạo nên con người. Con người ta được tạo nên khác hẳn mọi loài mọi vật, vì Thiên Chúa đã ban cho nó có một linh hồn thiêng liêng bất tử. Bởi vậy, con người là “linh ư vạn vật” và giống Tạo Hóa ở phần linh thiêng đó. Chính vì loài người có hồn thiêng bất tử, giống hình ảnh Thiên Chúa, nên rất đáng kính đáng trọng, nhất là sau này khi mãn phần, sẽ được hưởng phúc vinh quang với Chúa, Đấng Tạo Hóa của mình (lá rụng về cội).

Nhưng, đáng tiếc thay, thói thường “sướng quá hóa hư”, con người được Thiên Chúa yêu thương, đã chẳng thảo hiếu, lại nghe lời ma quỉ xúi bậy, manh tâm phản bội Đấng sinh thành dưỡng dục mình. Đó là tội Tội Tổ Tông , tức là tội do Tổ tông loài người đã phạm, vì bất tuân lệnh Chúa.(Kể chuyện Ađam – Eva ăn trái cấm)

Hậu quả : Vì tội Tổ tông, con người phải mang án tội : đánh mất hạnh phúc Chúa ban, phải đau khổ và phải chết! Chúng ta vì sinh ra bởi dòng dõi Ađam-Evà, nên đã bị mắc tội do Tổ tông truyền, bị tước mất chức vị làm con Chúa.

Chúa hứa cứu chuộc : Tuy nhiên, dù phạt đấy song vẫn thương đấy, Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu vớt loài người. Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu thế: ”Bởi người Nữ, sẽ có Đấng sinh ra, đạp nát đầu con rắn”. Người nữ đó chính là Mẹ Maria và con Mẹ là Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế.

  1. THỰC HÀNH

Ma quỉ hằng xúi giục ta làm điều tội lỗi, nhưng có Chúa phù trì, ta quyết tâm chống cự lại.

  1. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, vì tội Tổ Tông nên lòng trí chúng con luôn hướng về điều ác hơn điều lành. Xin Chúa giúp sức để chúng con luôn chiến thắng ma quỉ và mãi mãi trung thành với Chúa. Amen.

Bài 7: NGÔI HAI LÀM NGƯỜI

  1. GHI NHỚ

H. Ngôi Hai Thiên Chúa làm người thế nào ?

T. Do quyền năng Chúa Thánh Thần, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, được sinh ra làm người như ta, tên là GIÊSU.

2.THÁNH KINH

“Thiên Chúa sai Sứ Thần Gabriel đến gặp Trinh nữ Maria và nói : “Thưa Bà Maria, Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu” . . . Bà Maria thưa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Sứ Thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng Tốí Cao sẽ rợp bóng trên Bà … Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Bấy giờ Bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói” (Lc 1,26 – 38).

  1. GIẢI THÍCH

Thiên thần Truyền Tin: Khi tới thời đã định, Thiên Chúa sai một Sứ Thần tên là Gabriel đến gặp Trinh nữ Maria, đề nghị cô làm mẹ Đấng Cứu Thế. Nghĩ rằng nếu làm mẹ thì sẽ mất sự trinh khiết, nên Trinh nữ đã không nhận lời. Sứ Thần giải thích rằng sự thụ thai này không phải là kết quả của việc vợ chồng mà là do quyền năng của Chúa Thánh Thần, cho nên dù thụ thai và sinh con, bà vẫn giữ được sự trinh khiết.

Sau khi hiểu rõ như thế, Trinh nữ Maria liền ưng thuận và nói : “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói”. Thế là Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên Trinh nữ và quyền năng Đấng Tối Cao đã khiến Trinh nữ Maria thụ thai.

Và Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria, được sinh ra làm người mang tên là Giêsu (nghĩa là Chúa Cứu thế), tại làng Bêlem, thuộc nước Do thái.

Chúa Giêsu sống ở trần gian 33 năm. Ngài đã sống 30 năm ẩn dật tại làng Nadarét. Trong 3 năm cuối, Ngài sống công khai, ra đi giảng đạo, lập nhóm 12 tông đồ. Ngài đã sống gương mẫu, thánh thiện và làm nhiều phép lạ để minh chứng lời giảng dạy.

Chúa Giêsu giảng dạy : Ngài dạy cho ta biết Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em. Ngài kêu gọi ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Ngài dạy ta sống bác ái, yêu thương và tha thứ. Ngài hứa ban sự sống đời đời cho kẻ tin vào Ngài.

  1. THỰC HÀNH.

Học thuộc Kinh Kính Mừng.

  1. CẦU NGUYỆN. Sốt sắng đọc Kinh Kính Mừng.

Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ.

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.

Bài 8: CHÚA GIÊSU CỨU CHUỘC

  1. GHI NHỚ.

H. Chúa Giêsu đã làm gì để cứu chuộc ta ?

T. Chúa Giêsu đã Nhập thể làm người, đã sống ẩn dật 30 năm tại làng Nadarét, và 3 năm cuối cùng, Ngài đã ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, Ngài đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết trên Thánh giá và sống lại để cứu chuộc ta.

2.THÁNH KINH

Khi đến nơi gọi là “Núi Sọ”, họ đóng đinh Ngài vào thập giá cùng lúc với hai tên gian phi “Bấy giờ Chúa Giêsu cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm ….” Và Đức Giêsu kêu lớn tiếng : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha…”. Nói xong, Ngài tắt thở” (Lc 23, 34.46).

  1. GIẢI THÍCH

Việc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết trên thập giá để cứu chuộc loài người là kế hoạch của Chúa Cha đã hoạch định từ muôn thuở. Chính Chúa Giêsu đã loan báo kế hoạch ấy 3 lần trước khi sự việc xảy ra. (Mt 16,21 ; Mt 17,20-30 ; Mt, 20,18-19).

Dưới đây là diễn tiến cuộc tử nạn của Chúa :

Trong khi rao giảng, Chúa đã nói thẳng, nói thật, nhất là khi nói tới những người có chức có quyền như các Thày Thượng Tế, các ông Biệt phái hay Ký lục … Chúa đã phê phán những hành vi xấu xa đê tiện của họ như: lợi dụng Đền thờ để buôn bán, giả hình nhân đức, bóc lột người nghèo, kiêu căng tự đắc v.v. Thói thường lời thật mất lòng ! Hơn nữa dân chúng lại bỏ họ mà theo Chúa Giêsu, vì được Ngài yêu thương, bênh vực và thi ân giáng phúc. Vì danh dự bị giảm sút và quyền lợi bị sứt mẻ, các Thượng tế, Biệt phái và Ký lục ganh ghét và tìm cách trừ Chúa.

Tối thứ năm, sau Bửa Tiệc Ly, Giu-đa, một người trong nhóm 12, đã phản bội bán Chúa 30 đồng, ông dẫn thủ hạ của các Thượng tế đến Vườn Cây Dầu, nơi Chúa đang cầu nguyện để bắt giữ Ngài.

Chúa Giêsu bị bắt, bị đem về dinh Thượng tế Cai-pha, nơi Hội Đồng Do Thái đang chờ đợi. Họ cáo gian cho Chúa nhiều điều phi nhân, vô nghĩa và ra lệnh cho thủ hạ đánh đập, hành hạ Chúa. Cuối cùng đồng thanh lên án tử hình cho Chúa.

Vì giáo quyền Do thái không có quyền xử tử ai, nên tảng sáng ngày thứ Sáu, các đầu mục Do thái dẫn Chúa đến dinh Phi-la-tô, một quan chức của đế quốc Rôma, yêu cầu ông ra lệnh giết Ngài về tội chính trị. Phi-la-tô xác nhận Chúa Giêsu vô tội và định tâm tha Ngài. Nhưng dưới áp lực của người Do thái, ông đành nhượng bộ để cho họ đem Chúa đi đóng đinh.

Binh lính điệu Chúa lên Đồi Sọ (Can-vê) ở ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Tới nơi họ lột áo, đóng đinh chân tay Chúa vào thập giá, đào lỗ dựng thập giá lên. Hai bên Chúa có hai tử tội cùng bị đóng đinh như Ngài.

Cuối cùng, Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha tội cho họ và gục đầu tắt thở ! Lúc đó vào khoảng 3 giờ chiều, ngày thứ Sáu, áp lễ Vượt Qua.

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu là một hiến tế rất đẹp lòng Chúa Cha và có giá trị cứu độ loài người, như lời thánh Phaolô nói : “Ngài …lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm … và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9,10).

  1. THỰC HÀNH

Các ngày thứ Sáu, hãy đặc biệt kính nhớ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Luật Hội Thánh kiêng thịt ngày thứ 6.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương con, Chúa đã chịu đau khổ, chịu chết trên Thánh giá để cứu chuộc con. Xin Chúa thương xót con là kẻ tội lỗi. Amen.

Bài 9: CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

  1. GHI NHỚ.

H. Chúa Giêsu có chết mãi không ?

T. Không, vì sau khi chết chưa đủ ba ngày thì Chúa Giêsu đã tự mình sống lại, đúng như lời Ngài đã báo trước.

2.THÁNH KINH.

Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ : “Phần các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su. Ngài không có ở đây, vì Ngài đã sống lại như Ngài đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Ngài đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Ngài như thế này: “Ngài đã sống lại từ cõi chết …” (Mt, 28, 1-7).

  1. GIẢI THÍCH

Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ba lần nói trước rằng: Ngài sẽ bị bắt, bị đánh đòn và bị giết chết, ngày thứ 3 Chúa sẽ sống lại. (x. Mt 16,21 ; Mt 17,22-23 ; Mt 20, 18-19). Thánh Mat-thêu ghi lại:

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần (Chúa nhật), các bà đạo đức ra mộ với ý định xức thêm thuốc thơm cho xác Chúa Giêsu. Vừa tới nơi, các bà hoảng hốt vì đất động dữ dội và thiên thần từ trời xuống lăn tảng đá lấp cửa mồ ra. Thiên thần bảo các bà rằng Chúa Giêsu đã sống lại rồi và bảo các bà đi báo cho các Tông đồ biết tin vui ấy.

Sống lại rồi, Chúa Giêsu còn lưu lại trần gian suốt 40 đêm ngày. Trong thời gian đó, Ngài hiện ra với các Tông đồ nhiều lần để củng cố đức tin các ông, đồng thời truyền cho các ông ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Những ngày đầu, các Tông đồ còn bán tín bán nghi. Nhưng dần dần, qua nhiều lần Chúa hiện ra dạy bảo, các ông trở thành những người tin mạnh mẽ vào việc Chúa sống lại. Các ông đã bỏ tất cả, giã từ gia đình, say mê rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh, đến nỗi dám liều chết để làm chứng việc Chúa Phục sinh.

Ý nghĩa việc Chúa Sống lại : Chúa Sống lại để chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa thật và những lời Ngài giảng dạy là thật. Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, và Ngài ban sự sống lại cho những ai tin Ngài.

  1. THỰC HÀNH

Sống nhân ái, thuận hòa với mọi người chung quanh để làm chứng về Chúa Giêsu Phục sinh.

  1. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa củng cố đức tin yếu hèn của con, để con tin thật Chúa đã sống lại, đồng thời giúp con cố gắng sống tốt, hầu làm chứng cho Chúa và sau này được Chúa cho sống lại vinh quang. Amen.

Bài 10: CHÚA THÁNH THẦN

  1. GHI NHỚ

H. Chúa Thánh Thần là Đấng nào ?

T. Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cùng một bản tính và một quyền năng như 2 ngôi cực trọng ấy.

Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, để khai sinh Hội Thánh.

  1. THÁNH KINH

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh lùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. (Cv 2,1-4).

  1. GIẢI THÍCH

Chúa Thánh Thần hiện xuống: Trước khi về trời, Chúa Giêsu hứa sẽ xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến với các Tông đồ. Quả nhiên chỉ sau 10 ngày về trời, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông trong khi họ đang cầu nguyện với Mẹ Maria.

Sự việc xảy ra như sau :

– Sau khi tiễn Chúa về trời, các Tông đồ, Đức Maria và một số người khác trở về Giê-ru-sa-lem ngụ tại một ngôi nhà, ở đó các ngài ăn chay cầu nguyện. – Đến ngày lễ Ngũ Tuần, tức 10 ngày sau khi Chúa lên trời, vào buổi sáng, mọi người bỗng nghe tiếng gió thổi mạnh như cuồng phong vang dội vào nhà. – Kế đó, ai nấy đều thấy trên đầu nhau hình lưỡi lửa phừng phừng cháy. Đó là dấu chỉ của Thánh Thần.

– Kết quả là mọi người đầy Thánh Thần và bắt đầu nói tiếng khác lạ, tùy theo Thánh Thần ban cho họ phát ngôn.

Hiệu quả nơi các Tông đồ: Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các Tông đồ được hoàn toàn đổi mới : Trước đây, họ là những con người nhát sợ, nay trở nên can đảm phi thường, dám công khai rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu phục sinh và dám chết để làm chứng điều mình rao giảng. Trước đây, họ là những con người ít học, lâu nhớ mau quên, nay trở thành thông minh sáng suốt, ăn nói hùng hồn và lãnh đạo tài giỏi. Ngoài ra các ngài còn được Chúa Thánh Thần ban cho khả năng nói nhiều thứ tiếng và làm nhiều phép lạ để hỗ trợ việc rao giảng của các ngài và củng cố đức tin của các tín hữu.

Thời kỳ của Chúa Thánh Thần bắt đầu ngay sau ngày Chúa Giêsu về trời. Ngài quả thật là Đấng khai sinh Hội Thánh. Thật vậy, nếu không có Ngài hiện xuống thì làm gì có 12 Tông đồ được đổi mới. Mà nếu các Tông đồ không đổi mới thì Hội Thánh làm sao được khai sinh, được phát triển và vững tiến cho đến hôm nay ?

Riêng mỗi người tín hữu, Chúa Thánh Thần hằng ở với họ và tác động trong tâm hồn, để họ luôn kiên vững trong đức tin. Và đức tin ấy được thể hiện bằng lòng mến Chúa yêu người. Nhờ đó, người tín hữu trở nên muối men cho đời, xứng đáng là chiến sĩ Phúc âm của Chúa Kitô.

  1. THỰC HÀNH

Tôn trọng thân xác của ta và của người khác, vì là Đền thờ của Chúa Thánh Thần.

  1. CẦU NGUYỆN.

Sốt sắng đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần.

Bài 11: HỘI THÁNH CHÚA KITÔ

  1. GHI NHỚ.

H. Chúa Giêsu thành lập Hội Thánh thế nào ?

T. Chúa Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa, qui tụ các kẻ tin theo Người, chọn riêng 12 Tông đồ, đặt Phêrô thay mặt Người làm đầu Hội Thánh.

Chúa Giêsu lập Hội Thánh nhằm để tiếp tục công cuộc cứu rỗi nơi trần gian.

  1. THÁNH KINH.

“Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy 12 ông và gọi là Tông Đồ” (Lc, 12-13).

  1. GIẢI THÍCH

Chúa Giêsu lập Hội Thánh: Chúa Giêsu biết Ngài sẽ không sống mãi ở trần gian để mà rao giảng Tin Mừng cứu độ. Do đó, Ngài muốn thành lập Hội thánh để tiếp tục công cuộc cứu chuộc ở trần gian. Vì thế, ngay từ khi bắt đầu rao giảng, Ngài đã chọn 12 Tông đồ, như thời Cựu Ước, dân Do-thái dựng nước và giữ nước nhờ con cháu của 12 Tổ phụ thế nào, thì nay một dân tộc mới là Hội thánh cũng được khởi đi từ 12 Tông đồ như vậy. Trước khi tuyển chọn 12 Tông đồ, Chúa Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện. Sau khi chọn rồi, Ngài lại huấn luyện các ông thật kỹ càng.

Ba nhiệm vụ của Hội Thánh: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Tông đồ xây dựng thành công Hội thánh, Chúa Giêsu đã trao cho các ông 3 nhiệm vụ (3 quyền) sau đây :

Quyền giảng dạy : Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã công khai truyền lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo …” (Mc 16,15). Qua quyền giảng dạy được trao ban này, Hội thánh nắm giữ kho tàng Kinh Thánh, giải thích và loan báo Lời Chúa cho mọi người.

Quyền thánh hóa : qua việc cử hành các Bí Tích, đó là phương tiện làm cho người tín hữu được nên thánh. Mỗi khi lập Bí tích nào, Chúa Giêsu cũng ban quyền và truyền cho các Tông đồ làm như thế. Sau khi lập Bí tích Thánh Thể, Ngài nói: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ tới Thày” (Lc,22,19 ). Khi lập Bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu đã truyền : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần…” (Mt 28,19) v..v..

Quyền lãnh đạo : Với Phêrô Chúa nói : “Hãy chăn dắt chiên con của Thày … Hãy chăn dắt chiên mẹ của Thày…” (Ga,21,15 – 17). Với tất cả các Tông đồ khác, Chúa Giêsu cũng ban quyền lãnh đạo khi Ngài nói : “Ai nghe anh em là nghe Thày, và ai khước từ anh em là khước từ Thày…” (Lc,10,16).

Như Chúa Giêsu đã sử dụng quyền hành Chúa Cha ban cho để phục vụ loài người thế nào, thì các Tông đồ (ngày nay là các vị ĐGH,GM,LM) cũng sử dụng quyền hành Chúa Giêsu trao cho để phục vụ mọi người như thế.

  1. THỰC HÀNH.

Cộng tác với các vị lãnh đạo trong Hội thánh, cụ thể là cha sở, để giúp các ngài chu toàn sứ mệnh Chúa trao.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa Giêsu, vì thương yêu, Chúa đã thiết lập Hội thánh để giảng dạy, thánh hoá và hướng dẫn chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết mến yêu và ra sức làm vinh danh Hội thánh.Amen.

Bài 12: TỔ CHỨC HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

  1. GHI NHỚ

H. Hội Thánh Công giáo gồm những ai ?

T. Hội thánh Công giáo gồm các người tín hữu trên thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng và các Giám mục hiệp nhất với ngài. Các tín hữu trong Hội Thánh đều hiệp nhất và thông công cùng nhau. H. Hội thánh Việt Nam là gì ?T. Hội thánh Việt Nam là thành phần của Hội thánh toàn cầu, gồm tất cả những tín hữu người Việt Nam .

  1. THÁNH KINH “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Họ đồng tâm nhất trí, ngày càng chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42.46 – 47).
  2. GIẢI THÍCH.

HỘI THÁNH TOÀN CẦU. Lời trích sách Tông Đồ Công Vụ trên đây cho chúng ta một hình ảnh của Hội thánh đầu tiên : Các tín hữu chuyên chăm nghe các Tông đồ giảng dạy, sốt sắng tham dự thánh lễ và đoàn kết yêu thương nhau. Ngày nay trên thế giới, những ai là tín hữu đúng nghĩa thì cung cách sống đạo cũng giống như thế. Mầu nhiệm Hội thánh được diển tả như là Dân Thiên Chúa, là Thân Thể Chúa Kitô, là Đền thờ Chúa Thánh Thần. Thành phần của Hội thánh: gồm Đức Giáo Hoàng đứng đầu, các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và giáo dân hiệp nhất làm thành Dân Thiên Chúa. Như thế, Hội thánh là một tổ chức hữu hình (gồm những con người), có cơ cấu tổ chức điều hành nhằm phục vụ con người. Nhưng Hội thánh lại có tính cách thiêng liêng (thờ phượng Thiên Chúa và lo việc phần hồn), nhận sức sống và ân sủng của Chúa. Cho nên Hội thánh được gọi là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, mà Chúa Kitô là Đầu, thông ban sức sống và ân sủng cho mọi Chi thể là các tín hữu. Chúa Kitô hứa luôn ở cùng Hội thánh mọi ngày cho đến ngày tận thế. Hội thánh ly khai : Chúa Kitô thiết lập chỉ có một Hội thánh. Nhưng qua thời gian, do sự vụng về của con người mà có những Hội thánh khác : Tin lành, Chính thống, Anh giáo. Hội thánh đích thực của Chúa Kitô cần có đủ 4 đặc tính: – Duy nhất – Thánh thiện – Công giáo – Tông truyền . Hội thánh Công giáo có đủ 4 đặc tính ấy, nên đúng là Hội thánh đích thật của Chúa Kitô. Hội thánh Hiệp nhất và thông công: Các tín hữu trong Hội thánh bao gồm: Các thánh trên trời (GH khải hoàn), các tín hữu còn sống (GH chiến đấu) và các đẳng linh hồn (GH đau khổ). Tất cả đều được hiệp nhất với nhau vì “chỉ một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha”. Tất cả đều được liên kết với nhau trong tình yêu và sức sống của Chúa, nên có thể cầu nguyện và chuyển thông công trạng cho nhau. Đó là tín điều Các Thánh thông công.

HỘI THÁNH VIỆT NAM . Nước Việt Nam chúng ta được phúc đón nhận đức tin công giáo vào giữa thế kỷ XVI (1533). Nhưng mãi năm 1659 Tòa Thánh mới thành lập được 2 giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, đồng thời trao cho các Giám Mục Hội Thừa sai Paris và dòng Đa minh cai quản. Hội thánh Việt Nam bị bách hại suốt 300 năm (1580 – 1885). Khoảng trên 100.000 tín hữu thuộc mọi thành phần từ Giám mục đến giáo dân cả nam lẫn nữ, đã can đảm hy sinh mạng sống để làm chứng đức tin, trong đó có 117 vị đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh vào ngày 19.06.1988. Năm 1960, Phẩm trật Hội thánh Việt nam được thiết lập với 3 Giáo Tỉnh (Hà nội, Huế, Sài gòn). Hiện nay, Hội thánh Việt nam có 25 Giáo phận, với hơn 30 Giám mục, hơn 2.000 linh mục triều dòng, hơn 10.000 tu sĩ nam nữ, có khoảng 6 triệu giáo dân sống rải rác trên mọi nẻo đường đất nước. Hội thánh Việt nam hiệp thông với Hội thánh toàn cầu dưới sự lãnh đạo của vị Mục tử tối cao là Đức Giáo Hoàng.

  1. THỰC. HÀNH Kính trọng và vâng phục các phẩm trật, đồng thời cộng tác với các ngài để xây dựng Nước Chúa.
  2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin ban cho Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục và các Linh mục, được luôn khôn ngoan sáng suốt và đức tin mạnh mẽ, để các ngài hướng dẫn đoàn chiên Chúa đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Amen.

Bài 13: TÔN KÍNH ĐỨC MẸ MARIA 

  1. GHI NHỚ.

H. Tại sao ta sùng kính Đức Maria ?

T. Ta sùng kính Đức Maria vì Ngài là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của ta.

2.THÁNH KINH.

 “Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà …Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1, 28, 31).

  1. GIẢI THÍCH.

– Đức Maria là người được diễm phúc nhất trong hàng phụ nữ. Mẹ là một người như bao người khác, nhưng được Chúa đoái thương tuyển chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu thế. Bởi vì Đấng Cứu thế là Thiên Chúa làm người, nên Đức Maria được suy tôn tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Trên trời, dưới đất, ngoài Thiên Chúa ra, còn có ai hay có gì cao trọng hơn vinh quang Chúa dành cho Đức Mẹ ?

-Nhưng để xứng đáng làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu thế, Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria nhiều đặc ân cao quí. Ngoài đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa như nói ở trên, còn có 3 đặc ân khác như : Vô Nhiễm Nguyên tội, tức là Chúa gìn giữ Đức Mẹ khỏi vướng mắc tội Nguyên tổ. Nhờ đó, Mẹ thoát ách thống trị của Sa-tan, trở nên thánh thiện tuyệt vời và cung lòng Mẹ xứng đáng làm nôi cưu mang Chúa Cứu thế.

– Đồng trinh trọn đời. Thánh Kinh cho chúng ta biết: Đức Mẹ trinh tiết khi sinh Chúa Cứu thế là lẽ dĩ nhiên, vì do quyền năng Thiên Chúa. Nhưng sau đó, Chúa còn ban ơn gìn giữ, để Mẹ sống cuộc đời trinh khiết trọn vẹn. Lên trời cả hồn lẫn xác. Thông thường khi chết thì hồn lìa khỏi xác và xác tan rã trong lòng đất.

– Nhưng Mẹ Maria được hưởng các ơn đặc biệt của Chúa: vô nhiễm nguyên tội, đồng trinh trọn đời, cưu mang và cộng tác với Đấng cứu thế… thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân, Chúa gìn giữ thân xác Mẹ khỏi bị hư nát trong mồ giống như Con mình. Nên sau khi thắng sự chết Mẹ được đưa lên vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, làm Nữ vương, ngự bên hữu Con mình (Pio XII).

– Hội thánh được ví như một Thân thể mầu nhiệm, mà Chúa Giêsu là Đầu. Người mẹ sinh ra người con thì sinh cả đầu lẫn thân thể. Cũng vậy, Mẹ Maria đã sinh ra Chúa Giêsu là Đầu, thì cũng sinh ra Thân thể là Hội Thánh, nên Mẹ cũng được gọi là Mẹ Hội thánh. Mà Hội thánh là các tín hữu, là mỗi người chúng ta. Như vậy, Mẹ Maria đương nhiên là Mẹ của mọi người chúng ta. Trước khi chết, Chúa Giêsu cũng đã trối ông Thánh Gioan làm con Đức Mẹ.

– Không người mẹ nào lại không thương con. Đức Mẹ yêu thương Chúa Giêsu thế nào, thì cũng yêu thương chúng ta như vậy. Lịch sử cho thấy nhiều lần Mẹ đã phù trợ Hội thánh thoát khỏi những bước gian nguy. Có khi Mẹ đích thân hiện ra (Lộ đức, Fatima ) trực tiếp chỉ dạy Hội Thánh phải sống thế nào để cứu mình và cứu loài người thoát khỏi diệt vong.

– Hội thánh sung sướng nhận Đức Maria làm Mẹ và tỏ lòng tôn kính Mẹ cách rất đặc biệt. Mỗi người chúng ta, với tư cách là con, hãy hết lòng yêu mến Mẹ bằng thực hiện 3 mệnh lệnh của Mẹ là:

-Ăn năn sám hối, -Siêng năng lần chuổi, -Tôn sùng trái tim Mẹ. Hãy thi đua bắt chước các gương nhân đức của Mẹ : sống khiêm nhượng, vâng phục, bác ái…

– Được như vậy, chắc chắn Đức Mẹ sẽ cầu xin Chúa ban cho chúng ta không thiếu một ơn gì, nhất là ơn cứu độ lại càng được bảo đảm. Thánh Bê-na-đô quả quyết: “Xưa nay chưa từng có ai chạy đến cùng Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời…”

  1. THỰC HÀNH.

 Siêng năng lần chuỗi, đọc kinh Kính Mừng mỗi ngày để yêu mến Mẹ (Học cách Lần chuổi).

  1. CẦU NGUYỆN.

 Lạy Mẹ Maria, thật sung sướng biết bao, khi biết Mẹ là Mẹ của con. Mẹ hằng yêu thương che chở, phù giúp con trên đường về quê trời. Xin cho con biết đền đáp tình thương của Mẹ bằng siêng năng lần chuổi và bắt chước các nhân đức sáng ngời của Mẹ. Amen.

Bài 14. TỨ CHUNG  

  1. GHI NHỚ.

H. Tứ chung là gì ?

T. Đó là 4 điều sau cùng của đời người: Chết, Phán Xét, Thiên Đàng-Hoả Ngục, Sống Lại.

2.THÁNH KINH.

“Tất cả những ai thấy và Tin vào Người Con, thì được sự sống đời đời và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga. 6,40)

3.GIẢI THÍCH.

  1. CHẾT: Chết là chấm dứt cuộc sống trần gian, là linh hồn lìa khỏi thân xác. Chết là một sự thật không ai chối cãi. Vì linh hồn thiêng liêng nên bất tử, còn xác là vật chất nên bị hư nát.

Theo quan niệm dân gian : Sinh ký, Tử qui, nghĩa là sống gởi, thác về: Chết là trở về trình diện với Cha. Đức tin công giáo dạy : Chết là do hậu quả của tội lỗi, “vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi đã gây nên sự chết” (Rm 5,12). Chết là ngưỡng cửa bước vào đời sau, đặc biệt, chết là tham dự cuộc Tử nạn với Chúa Kitô để chờ ngày sống lại trong vinh quang.

  1. PHÁN XÉT:

 – Ngay sau khi chết, linh hồn mỗi người gặp Chúa phán xét riêng, tuỳ các việc lành-dữ đã làm khi còn sống, để nhận lấy số phận hạnh phúc (nơi Thiên đàng) hoặc đau khổ (nơi Luyện ngục – Hoả ngục).

– Thánh Kinh còn dạy, đến ngày sau hết (ngày Tận thế), thân xác mọi người sẽ sống lại, Chúa Kitô sẽ đến lần thứ 2 trong vinh quang để phán xét chung toàn thể loài người. Phán xét chung sẽ cho ta biết sự công chính của Thiên Chúa toàn thắng tội lỗi và tình yêu của Chúa mạnh hơn sự chết.

  1. THIÊN ĐÀNG – HOẢ NGỤC – LUYỆN NGỤC.

 Thiên đàng : Là trạng thái hưởng hạnh phúc với Chúa. Linh hồn những người chết trong ơn nghĩa Chúa và đã được thanh tẩy vẹn toàn, thì sẽ sống hạnh phúc với Chúa trong Nước Trời, còn gọi là Thiên đàng.

 Luyện ngục : là tình trạng thanh luyện những người chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa sạch mọi tỳ vết tội lỗi, hoặc chưa đền tội đủ, nên chờ thanh luyện cho xứng, chờ được vào thiên đàng.

 Hoả ngục : là tình trạng bị giam cầm đau khổ vì khước từ hạnh phúc với Chúa, mà án phạt nặng nhất là xa cách Chúa đời đời. Đó là những người chết trong tình trạng tội trọng, không ăn năn hối cải, cố chấp.

  1. Sự SỐNG LẠI.

  Kinh tin kính kết thúc : tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy “Đó là nói đến ngày Tận thế, tất cả mọi người chết sẽ sống lại, dù “người lành cũng như người dữ”. Tuy nhiên, khi xác sống lại, không phải số phận mỗi người giống nhau, vì:”ai làm điều lành sẽ sống lại để được sống hạnh phúc, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án” (Gn 5,29). Sống lại như thế nào? Mỗi người sẽ sống lại với thân xác của mình, nhưng được biến đổi thành “xác có thần khí” không hư nát” (I Cor 15,44), còn việc sống lại bằng cách nào thì vượt quá trí hiểu của ta.

4.THỰC HÀNH  : Can đảm nhìn sự chết, để quyết tâm sống thánh.

  1. CẦU NGUYỆN : Lạy Chúa, Chúa đã chết và đã sống lại để cứu chuộc con. Xin cho con biết sống cuộc sống hiện tại tốt đẹp, biết chuẩn bị cho giờ chết, để sau cái chết, con sẽ được sống lại bên Chúa. Amen.