Giáo Lý Dự Tòng – Gp Vĩnh Long- Phần II: Bí Tích

print

WCT: Năm nay GPCT thường huấn LM theo chủ đề Huấn Giáo. Vì thế chúng tôi xin giới thiệu cuốn Giáo Lý Dự tòng của GPVL để Các Đấng tham khảo.

 

Giáo Lý Dự Tòng – Gp Vĩnh Long- Phần II: Bí Tích

Nguồn: giaophanvinhlong.net

 PHẦN II: PHỤNG VỤ BÍ TÍCH

 

Bài 15. HIỂU VÀ SỐNG PHỤNG VỤ.

Bài 16: ƠN CHÚA VÀ BÍ TÍCH.

Bài 17: BÍ TÍCH RỬA TỘI

Bài 18: BÍ TÍCH THÊM SỨC.

Bài 19:BÍ TÍCH THÁNH THỂ.

Bài 20: THÁNH LỄ.

Bài 21. BÍ TÍCH GIẢI TỘI

Bài 22. BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN.

Bài 23. BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH.

Bài 24: BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Bài 15. HIỂU VÀ SỐNG PHỤNG VỤ

  1. GHI NHỚ

H. Phụng vụ là gì ?

T. Phụng Vụ là việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh, để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và để thánh hoá con người.

2. THÁNH KINH.

Chúa Giêsu nói vối người phụ nữ Samaria : “Này chị, hãy tin tôi, đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa không phải trên núi này hay ở Giêrusalem … Nhưng những người thờ phượng Thiên Chúa đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thánh Thần và trong sự thật”. (Ga 4, 21.23)

  1. GIẢI THÍCH.

Học Đạo cần biết những điều phải Tin, phải Giữ, nhưng cũng cần biết những nghi lễ thờ phượng, hay việc tổ chức thờ phượng theo các Mùa trong năm. Việc tổ chức nghi lễ thờ phượng đó gọi là Phụng Vụ.

Phụng vụ có 2 mục đích chính : nhằm để tôn vinh Thiên Chúa và để thánh hoá con người, vì trong Phụng vụ, chúng ta tuyên xưng đức tin và tôn thờ Thiên Chúa Cha, là Đấng ban mọi phúc lành cho ta. Trong Phụng vụ, ta tái diển mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô, để thánh hoá con người, và nhờ Chúa Thánh Thần khơi dậy lòng tin và giúp ta yêu Chúa yêu người nhiều hơn.

Những việc cử hành Phụng vụ là: Thánh Lễ, các Bí tích và Phụng vụ Giờ Kinh (Kinh Nhật tụng).

Năm Phụng Vụ: được tổ chức thành các Mùa, nhằm giúp cho các tín hữu hiểu và sống các Mầu nhiệm đức tin trong đạo cách thiết thực hơn. Năm Phụng vụ khởi đầu từ Mùa Vọng, mùa Giáng sinh, đến Mùa Chay và mùa Phục sinh, mùa Thường niên.

-Mùa Vọng : gồm 4 tuần trước lễ Giáng sinh, nhằm chuẩn bị tâm hồn tín hữu mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể.

-Mùa Giáng Sinh: từ lễ Chúa Giáng sinh đến lễ Chúa chịu Phép Rửa, để mừng kính Mầu nhiệm Nhập thể.

-Mùa Chay : gồm 40 ngày, từ thứ tư Lễ tro, đến Thứ Năm tuần Thánh, chuẩn bị tín hữu mừng mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh.

-Mùa Phục sinh: từ lễ Vọng Phục sinh đến lễ Hiện Xuống, mừng việc Chúa Kitô Phục sinh, chiến thắng tội lỗi và Sự chết.

-Mùa Thường niên, xen kẻ giữa mùa Giáng sinh đến đầu mùa Chay và từ sau lễ Hiện xuống đến hết tuần lễ Chúa Kitô Vua, nhằm giúp tín hữu sống các mầu nhiệm cứu độ cách đầy đủ hơn.

Sống Phụng Vụ : Như cây non lớn dần và trổ hoa, kết trái tuỳ thuộc thời tiết, mùa màng trong năm, thì đức tin của người tín hữu cũng lớn mạnh dần nhờ việc biết sống các Mùa Phụng vụ. Vì thế, ta cần siêng năng học hỏi và tham dự các nghi lễ Phụng vụ, nhất là sống theo tinh thần các Mùa Phụng vụ.

  1. THỰC HÀNH.

Tôi cố gắng sốt sắng tham dự Thánh lễ, và sống tinh thần của các Mùa Phụng vụ, để sinh nhiều hoa trái nhân đức.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, Hội Thánh đã lập ra nhiều mùa, nhiều lễ trong một năm để giúp con suy niệm, kính nhớ các biến cố đời sống của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh. Xin cho con hiểu ý nghĩa các ngày lễ, để tham dự sốt sắng và được hưởng nhiều ơn ích Chúa ban. Amen.

 

Bài 16: ƠN CHÚA VÀ BÍ TÍCH

  1. GHI NHỚ.

H. Ơn Chúa là gì ?

T. Ơn Chúa là sự sống và sức mạnh Chúa ban để ta sống hạnh phúc đời này và đời sau.

H. Bí tích là gì ?

T. Là những dấu chỉ bề ngoài, do Chúa Giêsu lập, để chỉ ý nghĩa và chuyển thông ơn bên trong, cho ta được nên thánh.

  1. THÁNH KINH.

“Không có Ta, các con không thể làm được gì ?”

  1. GIẢI THÍCH.
  2. ƠN CHÚA :

Con người tự sức riêng mình không thể làm được việc gì. Sự sống, sức khoẻ, tài năng, mọi cái ta có đều do Chúa ban. Ơn Chúa chính là sức sống, sức mạnh Chúa ban, để ta được sống và được hưởng hạnh phúc đời này và đời sau.

Có 2 thứ ơn Chúa :

Ơn Thánh Hoá: là sự sống siêu nhiên của Chúa Ba Ngôi ban cho ta ngày ta chịu Rửa tội, để ta được làm con Chúa và được hưởng hạnh phúc với Chúa.

Ơn Trợ giúp: là sức mạnh Chúa ban, để giúp ta làm lành lánh dữ, giúp ta ăn năn sám hối khi đã phạm tội.

Muốn lãnh nhận Ơn Chúa, ta cần cầu nguyện, làm việc lành và nhất là lãnh các Bí tích.

  1. BÍ TÍCH :

Bí là kín đáo, không thấy được. Tích là dấu chỉ bên ngoài thấy được. Bí tích là những dấu hiệu bề ngoài để chỉ ý nghĩa và chuyển thông ơn bên trong, do Chúa Giêsu lập, để ta được nên thánh.

Ví dụ : Bí tích Rửa tội, khi Hội thánh lấy nước đổ trên đầu (dấu chỉ bên ngoài thấy được) thì Chúa tha thứ tội lỗi, ban ơn làm con Chúa bên trong (ơn thiêng liêng ban trong tâm hồn ta không thấy).

Có 7 Bí tích (xem Kinh), nhưng có 3 Bí tích chỉ được lãnh một lần, đó là Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh, vì 3 bí tích này in dấu thiêng liêng vào linh hồn không thể xoá được.

Muốn lãnh Bí tích : ta cần hiểu biết, có lòng tin, có ý ngay lành và cần phải dọn hồn, dọn xác cho xứng đáng.

  1. CÁC PHỤ TÍCH (Á bí tích) :

Đó là những nghi thức do Hội Thánh lập ra, để chuẩn bị cho tín hữu lãnh nhận các Bí tích và để thánh hoá những hoàn cảnh trong cuộc sống.

Có 3 thứ Phụ tích :

  1. Việc chúc lành cho người, đồ dùng, hoặc nơi chốn.
  2. Nghi thức thánh hiến người, đồ dùng hoặc nơi cử hành Phụng vụ. 3). Nghi thức trừ quỉ.

Các nghi thức của Phụ tích : thường có lời kinh, kèm theo một dấu hiệu như việc đặt tay, giơ tay chúc lành với dấu Thánh giá và rảy nước thánh.

  1. THỰC HÀNH.

Quyết tâm mau mắn đón nhận Ơn Chúa qua cầu nguyện, siêng lãnh Bí tích, cùng cộng tác với Ơn Chúa để nên thánh thiện hơn.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy chúa, con cám ơn Chúa đã thương ban rất nhiều ơn cho con trong cuộc sống. Xin cho con biết dùng Ơn Chúa, siêng năng cầu nguyện và làm nhiều việc lành để được hưởng nhiều Ơn Chúa ban. Amen.

Bài 17: BÍ TÍCH RỬA TỘI

  1. GHI NHỚ

H.Bí tích Rửa tội là gì ?

T. Là Bí tích Chúa Giê-su đã lập, để tha thứ tội lỗi và ban ơn Thánh hóa cho ta xứng đáng làm con của Chúa.

2. THÁNH KINH.

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19).

  1. GIẢI THÍCH.

Trước khi lên Trời, Chúa Giêsu đã sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm phép Rửa tội cho những ai tin và ước muốn được làm con cái Thiên Chúa.

Rửa tội là Bí tích đầu tiên để gia nhập đạo Công giáo. Khi Rửa tội, Hội thánh lấy nước đổ trên đầu (dấu chỉ bên ngoài thấy được) thì Chúa tha thứ tội lỗi bên trong (ơn thiêng liêng ban trong tâm hồn ta không thấy).

Bí tích Rửa tội ban các ơn : Sạch tội Tổ tông và tội mình làm; Ban cho ta sự sống mới: là làm con Chúa và là chi thể chủa Chúa Kitô; Được gia nhập vào Hội Thánh ; được ghi dấu ấn thiêng liêng vào linh hồn không hề mất.

Bí tích Rửa tội rất cần thiết : vì Chúa Giêsu đã nói : “Ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần, thì không được vào nước Thiên Chúa” (Ga 3,5)

Người lớn nếu muốn chịu bí tích Rửa tội cần phải :

– Học biết giáo lý đầy đủ, có đức tin vào Chúa.

– Hoàn toàn tự do xin rửa tội.

– Thật lòng sám hối, từ bỏ tội lỗi, ma quỉ.

– Quyết tâm thờ Chúa, trong Hội Thánh Công giáo.

Ai được ban Bí tích : Trong trường hợp thông thường thì chỉ những ai có chức thánh mới được quyền Rửa tội. Còn trường hợp khẩn cấp, nguy tử thì bất cứ ai cũng được quyền và phải rửa tội để cứu rỗi linh hồn những người anh em. Nhưng cần phải rửa theo cách thức và ý của Hội thánh.

Cách thức Rửa Tội : Lấy nước lã (nước sông, nước mưa, nước suối), đổ trên đầu (không đổ trên đầu được thì đổ bất cứ nơi chi thể nào), vừa đổ nước vừa đọc : Tôi rửa Ông (…), nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. (Có thể tùy vai vế mà xưng hô : Ong, bà, anh, chị, con…).

Ý Hội Thánh : là muốn họ được Rửa tội để làm con Chúa, trong Hội Thánh Công giáo.

Vài nghi thức phụ khác như : Xức dầu thánh trên đỉnh đầu, có ý chỉ rằng người Tân tòng được hiến thánh, thuộc dòng dõi vương đế, tư tế, tiên tri.

Mặc áo trắng : Hội thánh dạy người tân tòng : từ đây tâm hồn họ thanh sạch, trong trắng như tuyết. Họ cần giữ mãi nó trắng đẹp như chiếc áo trắng tinh tuyền.

Trao nến cháy : dạy ta phải tỏa sáng đức tin, tỏa ra mùi hương thơm nhân đức bằng các việc bác ái, yêu thương.

  1. THỰC HÀNH.

Siêng năng cầu nguyện và làm nhiều việc lành để chuẩn bị lãnh Bí tích Rửa tội.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, con sung sướng vì sắp được làm con thật của Chúa qua Bí tích Rửa tội. Xin Chúa giúp con, ngay từ hôm nay, biết sốt sắng chuẩn bị cho ngày hồng phúc đó. Amen.

Bài 18: BÍ TÍCH THÊM SỨC

  1. GHI NHỚ.

H. Bí tích Thêm sức là gì ?

T. Là Bí tí tích Chúa Giêsu đã lập, để ban Chúa Thánh Thần và bảy Ơn Chúa, giúp ta thêm mạnh sức, để ta can đảm sống đạo và truyền đạo.

2. THÁNH KINH.

“Các Tông đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã nhận Lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gio-an đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ : vì họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8, 14-17).

  1. GIẢI THÍCH.

– Trong khi rao giảng, Chúa Giêsu nhiều lần nói tới Chúa Thánh Thần như là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi, Đấng ban Sự Sống, Đấng Làm Chứng, Thần Chân Lý. Và Ngài hứa sẽ xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến với các Tông đồ : “Thày sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi, đó là Thần Khí Sự Thật” (Ga, 14, 16-17).

– Ngay sau khi về trời, Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa ấy. Đúng ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Cha đã sai Thánh Thần của Ngài xuống tràn đầy trên các Tông đồ (Cv 2, 1-13). Chúa Thánh Thần đã hoàn toàn đổi mới các Tông Đồ : từ nhát sợ trở nên can đảm, từ dốt nát trở nên thông minh sáng suốt và lãnh đạo đại tài.

– Đến lượt mình, các Tông đồ lại ban Thánh Thần cho những người Tân tòng qua cầu nguyện và đăt tay, như trường hợp ở Sa-ma-ri sách Tông đồ Công vụ đã tường thuật và được trích dẫn trên đây.

– Hội thánh qua Bí tích Thêm sức, tiếp tục ban Chúa Thánh Thần và 7 Ơn Chúa Thánh thần là : Khôn ngoan, Thông minh, Hiểu biết, Lo liệu, Sức mạnh, Đạo đức và Kính Sợ Chúa, cho những người đã được Rửa tội, để họ trưởng thành trong đức tin, hăng say làm việc truyền giáo và can đảm làm chứng cho Chúa Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày.

– Người ban BT Thêm sức : Thông thường thì chỉ các Giám mục hoặc các linh mục được ủy quyền mới ban Bí tích Thêm sức. Linh mục nào Rửa tội cho người trưởng thành, thì sau đó được ban Bí tích Thêm sức ngay.

Nghi thức ban Bí tích Thêm sức gồm :

– Tuyên xưng đức tin,

– Đặt tay trên đầu người lãnh Bí tích và đọc lời cầu nguyện.

– Xức dầu thánh ghi hình Thánh giá trên trán và chúc bình an.

  1. THỰC HÀNH.

Quyết tâm xa tránh tội lỗi, để tâm hồn và thân xác ta xứng đáng là Đền thờ của Chúa Thánh Thần.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, xin ban tràn đầy Thánh Thần xuống trên con, để Ngài đổi mới toàn bộ tâm hồn và thể xác con. Amen.

Bài 19:BÍ TÍCH THÁNH THỂ

  1. GHI NHỚ.

H. Bí tích Thánh Thể là gì ?

T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập, để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh giá, và để ban Mình Máu Ngài trong hình Bánh Rượu làm của nuôi linh hồn ta.

2. THÁNH KINH.

“Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh Ta sẽ ban tặng, chính là Thịt Ta đây, để cho thế gian được sống”. (Ga 6, 51).

  1. GIẢI THÍCH.

– Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi 5.000 người ăn no trong sa mạc, Chúa Giêsu trở về Galilê, vào Hội đường Ca-pha-na-um rao giảng về Bánh Hằng Sống, Bánh bởi trời. Ngài hứa ban Thịt Máu Ngài làm của ăn thiêng liêng nuôi sống những ai tin vào Ngài. Nhiều khán thính giả đã phản ứng quyết liệt : “Lời gì mà khó nghe quá!” . Nhưng Chúa Giêsu vẫn khẳng định: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”.

Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể: Vào chiều Thứ Năm trước ngày chịu nạn, trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các Tông đồ và nói : “Đây là Mình Thày, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày”. Và cuối bữa ăn, Ngài cũng làm như vậy và nói : “Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thày, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22, 19-20).

Qua lời nói đó, Chúa Giêsu đã biến bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Ngài. Ngài thực sự ngự nơi bánh rượu với tất cả hồn xác và bản tính Thiên Chúa. Ngài ngự trong bánh rượu cách thiêng liêng nên giác quan ta không cảm thấy, không đụng chạm tới được. Đây quả thực là một mầu nhiệm đức tin. Chúng ta tin vì Lời Chúa là chân lý, Chúa không bao giờ lừa dối ta.

Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể nhằm 3 mục đích :

– Để tái diễn và tưởng niệm lễ hy sinh trên Thánh giá.

– Để làm của ăn của uống nuôi linh hồn ta.

– Để chúng ta thấy được tình yêu tận hiến của Chúa Giêsu, mà noi gương Ngài hiến thân phục vụ mọi người.

Chúng ta cần phải cảm mến, tri ân và sùng mộ Bí tích Thánh Thể, đồng thời hãy chuẩn bị tâm hồn để rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ.

  1. THỰC HÀNH.

Khi đã lãnh Bí tích Rửa tội rồi, hãy siêng năng dự lễ và rước lễ.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa Giê-su, con cảm tạ Chúa, vì yêu thương con, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể để làm của ăn nuôi linh hồn con. Xin cho con yêu mến Chúa nhiều để đáp lại lòng Chúa thương con. Amen.

Bài 20: THÁNH LỄ

  1. GHI NHỚ.

H. Thánh lễ là gì ?

T. Thánh lễ là việc Chúa Giêsu, nhờ tay linh mục hợp cùng toàn thể Dân Chúa, dâng mình làm của lễ cho Đức Chúa Cha, như xưa chính Ngài đã tự hiến trên Thánh giá.

2. THÁNH KINH.

“Các tín hữu đầu tiên, họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự nghi lễ bẻ bánh và cầu nguyện”. (Cv, 2, 42)

  1. GIẢI THÍCH.

Lịch sử:

– Ngay sau khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc,22,19 ). Nghĩa là Chúa muốn chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể để nhớ lại lễ hy sinh thập giá xưa, hầu mọi người ở mọi nơi, mọi thời được hưởng ơn cứu độ qua sự chết và Phục sinh của Ngài. Việc cử hành Thánh Thể gọi là Thánh Lễ.

– Như sách Tông đồ Công vụ ghi lại, các Tông đồ đã vâng lệnh Chúa, cử hành nghi lễ Bẻ bánh với các tín hữu thời Hội thánh sơ khai. Đặc biệt vào các ngày thứ nhất trong tuần (Chúa nhật), các tín hữu tụ họp cầu nguyện và bẻ bánh trong tình thông hiệp yêu thương. Từ đó, việc cử hành Bí tích Thánh thể được tiếp tục trong Hội thánh cho tới ngày hôm nay.

– Theo lịch sử phụng vụ, Thánh lễ mang nhiều tên gọi như : lễ Tạ ơn, lễ Bẻ bánh, lễ Tưởng niệm, Bữa ăn của Chúa, Bữa tiệc thánh, Lễ hy sinh, Mỗi tên gọi làm nổi bật một nét trong ý nghĩa phong phú của Thánh lễ.

THÁNH LỄ có hai phần chính:

– Một là Phụng vụ Lời Chúa : gồm những lời cầu nguyện, ngợi khen dâng lên Chúa, những Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh và bài giảng.

– Hai là Phụng vụ Thánh Thể : gồm việc chuẩn bị lễ vật, kinh Tạ ơn và việc Rước lễ.

VIỆC RƯỚC LỄ.

Đó là việc rước Mình Máu Chúa Giêsu trong hình bánh rượu.

4 Ơn ích khi Rước Lễ nên :

Được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và hiệp nhất với nhau.

Được tha các tội nhẹ và được gia tăng ơn thánh hoá.

Thêm sức chống trả cám dỗ và sửa các nết xấu.

Bảo đảm cho ta được sự sống đời đời.

Muốn Rước lễ nên, ta cần : Sạch tội trọng, có ý ngay lành và giữ chay một giờ trước khi Rước lễ.

Tâm tình trước và sau khi Rước lễ : ta cần sám hối, ăn năn tội, ao ước được rước Chúa. Sau sau Rước lễ, ta thờ lạy, cám ơn và xin ơn Chúa.

NÊN NHỚ :THÁNH LỄ là sự tôn thờ Thiên Chúa cách tuyệt hảo. Không kinh nguyện nào, không của lễ nào, không một hy sinh bác ái nào làm đẹp lòng Chúa Cha cho bằng Thánh lễ, vì trong Thánh lễ, chính Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu của Chúa Cha vừa là Chủ tế lại vừa là Của lễ. Ta hãy siêng năng dự lễ cách tích cực và sốt sắng, để làm đẹp lòng Chúa và lãnh nhận được nhiều ơn thánh.

  1. THỰC HÀNH.

Siêng năng tham dự Thánh lễ và Rước lễ.

  1. CẦU NGUYỆN.

“Lạy Chúa, con sẽ bước tới Bàn thờ Thiên Chúa, Đến gặp Thiên Chúa là nguồn vui của lòng con” Amen. (Tv 42 ).

Bài 21. BÍ TÍCH GIẢI TỘI

  1. GHI NHỚ.

H. Bí tích Giải tội là gì ?

T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập, để tha các tội ta phạm từ khi lãnh Bí tích Rửa tội về sau, cùng giao hoà ta với Chúa và Hội thánh.

2. THÁNH KINH.

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ ” (Ga 20, 22 – 23).

  1. GIẢI THÍCH.

– Ngay chiều ngày sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các Tông đồ, trao ban Thánh Thần và cho các ông quyền tha tội: “Anh em tha tội cha ai thì tội người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga, 20, 23). Lời nói trên chứng tỏ Chúa Giê-su muốn lập Bí tích Giải tội.

Bí tích Giải tội để tha tội : Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ta được tha tội Tổ tông và các tội riêng, nếu có. Nhưng vì tội Tổ tông, con người trở nên yếu đuối, dễ hướng chiều về điều ác, dễ sa ngã phạm tội xúc phạm đến Chúa và Hội Thánh, làm thiệt hại cho mình và cho anh em. Biết rõ thân phận yếu hèn, tội lỗi của con người, vì thương, Chúa Giê-su đã lập Bí tích Giải tội để tha tội cho ta và giao hoà ta với Thiên Chúa, với Hội thánh và với anh em.

Chúa ban quyền tha tội: Đúng ra, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Nhưng vì không còn ở trần gian để qua hành vi, ngôn từ mà tha tội cho con người, nên Chúa Giêsu mới trao quyền cho các Tông đồ để các ông thay mặt Chúa mà tha tội cho những ai thành tâm sám hối. Hội Thánh thì trường tồn. Do đó, khi các Tông đồ khuất đi, quyền tha tội Chúa đã trao ban lại được chuyển qua người kế nghiệp, và cứ thế mà thông truyền mãi cho đến ngày nay. Kế vị các Tông đồ là các Giám mục. Các Giám mục lại chia sẻ quyền tha tội cho các Linh mục. Khi các ngài giơ tay tuyên bố trên hối nhân: “Cha tha tội cho con, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” thì không phải các ngài tha tội, song chính là Thiên Chúa tha thứ qua các ngài.

Muốn lãnh Bí tích Giải tội, phải làm 4 việc :

Xét mình : là nhìn lại cuộc sống đã qua xem có làm điều gì mất lòng Chúa, như : ăn gian, nói dối, nói tục, chửi thề, bài bạc, trộm cắp, say sưa, đàng điếm v.v. Mỗi thứ tội phạm khoảng mấy lần.

Ăn năn sám hối : thực tình đau buồn về những lỗi phạm và quyết tâm dốc lòng chừa, không tái phạm.

Xưng tội : Là nói cho cha giải tội những tội mình đã xét thấy một cách chân thành. Tuyệt đối không giấu giếm hay nói quanh co chữa mình.

Đền tội : Làm những điều mà cha giải tội chỉ dạy, (như đọc kinh, lần chuổi…)

(Xem BẢN XÉT MINH và CÁCH XƯNG TỘI ở cuối sách.)

  1. THỰC HÀNH.

Tôi quyết xa tránh dịp tội … và không bao giờ cố tình phạm tội.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, vì biết con yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội, nên Chúa đã lập Bí tích Giải tội để tha thứ cho con. Xin giúp con luôn sống tốt, năng làm điều lành và xa tránh điều dữ. Amen.

Bài 22. BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

  1. GHI NHỚ.

H. Bí tích Xức dầu bệnh nhân là gì ?

T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập, để nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu về phần hồn cũng như phần xác.

2. THÁNH KINH.

“Ai trong anh em đau yếu ư ? Hãy mời các kỳ mục của Hội thánh đến ; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh ; người ấy được Chúa nâng dạy, và nếu người ấy đã phạm tội thì sẽ được thứ tha” (Gc 5,14-15).

  1. GIẢI THÍCH.

– Chúa Giêsu quan tâm người đau khổ, bệnh tật. Trong khi loan báo Tin Mừng, Chúa Giê-su luôn tỏ ra thương và chia sẻ những nỗi khổ đau của con người, nhất là đối với các bệnh nhân. Ngài chữa lành mọi kẻ đau yếu tật nguyền. Hành động chữa bệnh của Chúa là dấu chỉ rõ ràng Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài (Lc 6,16). Chúa Giê-su không những có quyền chữa bệnh mà còn có quyền tha tội (Mc 2, 5-12). Ngài là vị lương y tuyệt hảo chữa lành con người cả hồn lẫn xác. -Ngài cảm thương bệnh nhân đến nổi đồng hóa với họ. “Ta đau yếu, các con đã viếng thăm” (Mt 25, 26). Ngài nhận lấy những đau khổ của ta làm của mình.”Ngài đã mang lấy những tật nguyền của ta và đã gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17).

Đối với các Tông đồ, Chúa đã ra lệnh cho các ông phải chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỉ, cứu giúp những kẻ khổ đau. ” Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong cùi được sạch bệnh và khử trừ ma quỉ ” (Mt 10,8). Các Tông đồ đã y theo lệnh Chúa “Các ông trừ được nhiều quỉ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 13).

– Qua việc quan tâm chăm sóc, chữa trị các bệnh nhân và việc sai các Tông đồ đi rao giảng, chữa bệnh, trừ quỉ … Chúa Giêsu chứng tỏ ý định thành lập Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Sau này thánh Gia-cô-bê đã rõ rệt công bố bí tích này trong thơ của ngài : “Ai trong anh em đau yếu, hãy mời các kỳ mục của Hội thánh đến cầu nguyện cho người ấy sau khi xức dầu nhân danh Chúa ” (Gc 5, 14-15).

– Ơn ban của Bí tích : Nhờ Bí tích Xức Dầu, bệnh nhân được nâng đỡ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần : Tâm hồn được tha thứ mọi tội khiên và nếu đẹp ý Chúa, thân xác sẽ được chữa lành. Vậy nếu gia đình mình hay gia đình bên cạnh có ai già nua, bệnh tật, hãy mời linh mục đến ban Bí tích xức dầu, đồng thời cho rước Mình Thánh Chúa là nguồn an ủi để giúp bệnh nhân an tâm đón nhận thánh ý Chúa.

  1. THỰC HÀNH.

Năng thăm viếng bệnh nhân và những người già cả neo đơn, để ủi an giúp đỡ họ phần hồn phần xác.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương các bệnh nhân và chữa lành tật nguyền của họ. Xin cho con biết cảm thương những người anh em đau khổ và can đảm chấp nhận mọi khổ đau như thánh giá Chúa gởi tới. Amen.

Bài 23. BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

  1. GHI NHỚ.

H.Bí tích Truyền chức thánh là gì ?

T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập, để thông ban quyền chức linh mục cho những người được tuyển chọn, hầu phục vụ Dân Chúa bằng giảng dạy, tế lễ và mục vụ.

2.THÁNH KINH.

“Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm và được đặt lên làm đại diện cho loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội ” (Dt 5,1).

  1. GIẢI THÍCH.

Chúa Giêsu là Linh Mục được Chúa Cha đặt lên theo lời Kinh Thánh : “Con là Thượng Tế muôn đời, theo phẩm hàm Men-ki-sê-đê”(Dt 5,6). Chỉ mình Ngài mới có quyền tế lễ, rao giảng Tin Mừng, ban các Bí tích và chăm sóc các linh hồn. Tuy nhiên Ngài không hiện diện mãi với mọi thế hệ loài người để đích thân thi hành những sứ vụ đó. Chính vì thế, nên ngay từ buổi đầu đời sống công khai, Chúa Giêsu đã tuyển chọn 12 Tông đồ để các ông nối tiếp công việc cứu độ trần gian.

Tuyển chọn, huấn luyện: Suốt 3 năm sống với Chúa, các Tông đồ được huấn luyện bằng mắt thấy tai nghe những việc Chúa làm và những lời Chúa nói, rồi được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng, Rửa tội và thu nạp các kẻ tin (Mt 28,29). Các ông cũng được Chúa ban quyền tế lễ (Lc 22,19), quyền tha tội (Ga 20,22). Tóm lại Chúa đã tuyển chọn và huấn luyện những kẻ kế nghiệp. Cuối cùng đã truyền chức linh mục (Lc 22,19) và trao cho họ 3 nhiệm vụ là Rao giảng Tin Mừng, làm các Bí tích và chăm sóc hướng dẫn Dân Chúa trong cuộc hành trình về Quê trời (việc Mục vụ).

– Sau Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ hăng say ra đi rao giảng Tin Mừng. Theo gương Chúa Giêsu, các ông cũng tuyển chọn những người đạo đức nhiệt thành, huấn luyện họ rồi đặt tay truyền chức thánh cho họ. Khi các Tông đồ khuất bóng, Hội thánh vẫn có các chủ chăn kế tục sự nghiệp cho đến ngày nay và mãi tới tận thế, Bí tích Truyền chức không ngừng sinh ra cho Hội thánh nhiều Giám mục, Linh mục và Phó tế để phục vụ Dân Chúa.

– Để được lãnh BT Truyền chức thánh, những người được Chúa chọn gọi phải được huấn luyện đầy đủ và kỹ lưỡng về tinh thần đạo đức, lòng nhiệt thành phục vụ, có trình độ về Thần học, Kinh thánh, Mục vụ v.v… Giám mục sẽ được Giám mục khác truyền chức. Linh mục và Phó tế được Giám mục truyền chức. Trừ Phó tế vĩnh viễn, còn các Giám mục, Linh mục và Phó tế khi chuẩn bị lên chức linh mục đều tuyên hứa tự nguyện sống độc thân, khiết tịnh theo gương Chúa Giêsu và truyền thống của Hội thánh, để cống hiến trọn vẹn thân xác và tâm hồn cho Chúa, đồng thời cũng để khỏi bận bịu việc gia đình, hầu dâng trọn thời giờ sức khoẻ … cho công tác cứu độ trần gian.

  1. THỰC HÀNH.

Tôn kính, vâng phục và cầu nguyện cho các bậc tu trì. Nhiệt thành cộng tác với các linh mục trong việc tông đồ.

  1. CẦU NGUYỆN.

Lạy Chúa, Chúa đã lập Bí tích Truyền Chức để ban cho Hội thánh nhiều mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa. Con xin cám ơn Chúa. Xin cho con biết yêu mến, vâng lời và cộng tác với các vị chủ chăn của con, để làm vinh danh Chúa. Amen.

Bài 24: BÍ TÍCH HÔN PHỐI 

1.GHI NHỚ.

H.Bí tích Hôn phối là gì ?

T. Là Bí tích Chúa Giêsu đã lập, để kết hợp hai người tín hữu một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh, cùng ban ơn cho họ chu toàn nghĩa vụ vợ chồng, bổn phận cha mẹ.

2.THÁNH KINH. “Từ thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Ngài phán : “Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 4-6).

3.GIẢI THÍCH. – Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa dựng nên Ađam-Evà và đã kết hợp họ thành vợ chồng đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Như thế tức là chính Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân và ban giao ước hôn phối cho con người. – Nhưng hôn phối giữa người nam và người nữ lúc ban đầu chỉ là hôn phối tự nhiên, đến thời Chúa Giêsu mới được nâng lên hàng Bí tích.

Bí tích Hôn phối có 2 đặc tính sau đây: – Đơn hôn, tức là một vợ một chồng, – Vĩnh hôn, tức là vợ chồng phải ăn ở với nhau suốt đời. Qua hai đặc tính này, Chúa Giêsu có ý dạy: trong hôn nhân hai người trở thành một, gắn bó với nhau trong tình yêu. Vì thế, không được đa thê, đa phu, ngoại tình, không được ly dị bất cứ vì lý do gì. Trung thành với 2 đặc tính trên, đôi vợ chồng mới tạo dựng được hạnh phúc, gia đình mới thực sự là tổ ấm của tình yêu. Cử hành Bí tích Hôn phối. Khi đôi bạn trẻ đã cầu nguyện, tìm hiểu và thực tình yêu nhau, muốn kết thành vợ chồng, họ đến nhà thờ xin Thiên Chúa và Hội thánh chứng nhận và chúc phúc cho tình yêu của họ. Trước mặt Linh mục, hai nhân chứng và cộng đồng giáo dân, đôi trẻ trao ban Bí tích Hôn phối cho nhau, qua cam kết nhận nhau làm vợ chồng và thề hứa chung thuỷ với nhau cho đến mãn đời. Họ cũng trao nhẫn cưới cho nhau, nói lên tình yêu và lòng trung thành của mình. Hiệu quả : Bí tích Hôn phối làm cho đôi bạn thuộc về nhau mãi mãi và ban ơn cho họ chu toàn bổn phận làm vợ làm chồng đối với nhau và làm cha làm mẹ đối với con cái (sinh sản, nuôi dưỡng, giáo dục con cái nên người đức hạnh). Bí tích hôn phối còn làm cho mọi người trong gia đình nên thánh nhờ việc chu toàn bổn phận, sống yêu thương và làm việc tông đồ. Bí tích Hôn phối rất cao quí đến nỗi đã được Chúa Giêsu đến tham dự và làm phép lạ biến nước thành rượu để cho niềm vui của đôi tân hôn được trọn vẹn, như tại tiệc cưới làng Ca-na (Ga 2, 1-11). Các Tông đồ, thánh Phao-lô chẳng hạn, cũng đề cao Bí tích hôn phối. Ngài đã sánh Bí tích này như sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (Ep 5, 32).

  1. THỰC HÀNH. Trước khi kết hôn, cần cầu nguyện, tìm hiểu kỹ lưỡng và bàn hỏi với người khôn ngoan.
  2. CẦU NGUYỆN. Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ. Xin cho các bậc vợ chồng biết yêu thương và chung thủy với nhau cho đến trọn đời. Amen.