Giáo lý về thánh Giuse

print

Giáo lý về thánh Giuse

Đức Giáo hoàng Phanxicô

Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Bài 1:Thánh Giuse Và Môi Trường Ngài Đã Sống.

Bài 2 : Thánh Cả Giuse trong lịch sử cứu độ.

Bài 3 – Giuse người công chính và là hôn phu của Đức Maria.

Bài 4. Thánh Giuse con người thinh lặng.

Bài 5: Thánh Giuse, người di cư bị bách hại và can đảm.

Bài 6. Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu.

Bài 7. Thánh Giuse, người thợ mộc.

Bài 1:Thánh Giuse Và Môi Trường Ngài Đã Sống

Anh chị em thân mến

Ngày 8 tháng 12 năm 1870, Chân phước Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ. 150 năm sau biến cố đó, chúng ta đang trải qua một năm đặc biệt dành riêng cho Thánh Giuse, và trong Tông thư Patris corde, tôi đã tuyển chọn được một số suy tư về hình ảnh của ngài. Chưa có bao giờ như hôm nay, trong thời điểm được đánh dấu bởi một cuộc khủng hoảng toàn cầu với nhiều thành phần khác nhau, Thánh Giuse có thể là người hỗ trợ chúng ta, an ủi và hướng dẫn chúng ta. Vì vậy, tôi đã quyết định dành loạt bài giáo lý về ngài, điều mà tôi hy vọng rằng sẽ giúp chúng ta nhiều hơn để chúng ta được soi sáng nhờ mẫu gương và chứng tá của ngài. Chúng ta sẽ nói về thánh Giuse trong vài tuần.

Trong Kinh thánh có hơn mười nhân vật mang tên Giuse. Người quan trọng nhất trong số đó là con trai của Giacóp và Rachel, là người mà qua nhiều thăng trầm khác nhau, từ một nô lệ trở thành người quan trọng thứ hai ở Ai Cập sau Pharaô (x. St 37-50). Tên Giuse trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Chúa gia tăng, Chúa làm cho lớn mạnh”. Đó là một điềm tốt, một phúc lành được thiết lập dựa trên sự tin tưởng vào sự quan phòng và đặc biệt liên quan đến khả năng sinh sản và nuôi dạy con cái. Thật vậy, chính cái tên mạc khải cho chúng ta một khía cạnh cốt yếu nơi nhân cách của thánh Giuse thành Nazarét. Ngài là người tràn đầy niềm tin vào sự quan phòng : ngài tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, ngài có niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng. Mọi hành động của ngài, như Tin mừng kể lại, được đòi buộc từ sự chắc chắn rằng Thiên Chúa “làm cho lớn lên”, làm cho “gia tăng”, Chúa “thêm vào”, nghĩa là Thiên Chúa cung cấp để tiếp tục thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Và ở đây, thánh Giuse thành Nazaret rất giống với Giuse ở Ai Cập.

Ngay cả những tham chiếu địa lý chính yếu liên quan đến Giuse: Bêlem và Nazarét, cũng đóng một vai trò quan trọng để hiểu về gương mặt của ngài.

Trong Cựu Ước, thành phố Bêlem được gọi với cái tên Beth Lechem , tức là “Ngôi nhà bánh”, hay còn gọi là Ephratha, theo tên bộ tộc định cư nơi vùng đất đó. Tuy nhiên trong tiếng ARập, tên này có nghĩa là “Ngôi nhà thịt”, có thể là vì số lượng lớn chiên và dê nằm trong khu vực. Thực vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi Chúa Giêsu ra đời, các mục đồng là những nhân chứng đầu tiên của biến cố (Lc 2, 8-20). Dưới ánh sáng của sự kiện về Chúa Giêsu, những lời ám chỉ về bánh và thịt dẫn đến mầu nhiệm Thánh Thể: Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống (x. Ga 6, 51). Chính Ngài đã nói về mình: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời (Ga 6, 54).

Bêlem được nhắc đến nhiều lần trong Kinh thánh, bắt đầu từ sách Sáng thế. Bêlem cũng được liên kết với câu chuyện của bà Rút và Naômi, được thuật lại ngắn gọn trong sách Rút nhưng rất tuyệt vời. Rút sinh một người con trai gọi là Obed, rồi đến lượt ông sinh ra Jesse, cha của vua Đavít. Và chính từ dòng dõi của Đavít mà Giuse sinh ra, là cha nuôi của Chúa Giêsu. Và rồi tiên tri Mikha đã tiên báo những điều vĩ đại về Bêlem: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Ephratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel” (Mk 5, 1). Thánh sử Matthêu sẽ lấy lại lời tiên tri này và kết nối nó với câu chuyện về Chúa Giêsu như một sự ứng nghiệm hiển nhiên.

Thực ra, Con Thiên Chúa không chọn Giêrusalem làm nơi nhập thể của mình, mà là Bêlem và Nazarét, hai làng ngoại biên, cách xa những tiếng ồn ào thời sự và quyền lực của thời đại. Tuy nhiên, Giêrusalem lại là thành phố được Chúa yêu thương (x. Is 62,1-12), là “thành thánh” ( Đn 3,28), được Chúa chọn làm nơi cư ngụ (x. Zac 3,2; Tv 132,13) ). Thực ra, đây là nơi ở của các tiến sĩ luật, kinh sư và người Pharisêu, thủ lãnh các thượng tế và các kỳ lão trong dân ( xem Lc 2,46; Mt 15,1; Mc 3,22; Ga 1,19; Mt 26,3).

Đây là lý do tại sao việc chọn Bêlem và Nazarét cho chúng ta biết rằng vùng ngoại biên và bên lề xã hội đều được Thiên Chúa ưu ái. Chúa Giêsu không sinh ra ở Giêrusalem, trong cung điện, không, Ngài ra đời ở vùng ngoại biên, đã trải qua cuộc đời mình ở đó cho đến năm 30 tuổi. Ở vùng ngoại biên đó ngài làm thợ mộc, giống như thánh Giuse. Đối với chúa Giêsu, những vùng ngoại biên và ngoài lề xã hội thì được ưu ái hơn. Không coi trọng kiện này tương đương với việc không coi trọng Tin mừng và công trình của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục tỏ mình nơi các vùng ngoại biên địa lý và hiện sinh. Chúa luôn hành động một cách kín đáo nơi các vùng ngoại biên, kể cả trong linh hồn chúng ta, nơi vùng ngoại biên của tâm hồn, của những cảm giác, có lẽ là những cảm giác mà chúng ta xấu hổ; nhưng Chúa ở đó để giúp chúng ta tiến tới. Thiên Chúa tiếp tục tỏ mình nơi các vùng ngoại biên, vừa địa lý và vừa hiện sinh. Cụ thể, Chúa Giêsu đi tìm các tội nhân, vào nhà của họ, nói chuyện với họ, kêu mời họi hoán cải. Và Ngài cũng bị khiển trách vì điều này: “Nhưng hãy nhìn xem, Thầy này – các tiến sĩ luật nói – hãy nhìn xem này: ông ấy ăn uống với những người tội lỗi, bẩn thỉu”. Ngài cũng đi tìm những người dù không làm điều gì ác cả nhưng đã chịu đựng: những người ốm đau, nghèo đói, nhỏ hèn. Chúa Giêsu luôn hướng về các vùng ngoại biên. Và điều này phải đem lại cho chúng ta nhiều xác tín hơn, vì Chúa biết vùng ngoại biên của tâm hồn chúng ta, của con tim chúng ta, vùng ngoại biên của xã hội, thành phố, gia đình chúng ta, tức là phần u tối một chút mà chúng ta không thể hiện ra ngoài, có lẽ là xấu hổ.

Về mặt này, xã hội thời đó không khác chúng ta là mấy. Ngày nay cũng vậy, vẫn còn có một trung tâm và một vùng ngoại biên. Và Giáo hội biết rằng mình được kêu gọi để loan báo Tin mừng bắt đầu từ ngoại biên. Thánh Giuse là thợ mộc thành Nazarét và ngài là người tin tưởng vào chương trình của Thiên Chúa dành cho vị hôn thê trẻ tuổi của mình và cho chính mình, ngài nhắc nhở Giáo hội lưu ý đến điều mà thế giới cố tình phớt lờ. Hôm nay thánh Giuse dạy cho chúng ta điều này: “Đừng quá nhìn vào những gì thế gian ca tụng, hãy nhìn vào những góc khuất, những bóng tối, những vùng ngoại biên, những thứ mà thế giới không muốn”. Ngài nhắc nhở mỗi người trong chúng ta hãy quí trọng những gì người khác bỏ đi. Theo nghĩa này, thánh Giuse thực sự là một bậc thầy về điều cốt yếu: Ngài nhắc nhở chúng ta rằng điều thực sự có giá trị không thu hút sự chú ý của chúng ta, nhưng đòi hỏi sự phân định kiên nhẫn để được khám phá và đánh giá. Khám phá giá trị của nó. Chúng ta nguyện xin thánh Giuse cầu bầu, để toàn thể Giáo hội phục hồi được cái nhìn này, khả năng biện phân này, khả năng đánh giá điều cốt yếu này. Chúng ta cùng bắt đầu lại từ Bêlem, từ Nazarét.

Hôm nay tôi muốn gửi một sứ điệp đến tất cả mọi người đang sống ở vùng ngoại biên địa lý bị thế giới lãng quên hay đang sống trong hoàn cảnh bị gạt bên lề cuộc sống. Mong sao anh chị em có thể tìm thấy nơi thánh Giuse chứng từ và hãy nhìn lên người bảo vệ ấy. Chúng ta có thể dâng lên ngài lời cầu nguyện này, một lời nguyện “tự làm ở nhà”, nhưng xuất phát từ cõi lòng:

Lạy Thánh Cả Giuse,

là người luôn tín thác vào Thiên Chúa

và đưa ra những chọn lựa theo sự hướng dẫn của Chúa quan phòng

xin dạy chúng con biết đừng trông cậy quá nhiều vào những dự tính của mình,

nhưng vào chương trình của tình yêu của Chúa.

 

Ngài đến từ vùng ngoại biên,

xin giúp chúng con biết biến đổi cách nhìn của MÌNH

và yêu thích điều mà thế giới loại bỏ và bị gạt bên lề xã hội.

 

Xin an ủi những người cảm thấy cô đơn

và giúp đỡ những người đang dấn thân trong âm thầm

để bảo vệ cuộc sống và phẩm giá con người. Amen.

 

 Bài 2 : Thánh Cả Giuse trong lịch sử cứu độ

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 24/11/2021 tại Vatican, Đức Thánh cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Giuse. Hôm nay ĐTC nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Giuse, mặc dù không được chú ý nhiều, nhưng ngài đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử cứu rỗi.

Anh chị em thân mến,

Thứ Tư tuần trước chúng ta đã bắt đầu chu kỳ những bài giáo lý về Thánh Giuse – năm dành cho ngài sắp kết thúc -. Hôm nay chúng ta tiếp tục lộ trình này bằng cách tập trung vào vai trò của ngài trong lịch sử cứu rỗi.

Các Tin mừng đã chỉ rõ Chúa Giêsu là “con của ông Giuse” ( Lc 3,23; 4,22; Ga 1,45; 6,42) và “con của bác thợ mộc” ( Mt 13,55; Mc 6, 3). Khi kể về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các thánh sử Matthêô và Luca dành không gian cho vai trò của Thánh Giuse. Cả hai đều tạo ra một “gia phả” nhằm làm nổi bật tính lịch sử của Chúa Giêsu. Trước hết, thánh sử Matthêô nói cho người Do thái theo Kitô giáo, bắt đầu từ Abram cho đến Giuse, được cho là “chồng của bà Maria, là mẹ của Chúa Giêsu cũng được gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16). Trong khi thánh sử Luca bắt đầu trực tiếp từ Chúa Giêsu, “là con của ông Giuse”, đi ngược lên đến Ađam, nhưng xác định: “coi Người là con ông Giuse” (Lc 3, 23). Vì thế, cả hai thánh sử đều trình bày Thánh Giuse không phải là cha ruột, nhưng dù sao ngài được xem như là người cha chính thức của Chúa Giêsu. Qua Thánh Giuse, Chúa Giêsu hoàn tất lịch sử giao ước và cứu rỗi diễn ra giữa Thiên Chúa và loài người. Đối với Matthêô, lịch sử này bắt đầu với Abraham, với Luca lịch sử bắt đầu từ chính nguồn gốc của nhân loại, tức là với Ađam.

Thánh sử Matthêô giúp chúng ta hiểu rằng nhân vật Giuse, mặc dù có vẻ ngoài lề, kín đáo, thuộc hàng thứ yếu, nhưng được trình bày như một phần chính yếu trong lịch sử cứu rỗi. Thánh Giuse sống vai chính của mình mà không bao giờ muốn chiếm sân khấu. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, “cuộc sống của chúng ta được đan dệt và nâng đỡ bởi những người bình thường – thường bị lãng quên – là những người không xuất hiện trên các tiêu đề của các tờ báo và tạp chí […]. Biết bao bậc cha mẹ, ông bà, thầy cô chỉ dạy cho con cái chúng ta, bằng những hành động nhỏ nhặt, những cử chỉ thường ngày, cách đối mặt và vượt qua khủng hoảng bằng cách điều chỉnh những thói quen, bằng cách nhìn về phía trước và khuyến khích cầu nguyện. Có biết bao người đang cầu nguyện, hy sinh và chuyển cầu vì thiện ích của tất cả mọi người” (Tông thư Patris Corde, 1). Và vì vậy, ai cũng có thể nhìn thấy nơi Thánh Giuse, con người không được nhận biết, con người của hiện diện hằng ngày, hiện diện trong chừng mực và kín đáo, một người chuyển cầu, nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Ngài nhắc nhở chúng ta biết rằng tất cả những người xem ra âm thầm hay thuộc “hàng thứ yếu” đều là những nhân vật chính vô song trong lịch sử cứu rỗi. Thế giới cần những con người như vậy: những người thuộc hàng thứ yếu, nhưng lại là những người hỗ trợ cho sự phát triển của cuộc sống chúng ta, của mỗi người chúng ta, là những người bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng lời chỉ dạy của họ, nâng đỡ chúng ta trên nẻo đường của cuộc sống.

Trong Tin mừng Luca, Thánh Giuse xuất hiện với tư cách là người trông nom Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Và vì lý do này, ngài ta cũng là “Người trông nom Giáo hội”: nhưng nếu đã là người trông giữ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thì giờ đây, ở trên trời, ngài làm việc và vẫn tiếp tục làm người trông coi, trong trường hợp này của Giáo hội; bởi vì Giáo hội là Nhiệm thể nối dài của Chúa Kitô trong lịch sử, và đồng thời tình mẫu tử của Giáo hội cũng được phản chiếu trong tình mẫu tử của Mẹ Maria. Thánh Giuse, vẫn tiếp tục bảo vệ Giáo hội – anh chị em đừng quên điều này: ngày nay, Thánh Giuse vẫn tiếp tục bảo vệ Giáo hội – tiếp tục bảo vệ Hài nhi và Mẹ của Ngài” (x. ibid số 5) Khía cạnh bảo vệ này của Thánh Giuse là câu trả lời tuyệt vời cho trình thuật Sáng thế. Khi Chúa yêu cầu Cain giải trình về mạng sống của Abel, anh ta trả lời : “Tôi có phải là người canh giữ anh tôi đâu?” (St 4,9). Với cuộc đời của ngài, dường như thánh Giuse muốn nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được mời gọi để cảm thấy mình là người bảo vệ anh chị em của mình, bảo vệ những người thân cận, những người Thiên Chúa giao phó cho chúng ta qua nhiều hoàn cảnh của cuộc sống.

Một xã hội chẳng hạn như của chúng ta, được xem như là “chất lỏng”, bởi vì dường như nó không chắc chắn. Tôi sẽ sửa lại định nghĩa nhà triết học đã đặt ra và tôi sẽ nói : nó còn hơn chất lỏng, là chất khí, một xã hội chất khí đúng nghĩa. Xã hội lỏng và khí này tìm thấy trong câu chuyện của thánh Giuse một dấu hiệu rõ ràng về tầm quan trọng của các mối tương quan nhân loại. Thực vậy, Tin mừng kể cho chúng ta về gia phả của Chúa Giêsu, không chỉ vì lý do thần học, mà còn để nhắc nhở mỗi người chúng ta biết rằng cuộc sống của chúng ta được tạo nên từ những mối dây liên kết đi trước và đồng hành với chúng ta. Con của Thiên Chúa, khi đến trần gian, Ngài đã chọn con đường của những mối dây ràng buộc, con đường lịch sử: Ngài không bước vào trần gian cách thần diệu, không. Ngài đã thực hiện con đường lịch sử mà tất cả chúng ta đang thực hiện.

Anh chi em thân mến, tôi nghĩ đến nhiều người đang gặp khó khăn để tìm lại những mối quan hệ có ý nghĩa trong cuộc sống của họ, vì vậy mà họ cảm thấy cô độc, không có sức mạnh và dũng khí để tiếp tục tiến tới. Tôi muốn kết thúc bài giáo lý bằng lời cầu nguyện để giúp họ và giúp tất cả chúng ta tìm thấy nơi Thánh Giuse một đồng minh, một người bạn và một người bảo trợ. 

Lạy Thánh Cả Giuse,

người đã gìn giữ mối dây liên kết với Mẹ Maria và Chúa Giêsu,

xin giúp chúng con biết chăm sóc các mối dây liên kết trong cuộc sống của chúng con.

Xin đừng để ai phải trải qua cảm giác bị bỏ rơi

bắt nguồn từ sự cô đơn.

Xin cho mọi người được hòa giải với lịch sử của riêng mình,

với những người đi trước,

và biết nhận ra những sai lỗi đã phạm

để qua đó việc Chúa Quan phòng được thành tựu,

và điều ác không có lời cuối cùng.

Xin hãy tỏ ra như người bạn với những người đang gặp khó khăn nhất,

như ngài đã nâng đỡ Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong những lúc khó khăn,

xin cũng nâng đỡ chúng con trên hành trình của mình. Amen.

Bài 3 – Giuse người công chính và là hôn phu của Đức Maria

    Anh chị em thân mến,

Chúng ta tiếp tục hành trình suy tư về hình ảnh của Thánh Giuse. Hôm nay tôi muốn đào sâu hơn về hình ảnh người công chính và là hôn phu của Đức Maria, rồi từ đó đưa ra một thông điệp cho tất cả các cặp đôi đã đính hôn và cả những đôi vợ chồng mới cưới. Trong các trình thuật của Phúc âm ngụy thư đầy dẫy những câu chuyện liên quan đến thánh Giuse, tức là những sách không thuộc qui điển, cũng đã ảnh hưởng đến nghệ thuật và nhiều địa điểm thờ phượng khác nhau. Các tác phẩm không có trong Kinh thánh này – là những câu chuyện do người Kitô hữu thời đó viết ra – đáp ứng cho khát vọng lấp đầy khoảng trống của các trình thuật Tin mừng thuộc qui điển, những sách có trong Kinh thánh, cung cấp cho chúng ta tất cả những điều cơ bản về đức tin và đời sống Kitô giáo.

Thánh sử Matthêu – Đây là điều quan trọng – Tin mừng nói gì về Thánh Giuse? Không phải những gì mà các phúc âm ngụy thư này nói đều là cái gì đó xấu xa hay tồi tệ; chúng là điều tốt, nhưng chúng không phải là Lời Chúa. Thay vào đó các Tin mừng, các sách thuộc Kinh thánh, là Lời Chúa. Trong số các thánh sử thì Matthêu xác định Thánh Giuse là người “công chính”. Chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện của ngài: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 18-19). Vì khi người bạn gái của mình không chung thủy hay mang thai thì những bạn trai phải tố giác người ấy. Và những người nữ vào thời đó bị ném đá. Nhưng Thánh Giuse là người công chính. Ngài nói: “Không, tôi sẽ không làm điều này. Tôi giữ im lặng”.

Để hiểu được cách cư xử của thánh Giuse với Đức Maria, thật hữu ích khi nhớ lại các phong tục hôn nhân của dân Israel. Cuộc hôn nhân bao gồm hai giai đoạn được xác định rõ ràng. Lần thứ nhất giống như một cuộc đính hôn chính thức, bao gồm cả một tình huống mới: cách riêng với người nữ, trong khi vẫn còn sống ở nhà cha mẹ ruột thêm một năm nữa, nhưng thực ra người nữ đó được xem là “vợ” của người đã hứa hôn với cô. Dù họ không sống chung với nhau, nhưng người nữ ấy như thể là vợ của anh ta. Hành động thứ hai là rước dâu từ nhà gái về nhà chồng. Điều này được diễn ra với đoàn đưa dâu, kết thúc lễ cưới. Và những người bạn của cô dâu đã tháp tùng cô đến đó. Dựa vào phong tục này, sự kiện “trước khi về chung sống với nhau, Maria đã mang thai”, đã vạch trần người Trinh nữ về tội gian dâm. Và tội này, theo luật xưa, phải bị trừng phạt bằng ném đá (x. Đnl 22, 20-21). Tuy nhiên, một cách giải thích ôn hòa hơn đã được áp dụng trong cách thực hành của người Do Thái sau này, vốn chỉ yêu cầu hành động từ chối với các hậu quả dân sự và hình sự đối với người phụ nữ chứ không phải ném đá.

Tin mừng nói rằng Thánh Giuse là người “công chính” bởi vì ngài phải tuân giữ lề luật như bao nhiêu người Israel ngoan đạo khác. Nhưng tự trong lòng ngài, tình yêu và sự tin tưởng dành cho Đức Maria đã gợi lên một cách để ngài vừa tuân giữ lề luật vừa cứu lấy danh dự của người bạn đời: ngài quyết định từ chối trong âm thầm, không gây ồn ào, không để cho Đức Maria phải chịu sỉ nhục trước công chúng. Ngài chọn con đường kín đáo, không kiện cáo hay trả thù. Thánh Giuse thánh khiết biết bao! Còn chúng ta, khi vừa có một chút thông tin về chuyện tầm phào hay điều gì xấu về người khác chúng ta liền đi rêu rao ngay lập tức. Trái lại, Thánh Giuse im lặng.

Nhưng ngay sau đó thánh sử Matthêu liền thêm vào : “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21). Tiếng nói của Thiên Chúa can thiệp vào trong sự phân định của Giuse qua một giấc mơ, mở ra cho thánh nhân thấy một ý nghĩa quan trọng hơn so với sự công chính của ngài.

Và thật quan trọng đối với mọi người chúng ta khi biết vun trồng một cuộc đời công chính và đồng thời luôn cảm thấy mình cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, để có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta và xem xét các hoàn cảnh của cuộc sống từ một quan điểm khác, rộng lớn hơn. Nhiều lần chúng ta cảm thấy mình như những tù nhân đối với những gì đã xảy ra cho chúng ta: “Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra cho tôi vậy”, và chúng ta vẫn là những tù nhân của những điều tồi tệ, vốn đã xảy ra cho chúng ta; nhưng thực sự khi đối mặt với một số hoàn cảnh của cuộc sống, mà thoạt đầu có vẻ bi thảm, nhưng một ơn Quan Phòng ẩn giấu sẽ được hình thành theo thời gian và soi sáng ý nghĩa cũng như đau khổ vốn đã chạm vào chúng ta. Sự cám dỗ đó là khép mình trong nỗi đau, trong suy nghĩ rằng những điều tốt đẹp không bao giờ xảy ra cho chúng ta. Và điều này thật sự không ổn. Điều này dẫn đến buồn bực và cay đắng. Tâm hồn cay đắng thì thật tệ.

Tôi muốn mọi người dừng lại và suy gẫm về một chi tiết của câu chuyện được Tin mừng kể lại mà chúng ta thường bỏ qua. Đức Maria và Thánh Giuse là cặp đôi đã đính hôn, có lẽ họ đã ấp ủ những ước mơ và kỳ vọng cho cuộc sống và tương lai của mình. Thật bất ngờ, Chúa dường như đã tự chen mình vào cuộc sống của họ và dẫu cho lúc đầu điều đó gây khó khăn cho họ, cả hai đều mở rộng trái tim cho thực tại đang diễn ra trước mắt họ.

Anh chị em thân mến, nhiều khi cuộc sống của chúng ta thường không như chúng ta tưởng. Nhất là trong các mối quan hệ yêu đương, tình cảm, chúng ta khó có thể chuyển từ cái luận lý si tình sang tình yêu trưởng thành. Và chúng ta cần phải chuyển từ sự si tình sang tình yêu trưởng thành. Những đôi vợ chồng mới cưới, các bạn hãy suy nghĩ kỹ về điều này. Giai đoạn đầu luôn được ghi dấu bằng một thứ mê hoặc nào đó, vốn làm cho cuộc sống ngập chìm trong hư ảo thường không tương xứng với thực tại của các sự việc. Nhưng chỉ khi nào sự si mê với những mong đợi của nó xem ra kết thúc, thì ở đó tình yêu thực sự mới có thể bắt đầu. Thực vậy, tình yêu không phải là mong người kia hay đợi cuộc sống tương hợp với trí tưởng tượng của chúng ta; đúng hơn có nghĩa đó là chọn lựa hoàn toàn tự do để chịu trách nhiệm về cuộc sống như nó đã được trao tặng cho chúng ta. Đây là lý do Thánh Giuse đã đưa ra cho chúng ta một bài học quan trọng, ngài chọn Đức Maria với “đôi mắt rộng mở”. Và chúng ta có thể nói “với mọi rủi ro”. Anh chị em nghĩ xem, trong Tin mừng Gioan, những lời khiển trách mà các tiến sĩ luật dành cho Chúa Giêsu là: “Chúng tôi không phải là những đứa con xuất thân từ đó”, ám chỉ đến việc mại dâm. Nhưng vì họ biết Đức Maria mang thai như thế nào và họ muốn làm nhơ bẩn mẹ của Chúa Giêsu. Đối với tôi, đây là đoạn dơ bẩn nhất, ma quỷ nhất trong Tin mừng. Và sự liều lĩnh của Thánh Giuse dạy cho chúng ta bài học này: cuộc sống đến thế nào thì hãy đón lấy như vậy. Thiên Chúa có can thiệp vào đó không? Tôi sẽ nhận lấy nó. Và Thánh Giuse đã làm theo lời sứ thần truyền: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1, 24-25).

Các cặp đôi kitô giáo sắp cưới được kêu mời làm chứng cho một tình yêu như vậy, một tình yêu có đủ can đảm để chuyển từ sự trạng thái si tình sang tình yêu trưởng thành. Và đây là một lựa chọn khắc khe, thay vì giam cầm cuộc sống thì có thể củng cố tình yêu để nó được bền vững trước những thử thách của thời đại. Tình yêu lứa đôi cứ thế tiếp diễn trong cuộc sống và trưởng thành từng ngày. Tình yêu thời gian đính hôn là một tình yêu – cho phép tôi dùng chữ này – có chút lãng mạn. Anh chị em đều trải qua điều này, nhưng rồi tình yêu trưởng thành bắt đầu, rồi từng ngày, công việc, con cái sẽ đến, vì vậy đôi khi sự lãng mạn cũng bị phai nhạt dần. Nhưng đó không phải là tình yêu đúng không? Phải, nhưng tình yêu trưởng thành. “Nhưng cha có biết nhiều lần chúng con cãi nhau…”. Điều này xảy ra từ thời ông Ađam và Eva cho đến hôm nay: Các đôi vợ chồng cãi nhau là chuyện thường như cơm bữa. “Nhưng không cần phải cãi nhau sao?” À có thể chứ. “Và thưa cha, đôi khi chúng con to tiếng nữa” – “điều đó đã xảy ra”. “Ngay cả nhiều lần chén đĩa cũng bay theo”. Nhưng làm sao để điều này không phá hỏng đời sống hôn nhân? Các bạn hãy nghe cho kỹ: đừng bao giờ để một ngày kết thúc mà không làm hòa. Chúng ta đã cãi nhau. Tôi đã nói với bạn những lời nói không hay, nói những điều tồi tệ. Nhưng giờ đây một ngày đang kết thúc: tôi phải làm hòa. Anh chị em biết tại sao không? Bởi vì chiến tranh lạnh sau ngày đó thì thật là nguy hiểm. Đừng để xảy ra chiến tranh ngày sau đó. Vì thế cần phải làm hòa trước khi đi ngủ. Anh chị em hãy luôn nhớ: đừng để một ngày kết thúc mà không có bình an. Và điều này sẽ giúp cho đời sống hôn nhân của anh chị em. Con đường từ si mê đến tình yêu trưởng thành là một lựa chọn thật khắt khe, nhưng chúng ta phải đi theo con đường đó.

Và lần này chúng ta cũng kết thúc bằng lời nguyện với Thánh Giuse:

Lạy Thánh Giuse

người đã yêu mến Mẹ Maria bằng sự tự do

đã chọn từ bỏ ảo tưởng của mình để nhường chỗ cho sự thật,

xin giúp mỗi người chúng con biết ngạc nhiên trước Thiên Chúa

và chấp nhận cuộc sống không phải là một điều gì đó không lường trước được để tự bảo vệ mình,

nhưng như một mầu nhiệm che giấu bí quyết của niềm vui thực sự.

 

Xin cho các cặp đôi kitô giáo sắp cưới có được niềm vui và biết dấn thân,

đồng thời luôn ý thức rằng chỉ có lòng xót thương và tha thứ thực sự mới có thể đem lại tình yêu.

Amen.

 

Bài 4. Thánh Giuse con người thinh lặng

Anh chị em thân mến

Chúng ta tiếp tục hành trình suy tư về Thánh Giuse. Sau khi đã minh họa môi trường nơi ngài đã sống, vai trò của ngài trong lịch sử cứu rỗi, đời sống công chính của ngài và là hôn phu của Đức Maria, hôm nay tôi muốn xem xét đến một khía cạnh quan trọng khác về hình ảnh của ngài: sự thinh lặng. Ngày nay, chúng ta rất cần sự thinh lặng. Sự thinh lặng rất quan trọng, tôi bị ấn tượng bởi một đoạn trong sách Khôn Ngoan mà tôi đã đọc đang khi nghĩ về lễ Giáng sinh: “Khi màn đêm chìm sâu trong thinh lặng, từ trời cao lời của Chúa đã ngự xuống trần gian”. Thời điểm im lặng nhất thì Thiên Chúa đã hiển hiện. Điều quan trọng là nghĩ về thinh lặng trong thời đại này, một thời đại mà dường như nó không còn nhiều giá trị.

Các sách Phúc âm không kể lại lời nào của Giuse thành Nazareth, không có lời nào, ngài không bao giờ nói lời nào. Điều này không có nghĩa là ngài kiệm lời, không phải vậy, có một lý do sâu xa hơn. Với sự thinh lặng của mình, Thánh Giuse xác minh điều mà thánh Augustinô đã viết : “Trong chừng mực – Ngôi Lời đã lớn lên trong chúng ta – Ngôi lời đã làm người – lời nói thì giảm lại”.[1] Trong chừng mực Chúa Giêsu – lời thiêng liêng – lớn lên, lời nói thì giảm lại. Điều này chúng ta có thể diễn tả như “chủ nghĩa con vẹc” nói như những con vẹc, nói liên tục, hãy bớt đi một chút. Chính thánh Gioan Tẩy giả, “là tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường cho Chúa” (Mt 3, 1), đã so sánh với Ngôi Lời: “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30). Điều đó có nghĩa là Ngài phải nói còn tôi phải im tiếng và qua sự thinh lặng của mình, Thánh Giuse mời gọi chúng ta hãy nhường chỗ cho sự hiện diện của Ngôi Lời nhập thể, là Chúa Giêsu.

Sự thinh lặng của Thánh Giuse không phải là câm nín đó là một sự thinh lặng đầy lắng nghe, tích cực, một sự thinh lặng bộc lộ nội tâm cao quý của ngài. “Chúa Cha đã nói một lời, và đó là Con của Ngài – Thánh Gioan Thánh Giá chú giải, – và Ngài luôn nói trong sự thinh lặng vĩnh cửu, trong sự thinh lặng Lời phải được linh hồn lắng nghe”.[2]

Chúa Giêsu đã trưởng thành nơi “mái trường” này, trong gia đình Nazareth, với mẫu gương thường ngày của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Và không có gì ngạc nhiên khi thấy Chúa tìm những khoảng lặng trong ngày sống của Ngài (X. Mt 14, 23) và Ngài yêu cầu các môn đệ của mình hãy thực hành kinh nghiệm này, chẳng hạn “Các con hãy lánh sang một bên, tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút” (Mc 6, 31).

Tuyệt vời biết bao nếu mỗi người chúng ta biết theo gương Thánh Giuse, có khả năng phục hồi lại chiều kích chiêm niệm của cuộc sống, được mở ra bằng chính sự thinh lặng. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy điều đó không dễ: im lặng một chút thôi khiến chúng ta sợ hãi, bởi vì nói đòi hỏi chúng ta phải rút sâu vào bản thân và gặp gỡ phần chân thật nhất của mình. Và rất nhiều người sợ im lặng, họ phải nói, nói và nói, hoặc là nghe radio, xem tivi… không thể chấp nhận im lặng được vì họ sợ. Triết gia Pascal nhận định rằng “tất cả những bất hạnh của con người xuất phát từ một điều duy nhất: từ việc không biết cách giữ yên tĩnh trong phòng riêng của mình”.[3]

Anh chị em thân mến

Chúng ta hãy học nơi Thánh Giuse biết trau dồi những khoảng lặng, để sao cho một Lời khác hiển hiện, là Chúa Giêsu, Ngôi Lời: qua đó Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta. Không dễ để nhận ra được Tiếng Chúa, thường bị nhầm lẫn với muôn ngàn âm thanh của những cám dỗ, khát vọng, hy vọng đang tồn tại trong chúng ta; nhưng nếu không có sự huấn luyện chính xác từ việc thực hành thinh lặng này, thì ngay cả chuyện nói của chúng ta có thể trở nên ốm yếu. Không thực hành thinh lặng thì lời nói của chúng ta sẽ bị ốm liệt. Thay vì làm cho chân lý trở nên tỏa sáng thì nó có thể trở thành vũ khí nguy hiểm. Thực vậy, những lời nói của chúng ta có thể trở thành những lời xu nịnh, hư vọng, dối trá, nói xấu, vu khống. Đó là một kinh nghiệm thực tế, như sách Huấn Ca nhắc nhở chúng ta: “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?” (28, 18). Chúa Giêsu đã nói rõ điều đó: ai nói xấu anh chị em mình, vu khống người thân cận, là kẻ sát nhân (x. Mt 5, 21-22). Giết người bằng lưỡi. Chúng ta không tin điều này nhưng đó là sự thật. Hãy nghĩ lại một chút về những lần chúng ta đã giết người bằng lưỡi thì chúng ta sẽ thấy xấu hổ! Nhưng nó sẽ tốt cho chúng ta, tốt hơn rất nhiều.

Sự khôn ngoan thánh kinh khẳng định rằng: “Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả. vội vàng đứng ra bênh vực họ” (Kn 18, 21). Và thánh Giacôbê Tông đồ, trong thư của ngài, đã khai triển chủ đề cổ xưa về uy quyền, mặt tích cực và tiêu cực, của từ này bằng những ví dụ nổi bật, ngài nói: “Nếu một người không mắc lỗi trong lời nói thì người đó hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thể thân xác […] Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn […] Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa” (Gc 3, 2-10).

Đây là lý do tại sao chúng ta phải học nơi Thánh Giuse tu dưỡng sự thinh lặng: đó là thinh lặng nội tâm trong đời sống hằng ngày, nơi đó chúng ta có thể để cho Chúa Thánh Thần tái tạo, an ủi và sửa chữa chúng ta. Tôi không nói là rơi vào chứng câm nín, không, nhưng là để tu dưỡng sự thinh lặng. Mỗi người hãy nhìn vào trong con người mình: nhiều lần khi chúng ta kết thúc một công việc đang làm thì chúng ta lại tìm điện thoại để thực hiện cuộc gọi khác ngay, chúng ta luôn làm như vậy. Điều này không giúp được gì, nó khiến chúng ta rơi vào tình trạng hời hợt. Chiều sâu của tâm hồn lớn lên cùng với thinh lặng, thinh lặng chứ không phải là chứng lặng câm, như tôi đã nói, nhưng là để nhường chỗ cho sự khôn ngoan, cho suy tư và cho Chúa Thánh Thần. Đôi khi chúng ta sợ những giây phút thinh lặng. Nhưng chúng ta không cần phải sợ như vậy! Im lặng sẽ giúp chúng ta ổn định hơn. Và lợi ích cho tâm hồn mà chúng ta có được chữa lành ngay cả miệng lưỡi chúng ta, lời nói của chúng ta và nhất là sự lựa chọn của chúng ta. Thật vậy, Thánh Giuse đã kết hợp im lặng với hành động. Ngài không nói, nhưng ngài làm, và điều đó thể hiện vào ngày Chúa Giêsu nói với các môn đệ của mình: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21). Im lặng, nói đúng, thỉnh thoảng cắn lưỡi một chút, sẽ tốt hơn thay vì nói những điều vô nghĩa.

Chúng ta kết thúc bằng một lời cầu nguyện:

Lạy Thánh Cả Giuse, người im lặng,

Trong Tin mừng ngài đã không thốt ra một lời nào,

Xin dạy chúng con biết tiết chế những lời vô ích

để tái khám phá giá trị của những lời nói nhằm xây dựng, khích lệ, an ủi và nâng đỡ.

Xin hãy gần gũi những người bị lời nói làm tổn thương, như vu khống và nói xấu,

Và xin giúp chúng con luôn biết kết hiệp lời nói và hành động. Amen.

————-

[1] Diễn văn 288, 5: PL 38, 1307.

[2] Dichos de luz y amor , BAC, Madrid, 417, n. 99.

[3] Những tư tưởng, 139.

Bài 5: Thánh Giuse, người di cư bị bách hại và can đảm

Anh chị em thân mến

Hôm nay tôi muốn trình bày cho anh chị em về Thánh Giuse như một di dân bị bách hại và can đảm. Đó là điều mà Thánh sử Matthêu đã diễn tả về ngài. Sự kiện đặc biệt này về cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng như Thánh Giuse và Đức Maria những nhân vật chính, theo truyền thống được gọi là “cuộc chạy trốn sang Ai Cập” (Mt 2,13-23). Gia đình Nazarét đã phải chịu đựng nỗi nhục này và đích thân trải qua cảm giác bấp bênh, sợ hãi, đau đớn vì phải rời bỏ xứ sở của mình. Ngày nay còn rất nhiều anh chị em của chúng ta bị buộc phải sống cảnh đau khổ và bất công tương tự như vậy. Nguyên do hầu như luôn là sự kiêu ngạo và bạo lực của những kẻ nắm quyền. Chúa Giêsu cũng bị rơi vào trường hợp như vậy.

Nhờ các đạo sĩ mà vua Hêrôđê biết được sự ra đời của “Vua dân Do Thái”, và tin tức này làm cho ông bối rối. Ông cảm thấy bất an, cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa. Vì thế ông tập hợp tất cả những nhà chức trách ở Giêrusalem để hỏi thăm về nơi sinh, và yêu cầu các đạo sĩ cho ông biết về nó cách chính xác, để – ông nói cách giả dối – ông cũng đến và thờ lạy Ngài. Tuy nhiên, khi biết được các đạo sĩ đã đi theo con đường khác, Hêrôđê đã nghĩ ra một ý tưởng thật gian ác: giết tất cả các trẻ em ở Bêlem từ hai tuổi trở xuống, dựa theo sự tính toán của các đạo sĩ đó là khoảng thời gian Chúa Giêsu được sinh ra.

Cùng lúc đó, một Thiên thần truyền cho Thánh Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2,13). Hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến nhiều người đang cảm thấy thôi thúc này trong lòng: “Hãy chạy trốn, chạy trốn, vì ở đây nguy hiểm”. Kế hoạch của Hêrôđô gợi nhớ đến Pharaon, ném tất cả các trẻ nam của dân Israel xuống sông Nil (Xh 1, 22). Và cuộc trốn chạy sang Ai Cập nhắc lại toàn bộ lịch sử của dân tộc Israel bắt đầu từ Abraham, là người đã từ trần tại đó (St 12, 10), cho đến Giuse, con của Giacóp bị anh em mình bán đi (x. St 37,36) và sau đó đã trở thành “thủ lĩnh đất nước” (St 41,37-57); và Môsê, người đã giải phóng dân của mình khỏi ách nô lệ của người Ai Cập (x. Xh 1, 18).

Cuộc chạy trốn sang Ai Cập của Thánh Gia Thất là để cứu Chúa Giêsu, nhưng đáng tiếc, nó cũng không ngăn cản được Hêrôđê thực hiện cuộc tàn sát của mình. Do đó, chúng ta đối diện với hai tính cách đối lập nhau: Hêrôđê với tính hung tàn và Thánh Giuse với sự ân cần và can đảm của ngài. Hêrôđê muốn bảo vệ quyền lực của mình bằng việc “lột da”, nhẫn tâm độc ác, như đã được chứng thực qua việc hành hình một trong các bà vợ của mình, một số con trai và hàng trăm kẻ đối lập. Ông là một con người tàn nhẫn: để giải quyết các vấn đề, ông chỉ có một phương cách : “giết chết”. Hêrôđê là biểu tượng của biết bao bạo chúa trong quá khứ lẫn hiện tại. Và đối với họ, những tên bạo chúa này, không đếm xỉa gì đến con người: chỉ nghĩ đến quyền lực, và nếu họ cần chỗ cho quyền lực, họ sẽ giết người. Và điều này cũng xảy ra hôm nay: chúng ta không cần phải nhìn vào lịch sử cổ đại, mà nó đang xảy ra trong hiện tại. Con người đã trở thành “sói” đối với người khác. Lịch sử tràn ngập những nhân vật, vốn đang sống trong quyền bính sợ sệt, họ cố gắng vượt qua nỗi sợ bằng cách thi hành quyền bính cách chuyên chế và thực hiện những ý định bạo lực vô nhân đạo. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng mình chỉ sống theo quan điểm của Hêrôđê khi mình trở thành bạo chúa. Không, thực ra đó là một thái độ mà tất cả chúng ta có thể rơi vào, mỗi khi chúng ta cố xua đi nỗi sợ hãi của mình bằng sự hống hách, thậm chí chỉ bằng lời nói hay hay bằng những hành vi lạm dụng nho nhỏ để hành hạ những người ở quanh mình. Ngay cả trong tâm của chúng ta cũng có khả năng trở thành những tiểu Hêrôđê.

Thánh Giuse đối lập với Hêrôđê: trước hết ngài là “người công chính” ( Mt 1,19), trong khi Hêrôđê là một nhà độc tài; hơn nữa ngài chứng tỏ sự can đảm trong việc thực thi lệnh truyền của Thiên thần. Chúng ta có thể hình dung ra những thăng trầm mà ngài phải đối mặt trong suốt cuộc hành trình dài, đầy nguy hiểm, khó khăn vốn cần đến sự bền bỉ ở một đất nước ngoại bang, với một ngôn ngữ khác: rất khó khăn. Lòng can đảm của ngài cũng được biểu hiện trong lúc trở về, khi được thiên Thần trấn an, ngài vượt qua nỗi sợ hãi có thể hiểu được của mình và cùng với Đức Maria và Chúa Giêsu trú ngụ tại Nazarét (Mt 2, 19-23). Hêrôđê và Thánh Giuse là hai nhân vật đối lập, luôn phản chiếu lại hai gương mặt muôn thuở của nhân loại. Một quan niệm thật sự sai lầm khi cho rằng sự can đảm như đức tính riêng của người anh hùng. Thực ra, cuộc sống hằng ngày của mỗi người – của bạn, tôi và tất cả chúng ta – đòi hỏi sự can đảm: người ta không thể sống thiếu can đảm! Can đảm để đối diện với những khó khăn từng ngày. Trong tất cả mọi thời đại và mọi nền văn hóa, chúng ta gặp thấy rất nhiều người nam nữ dũng cảm, để sống kiên định với niềm tin của mình, họ đã vượt qua mọi khó khăn, bằng cách chịu đựng bất công, lên án và thậm chí cả cái chết. Can đảm đồng nghĩa với mạnh mẽ, cùng với sự công chính, thận trọng và tiết độ làm nên một nhóm các nhân đức nhân bản, được gọi là “các nhân đức cơ bản”.

Bài học mà Thánh Giuse để lại cho chúng ta hôm nay là : cuộc sống luôn có những nghịch cảnh, đây là sự thật, và đứng trước những điều đó có thể chúng ta cảm thấy mình bị đe dọa, sợ hãi, nhưng đừng tìm cách bộc lộ điều tồi tệ của bản thân như Hêrôđê đã làm, mà chúng ta có thể vượt qua được những khoảnh khắc nhất định, bằng cách cư xử giống như thánh Giuse, phản ứng lại nỗi sợ hãi bằng sự can cảm phó thác cho sự Quan phòng của Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người di cư, những người bị bách hại và cho tất cả những ai là nạn nhân của những hoàn cảnh trái ngược: dù đó là hoàn cảnh chính trị, lịch sử hay cá nhân. Chúng ta hãy nghĩ đến các nạn nhân của chiến tranh muốn chạy thoát khỏi tổ quốc của mình nhưng không thể. Chúng ta hãy nghĩ đến những di dân, đã lên đường để được tự do và nhiều người trong số họ bị chết trên đường hay trên biển. Chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu trong vòng tay của Thánh Giuse và Mẹ Maria, đang chạy trốn, và chúng ta nhìn thấy nơi Ngài những di dân của thời đại này. Cuộc di dân của thời đại này là một thực tế đang diễn ra mà chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Đó là một điều tồi tệ trong của xã hội loài người. 

Lạy Thánh Giuse,

người đã trải qua nỗi thống khổ như những người phải chạy trốn,

là người buộc phải chạy trốn

để cứu lấy sinh mạng của những người thân yêu nhất.

Xin bảo vệ tất cả những ai đang trốn chạy vì chiến tranh

vì hận thù và đói khát.

Xin nâng đỡ họ trong những khó khăn

Củng cố họ trong niềm hy vọng và cho họ gặp được sự đón nhận và tình liên đới.

Xin hướng dẫn bước đường của họ và mở rộng tâm hồn của những ai có thể giúp đỡ họ.

Amen

Bài 6. Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu

Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm về Thánh Giuse là cha của Chúa Giêsu. Các thánh sử Matthêu và Luca trình bày Thánh Giuse như người cha nuôi của Chúa Giêsu chứ không phải là cha ruột. Thánh Matthêu xác định rõ, bằng cách tránh dùng công thức “sinh ra”, được sử dụng cho tất cả tổ tiên của Chúa Giêsu trong gia phả; ngài xác định Giuse là “chồng bà Maria, là người sinh ra Chúa Giêsu được gọi là Đấng Kitô” (1,16). Trong khi Luca khẳng định rằng Thánh Giuse là cha của Chúa Giêsu “như thiên hạ nghĩ” (Lc 3, 23), tức ngài xuất hiện với tư cách là một người cha.

Để hiểu được mối quan hệ cha con hợp pháp hay theo luật của Thánh Giuse, cần phải nhớ rằng vào thời cổ đại, ở Đông Phương, thể chế qui định nhận con nuôi rất thường xuyên, nhiều hơn so với thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến trường hợp phổ biến ở Israel được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật: “Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xoá khỏi Israel” (Đnl 25, 5-6). Nói cách khác, cha mẹ của đứa trẻ này là anh rể, nhưng người cha hợp pháp vẫn là người đã khuất, là người cho đứa trẻ mới sinh thừa hưởng mọi di truyền. Mục đích của luật này gồm hai mặt: đảm bảo cho dòng dõi người đã khuất và bảo tồn tài sản.

Với tư cách là người cha chính thức của Chúa Giêsu, Thánh Giuse thực hiện quyền đặt tên cho con trai mình, công nhận đứa trẻ về mặt pháp lý. Ngài là cha về mặt pháp lý, nhưng cách chung không phải là người đã sinh ra Chúa Giêsu.

Trong thời cổ đại, cái tên là bản trích yếu danh tính của một người. Thay đổi tên có nghĩa là thay đổi chính mình, như trong trường hợp của Ápram, được Thiên Chúa đổi tên thành “Abraham”, nghĩa là “cha của mọi người”, “bởi vì – như sách Sáng thế nói – ông sẽ là cha của nhiều dân tộc” (17,5). Cũng vậy đối với Giacóp, người được gọi là “Israel”, nghĩa là “người vật lộn với Chúa”, bởi vì ông đã chiến đấu với Chúa để buộc Người phải chúc lành cho ông (x. St 32,29; 35,10).

Nhưng trên hết, đặt tên cho một người hay cho cái gì đó có nghĩa là khẳng định chủ quyền trên những gì được đặt tên, như Ađam đã làm khi đặt tên cho muôn vật (x. St 2,19-20).

Thánh Giuse đã biết rằng, đối với người con của Maria, Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn một cái tên – tên Giêsu do người cha đích thực của Chúa Giêsu là Thiên Chúa đặt cho – tên Giêsu, nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”, như Sứ thần giải thích “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1, 21). Khía cạnh đặc biệt này liên quan đến hình ảnh của Thánh Giuse cho phép chúng ta hôm nay suy tư về tình phụ tử và mẫu tử. Và tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng: hôm nay hãy nghĩ về tình phụ tử. Bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại nổi danh mồ côi. Thật lạ lùng: nền văn minh của chúng ta là một nền văn minh mồ côi, và chúng ta cảm thấy đây là trại mồ côi. Hình ảnh của Thánh Giuse giúp chúng ta hiểu được cách giải quyết cảm giác là một cô nhi mà ngày nay đang khiến chúng ta đau khổ rất nhiều.

Sinh một người con vào lòng thế giới để được gọi là cha mẹ của nó vẫn chưa đủ. “Những người cha không được sinh ra, nhưng họ được trở thành cha. Và họ không trở thành cha chỉ vì sinh ra một đứa con trong thế gian, nhưng vì họ là người đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của người khác, theo một nghĩa nào đó, họ trở thành cha của người ấy” (Tông thư Patris corde). Tôi nghĩ cách riêng đối với tất cả những người mở lòng đón nhận sự sống qua con đường nhận con nuôi, đó là một thái độ thật quảng đại và cao đẹp. Thánh Giuse cho chúng ta biết rằng mối dây liên kết kiểu này không phải là thứ yếu, không phải là tạm bợ. Kiểu chọn lựa này là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu, của tình phụ-mẫu. Biết bao đứa trẻ trên thế giới đang đợi ai đó chăm sóc chúng! Và biết bao đôi vợ chồng mong ước được làm cha làm mẹ nhưng không thành vì lý do sinh học; hoặc dù đã có con nhưng họ vẫn muốn chia sẻ tình cảm gia đình với những người không có được nó. Đừng sợ khi chọn con đường nhận con nuôi, là con đường chấp nhận “rủi ro”. Và ngày nay, cũng có một sự ích kỷ nào đó đối với thân phận mồ côi. Hôm trước, tôi đã nói về mùa đông nhân khẩu đang có ở thời đại này: nhiều người không muốn có con, hay chỉ duy nhất một đứa thôi. Nhiều cặp vợ chồng không sinh con vì họ không muốn hay chỉ muốn sinh một đứa vì họ không muốn có thêm nữa, thế nhưng họ có hai con chó, hai con mèo… Đúng vậy, chó và mèo thế chỗ của con cái. Thật buồn cười, tôi hiểu, nhưng đó là sự thật. Và việc từ bỏ thiên chức làm cha mẹ làm giảm giá trị và lấy đi nhân tính của chúng ta. Một nền văn minh như thế trở nên quá già cỗi và không có nhân văn, vì sự phong phú của tình phụ mẫu bị mất đi. Và tổ quốc đau khổ vì không có con cái – như có người đã từng nói hơi hài hước “và ai sẽ trả thuế cho tiền hưu của tôi, khi mà không có con cái? Ai sẽ chăm sóc cho tôi đây?”, người đó cười, nhưng đây là sự thật. Tôi cầu xin Thánh Giuse ơn thức tỉnh lương tâm và suy nghĩ về điều này: về việc sinh con cái. Tình phụ mẫu là sự viên mãn của cuộc sống con người. Anh chị em hãy nghĩ điều này. Thực vậy, có tình phụ mẫu thiêng liêng đối với những người dâng hiến cho Thiên Chúa; nhưng những người sống giữa đời và lập gia đình phải nghĩ đến chuyện sinh con, sinh ra cuộc sống, vì chúng sẽ là những người vuốt mắt bạn, sẽ bận tâm đến tương lai của bạn. Và thậm chí nếu không thể sinh con, anh chị em hãy nghĩ đến việc nhận con nuôi. Đó là một rủi ro, đúng: có một đứa con luôn là một rủi ro, con đẻ và kể cả con nuôi. Nhưng rủi ro hơn khi không có đứa con nào. Sẽ rủi ro hơn khi phủ nhận tình phụ mẫu, tình phụ mẫu thực và thiêng liêng. Hai người nam nữ tự ý không phát triển ý thức về tình phụ mẫu thì họ đang thiếu cái gì đó chính yếu và quan trọng.

Anh chị em hãy suy nghĩ về điều này. Tôi mong rằng các thể chế luôn sẵn sàng trợ giúp việc nhận con nuôi, bằng cách quan tâm hết sức nhưng cũng phải đơn giản hóa tiến trình cần thiết để biến giấc mơ cần có một gia đình của nhiều trẻ nhỏ trở thành hiện thực, và nhiều đôi vợ chồng mong ước dấn thân cho tình yêu.

Cách đây không lâu, tôi đã nghe được lời chứng của một người, một bác sĩ, hai vợ chồng không có con nên họ quyết định nhận con nuôi. Đến thời điểm nhận con, họ trao cho gia đình ông một đứa trẻ và nói: “chúng tôi không biết sức khỏe của đứa trẻ này như thế nào. Dường như nó có bệnh”. Và khi đã nhìn thấy đứa trẻ ông ấy nói: “Nếu bạn hỏi tôi điều này trước khi vào đây, có lẽ tôi nói không. Nhưng tôi đã gặp được nó: tôi sẽ đưa nó theo”. Đây là ước muốn được làm cha, làm mẹ cho dù là con nuôi. Anh chị em đừng sợ điều này.

Tôi cầu nguyện để không một ai cảm thấy thiếu thốn tình cảm cha con, và cho những người đau yếu trong cảnh mồ côi tiếp tục tiến bước mà không có cảm giác tồi tệ như vậy. Nguyện xin Thánh Giuse thực thi việc che chở và giúp đỡ của ngài cho các cô nhi; và xin thánh Giuse chuyển cầu cho các cặp vợ chồng đang mong được sinh con. Vì lý do này chúng ta cùng cầu nguyện:

Lạy Thánh Cả Giuse

Ngài đã yêu thương Chúa Giêsu bằng tình yêu hiền phụ

xin ở bên những đứa trẻ không có gia đình

và đang mong ước có được cha mẹ.

Xin nâng đỡ các đôi vợ chồng không thể có con

giúp họ khám phá ra một chương trình rộng lớn hơn qua nỗi đau này.

Xin đừng để một ai thiếu gia đình, thiếu tình cảm,

thiếu người chăm sóc họ;

và xin cứu chữa lòng ích kỷ của những người khép mình với cuộc sống

để họ mở rộng tâm hồn cho tình yêu.

 

Bài 7. Thánh Giuse, người thợ mộc

Anh chị em thân mến

Thánh sử Matthêu và Marcô xác định Thánh Giuse là “thợ mộc” hay “thợ gỗ”. Ít phút trước chúng ta đã nghe dân làng Nazareth, sau khi nghe Chúa Giêsu nói, đã tự vấn: “người này chẳng phải là con của bác thợ mộc sao?” (Mt 13, 55; Mc 6,3). Chúa Giêsu làm nghề của cha mình.

Thuật từ Tekton, trong tiếng Hy Lạp, được dùng để ám chỉ đến công việc của Thánh Giuse, được dịch theo nhiều nghĩa khác nhau. Các giáo phụ Latinh của Giáo hội đã dịch nó theo nghĩa “thợ mộc”. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng ở Palestine vào thời Chúa Giêsu, gỗ không chỉ được dùng để làm cày và các đồ nội thất khác nhau, nó còn đùng để xây nhà, có khung bằng gỗ và mái bậc thang làm bằng xà, rầm được đan kết với nhánh cây và đất.

Do đó, “thợ gỗ” hay “thợ mộc” là chung một nghề, ám chỉ cả thợ mộc và thợ thủ công tham gia vào các hoạt động liên quan đến xây dựng. Một công việc khá vất vả, phải làm việc với các vật liệu nặng như gỗ, đá và sắt. Xét về khía cạnh kinh tế thì việc này không bảo đảm cho thu nhập cao, như có thể suy ra từ sự kiện Đức Maria và Thánh Giuse, khi dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, chỉ dâng một đôi chim gáy hoặc cặp bồ câu (x Lc 2, 24), như Luật đã qui định cho người nghèo (xem Lv 12 : 8 ).

Vì vậy, cậu bé Giêsu đã học nghề này từ cha mình. Cho nên, khi lớn lên, lúc Ngài bắt đầu rao giảng, những người dân trong làng đã kinh ngạc và tự hỏi : “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?” (xem câu 53), và họ đã vấp ngã vì Ngài (v. 57), bởi vì ông ta là con bác thợ mộc nhưng lại ăn nói như một tiến sĩ luật, và họ đã vấp ngã vì điều này.

Sự kiện liên quan đến tiểu sử của Thánh Giuse và Chúa Giêsu khiến tôi liên tưởng đến tất cả những người lao động trên thế giới, đặc biệt những người đang làm việc vất vả trong hầm mỏ và trong một số nhà máy; những người bị bóc lột khi làm việc chui; những nạn nhân lao động; những đứa trẻ buộc phải làm việc như lục lọi trong các bãi rác mong tìm thứ gì đó còn dùng được để đổi chác… Cho phép tôi nhắc lại điều mà tôi đã nói: các công nhân giấu mặt, những công nhân làm việc vất vả trong các hầm mỏ, trong các nhà máy nào đó : chúng ta hãy nghĩ đến họ. Đối với những người bị bóc lột bằng lao động chui, những người được trả lương lậu, giấu mặt, không có lương hưu, không có gì hết. Nếu không làm việc, bạn, không được an toàn. Lao động chui ngày nay rất nhiều.

Chúng ta hãy nghĩ đến những nạn nhân lao động, vì tai nạn lao động; Với các trẻ em bị buộc phải làm việc: điều này thật khủng khiếp. Các em trong độ tuổi vui chơi lẽ ra chúng phải chơi, thay vào đó chúng buộc phải làm việc như người lớn. Chúng ta hãy nghĩ đến các trẻ em này, thật tội nghiệp, phải lục tung trong các bãi rác mong tìm được cái gì đó hữu dụng để đổi chác. Tất cả những người này là anh chị em của chúng ta, họ kiếm sống bằng cách này cách khác, bằng những công việc vốn không nhìn nhận phẩm giá của họ. Chúng ta hãy nghĩ đến điều này. Nó đang xảy ra trong thế giới hôm nay!

Tôi cũng nghĩ đến những người không có việc làm: biết bao nhiêu người đã đến gõ cửa các nhà máy, hãng xưởng: “Ở đây có gì để làm không?” _  “không, không có, không có”. Thiếu việc làm!

Tôi cũng nghĩ đến những người cảm thấy nhân phẩm của mình bị tổn thương, bởi vì họ không tìm được việc làm. Họ về nhà: “Bạn tìm được việc gì không” – “Không, không có… tôi đã đến Caritas và lấy một cái bánh mì”. Điều mang lại phẩm giá cho bạn không phải là mang cái bánh mì về nhà. Bạn có thể nhận nó từ Caritas: không, điều này không đem lại phẩm giá cho bạn. Điều đem lại cho bạn phẩm giá đó là tìm kiếm được của ăn, và nếu chúng ta không ban phát cho dân của mình, những người nam nữ, khả năng tìm được của ăn, đó là một sự bất công xã hội tại nơi đó, ở quốc gia đó, lục địa đó. Các nhà cầm quyền phải cung cấp cho mọi người khả năng kiếm được của ăn, bởi vì khả năng tìm kiếm này đem lại phẩm giá cho họ.

Nhiều người trẻ, nhiều bậc cha mẹ trải qua thử thách không có việc làm vốn cho phép họ sống yên ổn, sống qua ngày. Nhiều khi tìm kiếm việc làm trở nên gây cấn đến mức khiến họ mất hết hy vọng và khát vọng sống. Trong thời gian đại dịch này nhiều người mất việc – chúng ta biết điều đó – một số người bị nghiền nát bởi sức ép không thể chịu nổi, đến mức tự kết liễu đời mình.

Hôm nay tôi muốn tưởng nhớ đến từng người trong số họ và gia đình của họ. Chúng ta thinh lặng một chút để nhớ đến những người đang tuyệt vọng vì không tìm được việc làm.

Chưa nói đến một thực tế rằng công việc là thành phần thiết yếu trong đời sống con người, và cả trong con đường nên thánh. Công việc không chỉ là phương tiện để kiếm sống: đó còn là nơi chúng ta thể hiện bản thân, cảm thấy mình có ích, và chúng ta học được bài học lớn về tính cụ thể, giúp cho đời sống tinh thần không trở thành chủ nghĩa duy linh. Tuy nhiên, thật không may, lao động thường trở thành con tin của bất công xã hội và thay vì là một phương tiện nhân bản nó lại trở thành một thực thể ngoại vi. Nhiều khi tôi tự hỏi: Chúng ta làm công việc hàng ngày với tinh thần nào? Làm thế nào để chúng ta đối phó với mệt nhọc? Chúng ta có thấy công việc của mình chỉ liên quan đến vận mệnh của chính mình hay với vận mệnh của người khác không? Trên thực tế, công việc là một cách thể hiện nhân cách của chúng ta, bản chất của nó là mối liên hệ. Làm việc cũng là cách thể hiện tính sáng tạo của chúng ta: mỗi người đều làm việc theo cách của mình, với phong cách của mình; cùng một công việc nhưng với một phong cách khác.

Thật tuyệt khi nghĩ rằng chính Chúa Giêsu đã làm việc và học nghề này từ chính Thánh Giuse. Hôm nay chúng ta phải tự hỏi mình rằng chúng ta có thể làm gì để phục hồi giá trị của công việc; và với tư cách là Giáo hội, chúng ta có thể đóng góp gì để nó được giải phóng khỏi cái logic của lợi nhuận đơn thuần và có thể được sống như một quyền và nghĩa vụ cơ bản của con người, vốn thể hiện và nâng cao phẩm giá của mình.

Anh chị em thân mến, về tất cả những điều này, hôm nay tôi muốn cùng anh chị em đọc lại lời cầu nguyện mà Thánh Phaolô VI đã dâng lên Thánh Giuse vào ngày 1 tháng 5 năm 1969 :

Lạy thánh Cả Giuse

Quan thầy của Giáo hội

ngài đã ở bên cạnh Ngôi Lời Nhập Thể,

đã làm việc mỗi ngày để kiếm của ăn

và kín múc từ Ngôi Lời sức mạnh để sống và làm việc chăm chỉ;

ngài đã trải qua nỗi lo lắng cho tương lai,

sự cay đắng của nghèo đói, sự bấp bênh của công việc:

Ngày nay, ngài chiếu tỏa gương sáng của ngài,

khiêm hạ trước mặt người đời

nhưng cao trọng trước mặt Thiên Chúa:

xin gìn giữ những người lao động trong cuộc sống khó khăn hằng ngày của họ,

bảo vệ họ khỏi bị ngã lòng,

khỏi nổi loạn cách tiêu cực,

và khỏi bị cám dỗ yêu thích khoái lạc;

và xin giữ hòa bình trên thế giới,

hòa bình mà chỉ nó mới có thể bảo đảm sự phát triển của các dân tộc. Amen.