Giáo phận Ban Mê Thuột “Trống Tòa”
WGPBMT (27.03.2022) – Ngày 19 tháng 03 năm 2022, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Chính tòa Ban Mê Thuột làm Giám mục Chính tòa giáo phận Hải phòng, đồng thời, kiêm Giám quản Tông tòa giáo phận Ban Mê Thuột “trống tòa và theo ý Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).
Như vậy, đây là lần thứ hai Giáo phận Ban Mê Thuột “Trống Tòa”. Lần thứ nhất, từ ngày 17 tháng 5 năm 2006, khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức vì lý do sức khỏe. Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đảm nhiệm Giám quản Tông Tòa từ ngày 29 tháng 5 năm 2006 đến khi có Tân Giám mục. Ngày 21 tháng 02 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm linh mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột.
“Trống tòa và theo ý Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis) nghĩa là gì?
Có những thể loại Giám Quản Tông Tòa (amministratore apostolico) khác nhau, như:
– Giám quản Tông Tòa cho trường hợp khuyết vị (sede vacante), ad nutum Sanctae Sedis (do Tông Tòa định đặt).
– Giám quản Tông Tòa cho trường hợp không trống tòa (sede plena).
– Giám quản Tông Tòa cho trường hợp cản tòa (sede impedita).
– Giám quản Tông Tòa được thiết lập cách bền vững (stabilita erecta).
Cả 2 lần “Trống Tòa”, Giáo phận Ban Mê Thuột đều ở trong trường hợp khuyết vị (amministratore apostolico, sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).
Về sự khuyết vị, Giáo Luật quy định như sau:
Toà Giám Mục khuyết vị khi Giám Mục Giáo Phận qua đời, khi sự từ nhiệm của ngài được Đức Giáo Hoàng chấp thuận, khi ngài được thuyên chuyển và khi lệnh bãi nhiệm được thông báo cho ngài (đ. 416).
Trong Thư Mục Vụ ngày 25.3.2022, Đức Cha Vinh Sơn viết: “Kể từ khi nhận sứ vụ tại giáo phận Hải Phòng, tôi không còn là Giám Mục Chánh Tòa giáo phận Ban Mê thuột, mà chỉ còn là Giám Quản Tông Tòa. Tuy nội hàm của chức vụ Giám Mục Chánh Tòa giáo phận và Giám Quản Tông Tòa có khác nhau, nhưng nói chung là tôi vẫn chăm sóc mục vụ cho giáo phận Ban Mê Thuột cho đến khi giáo phận có Tân Giám Mục.
Với tư cách là Giám Mục Giám Quản Tông Tòa, tôi bổ nhiệm cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu làm Tổng Đại Diện, với những quyền lợi và nghĩa vụ theo giáo luật điều 475, 478, 479, 480 và 481.
Các cha Quản Hạt, các cha có trách nhiệm và các cha Trưởng ban vẫn tiếp tục thi hành chức vụ cho đến khi Đức Tân Giám Mục nhận Tòa tại giáo phận Ban Mê Thuột”.
Khi Tòa Giám Mục giáo phận khuyết vị, Giám quản Tông Tòa có quyền của Giám Mục Giáo Phận, được luật quy định như sau:
“Giám Quản Giáo Phận buộc phải giữ các nghĩa vụ của Giám Mục Giáo Phận và ngài có quyền của Giám Mục Giáo Phận, ngoại trừ những gì bản chất sự việc hoặc chính luật đã loại trừ” (đ. 427§1).
Tuy nhiên, có khác với Giám Mục Chánh Tòa, Giám Quản Tông Tòa tuy vẫn có quyền thông thường (ordinaria) về hành pháp và tư pháp nhưng lại là quyền đại diện (vicaria), đại diện cho Đức Giáo Hoàng. Tất nhiên, vị Giám Quản không có quyền lập pháp.
– Tổng Đại Diện, Đại Diện Giám Mục có quyền hành pháp được ủy nhiệm hay thừa ủy (delegata) chứ không thông thường (ordinaria) và là quyền đại diện (vicaria).
– Đại Diện tư pháp cũ không hết quyền, nghĩa là, vẫn có quyền tư pháp thông thường (ordinaria) và là quyền đại diện (vicaria).
Cũng nên biết thêm, là dù có trống tòa hay không:
– Không hề có vị Đại Diện lập pháp, vì Giáo Hội không cho phép.
– Các cha quản hạt hay cha sở không có quyền nào trong các quyền (potestas) trên. Các ngài chỉ có thể được quyền ủy nhiệm (delegata) một vài quyền, như ủy quyền miễn chuẩn hôn phối.
Vì thế, Trong Thư Mục Vụ ngày 25.3.2022, Đức Cha Vinh Sơn kêu gọi: “Kể từ hôm nay, trong những giờ cử hành phụng vụ của cộng đoàn, xin quý cha và anh chị em đọc thêm 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, và 1 kinh Sáng Danh, để cầu xin Chúa sớm ban cho giáo phận có được Tân Giám Mục”.
Chúng con nài van Chúa. -Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Vũ Đình Bình