Giáo xứ sẽ chết nếu không có người tham gia

GIÁO XỨ SẼ CHẾT NẾU KHÔNG CÓ NGƯỜI THAM GIA

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (17.01.2024) – Một thân thể sống luôn cần các bộ phận khác. Bộ phận sống luôn cần thân thể. Cả hai là một và không thể thiếu nhau. Từ khởi điểm này, tôi nhớ lại lời tâm sự của một cha xứ nơi trời tây: “Ở đây rất nhiều giáo dân không còn lui đến nhà thờ nữa. Giáo xứ sắp phải đóng cửa, sắp chết rồi!” Lời than vãn này là hậu quả của quá nhiều vấn đề mà Giáo hội ngày nay đang quan tâm. Vì lý do này, Giáo hội đưa ra một phương thuốc khẩn cấp: đó là một giáo hội hiệp hành, tham gia vào giáo xứ.

  1. Vì đâu nên nỗi?

Nếu đặt bức tranh Giáo hội Châu Âu và Giáo hội Việt Nam gần nhau, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì đang tô vẽ bức tranh Việt Nam hết sức sinh động. Tại rất nhiều giáo xứ, các đoàn thể vẫn hoạt động, người trẻ vẫn hăng say tham gia hội nhóm, các em nhỏ vẫn vui học Giáo lý, người già vẫn lui tới nhà thờ, v.v. Ngược lại, rất nhiều giáo xứ ở Châu Âu chỉ “lèo tèo” vài người già cùng với cha xứ dâng thánh lễ. Lý do cụ thể là gì? 

Đã từ lâu, phong trào tục hóa (secularization)[1] khoét sâu vào mọi tầng lớp người dân. Vì nó mà người trẻ không còn mặn mà với tôn giáo. Nhiều mục tử cũng đi chệch đường rày của đường lối mục vụ của Thầy Giêsu. Người khác lại cho rằng thời hiện đại đang kéo con người xa lìa Thiên Chúa. Biết bao thú vui đang mời gọi người trẻ bước vào. Khi kinh tế phát triển cũng là lúc người ta dấn thân mạnh hơn vào con đường hưởng thụ. Khi khoa học lên ngôi, nhiều người phớt lờ chuyện đạo nghĩa và luân lý của Giáo hội… Mỗi người chúng ta có thể liệt kê thêm nhiều nguyên nhân dẫn đến “cái chết được báo trước này” của nhiều giáo xứ ở Châu Âu.

Giáo hội đang tìm những phương thức để đồng hành với con người. Mỗi giới, mỗi lứa tuổi sẽ có những cách thức khác nhau. Nhưng suy cho cùng, làm sao để giáo xứ hấp dẫn mới có thể lôi cuốn được con người. Thiên Chúa thì không lỗi thời hoặc buồn chán (Le toujours Nouveau Dieu-God is always new)[2]. Giáo xứ không hấp dẫn, theo thiển ý của tôi, thuộc về thiếu sót của con người. Vì điều này, Giáo hội hoàn vũ nói chung, Việt Nam nói riêng, đang mở cánh cửa để mọi người có thể tham gia.

  1. Ba cánh cửa đang mở ra[3]

a. Cánh cửa dành cho cha xứ

Tôi xin trích nguyên văn lời đề nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dành cho các linh mục trong năm mục vụ 2024 này:

“Anh em linh mục hãy ý thức chức tư tế thừa tác mà mình được lãnh nhận là để phục vụ chức tư tế cộng đồng do Bí tích Rửa tội. Cả hai chức tư tế, theo cách thức riêng của mình, đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô. Do đó, các chủ chăn có chức thánh phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội. Các ngài cần sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ, tín cẩn giao phó công tác để họ phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, cũng nên khuyến khích và tạo điều kiện để họ đảm nhận những công việc do chính họ khởi xướng (x. LG 37).”

Không phải ngẫu nhiên mà các giám mục muốn đề nghị tiến trình tham gia này đầu tiên phải là các cha xứ. Là chủ chăn, cha xứ không chỉ hiểu hoàn cảnh của giáo xứ, con chiên của mình, nhưng chính ngài phải mở mọi cánh cửa để các thành thần có thể tham gia. Đây là một thách đố không nhỏ dành cho các cha xứ thời nay. Thách đố vì người mục tử có khi cần phải mạnh mẽ đi đầu, có khi chủ động đi giữa đoàn chiên, và đôi khi phải khiêm tốn đi sau để nâng đỡ người chậm chạp phía sau[4].

Tôi thấy các Giám mục đề nghị điều này vô cùng kịp thời: “Tại các giáo xứ, linh mục và tu sĩ không kiêm nhiệm hết mọi việc thay thế giáo dân, nhưng hướng dẫn và đồng hành để giúp họ chu toàn ba chức năng của Bí tích Thanh tẩy.” Đây là nét đẹp của tham gia. Ai cũng có bổn phận và trách nhiệm. Khi thấy được hoa trái phục vụ, tự động người ta muốn tham gia. Càng tham gia, giáo xứ càng xinh động.

b. Cánh cửa dành cho người tu sĩ

Tạ ơn Chúa vì thành phần tu sĩ tại Việt Nam rất phong phú. Vì lý do này, các giám mục mời gọi:

“Anh chị em tu sĩ là những người đang sống theo ba lời khuyên Phúc âm, như dấu chỉ sự hiện diện của Nước Trời giữa trần gian, đồng thời dấn thân vào mọi môi trường của xã hội, như muối và ánh sáng giữa đời. Anh chị em hãy sống đúng và phát huy đặc sủng của mình, đồng thời cộng tác với các linh mục giáo phận, củng cố đời sống đức tin nơi các tín hữu và tích cực dấn thân trong những hoạt động bác ái và xã hội như chúng ta đang làm, góp phần làm tỏa sáng hình ảnh Đức Kitô trong xã hội hôm nay.”

Có thể nói những tu sĩ là thành phần cầu nối giữa giáo dân và giáo xứ. Họ cùng với cha xứ đồng hành với giáo dân. Với những linh đạo khác nhau, các tu sĩ cho thấy sức sống phong phú nơi nhà xứ. Tôi rất thích nhà xứ nào có bóng dáng người tu sĩ. Càng vui hơn khi thấy các tu sĩ phục vụ trong vui tươi niềm nở. Đây là điều kiện rất quan trọng để mọi thành viên tham gia cùng nhau. Thử hỏi một tâm trạng buồn sầu làm sao truyền lửa cho người khác được? Nếu không vui vẻ tự nguyện, ai dám nghĩ họ muốn lui tới nhà xứ? Nói như Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Chẳng có sự thánh thiện trong sầu não, không hề có!” Hay như người ta ví von: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn!”!

c. Cánh cửa dành cho giáo dân

Tuy lời đề nghị thứ ba Giám mục dành cho giáo dân, nhưng đây lại là quan trọng nhất. Lý do: một giáo xứ sẽ chết nếu không thấy giáo dân! Còn giáo dân nghĩa là còn cộng đoàn. Giáo dân còn nhu cầu lui tới nhà thờ, nhà xứ, nghĩa là giáo hội còn sống động. Vì lý do này, các giám mục khuyến khích:

“Anh chị em giáo dân hãy ý thức về sứ mạng và vai trò của mình trong Giáo hội. Nhờ phẩm giá chung do phép rửa tội, anh chị em là những người đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội. Anh chị em không những thuộc về Giáo hội mà là Giáo hội (x. Christifideles laici, số 9). Do đó, hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục để xây dựng Giáo hội và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa đời.”

Chắc phải viết cả một thiên trường ca về chủ đề này. Để vắn tắt, ước gì mỗi thành phần trong giáo xứ mạnh dạn hơn nữa để tham gia. Ai cũng thấy mình trong ngôi nhà giáo xứ. Giáo xứ là môi trường sống của chúng ta. Từ đây, giáo dân thực sự làm cho giáo xứ có sức sống và sức sống của giáo xứ sẽ tuôn chảy đến các thành phần giáo dân. Hoặc nói như lời thánh Phaolô nhắn với giáo dân tại Côrintô:

“Chân không thể nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”. Tai không thể nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày” (1Cr 12, 15-21).

Nếu ai đó còn nghi ngờ về tính tham gia này, xin một lần nữa “lên dây cót” cho mình với lời khuyến khích của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Năng:

“Một thân thể triển nở khỏe mạnh khi mọi chi thể hoạt động theo đúng chức năng của mình trong sự hài hòa của toàn thân. Tất cả mọi Kitô hữu đều có quyền và bổn phận tham gia vào sự tăng trưởng của Hội Thánh, tùy theo chức năng và đặc sủng Chúa ban cho mình, làm đúng và làm tròn vai trò của mình, đồng thời luôn tôn trọng vai trò của người khác. Trong Hội Thánh, không ai được thụ động hay dửng dưng; không ai là độc quyền; không ai bị loại trừ; không ai được coi thường vai trò của người khác, dù đó là một chi thể bé mọn nhất.”[5]

  1. Vài mô hình cho các thành phần tham gia

Hiện nay nhiều giáo xứ đang lan tỏa sức sống đến các thành viên. Đằng sau sức sống đó là những chương trình hết sức phù hợp và thu hút được nhiều người. Dưới đây tôi lặp lại vài phương cách học được từ các giáo xứ gọi là thành công trong đường hướng mục vụ hiệp hành này:

– Chương trình phong phú cho cộng đoàn: Cha xứ và giáo dân cùng tạo ra các chương trình đa dạng như hội thảo, buổi thảo luận, các khóa học về đức tin, văn hóa, và các nhóm nhỏ chia sẻ Lời Chúa và tham gia cộng đồng.

– Thánh lễ đa dạng và thú vị: Tạo sự đa dạng trong các buổi thánh lễ bằng cách sử dụng âm nhạc, các nghi lễ truyền thống, giảng lễ sâu sắc và sinh động hơn, để thu hút sự chú ý và tham gia của tín hữu.

– Hoạt động xã hội và từ thiện: Thực hiện các hoạt động từ thiện và xã hội như việc hỗ trợ người nghèo, thăm viếng người già, các dự án xã hội vì công bằng và hòa bình để cộng đồng thể hiện đức tin thông qua hành động.

– Hình thành và phát triển các nhóm đức tin: Tổ chức các khóa học khác nhau về những chủ đề trong đạo Công giáo. Học và cầu nguyện với Thánh Kinh sinh động hơn. Để ý đến những cơ hội giúp tín hữu hiểu sâu hơn về các hướng dẫn của đạo Công giáo.

– Thiếu nhi và thanh thiếu niên: Đầu tư hơn nữa vào các chương trình giáo dục dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm các buổi sinh hoạt, hội thảo, và các nhóm nhỏ để xây dựng cộng đồng người trẻ năng động. Điều này các giáo xứ đang làm rất tốt với phong trào thiếu nhi thánh thể.

– Sử dụng công nghệ: Cha xứ và những người có trách nhiệm can đảm tận dụng công nghệ thông tin để truyền tải thông điệp, chia sẻ tài nguyên, tổ chức các sự kiện trực tuyến, và tạo môi trường kết nối cho cộng đoàn.

– Giao tiếp và tương tác: Tạo ra các cơ hội cho cộng đoàn giao tiếp và tương tác thông qua các buổi gặp gỡ, các nhóm nhỏ, hoặc các hoạt động ngoại khóa để tăng cường mối quan hệ trong và ngoài giáo xứ.

– Sáng tạo và linh hoạt: Khuyến khích sự sáng tạo và linh hoạt trong cách tiếp cận và tổ chức các hoạt động tôn giáo, để phản ánh nhu cầu và mong muốn của các tín hữu.

Các giải pháp trên có thể thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của từng giáo xứ, nhưng mục tiêu chính là tạo ra một môi trường sống động và hấp dẫn, khuyến khích sự tham gia tích cực của mọi thành phần trong giáo xứ.

Ngoài ra, các giáo xứ có thể áp dụng các phương pháp ngoài đời để có cùng một đường hướng chung khi tham gia giáo xứ. Hẳn nhiên những phương pháp siêu nhiên Giáo hội vẫn luôn khuyến khích dùng. Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu vài phương pháp thú vị:

– Tạo môi trường chào đón: Tạo ra một môi trường giáo xứ thân thiện, chào đón và động viên mọi người tham gia. Sự nhiệt tình và sự hoan nghênh từ cộng đoàn sẽ khuyến khích người khác dấn thân hơn hơn.

– Giao tiếp cởi mở: Xây dựng một hệ thống giao tiếp hiệu quả và cởi mở giữa lãnh đạo giáo xứ và các thành viên. Sự hiểu biết về những nhu cầu, quan tâm và ý kiến của mọi người sẽ giúp tạo điều kiện để họ tham gia tích cực hơn.

– Tạo cơ hội tham gia: Rủ nhau và tạo ra nhiều cơ hội tham gia đa dạng để phù hợp với sở thích, tài năng và thời gian của mọi người. Có thể là các nhóm nhỏ, hoạt động từ thiện, dự án xã hội, các khóa học, sự kiện văn hóa, hay các hoạt động thiêng liêng.

– Khuyến khích và đánh giá: Tạo sự khích lệ và động viên đối với những đóng góp tích cực từ mọi người. Việc đánh giá và công nhận những nỗ lực của họ có thể thúc đẩy sự tham gia và cam kết cao hơn.

– Lãnh đạo tích cực: Lãnh đạo giáo xứ cần thể hiện lòng nhiệt thành và sự cam kết đối với cộng đoàn. Học lãnh đạo như Chúa Giêsu, nghĩa là họ cần truyền cảm hứng và dẫn dắt bằng khôn ngoan và tế nghị để để khuyến khích mọi người tham gia hơn.

– Phát triển kỹ năng và lãnh đạo: Tạo cơ hội cho mọi người phát triển kỹ năng và khả năng lãnh đạo thông qua các khóa đào tạo, hướng dẫn và mentorship[6]. Những người tự tin hơn thường sẽ tham gia tích cực hơn trong cộng đoàn.

– v.v.

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/khai-niem-the-tuc-hoa-va-nhung-van-de-lien-quan-41517

[2] https://www.globalsistersreport.org/column/speaking-god/god-always-new-16446

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-thu-muc-vu-gui-cong-dong-dan-chua-ve-giao-hoi-tham-gia-52651

[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giai-dap-thac-mac-cho-nguoi-tre-cach-giao-hoi-dong-hanh-voi-con-nguoi-49206

[5] https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898

[6] Đọc thêm: https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/mentorship-la-gi

print