Giới thiệu sách: Tay trắng tay đen – Nhật ký Châu Phi của tác giả Lm. Cao Gia An. SJ

Giới thiệu sách: Tay trắng tay đen – Nhật ký Châu Phi của tác giả Lm. Cao Gia An. SJ – Đình Chẩn giới thiệu

CHA ƠI, CHA SẼ LÀM BẠN VỚI CON CHỨ ?

(Chút tâm tình chia sẻ khi đọc Tay Trắng Tay Đen, Nhật Ký Châu Phi của Cao Gia An S.J)

Không hiểu sao vừa khi đọc Tay trắng- Tay Đen, Nhật ký Châu Phi của Linh mục Cao Gia An S.J, tôi nghĩ ngay đến quyển sách “Father, Will You Be My Friend?”-(“Cha ơi, cha sẽ làm bạn với con chứ?”) của cha John Lee (1962-2010), cùng với bộ phim tài liệu nổi tiếng ra đời từ hơn 10 năm trước: “Don’t Cry for Me Sudan” (2010) (“Đừng Khóc Thương Tôi – Sudan”), một bộ phim đã làm xúc động hàng triệu tâm hồn.

Tôi thấy cả hai có nhiều điểm chung từ hoàn cảnh gia đình, đến công danh sự nghiệp, nhất là tình yêu và nhiệt huyết tông đồ dành cho người trẻ.

Trong cuốn: “Father, Will You Be My Friend?”, với 24 câu chuyện cha Lee viết trong thời gian điều trị ung thư giai đoạn cuối, phần giới thiệu có đoạn: “Ở Sudan đây, có hai điều rất đẹp mà người ta không thấy ở Hàn Quốc. Một trong hai điều đó là có vô số ngôi sao trên bầu trời. Thật vậy, nhiều đến nỗi dường như chúng có thể rơi xuống bạn bất kỳ lúc nào. Điều thứ hai chính là đôi mắt của người trẻ. Những đôi mắt rất to và sáng đến nỗi dường như chỉ cần bạn khẽ chạm vào thì những đôi mắt ấy liền sáng bừng lên. Khi bạn chiêm ngắm đôi mắt các trẻ em ở đây, bạn nhận thấy những đôi mắt to đến nỗi chúng có vẻ đượm buồn và đồng thời cũng rất đẹp. Có vẻ như bất kỳ lúc nào, những đôi mắt ấy cũng diễn tả vẻ ngạc nhiên từ trong tâm hồn. Dường như qua những đôi mắt to mà đẹp ấy, nhân loại có thể cảm nhận được Thiên Chúa trong công trình sáng tạo”.

 

Trong Nhật Ký Châu Phi, tác giả Cao Gia An cũng ghi lại những điều tương tự: “Tôi biết Abigai trong một lần đến thăm ngôi trường nhỏ nằm bên rìa khu ổ chuột. Lớp học của cô bé chỉ là một căn phòng nhỏ ọp ẹp. Có mái tôn che nắng. Có mấy tấm phên dựng hờ làm tường. Có đủ số bàn và số ghế đặt san sát nhau cho khoảng 20 em học sinh. Cô bé Abigai ngồi ở cuối lớp, ngước nhìn tôi bằng đôi mắt tròn vo sáng rực.” (Chương 1: Abigai).

“Tôi có dịp nhìn kỹ hơn bố của Abigai. Anh có đôi mắt rất sáng. Khi anh ngước mắt nhìn tôi, tôi đọc thấy một sự chân thành rất đẹp. Tôi cũng đọc thấy trong ánh mắt của anh nỗi buồn xa vời vợi…” (3. Baba Yetu)

“Người dân Châu Phi nói chung rất thích những sắc màu rực rỡ. Vì đó là màu của sự sống. Màu chói lọi của vầng mặt trời nung đốt lục địa này ban ngày. Màu rực rỡ của vầng trăng toả sáng trên bầu trời quang đãng vào mỗi đêm. Màu của bầu trời mỗi độ bình minh ló rạng, hay mỗi lúc hoàng hôn buông xuống trên vùng thảo nguyên mênh mông” (18. Màu hoa đỏ).

Tôi thấy cả hai vị đều được Chúa ban cho “những tài lẻ” như cầm, kỳ, thi, họa, dù chỉ là tự học, cũng đã làm rung động những tâm hồn tưởng chừng đã khép kín trong tuyệt vọng ở trại tị nạn (43. Quả bóng xẹp và những đôi giày rách).

Cha Lee chia sẻ: “Tôi bắt đầu dạy âm nhạc cho trẻ em. Tôi có suy nghĩ rằng âm nhạc là một cách rất tốt để đối diện với sự thật và chữa lành những vết thương gây ra bởi chiến tranh và nghèo đói…Các em học và trình diễn âm nhạc nhanh đến nỗi tôi có cảm giác họ có sẵn âm nhạc trong máu”.

Tác giả Cao Gia An cũng có chung nhận xét: “Với mỗi người dân Châu Phi, âm nhạc chừng như đã nằm sẵn trong máu của họ rồi. Chỉ cần âm nhạc vang lên, bắt cứ là loại âm nhạc nào, thì bất cứ người dân Châu Phi nào, từ người lớn đến trẻ con, đều sẽ lắc lư một cách rất tự nhiên. Họ rất dễ để cho mình được cuốn vào trong thế giới của âm thanh và nhịp điệu” (15. Djemb -Tiếng trống Châu Phi).

Tất cả đều diễn tả lòng nhiệt thành tông đồ mà cả hai dành cho người trẻ. Cha Tae-seok Lee từng tâm sự: “Những ngày này, tôi thường nghĩ, ‘Nếu là Chúa Giêsu, liệu Ngài sẽ xây trường học hay thánh đường trước? Dù tôi có nghĩ thế nào đi chăng nữa, có vẻ như Ngài sẽ xây trường học trước tiên. Một ngôi trường thánh thiện như thánh đường dạy về tình yêu thương, một ngôi trường tràn đầy tình thương khiến bạn cảm thấy như được ở nhà mình”.

Kinh nghiệm của Lm. Cao Gia An cũng tương tự: “Từ khi vào Dòng Tên và được huấn luyện theo hướng của Dòng Tên, tôi trở thành người thích chơi với trẻ con. Đặt mình chơi với trẻ con, tôi thấy mình là tu sĩ hơn. Trẻ con dạy tôi cách sống đơn sơ và nghèo khó, dạy tôi có một trái tim khiết tịnh để yêu thương, dạy tôi cách vâng phục để đặt mình lệ thuộc” (49. Dòng Tên và Trẻ Em).

Lòng nhiệt thành tông đồ ấy không phải bỗng dưng mà có. Nếu John Lee là người con thứ 9 trong gia đình có 10 người con, mồ côi cha từ năm lên 9 tuổi thì Cao Gia An cũng sinh ra trong một gia đình nghèo, 6 người con, là anh cả từng phải đi bán vé số với ước mơ đổi đời. Tuổi thơ của cả hai là những tháng ngày lầm than vất vả, chẳng dám mơ một tương lai tươi sáng, nhưng với ơn Chúa và ý chí quyết tâm, cả hai đã vượt lên số phận và đạt được điều mình mơ ước.

Cha John Lee Tae-Seok nhân vật chính trong phim, là một linh mục Công giáo người Hàn Quốc, dòng Salediêng Don Bosco, từng du học Roma. Cha đã từ bỏ một nơi an nhàn để dấn thân cho anh chị em nghèo, cách riêng trẻ em ở Nam Sudan suốt những năm đầu đời linh mục cho đến khi qua đời vì bệnh ung thư. Ngài “đóng vai” là một mục tử, người cha, bác sĩ, giáo viên, nhạc trưởng, kiến trúc sư, bạn của trẻ em nghèo…vv. Phim đã được công chiếu trên truyền hình Hàn Quốc, KBS cũng như các rạp. Cha đã nói những lời cuối cùng đầy hi vọng: “Đừng lo lắng. Mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Dù phải chia ly đau buồn, cha đã truyền cảm hứng cho nhiều người dấn thân theo lý tưởng phục vụ người nghèo.

Khép lại Nhật Ký Châu Phi của cha Cao Gia An, với 8 chương, 51 đoạn, tôi có cảm giác như vừa xem xong tập hai của bộ phim nói trên, nhưng với nhiều biến chuyển tâm trạng nằm ngoài kịch bản. Qua văn phong vừa tinh tế vừa hài hước lại đầy chất nhân văn Kitô giáo của tác giả, hi vọng bạn đọc cũng sẽ khám phá ra những nét đẹp lạ lùng ở một nơi tưởng chừng như chẳng có gì đẹp. Vì thế, xin được kết thúc bằng lời tri ân rất đẹp được viết bởi đôi bàn tay đen gửi cho tác giả:

 

“Cám ơn cha đã làm người cha-người bạn tốt nhất của chúng con. Cha là cha-người bạn đầu tiên mà chúng con có được từ khi chúng con ở đây” (Từ Prudence và Charles, Đình Chẩn dịch từ tiếng Anh).

【Đình Chẩn, Vọng lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả 2024

Chủ biên VTCG https: vanthoconggiao.net】

print