Gợi Ý Tĩnh Tâm Mùa Chay 2022

print

GỢI Ý TĨNH TÂM MÙA CHAY 2022

GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG – THAM GIA – SỨ VỤ

Nguồn GP Xuân Lộc

Bài I. Hiệp Thông (1 Cr 12:4-13).

Bài 2: Tham Gia.

Bài 3: Sứ Vụ.

Các Bài Suy Niệm Tĩnh Tâm Giới Trẻ Mùa Chay 2022.

Theo lời mời gọi của Đức Phanxicô, chúng ta đang hướng tới xây dựng một Giáo hội HIỆP HÀNH: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Nghĩa là một Giáo hội cùng nhau cất bước hành trình, trong đó tất cả các thành phần Dân Chúa được mời gọi cùng nhau xây dựng và sống sự hiệp thông trong đức ái, cùng nhau tham gia tích cực vào mọi sinh hoạt và đời sống Giáo hội, và cùng nhau thực hiện sứ vụ loan báo tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho toàn thề nhân loại. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người nhận biết, tin và đi theo Chúa Giêsu để được hưởng hồng ân cứu độ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Như vậy, tất cả chúng ta, những Kitô hữu, được mời gọi cùng nhau tiến bước trên con đường theo Chúa Giêsu, và cũng là con đường Giêsu, để hướng đến Thiên Quốc vĩnh hằng (sự sống đời đời).

Bài I. Hiệp Thông (1 Cr 12:4-13)

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.

Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.

Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người. Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

  1. Hiệp thông của các Kitô hữu được xây dựng trên Thần Khí (Chúa Thánh Thần).

Những câu kết trong các lời nguyện, chúng ta thường cầu xin: Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con, Người hằng…hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời.

Trong cuộc sống hằng ngày, người Kitô hữu luôn làm dấu thánh giá dù ý thức hay là thói quen tốt. Chẳng hạn mỗi sáng khi thức giấc, hay mỗi tối trước khi ngủ; khởi đầu hay kết thúc một giờ cầu nguyện, một cuộc hội họp, hay một bữa ăn,… chúng ta vẫn thường làm dấu Thánh giá. Khi làm dấu Thánh giá như vậy là lúc ta tuyên xưng Một Thiên Chúa Ba Ngôi (Cha – Con – Thánh Thần). Kitô hữu, những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, tuyên xưng cùng một đức tin, vậy nên, chúng ta dù là ai, đấng bậc hay thường dân, đều hiệp thông với nhau, đều đồng tâm nhất trí trong cùng một đức tin của toàn thể Giáo hội.

Vì hiệp thông với nhau trong cùng một đức tin, và được hướng dẫn bởi cùng một Thần Khí, nên chúng ta có nhiệm vụ xây dựng sự hiệp thông này, mà như thánh Phaolô ví: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27). Nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu thuộc mọi thành phần, dù khác nhau về chức năng hay công việc trong Giáo hội, nhưng bình đẳng với nhau về phẩm giá, vì đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được mời gọi hiệp thông sâu xa với nhau (x. LG 32).

Như vậy, vì là chi thể trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, mọi bộ phận trong thân thể đều quan trọng và cần thiết, không có bộ phận nào kém quan trọng và không cần thiết,… nên mọi chi thể cần phải liên kết chặt chẻ với nhau, để bổ túc và hỗ tương nhau, để làm cho thân thể lớn mạnh và phát triển toàn diện. => bất kỳ một Kitô hữu nào cũng quan trọng và cần thiết trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. (Trẻ em hay người già; khỏe mạnh hay đau ốm; giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân: xem và giải thích thêm ý nghĩa Logo của Thượng HĐGM).

Chính Chúa Giêsu Kitô đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha, xin cho các môn đệ được hiệp nhất trong tình yêu, để các ông có thể thi hành sứ mạng rao giảng tin Mừng Nước Thiên Chúa, một sứ mạng cao cả nhưng đầy khó khăn và thử thách trong thế gian: “Xin cho họ [các Tông đồ / Giáo hội] nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21). Từ đó, Giáo hội Chúa Kitô luôn theo gương Thầy Chí Thánh hướng đến một Giáo hội hiệp nhất trong tình yêu nhờ sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4, 3 – 4).

Ta có thể nói được rằng, chỉ khi người Kitô hữu, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, xác tín Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô, mới có thể xây dựng và sống tình hiệp thông với nhau trong đức ái. Đây là mục tiêu thứ nhất và nền tảng để hướng đến Giáo Hội Hiệp Hành. Bằng không, người ta chỉ nhìn thấy Giáo hội như là một tổ chức trần thế đầy quyền lực và cơ chế, nặng nề về phẩm trật ; một Giáo hội phân cấp thứ bậc, phe cánh, độc tài, mạnh được yếu thua,…

Trong Chúa Kitô là đầu, các chi thể Kitô hữu hướng đến sự hiệp thông [ý muốn của Thiên Chúa] là luôn luôn bao gồm, không có sự loại trừ, nhằm hướng đến ơn cứu độ. Bao gồm mọi thành phần trong XH, trong Giáo hội, chớ không chỉ một số thành phần ưu tuyển nào đó. Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ.[1]

Như vậy, để có sự Hiệp thông, theo như chia sẻ của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng, “Luôn phải giữ hai điều: tôn trọng sự khác biệtduy trì hợp nhất. Sự hiệp thông là phẩm tính thiết yếu và là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá mọi sinh hoạt trong Hội Thánh.”[2]

  1. Thực hành việc hiệp thông

Chúng ta chỉ có thể thực hành sự hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa chỉ khi mỗi Kitô hữu luôn ở lại và gắn kết với Chúa Giêsu như cành nho gắn liền với thân nho, và chỉ những ai ở lại và gắn bó với Thầy Giêsu mới có thể sinh nhiều hoa trái, vì không có Giêsu, tất cả chúng ta chỉ là con số 0 to tướng: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 4-5).

Một khi đã gắn bó với Chúa Giêsu, các Kitô hữu được mời gọi hiệp thông với nhau, dù bạn là ai và đang đảm nhận trách vụ nào trong Giáo hội, như lời thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát: “Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phê-rô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại. Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông : chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì” (Gl 2,8-9).

  1. Trong giáo xứ, trong các cộng đoàn

Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32).

Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả Giáo Hội sơ khai: đông đảo nhưng các tín hữu chỉ có một lòng một ý. Sự đông đảo các thành viên trong cộng đoàn Giáo hội, Giáo xứ, với nhiều khác biệt về tuổi tác, học vấn, gia cảnh hay địa vị xã hội, … làm cho sự hiệp nhất, muôn người như một – một lòng một ý, càng trở nên có ý nghĩa. Sự khác biệt không trở thành rào cản, hay làm cho xa cách, trái lại làm cho phong phú, đa dạng, thắm tình nghĩa nhờ bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà văn hóa loại trừ dường như đang thắng thế theo như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Ngày nay mọi thứ đều theo luật cạnh tranh và luật sinh tồn của kẻ thích hợp nhất, ở đó những kẻ có quyền lực chèn ép những người yếu. Hậu quả là vô số người bị loại trừ và bị gạt ra bên lề: không việc làm, không phương tiện, không có bất kỳ lối thoát nào.[3] Điều này càng thôi thúc mỗi người nỗ lực thực hành sự hiệp thông với nhau.

Ca Dao – Tục ngữ Việt Nam nói về tình liên đới, sự hiệp thông, tình đoàn kết, để làm nên sức mạnh “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Mỗi người tự xét xem có ai trong giáo xứ, trong cộng đoàn mình đang bị loại trừ, đang bị vứt bỏ vì không có khả năng, vì hết sức lao động và trở nên gánh nặng cho giáo xứ, cho gia đình. Thêm nữa có ai đang loại trừ người khác, vì không đồng thuận, vì dám có ý kiến trái chiều, vì không hợp với người này người kia; hoặc có ai tự loại trừ mình vì không muốn cùng nhau tiến bước, vì thấy mình cao hơn anh chị em (cao hơn về đẳng cấp, địa vị, sự giàu có,…) và muốn mình phải ở một đẳng cấp riêng biệt.

Mọi người được mời gọi gặp gỡ nhau trong tình tương thân tương ái (đón nhận / đón tiếp nhau : welcoming); tất cả các thành viên trong giáo xứ, trong các Hội đoàn phải biết lắng nghe nhau: “Lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến,[4] và cùng nhau lắng nghe Thánh Thần để phân định ý Chúa, nhằm thay đổi cuộc sống, nhằm một cuộc hoán cải. (ĐGH Phanxicô: Toàn thể Dân Chúa, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma, tất cả đều lắng nghe nhau và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần,…)[5]

Mọi thành viên trong gia đình giáo xứ hay cộng đoàn được mời gọi hiệp thông qua việc cùng nhau lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ Bàn tiệc Thành Thể. Tôi có cùng với anh chị em sốt sắng cử hành Thánh lễ? Giáo hội [tất cả chúng ta] “chỉ có thể ‘cùng nhau cất bước hành trình’ khi cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể.[6]

Như vậy, “Linh đạo cùng nhau cất bước hành trình cần trở thành nguyên tắc giáo dục để huấn luyện con người nhân bản và con người Kitô hữu, con người của gia đình và con người của cộng đoàn.[7]

  1. Trong gia đình

Cha ông ta dạy: “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn.” Nghĩa là vợ chồng đồng lòng, đồng tâm nhất trí, cùng nhau nhìn về một hướng thì không có gì là không thành.

Lời bài hát: “Ba thương con vì con giống mẹ, Mẹ thương con vì con giống ba, cả nhà ta cùng thương yêu nhau, xa lại nhớ – gần nhau lại cười” Tình yêu thương đằm thắm trong gia đình.

Gia đình là Mái ấm, là nơi mà mọi thành viên trong gia đình tìm thấy niềm vui, bình an, hạnh phúc khi sum họp bên nhau, và khi đi xa mong ước được trở về mái ấm những dịp lễ tết.

Để được là mái ấm, mỗi thành viên phải không ngừng cố gắng nỗ lực để xây dựng, để vun đắp, để giữ lửa tình yêu, lửa hơi ấm trong gia đình.

Cụ thể:

+ Mọi thành viên biết dành giờ cho Chúa, và dành giờ cho nhau (gặp gỡ). Người cha người mẹ hết sức cố gắng để tạo được một bầu khí thiêng liêng, bầu khí đạo đức, bầu khí sum vầy trong gia đình với giờ kinh tối và giờ cơm tối chung [bầu khí bên ngoài đã khá ô nhiễm, nên cần tạo một bầu khí an lành, bình yên trong gia đình qua những giờ chung].

Có người bảo: Nhà con nghèo, đông con, phải lo chạy ăn từng bữa thì lấy đâu giờ mà ăn cơm chung, mà đọc kinh gia đình. Đừng bao giờ lấy lý do bận rộn, mệt mỏi, nghèo đói, không có thời giờ, mãi lo làm ăn, mà bỏ bê những giờ phút thiêng liêng quý giá này, vì đó chính là nguồn động lực trong những lúc khó khăn, là sức mạnh đỡ nâng những khi mệt mỏi, là lửa hơi ấm khi lạnh giá, là rượu tình yêu… (x. Ga 2:1-12 – Tiệc cưới Cana) ; “Này, Ta đứng ngoài cửa và gõ …” (Kh 3:20). [thực tế nhiều gia đình thiếu quan tâm nhau, quan tâm con cái, thiếu những sinh hoạt chung, thiếu bầu khí đạo đức mà xảy ra những hậu quả đau lòng].

+ Mỗi thành viên trong gia đình tập lắng nghe nhau. Vợ chồng lắng nghe nhau để thấu hiểu, cảm thông, và chia sẻ trách nhiệm với nhau. Cha mẹ cũng tập lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, và ý kiến của con cái; con cái nghe lời mẹ cha trong tinh thần kính trọng, yêu mến, và đối thoại.

+ Cùng gặp gỡ nhau trong các sinh hoạt gia đình ; cùng với việc lắng nghe và tôn trọng nhau trong tinh thần cầu nguyện chung, các gia đình sẽ nghe được tiếng Chúa, và can đảm đón nhận mọi biến cố để cùng nhau tiến bước trong tình yêu.

Kết: Xin cho mỗi người Kitô hữu luôn được kết hiệp với Chúa Giêsu và luôn gắn kết với nhau để xây dựng sự hiệp thông trong Giáo hội, vì:

Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi. Đâu phải ai xa lạ mà là người đang sống bên tôi. Thế giới này không ai là một hòn đảo. Vườn hoa này không có loài hoa lạc  loài.

Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với Chúa Kitô. Đâu phải ai xa lạ mà là người đang sống trong tôi. Chúa giáng trần yêu thương Ngài làm một người. Vì yêu người đã chết để cứu loài người. (Không Ai là Một Hòn Đảo – Nhạc sinh hoạt).

 

Bài 2: Tham Gia

Tham Gia Vào Đời Sống Hiệp Hành Của Giáo Hội

Chúng ta đã nói với nhau về hiệp hành trong đời sống hiệp nhất của đức tin và cung cách biểu tỏ đức tin. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu một khía cạnh khác của lối sống hiệp hành là cùng nhau tham gia vào đời sống Giáo hội. Chúng ta cùng khởi đi từ cội nguồn là Thiên Chúa để biết sự tham gia nhằm mục đích gì và khi tham gia, chúng ta cần làm gì?

Đức TGM Giuse Nguyễn Năng chia sẻ, “Con Thiên Chúa làm người để hiệp hành chứ không chỉ đồng hành với nhân loại…. Con Thiên Chúa đã hiệp hành, thực sự trở nên một con người, đi trên cùng một con đường với nhân loại, nói tiếng nói của con người, mang lấy những yếu đuối khổ đau như con người, thậm chí chết đau thương hơn cả con người.[8] Thật vậy, chúng ta biết rằng Tin Mừng cứu độ trọng đại nhất chính là, “Emmanuel-Thiên Chúa ở với chúng ta” (Mt 1, 24). Mục đích ở cùng-hiệp hành của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa để trao ban nguồn ơn cứu độ, đưa con người vào sống sự sống ân sủng của Chúa và dìm cuộc đời mỗi người vào trong biển tình yêu của Chúa.

Thánh sử Gioan tuyên xưng, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17). Như vậy, Chúa Giêsu đã tham dự vào đời sống của một con người để thấu hiểu, đồng cảm với phận người, để mang lấy nỗi khổ đau của nhân loại… và quan trọng hơn sự tham gia của Chúa Giêsu vào đời sống nhân loại nhằm biến đổi. Nghĩa là Chúa tạo mọi cách thế để đưa con người từ tình trạng cũ vào trong giá trị mới: người bại liệt đứng dậy và bước đi bằng chính đôi chân tê bại (x. Mt 9, 1-8), người mù được nhìn thấy ánh mắt sáng bằng chính đôi mắt mùa lòa của anh: hết lệ thuộc, hết mặc cảm, khỏi phải tránh né (x.Mc 10, 46-52); Lêvi đứng dậy theo Chúa (Mt 9, 9)… Chúa Giêsu đi vào trong lịch sử con người để đưa con người thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi hầu đi vào sống trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa: tội con đã được tha (x. Mc 2, 1-12); “Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 1-11). Như vậy, trong ánh sáng đức tin, Thiên Chúa không chỉ đi cùng mỗi người mà là hiện diện để trao ban nguồn nội lực của ơn thánh bên trong nhằm biến đổi.  

Chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa đang đi và luôn đi cùng với mỗi chúng ta trong con thuyền Giáo hội. Ngài mời gọi chúng ta tích cực góp phần mình, dẫu nhỏ bé, làm cho con thuyền Giáo hội thêm kiên vững và tiếp tục vượt sóng gió trần gian. Nghĩa là, mỗi người đừng thụ động chờ đợi ai đó làm gì cho mình nhưng năng động để làm gì cho anh em đang bên cạnh mình. Trước khi định ra những cách thức cụ thể cần làm gì, chúng ta cùng nhau nghe lại thao thức của Đức thánh cha Phanxicô trong bối cảnh đau thương của thế giới, “Thảm kịch Covid-19 toàn cầu như khơi lại rõ ràng cảm thức một cộng đồng thế giới đang chèo chống trên cùng một con thuyền, ở đó điều gây tổn hại cho người này cũng gây tổn hại cho người khác.” ĐTC muốn nhắc chúng ta nhớ rằng mọi người đang cùng nhau đi và đang cần sự nâng đỡ của nhau để tạo niềm tin, sức mạnh và hy vọng.

Chúng ta cũng có kinh nghiệm thực tế này vào những ngày tháng “sóng vỗ dồn dập” vào con thuyền tại Việt Nam từ tháng 5 đến 11/2021. Nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng của dịch bệnh, của áp lực, của chia ly, và bị pháo đài…  Cho dù hoàn cảnh bị ngăn sông cấm chợ đến thế nào, nhiều giáo xứ, nhiều đoàn thể, và nhiều người vẫn âm thầm len lỏi vào các bệnh viện, đến các dãy nhà trọ, những vùng dân cư bị cô lập để trao chút gạo, gửi vài thùng mì, nhu yếu phẩm để chống chọi với cái đói…Chúng ta cùng giúp nhau chèo chống để vượt qua khủng hoảng, nâng đỡ nhau để đi tiếp hành trình. Đó là cách sống hiệp hành thực sự của Giáo hội. Chúng ta gánh vác sự sống của nhau và chia sẻ đời sống cho nhau. Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta đọc lại sự kiện, mới cảm nhận rõ Thiên Chúa yêu thương hiệp hành-tham gia vào đời sống thường ngày với con cái cách gần gũi dường nào: tình Chúa diễn tả cụ thể trong tình người.

Sách Xuất Hành cho chúng ta đọc kinh nghiệm hiệp hành của Thiên Chúa với dân của Người qua lời đối thoại của Chúa với Môsê, “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3, 7-8). Thánh Maccô thuật lại động lực dẫn đến việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh nuôi dân chúng là từ việc quan sát, cảm nhận và xót thương. Maccô ghi nhận, “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, 34-35). Dạy cho con người biết về Thiên Chúa luôn là bận tâm lớn nhất của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Ngài không chỉ dừng lại ở việc “dạy” mà còn tìm cách “dỗ” để vỗ về, an ủi và giúp con người cảm nếm tình yêu thực sự. Thánh Maccô kể tiếp, “Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6, 36-37). Kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa luôn cần đến cảm nghiệm từ cuộc sống đời thường qua việc nhìn thấy, nghe thấu, nhận biết và hành động. Thiên Chúa đã thể hiện lối sống hiệp hành cách cụ thể như thế cho dân của Người trong Giáo hội; và Chúa mời gọi chúng ta học và áp dụng cách sống ấy mỗi ngày trong tương quan với anh chị em.

ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta sống lại kinh nghiệm tin tưởng vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Ngài viết, “Đấng Tạo Hóa không bỏ mặc chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ dở kế hoạch yêu thương của Ngài. Ngài không hối tiếc vì đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại vẫn có khả năng cùng hợp tác xây dựng ngôi nhà chung.”[9] Chúng ta càng thêm mạnh mẽ xác tín vào tình yêu tạo dựng và tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho mỗi người luôn được thực hiện. Nhờ ơn sủng và sức mạnh của Chúa, mỗi người mạnh dạn cộng tác xây dựng gia đình, giáo xứ và Giáo hội ngày một đẹp xinh theo lòng Chúa mong ước. Thánh Phaolô khẳng định, “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Ki-tô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1, 11-12).

Vì vậy, khi chúng ta xác định rõ mình đang cùng sống chung một mái nhà gia đình nhân loại và cùng trên con thuyền Hội Thánh, chúng ta được mời gọi cùng nhau cất bước hành trình theo ý muốn và lòng nhân ái của Thiên Chúa. Nghĩa là Chúa mời gọi chúng ta cùng tham gia vào xây dựng Giáo hội, gia đình và trao ban tình yêu thương huynh đệ giữa người với người. Chúng ta cùng chung sức bảo vệ và góp phần phát triển căn nhà nhân loại tại nơi chúng ta đang sinh sống là giáo xứ, giáo họ, xóm đạo, và gia đình. Bởi lẽ, “Hội thánh hiệp hành là Hội Thánh ra đi, Hội Thánh truyền giáo là Hội thánh luôn rộng cửa” (EG, 46). Cho nên, một phần chúng ta mở rộng cửa để đón tiếp anh em chị; phần khác, chúng ta cùng nhau đặt những bước chân của mình trên đường Hội Thánh. Không phân biệt lớn bé; không phân chia khỏe yếu; không xếp lớp giàu nghèo… Bước chân của mỗi thành viên đều quan trọng và cần thiết để chương trình cứu độ của Chúa được thực hiện và để hành trình Giáo hội không bị khiếm khuyết. Trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nói về vai trò quan trọng của mỗi người qua hình ảnh các chi thể trong cùng một thân thể như sau: “Chân không thể nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”. Tai không thể nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: Tao không cần chúng mày” (1Cr 12, 15-21). Như vậy, mỗi người chúng ta có một vai trò để thực hiện, và mỗi vai trò đều quan trọng. Với Thiên Chúa, không có việc phục vụ nào là nhỏ bé. Tất cả đều đáng kể.[10]

Đức TGM Giuse Nguyễn Năng dựa trên đoạn Lời Chúa này để diễn nghĩa việc tham gia của mỗi cá nhân trong lối sống hiệp hành của Giáo hội như sau, “Một thân thể triển nở khỏe mạnh khi mọi chi thể hoạt động theo đúng chức năng của mình trong sự hài hòa của toàn thân. Tất cả mọi Kitô hữu đều có quyền và bổn phận tham gia vào sự tăng trưởng của Hội Thánh, tùy theo chức năng và đặc sủng Chúa ban cho mình, làm đúng và làm tròn vai trò của mình, đồng thời luôn tôn trọng vai trò của người khác. Trong Hội Thánh, không ai được thụ động hay dửng dưng; không ai là độc quyền; không ai bị loại trừ; không ai được coi thường vai trò của người khác, dù đó là một chi thể bé mọn nhất.[11]

 Để cùng tham gia vào đời sống Giáo hội cách cụ thể, chúng ta cùng đưa ra một vài gợi ý thực hành trong đời sống đức tin:

Với bản thân:

Mỗi người cần tham gia vào hành trình của Đức Kitô, nghĩa là từ bỏ con đường theo ý riêng mình và can đảm bước vào con đường Thiên Chúa mời gọi. Đi với Đức Kitô thì chắc chắn chúng ta đang đi cùng Giáo hội vì Đức Kitô là Đâu, Giáo hội là chi thể. Để đi con đường của Đức Kitô trong lộ trình Mùa Chay thánh, xin gợi lên 3 thực hành này:

  1. Sám hối trở về với Chúa: khiêm tốn nhìn lại chính mình, nhận ra những bất toàn, tội lỗi. Tiên tri Giôen khích lệ chứa đựng hy vọng, “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2, 13). Đây là bước đầu tiên để đi vào lộ trình với Giêsu.
  2. Biết mình được Chúa yêu và cũng cần đến tình thương, sức mạnh và ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta không dừng lại ở việc nhận ra thân phận tội lỗi bất toàn nhưng cần sống cảm nghiệm người dân đệ được yêu. Tiên tri Giêrêmia cho chúng ta một cảm nghiệm sâu thẳm về tình yêu của Chúa, “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3). Thiên Chúa là nguồn tình yêu xót thương, nhân hậu và từ bi. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong cảnh khốn cùng phiền muộn. Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu vô tận nên dù tội lỗi ta ngập tràn cũng không ngăn trái tim Người yêu ta và sẵn sàng tha thứ khi ta biết nhìn nhận tội của mình và ăn năn sám hối. Hãy mở lòng cho tình yêu xót thương của Chúa tràn vào, cho ân sủng Chúa làm mới lại lối sống của mình qua việc lãnh nhận các bí tích (Thánh Thể và Hòa Giải). Qua đây, chúng ta mới ngộ ra sự thật rằng không có một ai là người bất xứng và bị loại trừ trước mắt Thiên Chúa. Nhờ tác động và cảm nếm mình là người được yêu, chúng ta hạnh phúc thật sự dấn thân, thật sự lắng nghe và vâng phục Thánh Thần.[12]
  3. Gắn bó với Đức Kitô (cầu nguyện): để thuộc về Chúa, chúng ta cần sống tương quan mất thiết với Chúa Giêu. Ngài chính là đường và nguồn sự sống (x. Ga 14, 6) dẫn chúng ta vào trong biển tình yêu của Thiên Chúa. Những giây phút dành riêng để đọc Kinh Thánh, thinh lặng bên Thánh Thể Chúa hay ngồi một mình ở bất kỳ chỗ nào mà tâm trí hướng về Chúa, nghĩ đến Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong thiên nhiên, trong anh chị em, hay bất cứ tạo vật nào… là chúng ta đang ở trên cùng một con đường của Đức Kitô. Hãy tập dành thời gian và không gian riêng cho Chúa mỗi ngày.

Với Giáo xứ:

Tích cực tham gia vào đời sống giáo xứ là thể hiện tròn đầy lối sống hiệp hành của Giáo hội. Lúc đó, chúng ta cùng đi chung một con đường, cùng nhau trong một con thuyền và giúp nhau đón nhận nguồn ơn thánh dồi dào. Chúng ta để ý đến 2 chiều kích:

  1. Tham gia vào đời sống phụng vụ: tham dự Thánh lễ, Chầu Thánh thể, và nhất là tập thói quen cầu nguyện riêng với Chúa. Đây là một cách thế thiêng liêng luyện cho mình một tương quan gần gũi Chúa và gặp Chúa thường xuyên. Những người thương yêu nhau thì họ luôn tìm cơ hội gặp nhau và gần nhau. Chúng ta xây dựng đời sống tình nghĩa với Chúa bằng việc khao khát gặp gỡ Chúa. Cách thế này có thể được coi là cách thế tham gia vào đời sống gia đình của Thiên Chúa trong Giáo hội. Bên cạnh đó, với khả năng được Chúa ban, hãy tích cực tham gia vào các phần vụ của mình như: đọc Sách Thánh, giúp lễ, đón tiếp, và trật tự trong các sinh hoạt đạo đức…
  2. Tham gia đời sống sinh hoạt các đoàn thể, các hoạt động bác ái của giáo xứ
  • Mỗi thành viên của cộng đoàn hay của nhóm có một vị trí quan trọng hướng tới xây dựng giáo xứ trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương. Nếu chúng ta ví Giáo Hội như một con tàu thì các đoàn thể hay các nhóm chính là những thành phần quan trọng làm nên con tàu Giáo hội. Vì vậy, chúng ta nỗ lực góp phần của mình để Giáo hội tiếp tục vượt biển trần gian và cứu vớt nhiều linh hồn. Chúng ta tham gia bằng thể hiện tinh thần lắng nghe, yêu thương, tôn trọng, huynh đệ và sáng tạo.
  • Hãy thực hiện tốt vai trò và phần việc của mình trong sự hài hòa và thân thiện. Đặc biệt, các thành viên giúp và thúc đẩy nhau dấn thân mục vụ thăm viếng anh chị em nghèo khổ, bệnh tật, già yếu…
  • Bén nhạy với các cá nhân và gia đình đang gặp khó khăn sau thời gian dịch bệnh Covid-19 và tìm những cách thế tốt nhất để nâng đỡ đời sống của họ.

Với gia đình

Sống tròn đầy vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình là con đường tốt nhất để nên thánh: cùng nhau tham gia tích cực xây dựng và phát triển gia đình thành Hội thánh yêu thương, thánh thiện và thánh địa của lòng thương xót Chúa.

  • Là chồng/ là cha: Hãy hoàn thành ơn gọi này bằng việc luôn nêu gương sáng đời sống của người chồng và người cha trong gia đình. Đây là con đường nên thánh của các ông trong việc sống trọn ơn gọi và bậc sống của mình. Nếu đã chọn bậc sống này mà không sống đúng ơn gọi này thì không thể nên thánh. Hãy sống trách nhiệm thủy chung trong hôn nhân và đồng hành với con cía trong ơn gọi là cha/bố.
  • Là vợ/ là mẹ: các bà hãy sống và thực hiện trọn vai trò là vợ và là mẹ bằng gương sáng cho chồng và con cái. Cũng vậy, các bà chỉ nên thánh khi hoàn thành ơn gọi và đặc sủng này bằng lòng yêu mến và phục vụ Chúa trong gia đình của mình.
  • Là con cái: Hãy sống thật cao đẹp giá trị đạo làm con thể hiện bằng lòng biết ơn, tôn trọng, và chia sẻ trách nhiệm với nhau. Tùy theo tuổi và địa vị của mình trong gia đình, hãy làm tốt phần việc của mình với lòng mến Chúa và vun đắp gia đình trong hy vọng và huynh đệ.
  • Các bạn trẻ: các bạn là tương lai của gia đình và xã hội. Thế nên, các bạn hãy rèn luyện cho mình một trách nhiệm của người con của Chúa và phục vụ theo cung cách Chúa Giêsu- gương mẫu trưởng thành và lãnh đạo. Ngoài việc sống tròn đầy ơn gọi trong gia đình, các bạn hãy tập luyện thêm:
  • Quan tâm thăm viếng để lắng nghe anh chị em đang gặp thử thách đau khổ.
  • Tìm ra cách thức tốt nhất giúp đỡ anh chị em.
  • Đối thoại và trình bày những thao thức với người có trách nhiệm để tìm ra đường hướng mục vụ hiệu quả.

Kết:

Tất cả chúng ta là con cái Chúa và đang sống trong Giáo hội của Đức Kitô. Chắc chắn, mỗi chúng ta được mời gọi quan tâm đến công việc của Thiên Chúa và thao thức xây dựng Giáo hội Chúa Kitô. Qua chủ đề học hỏi hôm nay, mỗi người hãy tìm ra phương cách tốt nhất tham gia vào đời sống Giáo hội theo với khả năng và địa vị của mình. Mẫu gương chúng ta được mời gọi chiêm ngắm là “Các vị Tử Đạo của chúng ta là những chứng nhân đáng tin cậy của một Giáo hội đi ra, một Giáo hội cảm thông và thương xót, một Giáo hội loan báo Nước Thiên Chúa bằng lời nói và việc làm”, do đó, tất cả những người được rửa tội đều được khuyến khích trở thành “những vị Tử Đạo”, nghĩa là “các chứng nhân”của Chúa Giêsu Kitô trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống và là những người xây dựng Nước Thiên Chúa, cũng như các vị Chân phước tử Đạo. (Fides 17/01/2022)[13]

Bài 3: Sứ Vụ

Trong diễn từ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác định mục đích của việc hướng đến một Hội Thánh Hiệp Hành là: “Một tiến trình trở nên, một tiến trình liên quan đến các Hội Thánh địa phương, trong các giai đoạn khác nhau và từ dưới lên, trong một nỗ lực thú vị và hấp dẫn có thể tạo nên một phong cách hiệp thông và tham gia hướng đến sứ vụ.[14] Như vậy, mục đích của Thượng Hội Đồng là hướng đến một Giáo hội hiệp hành, và Giáo hội hiệp hành là để thi hành sứ vụ của mình. Sứ vụ của Giáo hội là gì và sứ vụ của mỗi Kitô hữu là gì? Muốn biết điều đó chúng ta phải trở về nguồn là sứ vụ của chính Giêsu, Đấng thiết lập Giáo hội, Ngài đã trao cho Hội Thánh tiếp nối sứ vụ của Ngài.

  1. Sứ vụ của Chúa Kitô

Thánh Gioan đã diễn tả một cách xâu xa cõi lòng của Thiên Chúa, đó là “ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi”. Thương nhiều đến nỗi “đã ban con một để những ai tin vào con cuả Người thì khỏi phải hư mất, nhưng được sống muôn đời” (x. Ga 3,16). Thiên Chúa đã gửi Con của Ngài vào thế gian để cứu nhân loại. Thiên Chúa đã đi vào thế gian qua chính con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đi vào đời với sứ vụ nhận lãnh từ Chúa Cha không chỉ để cứu độ mà với một sứ vụ cao cả là mang đến cho nhân loại một tình thương “ đến nỗi ban chính Con Một” của Chúa Cha dành cho nhân loại.

Sứ vụ của Chúa Giêsu là mang ơn cứu độ cho toàn nhân loại. Sứ vụ đó được Ngài diễn tả một cách đậm nét qua những nghĩa cử yêu thương dành cho con người: Từ việc “ chạnh lòng thương” trước những người đói khổ đến những hành động yêu thương cho người mù trông thấy, người què đi được, người điếc được nghe, người chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng,.. và Ngài đã dùng chính cái chết của mình để diễn tả một tình yêu tột đỉnh và để hoàn thành sứ vụ đó. Ngài đã phản ảnh một dung mạo yêu thương của Thiên Chúa. Để con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ mật cách gần gũi. Một tình yêu được phát xuất từ những rung động từ con tim của Đức Giêsu, là Thiên Chúa và là Con Người.

  1. Hội Thánh tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô

Sứ vụ cứu độ nhân loại không kết thúc khi Chúa Giêsu về trời, sứ vụ đó được Chúa Giêsu trao lại cho Hội Thánh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Như thế, Hội Thánh được thành lập và hiện diện với mục đích mang ơn cứu độ cho nhân loại. Điều này đã được công đồng Vaticano II minh định một cách rõ ràng: “ Đức Kitô thiết lập Hội Thánh để Hội Thánh trở nên Bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ cho toàn thể và cho mỗi người” (GH 48b).

  1. Sứ vụ của người giáo dân đối với Hội Thánh và thế giới

Hội Thánh luôn ý thức sự quan trọng và cần thiết của vai trò người giáo dân trong lòng Hội Thánh cũng như trong thế giới. Giáo dân có một chỗ đứng quan trọng trong Hội Thánh, đến độ có thể nói rằng không có Hội Thánh nếu không có giáo dân. Giáo dân không chỉ là những người được coi sóc hay được phân phát các bí tích. Giáo dân cũng không phải là một khối bất động trong Hội Thánh để ngồi nghe giảng và quỳ xưng tội. Giáo dân có vị trí và vai trò đặc biệt như Công Đồng Vatican II đã khẳng định một cách mạnh mẽ: “Hội Thánh chưa thực sự được thiết lập, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có tầng lớp giáo dân đúng với danh nghĩa và nếu tầng lớp giáo dân này chưa làm việc với hàng giáo phẩm. Thật vậy, Tin Mừng không thể đi sâu vào tinh thần, vào đời sống, vào hành động của một dân tộc, nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân” (TG 21). Người giáo dân luôn được cổ võ và khích lệ cộng tác cùng mọi thành phân dân Chúa để thi hành sứ vụ của mình: “ Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Hội Thánh hiện diện và hoạt động ở nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Hội Thánh sẽ không trở thành muối của thế gian” (GH 33b)[15].

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Trong Hội Thánh, mọi thứ đều khởi đi từ phép Rửa Tội. Là nguồn gốc sự sống của chúng ta, Phép Rửa làm phát sinh phẩm giá bình đẳng của con cái Thiên Chúa, mặc dù có sự khác biệt của các thừa tác vụ và đặc sủng. Do đó, tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội Thánh[16]. Như vậy, cùng hàng giáo phẩm, giáo sĩ và tu sĩ, giáo dân là những người đã lãnh nhận lãnh nhận bí tích rửa tội, làm cho họ trở nên “Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Ki-tô theo cách thức của họ.”

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintô xác quyết rằng Thánh Thần ban cho mỗi người một đặc sủng riêng. Người thì được ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được ban cho lòng tin; kẻ thì cũng đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri… (x.1Cr 12, 7-10). Như vậy, tùy theo ân sủng được ban bởi Thánh Thần mỗi người thi hành sứ vụ của mình là xây dựng Hội Thánh và Phúc Âm hóa thế giới.[17]

  • Xây dựng Hội Thánh

Giáo hội đang gặp sóng gió.

Lịch sử Giáo hội là một chuỗi những khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài, nào là sự bắt hại, chống đối, khích bác, chia rẽ. Ngày nay, Hội Thánh Công giáo đang phải đối diện nhiều thử thách lớn, có thể gây tác động rất xấu lên đời sống đức tin của các tín hữu cũng như uy tín tinh thần của Hội Thánh trên thế giới. Ba hiện tượng mà Hội Thánh đang phải đối diện:

Hiện tượng nhiều người rời bỏ Giáo hội. Nhiều tín hữu đã bị mất đức tin và không còn đến nhà thờ nữa; ơn gọi tu trì tại nhiều nước Âu Mỹ bị giảm sút số lượng khiến nhiều nhà thờ bỏ không vì không có linh mục coi sóc.

Hiện tượng bất đồng chính kiến với Giáo hội. Hội Thánh gặp rất nhiều chống đối bên trong và bên ngoài. Nhiều phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng; Đòi cho nữ tu làm linh mục; Đòi cho người sau ly hôn đã tái hôn được rước lễ; Đòi công nhận hôn nhân giữa hai người đồng tính… Giới truyền thông và một số chính quyền tại một số quốc gia đã toa rập với nhau để tấn công Hội thánh: tố cáo hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục và ấu dâm nhằm hạ uy tín của Hội thánh Công giáo …

Hiện tượng người trẻ dửng dung với tôn giáo. Ngày nay, Đức tin của người trẻ đang “tụt dốc”. Tại nhiều giáo xứ, số các bạn trẻ đi lễ đang giảm dần một cách trầm trọng, nhiều bạn trẻ coi việc đi lễ là một gánh nặng. Đi vì bổn phận, hoặc vì gượng ép. Trong một nghiên cứu nhiều người trẻ Công giáo được phỏng vấn thì họ tự xếp họ vào loại “không theo tôn giáo nào” hay không có liên kết tôn giáo. Họ nói rằng họ không còn có liên lạc tôn giáo. Một thực tế tại các giáo xứ việc tổ chức các sinh hoạt hay các buổi tĩnh tâm cho giới trẻ là hết sức khó khăn.

Trước những khó khăn của Hội Thánh, người giáo dân không thể đứng bên ngoài một cách bàng quan. Nhưng họ được mời gọi sống tinh thần đồng trách nhiệm. Mọi giáo dân đồng trách nhiệm về Hội Thánh và về sứ mệng của Hội Thánh cùng với các chủ chăn, nhưng theo đặc tính riêng của mình. Đồng trách nhiệm có nghĩa là chu toàn phần của mình một cách tích cực, chủ động, dấn thân trọn vẹn, chứ không chỉ là “cộng tác” một cách chung chung, càng không được khoán trắng tất cả cho hàng giáo phẩm. (x. GH 37).

Thánh Tông Đồ Phaolô nói với các tín hữu Êphêxô rằng: “Anh em đã được xây trên nền tảng của các tông đồ và các ngôn sứ, có cùng ”đá tảng góc tường là chính Chúa Kitô Giêsu. Trong Người toàn công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2, 20-22). Hội Thánh không chỉ có Giáo hoàng, giám mục, linh mục, mà giáo dân chính là Giáo hội.[18] Giáo dân có vai trò quan trọng không ai thay thế được. Như kim giờ, kim phút, kim giây trong đồng hồ đều có vai trò của nó, không thể thay thế được. Cũng như mỗi viên gạch, mỗi tấc sắt đều có vai trò trong ngôi nhà. Trong Giáo hội cũng vậy, mỗi người một vị trí, một vai trò. Mỗi người là một chi thể khác nhau, tất cả cùng đi một con đường, mỗi người được trao ban một ân sủng và nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả đều làm một thân thể và mọi người đều là chi thể của nhau (x. GH 32). Điều quan trọng mỗi người sống đúng vai trò của mình.

Lối sống diễn tả tinh thần đồng trách nhiệm đó là:

Sống hiệp thông Giáo hội. CGS đã nói: Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau” (Lc 11, 17). Hiệp thông trước hết hết là sự đoàn kết trên yếu tố hữu hình, nghĩa là tuân theo một cơ cấu phẩm trật trong Hội Thánh; Nhưng không chỉ dừng ở đó, chúng ta còn phải hiệp thông trên bình diện thiêng liêng. Chẳng hạn, Linh mục dâng lễ không phải cho riêng cá nhân linh mục mà đang nhân danh Giáo hội. Lời cầu nguyện của linh mục hiệp thông trong lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha, là lời cầu nguyện của toàn thể Hội Thánh. Từ đó, linh mục luôn mang cảm thức của Giáo hội, trái tim đập cùng nhịp đập của Giáo hội. Mỗi giáo dân cũng được mời gọi sống hiệp thông bằng cách cảm thông với các vị chủ chăn trong mọi hoàn cảnh bằng cách năng cầu nguyện cho các ngài, trung thành và yêu mến Hội thánh, tích cực góp phần canh tân Hội thánh bằng việc năng tham dự các buổi học sống Lời Chúa, năng tham dự thánh lễ rước lễ và đón nhận các bí tích… Như thế, mỗi người góp phần canh tân Hội Thánh bằng chính sự nỗ lực kiến tạo sự hiệp thông trong cộng đoàn.

Sống “sự thật trong đức ái” (Ep 4, 15). Chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường.  Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu” (Ep 4,14-15).  Hiệp thông là phẩm tính thiết yếu và đặc thù làm nên Giáo hội. Nhân danh sự thật để làm tổn thương hoặc phá vỡ sự hiệp thông, đó là biến Hội Thánh thành một tập thể xã hội, chứ không còn là Thân Thể Đức Kitô. Người Kitô hữu được mời gọi sống tôn trọng sự thật trong tình bác ái.

  • Sống và loan báo Tin Mừng cho thế giới

Mỗi người khi chịu phép Rửa Tội đều được trao một sứ vụ Kitô hữu. Kitô hữu là người có Chúa Kitô, nên sứ vụ của Kitô hữu là làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách thể hiện chính dung mạo Chúa Kitô nơi cuộc sống của mình. Đây là ơn gọi nền tảng và căn bản của mỗi người.

Hai khía cạnh quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng là:

  1. Sống thánh là chứng tá hữu hiệu nhất

Công đồng Vatican khẳng định rằng tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân là tính cách trần thế. Vì thế, ơn gọi của người giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian và tất cả những công việc và bổn phận của trần thế, cũng như những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội dệt thành cuộc sống của họ. Người giáo dân thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho người khác (x. GH 31b). Nên thánh trong các sinh hoạt trần thế là một việc làm chứng âm thầm và hữu hiệu. Làm chứng cho Đức Kitô trong các công việc ở đời có thể là một chứng từ không đích danh nói về Đức Kitô, mà là chu toàn bổn phận trong tinh thần Phúc Âm.

Nét đẹp và sự hấp dẫn của một chứng nhân Tin Mừng đó chính là sự thánh thiện. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh đến vai trò của chứng nhân trong tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelli Nuntiandi) rằng: “Sứ mạng thiết yếu của Hội thánh là truyền giáo, và trên hết Tin Mừng phải được loan báo bởi các “chứng nhân”. Nhờ việc làm chứng không lời, bằng đời sống lành thánh trong cộng đoàn, người Kitô hữu gợi lên những câu hỏi tất yếu nơi tâm trí của những ai thấy cuộc sống của họ: Tại sao họ lại như thế? Tại sao họ sống như vậy? Điều gì hay là ai chính là động lực sống của họ? Tại sao họ sống giữa chúng ta? Một chứng tá như vậy là một việc loan báo âm thầm Tin Mừng và là một việc loan báo rất mãnh lực và hiệu nghiệm” (Số 21). Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn Vui Mừng và Hoan Hỉ thì quả quyết: “Sự thánh thiện là diện mạo hấp dẫn nhất của Hội Thánh” (số 9). Và Ngài nói tiếp “Mức độ thánh thiện của chúng ta được đo bằng tầm mức mà Đức Kitô lớn lên trong chúng ta, nghĩa là theo mức độ chúng ta rập khuôn cả cuộc sống mình theo cuộc sống của Người, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh thần” (Số 21).

Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận cho rằng một con người thánh, được hình thành từ những giây phút thánh trong cuộc sống: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ Thánh” (ĐHV. 978). Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Hoan Hỉ cho chúng ta một ví dụ cụ thể về sự nên thánh từng ngày trong cuộc sống: “Sự thánh thiện mà Chúa mời gọi anh chị em sẽ lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ. Đây là một thí dụ: một phụ nữ đi mua sắm, chị ấy gặp một người hàng xóm và họ bắt đầu nói chuyện, và việc bép xép bắt đầu. Nhưng chị ấy tự nhủ trong lòng: “Không, tôi sẽ không nói xấu ai cả”. Đây là một bước tiến trong sự thánh thiện. Sau đó, ở nhà, một trong những đứa con của chị muốn nói chuyện với chị về những hy vọng và ước mơ của nó, và mặc dù mệt mỏi, chị ấy ngồi xuống và lắng nghe với sự kiên nhẫn và tình yêu. Đó là một sự hy sinh khác mang lại sự thánh thiện. Sau đó, chị trải qua một vài lo âu, nhưng nhớ lại tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, chị lấy tràng hạt ra và cầu nguyện bằng đức tin. Một con đường nên thánh khác. Rồi chị ra đường, gặp một người nghèo và dừng lại để nói một lời tử tế với người ấy. Thêm một bước nữa (Số 16).

  1. Những hành động yêu thương có sức mạnh lôi cuốn mãnh liệt
  • Thái độ vô cảm giết chết khả năng yêu thương

 Ngày nay, người ta nói nhiều về chủ nghĩa cá nhân, bên cạnh những ưu điểm thì nhược điểm không nhỏ của chủ nghĩa cá nhân là lối sống ích kỷ, mong muốn được hưởng thụ và thực dụng. Điều này làm con người sống vô cảm với đồng loại. Nghĩa là sống với thái độ thờ ơ, không có cảm xúc trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Thái độ vô cảm sẽ dần làm mờ nhạt lòng nhân ái của con người.

Đức thánh cha Phanxicô gợi lên hai thái độ cần tránh để không dẫn đến vô cảm:

Dửng dưng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Để có thể là con người biết “chạnh lòng thương” cần phải vượt qua những thói quen dửng dưng. Một con tim biết “chạnh lòng thương” sẽ không bao giờ đi cùng với thái độ dửng dưng dù dưới hình thức nào.[19] Trong sứ điệp truyền giáo năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta những ẩn nấp tinh vi để ngụy biện cho thái độ dửng dưng: “Đừng bao giờ nghĩ rằng các con không có gì để cho, hoặc nghĩ rằng không ai cần các con. Mỗi người trong các con hãy tự nhủ trong lòng: nhiều người cần tôi.”

Trốn tránh. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “Chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp”. Chính suy nghĩ này làm cho chúng ta có thể lẩn trốn con tim “chạnh lòng thương” của mình. Trong Tin Mừng, trình thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều cho thấy cản trở này nơi các tông đồ. Các ông không hề dửng dưng, các ông cũng có khả năng “chạnh lòng thương” cùng với Thầy Giêsu; nhưng rõ ràng, các ông sợ và lẩn trốn sứ vụ dường như vượt quá khả năng của các ông. Bởi thế, để có thể “chạnh lòng thương”, người Kitô hữu cần có khả năng biết mình và biết Chúa để không lẩn trốn, nhưng sẵn sàng cộng tác với ân sủng để con tim “chạnh lòng thương” không ngưng nghỉ nhưng luôn sẵn sàng cho mọi người.[20]

  • Đào luyện một tấm lòng biết cảm thương trước nỗi đau của tha nhân

Hành động yêu thương chỉ có giá trị thực sự khi nó phát xuất từ một trái tim yêu thương. Nếu không nó sẽ chỉ là hành động xã giao hay việc bác ái xã hội. Yêu thương thật sự khi ta biết thấu cảm để cảm thông với nỗi đau của tha nhân. Ta chỉ có thể thấu cảm khi đi vào nỗi đau của người khác. Làm được điều này khi và chỉ khi chính bản thân chúng ta đã có kinh nghiệm về nỗi đau đó hoặc khi ta đặt mình trong hoàn cảnh của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thượng Hội đồng cung cấp cho chúng ta cơ hội để trở thành một Hội Thánh gần gũi. Chúng ta hãy tiếp tục trở lại “phong cách” riêng của Thiên Chúa, đó là gần gũi, thương xót và dịu dàng. Thiên Chúa luôn hành động theo cách đó. Nếu chúng ta không trở thành Hội Thánh gần gũi này với thái độ thương xót và dịu dàng, chúng ta sẽ không phải là Hội Thánh của Chúa. Không chỉ bằng lời nói, mà bằng một sự hiện diện có thể dệt nên những mối dây bằng hữu đẹp hơn với xã hội và thế giới. Một Hội Thánh không xa cách với cuộc sống, nhưng dìm mình trong các vấn đề và nhu cầu của ngày nay, băng bó vết thương và chữa lành những trái tim tan vỡ bằng sự an ủi của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên phong cách của Thiên Chúa, phong cách này phải giúp chúng ta: gần gũi, thương xót và dịu dàng.[21]

Làm thế nào có thể tiếp cận “Phong cách của Thiên Chúa”?

Thánh Phaolô khẳng định Chúa Giêsu chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15). Nơi Ngài nhân loại nhận ra một Thiên Chúa gần gũi yêu thương hơn là một Thiên Chúa của sự sợ hãi. Do đó, tiếp cận phong cách của của Chúa Giêsu ta sẽ nhận ra phong cách của Thiên Chúa là thế nào.

Những hành động của Chúa Giêsu luôn bắt nguồn từ lòng trắc ẩn. Ngài luôn “chạnh lòng thương” trước khi hành động. Tin Mừng nhiều lần dùng từ ngữ “chạnh lòng thương” để diễn tả cảm xúc của Chúa Giêsu (Mt 9,36; Mt 14,14; Mt 15,32; Mt 20,34; Mc 1,41; Mc 6,34; Mc 8,2; Lc 7,12). Một Thiên Chúa để cho ruột gan mình quặn thắt lại khi đứng trước mọi nỗi đau, sự khốn cùng của con người. Chính con tim “chạnh lòng thương” là động lực cho toàn bộ hành động của Chúa Giêsu. Sự chạnh lòng thương ấy đã làm cho Ngài quan tâm tới bất kỳ con người khổ đau nào. Ngài để cho mình bị lôi vào trong sự khổ đau và trong nỗi khốn cùng của con người, đơn giản, vì Ngài có thể và muốn “chạnh lòng thương“, vì Ngài có một con tim không biết xấu hổ khi “chạnh lòng thương.”[22] Vì thế, hành động nâng đỡ của Chúa Giêsu có một ý nghĩa sâu sa và đã để lại trong tâm hồn của người nhận lãnh một cảm nhận về sự gần gũi, yêu thương một cách  chân thành, và chính cảm nhận này là động lực sâu xa đã dẫn đến biến đổi nơi người được nhận lãnh. Đây chính là phong cách của Ngài.

Với cái nhìn đó, thì việc thi hành sứ vụ loan bao Tin Mừng của mỗi Kitô hữu cũng cần theo phong cách của Chúa Giêsu. Nghĩa là bắt nguồn từ tình yêu thương con người. Yêu ai thì muốn điều tốt đẹp nhất cho người ấy. Chúng ta nhận ra ơn cứu độ của Chúa thì vì yêu chúng ta cũng phải nói cho anh chị em mình về ơn cứu độ chúng ta được lãnh nhận, để họ cũng sẽ được như chúng ta.

Làm thế nào để có được lòng thương xót người khác?

Trước hết, để trở nên một Kitô hữu “chạnh lòng thương”, bản thân người Kitô hữu phải cảm nghiệm mình là người được Chúa “chạnh lòng thương”. Đức Thánh Cha Phanxicô, một vị giáo hoàng “chạnh lòng thương” trong đường lối và sứ vụ của Ngài. Không phải chỉ trong sứ vụ của một giáo hoàng mà ngay từ khi còn là giám mục. Và có lẽ, ngay từ khi ngài là linh mục. Châm ngôn của đời giám mục và của sứ vụ giáo hoàng của ngài là “Cảm thương và lựa chọn”. Điều này cho thấy, trước khi trở thành một con người “chạnh lòng thương”, ngài đã sống kinh nghiệm là người được “chạnh thương và kêu gọi” trong ơn gọi và sứ vụ của ngài. Từ đó, ngài mang trong mình một trái tim biết cảm thương và lựa chọn hành động theo định hướng lòng thương xót trong sứ vụ mục tử của ngài.

Vì thế, mỗi người cần hồi tâm để nhìn lại kinh nghiệm mình được yêu thương như thế nào dưới ba khía cạnh:

  • Nhìn lại cuộc đời của chúng ta để nhận ra tình thương của Chúa. Nhìn lại những biến cố xảy ra trong cuộc đời ta và có sự can thiệp của Chúa.
  • Nhìn lại tình thương mà mỗi người nhận được từ cha mẹ và những người thân.
  • Cảm nhận niềm hạnh phúc khi nhận được tình yêu tha thứ của Chúa cho những tội lỗi của ta, cũng như sự tha thứ của người khác dành cho mình
  • Yêu rồi làm

Thánh Augustin đã nói: “yêu rồi làm”. Động lực mạnh mẽ nhất để ta làm một công việc một cách tích cực đó chính là tình yêu. Quan sát hai người yêu nhau, họ luôn luôn muốn ở bên nhau, luôn muốn nói chuyện với nhau, và luôn muốn làm mọi việc cho nhau mà không hề than vãn, không hề mệt mỏi. Khi yêu, người ta có thể vắt cạn sức lực của mình vì người mình yêu, và có dư sáng kiến để làm những việc tốt cho người mình yêu. Loan báo Tin Mừng trên nền tảng của tình yêu sẽ giúp mỗi người nỗ lực và tích cực hơn, đồng thời sẽ có nhiều sáng kiến một cách lạ lùng. Khi đó, tất cả những hành động chúng ta làm cho người khác đều thấm đẫm tình thương và có sức mạnh lay động trái tim con người.

Kết:

Thế giới hôm nay là một thế giới đã tục hóa và đang tiếp tục bị tục hóa ngày càng sâu đậm. Vì thế, mỗi Kitô hữu đang đứng trước một sứ mệnh, một trọng trách không thể thay thế. Cánh cửa của một thế giới mới đang mở rộng chờ đón chúng ta. Một thế giới với bao nhiêu vấn đề của một xã hội trần thế, đầy cam go và cạm bẫy, đầy quyến rũ và thử thách, nhưng cũng chất chứa những tương lai và ánh sáng, những tiềm lực và hy vọng. Tương lai của xã hội trần thế và của Hội Thánh đang trong một xã hội đầy tính cách trần thế như xã hội hôm nay, tùy thuộc vào phẩm chất và sức sống mỗi Kitô hữu trong sự chung tay tham gia và sống hiệp thông với mọi người.

Các Bài Suy Niệm Tĩnh Tâm Giới Trẻ Mùa Chay 2022

HƯỚNG TỚI MỘT HỘI THÁNH HIỆP HÀNH:

HIỆP THÔNG – THAM GIA – SỨ VỤ

Dẫn nhập

Tựa đề của những bài suy niệm Mùa Chay năm nay (Tam nhật), cũng chính là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ 16 tổ chức tại Roma vào năm 2023.

Khác với những kỳ thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua, việc chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục lần này được diễn ra theo trình tự “từ dưới lên trên”; nghĩa là bắt đầu từ cấp giáo hội địa phương, sang đến cấp quốc gia, rồi mở ra đến cấp châu lục và cuối cùng là cấp giáo hội hoàn vũ khi đại hội toàn thể của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới.

Ngay từ chủ đề: Hướng tới một Hội thánh hiệp hành, chúng ta thấy Giáo hội hôm nay, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như đã “thay đổi cái nhìn”;  nghĩa là khác với trước đây – kỳ họp này – Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 thấy rằng “Hội Thánh Hiệp Hành” là mọi người cùng đi với nhau; là lúc mà toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, hiệp thông với nhau và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh. Đây là một hành trình dành cho tất cả mọi tín hữu mà ở đó mọi người cùng tham gia để lắng nghe nhau, lắng nghe trong bầu khí cầu nguyện, tham gia trong tinh thần dấn thân tích cực để đóng góp, để xây dựng hầu có thể hiệp thông và tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng cách hiệu quả nhất cho thế giới hôm  nay[23]. Theo Đức Thánh Cha Phanxico thì đây là “một hành trình phát triền đích thực hướng tới sự hiệp thông và sứ mạng mà Thiên Chúa kêu gọi Hội thánh thực hiện trong thiên niên kỷ thứ III này”[24].

Hội thánh hiệp hành còn là kiểu mẫu, là cách thức hiện hữu[25], một cách sống và hoạt động đặc trưng Hội thánh cần để chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay[26].

Với cái nhìn “vừa đổi mới, vừa xoay chiều “ này, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mọi người trong Hội thánh hôm nay – đặc biệt là các bạn trẻ – được mời gọi cùng “Hiệp hành” trong sự “Hiệp thông” để với sự “Tham gia” của mọi thành phần dân Chúa mà cùng thi hành “Sứ vụ” của mình.

Như vậy, chương trình đã được khởi động (đã khai mạc tại cấp giáo phận tháng 10/2021) và tiến trình “Hiệp hành” sẽ được triển khai và bắt đầu từ cấp giáo phận.

Với những điều trình bày một cách khái quát và sơ lược nêu trên, chúng ta cũng thấy được rằng, mỗi Kitô hữu – mà các bạn trẻ chúng ta là thành phần – được mời gọi để tham gia góp phần cho sự thành công của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần này trong Giáo hội ngay chính tại địa phương của mình.

Dựa theo chủ đề và tên gọi, chúng ta sẽ cùng lần lượt chia sẻ và suy tư về ba chiều kích của Giáo hội mà thượng Hội Đồng Giám mục lần này muốn nhắm đến và làm nổi bật trong chính cuộc sống của Giáo hội hôm nay: HIỆP THÔNG – THAM GIA – SỨ VỤ.

Chủ đề 1. SỰ HIỆP THÔNG TRONG HỘI THÁNH

Lm Francois de Sales Lê Văn la Vinh, OP

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người… Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12, 4-6.12-13).

Dưới sự soi sáng của Lời Chúa qua thư của thánh Phaolo, chúng ta có thể thấy được rằng nhờ Bí tích rửa tội, các tín hữu trong Hội thánh mặc dầu có nhiều khác biệt về chức năng, nhiệm vụ và đa dạng về chủng tộc, màu da, ngôn ngữ nhưng đều hiệp thông với nhau trong Chúa Kitô và trong Hội thánh của Người.

Hơn nữa, khái niệm về hạn từ “hiệp thông” chúng ta vẫn thường hiểu như là sự đồng thuận, sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn mà kiểu mẫu chúng ta có thể nói đến là cộng đoàn các tín hữu tiên khởi của các tông đồ mà sách TĐCV ghi lại (Cv 4,34-35).

Ghi nhận được sự “Hiệp thông” trong cộng đoàn tín hữu sơ khai do sách TĐCV ghi lại, chúng ta thấy có những yếu tố này:

  • Các tín hữu thì đông, nhưng một lòng một ý.
  • Của cải được gom góp lại thành của chung cho cộng đoàn.
  • Ai cũng được quan tâm – không ai phải thiếu thốn.
  • Ai nấy đều được phân phát theo nhu cầu.

Sở dĩ các tín hữu sơ khai có được tâm tình này bởi lẽ ai nấy đều ý thức rằng mình là thành viên trong cộng đoàn và mình là người thuộc về cộng đoàn ấy

Thiết nghĩ điều này là yếu tố then chốt để tạo nên sự hiệp thông trong cộng đoàn: từ gia đình, cho đến các nhóm, cho đến cộng đoàn giáo xứ và Giáo hội. Bởi lẽ, nếu không ý thức được 2 điều này, thì ai nấy cũng chỉ là người đứng ngoài, là khán giả, là người sống bên lề trong cuộc sống và sinh hoạt của cộng đoàn.

Chắc hẳn các bạn trẻ cũng đã nhận thấy và cảm nghiệm được 2 điều này trong cuộc sống khi quan sát và nhận thấy thái độ của những người sống “bên lề” của cộng đoàn: thái độ và cung cách thờ ơ, sự dửng dưng, bàng quang, lạnh nhạt… và với kiểu sống này, thì chắc hẳn mỗi người sẽ không tìm thấy được sự hiệp thông với người khác trong chính cộng đoàn của mình.

Sở dĩ có ai đó trong chúng ta có những thái độ hay lối sống vừa kể trên là bởi vì chính họ không cảm thấy mình là thành viên, họ không cảm thấy mình thuộc về cộng đoàn. Họ nghĩ mình là khách, là người tham quan, họ không dính dáng, không chia sẻ, không hiệp thông…

Ngay trong gia đình, ai đó trong chúng ta đang là tương quan vợ chồng khắng khít, liên đới do bí tích Hôn phối và do tương quan máu thịt với anh chị em trong gia đình, do đó chúng ta phải thuộc về nhau; đối với Giáo hội và cộng đoàn địa phương thì Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và con của Hội Thánh, do đó chúng ta là thành viên của cộng đoàn này.

Thiết nghĩ, trong ngày tĩnh tâm Mùa Chay hôm nay, chúng ta cùng nhau xem lại yếu tố căn bản này của mỗi người chúng ta để chúng ta cùng sám hối, sửa lỗi và làm mới lại sự hiệp thông của mỗi cá nhân với gia đình và với cộng đoàn giáo hội địa phương (giáo xứ) của mình.

Từ gia đình: Qua Bí tích hôn phối, hai người nam nữ đã gắn kết với nhau trong lời thề yêu thương chung thủy, và các con cái trong gia đình phải kính trong cha mẹ và yêu thương lẫn nhau để tạo dựng gia đình hạnh phúc. Đây là yêu tố căn bản để tạo nên sự hiệp thông trong mỗi gia đình. Sống trong xã hội đang trong thời kỳ đổi mới, nhiều người trẻ trong chúng ta bị cuốn hút vào vòng xoáy của công việc, của sự giao lưu nơi xã hội để rồi lơ là, bỏ bê, lạnh nhạt với những trách nhiệm, những tương quan và bổn phận trong gia đình. Điều này có nguy cơ làm cho sự gắn kết, sự hiệp thông của mỗi cá nhân với gia đình của mình mờ nhạt hơn, lỏng lẻo hơn. Và như thế, sự hiệp thông trong chính nơi gia đình mỗi người không được rõ nét, không bền chặt thì với giáo xứ và với cộng đồng xã hội sự hiệp thông xem ra thật mong manh và nhạt nhòa hơn.

Thật vậy, với ảnh hưởng của xã hội hôm nay cũng như cách sống thực dụng đã có một tác động lớn đến cung cách sống của từng mỗi người. Điều này làm đảo lộn các giá trị cho mỗi cá nhân trong gia đình, trong cộng đồng. Hay nói cách khác là những giá trị sống cần thiết và quan trọng trong cuộc sống như là tình gia đình, sự hiếu thảo vâng lời cha mẹ, sự đỡ nâng chia sẻ với anh chị em ruột thịt, việc quan tâm đến những người xung quanh cũng như việc tự thấy mình có trách nhiệm phải vun đắp, phải dựng xây cho mình có một ngôi nhà hạnh phúc mà ở đó mọi mối tương quan được tròn đầy, bền chặt thì không được quan tâm đủ hay đã bị bỏ quên.

Hơn nữa, người ta nhận thấy những từ ngữ “vô tâm”, “vô cảm”, “hững hờ” xuất hiện càng nhiều trên các trang báo như diễn tả một lối sống của một số bạn trẻ hôm nay. Lối sống này đã tác động đến những mối tương quan từ trong gia đình ra đến xã hội với cường độ ngày một nhiều hơn và sức lan tỏa ngày một rộng hơn. Những thái độ này đã vô tình đẩy lui đi và làm tan biến những sự quan tâm, chia sẻ, đỡ nâng, sống có trách nhiệm của mỗi cá nhân… Những nhân tố cần thiết để tạo nên sự liên đới hiệp thông trong gia đình (từ lâu nay chúng ta vẫn giữ)  ra như – hôm nay – có nguy cơ biến mất.

Phải chăng, Tuần Tam nhật Tĩnh tâm Mùa Chay với các bạn trẻ lần này là một cơ hội giúp các bạn xem lại, rà soát tâm tình, thái độ và cung cách sống của các bạn đối với thân nhân, với gia đình để tạo nên mối dây hiệp thông cần thiết trong chính gia đình của mình.

Đến cộng đoàn giáo xứ: Đọc lại thư Phaolo được trích dẫn ở trên thì mỗi người chúng ta khi sống trong cộng đoàn Giáo hội tuy rất khác biệt về chức trách nhiệm vụ, về công việc, về hoàn cảnh… nhưng có chung một Thần Khí; và chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Khi dùng hình ảnh một thân thể để diễn tả sự hiệp thông, thánh Phaolo cho thấy tất cả chúng ta đều là những chi thể, là những bộ phận khác nhau nhưng đều liên đới thông hiệp với nhau trong cùng một thân mình. Vấn đề còn lại là mỗi cá nhân các bạn trẻ chúng ta có nhận thấy được mình là thành phần là một bộ phận của thân thể đó không? Và mình có thuộc về thân thể đó không?

Đã là những chi thể trong cùng một thân thể thì có liên đới, tương quan với nhau và mỗi chi thể phải biết hoàn thành tốt nhiệm vụ và vai trò của mình thì thân thể mới được khỏe mạnh, cường tráng và hoạt động tốt được.

Giáo hội của chúng ta – Nhiệm thể Chúa Kitô – cũng vậy. Tất cả chúng ta đều là chi thể trong thân thể Mầu nhiệm mà ở đó: Đức Kitô là đầu, còn chúng ta là chi thể trong nhiệm thể này[27]. Tất cả mọi thành phần dân Chúa (chi thể) đều hoạt động tốt trong vai trò và bổn phận của mình, để mọi người, mọi giới đều liên đới hài hòa. Tất cả các chi thể đều bổ sung, chia sẻ và cùng thông hiệp với nhau thành một nhiệm thể duy nhất là Giáo hội của Chúa Kitô, Giáo hội hiệp thông, mọi người hiệp hành. Mong sao đừng để có ai trong chúng ta là cái ruột thừa (ruột dư) – một bộ phận vô dụng – trong nhiệm thể này.

Ngày hôm nay, các bạn trẻ của chúng ta bị cuốn hút nhiều vào cuộc sống mới với một tốc độ ngày càng gia tăng: các bạn ham làm, ham chơi, ham khám phá, ham hưởng thụ… và những đam mê này nơi người trẻ có nguy cơ làm xói mòn, làm phai nhạt đi những tương quan, làm mất đi ý thức được thuộc về của những thành viên trong chính giáo hội địa phương (giáo xứ) của mình. Và như thế trong việc Hiệp hành của Giáo hội (mọi người cùng đi trên một con đường của Chúa Giêsu), có ai đó trong các bạn như là khán giả, có ai đó trong các bạn đang là người đứng bên lề của tiến trình hiệp hành này… bởi lẽ những người ấy không hiệp thông, những người ấy không cảm thấy mình được thuộc về, không là thành viên của  đoàn người lữ hành này.

Trong tâm tình của những ngày tĩnh tâm Mùa Chay với chủ đề hướng tới một Hội thánh hiệp hành với chủ đề ngày thứ 1 là Hội thánh hiệp thông. Các cộng đoàn chúng ta  – cùng các bạn trẻ – được mời gọi xem lại cách sống của mình trong gia đình, trong Giáo hội và ngoài xã hội.

Xem xét lại cách sống để thấy mình đang là thành viên trong gia đình, trong giáo hội, và để nhắc nhớ rằng mình đang là người thuộc về… chứ không phải là khách tham quan, không phải là khán giả trong chính gia đình và cộng đoàn của mình. Có được như thế, mỗi người trong chúng ta sẽ tích cực hơn, sẽ dấn thân hơn để xây dựng gia đình thành một tổ ấm tràn đầy mến thương và lành thánh, để xây dựng giáo hội địa phương (giáo xứ) thành một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và hiệp hành. Và như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được Hội thánh Chúa Kitô – trong thế giới hôm nay – thành một Hội thánh Hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ.

 

Chủ đề 2.  HIỆP HÀNH – GIỚI TRẺ THAM GIA

Lm. Vinh sơn Lương Hồng Phong, OP

 

Trích thư gửi tín hữu Côlôxê: 1,3-6.9-10

3 Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, khi cầu nguyện cho anh em.4 Thật vậy, chúng tôi đã được nghe nói về lòng tin của anh em vào Đức Ki-tô Giê-su, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh;5 lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng6 đến với anh em; Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới.

9 Chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho.10 Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn.

Bạn trẻ tham gia vào đời sống gia đình Giáo Hội

Các bạn trẻ thân mến,

Giáo Hội luôn là gia đình của chúng ta, một gia đình vừa tràn đầy ân sủng thiêng liêng vừa đầy đủ những thực tại trần thế. Trong Giáo Hội, các bạn trẻ là nguồn nhân lực quan trọng với sức sống mạnh mẽ, làm nên sự trẻ trung sống động và sự hấp dẫn của Giáo Hội đối với thế giới. Trong Giáo Hội, các bạn trẻ là những người xây dựng tương lai, góp phần thiết yếu làm cho sức sống của Giáo Hội được viên mãn theo thời gian và trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội địa phương, các bạn trẻ là niềm hy vọng cho mọi chương trình mục vụ, truyền giáo, bác ái, xây dựng cộng đoàn Kitô hữu, v.v., được thực hiện cách sinh động và hướng đến những thành quả tốt đẹp. Đức thánh cha Phanxicô đã mạnh mẽ xác quyết về sức sống hào hùng và đáng trân trọng của các bạn trẻ trong đời sống xã hội và cả trong Giáo Hội: “Khi một người trẻ trỗi dậy, thì cũng giống như cả thế giới cũng trỗi dậy theo. Hỡi các bạn trẻ, các con có trong tay những tiềm năng thật lớn lao! Các con có sức mạnh to lớn trong trái tim mình!”  (Sứ điệp ngày Giới trẻ thế giới, 27.09.2021)

Chính vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI (2021-2023), khi mời gọi mọi thành phần Giáo Hội hiệp hành, đã đặc biệt lưu tâm đến sự tham gia của các bạn trẻ trong nhiều phương diện đời sống chung của cộng đoàn Kitô hữu: phụng vụ và cầu nguyện, huấn giáo, các hội đoàn, sinh hoạt tông đồ trẻ, bác ái. Giáo Hội mời gọi, khích lệ và tạo nhiều điều kiện để cho các bạn trẻ tham gia vào các chương trình chung của các giáo xứ, giáo phận và những kế hoạch toàn cầu. Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi các bạn hội nhập vào chính tuổi trẻ của Đức Giêsu, vì: “Mối tương quan của Đức Giêsu với mọi người là mối tương quan của một người trẻ chia sẻ cả cuộc sống của một gia đình hoà nhập với dân tộc.” (Tông huấn Christus vivit, 28). Những nét độc đáo nơi tuổi trẻ của Đức Giêsu đã truyền cảm hứng cho mọi thế hệ trẻ, để các bạn tiến đến sự trưởng thành đúng nghĩa về chiều kích nhân bản và thiêng liêng trong thời đại của các bạn: “Người trẻ phải lớn lên trong mối tương quan với Chúa Cha, trong ý thức thuộc về một gia đình và một cộng đồng, trong việc mở lòng ra để được tràn đầy Thánh Thần và được hướng dẫn thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa ủy thác, là ơn gọi riêng của mình.” (Tông huấn Christus vivit, 30)

  1. Bạn trẻ tham gia vào đời sống ân sủng

Nơi các bạn trẻ, lòng tin đối với Đức Kitô Giêsu và lòng mến đối với toàn thể dân thánh (x.Cl 1,3) chính là trợ lực mạnh mẽ để các bạn tham gia vào đời sống ân sủng của Giáo Hội. Niềm tin và lòng mến giúp cho các bạn không còn là những khán thính giả trong sinh hoạt phụng vụ của Giáo Hội, nhưng là những thành viên tham dự, được thông chia với Nhiệm thể của Chúa Kitô trong cùng một sự sống và tình yêu viên mãn.

Nhưng, các bạn đến với mỗi thánh lễ ngày Chúa nhật và cả ngày thường với tâm thế như thế nào? Phải chăng chỉ là giữ giờ theo luật Hội Thánh buộc để lương tâm các bạn được yên ổn vì đã chu toàn bổn phận căn bản của người Kitô hữu? Đó là những tâm thế ghì chặt các bạn trong sự nhàm chán, ức chế, căng thẳng; khiến cho nhà thờ có vẻ như một nỗi ám ảnh, thánh lễ dường như là một sinh hoạt miễn cưỡng và xa lạ, nên bạn có thể ngồi trong nhà thờ mà vẫn kín đáo mở điện thoại ra lướt web, nhắn tin, thậm chí chơi games điện tử, cho mau hết thời gian bó buộc bạn phải tuân giữ tại nhà thờ.

Các bạn ạ, tinh thần tham gia đích thực của Giáo Hội mời gọi các bạn hãy dự phần vào bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa Kitô với tất cả niềm tin sống động và lòng mến thiết tha. Khi ấy các bạn mới thực sự được cuốn hút vào ân sủng nơi thánh lễ và các cử hành phụng vụ của Giáo Hội. Các bạn sẽ sống trong niềm vui và hạnh phúc tuyệt hảo khi được đón nhận sự sống luôn tươi mới và tuyệt hảo từ Lời yêu thương và an vui của Thiên Chúa, từ việc chia sẻ cùng một nguồn sống nơi Thánh Thể Chúa Kitô. Các bạn sẽ nghiệm thấy một niềm vinh dự lớn lao, khi hòa nhập với gia đình Giáo Hội đang cần đến và luôn trân trọng sự hiện diện của bạn như một thành viên độc đáo, để các bạn cùng với Giáo Hội mở rộng cánh cửa gia đình của Đức Kitô, sẵn sàng chia sẻ ân sủng và niềm vui cứu độ cho mọi người tin.

Các bạn sẽ được thôi thúc để lắng nghe và đáp lời trong phụng vụ Giáo Hội với tất cả tâm trí và mọi cảm quan, để sự thiện hảo ngọt ngào nơi Thiên Chúa thẩm thấu vào thân tâm các bạn, trong sự hiệp thông với gia đình Giáo Hội. Hơn nữa, các bạn cũng cần tham gia vào lời ca tiếng hát của ca đoàn, vào việc chuẩn bị lễ vật dâng tiến của dân Chúa cũng là của chính cuộc đời các bạn. Có sự tham dự tích cực, sốt mến và phong phú của các bạn trẻ, chắc chắn phụng vụ thánh lễ và cầu nguyện trong Giáo Hội sẽ luôn bày tỏ cách sống động cho mọi người thấy nguồn sự sống và ân sủng tràn đầy nơi Chúa Kitô, luôn mở ra cho toàn thể nhân loại.

  1. Bạn trẻ tham gia vào chương trình huấn giáo

Các bạn trẻ là những nhân tố đắc lực tham gia vào tiến trình huấn giáo của Giáo Hội, để không ngừng cộng tác làm cho “Tin Mừng sinh hoa trái và lớn lên” (x.Cl 1,6) nơi tâm hồn của mỗi bạn, nơi cộng đoàn và nơi những người xung quanh. Các vị mục tử Giáo Hội nơi các giáo xứ đều nỗ lực thực hiện chương trình huấn giáo cho người trẻ, ngay từ độ tuổi “đồng cỏ non” cho đến tuổi trưởng thành. Các bạn trẻ được từng bước làm quen, hiểu biết, sống và chia sẻ những giáo huấn của Giáo Hội về tín lý, luân lý, Thánh Kinh và đời sống phụng vụ, để các bạn đươc tham dự vào ân sủng của các bí tích dưỡng nuôi cá nhân và xây dựng cộng đoàn Giáo Hội, hòa nhập vào công cuộc loan báo và làm chứng cho đức tin Công Giáo và tông truyền.

Các lớp giáo lý dành cho bạn trẻ trong từng độ tuổi khác nhau, luôn là cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ được gặp gỡ, đón nhận và chia sẻ đức tin với chính Chúa Giêsu là Thầy, là Sự Thật và Sự Sống, đang nói với các bạn, lắng nghe các bạn và hướng dẫn các bạn, qua những cách thức truyền đạt sinh động và chứng tá trung thành của các linh mục, các tu sĩ và các giáo lý viên phục vụ tại các giáo xứ. Các giờ học giáo lý là những thời khắc thuận lợi để các bạn trẻ kín múc những dưỡng chất cho đời sống đức tin của mình, cung cấp những bài học và kinh nghiệm đức tin, để giúp cho đời sống tâm linh của các bạn luôn được hun đúc, tôi luyện, và trưởng thành theo năm tháng tuổi trẻ. Các lớp giáo lý cũng đem lại những nền tảng căn bản để xây dựng đời sống nhân bản của các bạn trẻ trong những nhân cách xứng hợp với các môn sinh của Đức Giêsu: nhân ái, công bằng, chính trực, chân thành, trung tín, v.v.  Quả vậy, Đức thánh cha Phanxicô đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của chương trình huấn giáo trong Giáo Hội: “Giáo dục về đức tin thật là điều tốt đẹp! Giúp các trẻ em, thiếu niên, người trẻ, người lớn ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, đó thực là một cuộc phiêu liêu giáo dục đẹp đẽ nhất, ta xây dựng Giáo Hội qua việc làm đó!” (gặp gỡ 2000 giáo lý viên quốc tế tại đại thính đường thánh Phaolô, 27.09.2013)

Công cuộc hiệp hành của Giáo Hội lưu ý đến các bạn trẻ, không chỉ như những học viên đón nhận chương trình huấn giáo một cách thụ động và một chiều, nhưng mời gọi các bạn, ngay từ những lớp giáo lý sơ cấp, cần mặc lấy tinh thần của bạn trẻ Giêsu trong đền thờ, ngồi giữa những bậc thầy trong đời sống đức tin: “vừa nghe vừa đặt câu hỏi” (x.Lc 2,46), nghĩa là tham dự tích cực vào việc huấn giáo để nuôi dưỡng và chia sẻ đức tin. Các bạn đến với lớp giáo lý trong niềm hứng thú, say mê, yêu mến chân lý, tích cực học hỏi, mạnh dạn bày tỏ những suy tư và thắc mắc đầy thiện chí, để nhận biết thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời và sẵn sàng thực thi ý Chúa qua những hướng dẫn của Giáo Hội trong đời sống đức tin hiện tại của các bạn.

Không những thế, các bạn trẻ đã được lãnh nhận các bí tích khai tâm: Thánh Tẩy, Mình Máu Thánh Chúa, Thêm Sức, còn được mời gọi tham gia vào chương trình huấn giáo của giáo xứ, tham gia vào hàng ngũ các giáo lý viên, huynh trưởng, để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm đức tin đầy sống động của các bạn cho các bạn trẻ đi sau, tiếp tục hướng dẫn họ tiến tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu “bằng lời nói, bằng cuộc sống và chứng tá” của các bạn (Đức thánh cha Phanxicô gặp gỡ các giáo lý viên, 27.09.2013). Nguồn nhân sự giáo lý viên của các giáo xứ hoạt động hiệu quả và gặt hái những hoa trái tốt đẹp cho chương trình huấn giáo phần lớn là nhờ sự tham gia đầy năng động và sáng tạo của nhiều bạn trẻ giáo lý viên.

  1. Bạn trẻ tham gia xây dựng cộng đoàn

Cũng như một gia đình thực thụ, các giáo xứ và cộng đoàn tín hữu luôn cần đến các bạn trẻ để chung tay xây dựng cuộc sống chung, từ những sinh hoạt các hội đoàn: ca đoàn, lễ sinh, legio, caritas, huynh đoàn giáo dân trẻ; cho đến những công việc hỗ trợ hội đồng mục vụ giáo xứ, bảo vệ an ninh cho cộng đoàn, xây dựng cơ sở vật chất, v.v., tất cả đều mời gọi sự đóng góp sức lực, tài năng, trí tuệ sáng tạo, kinh nghiệm hiện đại, và nhiệt tình dấn thân phục vụ của các bạn trẻ.

Khi hiệu triệu các bạn trẻ “hãy trỗi dậy”, Đức thánh cha Phanxicô đã minh giải cho các bạn hiểu rằng: “Các con cũng đã nhìn thấy sự tốt lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa nơi chính các con, nơi người khác và trong sự hiệp thông của Giáo hội, trong đó mọi sự cô đơn được vượt qua.” (Sứ điệp ngày Giới trẻ thế giới, 27.09.2021). Quả vậy, khi các bạn trẻ tham gia vào mọi phương diện cuộc sống của gia đình Giáo Hội, các bạn sẽ nghiệm thấy ý nghĩa sự hiện diện và đóng góp của mình, luôn được khơi dậy trong tinh thần trách nhiệm và hiệp thông, luôn đồng cảm với những ưu tư của Giáo Hội trước những thách đố của thời đại, và làm cho mọi người trong gia đình Giáo Hội cảm thấy họ được yêu thương, tôn trọng và quan tâm đúng nghĩa: “Người trẻ có thể đem đến cho Hội Thánh vẻ đẹp của sự trẻ trung khi họ khơi gợi khả năng ‘vui mừng về những khởi đầu, luôn cho đi chính mình, canh tân và lại lên đường để đạt những thành quả mới” (Tông huấn Christus vivit, 37)

Một giáo xứ luôn sống động và hấp dẫn đối với nhiều người, khi thấy có sự hiện diện thường xuyên và tham gia tích cực của các bạn trẻ tham dự thánh lễ, dạy giáo lý, sinh hoạt đoàn thể, lễ hội, đóng góp ý kiến cho chương trình mục vụ chung, hoạt động truyền thông, hỗ trợ việc xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất. Bầu khí xã hội cũng trở nên lành mạnh hơn khi các giáo xứ có nhiều hoạt động mở ra cho giới trẻ, cách riêng cho các bạn trẻ nhập cư để học tập và mưu sinh, sẽ giúp cho các bạn phát huy cách thích hợp nguồn năng lượng, tài trí, nhiệt tâm và đức hạnh của tuổi trẻ, cho lý tưởng xây dựng gia đình Giáo Hội yêu thương, công chính và thánh thiện. Từ đó, các bạn trẻ vươn tới sự trưởng thành cân bằng về nhân bản và đức tin, để luôn đứng vững, khôn ngoan phân định và lựa chọn, để mạnh mẽ tiến bước giữa muôn vàn thử thách cam go và cạm bẫy tinh vi trong cuộc sống hiện đại.

Việc tham gia xây dựng cộng đoàn địa phương còn tiếp tục mở ra cho các bạn trẻ hướng tới việc góp phần xây dựng thế giới trong hòa bình, công lý, tình yêu, khi các bạn hy sinh lăn xả vào việc giúp đỡ người nghèo, nâng đỡ người đau bệnh và sầu khổ, để cùng nhau hướng tới những thực tại cao đẹp của Nước Thiên Chúa, của thời hồng ân cứu độ, như lời kinh nguyện của Giáo Hội cất lên mỗi ngày, hiệp thông với tâm nguyện của Chúa Giêsu: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” (Mt 6,9-10)

Thật vậy, uớc nguyện của Đức thánh cha Phanxicô dành cho các bạn trẻ trong thời đại hôm nay, chắc chắn khơi lên nguồn hứng khởi thôi thúc các bạn hãy mạnh dạn và nhiệt tâm tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, góp phần làm nên cuộc hiệp hành trong hiện tại, hướng đến tương lai tràn đầy hy vọng cho đại gia đình Giáo Hội chúng ta: “Xin cho chúng con ngày càng cởi mở với những điều bất ngờ của Chúa, vì Người muốn soi sáng con đường của chúng con. Mong sao chúng ta ngày càng cởi mở hơn để nghe tiếng nói của Người, cũng qua tiếng nói của anh chị em chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ giúp nhau cùng phát triển và, vào thời điểm khó khăn này trong lịch sử của chúng ta, chúng ta sẽ trở thành những nhà tiên tri của một tương lai mới và tràn đầy hy vọng!” (Sứ điệp ngày Giới trẻ thế giới, 27.09.2021)

Chủ đề 3. Giới trẻ làm gì trong Hội Thánh ?

Linh mục FX Trần Kim Ngọc, OP

Bạn trẻ thân mến,

Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành (hiệp thông – tham gia – sứ vụ), tôi muốn chia sẻ với bạn một khía cạnh, đó là sứ vụ: “Giới trẻ làm gì trong Hội Thánh?” Để bạn hiểu sứ vụ là gì và tham gia vào sứ vụ của Hội Thánh như thế nào, mời bạn theo dõi những câu chuyện dưới đây:

Sứ vụ cứu độ   

Chúa Giêsu Kitô được Chúa Cha sai đến trần gian để thi hành sứ vụ cứu độ nhân loại. Rồi trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa đã sai các tông đồ đi khắp thế giới để loan báo Tin Mừng cứu độ.

Bạn trẻ thân mến! Bây giờ, Chúa lại muốn mời gọi và sai tôi cũng như bạn ra đi để tiếp tục thực thi sứ vụ cứu độ của Chúa trong Hội Thánh và cho con người thời nay. Như thế, người thi hành sứ vụ là người được Thiên Chúa sai đi làm một nhiệm vụ (một sứ vụ, một sứ mệnh, một việc đặc biệt nào đó…theo khả năng, địa vị hay bậc sống của mỗi người) là làm cho người ta biết và yêu mến Chúa.

Ước mơ-hoài bão

Anh Giuse, con tổ phụ Giacóp-Israel (x. St 37,2 – 50,26) là một người có những giấc chiêm bao, hay nói cách khác là người dám ước mơ: ước mơ làm lớn. Giuse là người có ước mơ, nhưng Thiên Chúa mới là Đấng làm cho ước mơ của Giuse thành hiện thực. Để ước mơ trở thành hiện thực, Giuse đã phải trải qua nhiều sóng gió và thử thách. Trong mọi thử thách, Giuse một lòng tin tưởng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Cuối cùng, Giuse đã làm được việc lớn: 1/ trở thành tể tướng trong triều đình Pharao, và 2/ góp phần cứu gia tộc-dân tộc của mình khỏi nạn đói kinh hoàng…

Bạn trẻ thân mến! Thiên Chúa có thể biến điều dữ thành điều lành, biến ước mơ thành hiện thực. Thiên Chúa đã biến những điều dữ mà Giuse gặp phải nơi đất Ai Cập thành điều lành cho chính Giuse và dân tộc Israel. Giuse bị bán làm nô lệ lại trở nên một người có quyền cao chức trọng trong đất nước của vua Pharao. Bạn có ước mơ-hoài bão không? Bạn có dám ước mơ làm lớn không? Và điều quan trọng nữa là: bạn có dám tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa không?

Sống khác người

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897) có hai ước mơ thật ngược đời! Một là muốn làm linh mục; hai là muốn trở thành nhà truyền giáo! Têrêsa biết mình là nữ thì không bao giờ trở thành linh mục, nhưng vẫn ước mơ; biết mình đi tu dòng kín thì không bao giờ được đi truyền giáo, nhưng vẫn ước mơ. Quả thật, Têrêsa là một người có ước mơ khác người! Cuối cùng, sau khi kết thúc cuộc đời vắn vỏi trong dòng kín, Têrêsa đã được tuyên phong làm thánh, làm bổn mạng các xứ truyền giáo và làm tiến sĩ hội thánh. Hai ước mơ ngược đời của Têrêsa không bao giờ thành hiện thực, nhưng lại thành công (được toại nguyện): 1/ biết là không thể làm linh mục, Têrêsa luôn cầu nguyện và dâng mọi hy sinh để cầu cho các linh mục; 2/ biết là không thể đi truyền giáo, Têrêsa hằng kiên trì cầu nguyện và dâng mọi hy sinh để cầu cho sứ vụ truyền giáo và các nhà truyền giáo. Chính vì hai lý do (hai ước mơ) đơn sơ này mà Têrêsa được Giáo Hội đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Quả thật, giấc mơ khác lạ, nhưng đã thành!!! (x. Tự thuật “Truyện Một Tâm Hồn).

Bạn trẻ thân mến! Mỗi người được Thiên Chúa dựng nên như một kiệt tác, mỗi người mang một sự độc đáo có một không hai trên đời! Bạn có dám sống cái độc đáo, cái khác người của mình không? Thiên Chúa muốn bạn trở nên một kiệt tác trong bàn tay của Ngài. Bạn cứ ước mơ, ước mơ khác người và bạn hãy sống khác người với một tình yêu vĩ đại, như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã làm!

Sống với đam mê

Acutis Carlo (1991-2006) mới được Giáo Hội phong chân phước vào ngày 10.10.2020. Acutis Carlo sống cuộc sống nơi trần gian này chỉ có 15 năm, với đam mê của tuổi trẻ thật mãnh liệt: là người đam mê công nghệ, là người mê game (trò chơi điện tử) và cũng là người viết lập trình máy tính. Nếu Carlo chỉ dừng lại ở đam mê nghệ thuật, trò chơi điện tử thì đam mê sẽ thiêu chết tương lai đời mình! Đam mê của Carlo không chỉ dừng lại ở đó, mà còn tiến xa hơn, đó là: 1/ đam mê yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, qua việc siêng năng tham dự Thánh Lễ cùng chầu Thánh Thể, 2/ và đam mê sùng kính Mẹ Maria, qua việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Cái đam mê mãnh liệt đó thôi thúc Carlo dấn thân tìm cách làm sao cho tình yêu mến với Chúa Giêsu Thánh Thể và lòng sùng kính Đức Mẹ được cháy lên nơi bạn bè của mình… Lòng yêu mến Chúa hướng tới tha nhân đã thôi thúc Carlo sử dụng kỹ năng công nghệ của mình để xây dựng một trang web về các phép lạ Thánh Thể… Cậu Carlo đã sử dụng công nghệ và trang web để truyền giáo.

Bạn trẻ thân mế! Thực tế, nhiều người trẻ rất có đam mê: mê trò chơi điện tử, mê chơi bời lêu lổng, mê trộm cướp, mê ma tuý… Kết cục là bị tù tội, bị nghiện ngập; gia đình tan nát, người thân đau khổ! Đam mê bồng bột giết chết tương lai, và khoá chặt cánh cửa cuộc đời! Còn bạn, bạn có đam mê gì? Tuổi trẻ cần có đam mê, nhưng cần sống đam mê với một lý tưởng là làm cho cuộc đời của mình rực sáng: ra đi trong hiên ngang, trở về ngẩng cao đầu! Như Carlo, bạn hãy sử dụng đam mê của mình để: yêu Chúa, kính Mẹ, thương người, và giúp đời! Có như thế, tương lai đời bạn sẽ tươi sáng!

Khám phá sức mạnh nội tâm

Nick Vujicic (sinh năm 1982 tại Melbourne, Úc) sinh ra không có tay lẫn không có chân, mà chỉ có hai bàn chân nhỏ. Anh tâm sự rằng nhiều lần anh đã muốn kết thúc đời mình, vì mặc cảm. Thế rồi, anh khám phá ra sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa nơi tâm hồn của mình. Anh đã cầu nguyện nhiều, và thế rồi những lời cầu nguyện đã làm thay đổi cuộc đời anh: anh tin vào Chúa, anh yêu Chúa; rồi từ niềm tin và tình yêu vào Chúa, anh khám phá ra ý nghĩa và giá trị đời mình: anh yêu đời hơn và anh yêu người hơn. Anh trở thành một diễn giả tài năng, một nhà truyền giáo, một nhà sáng lập… Anh đã có một gia đình. Quả thật, người đời cứ nghĩ một người như anh thì làm được gì, thế mà anh lại làm được rất nhiều điều kỳ diệu cho cuộc sống. Anh trở thành người truyền cảm hứng và nghị lực sống cho rất nhiều người, đặc biệt là nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới! Tin vào Chúa thì điều không thể trở thành có thể!

Bạn trẻ thân mến! Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình là người vô dụng? Có bao giờ bạn nghĩ rằng sống trên đời này chẳng có nghĩa gì? Có bao giờ bạn hỏi Chúa: tại sao Chúa lại để cho con có một thân hình, một gia đình như thế này? Có lúc bạn, tôi cũng như Nick rất mặc cảm về thân phận của mình! Nhưng bạn ơi, bạn yên tâm đi! Như Nick, bạn hãy khám phá ra nguồn sức mạnh, nguồn động lực và niềm khao khát sống nơi cõi lòng của mình. Bạn hãy cầu nguyện. Hãy tâm sự thân mật với Chúa, bạn sẽ gặp thấy Chúa ở gần, ở bên và ở trong bạn. Cầu nguyện sẽ làm cho bạn có sức mạnh. Cầu nguyện sẽ làm cho bạn trở thành một con người đầy lòng yêu mến: mến Chúa, yêu đời và thương người. Lời cầu nguyện có thể làm thay đổi vận mệnh đời mình, không chỉ có thế mà còn có thể làm thay đổi thế giới. Nick đã làm được điều đó ngang qua sức mạnh của lời cầu nguyện với Chúa; nói cách khác, qua việc tin tưởng cầu nguyện, Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu nơi con người bất toàn của mình!

Để lòng mình bừng cháy lên

Sau cái chết của thầy Giêsu, hai môn đệ Emmau như mất hết động lực sống, rơi vào tuyệt vọng: tương lai như khép lại, tuổi trẻ như đã chết, ước mơ như tan thành mây khói! Thế rồi, bỗng dưng Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cùng đồng hành với họ. Chúa đã đi cùng, nói chuyện cùng, rồi cùng ăn cùng uống với họ… Chúa đã khơi lên trong họ về ước mơ-hoài bão, đam mê-khát vọng, tình yêu và lòng nhiệt thành… Cuối cùng, họ chợt nhận ra: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Và thế rồi: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó”. Cuộc đời của hai môn đệ thay đổi từ đây. Họ bắt đầu sống cái ước mơ-khát vọng của mình là: đi khắp thế giới để làm bừng cháy Tin Mừng cứu độ nơi trái tim con người (x. Lc 24,13-35).

Thử viết nên câu chuyện đời mình: hãy sống và hãy làm như họ…!

Bạn trẻ thân mến! Giờ đây, bạn có suy nghĩ gì không? Bạn có dám ước mơ-hoài bão không? Bạn có muốn sống và muốn làm những điều như những người được kể ở trên hay không? Bạn không biết là phải làm gì ư? Yên tâm đi! Thánh Phaolô đã hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Cv 22,10a); và chính Chúa Phục Sinh đã trả lời cho ngài: “Hãy đứng dậy, đi vào Đamát, ở đó, người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.” (Cv 22,10b)

Bạn trẻ thân mến! Tôi muốn tặng bạn câu chuyện làm quà: tôi biết một bạn trẻ (giáo xứ Bãi Dòng, giáo phận Hưng Hoá) có biệt danh là “Én Nhỏ”, chỉ ngồi xe lăn!!! Bạn ấy tham gia vào các sinh hoạt của giới trẻ và hội đoàn tại giáo xứ. Bạn ấy thường xuyên tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi; ngoài ra, bạn ấy còn viết báo và cộng tác viết bài cho nhiều trang mạng công giáo nữa…! Chính những con người ở nơi bạn ấy sống đã dạy bạn ấy biết thực thi SỨ VỤ của Hội Thánh. Bạn ấy thi hành SỨ VỤ của mình trên cái xe lăn, với đôi tay mình, trong nhà mình và tại giáo xứ mình… Tôi nghĩ rằng bạn ấy, tuy là “ÉN NHỎ”, nhưng đang góp phần làm đẹp Mùa Xuân của Chúa trong vườn hoa Hội Thánh của Ngài.

Cuối cùng, bạn trẻ thân mến! Bạn đi tu hay lập gia đình, đi học hay đi làm, có khả năng nhiều hay thiếu khả năng… hãy là NGƯỜI BẠN của CHÚA, để Chúa cùng sống, để Chúa cùng làm và để CHÚA CÙNG Thi Hành SỨ VỤ với con người của bạn ngay nơi bạn đang sống! Xin Chúa luôn ở cùng bạn!!! Amen.

[1] Lời Nguyện Kết Lễ Chúa Nhật V Thường Niên.

[2] Giuse Nguyễn Năng, Hiệp Hành là Lối Sống của Hội Thánh, https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898.

[3] Phanxicô, Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), s. 53

[4] Tài Liệu Chuẩn Bị Thượng HĐGM, 34.

[5] Tài Liệu Chuẩn Bị Thượng HĐGM, 18.

[6] Tài Liệu Chuẩn Bị Thượng HĐGM, 35.

[7] Tài Liệu Chuẩn Bị Thượng HĐGM, 37.

[8] Giuse Nguyễn Năng, Hiệp Hành là Lối Sống của Hội Thánh.

[9] Phanxicô, Laudato Si’.

[10] x. Rick Warren, Sống Theo Đúng Mục Đích, Lm. Minh Anh dịch, NXB Tôn Giáo, 2008.

[11] Giuse Nguyễn Năng, Hiệp Hành là Lối Sống của Hội Thánh.

[12] Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, Hướng tới việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tại giáo xứ theo mô hình Giáo hội hiệp thông-tham gia và sứ vụ, số 5.

[13] https://hdgmvietnam.com, ngày 19/01/2022.

[14] Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI tại Vatican, ngày 19/10/2021.

[15] Giuse Nguyễn Năng, Diễn giải Mầu Nhiệm Hội Thánh.

[16] Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI.

[17] Giuse Nguyễn Năng, Hiệp Hành là Lối Sống của Hội Thánh.

[18] Giuse Nguyễn Năng, Diễn giải Mầu Nhiệm Hội Thánh.

[19] Phanxicô, Bài Giảng ngày 15.2.2015.

[20] Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay năm 2015.

[21] Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI.

[22] Phanxicô, Bài Giảng Lễ Tấn Phong Hồng Y, ngày 15.2.2015.

[23] Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ, 1.2; Synod 2021 – 2023, số 15

[24] Ibid, 1.3                              

[25] Ibid, 1.3

[26] Ibid, 1.3

[27] Xc 1 Cor 12, 12tt…