GPCT Học Hỏi 5 Phút Mỗi Chúa Nhật: Giáo Huấn số 21-50

print

Giáo Phận Cần Thơ

Hội Đồng Mục Vụ

— o O o —

 

HỌC HỎI 5 PHÚT MỖI CHÚA NHẬT

TẬP III : Về kinh nguyện kitô giáo

 (Mời Xướng Viên đọc sau Rao lịch CG)

GIÁO HUẤN SỐ 21-50

 

NĂM MỤC VỤ 2023

NỘI DUNG

Giáo huấn số 21 : Cầu nguyện là gì ?………….. Trang 03

Số 22 : Ta cần luôn cầu nguyện………………………….. 04

Số 23 : Cầu nguyện trong Cư (1)…………………………. 05

Số 24 : Cầu nguyện trong Cư (2)…………………………. 06

Số 25 : Thánh vịnh, lời cầu nguyện cộng đoàn………. 07

Số 26 : Chúa Giê-su, mẫu gương cầu nguyện………… 08

Số 27 : Chúa Giê-su cầu nguyện………………………….. 09

Số 28 : Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện…………………. 10

Số 29 : Kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su 11

Số 30 : Đức Maria cầu nguyện……………………………. 12

Số 31 : Chúa TT  với kinh nguyện của Hội Thánh…. 13

Số 32 : Các hình thức kinh nguyện của Hội Thánh… 14

Số 33 : Những nguồn mạch giúp ta cầu nguyện…….. 15

Số 34 : Con đường cầu nguyện……………………………. 16

Số 35 : Hiệp thông với Mẹ Maria trong cầu nguyện.. 17

Số 36 : Những hướng dẫn viên cầu nguyện…………… 18

Số 37 : Đời sống cầu nguyện………………………………. 19

Số 38 : Các hình thức cầu nguyện……………………….. 20

Số 39 : Cuộc chiến đấu trong cầu nguyện……………… 20

Số 40 : Những khó khăn trong cầu nguyện…………… 21

Số 41 : Lời kinh Chúa dạy………………………………….. 22

Số 42 : Tầm quan trọng của Kinh Lạy Cha…………… 23

Số 43 : Lạy Cha chúng con ở trên trời………………….. 24

Số 44 : Những tâm tình khi đọc “Lạy Cha”………….. 25

Số 45 : Lạy Cha chúng con…………………………………. 26

Số 46 : Lạy Cha chúng con “ở trên trời”………………. 27

Số 47 : Ba lời nguyện khởi đầu…………………………… 28

Số 48 : Lời cầu xin thứ tư và thứ năm………………….. 29

Số 49 : Lời cầu xin thứ sáu và thứ bảy…………………. 30

Số 50 : lời “Amen” kết thúc kinh Lạy Cha……………. 31

GIÁO HUẤN SỐ 21

CẦU NGUYỆN LÀ GÌ ?

  1. Cầu nguyện là gì ? T. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài trong tình yêu thương.

F Giải thích : Hôm nay, chúng ta bước vào Phần thứ Tư của sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, về Kinh Nguyện Ki-tô giáo.

*“Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa…”. Ta có thể nâng tâm hồn lên cùng Chúa, vì Thiên Chúa đã muốn dựng nên con người có trí khôn và con tim, để ta có thể nhận biết, và yêu mến Ngài. Sau nữa, vì thương xót ta, nên cho dẫu ta chỉ là những tạo vật, những đứa con bất xứng, và nhiều khi còn là những tội nhân nữa ! Thiên Chúa vẫn cho ta được gặp gỡ và hiệp thông với Ngài : “Là Cha, bằng mọi giá và mọi thời gian, Ngài muốn thực hiện cho kỳ được ơn tha thứ, cảm thông và thương xót chúng ta không mỏi mệt”, cụ thể là qua bí tích tha tội [1].

* Vì vậy, khi “ta không biết cầu nguyện thế nào”,  thì Ngài đã ban “chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp ta” (Rm 8, 26). Hơn nữa, Ngài luôn đi bước trước đến gặp gỡ ta, như trong câu truyện ‘Chúa Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp’ : chính Chúa ngỏ lời trước : “Chị cho tôi xin chút nước uống…” (Ga 4,10). Mỗi ngày, Chúa cũng ngỏ lời trước với chúng ta qua tiếng lương tâm, qua Lời Chúa, lời Hội Thánh giảng dạy, qua lời cha mẹ, bạn bè nhắn nhủ, nhắc nhở…  Lạy Chúa, xin cho chúng con được biết nâng tâm hồn lên, để hiệp thông cùng Chúa trong Thánh lễ hôm nay.

 

GIÁO HUẤN SỐ 22

TA CẦN LUÔN CẦU NGUYỆN

  1. Vì sao ta cần cầu nguyện ? T. Vì tự bản chất, con người luôn khao khát Thiên Chúa là nguồn sự sống, và vì Ngài vẫn hằng kêu mời ta đến gặp gỡ, thưa chuyện với Ngài.

F Giải thích  

Ta cần luôn cầu nguyện, vì khi cầu nguyện, ta sẽ được gặp gỡ Chúa Cha là nguồn sự sống của ta : Ngài đã thổi hơi, ban sự sống cho con người khi tạo dựng thuở ban đầu [2].  Ngài là Cha hằng chăm sóc ta bằng tình thương và quyền năng vô cùng của Ngài; đồng thời ta khi cầu nguyện, ta còn được hiệp thông với Cha khi ta giãi bày mọi tâm tư, ước nguyện lên Ngài, trong  tình con thảo kính, với trọn niềm tin, cậy, mến.

Sau nữa, như Thánh Au-gu-ti-nô nói : “Thiên Chúa hằng khát mong cho ta khát mong Ngài” [3]. Nên Ngài vẫn kêu mời ta : “Hãy đến với Thầy, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Thầy sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con” (Mt 11, 28).

Như vậy, cầu nguyện chính là quà tặng, là giao ước, là sự hiệp thông mà Thiên Chúa trao ban, cho ta được “sống và sống dồi dào”[4].

Vì vậy, ta hãy thực hiện như lời thánh Phê-rô nhắn nhủ : “Mọi lo âu, anh em hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” [5].

 

GIÁO HUẤN SỐ 23

CẦU NGUYỆN TRONG CỰU ƯỚC (1)

  1. Trong Cựu ước, các tổ phụ, ngôn sứ và dân Chúa đã cầu nguyện thế nào ? T. Các ngài đã cầu nguyện trong niềm tin tưởng và phó thác, lắng nghe và vâng phục, sống thân mật với Chúa và chuyển cầu cho anh chị em mình.

F Giải thích : Suốt thời Cựu ước, Thiên Chúa không ngừng mặc khải, nghĩa là tỏ bày cho ta biết ‘phải cầu nguyện thế nào ?”.

* Cầu nguyện, ban đầu, chỉ là dâng cho Chúa những con đầu lòng của bầy chiên như ông A-ben; là kêu cầu Danh Chúa bước đi với Thiên Chúa như ông Ê-nóc; là Dâng lễ toàn thiêu với lòng ngay chính và vẹn toàn, như ông No-ê [6].

*  Đến thời ông Áp-ra-ham [7]: Điều cốt yếu trong cầu nguyện của ông là lắng nghe bằng con tim vâng phục, nên ông đã rời bỏ quê cha đất tổ. Ông cầu nguyện bằng hành động dựng bàn thờ Chúa ở mỗi chặng dừng chân. Ông chỉ bắt đầu cầu nguyện bằng lời qua lời than thở, kín đáo nhắc Thiên Chúa nhớ đến các lời Ngài đã hứa [8]. Rồi trong suốt hành trình theo lệnh Chúa, nhất là khi ông sẵn lòng hiến tế người con duy nhất là I-sa-ác, rõ ràng lời cầu nguyện của ông phát xuất từ đức tin và niềm phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa, vì thế, ông đã được gọi là cha của những kẻ tin  (Rm 4, 16).    

* Với tổ phụ Gia-cóp, việc ông ‘vật lộn suốt đêm với một nhân vật huyền bí’, cho thấy cầu nguyện chính là  cuộc chiến đấu của đức tin và sự chiến thắng của lòng kiên trì [9].

GIÁO HUẤN SỐ 24

CẦU NGUYỆN TRONG CỰU ƯỚC (2)

  1. Các tổ phụ, ngôn sứ và dân Chúa đã cầu nguyện thế nào? T. Các ngài đã cầu nguyện trong niềm tin tưởng và phó thác, lắng nghe và vâng phục, sống thân mật với Chúa và chuyển cầu cho anh chị em mình.

F Giải thích : * Với ông Mô-sê, “Thiên Chúa đàm đạo mặt giáp mặt, như hai người bạn” (Xh 33,11); đó là khuôn mẫu của cầu nguyện chiêm niệm. Rồi nhờ thân mật trò chuyện lâu giờ với Chúa, ông nhận được sức mạnh để kiên trì dâng những lời nguyện chuyển cầu, như ông đã cầu cho dân Chúa chiến thắng quân A-ma-léc…[10].

* Còn Đa-vít, vì là vua, nên ông cầu nguyện cho toàn dânnhân danh toàn dân; ông thành mẫu mực của lời cầu nguyện tuân phục, ngợi khen và sám hối, đặc biệt là qua các Thánh vịnh.

* Đối với Dân Chúa nói chung, Đền thờ là nơi dạy cho họ biết cầu nguyện qua các cuộc hành hương, lễ hội, hy tế, dâng hương…

* Với ngôn sứ Ê-li-a, qua hai dấu lạ : con trai bà góa tại Sa-rep-ta sống lại, và lửa trời xuống thiêu đốt của lễ, ta thấy gương cầu nguyện tha thiết, quyết liệt trong đức tin của ông và của dân chúng : “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1 V 18,37).

* Nói chung, các Ngôn sứ thêm can trường nhờ “ở một mình với Chúa” trong cầu nguyện. Các ngài cầu nguyện không phải để chạy trốn thế giới bất trung, nhưng để lắng nghe Lời Thiên Chúa, đôi khi tranh luận, than thở với Chúa, luôn chuyển cầu cho dân, để chờ đợi và chuẩn bị cho ngày Chúa thực hiện lời hứa cứu độ [11].

GIÁO HUẤN SỐ 25

THÁNH VỊNH, LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CỘNG ĐOÀN

H.Thánh vịnh là gì ? T.         Thánh vịnh là lời cầu nguyện được Thiên Chúa linh hứng, giúp con người, nhất là các cộng đoàn, ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa, trong công trình tạo dựng và lịch sử cứu độ. 

F Giải thích :

Từ vua Đa-vít cho tới Chúa Giê-su, những lời cầu nguyện được Thánh Thần linh hứng ngày càng sâu sắc hơn, và được thu tập lại trong sách Thánh vịnh, cũng gọi là “Những lời ca ngợi” [12].

  Dù thuộc thể loại là Thánh thi, Lời kêu cầu, Bài ca tạ ơn, Bài ca cung đình, Khúc hát hành hương, hoặc Bài giáo huấn, các Thánh vịnh đều nói lên những kỳ công Chúa làm và những tình huống mà tác giả đã sống, và đều có thể dùng cho mọi cá nhân cũng như cộng đoàn, để cầu nguyện ở mọi hoàn cảnh và thời đại. Đó là những lời cầu nguyện đơn sơ, bộc phát, nói lên lòng người khao khát Thiên Chúa qua và với tất cả những gì tốt lành trong công trình tạo dựng của Ngài, cũng như qua và với cả những hoàn cảnh khó khăn, thù nghịch và cám dỗ ! nhưng vẫn mong chờ, vẫn tin vào tình yêu Thiên Chúa, phó thác theo thánh ý Ngài, nhất là vẫn không ngừng ca ngợi Ngài ! 

Thánh vịnh là lời chúc tụng của dân chúng, lời ca tụng Thiên Chúa, là tiếng hoan hô của cộng đoàn, lời kêu của vũ trụ, tiếng nói của Hội Thánh, và là lời tuyên xưng đức tin đầy thi vị, đã được Chúa Giê-su dùng để cầu nguyện, và đã được hoàn tất nơi Ngài.

 

GIÁO HUẤN SỐ 26

CHÚA GIÊ-SU, MẪU GƯƠNG CẦU NGUYỆN

H.Trong Tân ước, ai là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất ?

  1. Chính Chúa Giê-su là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất.

F Giải thích : Chúa Giêsu là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo :

Vì Ngài là Con Một yêu dấu của Chúa Cha, mọi ý nguyện của Ngài đều trùng hợp, tuân theo và đẹp lòng Chúa Cha, như Ngài đã cầu nguyện trong bữa Tiệc ly : “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như Cha Con Ta là một” (Ga 17, 22).

Vì chính Ngài là Ngôi Lời, là Đấng Thánh, khi đến gần chiêm ngưỡng Ngài cầu nguyện, chẳng những ta được lời Ngài dạy bảo, mà còn được gương mẫu Ngài thôi thúc, và được lửa Thánh Thần của Ngài không ngừng đốt lên lòng sốt sắng trong ta. 

Vì Ngài cũng đã được học hỏi, được lãnh hội những lời kinh và cung cách cầu nguyện nơi Hội đường và Đền thờ, nhất là nơi Mẹ Ma-ri-a, Đấng hằng ghi nhớ và luôn suy niệm trong lòng mọi điều “cao cả” của Đấng Toàn Năng[13]; cũng như nơi Thánh Giu-se, người cha công chính.

Vì Ngài thường xuyên cầu nguyện : Ngài lui vào nơi thanh vắng, lên núi, thức suốt đêm cầu nguyện[14]; nhất là trước những lúc quyết định cho sứ vụ của Ngài hay của các Tông đồ, như khi ăn chay 40 ngày trước khi lên đường giảng đạo, khi chọn 12 Tông đồ, khi tiến lên đỉnh cao cứu độ trên Thánh giá.

Xin cho chúng con luôn biết noi gương cầu nguyện của Chúa.

GIÁO HUẤN SỐ 27

CHÚA GIÊ-SU CẦU NGUYỆN

  1. Chúa Giê-su cầu nguyện với tâm tình nào ? T. Chúa Giê-su cầu nguyện với tâm tình hiếu thảo. Ngài kết hiệp liên lỉ với Chúa Cha trong tình yêu mến, vâng phục, nhất là trong cuộc khổ nạn và cái chết trên Thánh giá.

F Giải thích

* Chúa Giê-su cầu nguyện với tâm tình hiếu thảo: Người đã nói với cha mẹ từ năm mười hai tuổi : “Con có bổn phận ở nhà của Cha con” (Lc 2,49), nên lời cầu nguyện của Ngài là lời cầu nguyện của Người Con : Ngài đã cầu nguyện to tiếng giữa đám đông : “Con tạ ơn Cha… Vâng, lạy Cha”[15], cho thấy Ngài luôn tạ ơn, và gắn bó với Cha là Đấng ban ơn. Đối với Ngài, Đấng ban ơn thì quí giá hơn muôn vàn ơn ban ! nên Ngài luôn gắn bó với những “điều đẹp ý Cha”.

* Ngài cầu nguyện trong tình yêu mến, kết hiệp liên lỉ với Chúa Cha như trong Lời nguyện tư tế : “Con cầu nguyện… để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha…” (Ga 17, 20).

* Qua những lời cầu nguyện trong cuộc khổ nạn, Ngài muốn hoàn toàn chu toàn thánh ý Cha :“Lạy Cha,… xin đừng theo ý Con, mà là theo ý Cha” (Lc 22,42); và khi kêu to : “Tôi khát” (Ga 19,28), Ngài dâng về Cha mọi nỗi lo âu của nhân loại, cùng mọi lời van xin và chuyển cầu cứu độ.

* Cuối cùng, trên Thánh giá, Ngài cầu nguyện với tâm tình phó dâng tuyệt đối : “Con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46)…

GIÁO HUẤN SỐ 28

CHÚA GIÊ-SU DẠY TA CẦU NGUYỆN

  1. Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện thế nào ? T. Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện với ý hướng ngay lành, với niềm tin mạnh mẽ, sự kiên trì và tình con thảo.

F Giải thích : * Ngay từ Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh phải hối cải tâm hồn trong cầu nguyện : phải hòa giải trước khi đến dâng lễ, phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình, phải cầu nguyện cùng Chúa Cha, Đấng hiện diện “nơi kín đáo” (Mt 6, 6), không lải nhải nhiều lời, có lòng thanh khiết, tha thứ, và lo tìm kiếm Nước Trời. Cuộc hối cải này hoàn toàn hướng về Chúa Cha trong tình con thảo kính[16].

* Ngài khuyên các Môn đệ cầu nguyện với trọn vẹn niềm tin nơi Chúa Cha : “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 17, 23-24). Nhưng ta cần luôn ý thức rằng : Lời cầu nguyện của đức tin không chỉ là thưa : “Lạy Chúa, lạy Chúa”, nhưng phải là sẵn lòng thi hành thánh ý Chúa Cha [17], phải luôn tỉnh thức, trông chờ Chúa đến…[18].

* Có 3 dụ ngôn về cầu nguyện dạy ta 3 thái độ phải có [19] : Dụ ngôn “Người bạn quấy rầy”, dạy ta cầu nguyện cách khẩn khoản; dụ ngôn “Bà góa quấy rầy”, dạy ta “Phải cầu nguyện luôn, không nản chí”; dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”, dạy ta cầu nguyện với lòng khiêm tốn : “Xin thương con là kẻ tội lỗi”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 29

KẾT HỢP VỚI LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊ-SU

  1. Làm thế nào để lời cầu nguyện của ta mang lại hiệu quả ?
  2. Để lời cầu nguyện của ta mang lại hiệu quả, ta phải kết hợp lời cầu nguyện của ta với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. 

F Giải thích  

Để lời cầu nguyện của ta đạt được hiệu quả, dù ta bất xứng và tội lỗi, Chúa Giê-su mời gọi ta hãy “cầu xin nhân Danh Ngài” (Ga 14, 13), vì Ngài sẽ dẫn ta đến với Chúa Cha, để ta được “ở lại trong Chúa Cha” và được Chúa Cha nhậm lời.

Hơn nữa, khi ta kết hợp lời cầu nguyện của ta với lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, Chúa Cha sẽ ban cho ta “một Đấng Bảo trợ khác, đến ở với ta luôn mãi” (Ga 14,16), để nhờ sự kết hiệp thân tình này, lời cầu nguyện của ta càng được Chúa Cha thương nhận, như Chúa Giê-su đã nói : “… Nhân danh Thầy, cứ xin đi, anh em sẽ được…” (Ga 16, 24). Sau nữa, vì là Thiên Chúa, chính Chúa Giê-su cũng nhậm lời và ban những ơn cần thiết cho ta, như Ngài đã nhận lời của người bệnh phong cùi, của ông Giai-rô, của người phụ nữ Ca-na-an, của kẻ trộm sám hối…

Thánh Au-gu-ti-nô nói tới ba hình thức cầu nguyện của Chúa Giê-su : “Người cầu nguyện cho chúng ta, vì Người là Tư tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong ta vì Người là Đầu của Hội Thánh; Người được chúng ta cầu nguyện, vì Người là Thiên Chúa của chúng ta”. 

Để cầu nguyện nhân Danh Chúa Giê-su, Giáo hội vẫn kết thúc các lời cầu nguyện bằng câu : Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con….”.

GIÁO HUẤN SỐ 30

ĐỨC MARIA CẦU NGUYỆN

  1. Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã cầu nguyện thế nào ?
  2. Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã cầu nguyện trong niềm tin, trong tâm tình quảng đại hiến dâng và cầu xin cho những nhu cầu của loài người.

F Giải thích :

Đức Ma-ri-a đã cầu nguyện với trọn niềm tin, để cộng tác cách độc đáo vào kế hoạch nhân từ của Chúa Cha : vào lúc sứ thần Gáp-ri-en Truyền tin để Đức Ki-tô được thụ thai; và vào lúc Thánh Thần hiện xuống để Hội Thánh, Thân thể của Đức Ki-tô, được hình thành [20]. Chính nhờ được đầy ân sủng Chúa ban, Mẹ đã vững tin nói lời xin vâng. Như vậy, trong đức tin, Mẹ đã tự nguyện hiến dâng, để cho Thiên Chúa thực hiện hoàn toàn thánh ý Ngài nơi cuộc đời của Mẹ.

Lời cầu nguyện của Mẹ cũng là lời nguyện chuyển cầu : như trong Tiệc cưới Ca-na, Mẹ xin Con mình lo cho cảnh thiếu rượu của đám cưới.

Rồi vào giờ của Giao ước mới, dưới chân Thánh giá[21], Mẹ đã hiến dâng Con mình và được Thiên Chúa nhậm lời, với tư cách là bà E-và mới, “Mẹ của loài người”, Mẹ của mỗi chúng ta.

Như vậy, kinh nguyện của Mẹ Ma-ri-a, nhất là trong lời Xin vâng và trong bài ca Ngợi khen (Manhi-phicat), bừng sáng lên tâm tình tạ ơn, hy vọng, nhất là tấm lòng quảng đại : hiến dâng trọn thân phận của Mẹ, vì niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa.

GIÁO HUẤN SỐ 31

CHÚA THÁNH THẦN

VỚI KINH NGUYỆN CỦA HỘI THÁNH

  1. Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong kinh nguyện của Hội Thánh ? T. Chúa Thánh Thần dạy Hội Thánh cầu nguyện, và hướng dẫn Hội Thánh luôn đi sâu vào việc chiêm ngắm, và kết hợp với mầu nhiệm khôn dò của Đức Ki-tô. 

F Giải thích  

Chúa Thánh Thần, Đấng dạy dỗ Hội Thánh và nhắc cho Hội Thánh nhớ lại mọi điều Chúa Giê-su đã nói, cũng huấn luyện cho Hội Thánh cầu nguyện :

Việc cầu nguyện này đặt nền tảng trên đức tin do các Tông đồ truyền lại, được sống thực bằng những việc bác ái, được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể Chúa Ki-tô, như các Ki-tô hữu tiên khởi đã làm. Nói chung, những lời cầu nguyện của Hội Thánh là những lời các tín hữu vẫn được nghe và đọc trong Sách Thánh, đã được Thánh Thần linh hứng… đặc biệt là những lời Thánh vịnh, vì những lời này được nên trọn trong Đức Ki-tô.

Chúa Thánh Thần cũng dạy cho Hội Thánh : khi cầu nguyện hãy tưởng nhớ đến Chúa Ki-tô. Ngài cũng khơi gợi cho Hội Thánh những hình thức cầu nguyện khác nhau, giúp ta chiêm ngắm những chân lý cũng như những mầu nhiệm khôn dò của Chúa Ki-tô. Những mầu nhiệm này đang được thực hiện trong đời sống, trong các bí tích và trong sứ vụ của Hội Thánh, như mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót nơi bí tích Thánh tẩy và Tha tội.

Những mẫu kinh, những hình thức cầu nguyện này sẽ mãi mãi là mẫu mực cho kinh nguyện Ki-tô Giáo. Chúng ta sẽ tìm hiểu về  những hình thức cầu nguyện này trong ‘Giáo huấn 32’ tuần sau.

GIÁO HUẤN SỐ 32

CÁC HÌNH THỨC KINH NGUYỆN CỦA HỘI THÁNH

  1. Các hình thức chính yếu của kinh nguyện Kitô giáo là gì ?
  2. Các hình thức chính yếu của kinh nguyện Ki-tô giáo là chúc tụng và thờ lạy, xin ơn và chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi. Thánh lễ chứa đựng và diễn tả tất cả những hình thức này.

F Giải thích : Sau đây là ý nghĩa của các hình thức Kinh nguyện chính yếu của Hội Thánh : + Chúc tụng là để chúng ta đáp lại hồng ân của Thiên Chúa.

+ Thờ lạy là việc chúng ta phủ phục trước Thiên Chúa là Đấng muôn trùng chí thánh.

+ Cầu xin là việc chúng ta xin Chúa tha thứ, và ban mọi ơn lành hồn xác, nhất là xin cho Nước Chúa trị đến.

+ Chuyển cầu là việc chúng ta xin ơn cho người khác, ngay cả cho những kẻ thù nghịch với chúng ta.

+ Tạ ơn là việc chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời cám ơn, vì tất cả những gì chúng ta đang có đều đến từ Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi cử hành Thánh lễ.

+ Ca ngợi là việc con người tán dương và tôn vinh Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng quyền năng vô cùng và yêu thương chúng ta vô ngần !

Trong mỗi Thánh Lễ, tất cả những hình thức kinh nguyện này được tiến dâng lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, vì Thánh Lễ là Hy Lễ của chính Chúa Ki-tô : Nhờ Người, với Người và trong Người. Amen.

GIÁO HUẤN SỐ 33

NHỮNG NGUỒN MẠCH GIÚP TA CẦU NGUYỆN

  1. Đâu là những nguồn mạch giúp ta cầu nguyện ? T. Những nguồn mạch giúp ta cầu nguyện là Lời Chúa; Phụng vụ; Các nhân đức tin, cậy, mến; và những biến cố vui buồn hằng ngày.

F Giải thích : Chúa Ki-tô là nguồn “tuôn ban sự sống muôn đời”[22] khiến tâm hồn ta cất lên lời cầu nguyện. Có bốn mạch dẫn ta đến nguồn cầu nguyện này : + Một là Lời Chúa, vì cùng với việc đọc Lời Chúa, khi cầu nguyện, ta được đối thoại với Thiên Chúa, “và được nghe Ngài nói qua các lời Ngài nói trong Kinh Thánh”.

+ Hai là Phụng vụ, vì nhờ những cử hành phụng vụ của Hội Thánh, lời cầu nguyện của chúng ta, dù ở “nơi kín đáo” (Mt 6, 6), vẫn luôn là lời cầu nguyện của Hội Thánh và là sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh [23].

+ Ba là các nhân đức Tin Cậy Mến : chính vì tin thật vào Thiên Chúa toàn năng, mà lòng ta trông cậy vào sự quan phòng, chăm sóc của Ngài; và nhất là ta hết lòng yêu mến kính tôn Ngài… từ đó, ta cất lên lời cầu nguyện, để nói lên lòng ta muốn tìm kiếm, khao khát, lắng nghe và tuân giữ lời Ngài.

+ Bốn là những biến cố trong cuộc sống, vì qua các biến cố vui buồn hằng ngày này, ta có dịp dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi, tạ ơn, cầu xin… nói lên lòng ta tin tưởng trọn vẹn vào sự chăm sóc, vào lời dạy dỗ từng giây phút của Thiên Chúa, như lời Thánh vịnh : “Hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa : các con chớ cứng lòng !” (Tv 95,8).

 

GIÁO HUẤN SỐ 34

CON ĐƯỜNG CẦU NGUYỆN

  1. Đâu là con đường cầu nguyện của Hội Thánh ? T. Con đường cầu nguyện của Hội thánh là chính Chúa Giê-su, vì chúng ta chỉ có thể cầu nguyện với Chúa Cha nhân danh Chúa Giê-su.

F Giải thích : Kinh nguyện Ki-tô giáo không có con đường nào khác ngoài Đức Ki-tô :  vì lời cầu nguyện của chúng ta không thể dâng lên tới Chúa Cha nếu chúng ta không cầu nguyện “nhân danh Chúa Giê-su”.

Sau nữa, dù kinh nguyện của Hội Thánh chủ yếu là dâng lên Chúa Cha, nhưng cũng chứa đựng những lời dâng tiến Đức Ki-tô, qua nhiều danh hiệu được kêu cầu trong Kinh Thánh, cụ thể là trong các Thánh vịnh, như : Lạy Con Thiên Chúa, Đấng Cứu độ, Chiên Thiên Chúa… nhất là lời kêu cầu Danh thánh Giê-su, cụ thể là lời khẩn cầu : “Lạy Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa.., xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi”. Kinh nguyện Hội Thánh còn tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su; cũng như mộ mến và suy ngắm những chặng đàng Thánh Giá cứu độ của Người.

Hội Thánh cũng mời gọi chúng ta cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Vì chính Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Giê-su, “không ai có thể nói rằng ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1 Cr 12, 3). Chúa Giê-su nhấn mạnh đến lời cầu xin Chúa Thánh Thần nhân danh Người, khi Người hứa ban hồng ân là Thần Khí sự thật; Người là vị Thầy trong tâm hồn ta, ta hãy năng cầu nguyện : “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, xin tràn ngập tâm hồn các tín hữu của Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng chúng con”.

GIÁO HUẤN SỐ 35

HIỆP THÔNG VỚI MẸ MARIA TRONG CẦU NGUYỆN

  1. Vì sao Hội Thánh cầu nguyện với Đức Ma-ri-a và cùng Đức Maria ? T. Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria vì Mẹ đã cộng tác cách độc đáo với hoạt động của Chúa Thánh Thần; và cầu nguyện cùng Mẹ vì Mẹ là người cầu nguyện tuyệt hảo nhất.

F Giải thích : Tuần trước, chúng ta đã chiêm ngắm Chúa Giê-su là con đường cầu nguyện của Hội Thánh… Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Mẹ Ma-ri-a là Đấng chỉ đường cho chúng ta cầu nguyện, vì Mẹ là người cầu nguyện tuyệt hảo nhất, bởi lẽ Mẹ đã cộng tác độc đáo với Chúa Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện. Vì vậy, Hội Thánh dạy ta hãy hiệp thông với Mẹ trong kinh nguyện khi chúng ta cùng với Mẹ “ngợi khen” Chúa, vì “Ngài đã làm cho Mẹ những điều cao cả”, và qua Mẹ Ngài cũng làm cho tất cả chúng ta. Sau nữa, chúng ta hiệp thông với Mẹ trong kinh nguyện, khi chúng ta  dâng lên cho chính Mẹ những lời cầu khẩn và ca ngợi của con cái Thiên Chúa, vì giờ đây Mẹ biết rõ chúng ta là những người đã được Con Thiên Chúa hết tình yêu thương.

Mẹ là “Ánh sao của niềm hy vọng [24]”, nên Hội Thánh vững lòng trông cậy Mẹ qua trăm ngàn lời kinh, như chuỗi Mân côi, kinh cầu Đức Bà, các thánh thi và thánh ca, nhất là kinh Kính Mừng: qua Mẹ chúng con ngợi khen Chúa :“Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ !”; và chúng con kêu cầu Mẹ : “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.

GIÁO HUẤN SỐ 36

NHỮNG HƯỚNG DẪN VIÊN CẦU NGUYỆN

  1. Các Thánh giúp chúng ta cầu nguyện thế nào ? T. Các Thánh là những gương mẫu cầu nguyện. Các ngài hằng chuyển cầu cho chúng ta và để lại nhiều linh đạo, dạy chúng ta cách sống và thực hành việc cầu nguyện.

F Giải thích

+ Đông đảo các Thánh trong Giáo Hội qua các thời đại, bằng gương sống, bằng những sách đạo đức, những lời kinh còn để lại (như Kinh Hòa bình, được gọi là của Thánh Phan-xi-cô As-si-si), bằng lời cầu bầu… đã thực sự là những hướng dẫn viên giúp chúng ta cầu nguyện.

+ Gia đình Ki-tô hữu, ông bà, cha mẹ, là những hướng dẫn viên cầu nguyện đầu đời không ai thay thế được. Đặc biệt với các thiếu nhi và người trẻ… kinh nguyện gia đình là những chứng từ, những kỷ niệm  đầu tiên về một Hội Thánh vững niềm tin, cậy, mến… luôn được Chúa Thánh Thần khơi dậy.

+  Các thừa tác viên có chức thánh, các tu sĩ, giáo lý viên, các nhóm cầu nguyện, các vị “linh hướng”, là những trợ lực hữu ích cho đời sống cầu nguyện trong Hội Thánh.

+ Chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và nơi nào, nhưng những nơi chốn : như bàn thờ cá nhân hay gia đình; các đan viện, các đền thánh, các điểm hành hương; nhất là nhà nguyện, nhà thờ của cộng đoàn hoặc của giáo xứ, là những địa điểm cần thiết, cần được chúng ta kính viếng và quan tâm chăm sóc, để hỗ trợ cho việc cầu nguyện, cử hành phụng vụ, tôn thờ Thánh Thể của chúng ta được thực sự xứng hợp và hữu hiệu.

 

GIÁO HUẤN SỐ 37

ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

  1. Thời điểm nào thích hợp cho việc cầu nguyện ? T. Có những thời điểm là : Ban sáng-ban tối, trước-sau bữa ăn, các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ, Giờ kinh Mân côi, các Lễ mừng trong năm phụng vụ.

F Giải thích :

Cầu nguyện là sự sống của một con tim mới. Cầu nguyện phải làm cho ta sinh động mọi lúc. Nhưng vì ta thường hay lãng quên Đấng là Tất Cả của chúng ta ! Nên các bậc thầy cầu nguyện đều nhấn mạnh : cầu nguyện là “nhớ đến Thiên Chúa… phải nhớ đến Ngài thường xuyên hơn cả hít thở” [25].

Thế nhưng ta vẫn rất cần có những thời điểm dành riêng để cầu nguyện chuyên chú, lâu giờ hơn. Đó là : những giờ Kinh sáng chiều, trước sau các bữa ăn, các Giờ kinh phụng vụ, kinh Mân côi; các Lễ mừng trong năm phụng vụ; đặc biệt là Ngày Chúa Nhật.

“Chúa Nhật là ngày ở ngay chính cốt lõi của đời sống Ki-tô hữu, Ngày Chúa Ki-tô phục sinh… nên mọi người cần hiểu biết rõ ràng ý nghĩa Chúa Nhật. Đừng sợ dâng hiến thời giờ Chúa Nhật cho Chúa Ki-tô ! để Ngài chiếu sáng và hướng dẫn… Chỉ Ngài là Đấng biết được bí mật của thời gian và của vĩnh hằng,  Ngài ban cho ta “ngày của Chúa” như một quà tặng luôn tươi mới của tình yêu Ngài. Thời gian ta dành cho Chúa Nhật sẽ không bao giờ bị mất mát, mà còn được nhận thêm, vì nhờ đó, ta có thể sống những mời gọi của đức tin cách toàn vẹn, và còn có thể đáp ứng cụ thể những khát vọng sâu xa nhất của con người” (x. Tông thư CN, s.7).  

 

 

GIÁO HUẤN SỐ 38

CÁC HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

  1. Có mấy hình thức cầu nguyện ? T. Có ba hình thức chính yếu là : Khẩu nguyện, suy niệm và chiêm niệm.

 F Giải thích

 * Khẩu nguyện là bày tỏ tâm tình của chúng ta đối với Thiên Chúa bằng lời kinh tiếng hát. Đây là nhu cầu của bản tính con người có hồn và xác.

* Suy niệm là dùng trí khôn để suy nghĩ và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, nhằm đào sâu đức tin, hoán cải tâm hồn và quyết tâm theo Chúa Ki-tô.

* Chiêm niệm là đơn sơ chiêm ngắm Thiên Chúa trong thinh lặng và mến yêu, tìm kiếm Chúa Ki-tô, phó thác mình cho ý định yêu thương của Chúa Cha, và đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

GIÁO HUẤN SỐ 39

CUỘC CHIẾN ĐẤU TRONG CẦU NGUYỆN

  1. Có những lý do nào khiến ta dễ lơ là cầu nguyện ?
  2. Có những lý do này : một là quan niệm sai lạc về cầu nguyện; hai là cho rằng không có giờ để cầu nguyện hoặc cầu nguyện là vô ích; ba là nản lòng trước những khó khăn và thất bại khi cầu nguyện.

F Giải thích : Cầu nguyện quả thực là một cuộc chiến đấu, vì ma quỷ luôn muốn tạo nên những cái cớ để cám dỗ ta lơ là cầu nguyện, bỏ kết hợp với Thiên Chúa : Trước hết là những quan niệm sai lạc cho rằng cầu nguyện chỉ là một hoạt động tâm lý, một tình trạng trống rỗng tâm trí, với những nghi thức làm mất mát thời gian và công việc… đang khi đó, thực ra ta cần ý thức rằng : Cầu nguyện trước hết là một quà tặng của Chúa Thánh Thần, mời gọi ta kiên vững đáp lại.

Thứ đến, ta cũng phải chiến đấu trước những suy nghĩ hoàn toàn trần tục : chỉ coi trọng những giá trị của những sinh hoạt và phát minh của khoa học, vật chất và tiện nghi… nên cho rằng cầu nguyện là chạy trốn khỏi thực tế… đang khi đó, cầu nguyện chính là phương cách tuyệt vời, để mỗi người dấn thân phát huy mọi giá trị trọn vẹn và cao quý của mình.

Cuối cùng, ta còn phải phấn đấu trước cảm giác thất bại trong cầu nguyện : Ta nản chí vì khô khan; buồn phiền vì không thể dâng trọn cho Chúa, bởi ta “có nhiều của cải”; ta thất vọng vì Chúa không theo ý ta; bị tổn thương vì phải nhìn nhận mình là tội nhân… Những cảm giác này khiến ta luôn tự ái thầm nghĩ : Cầu nguyện mà làm gì ? Đang khi, để thắng vượt, ta phải chiến đấu cách khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì : “Lạy Chúa, con tin ! Nhưng xin Chúa giúp lòng tin yếu kém của con ! ” (Mc 9, 24).

GIÁO HUẤN SỐ 40

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CẦU NGUYỆN

  1. Ta thường gặp những khó khăn nào khi cầu nguyện ?
  2. Ta thường gặp những khó khăn do chia trí, khô khan và nguội lạnh.

F Giải thích : Trước những khó khăn do chia trí, khô khan và nguội lạnh, nói chung, ta phải có lòng khiêm nhường, tin tưởng vào Chúa và cứ luôn kiên trì cầu nguyện.

Khi ta cảm giác như không được Chúa nhậm lời, ta hãy thành tâm nhận rằng : “Ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8, 26), nên trước hết ta cần cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, là Đấng “Cầu thay nguyện giúp” cho ta. Sau nữa, ta cần tự hỏi xem : Đối với ta, Thiên Chúa có là người Cha mà ta đang cố gắng thực thi thánh ý Ngài chưa ? Hay thực ra, ta chỉ xem Ngài như phương tiện để đáp ứng những mong muốn của ta; mà rất thường khi, những đòi mong của ta lại đầy tà ý hoặc trái nghịch thánh ý Chúa ! Đừng quên rằng : Chúa là Cha toàn năng và yêu thương, chỉ có Ngài biết rõ những gì thực sự hữu ích cho đời ta.

“Bạn đừng buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban ngay điều bạn xin, vì Ngài muốn cho bạn được nhiều ích lợi hơn nhờ bạn kiên trì trong cầu nguyện” [26].

Chúng ta phải gắn liền cầu nguyện với cuộc sống, phải làm cho đời sống thành lời cầu nguyện, bằng cách làm mọi việc vì vinh Danh, vì lòng mến Chúa (x.1 Cr 10,31).

GIÁO HUẤN SỐ 41

LỜI KINH CHÚA DẠY

  1. Chúa Giê-su đã dạy chúng ta lời kinh nào ?
  2. Chúa đã dạy chúng ta lời kinh tuyệt hảo là kinh Lạy Cha.

F Giải thích  

“Có một lần Chúa Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện…” (Lc 11,1). Đáp lại, Chúa Giê-su trao cho các môn đệ của Người và cho Hội Thánh lời kinh căn bản của Ki-tô Giáo.

Thánh Mát-thêu đưa ra bản văn có bảy lời cầu xin (Mt 6, 9-13), được sử dụng trong phụng vụ Hội Thánh, đặc biệt là để khởi đầu Nghi Thức Hiệp Lễ, cho thấy tầm quan trọng và thánh thiêng của kinh Lạy Cha.

Quy chế tổng quát sách lễ Rô-ma (s. 81) ghi nhận : Trong kinh Lạy Cha, ta xin Chúa ban bánh hằng ngày, cũng chỉ về bánh Thánh Thể. Ta cũng xin Chúa thanh tẩy tâm hồn ta khỏi mọi tội lỗi, hầu của ăn thánh được thực sự ban cho những người thánh. Chủ tế đọc lời mời cầu nguyện, rồi hết mọi tín hữu cùng đọc kinh với ngài; sau đó, một mình chủ tế đọc tiếp kinh khẩn xin, và giáo dân lớn tiếng tuyên xưng niềm vui mừng, tin cậy mến của cộng đoàn bằng lời chúc vinh :

Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”.

GIÁO HUẤN SỐ 42

TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH LẠY CHA

  1. Vì sao kinh Lạy Cha có tầm quan trọng đặc biệt trong kinh nguyện Kitô giáo ? T. Vì kinh Lạy Cha là tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là lời kinh của Chúa và của Hội Thánh.

F Giải thích : * Kinh Lạy Cha là kinh nguyện tóm lược toàn bộ Tin Mừng[27], vì kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi, với Tám Mối Phúc Thật, là Bài giảng tóm gọn Tin Mừng của Chúa Ki-tô.  Kinh Lạy Cha lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện, mà theo Thánh Au-gu-ti-nô nói :  “Bạn hãy rảo qua mọi lời cầu nguyện có trong các Sách Thánh, bạn sẽ thấy không có điều gì mà Lời Kinh Chúa dạy lại không bao gồm” [28].

 * Kinh Lạy Cha là lời kinh của Chúa : “Sau khi dạy kinh này, Chúa Giê-su thêm : ‘Cứ xin đi, anh em sẽ được’ (Ga 16,24). Vậy ta có thể dâng lên Chúa những lời kinh tùy nhu cầu, nhưng luôn phải giữ kinh nguyện căn bản là Lời kinh Chúa dạy” [29]. Ngài là Thầy và là mẫu mực cho cầu nguyện. Lời kinh Ngài dạy phản ánh trọn vẹn những ý nghĩ, tâm tư của Ngài đối với Chúa Cha và với toàn nhân loại, với mọi nhu cầu thể xác, tinh thần và tâm hồn của mỗi người chúng ta.

* Đây còn là Lời kinh của Hội Thánh vì được Chúa dạy theo lời xin của một Môn đệ, là một trong những thành viên tiên khởi của Hội Thánh. Hơn nữa, qua bao thăng trầm của hơn 2.000 năm lịch sử, Lời kinh vẫn được duy trì trong các giáo hội Ki-tô, như một dấu chỉ trường tồn và hiệp thông của  Hội Thánh Chúa Ki-tô.

Đặc biệt, kinh Lạy Cha là thành phần không thể thiếu trong các Giờ kinh Phụng vụ chính và trong các bí tích khai tâm : Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể. Kinh Lạy Cha còn được đưa vào Thánh Lễ, khởi đầu Nghi thức Hiệp Lễ, hoàn thiện Bữa tiệc Vượt qua của Chúa Ki-tô, đem lại lương thực hằng sống cho mỗi Ki-tô hữu, trong Hội Thánh vĩnh hằng là Nước Cha trên Trời.

GIÁO HUẤN SỐ 43

LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI

  1. Vì sao chúng ta dám đến gần và kêu cầu Thiên Chúa là Cha ? T. Vì Chúa Giê-su đã mặc khải và hướng dẫn ta đến với Chúa Cha, đồng thời Chúa Thánh Thần cho ta biết, và làm cho ta trở thành con cái Thiên Chúa.

F Giải thích  

* Chúng ta dám và có thể kêu cầu Thiên Chúa là “Cha”, bởi vì chính Ngài đã ban Con của Ngài, là Chúa Giê-su Ki-tô xuống thế làm người để tỏ bày, đặc biệt qua kinh Lạy Cha, cho chúng ta biết : Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương và sẵn sàng chăm sóc chúng ta. Qua kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su cũng dẫn ta đến với Chúa Cha và dạy ta hãy dạn dĩ thưa chuyện với Cha.

* Chúa Cha cũng ban Thánh Thần của Ngài, để Thánh Thần ban Ơn cho ta hiểu biết và tin nhận Ngài… nhất là, khi ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, Thánh Thần ban Ơn thánh hóa, để  nhờ công nghiệp của Chúa Ki-tô, ta trở thành con cái của Cha.

* Mời bạn tâm niệm những tâm tình của Thánh Am-rô-si-ô: “Hỡi con người, bạn không dám ngước mặt lên trời, bạn cúi gằm xuống đất, rồi bỗng nhiên, bạn nhận được ân sủng của Đức Ki-tô, mọi tội lỗi của bạn được tha. Từ một tên đầy tớ xấu, bạn được trở thành người con ngoan… Vậy, bạn hãy đưa mắt nhìn lên Cha, Đấng đã sinh ra bạn nhờ Phép Rửa, đã cứu chuộc bạn nhờ Con của Ngài, và hãy thưa : Lạy Cha chúng con…”.

GIÁO HUẤN SỐ 44

NHỮNG TÂM TÌNH KHI ĐỌC “LẠY CHA”

  1. Ta phải dâng lời Lạy Cha với những tâm tình nào ?
  2. Khi dâng lời “Lạy Cha” với Thiên Chúa, ta phải ao ước và quyết chí nên giống Thiên Chúa là Cha; và phải có lòng khiêm nhường và tin tưởng nơi Thiên Chúa, nhờ đó ta được hoán cải và trở nên ‘người bé mọn’ trước mặt Thiên Chúa.

F Giải thích

* “Khi gọi Thiên Chúa là Cha, ta phải hành động như những người con của Thiên Chúa”. Ta được Cha tạo dựng nên giống hình ảnh Cha, vì vậy, “Anh em không thể gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành nếu lòng vẫn còn độc ác bất nhân; bởi vì anh em không còn giữ được trong mình chứng tích về sự nhân lành của Cha trên trời nữa”. “Hãy luôn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cha trên trời, và hãy tô điểm tâm hồn mình theo vẻ đẹp đó” [30].

* Khi gọi Thiên Chúa là Cha, ta cũng phải hết lòng khiêm nhường và tin tưởng, để ta có thể thực lòng hối cải và trở nên “như trẻ nhỏ”, vì Cha chỉ tỏ mình ra cho “những kẻ bé mọn”[31].

* “Khi gọi Thiên Chúa là Cha, ta phải chiêm ngắm và bừng cháy lửa mến yêu một mình Ngài, để tâm trí ta được đắm chìm trong tình yêu của Ngài, và ta sẽ thưa chuyện với Ngài hết sức thân mật như với người Cha của riêng mình, với lòng hiếu thảo đặc biệt”, khiến ta tin tưởng sẽ nhận được những điều ta cầu xin [32].

GIÁO HUẤN SỐ 45

LẠY CHA CHÚNG CON

  1. Ta phải hiểu và sống thế nào khi kêu cầu Thiên Chúa là “Cha chúng con” ? T. Ta phải hiểu Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và mọi người là anh em với nhau, vì thế ta phải yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

F Giải thích  

Khi kêu cầu “Cha chúng con”, chúng ta nói lên rằng : chúng ta thuộc về cộng đoàn Dân Chúa; một dân đã được Đức Giê-su Ki-tô liên kết, nhờ Phép Rửa bởi nước và Thánh Thần. Nhờ đó, Thiên Chúa trở thành Cha của chúng ta và chúng ta trở thành con cái của Ngài, trong Hội Thánh của Chúa Ki-tô.

Khi kêu cầu “Cha chúng con”, chúng ta nói lên sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, như các Ki-tô hữu tiên khởi tuy đông đảo, mà chỉ một lòng một ý”. Vì vậy, dù vẫn còn sự chia rẽ giữa các Ki-tô hữu qua các thời đại, nhưng lời kinh “Lạy Cha chúng con” vẫn là gia sản chung, là lời mời gọi khẩn thiết đối với mọi người đã được rửa tội.

Để thật lòng đọc kinh Lạy Cha, chúng ta phải vượt qua mọi chia rẽ, đối nghịch, hận thù, và phải yêu thương, phục vụ lẫn nhau là anh em con cùng một Cha [33].

Cuối cùng, các Ki-tô hữu không thể thưa “Lạy Cha chúng con”, nếu không dâng lên Cha toàn thể nhân loại, vì tình Cha không biên giới đã trao ban Con yêu dấu của Ngài cho hết mọi người ! Vì vậy, với tấm lòng cũng không biên giới, ta phải dâng lên Cha lời cầu nguyện với mọi người và cho mọi người chưa nhận biết Cha, để họ được quy tụ về một mối [34]

 GIÁO HUẤN SỐ 46

LẠY CHA CHÚNG CON “Ở TRÊN TRỜI”

  1. Chúng ta phải hiểu thế nào khi kêu cầu Thiên Chúa là Cha “ở trên trời” ? T. Chúng ta phải hiểu Thiên Chúa cao cả và vượt trên tất cả mọi sự, Ngài là Đấng thánh thiện và hiện diện trong tâm hồn những người công chính.

F Giải thích

Khi kêu cầu“Lạy Cha ở trên trời”, lời kinh không muốn chỉ về một nơi chốn cao sang, xa cách, nhưng muốn nói lên sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa. Ngài “vượt xa tất cả” những gì mà chúng ta có thể tưởng nghĩ về sự thánh thiện của Ngài. Bởi vì Ngài chí thánh, nên thay vì xa lánh, Ngài lại rất gần gũi những tâm hồn thống hối, khiêm cung : Ngài ngự nơi tâm hồn của người công chính như trong đền thánh của Ngài. Vì vậy, ai cầu nguyện thì ước ao cho Đấng mình kêu cầu sẽ đến ngự trong mình” [35].

Khi kêu cầu“Lạy Cha ở trên trời”, chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin tưởng rằng : quê hương thật của chúng ta là quê trời, vì Chúa Giê-su đã từ trời xuống thế để chuộc lại cho ta vinh dự làm con cái Thiên Chúa, thì Người cũng sẽ dẫn đưa chúng ta lên với Thiên Chúa, nhờ Thánh giá, sự Phục sinh và Lên trời của Người [36].

Khi đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, Hội Thánh còn tuyên xưng chúng ta là dân Thiên Chúa : các Ki-tô hữu “ở trong xác phàm, nhưng không sống theo xác phàm. Họ sống nơi dương thế, nhưng đã có quyền công dân trên trời [37]”.

GIÁO HUẤN SỐ 47

BA LỜI NGUYỆN KHỞI ĐẦU

  1. Chúng ta xin gì trong ba lời nguyện đầu của kinh Lạy Cha? T. Chúng ta xin cho Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến; ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

F Giải thích 

* Khi nguyện “Danh Cha cả sáng” chúng ta xin cho toàn thể nhân loại nhận biết, và ngợi khen Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Muốn được như vậy, ta phải “trở nên tinh tuyền thánh thiện, trước thánh nhan Ngài, nhờ tình thương của Ngài”[38], để mọi người nhận biết và chúc tụng Thiên Chúa là Cha. Vì vậy, chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa cả sáng bao nhiêu, thì chúng ta càng phải sống xứng đáng với sự thánh thiện của Ngài bấy nhiêu” [39].

* Khi nguyện “Nước Cha trị đến”, chúng ta khẩn cầu Chúa Ki-tô trở lại trong vinh quang, và Nước Thiên Chúa ngày càng lớn mạnh ngay trong cuộc đời này. Muốn được như vậy, chúng ta cần sống trong sạch, sao cho ‘tội lỗi đừng thống trị thân xác phải chết của chúng ta nữa’ (Rm 6,12)…[40].

 * Khi nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta xin Cha kết hợp ý muốn của chúng ta với ý muốn của Chúa Giê-su, để ý định yêu thương của Ngài được thực hiện trọn vẹn dưới đất, hầu mọi người được hưởng vinh quang trên trời.

GIÁO HUẤN SỐ 48

LỜI CẦU XIN THỨ TƯ VÀ THỨ NĂM

  1. Chúng ta xin gì trong những lời cầu xin thứ tư và thứ năm của kinh Lạy Cha ? T. Chúng ta xin Cha ban lương thực hằng ngày, và tha thứ tội lỗi.

F Giải thích 

* Khi“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, ta xin Cha ban lương thực vật chất cũng như tinh thần : cơm áo, của cải, tài năng, trí tuệ, sức khỏe, tình yêu thương, sự bình an… lên lòng tin tưởng của ta nơi quyền phép và lòng quảng đại của Cha, và cũng nói lên rằng : ta cần chia sẻ cho những người thiếu thốn vật chất cũng như linh hồn, vì tất cả đều là của Cha ban cho, và Cha cũng muốn ban cho hết thảy mọi người.

Lương thực ta xin Cha còn là Lời Chúa được đón nhận trong đức tin, là Thánh Thể Chúa [41], mà ta cũng có bổn phận phải nỗ lực chia sẻ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Khi đọc “hôm nay” “hằng ngày”, nói lên tâm tình phó thác trọn vẹn của ta nơi Cha, là Đấng hằng yêu thương quan phòng chăm sóc chúng ta trong từng hơi thở.

* Khi nguyện “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, chúng ta xin Cha thương xót và tha thứ cho mọi xúc phạm của chúng ta, đồng thời giúp chúng ta biết yêu thương và tha thứ cho người khác.

Để có thể tha thứ cho người khác, chúng ta phải xin Chúa Thánh Thần trợ giúp, vì chỉ mình Ngài mới làm cho chúng ta có được tâm tình yêu thương, và khả năng tha thứ như Chúa Giê-su.

GIÁO HUẤN SỐ 49

LỜI CẦU XIN THỨ SÁU VÀ THỨ BẢY

  1. Chúng ta xin gì trong những lời cầu xin thứ sáu và thứ bảy của kinh Lạy Cha ?
  2. Chúng ta xin Cha trợ giúp chúng ta trong những cơn cám dỗ, và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ.

F Giải thích

* Khi dâng lời “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, chúng ta xin Cha đừng để chúng ta đơn độc trong cơn cám dỗ, nhưng ban Thánh Thần, để giúp chúng ta biết phân định và chống lại cám dỗ, biết tỉnh thức và bền đỗ đến cùng với trái tim cương quyết.

Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phân định đâu là những thử thách, những cám dỗ vốn cần thiết để tâm hồn, để các nhân đức của  ta tăng trưởng, và đâu là những cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết mà ta phải lánh xa [42]. Chúng ta còn phải biết phân định giữa “bị cám dỗ” và “thuận theo” cơn cám dỗ. Cuối cùng, phân định vạch trần sự dối trá của chước cám dỗ : bề ngoài, nó có vẻ “ngon, trông đẹp mắt và đáng quý” (x. St 3, 6), nhưng thật sự, nó dẫn đến sự chết.

* Khi đọc “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” :

– chúng ta xin cho cả gia đình nhân loại được thoát khỏi ác thần, là tác giả của mọi sự dữ trong hiện tại, quá khứ, và tương lai…  vì “có Thiên Chúa bênh đỡ, ai có thể chống lại được chúng ta?” [43]

­- và chúng ta“xin Chúa đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi, và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng con” [44].

 

 

GIÁO HUẤN SỐ 50

LỜI “AMEN” KẾT THÚC KINH LẠY CHA

  1. Chúng ta mong ước gì khi kết thúc kinh Lạy Cha với tiếng “A-men” ? T. Chúng ta mong ước Chúa Cha nhận lời chúng ta cầu xin, và cho chúng ta biết thực thi những điều Chúa Giê-su dạy trong kinh Lạy Cha.

F Giải thích 

Trong Thánh Lễ, để kết thúc kinh Lạy Cha, cộng đoàn dâng lời Vinh tụng ca “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời”, lấy lại ba lời cầu xin đầu tiên dâng lên Cha chúng ta : vinh quang của Danh Ngài, vương quyền của Nước Ngài, và uy lực của Ý định cứu độ của Ngài.

Nhưng việc lặp lại ở đây mang hình thức thờ lạy và tạ ơn, như trong phụng vụ trên trời. Thủ lãnh thế gian này đã dối trá tự gán cho mình ba tước hiệu đó về vương quyền, uy lực và vinh quang. Đức Ki-tô, là Chúa, đã hoàn lại các tước hiệu đó cho Cha Người cũng là Cha chúng ta, cho đến khi Người giao trả Nước Người cho Cha, lúc mầu nhiệm cứu độ sẽ được hoàn tất vĩnh viễn, và “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài”.

Vào cuối lời kinh Lạy Cha, chúng ta thưa ‘A-men’, có nghĩa là ‘Mong được như vậy’. Với hai tiếng A-men, chúng ta nói lên lời “Fiat”, nghĩa là : nguyện mong cho bảy điều Chúa dạy chúng ta cầu xin trong Lời kinh hãy được thực hiện, nơi trần gian và trước hết là nơi cuộc sống chúng ta mỗi ngày [45].

[1] x. ĐTC Phanxicô, Tông thư “Dung Mạo Lòng Thương Xót, s.9.

[2] St 2, 7.

[3] x. Thánh Augutinô, PL 40, 56.

[4] Ga 10, 10.

[5] 1 Pr. 5, 7.

[6] x. St 4, 4; 4, 26; 5, 24; 8, 20-9, 17.

[7] St 12, 4.

[8] x. St 15, 2-3.

[9] x. St 32,25-31; Lc 18,1-8.

[10] x. Xh 34, 6; 17, 8-13; Ds 12,13-14.

[11] x. Am 7, 2.5; Is 6, 5.8.11; Gr 1, 6; 15,15-18; 20,7-18.

[12] x. Er 9, 6-15 ; Nhm 1, 4-11; Gn 2, 3-10 ; Tb 3,11-16 ; Gđt 9, 2-14.

[13] x. Lc 1, 49; 2,19.51.

[14] x. Mc 1,35; 6,46; Lc 5,16.

[15] x. Mt 11, 25-27; Lc 10, 21-22; Ga 11,41-42.

[16] x. Mt 5,23-24. Mt 5,44-45. Mt 6,7. Mt 6,14-15. Mt 6,21.25.33.

[17] x. Mt 7, 21. Mt 9, 38; Lc 10, 2; Ga 4, 34.

[18] x. Mc 13; Lc 21, 34-36.

[19] Lc 11, 5-13. Lc 18,1-8. Lc 18, 9-14.

[20] Lc 1, 38; Cv 1,14.

[21] x.Ga 19, 25-27.

[22] x. Ga 4,14.

[23] x : Dei Verbum, 25; Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh phụng vụ, 9.

[24] ĐTC Bênêđíctô XVI, Tđ. Niềm hy vọng cứu độ (Spe Salvi), s. 49.

[25] Thánh Grê-gô-ri-ô thành Na-di-en.

[26] Êvagriô Ponticô, De oratione, 34: PG 79,1173.

[27] Tertullianô, De oratione, 1, 6: CCL 1,258 (PL 1,1255).

[28] Thánh Augutinô, Epistula 130, 12, 22: CSEL 44,66 (PL 33,502).

[29] Tertullianô, De oratione, 10: CCL 1,263 (PL 1,1268-1269).

[30] Thánh Cyprianô, PL 4,543; Thánh Gio-an Kim Khẩu, PG 51,44; Thánh Grêgôriô thành Nyssa, PG 44,1148.

[31] Mt 18, 3;11, 25.

[32] Thánh Gio-an Cassianô, PL 49,788; Thánh Augustinô, PL 34,1276.

[33] x. Cv 4, 32; Mt 5, 23-24; 6, 14-15.

[34] x. Ga 11, 52.

[35] Thánh Augustinô, PL 34,1277.

[36] x. Ga 12, 32; 14, 2-3; 16, 28; 20,17; Ep 4, 9-10; Dt 1, 3; 2,13.

[37] Epistula ad Diognetum, 5, 8-9: SC 33,62-64 (Funk 1,398).

[38] Ep 1, 4.

[39] Thánh Phê-rô Kim Ngôn, Sermo 71, 4: CCL 24A, 425 (PL 52,402).

[40] Thánh Cyrillô thành Giê-ru-sa-lem, PG 33,1120.

[41] x. Ga 6, 26-58.

[42] x. Lc 8,13-15; Cv 14, 22; 2 Tm 3,12; Rm 5, 3-5; Gc 1,14-15.

[43] Rm 8, 31.

[44] Nghi thức hiệp lễ: Sách Lễ Rô-ma.

[45] x. Kh 1,6; 4,11; 5,13; Lc 4,5-6; 1 Cr 15,24-28; Lc 1,38; Thánh Cy-ril-lô thành Giê-ru-sa-lem, PG 33,1124.