GPCT: Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Cuối Năm 2019 – Thứ Năm 28/11/2019

print

Bài giảng  của cha  Phêrô Vũ Văn Hài

BÀI GIẢNG TRONG TUẦN TĨNH TÂM LM GP. CẦN THƠ

THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN

Cộng đoàn Phụng vụ thân mến.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu tiên báo về ngày tàn của thành Giêrusalem – là biểu tượng của bền vững, của sức mạnh quyền lực, thậm chí của sự tự mãn cho mình là tự đủ… Hơn thế nữa, Giêrusalem chính là biểu tượng của tôn giáo, của sự thánh thiêng, của nơi mà người ta cho đó là địa điểm để con người gặp gỡ Thiên Chúa.

Lý do của ngày tàn Giêrusalem là đằng sau vẻ vững chãi là sự tạm bợ, đằng sau vẻ nguy nga là sự thối nát, đằng sau lễ hội hoành tráng là hạnh phúc giả tạo, đằng sau sự trình diễn công lý là sự lọc lừa dối gian, đằng sau vẻ thánh thiêng là vũng lầy tội lỗi, đằng sau những trình diễn về niềm tin là sự bội tín, đằng sau những lễ nghi được phô diễn rất trang nghiêm là những con tim rỗng tuếch và giá băng.

Chúng ta có thể thoáng thấy hình ảnh Giêrusalem trong Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe nơi thế giới và nhất là nơi xã hội Việt Nam hôm nay, qua những thách thức mà người trẻ phải đương đầu, mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đề cập đến trong Thư Chung năm 2019: “Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng” (số 3).

Chúng ta cũng thấy thấp thoáng đâu đó trong chính Giáo hội những hình ảnh của thành Giêrusalem trong Bài Tin mừng hôm nay. Những vụ bê bối lạm dụng tình dục dính dáng cả đến các bậc vị vọng, những vụ lạm dụng quyền bính ngay ở cấp trung ương, những vụ lạm dụng lương tâm cách này cách khác… mà phía sau đó là “chủ nghĩa giáo sĩ trị” – nghĩa là cách nhìn giới giáo sĩ một cách lệch lạc, một sự tôn kính thái quá và một khuynh hướng trao cho hàng giáo sĩ một quyền uy đạo đức tối thượng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong lá Thư gởi Dân Chúa vào ngày 20.8.2018 như sau: “Chủ nghĩa giáo sĩ, dù nơi các linh mục hoặc giáo dân, đều cứa vào thân mình Giáo hội, đều dung dưỡng và giúp sức cho sự xấu xa tội lỗi, vốn chúng ta đang lên án, lại tiếp tục tồn tại. Nói “không” với lạm dụng là cương quyết nói “không” với mọi hình thức giáo sĩ trị” (số 2).

Đứng trước thực trạng trên, theo lẽ thường tình thì chúng ta dễ rơi vào hai thái độ sau:

– Một là nổi giận, bực bội khó chịu và quay lưng với Giáo hội cũng như với xã hội… từ đó dễ đưa đến những nổi loạn và công kích Giáo hội cách chung hoặc những cá nhân, thậm chí xa lìa con thuyền của thánh Phêrô vì cho rằng nó sắp chìm tới nơi rồi.

– Hai là buồn chán, cúi đầu buông xuôi… thôi thì chuyện tới đâu hay tới đó… dẫn đến sự lạnh lùng vô cảm và đời sống trở nên mất dần ý nghĩa, từ đó khả dĩ dẫn đến việc vun quén cho bản thân và gia đình vì cho rằng mình cố gắng mấy cũng chẳng ích lợi gì.

Thật may mắn cho chúng ta. Thật đáng quý cho chúng ta. Vì Chúa Giêsu, vị Thầy tuyệt vời và quyền uy đã chỉ cho chúng ta thái độ đúng đắn cần có “khi những sự việc ấy xảy đến”, đó là: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên!” (x. Bài TM). Phải, thưa cộng đoàn Phụng vụ. Đây quả là một lời đầy ắp niềm tin yêu và hy vọng. Một lời chúng ta đang rất cần được nghe Chúa nói ngay trong thời điểm hiện tại. Một lời có sức khích lệ, ủi an và giúp chúng ta định hướng lại cuộc đời mình.

– Đứng thẳng và ngẩng đầu lên nghĩa là không chịu khuất phục trước mọi thế lực như tiền bạc, danh vọng hay quyền lực; là không gục mặt trước tội lỗi yếu hèn; là không cúi đầu vì buồn bã chán chường mất phương hướng… Đây không phải là thái độ ngạo mạn bất chấp, mà là thái độ của người trung thực thẳng thắn, biết nhìn nhận sự thật về Chúa, về Giáo hội, về xã hội, về tha nhân và về chính mình mà không hoang mang sợ hãi… nhưng kiên nhẫn, khiêm tốn và can trường…

– Đứng thẳng và ngẩng đầu lên còn có nghĩa là không luồn lách để trục lợi; không quanh co để lấp liếm, không ngã quỵ khi va vấp yếu đuối và lỗi lầm. Đó chắc hẳn không phải là thái độ dửng dưng vô cảm, mà là hành vi của một người môn đệ biết tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa: ngẩng đầu hướng về Chúa là Cha giàu lòng Thương Xót, Đấng tha thứ không mệt mỏi và quên rất nhanh chóng tội lỗi của con người, nói theo kiểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Christus Vivit là : “trí nhớ của Ngài không phải là 1 ‘ổ cứng’ để lưu giữ tất cả dữ liệu cuộc đời ta, mà là 1 trái tim dịu dàng thương cảm, vui mừng ‘xoá sạch’ mọi dấu vết xấu xa của chúng ta”. (số 115).

Cộng đoàn phụng vụ rất thân mến.

Mỗi dịp tĩnh tâm năm, Linh mục đoàn chúng ta lại có dịp dừng chân để nhìn lại căn tính và sứ vụ linh mục của mình. Muốn nhìn lại rõ nét, ta cần lắng nghe Lời Chúa, Giáo huấn của Giáo hội, và cả lời góp ý của dân chúng. Lời Chúa và Giáo huấn của Giáo hội thì chúng ta đã nghe qua Thánh Kinh, trong Thánh lễ, trong các giờ chia sẻ và đặc biệt trong những bài giảng sống động mà sâu sắc của Đức Cha Giảng phòng. Còn lời của dân chúng, không biết vô tình hay hữu ý, mà con đọc được trong tập “Linh mục tu thân tích đức” do Đức Cha giảng phòng tặng, bài “tâm thư của 1 tín hữu” (x. từ trang 90). Bức thư cho rằng Giáo hội Việt Nam cần canh tân, vì những lý do sau: Một số lớn quý cha chỉ lo xây nhà thờ cho to, đẹp nên phải lo kiếm nhiều tiền bằng nhiều cách, như bắt dân chúng đóng góp hoặc chơi với người giàu; Một số cha hách dịch quan liêu, ít thân thiện… khiến giáo dân khó gần; Một số cha thiên vị giàu nghèo rõ rệt; Một số cha chẳng bao giờ quan tâm đến việc truyền giáo; Nhiều cha lại quá ga lăng, nhậu nhẹt vô độ, nhiều đam mê, thích xài sang; Có nhiều cha sống không hiệp nhất yêu thương nhau, thậm chí còn nói xấu nhau… Đây chẳng phải là “chủ nghĩa giáo sĩ trị” mà Đức Thánh Cha Phanxicô lên án đó sao?!

Và phần kết bức thư là lời ước mong: “Chúng con không cần nhà thờ đẹp sang trọng, chúng con chỉ mong có những vị chủ chăn hiền từ, thánh thiện, để mọi người dù vui mừng sướng khổ đều muốn chạy đến với cha xứ… để được tăng niềm vui và giảm nỗi buồn…”… và kèm thêm lời năn nỉ: “xin các ngài đã dâng thì dâng cho trọn, đã hy sinh thì hy sinh cho hết đã thương thì thương hết mình, đừng giữ lại phần nào nữa!”.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Dù Giêrusalem hôm nay có sụp đổ, dù cho “muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển” (Lc 21,26), thì chúng ta đừng quên làm theo lời đầy khích lệ của Chúa Giêsu: “Anh em đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Và sau cùng là lời khích lệ của ĐTC Phanxicô trong đoạn kết của lá thư ngài gởi cho anh em Linh mục: “Anh em thân mến, một lần nữa, “tôi không ngừng tạ ơn Chúa vì anh em” (Ep 1,16), vì sự dấn thân và thừa tác vụ của anh em. Vì tôi tin tưởng rằng “Thiên Chúa lấy đi cả những tảng đá cứng nhất mà các niềm hy vọng và trông mong của chúng ta gặp phải: sự chết, tội lỗi, sự sợ hãi, tính thế tục. Lịch sử loài người không kết thúc trước một tấm bia mộ, vì hôm nay nó gặp được “tảng đá sống” (x. Pr 2,4), Đức Giêsu phục sinh. Là Hội Thánh, chúng ta được xây dựng trên Người, và cả khi chúng ta trở nên ngã lòng và bị cám dỗ phán đoán tất cả dựa theo các thất bại của chúng ta, Người vẫn đến để làm mới mọi sự”. Amen. 

Cám ơn Đức cha Alphong giảng phòng 

Chầu MTC Bế mạc

 

MỪNG THẤT TUẦN

 

 

MỪNG TÂN LM

 

Cảnh ĐCV ban ngày