Gửi Gắm Theo Tinh Thần Của Chúa Giêsu

print

Gửi Gắm Theo Tinh Thần Của Chúa Giêsu

Trải qua dòng lịch sử hơn 2000 năm, chúng ta thấy có rất nhiều thay đổi trên toàn thế giới như: Nghệ thuật và văn hóa, giáo dục và y tế, tôn giáo cũng như chính trị, đặc biệt là khoa học công nghệ và truyền thông… Tuy cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng có những điều vẫn còn tồn tại, cụ thể qua việc gửi gắm con cái cho người hữu trách như bà mẹ trong bài Tin Mừng kính Thánh Gia-cô-bê hôm nay (Mt 20,20-28).

Thật cảm động cho người mẹ, can đảm đến xin Chúa Giê-su cho hai đứa con được ngồi vào vị trí quan trọng trong nước Chúa. Ngày nay, không chỉ có những người mẹ mà còn có những người cha, cô dì, chú bác quan tâm lo lắng cho con cháu… nên việc gửi gắm ngay từ khi còn rất sớm ở trường lớp. Lớn lên tiếp tục được gửi gắm nơi công sở, xí nghiệp, nhà máy và ở mọi lãnh vực, ngành nghề trong cuộc sống kể cả trong Giáo hội.

Xét về khía cạnh tâm lý, đây là điều rất tốt, con cái cần được quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, xét về mặt giáo dục và đào tạo thì cần nhìn lại, đặc biệt là nên học hỏi theo gương Chúa Giê-su. Ngài không hứa những gì người mẹ xin, nhưng hướng họ đến sự hy sinh, cố gắng và dấn thân phục vụ hầu mang ơn cứu độ của Chúa đến nhiều người: “Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không? Chén của Thầy, các người sẽ uống nhưng còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho…” (Mt 20, 22-23).

Tôi nghe kể, mỗi dịp nhập học ở trường đời cũng như trường đạo, thậm chí cả môi trường đào tạo để trở thành tu sĩ hay ứng sinh linh mục, thì điện thoại của người hữu trách reo liên tục. Hết người này ‘gửi’ đến người kia ‘gấm’; hết người nọ ‘nài’ đến người khác ‘nỉ’… Hầu hết là xin người hữu trách quan tâm và ưu ái cho con cháu của họ hơn chứ không phải gửi gắm theo tinh thần của Chúa Giê-su hơn.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (12.2.1809 – 15.4.1865) đã từng gửi bức thư đến thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học. Nội dung chính của bức không phải yêu cầu nhà trường ưu ái cho con ông mà là đối xử công bằng với con ông như mọi học sinh khác trong trường lớp. Đặc biệt là rèn luyện con ông có tấm lòng nhân ái, có tầm nhìn rộng mở và có tinh thần dấn thân phục vụ, cách riêng là không cậy dựa vào quyền thế…

Xung quanh nhà xứ có nhiều cây xanh, thỉnh thoảng nhìn lên thân cây tôi phát hiện có nhiều cây Tầm Gửi. Loại cây này sống là nhờ bám vào thân cây khác và nó phát triển hay không cũng tùy thuộc vào cây khác chứ tự nó không quyết định được. Cũng vậy, nếu xã hội và Giáo hội có quá nhiều người được gửi theo kiểu người đời thì xã hội và Giáo hội tương lai sẽ yếu ớt đi, vì có quá nhiều người không thể đứng trên đôi chân của mình mà chỉ dựa dẫm vào đôi chân của đấng bậc khác.

Ước gì, cha mẹ và người thân đang sống trong xã hôi hôm nay, không chỉ noi gương người mẹ trong bài Tin Mừng gửi gắm con cái theo kiểu được ưu ái hơn, cao trọng hơn… nhưng còn biết học theo gương Chúa Giê-su là giúp cho con cái cố gắng hơn, quảng đại hơn, dấn thân hơn, hy sinh và phục vụ nhiều hơn… hầu mong cho giới trẻ tự tin hơn, trưởng thành hơn và hữu ích hơn cho xã hội và Giáo hội. Từ đó thế hệ tương lại mạnh dạn ra đi đến vùng ngoại biên, đến chỗ nước sâu như Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi. Hầu mang tinh thần của Chúa Giê-su và ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho nhiều người: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 14,47).

Lm. Biển Xanh.