Gương Chúa Giêsu: Chương 21 – Lòng thống hối

print

21. LÒNG THỐNG HỐI

Thực trạng con người

Muốn tiến đức, bạn hãy giữ lòng kính sợ Chúa và đừng tự do phóng túng quá!

Hãy siết ngũ quan vào kỷ luật và đừng mong tìm những thú vui điên rồ.

Hãy thực tâm sám hối, rồi bạn sẽ vãn hồi được ơn sốt sắng.

Sám hối trả lại những cái mà phóng đãng đã tiêu ma mất.

Một người sống ở đời, suy mình đang bị lưu lạc và hồn mình đang mắc ngàn vạn cái hiểm nguy mà cứ vui tít đi được, kể cũng lạ thật!

Cần phải thống hối

 Tính nhẹ dạ, tính lười sửa khuyết điểm đã làm cho chúng ta không cảm được những đau khổ của linh hồn và thường khi lại cười một cách vô nghĩa trong lúc đáng lý ta phải khóc.

Chỉ có tự do thật, chỉ có bình an vững chắc, khi nào ta biết kính sợ Chúa và có lương tâm thẳng thắn.

Phúc lớn người biết khước từ những cái có thể làm cho mình chia trí và biết hồi tâm thống hối.

Phúc lớn người biết trừ khử những cái có thể làm bẩn lương tân.

Hãy chiến đấu cho hùng dũng: một tập quán xấu chỉ có thể thắng dẹp bằng một tập quán tốt.

Nếu Bạn biết để mặc người, người cũng sẽ để mặc Bạn yên hàn mà làm cái Bạn phải làm.

Ơn Chúa an ủi

Đừng tranh việc người khác cũng đừng bận đến việc thuộc phạm vi Bề trên.

Hãy mở to mắt nhìn thẳng vào mình trước và hãy tự răn mình trước khi sửa vẽ chúng bạn.

Không được lòng người cũng đừng buồn. Hãy buồn vì bạn đã không sống hẳn hoi, đã không thận trọng xứng đáng một tôi trung của Chúa, một tu sĩ đạo hạnh.

Không hưởng được nhiều an ủi ở đời, nhất là những yên ủi giác quan, thường lại có lợi và cũng vững chắc hơn.

Còn ơn Chúa yên ủi mà ta không được hay được ít là lỗi ta. Vì ta đã không thực tâm thống hối và đã không loại trừ những yên ủi ngoại lai vô ích.

Đau đớn vì tội

Bạn nên biết, Bạn không đáng Chúa an ủi trái lại chỉ đáng chịu đau khổ?

Toàn thể vũ trụ trở nên nặng nề, đắng đót, cho những ai có lòng thống hối thật. Người công chính lúc nào cũng thấy có đủ lý do mà than mà khóc.

Dầu suy mình hay xét đến người, họ nhận thấy rõ: trên đời không ai thoát đau khổ.

Và càng suy cho thấu, càng đau đớn nhiều.

Lý do xác đáng làm ta đau tủi và thống hối lại chính là tội và thói hư của ta. Nó trói buộc ta chặt đến nỗi ta khó nhắc lòng lên suy những cái trên trời.

Gẫm suy cái chết

Nếu bạn năng suy đến cái chết hơn là nghĩ đến sống lâu, chắc bạn sẽ được sốt sắng đền bù hơn.

Nếu bạn suy nghiệm kỹ những khổ hình hỏa ngục và luyện tội, ta tin chắc bạn sẽ vui lòng chịu được đau khổ cũng như vất vả và không sợ gì là khắt khe nữa.

Nhưng vì những chân lý đó chưa thấu nhập được tâm hồn ta và ta còn ưa chuộng những cái mơn trớn giác quan, nên ta còn lạnh nhạt và biếng lười.

Xin ơn thống hối

Thường tại tinh thần ta bạc nhược mà xác ta hơi tí đã phàn nàn.

Vậy bạn hãy khiêm nhường, xin Chúa ban cho một tinh thần thống hối, và cùng Thánh tiên tri thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con ăn no bánh khóc lóc và cho con uống nước mắt con”.(1)

SUY NIỆM

Gặp đau khổ mà không phàn nàn, trái lại biết vui chịu, tự hạ trước mặt Chúa và xin ơn Chúa giúp đỡ: chính cảm tưởng khiêm tốn và mối thành tín ấy là tinh thần thống hối mà tác giả vừa nói.

Phải, vui thế nào được, ở cái đời đầy đau khổ, đầy tội lỗi, đầy khách lưu này! Quả thánh Augutinh rất có lý khi nói: “Người giáo hữu thực đau khổ khi sống, chỉ chết đi mới có hy vọng hết tội lỗi và được tùng phục Chúa trọn đời”.

Lạy Chúa, xin cho lòng con xa lìa vật thế mà kết chặt với Chúa. Không còn gì sung sướng cho con hơn là được yêu mến Chúa, làm và chịu khổ vì Chúa. Con vui lòng nhận phần đau khổ Chúa chia cho con để làm vui lòng Chúa ở đời này và đời sau được vui thỏa trng tình yêu bất diệt.


—————-
1. LXXIX, 6