Hạt Giống Tình Yêu

print

Chúa Nhật 5 Mùa Chay B – 2021

Hạt Giống Tình Yêu

Lm. Giuse Nguyễn

04 giờ sáng 7.3.2018, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM. TGP. Sài Gòn đã đột ngột qua đời trong chuyến Ad Limina cùng với HĐGMVN tại Rôma, hưởng thọ 74 tuổi. Sự ra đi độc nhất vô nhị của vị Giám mục Việt Nam đã làm cho cả giáo triều phải bàng hoàng, xúc đông và tiếc thương vì ngài là vị Giám mục duy nhất trên thế giới qua đời ngay trong chuyến hành hương Ad Limia, hơn nữa ngài là Tổng Giám Mục đang tại vị tại 1 Tổng Giáo phận lớn nhất Việt Nam.

Trong Thánh lễ an táng cho ngài vào sáng 17.3, người ta càng xúc động hơn khi nghe ca đoàn tổng hợp của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cất lên ca khúc Hạt Giống Tình Yêu của Lm. Phương Anh. Lời của ca khúc đó được lấy ý trong đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không thối đi, không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi. Và nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà thối đi, mà chết đi thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt”.

Không có đoạn Tin Mừng nào khiến người nghe ngạc nhiên cho bằng đoạn Tin Mừng này. Nó khởi đầu bằng câu mà ai cũng muốn, cũng chờ đợi: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12, 23). Sự tôn vinh theo kiểu người đời. Đến giờ thăng quan tiến chức, nhận bằng khen, được tuyên dương dưới cờ, trước lớp, trước tập thể, báo chí đăng rần rần, Yotuber quay phim, chụp hình đăng lên mạng xã hội với hàng triệu lượt like, trăm ngàn lượt shaer vì một người đã làm những việc lẫy lừng, chắc chắn còn nổi tiếng hơn cả thần y Võ Hoàng Yên…

Thế nhưng một sự đảo lộn ngay sau đó với hàng loạt những câu khiến dân chúng ngỡ ngàng, choáng váng, kinh ngạc, khó tin. Người ta đang đợi giây phút tôn vinh, thì Đức Giêsu lại nói về hy sinh, sự chết. ĐG như dội một gáo nước lạnh vào mặt người ta. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu ĐG và thái độ của dân Do Thái dành cho Ngài khi chưa hiểu Ngài đã làm đảo lộn các ý niệm của họ như thế nào đâu. Người ta đang lâng lâng với cảm giác trên tận mây xanh, thì Ngài tát vào mặt người ta một cái choáng váng, té cái ạch: trèo cao, té đau. ĐG đã lật ngược giấc mơ chiến thắng của người Do Thái thành mặc khải về thập giá. Chính vì vậy, không lạ gì khi đang nghe Ngài giảng, dân chúng bỏ đi hết : lời gì chói tai quá, nghe sao nổi!

Vậy nghịch lý Đức Giêsu muốn nói đến ở đây là gì?

  1. Chỉ do sự chết mới có sự sống. “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Hạt giống được gói ghém kỹ lưỡng, để trên bàn, cất trong tủ thì nó chỉ đơn giản là hạt giống. Chỉ khi nào nó được gieo vào lòng đất dơ bẩn, sình lầy, ban đêm lạnh lẽo, ban ngày nắng nóng; đến khi nó mục nát đi thì sự sống khác mới được hình thành, và sự sống mới này sẽ mang lại kết quả dồi dào hơn; từ 1 hạt có thể được vài chục hạt, thậm chí hàng trăm hạt. Chết mới sống. Đó là nghịch lý, nhưng là chân lý, là sự thật. Tại sao ĐG không ở trong vinh quang của Ngài để Ngài được vinh quang? Xuống thế làm người chi cho cực khổ, không có nơi sinh cho xứng đáng, không có chỗ tựa đầu, bôn ba khắp nơi, bị hiểu lầm, bị bắt bớ, đánh đập và sau cùng là bị giết chết. Đó là nghịch lý, nhưng lại là chân lý cứu độ cho nhân loại. Chết mới sống, mất để được; Nhưng cái chết, cái mất lại dành cho ĐG, còn cái sống, cái được lại cho con người. Nghịch lý này thể hiện được tình yêu của Thiên Chúa. Tất cả dành cho con người. Tất cả là vì tình yêu. Mọi sự vì đức ái.

“Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh nhiều Kitô hữu”. Cái chết của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp đã giúp cho khoảng 40 người được sống. Từ cái chết của Cha Phanxicô đã mang đến những sự sống quý giá hơn. Những người được Cha Phanxicô cứu sống rồi cũng sẽ chết, nhưng từ ngày cha chết cho đến hôm nay có biết bao nhiêu sự sống khác. Sự sống đó là những ơn lành do lời chuyển cầu của Cha cho chúng ta. Sự sống đó là nhiều người đã được hưởng những ân lộc của Cha. Và nhất là sự sống lại về phần linh hồn khi có nhiều người được tin Chúa, được rửa tội vì Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp; hoặc nhờ Cha mà họ từ những người khô khan nguội lạnh, yếu đuối tội lỗi biết quay trở về cùng Chúa. Cho nên nơi Cha Phanxicô chúng ta thấy rõ mầu nhiệm của hạt lúa mì, đó chính là hạt giống của tình yêu. Cha đã “sống hiến dâng phó thác-chết nêu gương sáng ngời”. Gương sáng đó chính là hạt lúa mì chấp nhận gieo vào lòng đất để trổ sinh nhiều bông hạt cho chúng ta.

Nếu “hạt lúa mì” là chân lý nơi Đức Giêsu, nơi cha Phanxicô Trương Bửu Diệp thì cũng sẽ là chân lý nơi cuộc đời mỗi người chúng ra, rằng chấp nhận chết đi, thì mới sinh nhiều bông hạt.

Mỗi người chấp nhận chết đi cái tôi cá nhân của mình để sống vì tập thể, thì tập thể đó mới trổ sinh nhiều hoa trái. Mỗi người phải chấp nhận chết đi cho những dục vọng đam mê của mình thì sức sống thánh thiện mới có thể lớn mạnh nơi bản thân người đó, để họ có một năng lực không bao giờ nghĩ cho bản thân mình, mà chỉ lo tìm hạnh phúc cho người khác. Mỗi người phải chấp nhận chết đi những tội lỗi của mình, thì cuộc sống mới thêm phần tốt đẹp…

  1. Thân phận của hạt lúa mình cũng chính là con đường phục vụ mà ĐG đã làm gương cho chúng ta. Chỉ khi phục vụ chúng ta mới trở nên vĩ đại. Chúng ta sống không phải để tìm kiếm sự đánh giá của người khác, nhưng thước đo cho sự vĩ đại của một con người là ở chỗ họ phục vụ đến mức nào. Đức Giêsu đã phục vụ đến chết trên cây thập giá. Noi gương Ngài, Cha Phanxicô Trương Bửu diệp đã phục vụ những người nghèo như hình ảnh chúng ta thấy trong nhà truyền thống tại Tắc Sậy; phục vụ những người lương dân qua việc dạy Giáo lý cho họ, nhất là qua chính cái chết thay cho đoàn chiên của Ngài. Con đường để Hội thánh và mỗi người chúng ta trở nên vĩ đại chỉ có thể là con đường phục vụ.

Sự thật đáng buồn là trong thế giới này, ý niệm phục vụ đang gặp nguy cơ bị tiêu diệt. Ngày nay, có quá nhiều người chỉ lăn vào việc làm ăn với mục đích duy nhất là khai thác, rút tỉa lợi lộc; kể cả những người làm từ thiện như vụ việc ông Võ Hoàng Yên đang dấy lên trong xã hội mà chưa biết kết thúc ra sao; kể cả những người mang danh tôn giáo để trục lợi cho bản thân mình… Rất có thể họ sẽ trở nên giàu có, nhưng chắc chắn họ chẳng bao giờ được ai yêu thương cả, người ta có tuốn đến với họ nhiều khi cũng chỉ vì tiền mà thôi. Được người khác yêu thương, trìu mến mới là sự giàu có đích thực.

Thân phận của hạt lúa mì, hạt giống tình yêu là khi chấp nhận chết đi để mang lại sự sống mới, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác; là khi hiến thân phục vụ vì động lực tình yêu chân thành. Hạt giống đó, thân phận đó chính là Đức Giêsu Kitô, Thầy chí thánh của chúng ta. Hạt giống đó, thân phận đó được Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp noi gương, bắt chước để ngày hôm nay cũng trổ sinh nhiều hoan trái

Chúng ta được mời gọi sống thân phận của hạt lúa mì khi chấp nhận chết đi những gì chúng ta thấy nó cần phải chết; khi biết yêu thương phục vụ mọi người với một tình yêu chân thành. Trong cơn dịch bệnh, nhiều những nhân viên y tế đã phải căng mình để chăm sóc bệnh nhân, nhiều người trong chính quyền đã phải quên mình vì sức khỏe cộng đồng, và nhiều người dân đã hy sinh bằng nhiều cách khác nhau để chung tay để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Họ đã sống thân phận của hạt lúa mì nên chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho mình chấp nhận những mất mát, hy sinh để tìm kiếm những giá trị lớn hơn, nhất là xin cho chúng ta biết bắt chước Đức Giêsu, bắt chước cha Phanxicô Trương Bửu Diệp để luôn quan tâm phục vụ những người nghèo. Hãy trở nên hạt lúa mì! Hãy sống cho tình yêu! Hãy làm mọi sự vì đức ái!