Hạ Mình Để Tôn Thờ

print

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM C 2019

Hạ Mình Để Tôn Thờ

Lm. Giuse Nguyễn

Thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Dallin H.Oaks đã thêm vào “Hành động mà không đức tin còn chết hơn”. Nói cách khác, tất cả những nỗ lực của chúng ta sẽ không mang lại kết quả mong muốn nếu được thực hiện mà không có đức tin. Đó là vì đức tin vừa là nguyên tắc hành động và vừa là tiêu chuẩn đánh giá mọi hành động.

Sách Huấn Ca trong bài đọc thứ nhất (Hc 3, 17-18.20.28-29) dạy chúng ta: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3, 17-18). Sở dĩ người ta chu toàn bổn phận cách khiêm tốn, tự hạ mình xuống là vì để được “đẹp lòng Đức Chúa”. Đó là hành động của đức tin ; làm vì Chúa.

Còn trong bài Tin Mừng (Lc 14, 1.7-14), Đức Giêsu dạy cho những người dự tiệc một bài học hạ mình: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất,… mà hãy ngồi chỗ cuối”. Mục đích là để chủ nhà đến nói: “xin mời ông bạn lên trên cho”. Đức Giêsu không muốn chúng ta tự tìm vinh dự cho mình, nhưng hãy để người khác ban vinh dự cho ta.

Đây không phải là bài học nhân bản, mà chính là nền tảng đức tin. Bản thân và những gì của chúng ta chỉ có giá trị trong Chúa. Tự ta không thể cứu độ mình, và những việc mình làm cũng chỉ có giá trị khi làm với lòng tin. Bài học tự hạ Đức Giêsu dạy hôm nay phải được tìm hiểu cho kỹ lưỡng

Trước hết nó có phải là khiêm tốn hay không ? Khiêm tốn là một tính từ chỉ về việc “có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ”. Khoa nhân bản liệt kê “Khiêm tốn là một đức tính tốt đẹp của con người nó thể hiện qua từng lời nói cử chỉ và hành động của con người đối với người đối diện một cách thật tâm nhất. Khiêm tốn giúp chúng ta sống tích cực và làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiệm, uy tín, lòng tin, sự yêu mến”.

Còn tự hạ là một động từ chỉ về nổ lực của con người để hạ mình xuống nhằm một mục đích gì đó. Người tự hạ chưa chắc là người khiêm tốn, ngược lại người kiêu căng chưa hẳn không biết hạ mình.

Khiêm tốn là tính cách. Tự hạ là hành động thuộc ý chí.

Thời Xuân Thu bên Trung Quốc khi nước Việt bại trận bởi nước Ngô. Việt Vương Câu Tiễn đã phải làm nô lệ, phục dịch cho Phù Sai bên nước Ngô. Một hôm Ngô vương Phù Sai bệnh, Câu Tiễn nghe theo lời của Phạm Lãi chịu nếm phân của Phù Sai cho thần y biết rõ bệnh tình để chiếm được lòng tin, nhờ đó mà được phóng thích về nước. Khi trở về cố quốc, Câu Tiễn ngày ngày “nếm mật, nằm gai” để nhắc nhở nỗi đắng cay, tủi nhục bên nước Ngô để quyết chí đánh bại quân thù. Nếm mật nằm gai là có thật. Nó là gì nếu không phải là tự hạ mình vì vận mệnh của quốc gia.

Chúng ta có tấm gương tự hạ cao cả nhất, tuyệt vời nhất là Đức Giêsu: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8).

Tự bản chất việc tự hạ không có giá trị tốt đẹp. Đi xe thì luôn tìm chỗ tốt. Khi khám bệnh thì luôn muốn được ưu tiên. Xem bóng đá, văn nghệ, thì không ai chọn ngồi phía sau… Cũng vậy, dự tiệc thì ai cũng muốn ngồi ở những dãy trên… 

Tuy nhiên, ngay từ bé tôi đã được các Sơ dạy cho bài học nhân bản: chỗ đông người phải nhường chỗ tốt cho người lớn. Khi lưu thông trên đường, các phương tiện cũng phải nhường cho các phương tiện đang có chuyện cấp bách được ưu tiên… Việc tự hạ chỉ có giá trị khi nó có một mục đích nào đó.

Trong đời sống đức tin, việc tự hạ có những mục đích hêt sức tốt đẹp.

Trước hết tự hạ để đặt mình vào vị trí của người khác. Khi đối diện với những người yếu đuối, tội lỗi, còn nhiều khuyết điểm, tôi phải tự hạ để cảm nhận được những yếu đuối, tội lỗi, khuyết điểm đó. Từ đó tôi sẽ đối xử nhân từ với họ hơn, tôi sẽ bỏ qua những khuyết điểm của họ… Đó là tự hạ.

Khi tôi là một người có tính cách ngang bướng, nóng nảy… hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những người có trách nhiệm để biết ngoan ngoãn, nhẹ nhàng hơn. Đó là tự hạ.

Tôi là một người thẳng tính, thích nói thẳng. Tốt thôi, nhưng hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những người nhạy cảm, dễ bị tổn thương để tôi biết tế nhị hơn. Đó là tự hạ.

Tôi chẳng bao giờ quan tâm đến việc người khác có quan tâm, lo lắng đến tôi hay không… hãy đặt mình vào hoàn cảnh của cha mẹ, của bao người thân để biết đón nhận tấm chân tình của họ. Đó là tự hạ.

Kế đến tự hạ để trở nên giống Đức Giêsu, sống vì người khác. Tự bản thân tôi không bao giờ muốn thua ai, tự bản thân tôi muốn những điều tốt đẹp, thoải mái… Nhưng tôi tự hạ để trở nên giống Đức Giêsu, sống vì người khác.

Những gì tôi có được đương nhiên là của tôi, nhưng tôi tự hạ để trao ban cho người khác, giống Đức Giêsu.

Trong cung cách phục vụ hằng ngày, tôi không phải làm việc theo tính cách cá nhân, nhất là trong tập thể, tôi cũng hung hăng, thậm chí đàn áp người khác… mà tôi phải hạ mình xuống để trở nên giống Đức Giêsu, sống vì người khác.

Khi tôi biết tự hạ để đặt mình vào vị trí của người khác, để trở nên giống Đức Giêsu hơn, thì hành động tự hạ của tôi không còn là hành động nhân bản nữa, mà là hành động của đức tin, của việc thờ phượng Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước Đức Maria để luôn khiêm nhượng trong lòng, biết tự hạ mình để Chúa được nâng lên và tha nhân được vui sống.