Hạnh Thánh Phanxicô Assisi

print

Truyện thánh Phanxicô Assisi

http://tongdosongdaovt.blogspot.com

CHƯƠNG 1. KHUNG CẢNH RA ĐỜI

 Ngày nay du khách đi tham quan các giá trị kiến trúc của những nền văn minh cổ, cũng như những người mộ đạo trẩy lễ viếng các nhà thờ linh thiêng, lúc đặt chân lên đất nước Ý, thường không quên ghé đến một thành phố nhỏ, vắt vẻo trên một ngọn đồi xinh, là thành phố Assisi.

Từ xa nhìn lên, nơi đây, in bóng giữa nền trời xanh lơ, một ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ, kiến trúc theo nghệ thuật của thế kỷ XIII. Ngôi thánh đường này là một trong bảy ngôi Đại Thánh Đường của thế giới Công giáo và đã được xây lên để kính vị thánh Nghèo.

Nếu đi sâu vào thành phố, qua những con đường lát đá quanh co, dốc và hẹp, khách có cảm giác như lạc vào một thế giới huyền diệu của thời Trung cổ. Bóng dáng con người đã tự nguyện sống một đời nghèo, mặc manh áo vá màu nâu, như còn phảng phất đâu đây.

 Con người ấy tên là Phanxicô.

Phanxicô sinh năm 1182.

 Lúc Phanxicô sinh ra, xã hội nước Ý đang sống trong tình trạng đặc biệt của thời Trung cổ. các nhà thần học, triết gia chưa hợp thành trường phái. Người Công giáo cũng chưa biết xây những ngôi nhà thờ cẩm thạch thanh thoát nhẹ nhàng vươn thẳng lên trời cao. Dante, nhà đại thi hào nước Ý cũng chưa xuất hiện. Có thể nói rằng: Triết học, Kiến trúc, Văn chương nước Ý chưa vào mùa.

Các giá trị mới chưa thành hình. Các giá trị cũ đã bắt đầu sụp đổ. Chế độ Phong kiến chuyển dần sang chế độ Công xã. Đế quốc sắp bị cắt xén thành nhiều quốc gia nhỏ. Tiếng La tinh chết dần, nhường chỗ cho tiếng thông thường của từng dân tộc. Cuộc đời đạo hạnh đã có phần nới rộng.

  

CHÍNH TRỊ

Về chính trị, ngoài Châu Âu và Bắc Phi, người Tây phương lúc bấy giờ chỉ biết có miền Cận Đông, là nơi họ đến buôn bán trên một thế kỷ, và là nơi đoàn quân Thánh Gía đến giao tranh với người Hồi giáo. Đế quốc La mã Nhật nhĩ man đang cai trị các nước Đức, Áo, Thuỵ sĩ, Bôem, một phần lớn nước Pháp và toàn cõi nước Ý, trừ lãnh thổ Giáo hoàng. Trên bán đảo nước Ý, thường xảy ra nhiều cuộc nội loạn phản lại Đế quốc. Kể đã lắm gian lao mà các Hoàng đế vẫn không dẹp yên được. Để giữ vững chủ quyền, Hoàng đế phải nhờ đến bàn tay quí tộc. Giai cấp này nhận đất đai làm thái ấp rồi nhân danh Hoàng đế mà cai trị nhân dân. Nhưng cả một chế độ phong kiến này vẫn không chống đỡ nổi tình trạng sụp đổ của ngai vàng. Tình trạng này càng ngày càng lâm nguy, vì các cuộc .xưng bá xưng vương của các chư hầu liên miên từ Đức qua Ý.

XÃ HỘI

Về xã hội, chế độ phong kiến chia dân thành hai giai cấp: giai cấp phẩm hàm và giai cấp dân đen.

Giai cấp phẩm hàm gầm những người quý tộc, vương giả và hiệp sĩ, chuyên giữ việc cai trị và đối phó với loạn lạc cướp bóc. Họ sinh ra là có chức công hầu bá tước, có thái ấp lâu đài. Họ phải thế trung thành và xả thân vì Hoàng đế. Nhờ những kẻ quân phiệt này, người dân đen cũng được che chở, một phần nào, khỏi nơm nớp giặc giã cướp bóc. Những ơn che chở ấy thường người dân đen phải trả thật đắt giá. Ngoài sưu thế tạp dịch là chuyện thường xuyên, có lúc họ còn phải trả bằng cả tự do cá nhân nữa.

Dân đen gồm hai dạng: dân tự do và dân nô lệ. Nô lệ bí thân vào giai cấp quý tộc. Đối với chủ, họ là một món hàng, có thể đem ra chợ bán. Còn dân tự do thì cày ruộng ở thôn quê, làm thợ hoặc đi buôn ở thành phố. Tuy được sở hữu và quyền xe dịch, nhưng đối với quý tộc vẫn phải lệ thuộc sưu thuế tạp dịch.

Thời kỳ này là thời kỳ viễn chinh Thánh Giá. Nhiều nước Công Giáo Châu Âu liên minh với nhau, đem quân đi đánh người Hồi giáo để chiếm lại Thánh Địa quê hương Chúa Cứu Thế. Đi viễn chinh, người Châu Âu gặp những con đường mới, những thương cảng mới, những dân tộc mới. Sau đó nhờ giao dịch buôn bán, một số đông bỗng trở thành giàu có. Tiền bạc đến giải phóng họ khỏi sưu thế tạp dịch và cho họ quyền ăn nói. Dần dà các vương giả đạo đời thấy rằng phải nhượng bộ cho lớp người mới này ít nhiều đặc quyền kinh tế và hành chánh. Ở Ý từ đó chế độ Công xã ra đời.

Công xã là tập đoàn các người lao động sản xuất, kinh doanh và giao dịch. Mục đích chính của Công xã là tự trị và giải phóng người dân khỏi mọi tầng lớp thống trị phong kiến lớn nhỏ, đạo cũng như đời. Với mục tiêu ấy, Công xã thường gây nên nhiều cuộc chiến tranh hao tổn xương máu. Liên miên các cuộc đồng bào giết hại lẫn nhau diễn ra, khắp nước. Thành phố Assisi, quê hương Thánh Phanxicô, vào thời này, cũng không ở ngoài tình trạng ấy.

TÔN GIÁO

Nói đến tình trạng Công giáo thời này, nhiều nhà viết truyện Thánh Phanxicô đã quá bi quan. Họ thấy vị Thánh Nghèo đã sinh ra trong một thời bi đát.

Tuy nhiên, buổi ấy, nói chung, Công giáo vẫn là đạo duy nhất trong Đế quốc và trong khắp thế giới tiến bộ Châu Âu. Giáo lý vẫn được đề cao giữa giới trí thức. Với chương trình cải cách rộng rãi của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII, Giáo hội đã bước lên đi thẳng vào trường kỷ luật và thánh thiện. Các vị lãnh đạo như Đức Giáo Hoàng Innôcentiô III là những vị có đức độ tông đồ rất cao, lão luyện chính sự và tinh thông luật học. Nhưng để có được kết quả ấy, Giáo hội đã phải đấu tranh quyết liệt và dai dẳng trên mấy thế kỷ. Tuy nhiên, một phần nào, thần quyền còn bị vua chúa lợi dụng và Giáo hội cũng chưa làm thoả mãn được nhiều nhu cầu mới của nhiều tầng lớp giáo dân. Tệ hơn nữa các tà thuyết rối đạo lại nẩy mầm trong dân chúng và đang theo đà tâm lý mà bành trướng như ôn dịch thần khí.

Kể ra thời ấy, đã có nhiều đan viện, nhiều nhà thương. Bóng giáo đường kế tục dâng lên như một mùa tháp trắng. Giáo hữu đua nhau trẩy lễ xa, hành hương các nơi đất thánh, và gia nhập đạo binh Thánh Giá. Các hiệp sĩ hăm hở xả thân bênh vực các cô nhi quả phụ. Tuy nhiên xây nhà thương, xây đan viện, xây nhà thờ thường chỉ là một cách lập công đền tội của những tay gian ác vừa quay về chính lộ, giữa lúc nhiều người khác thấy chưa cần thống hối, vẫn sa đà, hà hiếp và bóc lột dân đen, gây nên nhiều hỗn loạn, bất công trong xã hội và giữa giáo dân.

 Tình trạng chính trị, xã hội và tôn giáo nói trên đặt những người Công giáo có ý thức thời đó trước hai câu hỏi: Một là phải làm thế nào để cho đời sống mới phù hợp với tôn chỉ Phúc Âm? Hai là phải làm thế nào để Công giáo hoá những hoạt động của nền văn minh mới

Trước đòi hỏi lịch sử này, Phanxicô đã đến 

OMBRIA.

Phanxicô sinh ra ở tỉnh Ombria, thành phố Assisi. Ombria thuộc về miền trung nước Ý, nằm giữa hai tỉnh Marchia Ancônê và Toscana. Miền này có rất nhiều vẻ đẹp khác nhau. Về vị trí cũng như về sức sống, Ombria là trung tâm và là quả tim nước Ý. Có kẻ gọi nơi này là vườn Địa Đàng.

“Nơi đây như một bức hoạ chưa có dấu tay phá hoại của loài người. Nơi đây có núi cao, có rừng rậm, có thung lũng nên thơ, có thác ào ào đổ nước, có không khí trong lành và cảnh thiên nhiên hiền hoà vĩ đại. Nơi đây, cảnh nào cũng gợi tâm hồn suy phục uy quyền Thiên Chúa và tán tạ lòng Chúa chí nhân”.

Ombria vui, Ombria hùng tráng. Ombria đã thể hiện được hai vẻ đẹp khắc khổ và dịu dàng.

Người Ombria đẹp, hơi chất phác nhưng dễ gây thiện cảm. Nhờ có nhiều đức tính hồn nhiên và mãnh liệt nên trông họ có vẻ nhẹ nhàng và có duyên. Hàng mấy thế kỷ thông minh và đạo hạnh đã góp công tu dưỡng cho họ một tinh thần truyền thống còn in sâu mãi giữa dân chúng cho đến ngày nay. Qua các thời đại, Ombria đã đào tạo cho Giáo hội những con người trung thành dũng cảm làm tốt nhiệm vụ Công giáo, như thánh Bênêđictô, thánh Phanxicô. Người dân ở đây bao giờ cũng trung kiên và trọng danh dự.

ASSISI.

Nơi sinh trưởng của Phanxicô là Assisi. Assisi nổi tiếng là một miền có bầu trời không gợn mây, có mặt trời rực rỡ, có bầu không khí trong vắt và nước mát lạnh. Assisi là một ngọn đồi nhỏ và xinh nổi lên giữa hai miền Spoleta và Perousia, về phía tây cánh đồng Ombria. Trên đỉnh đồi có một pháo đài kiên cố, xây đã lâu đời, gọi là Rocca Magna. Xa trông như chiếc mũ triều thiên đặt trên đồi. Đứng trên tàn tích ấy nhìn chung quanh toàn cảnh, ta thấy bên phải chân trời vươn xa về một thung lũng mênh mông là thung lũng Spoleta; bên trái trùng điệp từng lớp núi nối dài về một cảnh bát ngát xa xôi; sau lưng ta là cánh đồng màu mỡ, trước mặt ta là nhà cửa xây từ thấp lên cao.

Ở đây, nhấp nhô từng chóp tháp sẫm đen, từng cánh cửa nứt rạn, từng dãy nhà như đang khiển chân lên nhìn xuống cánh đồng xa. Rải rác đó đây là những ngôi nhà thờ mang nhiều kỷ niệm phan sinh đang mãi mãi trang điểm châu thành, như Đại Thánh Đường Assisi đang giữ hài cốt thánh Phanxicô, nhà thờ thánh Chiesa Nova xây trên nền nhà thân phụ thánh nhân, nhà thờ Gréogio nơi Phanxicô học vỡ lòng, nhà thờ thánh Nicôla nơi thấy trò bói nghĩa Phúc Âm, xa hơn là nhà nguyện thánh Đamianô, chính tay thánh nhân đã xây lại, sau cùng ngoài kia, giữa cánh đồng rộng là Đại Thánh Đường Đức Bà Thiên Thần nơi thánh Phanxicô từ trần.

Xen lẫn giữa châu thành là nhiều dinh thự, đền miếu cổ. những tàn tích lịch sử này nói rằng người dân Assisi đã biết yêu chuộng nghệ thuật từ thuở xa xưa nào. Đây là ngôi đền tráng lệ thờ nữ thần Minerve, một ngôi đền cổ rất quý, kiến trúc theo nghệ thuật Hy Lạp. Nhìn lên cao, kia là pháo đài Rocca Magna, trong cảnh đổ nát, vẫn cố thủ bám vững trên thành. Đó đây, từng luỹ đá hoang tàn nhắc lại thiên anh hùng ca bất diệt của một dân tộc yêu tự do hoà bình. Nơi đây, con cháu muôn đời vẫn thấy bóng dáng các vị anh hùng đã từng múa gươm chiến thắng cho tự do độc lập của quê hương.

Assisi còn ghi tên nhiều vị thánh tử đạo đã đổ máu hy sinh, gieo mầm Công giáo và từ những thời đại anh hùng ấy về sau tinh thần sùng đạo vẫn ăn sâu giữa mọi tầng lớp giáo dân.

Quê hương thánh Phanxicô bao giờ cũng gieo nhiều ấn tượng sâu xa độc đáo vào thâm tâm người du khách, nhất là người du khách Công giáo thành tâm.

 GIA ĐÌNH

 Giữa châu thành ngày nay, ngôi nhà xưa của thân phụ thánh Phanxicô vẫn còn để lại nhiều di tích. Nếu cũng giống các ngôi nhà lân cận thì ngôi nhà ấy gồm năm căn, và trong những căn ấy Phanxicô đã ở cho tới tuổi hai mươi lăm.

Phanxicô là con đầu. Kế sau là Angelo và một em trai thứ ba nữa.

Tổ phụ ngài là người tỉnh Toscana đến Assisi lập nghiệp. Ông Phêrô Bernađônê, thân phụ ngài, là một trong số các đại thương gia, chuyên nghề bán các hàng vải, hàng dạ, giàu có nhất trong thành phố. Công nghệ trong nước nằm cả ở trong tay họ. Họ chuyên việc giao dịch với các nước ngoài. Ngựa họ phi mãi tới các thị trấn miền Bắc để trao đổi hàng hoá.

Gia đình Phanxicô phát đạt vào lúc Assisi cũng như các đô thị lớn nước Ý đang ký kết những hiệp ước thương mại và tương trợ lẫn nhau với các nước miền Địa Trung Hải. Quý tộc chưa hẳn đã vào giai đoạn xuống dốc. Tiểu tư sản nhờ buôn bán mà trở thành triệu phú. Hai giai cấp đua nhau ăn sang mặc đẹp, hội hè đình đám liên miên. Hàng tơ lụa vì thế bán rất chạy.

Cũng nhờ hoàn cảnh và địa vị ấy mà sau nhiều chuyến giao dịch buôn bán, ông Phêrô Bernađônê cưới được bà Pica, một cô gái thượng lưu, quê ở xứ Provence, miền nam nước Pháp. Quê ngoại Phanxicô cũng là đất văn vật, phong phú thi ca. Cảnh trời ở đây rất là thơ mộng. Bà Pica là người mẹ hiền, thương con đến nỗi nhiều khi quá nuông chiều con. Bà lại dạy con học tiếng quê ngoại, và chính bà đã mở đường cho con sau này thích ngâm nga các khúc anh hùng ca và những câu hát tình tứ của miền Nam nước Pháp.

Phanxicô ra đời nhằm lúc ông thân sinh vắng nhà. Không chờ ý kiến người cha, bà Pica đã cho đưa con đến nhà thờ Thánh Rufinô lãnh phép rửa tội và đặt tên con là Gioan.

 Được tin mừng, ông Bernađônê vội trở về nhà và việc đầu tiên của ông là đặt cho cậu con một cái tên thật vừa ý ông. Từ đây cậu Bernađônê được gọi là Phanxicô (Francesco). Không ai hiểu rõ lý do việc đổi tên này. Truyện ba người bạn đồng hành là cuốn tiểu sử Thánh Phanxicô, do ba anh em trong dòng, đồng thời với ngài viết cũng chỉ nói: “Chính ông thân sinh, trong một lúc vui mừng đã đặt tên con là Phanxicô, khi ông vừa trẩy từ một xứ xa xôi về”.

 Chung quanh chuyện Phanxicô ra đời tuyên truyền có hai giai thoại. Một giai thoại kể rằng: mãn kỳ thai nghén, bà Pica khó sinh. Bỗng có một người khách lạ, ăn mặc theo lối người hành hương, đến nhà bảo bà cứ xuống chuồng bò là sinh được, vì con bà không muốn ra đời trên nhung lụa.

Giai thoại thứ hai kể: Lúc lễ rửa tội kết thúc họ hàng bồng Phanxicô về nhà. Bỗng có một người lạ mặt đến xin bồng em bé một lát. Họ hàng do dự mãi, nhưng rồi cũng chiều ý khách. Khách ngắm nhìn em bé một lúc, rồi vẽ dấu Thánh giá lên vai em và bảo thân nhân rằng: cha mẹ nên chăm sóc việc giáo dục em nhỏ này thật chu đáo, nhất là chăm riêng về đức dục vì sứ mệnh ngày mai của em rất là vĩ đại. Em sẽ là một trong số các đầy tớ hoàn hảo nhất của Thiên Chúa ở trần gian.

…..