Hành trình sa mạc – Cuộc chiến của sự tự do

Hành trình sa mạc – Cuộc chiến của sự tự do

Vào trưa Chúa Nhật, ngày 06/03, tại cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha có buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu suy nghĩ kỹ hơn về những cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu. Đó cũng là những cám dỗ xuất hiện hằng ngày trong cuộc sống chúng ta.
 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, đưa chúng ta vào hoang địa, nơi Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần dẫn dắt suốt bốn mươi ngày để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Lc 4,1-13). Chúa Giêsu đã chịu ma quỷ cám dỗ, và người đồng hành với chúng ta, từng người trong chúng ta, trong những cơn cám dỗ của chúng ta. Sa mạc tượng trưng cho cuộc chiến đấu chống lại sự cám dỗ của sự dữ, để học cách lựa chọn tự do đích thực. Thật vậy, Chúa Giêsu đã sống kinh nghiệm trong sa mạc ngay trước khi bắt đầu sứ vụ công khai. Chính qua cuộc chiến đấu thiêng liêng đó, Người đã khẳng định dứt khoát về kiểu mẫu Mêsia mà Người muốn trở thành. Tôi muốn nói rằng đây đích thực là một lời tuyên bố về căn tính thiên sai của Chúa Giêsu, lời tuyên bố về con đường thiên sai của Chúa Giêsu. “Tôi là Đấng Mêsia, nhưng tôi đi trên con đường này.” Bây giờ, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn những cám dỗ mà Người đã chống lại.

Ma quỷ đã hai lần nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa …” (x. Lc 4,3.9). Nói cách khác, hắn đề nghị Người lợi dụng chính địa vị của mình: trước hết là để thỏa mãn những nhu cầu vật chất mà Người cảm thấy (x. Lc 4,3), lúc ấy, Người thấy đói; sau đó để gia tăng quyền lực của mình (x. Lc 4,6-7); cuối cùng để có được một dấu hiệu phi thường từ Thiên Chúa (x. Lc 4,9-11). Có 3 cám dỗ. Điều này có ý nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy tận dụng nó đi!”. Điều này đã bao lần xảy ra với chúng ta: “Nếu bạn ở vị trí đó, thì hãy tận dụng nó đi! Đừng để đánh mất cơ hội”, tức là “hãy nghĩ đến cái lợi ích của bạn”. Đó là một lời đề nghị đầy hấp dẫn, nhưng nó dẫn đến sự nô lệ của tâm hồn: nó khiến chúng ta bị ám ảnh bởi ham muốn có được, nó làm giảm mọi thứ thành sở hữu về vật chất, quyền lực, danh vọng. Đây là cốt lõi của những cám dỗ như: quyền lực, của cải, danh tiếng, … Nó là gốc rễ, nó là “chất độc của những đam mê” mà ở đó, sự dữ bén rễ. Chúng ta hãy nhìn vào nội tâm và xem coi những cám dỗ của chúng ta thường có những mẫu thức nào, thường có những cách thức hành động nào.

Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự lôi cuốn của sự dữ. Người đã làm thế nào? Người đáp trả những cám dỗ bằng Lời Chúa, trong đó có viết rằng không lợi dụng: không lợi dụng Thiên Chúa, người khác và mọi việc cho mình, không lợi dụng địa vị của mình để tìm kiếm những đặc ân. Bởi vì hạnh phúc và tự do đích thực không nằm ở việc chiếm hữu, mà nằm ở sự chia sẻ; không phải việc lợi dụng người khác, mà là yêu thương họ; không ở nỗi ám ảnh về quyền lực, nhưng trong niềm vui phục vụ.

Anh chị em thân mến, những cám dỗ này đi cùng với chúng ta trên hành trình cuộc đời. Chúng ta phải cảnh giác, đừng hoảng sợ, nó xảy ra với tất cả chúng ta! Hãy cảnh giác bởi vì chúng thường xuất hiện dưới hình thức tốt. Thật vậy, ma quỷ vốn là kẻ gian xảo, luôn dùng những trò lừa bịp. Hắn muốn làm cho Chúa Giêsu tin rằng những lời đề nghị của hắn là hữu ích để chứng tỏ rằng Người là Con Thiên Chúa. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây. Chúa Giêsu không đối thoại với ma quỷ. Chúa Giêsu không bao giờ nói chuyện với ma quỷ. Người đuổi hắn đi khi Người chữa lành cho người bị quỷ ám hay trong trường hợp này, khi Người phải trả lời, thì Người đáp lại bằng Lời Chúa, không phải bằng lời của Người. Anh chị em thân mến, anh chị em đừng nói chuyện với ma quỷ, vì hắn thông minh hơn chúng ta. Đừng bao giờ. Anh chị em hãy nắm chặt Lời Chúa như Chúa Giêsu và nhất là luôn đáp trả bằng Lời Chúa. Trên con đường này, chúng ta sẽ không chệch bước. Và hắn cũng làm như thế với chúng ta: ma quỷ thường đến với “đôi mắt ngọt ngào”, “với khuôn mặt thiên thần”; hắn thậm chí còn biết cách đội lốt những động cơ thánh thiêng, với lớp vỏ tôn giáo!

Nếu chúng ta không cưỡng lại được những lời đường mật của hắn, thì cuối cùng chúng ta sẽ biện minh cho sự sai trái của mình, khoác cho nó những ý hướng tốt. Chẳng hạn, đã bao lần, chúng ta đã nghe thế này: “Tôi làm ăn lạ lùng, nhưng tôi đã giúp đỡ người nghèo”; “Tôi đã lợi dụng địa vị của mình như địa vị chính trị, quản lý, linh mục, giám mục, nhưng cũng vì một mục đích tốt”; “Tôi đã nhượng bộ bản năng của mình, nhưng về cơ bản tôi không làm hại ai cả”, những sự biện minh như thế hay những điều tương tự như thế, bên trong lại chứa đựng điều gì khác. Xin thưa: với sự dữ, không có thỏa hiệp! Với ma quỷ, không có đối thoại! Với cám dỗ, chúng ta không được đối thoại, chúng ta không được để lương tâm ngủ mê, khiến chúng ta nói: “Dù gì thì cũng chẳng có gì nghiêm trọng cả, mọi người đều làm thế”! Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng không tìm kiếm sự dễ giãi, không thỏa hiệp với sự dữ. Lời Chúa chống lại ma quỷ, Lời Chúa mạnh mẽ hơn ma quỷ và do đó chiến thắng những cám dỗ.

Ước gì thời gian Mùa Chay này cũng là thời gian sa mạc cho chúng ta . Chúng ta hãy dành không gian thinh lặng và cầu nguyện, cho dẫu ít phút thôi nhưng sâu lắng. Trong thời khắc đó, chúng ta hãy dừng lại và nhìn vào những gì đang khuấy động trong trái tim mình. Với sự thật trong sâu thẳm nội tâm, cho dẫu chúng ta nói không, nhưng chúng ta biết không gì có thể bao chữa, biện minh được. Chúng ta hãy để nội tâm được soi sáng, đặt mình trước Lời Chúa trong cầu nguyện, để chúng ta có thể mạnh mẽ chiến đấu chống lại sự dữ đang nô dịch chúng ta, chiến đấu để có được sự tự do.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ đồng hành với chúng ta trong sa mạc Mùa Chay và trợ giúp hành trình hoán cải của chúng ta.

https://www.vaticannews.va/

print