Hạt Giống Nảy Mầm Chúa Nhật 6 TN Năm A

print

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN

Mt 5,17-37

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng hôm nay rất dài, ta có thể phân ra thành nhiều đoạn ngắn :

a/  Mt 5,17-19 : Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật Môsê và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của những người Pharisêu, nên nhiều người tưởng Ngài muốn hủy bỏ Luật Môsê. Vì thế Ngài phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy : Ngài không hủy bỏ chúng mà là kiện toàn chúng.  Kiện toàn bằng cách dạy người ta hiểu những khoản luật đó là ý muốn của Cha trên trời nên phải sống những khoản luật đó trong tinh thần Cha – con.

b/ Mt 5,20-26 : Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ : Phải công chính hơn những người Biệt phái. Công chính của Biệt phái là lo giữ luật cách chín chắn không sơ sót chút nào cả, nhưng họ giữ luật một cách máy móc không chút tâm tình. Còn sự công chính của các môn đệ Chúa là giữ mọi khoản luật với tâm tình yêu thương, thương người như anh em và thương Chúa như cha mình.

Sau đó Chúa Giêsu đưa thí dụ về cách giữ một số khoản luật :

– Luật “không được giết người” : môn đệ Chúa không chỉ tránh giết người mà còn phải cố gắng sống với mọi người bằng tình anh em, vì thế không nên phẫn nộ với anh em, không nên chửi rủa anh em.

– Luật dâng lễ vật : lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất là cuộc sống đầy tình yêu thương. Do đó trước khi dâng lễ vật, phải lo hòa giải với những anh em nào có chuyện bất hòa với mình.

c/ Mt 5,27-32 : Chúa Giêsu bàn đến luật hôn nhân và khiết tịnh :

Điều quan trọng nằm ngay trong con tim chứ không phải nơi những thể hiện bên ngoài. Do đó phải giữ trọn con tim mình cho người mình đã cùng cam kết, và bất cứ sự gì có thể đẩy mình vi phạm cam kết đó thì mình phải ngăn chận từ gốc rễ : một cái nhìn, một ước muốn v.v.

B… nảy mầm.

  1. Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới luật pháp càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được luật pháp bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị luật pháp đe dọa. Và sự đe dọa đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người thấy đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình người thì cũng giống như một nghĩa địa ; một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc. Chúa Giêsu đến không phải để dẹp bỏ luật pháp nhưng là để kiện toàn, bằng cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương. (Chờ đợi Chúa)
  2. Truyện cổ Đông phương kể rằng : ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kỳ diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kỳ diệu ở chỗ : nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.

Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Chúa. (Góp nhặt)

  1. Có hai thái độ quá khích đối với lề luật : một là thái độ vụ luật, vụ nguyên tắc, giữ luật một cách nô lệ không chút tình cảm ; hai là thái độ bất chấp ngang tàng sống như không có luật.
  2. “Ta không đến để hủy bỏ lề luật nhưng để kiện toàn” : Trước một khoản luật mà tôi thấy khó chịu vì xem ra nó không còn thích hợp nữa, tôi phải làm gì ? Lời Chúa Giêsu dạy rằng tôi không nên đòi hủy bỏ khoản luật ấy, nhưng tôi hãy tìm cách kiện toàn : kiện toàn bằng cách tìm hiểu tinh thần và ý nghĩa của nó, kiện toàn bằng cách đặt vào đó một tình thương.
  3. “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời”. (Mt 5,19)

Một ngày nọ, các dấu chấm câu nghĩ rằng mình chẳng được đọc lên thành lời như các từ, nên buồn tình rủ nhau bỏ đi hết. Thế là có người đọc như sau :

“nàng có ba người anh đi bộ

đội những em nàng…”

Chẳng phải tôi đã từng tự nhủ mình thế này hay sao:

– Tội nhẹ, chẳng sao cả !

– Một lần thì đã sao !

– Mình chỉ thử thôi mà.

Lạy Chúa, xin cho luôn nhớ rằng : “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn”. (Lc 16,10) (Hosanna)

  1. Có hai thứ thước để đo mức công chính : thước đo của người Biệt phái là xem mình có giữ luật đàng hoàng không ; thước đo của người môn đệ Chúa là xét xem mình có sống trọn tình thương không. Tôi thường dùng thứ thước nào ?
  2. Cách nói cường điệu của Chúa Giêsu khi giải thích khoản luật “chớ giết người” cho tôi thấy thêm được rằng giận, mắng và chửi một người anh chị em cũng là một cách giết chết người đó. Giết chết người anh em bởi vì tôi không coi người đó là anh em nữa nên mới nặng lời như thế. Trong lòng tôi “người anh em” kể như đã chết rồi, chỉ còn là một người dưng, một kẻ thù.
  3. Nếu Chúa đã coi việc làm hòa trọng hơn của lễ, thì tôi có biết bao của lễ có sẵn hằng ngày trong cuộc sống chung đụng và nhiều va chạm này. Sao tôi không dâng cho Chúa ?
  4. “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng : chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa”. (Mt 5,21)

Phần lớn chúng tôi, những người trẻ, không giết người nhưng lại thường “giết” mình. Tội ấy có đáng xét xử không ? Chúng tôi ít khi hỏi mình như thế bởi còn mãi đắm say với men rượu, men tình…trong những cuộc ăn chơi phóng túng. Kết cuộc là hủy hoại thể xác và tâm hồn, trí não và tương lai của mình cách thảm hại.

Lạy Chúa, xin cho giới trẻ chúng con biết quý trọng sự sống, và giúp nhau vun trồng sự sống, sự sống mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng con. (Hosanna)

  1. Phải thừa nhận rằng thứ văn minh thời nay không được sạch. Khi đề cập quá nhiều đến giới tính, xem ra nó đề cao giới tính, nhưng thực chất là hạ thấp giới tính vì nó khiến người ta không còn tôn trọng giới tính nữa, coi đó là một thú vui, một nhu cầu mà mình có quyền thỏa mãn một cách dễ dàng…Sống trong bầu khí thiếu trong sạch đó, không nhiều thì ít tôi cũng bị lây nhiễm. Hôm nay tôi phải tự kiểm: tôi có tôn trọng giới tính của tôi không ? Tôi có tôn trọng những người khác phái không ? Tôi có cương quyết dứt khoát với những cám dỗ không ?
  2. Ngoại tình nghĩa là không chung tình. Bất cứ hình thức san sẻ nào, dù chỉ là một chút san sẻ, cũng là ngoại tình. Tôi đã hứa dành tình yêu của tôi cho ai ? Tôi có san sẻ cho ai khác không ? San sẻ như thế nào ?
  3. Muốn chung tình thì phải từ bỏ.

“Tôi vứt bỏ mọi cám dỗ ma quái trong đời cùng với nét phù du của chúng. Tôi sẽ vút lên khỏi đỉnh núi cao. Tôi tự do ! Tôi tự do !” (Xác quyết)

  1. Đức Hồng y Roncalli (sau là Giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói :

– Tôi không biết phải cám ơn Ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được Ngài ưu ái như thế  ?

Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói :

– Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo. (Góp nhặt)

  1. Thời nay, lời nói thay vì để thông đạt sự thật, đã trở thành phương tiện giúp đạt được điều người ta mong muốn: nói sao cũng được, miễn đạt được mục đích thôi. Trong làm ăn, trong chính trị đã thế, mà buồn thay trong Giáo Hội và trong những cộng đoàn huynh đệ nhiều khi cũng thế.

“Đi hỏi già, về hỏi trẻ” vì trẻ con rất trung thực. Phải chăng người thời nay đã già cỗi quá rồi, đã đánh mất sự trung thực hồn nhiên của tuổi thơ ? Bởi đó Chúa Giêsu nói “Ai không trở nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời”.

  1. Lỗi về sự trung thực không phải chỉ là nói dối, vu khống, mà còn là nói lệch đi một chút (xuyên tạc), hứa mà không làm, hẹn mà không giữ đúng…
  2. Trung thực : Người cha có hai con gái ở tuổi thanh xuân. Một cô rất đẹp và cô kia dáng vẻ bình thường. Ngày nọ, khi cả hai đang chuẩn bị tới trường, cô kém đẹp hơn nhìn vào gương, rồi phàn nàn với cha rằng gương này phản chiếu không trung thực vẻ đẹp của cô.

Thay vì giận dữ, ông bố khuyên các con : “Ba muốn cả hai con nhìn vào gương đó mỗi ngày. Các con có được vẻ đẹp tự nhiên, phải tự nhắc mình đừng bao giờ làm mất đi vẻ đẹp của khuôn mặt bằng những hành động xấu. Và con là người không đẹp, con có thể che giấu sự thiếu vẻ đẹp đó bằng sự duyên dáng nơi những đức tính và cách cư xử đẹp của con”. (Góp nhặt)

  1. “Có thì phải nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Mỗi lần tôi xa nhà, mẹ tôi đều căn dặn : con phải sống thật thà với Chúa, với mọi người xung quanh và với chính mình. Mẹ ước mong cho tôi nên người có giá trị, luôn có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác. Để được như thế, tôi không nên nghi ngờ, dối gian, mà phải sống trung thực, đặc biệt trong lời nói. Chúa cũng đã dạy tôi như vậy “có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Lời dặn của mẹ là lời dạy của Chúa còn đó. Nhưng tôi đã không đủ can đảm thực thi, để rồi lời răn dạy ấy như gió thoảng, chợt đến rồi vội đi.

Lạy Chúa, xin dạy con biết làm chủ suy nghĩ và làm chủ miệng lưỡi con, vì thật thà là dấu chỉ của con cái Chúa, quanh co gian lận là sản phẩm của Satan. (Hosanna)