Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh

Ngày 2/10

Mt 18,1-5.10

* Lịch Sử

Ngày xưa người ta tin rằng thiên thần là những thần linh giữ vai trò quan trọng trong việc liên lạc giữa thế giới Thiên Chúa và con người ; niềm tin này đã được thấy nói trong Cựu Ước, cho dù không được giải thích rõ ràng.

Trong Cựu Ước, thiên thần là sứ giả trợ lực của Thiên Chúa (St 16,7 ; 21,17 ; Xh 14,19 ; 2V 19,35). Trong những tác phẩm cuối (tủ như sách Đanien) có kể tên các vị thiên thần ; qua tên đó chúng ta thấy được công tác của họ.

Trong Tân Ước, các thiên thần cũng giữ một vai trò trong đời sống Đức Giêsu và Hội Thánh tiên khởi. Nếu có những sức lực của Satan, của ma quỷ, thì cũng có những thiên thần lành, trợ lực, hướng dẫn và bảo vệ con người. Niềm tin vào thiên thần bản mệnh hay hộ thủ dựa vào đoạn Phúc Âm Mt 18,10.

Thánh lễ thiên thần hộ thủ rất phổ biến ở thế kỷ XV và XVI, thường được liên kết với lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae (29/9). Năm 1670 Đức Giáo Hoàng Clémentê X đã cho phép mừng lễ thiên thần hộ thủ trong cả Hội Thánh và xác định lễ này vào ngày 2/10 hằng năm. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Các môn đệ đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Trong nếp sống cộng đoàn, vấn đề làm lớn làm nhỏ cũng thường gây va chạm. Chúa Giêsu dạy phải trở nên trẻ nhỏ : trở nên trẻ nhỏ là khiêm tốn chấp nhận thân phận của mình trong gia đình, và sẵn sàng vâng lời người lớn…

Trong những lời dạy các môn đệ hãy trở lại nên như trẻ nhỏ, Chúa Giêsu khẳng định hai điều :

– Đó là điều kiện để được vào Nước Trời.

– Kẻ tự hạ như trẻ nhỏ sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

B… nảy mầm.

  1. “Nên giống con trẻ” : “Nên giống con trẻ không phải vì chúng ngây thơ vô tội, hay một đức tính luân lý nào khác, nhưng ở chỗ chúng sống lệ thuộc vào người lớn. Trong Nước Trời, chính lòng tin làm cho người môn đệ gắn bó, lệ thuộc vào Chúa Giêsu. Để được như vậy, cần phải “hoán cải”, tức là từ bỏ bản thân để đi theo Chúa Giêsu. Giá trị, sự cao trọng thật của người môn đệ là ở chỗ đó. Lý tưởng, luật sống căn bản trong cộng đoàn là nên nhỏ bé như thế” (Chú thích của nhóm dịch CGKPV).
  2. “Ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” : trong nước trần gian, người ta ham làm người lớn, cho nên tìm cách tôn mình lên ; còn trong Nước Trời, môn đệ Chúa phải thích tự hạ.

Tôi đang sống theo tinh thần nước trần gian hay tinh thần Nước Trời ?

  1. “Ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy” : trẻ nhỏ là kẻ không có tiền, không có sức mạnh, không có tài năng. Tiếp đón trẻ nhỏ chỉ mất công, mất giờ và mất của, chẳng ích lợi gì. Nhưng Chúa muốn chúng ta mở rộng vòng tay tiếp đón những con người vô ích như thế đó, và Ngài nhấn mạnh : tiếp đón họ là tiếp đón chính Chúa.
  2. Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.

 Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

 Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

 Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

 Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh : “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”. (Trích “Món quà giáng sinh”)

  1. “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (Mt 18,3).

“Chị có mua món hàng nào từ Mỹ không ?” Nghe anh hải quan hỏi, chị phụ nữ vội vàng trả lời : “Tôi không mua thứ gì quý giá đâu, chỉ có một ít quần áo và một số đồ dùng”. “Vậy cho phép tôi kiểm tra vali của chị”. Anh ta vừa nói xong chưa kịp mở vali thì đứa con gái nhỏ của chị hét lên : “Không, chú không được mở vali của mẹ cháu, vì mẹ cháu đã giấu cái đồng hồ bằng vàng ở trong đó”.

Sự trong trắng đơn sơ của trẻ nhỏ đôi khi trở thành lời nhắc nhở chúng ta hãy sống chân thật với chính mình và mọi người. Lời Chúa hôm nay giúp tôi ý thức rằng : càng lớn lên tôi càng phải “nhỏ lại” với những tính xấu, với những ích kỷ hẹp hòi, để chính Chúa có thể lớn lên trong tôi. Và chính khi tôi trở nên như trẻ thơ với một tâm hồn đơn sơ, trống rỗng và nghèo khó, Chúa sẽ lấp đầy tất cả.

Lạy Chúa, xin cho con một tinh thần đơn sơ nhỏ bé, để, như một trẻ thơ, con luôn được nép mình trong vòng tay yêu thương của Chúa (Hosanna).