Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Hai Thánh Phêrô Và Phaolô Tông Đồ 29.6

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Hai Thánh Phêrô Và Phaolô Tông Đồ

29.6

Mt 16,13-19

* Lịch Sử

Lễ hôm nay không phải là ngày tử đạo của hai vị thánh Tông Đồ, nhưng có lẽ là ngày di chuyển hài cốt của hai vị vào hang toại đạo trên đường Via Appia, gần nhà thờ San Sebastianô ngày hôm nay. Người ta gặp thánh lễ này lần đầu tiên trong lịch của thành phố Rô-ma vào năm 354.

Simon, anh (hay em ?) của Anrê, xuất thân từ Betsaida miền Ga-li-lê, làm nghề đánh cá, có gia đình. Tất cả đều bình thường cho đến ngày Đức Giêsu thành Nadarét gọi để theo và phục vụ Người. Đức Giêsu đã ban cho ông tên mới là Kê-phát, theo nghĩa Do Thái là Đá (từ đó dịch sang Ngữ là Petrus : Phê-rô). Tên mới này nói lên sứ vụ trong tương lai của ông (so Mt 16.13-20). Phê-rô luôn đứng đầu trong danh sách Mười  Hai Tông Đồ.

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Phê-rô lãnh đạo cộng đoàn tại Giêrusalem. Ông đón nhận những người ngoại giáo đầu tiên gia nhập vào Hội Thánh (Cv 10,11). Lịch sử minh chứng ngài đã dừng chân tại Rô-ma và tử đạo dưới thời hoàng đế Nê-rô (khoảng năm 64-67).

Thánh Phao-lô tử đạo vào năm 67. Xưa Hội thánh lấy ngày 30.6 sau ngày kính trọng thể Phêrô-Phaolô để kính nhớ đặc biệt thánh Phaolô, nhưng lịch mới 1970 không còn nữa, ngược lại Hội Thánh nâng lễ “Thánh Phaolô trở lại” tháng Giêng lên bực cao hơn. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Đoạn này cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu :

  1. Mức độ của dân chúng : nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một ngôn sứ thôi.
  2. Mức độ của Phêrô : được ơn Chúa soi sáng, Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa (x. Các câu phía sau : cc 21-23)
  3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ : hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.

B… nẩy mầm.

  1. Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào :

– Coi Ngài là một ngôn sứ. Do đó tôi chỉ liên hệ với Ngài để xin ơn ?

– Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ ?

– Sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài ?

  1. “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” : cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội.
  2. Chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá : khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ biết quay nhìn về các biến cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin kitô trong từng phút giây cuộc sống. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  3. Ngày kia, hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa cương quí nhất. Các nghệ sĩ Ai cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.

Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, Đức vua cho trưng bày các tác phẩm tranh giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và Ai cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi hoàng đế nhìn vào ông thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đoạt giải nhất trong cuộc thi đó.

Sứ mệnh căn bản của mỗi kitô hữu là hoạ lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.

Lạy Chúa, xin cho con biết kiên nhẫn đục đẽo tâm hồn và cuộc sống con để dung nhan Ngài giãi sáng qua mọi hành vi của đời sống con. (Hosanna)

  1. Ông Simon Phêrô thưa : “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16)

Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao vấn đề, biết bao chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề cần sự can thiệp của tôi : kỷ luật trong lớp học, dàn hoà một cuộc cãi nhau hay một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo… Tôi chỉ biết suy nghĩ cách giải quyết này đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng, vì chúng chỉ lẩn quẩn trong đầu tôi mà không thể đi tới hành động.

 Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng khi chối Chúa 3 lần, ông đã không dám dấn thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết !

Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Người, để con mạnh dạn tuyên xưng Chúa bằng chính hành động của con. (Hosanna)

  1. “Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18)

Khi xưa Chúa nói với Phêrô “Anh là Tảng Đá”. Hôm nay nghe lại đoạn Tin Mừng này tôi cảm thấy như Chúa nói với tôi.

Mỗi viên đá đều góp phần tạo nên nền móng cho ngôi nhà.

Bé nhỏ, yếu hèn và bất lực, tôi lo sợ viên đá của mình có lúc sẽ vỡ tan. Đó là lúc tôi đánh mất chính mình trong bổn phận hằng ngày.

Lạy Chúa, xin cho con được vững vàng và can đảm hơn, để con thực sự là viên đá hữu dụng trong tay Chúa (Hosanna)