Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Thánh Phanxicô Xaviê

print

Ngày 3/12

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

Mc 16,15-20

* Lịch Sử

Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của Vương quốc Navarre nhỏ bé miền Bắc nước Tây Ban Nha ngày nay. Khi Ngài 5 tuổi, nước Tây Ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình Ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi Ngài đến Paris học (1525-1536).

Tại Paris Ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Favre, và sau đó với Thánh I Nhã. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh I Nhã thu phục. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của Thánh I Nhã khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc Tông đồ. Năm 31 tuổi ngài chịu chức Linh mục tại Venezia miền Bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.

Tháng 4 năm 1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn Độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở vùng Mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Inđônêxia. Là vị Giám mục đầu tiên của Tỉnh Dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục Thánh I Nhã, nhiệt thành lạ lùng với việc Tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả Tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh.

Trong vòng 2 năm (1549-1551) ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi, ngài trao lại cho một Linh mục Bồ Đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Hoa truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.

Thánh Phanxicô qua đời ngày 3/12/1552, được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh I Nhã vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Thánh Phanxicô Xaviê là vị truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời mới. Ngài hòa nhập vào dân mà ngài muốn mang Tin Mừng đến; ngài sống nghèo với những người lao động. Ngài hoạt động thật năng nổ cho cuộc truyền đạo và kích thích được tinh thần này ở Âu Châu. Hàng nghìn người đã theo gương ngài để mang Tin Mừng đi muôn phương.

Trích thư Thánh Phanxicô Xaviê gởi cho Thánh I Nhã:

“Có rất nhiều người tại những nơi này hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ nên người có đạo.

Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc đi tới các Đại học bên Châu Âu, nhất là ở Paris, để điên cuồng kêu lên khắp đó đây và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết hơn là thực hành rằng: “Khốn thay, có vô số linh hồn, vì lỗi của các ông mà phải trục xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục”.

Chớ gì những người đó chuyên chú vào việc Tông đồ này như họ đã chuyên chú vào văn chương để có thể trả lẽ cho Chúa về đạo lý và những nén bạc đã uỷ thác cho họ”. (CGKPV trang 535) (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Đây là đoạn cuối của Tin Mừng theo Thánh Mc, ghi lại chỉ thị cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi lên trời :

– Chúa chỉ thị : “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

– Ngài hứa tích cực hỗ trợ những sứ giả loan Tin Mừng bằng những dấu lạ kèm theo.

– Các Tông đồ đã làm theo chỉ thị đó : rao giảng Tin Mừng khắp nơi, và “dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”.

* Ý nghĩa “Những dấu lạ kèm theo”: Những dấu lạ như trừ quỷ (Cv 5,12-16 ; 8,7 ; 16,16-18), nói tiếng lạ (Cv 2,4-13 ; 10,44-46 ; 1Cr 14,2-40), đặt tay chữa bệnh (Cv 4,30 ; 9,10-17), cầm rắn mà không sao cả (Cv 28,3-6) v.v, là bảo đảm có Chúa Giêsu trợ giúp các ông để chiến thắng mọi thế lực gian tà.

B… nảy mầm.

  1. Thánh Phanxicô Xaviê được Giáo hội đặt làm bổn mạng của các xứ truyền giáo. Ngài là người thực hiện đúng đoạn Tin Mừng hôm nay.
  2. Người truyền giáo vừa rao giảng vừa “dùng những dấu lạ kèm theo” để củng cố lời rao giảng của mình. Trong bối cảnh thời nay, “những dấu lạ kèm theo” là một cuộc sống “lạ lùng” trước con mắt người đời nhưng đúng với Tin Mừng.
  3. Thiên Chúa cứu độ muốn muôn dân đến với Người. Phần chúng ta, hãy cộng tác với Người: hãy đi đến muôn dân rao giảng Tin Mừng cho họ. – Ad Gentes (Đến với muôn dân) là chủ đề lớn, là đầu đề của một sắc lệnh của Vatican II.
  4. Một mục sư nói chuyện với một tín đồ lười biếng:

– Anh có thường đến nhà thờ không ?

– Không. Người trộm lành hấp hối trên thập giá đâu cần đến nhà thờ thế mà vẫn lên thiên đàng.

– Có khi nào anh nói về Chúa cho bạn bè nghe không ?

– Không. Người trộm hấp hối ấy đâu có nói về Chúa cho ai nghe.

– Anh có đi truyền giáo không ?

– Không. Người trộm hấp hối ấy đâu có truyền giáo cho ai.

– Anh tưởng mình giống người trộm ấy ư ? Không đâu. Có một khác biệt cơ bản: anh ta là một tên trộm đang hấp hối, còn anh là một tên trộm còn sống nhăn. (Ottobein Teacher)

  1. Khuôn vàng thước ngọc “Hãy nói về Chúa cho những người quanh bạn nghe ; và hãy nói về những người quanh bạn cho Chúa nghe”.