Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 23

print

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 23

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Lc 6,6-11

 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu và các luật sĩ, biệt phái tranh luận với nhau về luật nghỉ làm việc ngày sabát.

– Hôm ấy trong hội đường có một người bị bại tay, các luật sĩ và biệt phái rình xem Chúa Giêsu có chữa bệnh cho người ấy không để tố cáo Ngài.

– Chúa Giêsu biết ý của họ nên hỏi trước : “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ ?” : Khi chống đối Chúa Giêsu, các đối thủ đã dựa vào chủ trương “không làm gì cả” trong ngày sabat. Phần Chúa Giêsu thì đặt vấn đề “làm điều lành” hay “(làm) điều dữ”.

– Thực ra chủ trương của Pharisêu không hẳn là hoàn toàn không làm gì cả. Họ cũng chấp thuận được cứu người nguy tử trong ngày đó (Mishna Yoma VIII,6). Nhưng họ phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể để cho phép làm như vậy. Còn Chúa Giêsu, thái độ của Ngài trong trường hợp này cho thấy rõ : luật ngày sabat phải lệ thuộc luật yêu thương và giúp đỡ kẻ khác, vì đó là ngày giải phóng.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Kẻ được Chúa Giêsu cứu chữa hôm nay là một người tay hữu bị khô bại, nghĩa là mất khả năng làm việc, do đó cũng mất phương tiện để sinh sống. Tuy người này không xin, nhưng Chúa Giêsu thương anh và chữa anh.

Ta hãy cầu nguyện cho những kẻ tật nguyền và những người không có công ăn việc làm để sinh sống.

  1. Cái nhìn của Chúa Giêsu và của các đối thủ Ngài rất khác nhau : Chúa Giêsu thấy một người cần được Ngài giúp đỡ ; còn họ thì không để ý gì đến người tàn tật mà chỉ lo rình mò để xem Chúa Giêsu có làm gì sai luật không để mà bắt bẻ.

Xin Chúa cho con có cái nhìn của Chúa : cái nhìn của tình thương chứ không phải cái nhìn soi bói rình mò.

  1. Khi người khô tay đã được lành, các biệt phái và luật sĩ không vui mừng với anh mà lại tức giận với Chúa Giêsu và bàn nhau hại Ngài.

Xin Chúa đừng để cho lòng ganh ghét làm cho con bị mù quáng, trái lại xin cho con biết vui với niềm vui của người khác.

  1. Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, có kể rằng : Một hôm ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết ngài. Trước khi chết ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói :

– Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.

Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếm chém đứt nhánh cây. Đức Thích Ca nói tiếp :

– Bây giờ ngươi hãy tháp nhánh cây vào thân cây.

Tên cướp cười gằn, nói :

– Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó.

Đức Thích Ca liền dạy cho hắn một bài học :

– Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh con người là để gây thương tích và phá huỷ. Người có sức mạnh thực sự là người biết sáng tạo và chữa lành. (“Mỗi ngày một tin vui”)

  1. “Các kinh sư và những người pharisêu xem Chúa Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Ngài” (Lc 6,7)

Lạy Chúa, dò xét, rình rập thì con hay lắm, còn nhìn lại bản thân thì con thật là dở. Con dò xét người này, dòm ngó người kia, rình rập người nọ… để tìm ra chỗ hở mà đả kích cho “đã”. Rồi tự biện hộ rằng mình xây dựng cho anh em. Nhưng mắc cỡ thay, đó chỉ là những cử chỉ, hành động phô trương đạo đức giả hình.

Nhược điểm và bao nhiêu cái xấu xa của con, con lại không nói ra, mà còn khéo tô thêm một lớp sơn hào nhoáng như ngôi mô bên ngoài trông đẹp nhưng bên trong mục nát thối hư…

Chúa ơi ! Xin cho con biết nhìn lại chính con nhiều hơn là tìm những sơ hở của người khác mà lên án. (Hosanna)

 

Thứ Ba :

Lc 6,12-19

 

A. Hạt giống…

Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có kẻ ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ (5,30.33 6,1). Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nồng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến lời Ngài.

– Trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu đi lên một ngọn núi và cầu nguyện : Chúa Giêsu là một người thường xuyên cầu nguyện (Lc 5,16 6,12 9,18.28.29 10,21 11,1 22.32.40-46 23,34.46). Ngài cầu nguyện tha thiết trong những lúc quan trọng (3,21 9,28-29 22,41). Lần này Ngài cầu nguyện “suốt đêm”, chứng tỏ việc Ngài sắp làm là hết sức quan trọng, quan trọng đối với sứ vụ của Ngài mà cũng quan trọng đối với toàn thể lịch sử cứu độ.

–           Đó là việc gì ? Là việc tuyển chọn từ số đông môn đệ ra 12 người mà Ngài gọi là tông đồ :

            – Khi ghi nhận các tông đồ được tuyển chọn khỏi hàng ngũ môn đệ, Lc tỏ ra quan tâm tới các tác vụ trong Giáo Hội. Quan tâm này sẽ được khai triển nhiều hơn nữa trong quyển Công vụ (chẳng hạn Cv 6,1-7). Môn đệ là tất cả những ai “đi theo” Chúa Giêsu ; còn tông đồ là những môn đệ được tuyển lựa kỹ để làm “cán bộ”. Điều kiện để được tuyển là ; a/ Đã từng sống với Chúa Giêsu và chứng kiến việc Ngài chết và sống lại ; b/ Được “sai đi” (đây là ý nghĩa của chữ “tông đồ” apostolos) để loan báo Tin Mừng sống lại ấy. Lc dành riêng danh hiệu “tông đồ” cho nhóm 12 vì chỉ có họ mới hội đủ 2 điều kiện này. Ngay cả với Phaolô, Lc cũng không gọi ông này là “tông đồ”, vì Phaolô là tông đồ theo một nghĩa khác hơn.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm. Ta hãy noi gương Ngài thường xuyên cầu nguyện, nhất là trước mỗi khi làm một việc quan trọng.
  2. Mặc dù Chúa Giêsu đã cân nhắc và cầu nguyện nhiều trước khi lựa chọn, nhưng vẫn có một người là Giuđa sau này phản bội Ngài. Khi ơn Chúa không được con người hợp tác thì cũng bị thất bại.

– Ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi của chính mình. Xin cho con hợp tác với ơn Chúa, để ơn gọi con ngày càng triển nở tốt đẹp.

– Ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục là những người ngày nay đang kế thừa nhiệm vụ của các tông đồ.

  1. Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn… Tất cả những sự chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người… Từ một hai người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nến tảng của Giáo Hội không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”… Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác tuyệt đối và tình yêu của Ngài (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Ngài giảng và để được chữa lành tật bệnh” (Lc 6,17-18)

Cả 4 chúng tôi đã tham gia chiến dịch “ánh sáng văn hóa hè” tại vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Chúa nhựt tuần đầu tiên, chúng tôi phải hỏi thăm hết một giờ rưỡi mới tới được nhà thờ. Chỗ chúng tôi ở chỉ có một vài gia đình công giáo và hầu hết thỉnh thoảng mới đi lễ vì nhà thờ quá xa. Mà xa thật, mưa thì lầy lội, còn nắng thì bụi mù.

Trên đường đi, chúng tôi cứ nghĩ là nhà thờ chắc không đông. Nhưng đến nơi, chúng tôi thấy cả một nhà thờ đông đúc. Nhà thờ không rộng, cũng chưa có cha xứ. Cha thì từ nơi khác về dâng lễ, còn giáo dân thì đến từ nhiều nơi khác nhau.

Chúng tôi còn được biết ở đây chỉ có một lễ vào sáng Chúa nhựt nên nhiều gia đình phải thay phiên nhau đi lễ hàng tuần. Họ ước ao có cha xứ để được dự lễ thường xuyên hơn. Ra về, ai nấy trong chúng tôi đều cảm thấy như được thúc bách đến gần Chúa hơn, hạnh phúc dù có phải đi xa và mệt nhọc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. (Hosanna)

 

Thứ Tư :

Lc 6,20-26

 

A. Hạt giống…

Trong khi Thánh Mát-thêu ghi lại 8 lời chúc phúc của Chúa Giêsu, thì thánh Luca chỉ ghi 4 lời chúc phúc kèm theo những lời quở trách.

– Những kẻ được chúc phúc là những người nghèo, đói khát, đang phải khóc lóc, bị bách hại.

– Những kẻ bị chúc dữ là những người đang giàu có, no đầy, vui cười, được tâng bốc.

Điều nên chú ý là : không phải tự thân, sự nghèo nàn khổ sở là hạnh phúc, nhưng chúng mang lại hạnh phúc vì chúng giúp người ta không dính bén với trần gian để hướng lòng về Chúa. Cũng không phải tự thân, sự giàu có sung sướng là xấu, nhưng chúng có thể trở thành nguồn bất hạnh khi chúng trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất đời này.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó… Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có…” : Có một truyện phim được chiếu trên truyền hình, kể chuyện một gia đình nghèo nhưng hạnh phúc, về sau khi họ giàu lên thì không còn hạnh phúc nữa. Có lẽ dụng ý của Đài khi chiếu phim này là để đưa ra một lời cảnh giác cho mọi người trong thời kỳ đất nước đang mở cửa theo hướng kinh tế thị trường. Nghèo chưa hẳn là khổ, và giàu chưa hẳn là sướng. Sướng hay khổ là do lòng người, hay nói cho đúng hơn, do những giá trị mình theo đuổi. Như gia đình ấy khi còn nghèo thì mọi người biết lo lắng và hy sinh cho nhau ; đến khi giàu thì mạnh ai nấy lo hưởng thụ một cách ích kỷ.
  2. Trong bài Tin Mừng này, thánh Luca chú ý ghi rõ những chữ “bây giờ” và “sẽ”. Nghĩa là có thể có sư thay đổi tình trạng. Bây giờ đang khổ nhưng sau này có thể sẽ hạnh phúc ; ngược lại bây giờ đang sung sướng nhưng sau này có thể sẽ khổ. Người đang khổ vật chất nhưng biết tìm kiếm những giá trị siêu nhiên thì sẽ hạnh phúc ; ngược lại kẻ đang sung sướng với những giá trị vật chất nhưng cứ bám vào chúng mà không vươn lên những giá trị siêu nhiên thì sẽ bất hạnh.
  3. Chúa rất yêu thương và rất công bình : ngay cả những người đang khổ, Chúa cũng ban cho họ hạnh phúc, một thứ hạnh phúc lạ lùng mà sự khôn ngoan thế gian không nghĩ ra được.

Xin cho con đừng bi quan chán nản trong những cái khổ hiện tại của con, nhưng biết tìm trong đó nguồn hạnh phúc siêu nhiên.

  1. Lời cầu nguyện của người nghèo :

Chúa ơi, sao Chúa lại sinh ra trong thân phận người nghèo ? Đói nghèo cực khổ lắm, Chúa không biết sao ? Vừa túng thiếu vừa vất vả nhọc nhằn, vừa bị người ta khinh bỉ, thiệt thòi đủ thứ. Chúa chọn cảnh nghèo làm chi vậy ? Nếu Chúa không phải là Chúa, thế nào người ta cũng chê là dại. Nhưng dần dần con đã hiểu : chỉ có Chúa thánh thiện, khôn ngoan và thương yêu vô cùng mới dám dại như thế. Thật vậy, việc Chúa chọn phận nghèo chính là một nguồn an ủi lớn cho con. Trước hết, với cuộc sống nghèo, Chúa đã tích cực chia sẻ cộc đời túng thiếu của con. Chúa chia sẻ thực sự bằng cách sống với người nghèo, trong cảnh nghèo, như người nghèo và cho người nghèo. Nhìn vào cuộc đời Chúa, con thấy Chúa còn nghèo hơn con. Nhưng nhờ đó con cảm thấy Chúa gần con như một người bạn, như một người thân. Chẳng ai dám chia sẻ đời nghèo của con đề sống gần con như thế. Có Chúa, con cảm thấy bớt cô đơn buồn tủi.

Ngoài ra, việc Chúa chọn phận nghèo còn dạy con giá trị cao quý của đau khổ. Chúa đã dùng đau khổ để cứu con và cứu nhân loại. Con không thể lên trời bằng con đường khác. Hiện giờ, đau khổ không thiếu, chỉ cần con chịu những đau khổ ấy với tâm tình mến Chúa và khao khát tìm Chúa, tức khắc đau khổ sẽ trở thành con đường đưa con về hạnh phúc bất diệt. Cũng nhờ đó, con mới nhận ra rằng cảnh nghèo không kéo dài hơn cuộc sống trần gian. Nó chỉ tạm thời rồi nó sẽ qua đi. Nếu nó có thể dùng vào việc mở cửa thiên đàng, thì nó không chỉ biết gây đau thương và bất hạnh. Tất nhiên, con sẽ cố gắng xoay sở làm ăn để đủ sống xứng đáng con người, nhưng nếu cảnh nghèo cứ bám chặt lấy đời con thì con phải lợi dụng để biến nó thành một phương tiện làm giàu thiêng liêng (Chờ đợi Chúa)

  1. “Khốn cho các ngươi hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ than khóc” (Lc 6,25)

Mày mò mấy tháng trời, tôi mới khám phá ra được cách chép nhạc bằng máy vi tính. Một mình trước máy vi tính, tôi thấy mình thật vui với một chút kiêu hãnh : mình vượt mấy thằng bạn trong lớp rồi.

Nhưng tôi cảm thấy như có cái gì đó “không ổn” trong kiểu suy nghĩ của mình. Tôi quyết định tận tình chỉ lại cho bạn bè như một sự chia sẻ niềm vui. Và kìa, lòng tôi sao hạnh phúc quá !

Thiên Chúa chắc chắn không thể chúc dữ chỉ vì tôi giàu có, no nê, vui cười ; nhưng nhất định Ngài sẽ chỉ trích khi tôi không biết chia sẻ những gì mình có cho anh em.

Giêsu ơi ! Con vẫn cảm thấy hạnh phúc, bình an và vui tươi khi chia sẻ và trao ban cho tha nhân. Nhưng để chia sẻ cách thật tình hơn với những người ít thân hơn thì con lại ngần ngại. Lạy Chúa xin hãy dạy con, xin hãy dạy con. (Hosanna)

Thứ Năm :

Lc 6,27-38

 

A. Hạt giống…

  1. Những lời Chúa Giêsu dạy về cách đối xử với kẻ thù ghét mình :

– Đừng thù ghét lại nhưng hãy yêu thương, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ.

– Đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.

  1. Những lời dạy về cách đối xử va tha nhân cách chung :

– Làm ơn và cho đi mà không cần đáp trả.

– Cư xử nhân hậu

– Đừng xét đoán và kết án.

– Hãy tha thứ.

  1. Lý do của tất cả những cách cư xử trên là vì Cha trên trời : “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” ; “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán, hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ ; hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con…”

 

B…. nẩy mầm.

  1. Những chữ “vì” trong tương giao :

– Nếu “vì tôi”, thì tương giao sẽ ích kỷ.

– “Vì người ấy” thì tương giao sẽ vụ lợi hoặc thất thường (người ấy tốt thì tôi sẽ tốt, ngược lại…)

– Khi biết “vì Chúa”, các tương giao sẽ vô cùng cao thượng và tốt đẹp.

  1. “Các con muốn người ta làm gì cho các con thì các con hãy làm cho người ta như vậy” : Tôi thường đòi hoặc mong người ta làm cho tôi thế này thế nọ. Đó là cách tương giao lấy mình làm trung tâm qui chiếu. Cách tương giao này khiến người khác nặng nề và cũng thường làm tôi thất vọng. Hôm nay tôi thử cách tương giao quên mình để nghĩ đến người khác xem : chắc là mọi người đều sẽ vui, phần tôi cũng sẽ cảm thấy một niềm vui sâu xa khó tả.
  2. “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán… Hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ ; Hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con” : những thứ mà người khác dùng để đáp lại tôi chắc chắn không tốt bằng chính Thiên Chúa đáp lại, vì Ngài rất quảng đại, Ngài “sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc mà đổ vào vạt áo các con”.
  3. “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27)

Lần nọ trong một ngôi thánh đường, hàng ngàn người say sưa ngồi lắng nghe vị mục sư giảng về lòng yêu thương. Khi bài giảng đã kết thúc, vị mục sư bước ra khỏi ngôi thánh đường. Bỗng một người tiến lại và chìa tay về phía ông. Đó chính là người đã hại ông khi xưa. Ngập ngừng hồi lâu, vị mục sư ngượng ngùng đưa tay bắt.

Sự ngập ngừng của vị mục sư cũng chính là thái độ của tôi trong cuộc sống hôm nay. Tôi không dễ dàng tha thứ để đón nhận và yêu thương kẻ thù. Tôi đã quay lưng lại khi phải đối diện với họ.

Lạy Chúa, xin cho con con tim của Chúa, để con bao dung, yêu thương và tha thứ cho hết mọi người như chính Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng con. (Hosanna)

Thứ Sáu :

Lc 6,39-42

 

A. Hạt giống…

Lời Chúa hôm nay nói về sự mù quáng :

– Nếu ta mù quáng thì ta sẽ dẫn người khác đi vào sai lầm.

– Bởi thế, trước khi sửa lỗi người khác, mỗi người hãy tự sửa lỗi của mình.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Thấy lỗi người khác mà không thấy lỗi của mình ; phê phán người khác mà không tự phê phán mình. Đó là thứ mù quáng và giả hình mà Chúa Giêsu nhiều lần cảnh cáo bởi vì ai cũng dễ mắc phải. Những người ưu tú nhất thời Chúa Giêsu là biệt phái và luật sĩ đã mắc phải một cách nặng nề đến vô phương cứu chữa…. Huống chi tôi. Chắc chắn tôi đang bị hai thứ bệnh mù quáng và giả hình này. Chỉ cần xét mình một chút là tôi sẽ nhận ra ngay.
  2. Tôi xét đoán anh chị em tôi hầu như suốt ngày, còn thời gian dành để tự xét đoán mình chỉ chừng 10 phút, mà nhiều khi tôi cũng để nó trôi qua một cách trống rỗng.
  3. Một chiếc đồng hồ chạy sai có thể do rất nhiều nguyên nhân bên trong bộ máy. Muốn xét đoán đúng, thì chẳng những xem hiện tượng bên ngoài mà còn phải hiểu rất rõ những nguyên nhân bên trong. Bởi vậy, có thể nói, kẻ “có gan cùng mình” mới dám xét đoán. Thiên Chúa thấu hiểu mọi ngọn nguồn nhưng cũng không muốn xét đoán : trong chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu đã nói “Tôi không kết án chị đâu” ; trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng, Ngài nói Ngài vẫn chờ đến phút cuối cùng mới đưa ra lời xét đoán của Ngài.
  4. Tôi dễ đưa ra những lời xét đoán, nhưng tôi có nghĩ tới hậu quả của việc tôi làm không ? Một quan tòa kết án sai thì sẽ khiến nạn nhân chịu khổ oan trong một thời gian lâu dài. Khi xét đoán, tôi cũng là quan tòa, sao tôi không nghĩ tới nỗi oan của người khác nếu tôi sai ?
  5. “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ?” (Lc 6,41)

Truyện kể về một viên tướng, sau khi xông pha trận địa và lập được nhiều chiến công, được nhà vua mở yến tiệc khoản đãi. Trong bữa tiệc, viên tướng vì quá vui đã xúc phạm đến một trong các cung phi. Thế là mọi người đua nhau lên án. Lúc đó, mọi công trạng của ông hầu như biến mất. Trước mắt mọi người, ông chỉ là một tội nhân.

Nói xấu anh em thật dễ lỗi phạm biết bao. Những người ở đó quên rằng chính họ lắm khi còn tệ hơn thế nữa. Và chính bản thân tôi vẫn còn đầy những thói hư tật xấu. Khi lên án, chỉ trích anh em, tôi làm như thể mình vô tội. Thực ra đó chỉ là cái đà lớn che đi con người của tôi mà thôi.

Lạy Cha, con xin đến với Cha như những gì con là, chứ không “tô sơn điểm phấn” (Hosanna)

 

Thứ Bảy :

Lc 6,43-49

 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về cách đối xử. Đoạn này gồm 3 lời dạy :

1) Dụ ngôn Cây và Trái (cc 43-44) : Chỉ có thể tránh nguy hiểm giả hình nếu như hành động bề ngoài của ta hợp với bên trong của ta. Đối với biệt phái và luật sĩ, một hành động được coi là tốt khi nó phù hợp với Luật. Chúa Giêsu sâu sắc hơn : một hành động là tốt, khi nó hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.

2) Kho tàng trong lòng (c 45) : Chúa Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra những lời nói việc làm tốt. Bởi thế người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt. Những điều tốt phải chứa trong kho tàng lòng mình là gì ? Đó là những giáo huấn của Chúa Giêsu.

3) Phải thi hành (cc 46-49) : Tất cả những lời Chúa Giêsu dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng ích lợi gì, và người như thế cũng chẳng đáng là môn đệ Ngài. Họ chỉ như một cái nhà được xây trên cát mà thôi. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành thì mới xứng đáng là môn đệ Ngài, họ như cái nhà được xây trên đá vững chắc.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Về dụ ngôn cây và trái : muốn có trái thì phải chăm sóc cây, đó là một qui luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Thế nhưng tôi thường chỉ lo đến những thể hiện bề ngoài chứ không lo bồi dưỡng chính tâm hồn mình.
  2. Về kho tàng trong lòng : tôi cũng thường “kiểm kê tài sản” xem mình đang có bao nhiêu tiền, bao nhiêu món đồ v.v. Hôm nay tôi hãy kiểm kê kho tàng trong lòng xem hiện giờ có được những gì.
  3. Về dụ ngôn xây nhà : tôi đang xây ngôi nhà cuộc đời mình trên nền cát hay nền đá ? Nền cát là những thứ mà người đời thường theo đuổi (danh, lợi thú), nền đá là Lời Chúa và Ý Chúa.
  4. Một người nhà giàu nọ cho biết ông sắp đi xa và giao cho người quản lý đứng ra xây cho ông một ngôi nhà sang trọng với những vật liệu đắt giá nhất và do những nhân công tài giỏi nhất. Người quản lý xem đây là cơ hội để làm giàu : ông tính toán từng đồng để mua những vật liệu rẻ nhất, ông mướn những người thợ xoàng nhất với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên, căn nhà cũng được hoàn thành. Khi ông chủ về, người quản lý giao ngôi nhà cho chủ. Ông chủ tỏ vẻ hài lòng và cho biết ông bảo làm ngôi nhà ấy để tặng cho người quản lý. Trong những năm kế tiếp, khi phải chi tiền để tu sửa những chỗ hư của ngôi nhà, người quản lý vô cùng hối tiếc : giả như trước đây tôi biết đây là ngôi nhà ông chủ tặng cho tôi thì tôi đã không xây cất một cách xoàng xỉnh như thế (“Mỗi ngày một tin vui”)