Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 28

print

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 28

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Lc 11,29-32

A. Hạt giống…

  1. Văn mạch: Ở đoạn trước (Lc 11,14-22), Thánh Luca thuật rằng sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ cứu một người bị câm thì dân chúng chia ra thành 3 nhóm phản ứng khác nhau : nhóm thứ nhất (đa số) tin Ngài ; nhóm thứ hai không tin, cho rằng Ngài đã làm tà thuật do dựa vào thế lực quỷ vương Bêenzêbun, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ ; nhóm thứ ba cũng không tin, họ đòi Ngài phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” chứng minh Ngài là kẻ được Thiên Chúa sai đến. Trong đoạn này, Chúa Giêsu sẽ đưa ra dấu chỉ đó.
  2. Trong Thánh Kinh, kiểu nói “Thế hệ này” có nghĩa xấu, hàm ý nói về những người cứng tin (x. Đnl 1,30) : Đối với những người cứng tin, Thiên Chúa sẽ chẳng cho dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giôna. Ta biết Giôna là một ngôn sứ ban đầu không vâng lệnh Chúa để đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng sau khi phải bị một con cá nuốt vào bụng 3 ngày thì ông đành vâng theo. Kết quả là toàn dân thành ấy đã hối cải. Khi nhắc chuyện Giôna, Chúa Giêsu không nhắm đền việc ông bị cá nuốt, mà nhắm đến sự hoán cải của dân thành Ninivê, để khuyên người do thái hãy nghe theo lời rao giảng của Ngài như dân Ninivê xưa nghe lời Giôna
  3. Câu 31-32 : Tiếp theo, Chúa Giêsu dùng hai thí dụ (nữ hoàng phương Nam và dân Ninivê) để cho thấy Ngài biết trước người do thái sẽ không chịu nghe lời giảng của Ngài chứ không như dân Ninivê ngày xưa đã chịu nghe lời giảng của Giôna Bởi thế, tới ngày phán xét, tôi của họ sẽ nặng hơn.

B…. nẩy mầm.

  1. Đối với Kitô hữu : Phải chăng chúng ta cũng chính là “thế hệ này” mà Chúa Giêsu đã trách. Chúng ta cứng lòng tin. Chúng ta đòi thấy dấu lạ rồi mới tin. Ngày xưa chính Chúa Giêsu là một dấu lạ phô bày hằng ngày trước mắt người do thái nhưng họ đâu có nhận ra và tin Ngài. Ngày nay cũng có rất nhiều dấu lạ diễn ra hằng ngày : trật tự kỳ diệu của vũ trụ, bàn tay Chúa quan phòng dẫn dắt mọi biến cố, những tác động của Chúa trong con người v.v. Thánh Phanxicô Assisi đã nhận ra được những dấu lạ đó và đã rơi lệ vì cảm động. Phải có cặp mắt đức tin và trái tim yêu mến mới nhận ra được những dấu lạ ấy. Và ai nhận ra được những dấu lạ ấy thì lại càng thêm tin tưởng và yêu mến Chúa hơn.
  2. Câu đố : Một người đang chạy xe gắn máy trên đại lộ bỗng dừng lại, vì phía trước có dấu chỉ đèn đỏ. Một người bước vào một ngôi nhà thấy một dấu chỉ nên vội dụi tắt điếu thuốc của mình. Dấu đó thế nào ? là hình một điếu thuốc bị gạch chéo… Trên đây là những dấu chỉ “nhân tạo”. Ngoài ra còn những dấu chỉ “thiên nhiên tạo” nữa, thí dụ đám mây đen bỗng dưng kéo đến là dấu báo trời sắp mưa. Loại thứ ba là những dấu chỉ nhắc ta nhớ đến Chúa. Loại thứ tư là những dấu chỉ Chúa muốn ta làm đề nhắc người khác nhớ đến Chúa. Đố bạn nghĩ ra một số dấu chỉ thuộc loại thứ ba và thứ tư…
  3. Đối với những người quanh ta : Chúng ta còn được mời gọi trở nên những dấu lạ cho người thời nay để giới thiệu Chúa cho họ. “Một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một bàn tay nâng đỡ… phải chăng đó không là những phép lạ mà lúc nào những người chung quanh cũng đang chờ đợi nơi chúng ta ?” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  4. Dấu chỉ : dấu chỉ là một dấu hiệu ẩn dấu một ý nghĩa. Tuy người ta không nghe dấu chỉ nói (vì nó không nói) nhưng người ta có thể hiểu điều nó muốn nói khi nhìn thấy nó. Thí dụ : khi ta thấy một lá cờ cắm trên nóc một ngôi nhà, ta hiểu nhà đó là cơ quan của nhà nước ; khi ta thấy áo một người kia có hình chữ thập đỏ, ta hiểu người đó làm công tác y tế v.v. Vậy thử hỏi : khi người ta nhìn tôi, có những dấu chỉ nào giúp người ta hiểu tôi là môn đệ Chúa Giêsu không ? (Frank Mihalic)
  5. Người câm không nói được nhưng có cách làm cho người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải rất chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.
  6. “Ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)

Tôi đi tìm Thiên Chúa.

Tôi tin chắc Ngài đang hiện diện bên tôi.

Tôi kêu cầu Ngài.

Tôi chờ đợi Ngài.

Và tôi những muốn xin Ngài cho tôi một dấu lạ về quyền năng của Thiên Chúa để có thể hoàn toàn tín thác vào Ngài. Tôi muốn được như dân thành Ni-ni-vê xưa…Tôi đã không đủ lòng tin để hiểu rằng chính bản thân Ngài, và lời rao giảng của ngài mới là dấu lạ tuyệt vời nhất.

Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm những dấu chỉ của Thiên Chúa không để thoả mãn tính hiếu kỳ, óc tò mò, mà để canh tân và sám hối. (Hosanna)

Thứ Ba :

Lc 11,37-41

A. Hạt giống…

  1. Hoàn cảnh: Một người pharisêu mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa. Vừa vào nhà, Chúa Giêsu “liền vào bàn ăn” : nghĩa là Ngài không rửa tay trước. Nhóm Pharisêu coi các nghi thức thanh tẩy rất quan trọng, không phải vì lý do vệ sinh mà vì lý do luân lý, nhằm tẩy xóa những ô uế mà ta có thể vô tình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những kẻ tội lỗi. Trong câu chuyện này, không phải Chúa Giêsu quên, mà đó là lập trường cố hữu của Ngài (x. 11,14.29). Dĩ nhiên người pha-risêu ấy ngạc nhiên và thầm khó chịu trong lòng.
  2. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong : bên ngoài là việc tuân thủ những quy định về nghi thức ; bên trong là lòng đạo đức thật. Nhóm pharisêu chỉ chú trọng tới cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.
  3. Tiếp theo Chúa Giêsu nói về “sự bố thí”. Ngài khẳng định rằng bố thí có thể thay thế mọi quy định lề luật : đối với người bố thí cho kẻ nghèo thì mọi cái đều tinh sạch.

B…. nẩy mầm.

  1. Cái nhìn toàn diện : Khi chỉ trích những người biệt phái quá chú trọng đến bề ngoài, không phải Chúa Giêsu chủ trương chỉ lo đến bề trong. Thực ra “Chúa Giêsu muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người (…) Phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Nhìn tượng Trái tim Chúa Giêsu, một người nói : “Có lẽ Chúa Giêsu là người duy nhất dám đưa trái tim bên trong của mình ra ngoài cho người ta thấy”. Người thứ hai góp ý : “Ngài là người độc nhất trong lịch sử không cần che dấu gì về mình cả”. (Onward)
  3. Một ông vua kia rất ham mặc áo quần đẹp. Hai tên lưu manh đến gạ gẫm : “Chúng tôi có thể dệt và may cho bệ hạ một bộ áo rất đặc biệt từ xưa tới nay chưa ai từng thấy. Nhưng áo này phải dệt bằng vàng”. Vì quá ham bộ áo đặc biệt ấy, nhà vua đưa cho hai tên ấy hết túi vàng này tới túi vàng khác. Thực ra chúng chẳng may gì cả. Rồi một hôm hai tên lưu manh cho biết áo đã may xong, mời nhà vua mặc thử. Chúng chỉ làm cử điệu tay chân như đang mặc áo cho nhà vua. Khi chúng cho biết đã mặc xong, nhà vua hỏi các quan chung quanh “Áo ta có đẹp không ?” Ai nấy trầm trồ khen nức nở. Quá phấn khởi, nhà vua bảo quân hầu kiệu ngài ra các đường phố để khoe áo đẹp. Dân chúng hai bên đường cũng nức nở khen. Nhà vua rất sung sướng. Bỗng nhiên một đứa trẻ hô lớn : “Ông vua ở truồng ! Ông vua ở truồng !”. Nhà vua nhìn lại mình và mới biết mình đang ở truồng thật.
  4. “Đồ ngốc ! Đấng làm tra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao  ?” (Lc 11,40)

Cứ hè đến là nó đi tĩnh tâm hay đi linh thao. Như mọi người, nó cũng thinh lặng, nhận điểm, dự cầu nguyện, dự lễ, xưng tội, và còn nức nở sám hối nữa ! ! ! Ai cũng nghĩ nó là người đạo đức. Nhưng lần này nó lộ nguyên hình là đứa đạo đức giả, đúng hơn, một “diễn viên kịch” đại tài trong đời sống đức tin. Điều lạ lùng là nó cũng thừa nhận như vậy. Khi bị chất vấn, nó cười chua chát : “Phải, tôi chưa tin Chúa, tôi đi tìm Ngài và ước ao được thấy Ngài và ước ao được thấy Ngài qua đời sống của các bạn. Để được đón nhận nhanh nhất, bằng mọi giá, tôi phải có hình thức giống mọi người. Tôi phải trở thành Pharisêu…”

Lạy Chúa, chúng con không chuộng lối sống đạo hình thức, nhưng lại đánh giá và chỉ chấp nhận nhau khi có sự đồng điệu ở bề ngoài. Vô tình chúng con xô đẩy nhau đến chỗ trở thành những pharisêu chính hiệu. Chúa ơi, xin đừng để ai muốn tìm Chúa nơi con phải thất vọng. (Hosanna)

Thứ Tư :

Lc 11,42-46

A. Hạt giống…

  1. Chúa Giêsu nêu đích danh 3 điều lầm lạc của nhóm pharisêu :

a/ Quan tâm đến việc nộp thuế thập phân về những rau cỏ tầm thường vốn không có ghi trong những bộ luật xưa (x. Nkm 13,10-13) mà lại bỏ quên những nhân đức rất lớn như công bình và yêu thương ;

b/ Thích danh vọng bề ngoài, bằng cách chọn ghế đầu trong hội đường. Thực ra trong buổi họp ở hội đường thì phải có người ngồi ghế đầu. Việc những người pharisêu được ngồi như thế chưa phải là đáng trách ; điều đáng trách là họ “thích” và nhất là họ không xứng đáng mà lại thích như thế ;

c/ Thích được chào ở nơi công cộng.

  1. Và Ngài đúc kết : họ giống như những nấm mồ. Mồ là cái chôn dấu xác chết vốn là một thứ ô uế. Do đó ai đạp lên mồ mả thì cũng bị nhiễm uế. Vì thế các nấm mồ cần phải có dấu hiệu cho người ta biết để trách đạp lên. Người pharisêu, vì trong lòng đầy sự xấu xa, nên cũng chứa đựng nhiều thứ ô uế nhưng người khác lại không biết.
  2. Một luật sĩ lên tiếng bênh vực cho nhóm pharisêu, vì cách sống của pharisêu chính là dựa theo cách giải thích luật của các luật sĩ. Chúa Giêsu cũng trách nhóm luật sĩ “Chất gánh nặng lên vai người khác” : Trong Thánh Kinh, chữ “gánh nặng” ám chỉ luật lệ. Các luật sĩ cứ miệt mài nghiên cứu luật và càng ngày càng đưa thêm nhiều khoản luật khiến người ta không kham nổi, trong khi chính họ lại không tuân giữ.

B…. nẩy mầm.

  1. “Họ không động đến ngón tay” : “Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án gắt gao thái độ trưởng giả của những người biệt phái. Họ là chuyên viên giải thích những luật lệ tôn giáo. Nhưng cái cốt lõi của tôn giáo là bác ái yêu thương thì họ không màng tới. Chúa Giêsu nói “Họ không động đến ngón tay”. Ra giữa phố chợ, họ xuất hiện như những nhà đạo đức. Nhưng Chúa Giêsu bảo “Họ giống như những mồ mả tô vôi, bên trong chỉ toàn là mớ xương hôi thối”. Đó là những hình ảnh của những người đạo đức giả, của những người rao giảng Tin Mừng nhưng không sống điều mình rao giảng, của những người mang danh hiệu Kitô nhưng không sống tinh thần Kitô. Ngày nay Giáo Hội của Ngài có sống còn hay không, Giáo Hội của Ngài có đáng tin cậy hay không, điều đó còn tùy ở mức độ Giáo Hội có sống trọn lời mình rao giảng hay không. Dĩ nhiên, Giáo Hội được thể hiện qua những con người bằng xương bằng thịt là chúng ta. Chúng ta có sứ mệnh minh chứng Giáo Hội ấy vẫn tiếp tục sống” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Giả hình : “Giả hình là hình giả, hình nộm. Đó là đời sống đạo che đậy dấu diếm. Kinh Thánh nói giả hình giống như một nấm mồ sơn vôi, bên ngoài coi bộ trắng trẻo, nhưng bên trong là dòi bọ xương xẩu (…) Ở đời này chúng ta có thể sống giả hình dấu diếm đánh lừa được một số người thôi, chứ không thể đánh lừa được một số đông… Mà giả như chúng ta có thể đánh lừa được số đông đi nữa thì cũng không thể đánh lừa được chính Thiên Chúa… Ngài thấu suốt mọi bí ẩn tâm can” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”).
  3. Thomas K. Beecher không chịu nổi sự lừa dối dưới bất cứ hình thức nào. Khi thấy chiếc đồng hồ trong nhà thờ cứ khi thì chạy sớm khi thì chạy trễ, ông treo một tấm bảng phía trên chiếc đồng hồ ấy, với hàng chữ : “Xin đừng trách mắng đôi cánh tay tôi. Cái đáng trách nằm sâu hơn thế nhiều”. Beecher muốn nói hai điều. Điều thứ nhất : đừng trách hai chiếc kim đồng hồ mà hãy trách những bánh xe bên trong đồng hồ. Điều thứ hai : có khi tay ta cử động sai, chân ta bước không đúng, môi miệng ta nói không chỉnh… nhưng quan trọng hơn chính là tội lỗi nằm sâu ngay trong tâm hồn của ta (Christian Witness).
  4. Có khi nào người ta dám quẳng bỏ những tờ giấy bạc không ? Thưa có, khi đó là tiền giả. Nhiều người đã quẳng bỏ Kitô giáo vì thấy những kitô hữu giả hình (W.E. Biederwolf).
  5. “Khốn cho các ngươi hỡi người Pharisêu. Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích người ta chào hỏi nơi công cộng…” Lc 11,43

Con người như một ma lực phải làm đẹp cho mình. Nhưng có khi chỉ là để che đậy những trống rỗng bên trong.

Đôi khi tôi tự hỏi không biết mình có tự tôn, tự tạo cho mình một vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài bằng một “lý lịch” rất đạo đức ? Tôi đi lễ mỗi ngày, tôi đã từng sinh hoạt trong ca đoàn, trong nhóm giáo lý viên. Nay tôi đang tham gia các nhóm công tác xã hội, nhóm chia sẻ Lời Chúa… Đàng sau những công việc tốt đẹp ấy là gì ? Phải chăng là mong được những người xung quanh nể vì ? Không biết bài học “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa đến bao giờ tôi mới thuộc được ?

Con cố gắng cúi mình khiêm nhu

Xuống dấáu chân nơi Ngài dừng lại.

Nhưng sâu ngút vô ngần, Ngài ơi

Vẫn không sao chạm được. (Tagore) (Hosanna)

Thứ Năm :

Lc 11,47-54

A. Hạt giống…

Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu trách các người biệt phái. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay Ngài trách các luật sĩ :

  1. Câu 47-48 “Xây lăng cho các ngôn sứ” : Có một truyền thống truyền khẩu rằng các ngôn sứ thường bị bách hại : Isaia đã bị cưa làm 2 khúc, Giêrêmia bị dân ném đá chết, Amos bị đập đến chết (x. Dt 11,32-40 2Sb 24,22)… Khi người do thái thời Chúa Giêsu xây lăng cho các ngôn sứ thì họ chứng tỏ họ chẳng ăn năn gì về việc tổ tiên họ đã giết chết các vị ấy trái lại còn tán thành. Thái độ ấy còn cho thấy rằng sứ điệp của các vị ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, cùng lắm chỉ là những sứ điệp cho các thế hệ xa xưa thời trước.
  2. Câu 49-51 Chúa Giêsu duyệt lại lịch sử : chương trình của Thiên Chúa (“Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa”) là gởi “các ngôn sứ và các tông đồ” đến với loài người để kêu gọi loài người ăn năn. Thế nhưng loài người đã chẳng đón nhận sứ điệp ấy, lại bách hại các vị ấy. Mặc dù Chúa Giêsu chỉ nêu tên hai người là Aben và Dacaria, nhưng vì trong Cựu Ước híp-ri, tên Aben ở đầu sách và tên Dacaria ở cuối sách, nên ý của Ngài là nói đến toàn bộ tội giết các ngôn sứ trong lịch sử. Và Chúa Giêsu cảnh cáo : nếu người do thái thời nay không chấm dứt thái độ ấy thì họ sẽ bị Thiên Chúa công bình hỏi tội (“thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu”)
  3. Câu 52 “Cất giấu chìa khóa sự hiểu biết” : do những kiến thức về Thánh Kinh, các luật sĩ đã nắm trong tay chìa khóa mở cửa vào Nước Trời. Nhưng do thái độ của họ, chẳng những họ không vào đó được mà lại còn ngăn cản người khác vào.

B…. nẩy mầm.

  1. Tội giết các ngôn sứ : Các ngôn sứ là những người nói thay Chúa. Lời các ngài nói nhiều khi chói tai dân do thái nên nhiều vị đã bị bách hại và giết chết. Không riêng gì dân do thái, chúng ta ngày nay cũng có thể phạm tội giết ngôn sứ nếu như chúng ta không tập cho quen lắng nghe sự thật Chúa nói trong lương tâm chúng ta hoặc qua những “lời thật mất lòng” của người khác.
  2. Cất dấu chìa khóa sự hiểu biết : Các luật sĩ là những người hiểu biết luật lệ Thánh Kinh. Họ được coi là những người lãnh đạo dân chúng vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng “thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình. Một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng dẫn kẻ khác… Cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏ để người khác có thể nhận ra chân lý đức tin không ? Trong cách cư xử hằng ngày, chúng ta có ý thức phải sống thế nào để kẻ khác nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời không ?” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  3. “Khốn cho các ngươi ! Các ngươi xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các ngươi đã giết chết các vị ấy !” (Lc 11,47)

Chúa khiển trách người Pharisêu và các kinh sư là giả hình. Họ giả hình bởi che đậy tội lỗi bằng cách xây dựng những nấm mộ hào nhoáng, bằng luật giữ luật từ ngoài, bằng cách lên án người công chính.

Còn tôi, vì sợ mất địa vị, đã lừa dối mọi người, vì sợ hổ thẹn, đã không dám nói sự thật, vì sợ liên lụy, đã bỏ mặc anh em, và vì ích kỷ, đã xa rời Chúa, xa cách anh em…

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tự do, xin cho con biết lựa chọn và dám sống như Chúa dạy. (Hosanna) .

Thứ Sáu :

Lc 12,1-7

A. Hạt giống…

  1. Câu 1-3 : Đoạn trước (11,37-54) đã cho ta thấy Chúa Giêsu bị nhóm pharisêu và nhóm luật sĩ bắt lỗi trong một bữa ăn. Câu chuyện đó khiến Ngài muốn cảnh giác các môn đệ mình hai điều. Điều thứ nhất là hãy coi chừng thói giả hình của người pharisêu : một mặt là đừng giả hình như họ, mặt khác các môn đệ hãy đặt mình vào hàng “các ngôn sứ và các tông đồ” (c 49) để lo rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa và sẵn sàng chịu bách hại vì sứ mạng đó.

  – “Men pharisêu” : Chữ “men” được Chúa Giêsu dùng ở đây muốn nói đến một thứ ẩn giấu trong bột để từ từ làm cho bột bị hư đi không còn là bột tinh tuyền nữa. Thái độ giả hình của người biệt phái cũng giống như vậy vì nó có thể lây lan làm hại nhiều người khác. Các môn đệ hãy coi chừng đừng để mình bị lây nhiễm thói xấu đó vì nếu bị nhiễm thì đến phiên họ cũng sẽ lây nhiễm sang nhiều người khác trong Giáo Hội.

  – Không giả hình tức là ta như thế nào thì tỏ ra thế ấy, bởi vì “Không có gì che dấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết”. Chú ý, câu này cũng được Mt ghi lại (Mt 10,27) nhưng trong một văn mạch khác nên mang ý nghĩa khác : Trong Mt nó muốn nói đến việc rao giảng Tin Mừng.

  – Chúa Giêsu quảng diễn thêm ý tưởng trên bằng hai kiểu nói nữa : “Tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày ; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín sẽ được công bố trên mái nhà”. Nên nhớ mái nhà ở do thái là nóc bằng nên cũng là nơi người ta thường lên để trò chuyện và thông báo tin tức cho nhau.

  1. Câu 4-7 : Điều thứ hai Ngài khuyên là đừng sợ sự thù nghịch của thế gian đối với người tông đồ của Chúa. Ngài đưa nhiều lý do để thuyết phục các môn đệ :

  – Lý do thứ nhất là các quan quyền thế gian cùng lắm chỉ giết được thân xác của ta chứ không giết được sự sống thật của ta là điều thuộc về quyền độc hữu của Thiên Chúa. Bởi vậy nên sợ Thiên Chúa hơn.

  – Không những đừng sợ các quan quyền thế gian, mà còn phải phó thác vào Thiên Chúa quan phòng : Đấng luôn chăm sóc từng con chim sẻ và từng sợi tóc trên đầu chúng ta lẽ nào lại không chăm sóc những người làm sứ mạng Ngài giao hay sao ! (Về chi tiết chim sẻ : Mt 10,29 ghi hai con chim sẻ bán được một xu. Ở đây Lc ghi năm con bán một xu. Lc muốn nhấn mạnh hơn nữa ý tưởng Thiên Chúa chăm sóc những vật rất tầm thường).

B…. nẩy mầm.

  1. Đừng sợ: “Chúa Giêsu đưa ra lời trấn an này vào giữa lúc các môn đệ Ngài nhận ra sự chống đối của biệt phái đối với Chúa Giêsu. Theo Chúa Giêsu Kitô, người môn đệ đồng chịu số phận chống đối. Đó là chuyện đương nhiên, không thể có con đường nào khác. Ngay trong chính bản thân, những xâu xé, giằng co cũng là chuyện không thể tránh được. Thế nhưng Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích cuộc đời” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Chúa quan phòng: “Bài phúc âm hôm nay cho thấy Thiên Chúa quan phòng mỗi người con cái Chúa. Chúa bảo đảm rằng Chúa lo lắng cho từng con chim trời không con nào chết đói, từng bông hoa huệ nay còn mai mất mà có được màu trắng vương giả, thì con người quí giá ngàn trùng, càng được Chúa bảo trợ…” (Trích “TMCGK ngày trong tuần”).
  3. Một hôm Đức Ala gọi một Thiên sứ đến và truyền lệnh : “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có 4 đứa con thơ”. Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết nài xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy ? Nhưng lời van xin của Sứ thần chẳng mảy may đánh động được Đức Ala. Cuối cùng Sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời.

 Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị thiên sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con ? Thấy sứ thần buồn, Đức Ala gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên : “Ôi lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài.”  (Trích ”Món quà giáng sinh”)

Thứ Bảy :

Lc 12,8-12

  1. Hạt giống…

Văn mạch : Đoạn này tiếp liền đoạn hôm qua và cùng một chủ đề “ Chúa Giêsu khuyên môn đệ mình hãy mạnh dạn sống và rao giảng Tin Mừng, đừng sợ. Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã đưa một lý do để đừng sợ, đó là có Thiên Chúa quan phòng. Hôm hay Ngài đưa thêm hai lý do nữa :

  1. Câu 8-10 : Lý do thứ hai để đừng sợ là trong ngày phán xét chính Chúa Giêsu sẽ tuyên bố nhận kẻ can đảm làm chứng cho Ngài. Lời trấn an này đi kèm với lời đe dọa : Chúa Giêsu sẽ không nhìn nhận kẻ nào vì sợ mà chối Ngài.
  2. Câu 11-12 : Lý do thứ ba để đừng sợ là sẽ có Thánh Thần soi sáng cách ăn nói và ứng phó khi người môn đệ bị đưa ra trước những nhà cầm quyền thế gian.

B…. nẩy mầm.

  1. Tử đạo và chối đạo ngày nay : “Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống. Ngày nay những cuộc bách hại đạo công khai không còn, nhưng những khó khăn mọi mặt mà người kitô hữu đang trải qua cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, khước từ sống theo những cam kết đức tin cũng là một hình thức chối đạo. Chối đạo khi không có những hành động cụ thể, khi đóng khung đức tin vào những việc đạo đức làm vì thói quen, khi không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Lần đầu tiên giảng Lời Chúa, một nữ mục sư trẻ giảng chưa được lưu loát lắm. Trong đám thính giả, một người lên tiếng : “Cô ơi, cô chưa đủ khả năng giảng đâu. Cô nên xấu hổ về chính mình đi”. Nữ mục sư đáp : “Vâng, tôi rất xấu hổ về tôi. Nhưng tôi không hề xấu hổ về Chúa Giêsu, Đấng đã dám lấy chính máu mình để cứu chuộc chúng ta”. (Christian Herald).
  3. Lc 1,28-37 : Khi nghe Thiên sứ báo Thiên Chúa muốn giao cho Đức Maria một sứ mạng quan trọng là làm mẹ Đấng Cứu Thế, Người đã “bối rối”. Nhưng thiên sứ đáp : “Đừng sợ… Thánh Thần đã ngự xuống trên cô… Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được”.
  4. Trong thời đầu mở mang Giáo Hội, các môn đệ Chúa đã nhờ “tràn đầy Thánh Thần” nên “không sợ” áp bức, “mạnh dạn” loan báo Tin Mừng (Cv 4,33 : các tông đồ ; Cv 7,55-56 : Têphanô ; Cv 21,8-14 : Phaolô)