Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 34

print

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 34

 Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

Thứ Hai :

Lc 21,1-4

 

A. Hạt giống…

Gương dâng cúng của một bà goá :

– “Bà góa” : Xã hội do thái không có những quy định bảo vệ quyền lợi các góa phụ cho nên họ rất bị thiệt thòi : tài sản của chồng thì họ không được hưởng (con cái họ hưởng), gia đình cha mẹ ruột của họ cũng không còn lo lắng cho họ bao nhiêu. Vì thế, trong Thánh Kinh, bà góa, trẻ mồ côi và ngoại kiều là những hạng người xấu số nhất và nghèo nhất (x. Đnl 24,17-22).

– Bà goá nghèo này đã dâng vào hòm tiền Đền thờ “Hai đồng tiền kẽm” : nguyên ngữ là đồng tiền Kodrantes tức là loại tiền nhỏ nhất trong các loại tiền thời đó.

– Tuy số tiền là ít nhưng được Chúa Giêsu đánh giá cao hơn số tiền của những người khác, “vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu mà đã dâng tất cả những gì bá có để nuôi sống mình”

 

B…. nẩy mầm.

  1. Cho đi không phải của dư thừa mà là chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế rất quý vì cũng là sự cho đi chính bản thân mình.

Thông thường khi có dư người ta mới cho : cho người nghèo và cho Giáo Hội.

  1. Một Linh mục nọ có thói quen tốt là ghi kỹ trong nhật ký hằng ngày về những số quà nhận và số quà cho. Thỉnh thoảng kiểm lại, nếu thấy phần nhận nhiều hơn phần cho thì Linh mục ấy điều chỉnh lại để phần cho nhiều hơn.

Con người thường thích nhận hơn cho ; có cho thì cũng để nhận lại.

  1. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu luôn luôn khuyên người ta rằng : cách sử dụng tiền của tốt nhất là cho đi, để đổi lại gia tài trên trời.
  2. Cử chỉ của bà goá là một định nghĩa của lòng quảng đại : quảng đại chính là cho mà không tính toán. Xét cho cùng, quảng đại chính là trao ban chính bản thân mình. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  3. Vào một mùa đông, tại một đất nước Châu Âu, một em bé 13 tuổi nghe nhà trường thông báo đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà Giáng sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng. Em đã dành dụm mọi chi tiêu vốn ít ỏi của em trong suốt 3 tháng. Khi đã được 15 đồng, em quyết định đón xe đò từ làng lên phố. Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội làm tắt nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không chịu bỏ cuộc, em xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng đầy ngập tuyết trắng xóa và gió lốc lạnh buốt.

Ông hiệu trưởng nghe báo có người muốn đang đợi ở phòng khách. Ông thực sự kinh ngạc sửng sốt khi nhận món tiến chia sẻ từ tay em bé, bởi vì trước mặt ông chính là một trong số những em bé nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách tặng quà giáng sinh năm đó. (Góp nhặt)

 

Thứ Ba :

Lc 21,5-11

 

A. Hạt giống…

Đoạn này mở đầu một đơn vị văn chương được gọi là “diễn từ chung luận” (Lc 21,5-36), trong đó Chúa Giêsu bàn đến những vấn đề “chung kết” của lịch sử là : sự sụp đổ của thành Giêrusalem, ngày tận thế, và ngày Đức Kitô quang lâm. Diễn từ này khó hiểu, một phần vì được viết theo văn thể khải huyền, phần khác vì 3 biến cố trên được nhắc đến xen lẫn nhau khiến người đọc không biết rõ những câu nào nói đến biến cố nào.

– các câu 5-6 : Chúa Giêsu tiên báo thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá.

– câu 7 : thính giả liên tưởng tới ngày tận thế nên hỏi Chúa Giêsu khi nào thì tận thế và có dấu nào báo trước không.

– câu 8-11 : Chúa Giêsu không muốn cho biết những dấu chỉ rõ ràng về ngày tận thế. Bởi đó trước tiên Ngài khuyên người ta chớ tin vào những dấu chỉ mà người này người nọ đưa ra cho rằng sắp tận thế. Kế đó Ngài dùng những hình ảnh khải huyền khó hiểu để nói một cách úp úp mở mở rằng khi tận thế thì những gì xưa nay người ta cho là chắc chắn đều sẽ lung lay.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Mọi công trình con người xây dựng, dù cho kiên cố và quý giá đến đâu đi nữa, kể cả Đền thờ Giêrusalem… tất cả đều sẽ có ngày sụp đổ. Chẳng có gì bền vững ở thế giới này. “Trăm năm bia đá cũng mòn” ; “Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa. Hoa nào không phai tàn ? trăng nào không khuyết ? ngày nào mà không có đêm ? yến tiệc nào không có lúc tàn ?”
  2. Triết lý Á Đông : “sự vật hễ có hình thì có hoại”.
  3. Trong tuần lễ cuối cùng của năm Phụng vụ, Lời Chúa nhắc chúng ta hãy suy nghĩ về những vấn đề cuối cùng của đời người : chết, phán xét, số phận đời đời…
  4. Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong chuyện dưới đây :

“Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sợ đến trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa “Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình hỏi “Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy ?”. Người đánh ngựa đáp : “Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực”. (Clifton Gadiman).

  1. Cả cuộc sống êm ả lẫn cuộc sống bất ổn cũng đều tiềm tàng những thuận lợn và những hiểm nguy cho đời sống thiêng liêng. Vấn đề là làm sao luôn rút được ích lợi ngay giữa hai tình cảnh đối nghịch đó :

– Nếu được sống triền miên trong sự êm ả (Td : sống trong một xã hội sung túc đầy đủ, không bao giờ phải lo chiến tranh hoạn nạn…) người ta sẽ dễ an tâm sống đạo thờ phượng Chúa. – Nhưng cũng dễ rơi vào chỗ coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa.  Trong Cựu Ước, mỗi khi dân Chúa li bì trong cảnh thái bình mà đâm ra truỵ lạc, tự mãn, không coi Thiên Chúa ra gì, thì thường xuất hiện vị ngôn sứ loan báo tai hoạ để nhắc nhở dân (gọi là ngôn sứ báo hoạ).

– Ngược lại, nếu luôn phải sống trong phập phồng lo sợ, người ta dễ thấy mạng sống mình mong manh, thấy của cải vật chất không giúp bảo đảm gì nhiều cho mình. Khi đó người ta dễ chạy đến với Chúa. – Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, cuộc đời dễ mất ổn định và khó lòng đạt được những hoa trái của sự bình an. Suy niệm đời ông Gióp giúp ta hiểu rõ hơn.

  1. “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6)

Ồ một chiếc bông hồng vừa hé nở đẹp quá ! Thế mà chỉ vài ngày sau nó đã tàn úa, vì đó chỉ là những vẻ đẹp chóng qua.

Đền thờ Giêrusalem, một công trình mất đến 40 năm mới hoàn tất, vậy mà Chúa bảo rồi sẽ có ngày bị tàn phá. Giữa những vẻ đẹp nhân tạo, những vẻ đẹp của trần thế chóng qua, Chúa muốn tôi tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn, chỉ có sự thánh thiện mới không có gì phá huỷ đ. Vẻ đẹp đó chỉ có thể tô điểm bằng yêu thương và phục vụ.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và phục vụ, để giữ mãi vẻ đẹp của tâm hồn. (Hosanna)

 

Thứ Tư :

Lc 21,12-19

 

A. Hạt giống…

Trong văn mạch diễn từ chung luận, Chúa Giêsu báo trước cho môn đệ mình biết rằng có một thời kỳ Giáo Hội sẽ bị bắt bớ. Rồi Ngài dạy họ phải sống thế nào trong thời kỳ đó :

– câu 13 : hãy coi những khốn khó đó là dịp để ta làm chứng cho Chúa.

– câu 14-15 : đừng sợ phải bào chữa thế nào, vì Ngài sẽ ban cho họ sự khôn ngoan mà kẻ thù không thể nào thắng được.

– câu 16-18 : đừng sợ khi bị bắt bớ và thù ghét, vì vẫn có Chúa quan phòng trong tất cả những hoàn cảnh éo le đó.

– câu 19 : phải kiên trì.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Câu 13 : gian nan khốn khổ là những cơ hội để làm chứng. Những cha mẹ giàu cho con cái rất nhiều tiền nhưng chúng vẫn không tin rằng cha mẹ thương chúng, bởi vì chúng chưa có “bằng chứng” về sự tận tụy cực khổ của cha mẹ. Bởi thế, Chúa Giêsu đã chịu nạn chịu chết để chứng tỏ cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương họ. Cũng vì thế, các tông đồ rất vui mừng khi bị bách hại, vì đó là dịp họ chứng tỏ tấm lòng của họ đối với Chúa.
  2. Trong Tin Mừng có nhiều “lời hứa” rất đáng sợ : “Chúng con sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp” ; “Họ sẽ giết một số người trong chúng con” ; “Vì danh Thầy, chúng con sẽ bị mọi người thù ghét” v.v. Tại sao thế ? Bởi vì đó chính là con đường mà người môn đệ phải đi : “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34) ; và đó cũng chính là hạnh phúc thật của người môn đệ Chúa “Phúc cho ai bị bắt bớ vì sự công chính” (Mt 5,10).
  3. Có lúc nào đó chúng ta thử chậm rãi đọc lại những lời thấm thía  trong kinh cầu các thánh tử đạo Việt Nam :

– “Là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô”,

– “Là thành phần trung kiên của Hội Thánh”,

– “Xưa Chúa đã ban cho các Ngài được vững tin vào Lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các Ngài đã cam lòng  chịu gian lao đau khổ, quyết  một lòng theo Đức Kitô trên con đường thập giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng”,

– “Các Ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin”…

  1. Kiên trì trong nhiệm vụ : Nhiệm vụ của đồng là mỗi giây phải kêu lên một tiếng tic-tac. Một chiếc đồng hồ trẻ vừa sinh ra từ một hãng chế tạo được đưa về đặt trong phòng khách một gia đình. Cậu bé làm bài toán về những tiếng tic-tac mình phải phát ra : mỗi phút 60 giây, một giờ 60 phút, một ngày 24 giờ, một tháng 30 ngày, một năm 12 tháng. Cậu rùng mình sợ hãi vì không biết mình phải làm nhiệm vụ bao nhiêu năm. Thấy thế, cụ đồng hồ già đứng ở xó nhà lên tiếng an ủi : “Cháu ơi đừng quá lo sợ như thế. Bác đã làm công việc này suốt 3 thế hệ rồi. Kinh nghiệm của bác là chỉ cần để ý mỗi giây phát ra một tiếng thôi”. (Bruno Hagspiel)
  2. “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19)

Một chàng thanh niên nọ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ. Nhờ tình thương của ông bà cụ, anh thoát chết. Được sự nuôi nấng của gia đình, theo thời gian, anh lớn lên, rồi trở thành một ngư phủ. Hằng ngày anh ra khơi đánh cá về giúp cha mẹ nuôi. Cuộc sống tưởng êm đẹp. nào ngờ một hôm tai họa ập đến, anh bị thương trần trọng do tai nạn thuyền gây ra. Mặc dù đã bán hết tài sản để chữa chạy nhưng anh vẫn không khỏi bệnh. Bố mẹ anh “gạt nước mắt” làm một cái chòi ở đầu đường rồi đặt anh vào đó để anh được sống nhờ lóng thương xót của khách qua đường. Do không được săn sóc, người anh mọc đầy ghẻ lở. Bệnh tật ngày một tăng, cơ thể hao mòn, cuộc đời như đã mất…

Nhưng rồi Thiên Chúa lại mỉm cười với anh. Với những lời động viên, an ủi, khuyến khích của bố mẹ nuôi mới, anh đã ố gắng kiên nhẫn tập luyện : mỗi ngày 1 giờ, rồi 2 giờ, 3 giờ và cứ thế… Bây giờ trong anh bừng lên một niềm vui sung sướng, hạnh phúc : Tôi sẽ bình phục.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa luôn ở với con, gìn giữ con và nâng đỡ con. (Hosanna)

 

Thứ Năm :

Lc 21,20-28

 

A. Hạt giống…

Tiếp tục diễn từ chung luận :

– các câu 20-24 : Chúa Giêsu lại nói về ngày thành Giêrusalem bị tàn phá.

– các câu 25-28 : và lại chuyển sang ngày tận thế và Quang lâm. Tất cả những thế lục mà xưa nay người ta dựa vào vì coi là vững chắc (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển…) đều bị lay chuyển để nhường cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, “muôn dân” (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay, nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc La mã đem quân bình địa Giêrusalem… Đền thờ Giêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo như lời tiên báo của Chúa Giêsu đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”… Tuy nhiên, nếu người do thái thương khóc cho một quê hương đổ nát, thì các kitô hữu lại hân hoan ra đi loan Tin Mừng cho các dân tộc khác ; sự sụp đổ của thành Giêrusalem đã giúp cho họ nhận ra tính công giáo của Kitô giáo. Nước Thiên Chúa đến bằng chính những gì mà con người cho là đổ nát, mất mát. Đó là cái nhìn Chúa Giêsu muốn mời gọi các tín hữu tiên khởi phải có” (trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Ai dựa vào những thế lực vật chất và thế gian thì khi sắp chết sẽ hoảng sợ vì những thế lực đó bị sụp đổ ; còn kẻ nào dựa vào Chúa thì khi chết sẽ vui mừng, vì họ biết mình sắp được về với Ngài.
  3. Lời tâm sự của một người mẹ : Từ nhỏ tôi đã sợ chết, nhưng khi đứa con yêu dấu của tôi chết thì tôi không còn sợ nữa. Đó là nhờ câu chuyện ngụ ngôn vị Linh mục chủ sự lễ an táng đã giảng. Chuyện như thế này : người mục tử dẫn đàn chiên đến một dòng suối để sang cánh đồng cỏ bên kia. Suối không sâu nhưng nước chảy mạnh nên chẳng con chiên nào dám bước xuống. Người mục tử không la hét, không dùng roi để lùa đàn chiên qua suối. Ông chỉ nhẹ nhàng bồng một con chiên con rồi bước xuống, đi qua phía bên kia. Con chiên mẹ thấy con mình đã đi qua suối được nên an lòng bước theo. Sau đó cả đàn chiên bước qua suối nước, sang bờ bên kia, nơi có sẵn một đồng cỏ xanh rì.” (Sunday School Time).
  4. Khi John Quincy Adams 80 tuổi, một người bạn hỏi ông :

– John Quincy Adams thế nào rồi ?

– John Quincy Adams vẫn khỏe. Nhưng mà ngôi nhà mà linh hồn John Quincy Adams cư ngụ đã bệ rạc lắm rồi, nó sắp sập đến nơi. Đã đến lúc phải rời khỏi ngôi nhà đó. (The Gospel Herald)

  1. Đoạn Tin Mừng thoảng mùi khói lửa, với tiếng vó ngựa, tiếng gươm đao, tiếng binh lính hò la chém giết … Còn dân Chúa thì trốn chui trốn nhủi.

– Qua đó ta nhìn ra đường lối Chúa thật lạ lùng : Chúa thấy trước những tai hoạ sắp đổ xuống dân mình với cả những người đáng thương đang mang thai hoặc cho con bú, nhưng Chúa không đẩy tai hoạ đi giùm. Chúa không giải phóng dân Người ngay lúc đó. Chúa dành ra “một thời của dân ngoại”, mặc sức họ tung hoành.

– Trong nếp sống đạo đức của ta hình như cũng có thể có những lúc tương tự : Không biết có phải vì tội ta hay vì lý do nào khác nữa mà muôn thứ  thử thách đổ dồn trên đầu ta làm ta tối tăm mắt mủi ; mọi sự trên trời dưới đất, mọi biến cố hầu như đều chống lại ta.

– Từ đáy vực thẳm đen tối đó, có lẽ thái độ tốt nhất là ta nhìn ra được lời Chúa mời gọi ta sám hối trở về với Ngài. Và sau đó với lòng phó thác và biết ơn, chúng ta “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì chúng ta  sắp được cứu chuộc”.

 

Thứ Sáu :

Lc 21,29-33

 

A. Hạt giống…

Khi thấy Cây vả đâm chồi thì người ta biết mùa hè sắp đến ; cũng thế, khi thấy “những điều đó” (các thế lực gian tà lung lay) thì hãy biết triều đại Thiên Chúa sắp đến.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Một nhà thám hiểm Tây phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã khô cạn. Ông lê từng bước mệt mỏi trên cát nóng… Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người phương Tây, ông tự nghĩ : “Đây chỉ là một ảo ảnh… trong thực tế trước mắt ta làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông lại tuyệt vọng lê bước… Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên “Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này ?”. Nhưng người bạn lắc đầu giải thích “Ông ta là một người phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng.

Thảm trạng của con người thời đại : con người có nhiều kiến thức hơn, nhưng lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đây ánh sáng và mầu nhiệm… con người không còn biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại.” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

  1. Sự dẻo dai gan lì và lạc quan trong đời sống thiêng liêng : Giữa muôn vàn thử thách đau thương, người tín hữu không hẳn sẽ bị chết dí, nhưng có sức vươn dậy. Từ vài tín hiệu thật nhỏ nhoi, họ có khả năng nhìn ra   những dấu chỉ tình thương cứu độ của Chúa đang đến gần.
  2. Sự nhậy bén  trong đời sống thiêng liêng : Có khả năng nhìn ra những tín hiệu loan báo tin vui. Nhìn ra ngay những chồi non và những con chim én loan báo mùa xuân : bắt được tín hiệu qua một nụ cười muốn làm hoà của người anh chị em vừa mới va chạm với ta. Nhìn ra thiện chí và sự đổi mới nơi những người ta thường  ác cảm.
  3. “Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra thì hãy biết là triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21,30-31)

Phim truyện Tây Du Ký đã cho chúng ta thấy hình ảnh một bầy khỉ sống hạnh phúc trong động Hoa Quả. Trong lúc ăn uống no say thì có một con khỉ già ngã lăn ra chết. Cái chết của nó khiến cho bầy khỉ buồn bã và lo sợ không biết bao giờ mới đến phiên mình.

Vâng cuộc sống đầy đủ là dấu hiệu của hạnh phúc, nhưng cũng có thể là con đường dẫn đến đau thương, là mầm mống dẫn đến sa đoạ.

Tề Thiên, con khỉ đầu đàn đã phải lên đường tìm thuốc trường sanh. Con người cũng đang tìm cho mình sự sống vĩnh cửu. Theo quy luật của sự sống thì tôi phải chết. Khi tôi sinh ra là dấu hiệu tôi sẽ phải chết. Theo dòng thời gian, tôi lớn lên không thể tránh khỏi những bệnh tật. Đó là những dấu hiệu cảnh giác tôi. Về già, tôi cảm thấy yếu dần. Yếu dần là dấu hiệu tôi phải chết.

Nhưng với người kitô hữu, chết không phải là hết mà là cửa ngõ của sự sống, sự sống vĩnh cửu mà những dấu hiệu kia báo trước. Vậy tôi phải sẵn sàng, phải tỉnh thức để khỏi đánh mất sự sống đời đời.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra những dấu hiệu của sự sống vĩnh cửu trong đời con, để đừng sống như đã chết. (Hosanna)

 

Thứ Bảy :

Lc 21,34-36

 

A. Hạt giống…

Đoạn Tin mừng này là một phần của diễn từ chung luận trong đó Chúa Giêsu nói tới những việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng. Chúa không dừng lâu ở việc mô tả các dấu chỉ, nhưng chú ý đến thái độ mà môn đệ Đức Giêsu phải có.

– Thái độ thứ nhất là chú ý tới việc quan trọng là đón Chúa đến : không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện thế gian… và bất cứ lúc nào cũng nghĩ đến việc Chúa đến, dù cho có thình lình, đột ngột, họ cũng không ngỡ ngàng.

– Thái độ thứ hai là kiên trì trong việc cầu nguyện liên lĩ : cầu nguyện để xin Ngài mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Trong ngày cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội muốn chúng ta nghĩ đến lúc cuối cùng của lịch sử và của đời mình. Chúa dạy : để có thể bính an khi ngày cuối cùng ấy đến, chúng ta phải luôn nghĩ tới ngày đó và phải cầu nguyện luôn.
  2. “Hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời” : những thú vui vật chất và những lo lắng sự đời làm cho lòng con người ra nặng nề và quên đi điểm cuối của cuộc hành trình đời mình.
  3. Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.
  4. Cái chết thường đến một cách bất ngờ. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã nói rõ điều ấy “Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Đành rằng có nhiều người bệnh một thời gian khá lâu rồi mới chết, nhưng chẳng ai ngờ mình sẽ chết vào ngày này, giờ này.

Tuy bất ngờ nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ, vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp chuẩn bị. Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu ; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu ; một chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện… tất cả đều là những tín hiệu. Và quan trọng hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gởi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.

  1. Một vị đan tu tên là Mésique. Bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không máy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đống hồ ấy. Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phóng xây kín, và ông đã ở đó suốt 12 năm trời. Hàng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng trước khi ra đi :

– Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội.

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho một người một ấn tượng sâu đậm. (Góp nhặt)