Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm –- Tuần 5
Thứ Hai
Mc 6,53-56
A. Hạt giống…
Trong 4 câu rất gọn, thánh Marcô mô tả sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng :
– “Họ rão qua khắp vùng ấy, và nghe tin Ngài ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó”
– “Ngài đi tới đâu… người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường, ngoài chợ, và xin Ngài cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Ngài. Và bất cứ ai chạm đến đều được khỏi.”
B…. nẩy mầm.
- Có thể tìm được 2 lý do giải thích sự thu hút này :
– dân chúng có những nhu cầu
– Chúa Giêsu có khả năng đáp ứng những nhu cầu đó.
Diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh có tất cả những thứ mà bất cứ người trẻ nào cũng mơ ước. Nhưng anh cũng có những nhu cầu và những đau khổ thâm sâu mà không ai giúp anh được. Anh chết vì không tìm được Đấng giúp anh.
- “Bất cứ ai chạm đến Ngài thì đều được khỏi” : Nếu tôi thực sự “chạm” đến Chúa, chắc chắn tôi cũng được khỏi những bệnh tật linh hồn tôi.
- Lúc bệnh tật và đau khổ là lúc người ta dễ hướng về Chúa nhất.
- Người hấp hối than thở với cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Kitô đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế (Góp nhặt)
- “Nghe tin Người ở đâu, họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó… và bất cứ ai chạm đến Người thì đều được khỏi” (Mc 6,55-56)
Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động, đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động bởi lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo Người, mong được chữa khỏi.
Sự kiện đó khiến tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện về họa sĩ Holman Hunt. Ông đã vẽ một bức tranh trong đó Chúa Giêsu đang đứng gõ cửa một ngôi nhà. Nhưng điểm khác thường ở đây là cánh của đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể mở từ bên trong.
Đám đông dân chúng nay đã tự mở cánh cửa lòng mình cho Đấng chữa lành ; và vì thế họ đã được khỏi bệnh.
Lạy Chúa, lòng con đầy dẫy những ích kỷ, tự kiêu, đam mê… hay có khi lại mặc cảm, chống đối và than van. Xin cho con biết mở lòng để có thể chạm đến Chúa. (Epphata)
- Mầm khác :
Thứ Ba
Mc 7,1-13
A. Hạt giống…
Chúa Giêsu và nhóm biệt phái cùng kinh sư tranh luận với nhau về vấn đề sạch dơ.
– Họ bám sát mặt chữ những quy định của luật lệ về sự phân biệt cái gì sạch cái gì dơ và về những đòi buộc phải rửa tay chân chén dĩa…
– Chúa Giêsu nói đó chỉ mới là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn.
– Ngài nhận xét đạo đức của họ chỉ là đạo đức giả : “Dân này kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.
– Ngài còn kết án họ lấy tập tục của loài người để thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa. Ngài lấy tục lệ Corban ra làm thí dụ điển hình : Corban là của dâng cúng cho Thiên Chúa. Mặc dù Xh 20,12 buộc con cái phải phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng để khuyến khích người ta đóng góp cho Đền thờ, biệt phái và kinh sư đã dạy rằng nếu ai khấn hứa đem những gì phải giúp cha mẹ để dâng cho Đền thờ thì không còn phải giúp cha mẹ nữa. Quả thật đây là một cách bóp méo luật Chúa.
B…. nẩy mầm.
- Những sai lầm của biệt phái và kinh sư cũng là những sai lầm chúng ta dễ mắc phải :
– dễ tưởng mình là đã là người “công chính” rồi
– từ đó, dễ phê phán những người khác không được “công chính” như mình.
Thực ra, sống công chính là một mục tiêu phải phấn đấu suốt đời mà cũng chưa chắc đạt tới. Lời Chúa Giêsu khiển trách họ cũng là một lời khuyên chúng ta lo tu luyện bản thân hơn là để ý so sánh và phê phán người khác.
- Giữ hình thức bề ngoài dễ hơn sống tinh thần bên trong. Rất tiếc nhiều người mới lo được vẻ bề ngoài thì đã vội tự mãn.
- Corban là một cái cớ mà biệt phái dựa vào để tự chuẩn miễn những bổn phận quan trọng. Chúng ta cũng thường có những thứ Corban của chúng ta. Nhiều khi chúng ta lấy cớ bận lo việc Chúa để trốn tránh bổn phận lo cho con người.
- “Dân này kính Ta bằng môi miệng” : Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng : “Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng.”
Bà cầu nguyện suốt ba ngày vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ sau bàn thờ : “Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai.”
Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện (Góp nhặt).
- “Dân này kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6)
Một trong những đặc trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ thuật làm đồ giả. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, tay giả, da giả… thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả như tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả… Những thứ áy đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm, quả, nhang, nến, hoa, đèn giả… Mức độ “giả” còn tinh vi đến nỗi lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái thật, khó mà phân biệt được thực hư, tốt xấu : trông thật hóa “dỏm”, trông “xịn” hóa “xoàng”. Vì thế mới có kẻ dở khóc dở cười.
Nhưng tệ nhất vẫn là thứ “giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách (x. Mt 23,13-29). Và thánh Gioan đã lật tẩy : “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2,4) ; “Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20)
Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa trong Thần khí và Sự thật (x. Ga 4,23). (Epphata)
- Mầm khác :
Thứ Tư
Mc 7,14-23
A. Hạt giống…
Sau khi tranh luận với những người pharisêu về vấn đề sạch và dơ (đoạn hôm qua – Mc 7,1-13), Chúa Giêsu dạy thêm cho đám đông dân chúng, và sau đó còn giải thích kỹ cho các môn đệ mình :
– Cái có thể làm cho người ta ra ô uế không phải là cái từ bên ngoài mà vào cho bằng những cái từ trong lòng mà ra.
– Như vậy, tự bản chất, mọi thứ đều sạch.
– Những thứ từ bên trong ra và làm cho người ta ô uế là những tư tưởng xấu như “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”.
B…. nẩy mầm.
- “Ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa một bồ dao găm”, ca dao đã mỉa mai những ông “sư hổ mang” như thế. Thực ra không chỉ những ông sư ấy, không chỉ những người biệt phái, mà tất cả mọi người đều phần nào như thế. Cái mình tỏ ra bề ngoài luôn cách biệt với cái “là” thực sự trong lòng mình. Vả lại, cố gắng tỏ ra tốt cũng là một điều cần cố gắng, vì không lẽ mình cứ phô bày tất cả những cái xấu của mình để rồi sinh ra gương mù gương xấu cho người khác sao !
Dù sao, chúng ta cũng không nên giả hình như những người pharisêu :
– Quen tỏ ra tốt riết rồi tưởng mình tốt thật và không còn cố gắng tu sửa bản thân.
– Phê phán, chỉ trích, lên án những người khác.
- Nếu cái “là” bên trong của mình được giống như cái “tỏ ra” bên ngoài thì thật là lý tưởng. Đó chính là tình trạng “trong suốt” (transparent) rất đáng mơ ước. Để có thể “trong suốt”, ta phải thường xuyên đối chiếu hai cái “là” và “tỏ ra” ấy, để nhận thức sự cách biệt, rồi cố gắng xóa dần khoảng cách ấy.
- Chúng ta hãy tự kiểm điểm theo bảng danh sách các thứ tội mà chính Chúa Giêsu đã liệt kê : “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”.
- “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được, nhưng cái từ trong con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7.15)
Có hai vị thiền sư đi trên một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt khiến một thiếu nữ xinh đẹp không thể băng qua ngã tư lầy lội được. Lập tức một vị đến bồng lấy cô và đưa qua đường. Vị sư khác lấy làm khó chịu, thốt lên : “Là người tu hành, sao anh lại bồng đàn bà trên tay ?”. Vị sư kia bình thản trả lời : “Tôi đã bỏ cô ta tại chỗ rồi. Còn anh, sao anh cứ mang mãi cô ta tới đây ?”.
Lạy Chúa, xin ban cho con một lương tâm trong sáng, để con có thể nhìn mọi sự trong vẻ đẹp thanh cao của chúng. (Epphata)
- Mầm khác :
Thứ Năm
Mc 7,24-30
A. Hạt giống…
Chúa Giêsu chữa con gái một phụ nữ Phênixi :
– Bà là một người ngoại, nên lẽ ra theo kế hoạch hành động của Chúa Giêsu, bà không được hưởng những ơn phúc của Chúa Giêsu, bởi vì theo kế hoạch ấy, Ngài đến ban ơn cho người do thái trước. Vì thế, ban đầu Ngài đã từ chối bà bằng những lời rất nặng “Phải để cho con cái ăn no trước đã. Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”.
– Nhưng lòng tin kiên trì của bà đã biến bà thành “con cái trong nhà” nên Chúa Giêsu đã ban ơn theo lòng bà xin.
B…. nẩy mầm.
- “Ngài vào nhà nọ, không muốn cho ai biết” : Chúa Giêsu không thích phô trương, cũng không thích người ta theo Ngài vì những phép lạ. Ngài muốn âm thầm kín đáo gieo đức tin vào lòng người ta, và khi người ta đã tin thì người ta sẽ theo Ngài cách trung thành.
Nhưng hình như môn đệ Chúa ngày nay không theo cùng một đường lối đó : thích phô trương những sự “vĩ đại” của Giáo Hội, của nhà thờ, của tổ chức Giáo Hội, mà quên đi điều cốt yếu hơn là gieo niềm tin vào lòng người.
- Đức tin của người phụ nữ Phênixi này là nguyên do khiến bà được ơn Chúa. Ta hãy nhìn lại đức tin của bà :
– một đức tin khiêm tốn : chịu nhận làm “chó con”
– một đức tin kiên trì : dù bị từ khước ban đầu nhưng vẫn không nản lòng.
– một đức tin phó thác : Chúa Giêsu bảo bà “cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi”. Dù chưa thấy hiệu quả nhưng vì tin Lời Chúa, bà ra về.
- Chính nhờ Chúa Giêsu đã thử thách đức tin của bà này bằng những lời rất nặng, nên Ngài mới biết được đức tin của bà rất mạnh.
Cũng vậy, đức tin của ta có được thử thách thì mới chứng tỏ là một đức tin thật.
Xin cho con kiên trì chịu đựng những thử thách về đức tin.
- Một người da trắng và một người thổ dân cùng nghe giảng. Người thổ dân cảm động và xin nhập đạo ngay. Còn người da trắng cũng cảm động nhưng cả năm sau mới nhập đạo. Trong một buổi phụng vụ, người da trắng hỏi :
– Tôi phải mất một thời gian mới có lòng tin, sao anh có lòng tin sớm thế ? Người thổ dân đáp :
– Này bạn, để tôi nói cho bạn nghe. Có vị hoàng tử hứa cho chúng ta chiếc áo mới. Bạn nhìn vào áo mình, tự nhủ : áo mình còn đẹp, để mai sau hãy lấy. Còn tôi, tôi nhìn vào tấm chăn cũ kĩ của mình, thấy nó chẳng ra gì, nên vội vàng đến nhận áo mới. Bạn ạ, bạn đã có chút khôn ngoan, nên bạn còn muốn dùng chúng. Còn tôi, tôi không có, nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. (Góp nhặt)
- – Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.
– Thưa Ngài đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.
– Vì bà đã nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi (Mc 7,27-29)
Trong cuộc đối thoại thú vị ấy, người phụ nữ ngoại đạo đã dành phần thắng : con gái chị được khỏi bệnh ; và Chúa Giêsu cũng được lợi : giúp một người thoát khỏi cảnh khốn cùng.
Đúng là một cuộc đối thoại thành công mà bí quyết thuộc về cả hai phía : chị phụ nữ khiêm tốn với ý chí và đức tin mạnh mẽ ; Chúa Giêsu thì hiền hòa, linh hoạt trong cách làm việc.
Tôi chợt nghĩ đến những cuộc đối thoại hôm nay giữa các vị nguyên thủ quốc gia, giữa tôi với Chúa, giữa tôi với anh em…
Lạy Chúa, xin cho loài người chúng con biết đối thoại để thế giới này hạnh phúc hơn. (Epphata)
- Mầm khác :
Thứ Sáu
Mc 7,31-37
A. Hạt giống…
Phép lạ này có nhiều ý nghĩa biểu tượng :
– Diễn ra “giữa miền Thập Tỉnh”, nghĩa là miền đất lương dân.
– Nạn nhân là một người câm và điếc, tức là một người mất khả năng tương giao với kẻ khác : người ta nói thì anh không nghe, anh muốn nói cho người ta nghe cũng không được.
– Lúc chữa bệnh, Chúa Giêsu nói Epphata (Hãy mở ra), tiếng nầy ngày nay được phụng vụ dùng lại trong bí tích Rửa tội. Khi đọc câu đó, Linh mục cũng đưa tay sờ vào miệng và tai người thụ tẩy.
B…. nẩy mầm.
- Hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu nhằm giúp con người được sống sung mãn cương vị làm người của mình, trong đó khả năng tương giao rất quan trọng.
Có những người vì một lý do nào đó nên không “nói” lên được nỗi lòng của mình, và cũng không “nghe” được nỗi lòng của người khác. Có lẽ vì không có người tế nhị biết lắng nghe họ và không khéo léo khuyến khích họ nói.
- “Có mắt miệng không nhìn không nói ; có mũi tai không ngửi không nghe” (Tv 115,5-6). Lời Thánh Vịnh này ám chỉ dân ngoại và những tượng thần của họ, không thấy những kỳ công của Thiên Chúa và không biết ngợi khen Ngài. Nhưng cũng đúng cho tôi nữa, vì nhiều khi tôi cũng như câm điếc đối với Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy phán với miệng và tai con : Epphata.
- Căn bệnh của anh này làm tôi nghĩ đến căn bệnh của rất nhiều người, nhất là những người sống trong xã hội ích kỷ ngày nay, đó là căn bệnh “đóng cửa”, đóng mắt, đóng tai, đóng tay, đóng lòng. Căn bệnh khiến người ta sống bên cạnh nhau mà không hề để ý tới nhau và quan tâm cho nhau.
- “Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói : “Epphata”, nghĩa là hãy mở ra. Lập tức, tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại” (Mc 7,34)
Khi sắm một bộ đồ mới, tôi không biết rằng có nhiều người đang mong bộ đồ cũ của tôi. Khi ngồi uống nước ngoài quán, tôi chẳng ngờ rằng có những người đang chờ tôi đứng lên để họ vét những giọt cuối cùng. Khi đổ thức ăn thừa vào thùng rác, tôi không biết là ngay lúc đó có biết bao con người đang chết dần vì đói.
Lạy Cha, xin hãy mở mắt con để con nhìn thấy những người khốn cùng trong xã hội. Xin hãy mở tay con để con đón nhận họ và nắm lấy tay mọi người (Epphata)
- Mầm khác :
Thứ Bảy
Mc 8,1-10
A. Hạt giống…
Trong các quyển Tin Mừng Mt và Mc, có tới hai phép lạ hóa bánh ra nhiều, một xảy ra ở vùng đất do thái, một ở vùng đất lương dân. Phép lạ “lần thứ hai” này xảy ra ở vùng đất lương dân. Có vài chi tiết đáng lưu ý :
– Không nhắc tới những con cá, chỉ nói tới bánh thôi.
– số lượng bánh ban đầu là 7 cái
– Số người ăn là 4 ngàn.
– Số bánh dư là 7 giỏ.
Những con số 7 và 4 là những con số tượng trưng cho lương dân : các thành phố hy lạp có một hội đồng quản trị gồm 7 thành viên, người ngoại thường nói “4 phương trời”, “tứ hải giai huynh đệ”…
Như thế, ý nghĩa chính của phép lạ này là : Chúa Giêsu không chỉ ban lương thực cho người do thái mà còn cho lương dân.
B…. nẩy mầm.
- Thấy dân chúng đói khát, Chúa Giêsu động lòng thương, Ngài không muốn họ nhịn đói mà về, sợ họ bị xỉu dọc đường. Tấm lòng Chúa Giêsu là thế và mãi mãi là thế, ngày xưa là thế mà ngày nay vẫn là thế.
Lạy Chúa, con đang đói khát, con sắp xỉu dọc đường, xin nhìn đến con.
- Phép lạ này là hình bóng của bí tích Thánh thể. Và như thế, qua phép lạ “lần thứ hai” này, Chúa Giêsu có ý muốn cho lương dân cũng được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh thể của Ngài. Nhưng thực tế là ngày nay, còn biết bao nhiêu người lương chưa được hưởng thứ lương thực tuyệt vời ấy !
Ý thức xã hội đã tăng nên ngày nay các kitô hữu đã biết lưu ý đến những người nghèo đói vật chất. Nhưng chúng ta có biết xót xa khi thấy những người đói khát tinh thần, những người chưa được ăn bánh của Chúa không ?
- Chúa Giêsu làm phép bánh xong, Ngài không đích thân phân phát mà trao cho các môn đệ để các ông phân phát. Nghĩa là tuy Chúa có thể ban bánh cho lương dân, nhưng Ngài muốn chúng ta góp phần mình vào đó. Mỗi khi chúng ta xin Chúa điều gì thì đừng chờ Chúa làm tất cả mà hãy cùng làm với Chúa theo điều ta đã xin.
- “Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông” (Mc 8,6)
Một lần nọ, khi dừng xe lại ở ngã tư vì đèn đỏ, tôi bất chợt thấy hai đứa trẻ nghèo ngồi bên vệ đường, bẻ đôi chiếc bánh cho nhau và cùng ăn cách ngon lành. Bỗng dưng tôi cảm thấy xúc động. Nhìn lại bản thân, tôi mới nhận ra rằng lâu này mình vẫn sống trong “tháp ngà” và bàng quan với mọi chuyện của “thiên hạ”. Chỉ tích lũy và thu vén cho bản thân hơn là cảm thông và chia xẻ với mọi người.
Tôi thực sự là kẻ nghèo và vẫn nghèo bao lâu chỉ biết thu vén và tích lũy mà không hề biết cho đi, dù chỉ là một ánh mắt trìu mến, một nụ cười cảm thông hay “bẻ đôi tấm bánh”.
Lạy Chúa, xin cho con thâm tín rằng mình chỉ thực sự hạnh phúc khi học biết “bẻ đôi tấm bánh” hay chia xẻ với mọi người anh em. (Epphata)
- Mầm khác :