Hạt Giống Nẩy Mầm Từ 01-12.1

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Từ 01-12.1

Ngày 1.1 Lễ Đức Maria Mẹ TC.

Ngày 2-1

Ngày 3-1.

Ngày 4-1.

Ngày 5-1.

Ngày 6-1.

Lễ Hiển Linh.

Ngày 7-1

Ngày 7-1

Ngày 8-1.

(hay Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh)

Ngày 9-1.

Ngày 10-1.

(hay Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh)

Ngày 11-1.

(hay Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh)

Ngày 12-1.

(hay Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh)

Ngày 1.1 Lễ Đức Maria Mẹ TC

Lc 2,16-21

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng này trình bày 2 thái độ khác hẳn nhau : a/ Thái độ của những người chăn chiên là tíu tít kể chuyện ; b/ Thái độ của Đức Maria là ghi nhớ mọi sự và suy niệm trong lòng.

B…. nẩy mầm.

  1. “Đức Maria đã thinh lặng không chỉ lúc này, nhưng trong suốt cuộc đời Người. Được làm Mẹ Thiên Chúa nhưng chung quanh Người chẳng có mấy ai biết đến tước hiệu này… Tại Cana, Người đã nhẹ nhàng báo cho Chúa Giêsu biết bữa tiệc không còn rượu nữa. Trong cuộc đời công khai của Chúa, Người đã âm thầm theo bước chân Con. Và bên Thánh giá, trong nỗi đau đớn tột cùng, Người đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Con. Có thể nói Người đã sống tâm tình của một nữ tì khiêm tốn. Người chỉ muốn phục vụ trong âm thầm, còn vinh quang danh dự thì Người xin dành cho người khác. Trong một thế giới có quá nhiều tiếng động : tiếng động của bom đạn, của tranh chấp, của bạo lực, chúng ta hãy bắt chước thái độ thinh lặng và lắng nghe của Đức Maria, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được bình an trong tâm hồn và tạo được hòa khí trong tương quan với tha nhân” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Thánh Luca khám phá đặc điểm của Mẹ Thiên Chúa là “ghi nhớ những kỷ niệm đó và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Tuy là mẹ của Chúa Giêsu nhưng ban đầu Đức Mẹ không hiểu hết về con mình. Tuy không hiểu nhưng nhờ “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại” nên sau cùng Mẹ đã rất hiểu Ngài. Huống chi chúng ta : chúng ta là môn đệ Chúa, là con Chúa, chúng ta càng cần phải ghi nhớ và suy đi nghĩ lại những kỷ niệm về Chúa thì mới hiểu được Ngài.
  3. Một bài hát kia có một tựa đề rất gợi ý, là “The sound of silent”, tiếng của thinh lặng. Phải, thinh lặng nói với ta rất nhiều điều. Ta thử thinh lặng để “suy đi nghĩ lại” về những sự việc chung quanh việc Chúa Giáng sinh, để coi xem ta nghe được gì.
  4. Một người da đỏ cùng đi với một người da trắng trên đường. Người da đỏ bỗng vỗ vai người da trắng, hỏi

– Anh có nghe gì không ?

Người da trắng hết sức lóng tai nghe, rồi đáp

– Tôi chẳng nghe gì cả.

– Có mà, tôi nghe tiếng một con dế gáy.

– Làm gì mà có con dế nào giữa đường phố nhộn nhịp như thế này ? Mà cho dù có đi nữa thì làm sao anh nghe được tiếng nó giữa bao tiếng ồn ào của xe cộ và người qua kẻ lại ?

Người da đỏ không thèm trả lời. Anh đi đến một bức tường bên vệ đường. Bức tường đã cũ. Nhiều dây leo chằng chịt trên đó. Anh vạch đám dây leo sang một bên. Một lỗ trống hiện ra, trong đó rõ ràng có một con dế đang gáy.

Người da trắng thán phục :

– Dân da đỏ các anh có lỗ tai thính hơn dân da trắng chúng tôi nhiều.

– Không phải thế đâu. Để tôi thử cái này cho anh xem.

Người da đỏ lấy trong túi ra một đồng tiền kẽm, thảy xuống mặt đường. Tiếng đồng tiền lăn len ken khiến mọi người đi đường ngoái đầu nhìn lại. Liền đó người da đỏ giải thích :

– Tiếng của đồng tiền kẽm nhỏ hơn tiếng dế kêu rất nhiều. Thế mà mọi người da trắng đều nghe được. Còn tiếng con dế lớn hơn nhưng chỉ có tôi nghe được. Không phải ai thính tai hơn ai cả. Sự thực chính là chúng ta chỉ nghe được tiếng của những thứ chúng ta thường quan tâm để ý (Willi Hoffsemmer).

  1. “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16)

Một buổi sáng Chúa nhật, ngày đẹp nhất trong tuần, tôi đến nhà thờ dự lễ và ngao ngán với một bài giảng quá dài, lại chẳng có gì hấp dẫn… Chúa nhật sau, anh hẹn đưa tôi đi chơi. Tôi náo nức chờ đợi, đợi cờ từng phút giây, mong tới giờ hẹn. Và chúng tôi đã lên đường… bỏ lại đàng sau không buồn luyến tiếc : ngôi thánh đường và cả Chúa Giêsu nữa !

Tôi là thế đó, chỉ muốn làm những gì mình thích và thích làm những điều thật vĩ đại. Còn Mẹ Maria thì chọn những gì Chúa muốn và để cho Ngài làm nên những điều cao cả. Nếu như Thiên Chúa cần một người mẹ cho Ngôi Lời nhập thể thì Mẹ đã cất tiếng xin vâng để trần gian được cứu độ. Và trong nữ giới, Mẹ thành người diễm phúc nhất.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Xin cho con hằng noi gương Mẹ mà gắn bó cùng Chúa trọn đời. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 2-1

Ga 1,19-28

A. Hạt giống…

Gioan tẩy giả có một lối sống đặc biệt (x. Mt 3,4), một lời rao giảng đặc biệt (x. Mt 3,2) và một cách thanh tẩy đặc biệt (x. Mt 3,6-12 : thời đó cũng có nhiều nhóm làm thanh tẩy, nhưng thanh tẩy của Gioan có những điểm khác là : a/ không chỉ thanh tẩy cho 1 số người muốn gia nhập nhóm mình nhưng cho mọi người ; b/ không cần làm đi làm lại nhiều lần như những nhóm kia. Như thế thanh tẩy của Gioan có nghĩa là bày tỏ lòng sám hối để dọn lòng lãnh nhận thanh tẩy của Đấng Messia trong Thánh Linh và lửa). Do đó nhiều người thắc mắc không hiểu ông là ai. Họ đến hỏi ông. Nhân dịp này Gioan làm chứng về bản thân mình. Ta có thể tóm tắt lời chứng này trong công thức 3 không 2 phải

– Ông không phải là Messia : Nhiều người tưởng Gioan là Messia. Ông đoán được ý nghĩ đó nên phủ nhận trước.

– không phải là Êlia : Theo Ml 3,1.23-24 thì Êlia là kẻ dọn đường cho Messia. Nếu Gioan không phải là Messia thì ít ra ông cũng là Êlia chứ, vì cách ăn mặc của Gioan rất giống với Êlia (x. 2V 1,8 ss Mt 3,4). Gioan khẳng định ông cũng không phải là Êlia.           

– cũng không phải là Vị Ngôn Sứ : Theo Đnl 18,18, Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện Vị Ngôn Sứ giống như Môsê. Đó không phải là bất kỳ ngôn sứ nào mà là Vị Ngôn Sứ tiêu biểu (Le Prophète). Dựa vào câu Đnl trên. dân do thái vào thế kỳ I trước công nguyên rất khao khát mong chờ Vị Ngôn Sứ ấy đến sau một thời gian dài đã im tiếng ngôn sứ. Gioan cũng bảo rằng ông không phải là Vị ngôn sứ.

* mà là tiếng hô của Lời và là kẻ dọn đường cho Đấng Messia : Gioan trích Is 40,3 để nói rằng ông chỉ là “Tiếng người hô trong sa mạc”, nghĩa là người dọn đường cho Đấng Messia thôi.

Những người biệt phái mới thắc mắc : Nếu Gioan không phải là Messia, Êlia hay Vị Ngôn Sứ thì tại sao ông làm phép rửa ? Sở dĩ họ hỏi vậy là vì phép rửa của Gioan có những điểm đặc biệt hơn của những nhóm thanh tẩy thời đó (đã giải thích ở c 19 trên). Gioan đáp ông chỉ thanh tẩy bằng nước. Theo một tài liệu tìm thấy ở Qumrân, gọi là “ Manuel de discipline” thì khi Đấng Messia đến, Ngài sẽ thanh tẩy bằng Thánh Linh. Gioan cũng ám chỉ điều đó ở phía sau (c 33) “Hễ thấy Thánh Linh ngự xuống và đậu lại trên ai thì đó là người thanh tẩy bằng Thánh Linh”. Vì thế, câu trả lời của Gioan chắc ai cũng hiểu : ông chỉ làm một lễ nghi thanh tẩy có tính chuẩn bị và tạm thời thôi chứ không phải là sự thanh tẩy cánh chung và messia. Nói cách khác, ông không phải là Messia.

B…. nẩy mầm.

  1. Vào một đêm trăng, Thích Ca ngồi giữa các đệ tử. Ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói : “Kia là mặt trăng. Cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay của Ta là mặt trăng”. Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gioan Tẩy giả và những biệt phái… Họ đặt ra 3 hình ảnh về Gioan : Ông có phải là Đức Kitô không ? Ông có phải là Êlia không ? Ông có phải là tiên tri không ? Gioan cho mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc “Hãy dọn đường Chúa”. Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người kitô hữu cũng phải làm chứng cho Chúa về nhiều phương diện : không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho người khác mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Gioan Tẩy giả có một lối sống thu hút nên nhiều người đến với ngài. Nhưng ngài không giữ họ lại cho mình mà dẫn họ tới Chúa. Vậy mà nhiều người làm ngược hẳn lại : đã không dẫn người ta đến với Chúa mà còn ngăn cản hoặc giữ lại cho riêng mình. Người làm chứng cho Chúa đúng nghĩa phải có thể nói như Gioan “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”.
  3. Gioan Tẩy Giả đã ‘nói tiếng không’ về bản thân mình, để ‘nói tiếng có’ về CG. “Tôi không phải là…” ‘Có Đấng… đến sau tôi…” – Xin Chúa cứ lớn dần trong con để con ngày càng nhỏ bé trong tay Chúa.
  4. Ông Gioan trả lời : Có một vị ở giữa các ông mà các ông không hay biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27)

Đậy đại học, tôi chuẩn bị vào thành phố. Bạn bè kéo đến chúc mừng, tôi chỉ mỉm cười nghĩ thầm : “Một lời chúc muộn màng, vì mình đã biết chắc trước khi thi kìa !”

Tôi là thế đó : kiêu căng và tự phụ. Tôi chưa bao giờ chịu khuất phục một ai trong lớp, suốt 12 năm học. Và bây giờ cũng thế, thành công như đốt thêm lửa kiêu ngạo trong tôi. Tôi tự cho phép mình bỏ qua mọi ý kiến và suy nghĩ của bạn bè, thậm chí cả những lời Chúa dạy nữa. Tôi quyết định lấy mọi việc và tự hào vì luôn có thể giải quyết mọi vấn đề bằng chính suy tư của mình.

Dần dà tôi trở thành kẻ cô đơn vì bị bạn bè xa lánh, đúng hơn chính tôi đã xa lánh họ. Lòng tự mãn khiến tôi nên thiển cận, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến mình mà không biết đến ai, kể cả Thiên Chúa nữa.

Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc mênh mông, là giọt nước góp nên biển cả, một con người nhỏ bé trong vũ trụ bao la, để thấy Chúa muôn trùng cao cả. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 3-1

Ga 1,29-34

A. Hạt giống…

Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Gioan tẩy giả đã làm chứng về bản thân mình (3 không 2 phải). Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Gioan làm chứng về Đức Giêsu. Ta cũng có thể tóm tắt lời chứng của Gioan về Đức Giêsu thành 2 điểm :

  1. Đức Giêsu là Con Chiên của Thiên Chúa : Kiểu nói “Chiên của Thiên Chúa” có thể mang 3 nghĩa quy chiếu về 3 nơi trong Cựu Ước :

               . Con chiên trong Is 53,7 (“như con chiên bị lôi đến lò sát sinh”) : Đức Giêsu chính là Người Tôi Tớ mà Is tiên báo bằng hình ảnh con chiên hiền lành chịu chết vì tội muôn dân.

               . Con chiên trong Khải huyền 5,6 14,10 17,14 đã từng bị sát tế và được nâng lên : Đức Giêsu đã chịu chết nhưng đã sống lại và chiến thắng tội lỗi.

               . Con chiên vượt qua trong Ga 19,14 (Đức Giêsu bị giết vào đúng lúc người ta giết chiên để ăn tiệc vượt qua) : Đức Giêsu chính là Con chiên vượt qua dùng cái chết của mình để thực hiện cuộc giải phóng nhân loại.

  1. Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn : Kiểu nói “Đấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn” cũng mang âm hưởng Is 42,1 nói về Người Tôi Tớ.

B…. nẩy mầm.

  1. Có người so sánh một cách thi vị rằng Linh mục và tu sĩ là những chiếc đò đưa khách sang sông. Con thuyền phải đưa khách sang sông chứ không giữ khách lại mãi trong thuyền, vì nếu thế thì nó không phải là chiếc đò nữa.
  2. Trong đạo do thái người ta cần có những con chiên gánh tội. Khi người ta có tội, người ta đem một con chiên đến Đền thờ, đặt tay trên đầu nó, tỏ ý trút hết tội của mình xuống nó, rồi giết chết nó hoặc đuổi nó vào sa mạc. Kể như nó đã mang hết tội của người ta và chịu phạt tội thay cho người ta. Chúa Giêsu đã tình nguyện làm con chiên gánh tội trần gian. Ngài cũng muốn các kitô hữu làm con chiên gánh tội thay cho những người của thời đại mình.
  3. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Để gánh tội tôi, Người đã bước lên cây thập giá đẫm máu. Cuộc chiến chống tội lỗi luôn cam go. – Cuộc chiến đấu chống tội lỗi trong con người tôi hẳn cũng phải theo con đường của Chúa : nhiều lần vác thập giá, nhiều lần chịu đổ mồ hôi sôi nước mắt, chịu chết lên chết xuống với con người cũ… Lạy Chúa xin cho con được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ ngay bản thân con.
  4. “Gioan làm chứng về Đức Giêsu : Tôi đã thấy nên xin chứng thực Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34)

Nhiều người hỏi tôi : “Chúa có thật không ? Nếu có thì Người ở đâu ? Có gì minh chứng cho sự hiện hữu ấy ?” Tôi chẳng thuyết phục được ai, nhưng luôn tin rằng có Thiên Chúa. Quả thực tôi chưa hề thấy Chúa bằng con mắt xác thịt, nhưng được Người cho thấy bằng con mắt đức tin. Gioan đã được nhìn tận mắt, nhưng để khám phá Đức Giêsu là Đấng phải đến và để làm chứng cho Người, ông phải được Thánh Thần soi dẫn. Cũng thế, to chẳng bao giờ có thể thấy và làm chứng cho Chúa nếu như Người không trợ giúp.

Lạy Chúa, xin mở mắt cho con được thấy xa hơn những dòng chữ viết về Ngài trong Thánh Kinh, để con gặp được một Thiên Chúa sống động. Xin mở mắt cho con được thấy những hành vi âm thầm nhưng kỳ diệu của Chúa trên đời con, để con biết rằng có một Thiên Chúa hiện hữu. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 4-1

Ga 1,35-42

A. Hạt giống…

Tin Mừng thứ tư trình bày ơn gọi như một cuộc hành trình qua nhiều giai đoạn :

1- Trước hết được giới thiệu cho biết Chúa (câu 36)

2- Tiếp đó là “đi theo” Chúa (câu 37)

3- Tìm đến tận “địa chỉ” của Chúa (câu 38)

4- “Lưu lại” với Chúa (câu 39)

5- Rồi tới phiên mình, giới thiệu cho người khác nữa được biết Chúa (các câu 40-42)

B…. nẩy mầm.

  1. Hình như cuộc hành trình của chúng ta chỉ mới đi được 2 giai đoạn đầu.
  2. Để thuyết phục các môn đệ, Chúa Giêsu không nói nhiều, Ngài mời họ “Đến mà xem”. Phải đến tận nơi Chúa ở, phải xem thật rõ con người của Ngài thì mới có thể trung thành đi theo Ngài.
  3. “Hai ông lưu lại với Ngài ngày hôm ấy” : Có những việc diễn ra một lần nhưng ảnh hưởng đến suốt đời, chẳng hạn như một cuộc tĩnh tâm sốt sắng, một cuộc linh thao nghiêm túc, hoặc một giờ cầu nguyện thực sự kết hợp với Chúa.
  4. “Đức Giêsu quay lại thấy hai môn đệ của Gioan đi theo mình thì hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp : “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?” Người bảo họ : “Đến mà xem” (Ga 1,38-39)

Sáng thứ hai vừa qua, một đoàn tiếp thị đã đến xưởng tôi làm việc để quảng cáo cho dầu gội đầu Pantene, với những kiểu cách hết sức sinh động hấp dẫn. Đặc biệt, còn tặng cho mỗi người một món quà lưu niệm. Nhờ quảng cáo, to được biết nhiều cái mới, cái hay, cái lạ. Nhưng quảng cáo cũng chi phối khi tôi phải lựa chọn.

Chúa Giêsu của tôi thì khác. Ngài mời gọi tôi theo Ngài, nhưng chỉ bảo “Đến mà xem”. Ngài không quảng cáo ồn ào, cũng không phô trương để mê hoặc tôi, vì Ngài muốn tôi theo Ngài với chọn lựa tự do.

Lạy Chúa, xin ban cho con, như hai người môn đệ hôm nào, biết “đến và ở lại với Ngài”, vì chỉ nơi Chúa con mới tìm được hạnh phúc đích thực. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 5-1

Ga 1,43-51

A. Hạt giống…

Bài tường thuật ơn gọi của Philíp và Nathanael :

– Philíp là người môn đệ thứ tư (3 ông trước là Gioan, Anrê và Phêrô). Ông “là người Bétsaiđa, cùng quê với Anrê và Phêrô”. Đức Giêsu gọi ông trực tiếp.

– Sau khi được Chúa gọi, Philíp đã đến gặp Nathanael với giới thiệu Chúa cho ông này. Nathanael là người thường “ngồi dưới gốc cây vả”. Kiểu nói “ngồi dưới gốc cây vả” có nghĩa là người thích tìm hiểu Thánh Kinh. Nathanael tìm hiểu Thánh Kinh, nhưng bị giam hãm trong những thành kiến cũ nên không tin rằng từ Nadarét có thể xuất hiện một thứ gì hay được. Nhưng rất may là Đức Giêsu đã trực tiếp đến với ông, tỏ cho ông thấy Ngài đúng là một ngôn sứ, nên cuối cùng Nathanael cũng đi theo làm môn đệ Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. “Ông Philíp đến gặp ông Nathanael và nói : Đấng mà sách Luật và các ngôn sứ nói ới, chúng tôi đã gặp” : Tường thuật của Gioan về ơn gọi những môn đệ đầu tiên cho thấy Chúa thường gọi qua trung gian : Gioan và Anrê được gọi qua trung gian của Gioan Tẩy giả, Phêrô được gọi qua trung gian Anrê, và Nathanael qua trung gian của Philíp. Trung gian mà Chúa dùng có thể là một người mà cũng có thể là một sự việc, một biến cố nào đó.

Tôi đã được Chúa gọi. Vậy tôi cũng hãy làm trung gian giới thiệu người khác đến với Chúa.

  1. “Ông Nathanael bảo : Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được ?” : Mặc dù đã từng “ngồi dưới gốc cây vả” mà nghiền ngẫm sách thánh nhưng Nathanael không tìm gặp được Đấng Cứu Thế, bởi ông mang nặng thành kiến, thành kiến về địa danh Nadarét tầm thường nhỏ bé.

Không thể dùng thành kiến mà đánh giá con người hay vấn đề được, bởi vì thành kiến chỉ là một nhận định cục bộ từ một vài trường hợp cá biệt. Không phải vì đã có một vài trường hợp đã xảy ra như thế rồi kết luận rằng tất cả mọi trường hợp đều sẽ phải xảy ra như thế.

Thế nhưng con người lại rất dễ nhiễm thành kiến và thường xét đoán theo thành kiến. Chắc hẳn tôi cũng thế.

Xin Chúa giúp con đừng xét đoán theo thành kiến, kẻo con phạm tội bất công với anh chị em con.

  1. Thành kiến : Có một gánh xiếc nọ bị hoả hoạn, ông chủ gánh xiếc sai anh hề chạy đi kêu dân chúng trong làng đến tiếp tay chữa cháy, chẳng vậy lửa bốc to có thể lan sang khu vực họ đang ở. Anh hề vội vàng chạy đi. Nhưng anh càng gào thét, múa máy bao nhiêu, dân chúng lại càng cười lớn bấy nhiêu vì họ nghĩ rằng anh hề đang diễn một màn hài hước. Thấy không ai tin mình, anh hề giật râu, giật tóc và bậc khóc khiến khuôn mặt đầy phấn sáp của anh càng lọ lem hơn và càng làm cho dân chúng cười lớn hơn. Gào thét hết cả hơi sức, nhưng chẳng có ai tin anh. Cuối cùng ngọn lửa cháy lớn lan tới thiêu huỷ cả làng ấy ra tro. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. “Nathanael bảo : “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được ?” Ông Philíp trả lời : “Cứ đến mà xem” (Ga 1,46)

Đa số các bạn học của tôi đều theo đạo “thờ Ông Bà”. Có lần chúng bảo tôi :

– Theo đạo thì được cái gì ?

– Đi nhà thờ chỉ được cái mất thì giờ thôi !

Tôi trả lời không thỏa đáng, nên chúng bạn cười chê. Thế là mỗi đứa đi một ngã, chẳng thèm nhìn mặt nhau nữa.

Khi Nathanael khiêu khích, Philíp chỉ trả lời “Cứ đến mà xem”. Tại sao tôi cứ mãi đôi co mà không dịu dàng mời gọi các bạn ấy như Philíp “Cứ đến mà xem”. Vâng, cứ đến mà xem, rồi các bạn sẽ thấy Chúa tuyệt vời thế nào !

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa nhiều hơn và nói về Chúa cách hiền hòa cùng với sự kính trọng tha nhân. (Epphata)

  1. “Ông Nathanael hỏi Người : “Làm sao Ngài lại biết tôi ?”. Đức Giêsu trả lời : “Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh còn đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”.

Chúa đã thấy tôi và biết tôi từ lâu, từ hồi tôi còn bé, và ngay cả từ hồi tôi còn trong bụng mẹ. Chúa hiểu tôi rất rõ, hiểu hết những yếu đuối và khuyết điểm của tôi. Vẫy mà Ngài vẫn gọi và chọn tôi. Vì thế, tôi phải cám ơn Ngài, tôi phải vất bỏ ất cả những tự ti mặc cảm về những yếu đuối của mình, tôi phải phó thác trọn vẹn tương lai cho Ngài, bởi vì kể từ khi được Ngài gọi, tôi đã là một con người mới.

  1. Mầm khác :

Ngày 6-1

(khi cử hành lễ Hiển Linh

vào Chúa nhựt 7 hoặc 8 tháng giêng)

Mc 1,6b-11

A. Hạt giống…

Trong đoạn này, tuy Thánh Marcô viết về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, nhưng ngài không nhằm tường thuật việc đó (bởi đó, Mc chỉ dùng động từ “làm phép rửa” nhưng không mô tả chút gì về việc đó). Điều Mc nhắm tới là dùng dịp Chúa Giêsu chịu phép rửa để giới thiệu con người và sứ mạng của Chúa Giêsu :

– Chúa Giêsu cao trọng hơn Gioan : Ngài quyền thế hơn Gioan (câu 7), Ngài sẽ làm một phép rửa trọn vẹn hơn trong Thánh Thần (câu 8).

– Ngài là Messia Con Thiên Chúa (câu 11 : tiếng từ trời).

B…. nẩy mầm.

  1. Cả hai vai chính trong chuyện này đều khiêm tốn : Gioan khiêm tốn tự hạ mình để đề cao Chúa Giêsu ; Chúa Giêsu khiêm tốn xin Gioan làm phép rửa cho mình. Người khiêm tốn là người chỉ nghĩ đến việc chu toàn nhiệm vụ chứ không quan tâm đến vinh dự cá nhân.
  2. Đoạn Tin Mừng này nằm trong chương đầu của Tin Mừng Mc. Nét đầu tiên thánh Mc giới thiệu về Chúa Giêsu là khiêm tốn. Chính vì Chúa Giêsu khiêm tốn nên Ngài được Chúa Cha hài lòng (“Cha hài lòng về con”) và được Chúa Cha tôn vinh (“Con là Con yêu dấu của Cha”).
  3. Một chiếc xe tải không thể qua cầu được vì nóc xe cao quá nên chạm vào mái che của chiếc cầu. Chẳng ai nghĩ ra được cách nào cả. Khi đó một cậu bé đưa ý kiến : hãy xì bớt hơi các bánh xe của nó. Người ta đã làm theo, và xe đã qua được cầu. (Quote).
  4. “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con” (Mc 1,11)

Tôi vừa đưa tiễn một người bạn thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trên đường về, tôi luôn tự hỏi : Tôi là ai ? Tôi từ đâu tới và sẽ đi về đâu ? Tôi sống để làm gì ? Và tại sao lại phải chết ?

Chắc có lần bạn cũng đã hỏi như tôi, vì một khi không biết sống để làm gì thì làm sao sống một cuộc đời trọn vẹn ý nghĩa được. Hôm nay Chúa Cha long trọng giới thiệu Con yêu dấu của Người cho chúng ta để nhờ Người Con ấy chúng ta nên nghĩa tử của Người, được gọi Thiên Chúa là Cha và được tham dự vào gia đình của những người con Thiên Chúa. Đó là phẩm giá của con người trên khắp thế giới.

Cảm tạ Cha đã ban Con yêu dấu của Người cho chúng con. Và cùng với Ngài chúng con kêu lên Abba, Cha ơi ! (Epphata)

  1. Mầm khác :

Lễ Hiển Linh

Mt 2,1-12

A. Hạt giống…

Đoạn này được viết theo văn thể Midrash, tức là vận dụng nhiều chi tiết (kể cả những chi tiết hoang đường) để giúp người đọc (nhất là độc giả bình dân) hiểu được ý nghĩa sâu sắc của một đoạn hay một câu Sách Thánh.

Thánh Matthêu đã dùng hình ảnh ngôi sao lạ mọc lên phía trời Tây (phía Tây của miền Lưỡng Hà Địa ngoại giáo), và cuộc hành trình tìm kiếm của các đạo sĩ phương Đông, để trình bày Chúa Giêsu chính là ngôi sao cứu tinh của nhân loại, theo lời tiên báo của Balaam trong sách Dân Số : “Một ngôi sao mọc lên từ nhà Giacóp, một vương trượng nổi dậy từ nhà Israel” (Ds 24,17)

B…. nẩy mầm.

  1. Mặc dù thánh Matthêu viết Tin Mừng cho độc giả do thái, nhưng ngay từ đầu tác phẩm, ngài đã trình bày Chúa Giêsu là Đấng Cứu tinh cho muôn dân, Ngài đã tỏ mình ra cho lương dân.
  2. Các đạo sĩ đại diện cho những người thành tâm thiện chí : họ đang theo một tín ngưỡng khác, họ mê tín (đạo sĩ), nhưng họ vẫn luôn kiếm tìm (nhìn ngắm sao trời), khi thấy dấu lạ, họ đã kiên trì đi theo, họ dọ hỏi, cuối cùng họ đã gặp được Chúa Giêsu và họ dâng cho Ngài những thứ quý giá nhất.
  3. Một chủ đề khác cũng được Mt ngầm trình bày trong đoạn này là : ngay từ khi Chúa Giêsu mới sinh ra, Ngài đã bị dân mình từ chối : “Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”. Chữ “xôn xao” có ngữ căn là chữ “seismos”, một chữ được Thánh Kinh dùng cho những thế lực chống đối Chúa Giêsu.
  4. Hành trình tìm kiếm Chúa của lương dân gặp nhiều khó khăn, ngăn trở và kể cả hiểm nguy (đường xa, đất lạ, bị Hêrôđê gạt gẫm, sinh mạng bị đe dọa). Nhưng họ được trợ lực và hướng dẫn bởi một ngôi sao. Thánh Phaolô, vị tông đồ truyền giáo, đã hiểu ngôi sao ấy là cuộc sống tốt đẹp của kitô hữu “Giữa thế hệ đó, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Philipphê 2,15)
  5. Huyền thoại về cây nến nhỏ : Một buổi tối, một người cầm cây nến nhỏ leo lên một chiếc cầu thang.

– Chúng ta đi đâu thế ? Cây nến nhỏ hỏi.

– Ta lên sân thượng để soi đường cho thuyền bè vào bến.

– Nhưng tôi quá nhỏ bé, thuyền bè nào mà thấy được ánh sáng của tôi ?

– Chỉ cần ngươi cố gắng chiếu sáng. Mọi việc khác để ta liệu.

Khi họ đã leo lên sân thượng thì thấy ở đó có sẵn một chiếc đèn lồng lớn. Người ấy cầm ngọn nến châm vào ngọn đèn. Một luồng sáng lớn bùng lên, tỏa rộng chung quanh, ánh sáng lan đến tận biển khơi.

Chúng ta là những cây nến nhỏ trong tay Chúa. Sứ mạng của ta chỉ là chiếu sáng. Còn kết quả thế nào là hoàn toàn tùy Ngài. (Purnell Bailey).

  1. “Trông thấy ngôi sao, các nhà chiêm tinh mừng rõ vô cùng” (Mt 2,10)

Chuyện kể rằng : đêm trước lễ Noel, một cô bé nghèo muốn dành hết số tiền ít ỏi của mình để mua cho chị một chuỗi ngọc lam quý giá. Số tiến quá ít, không đủ, nhưng tình yêu của cô bé thật tuyệt vời ! Nó như một ánh sao làm bừng lên niềm tin yêu cuộc sống cho anh bán hàng đang tuyệt vọng khổ đau.

Noel năm nay, tôi ước ao mãi về sau, trên máng cỏ đời mình vẫn luôn có một ngôi sao lung linh, lấp lánh.

Chúa Hài Đồng ơi, xin lớn lên trong lòng con, để cả cộc đời con ngời lên ánh sao của Chúa. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 7-1 :

a/ (Khi mừng Lễ Hiển Linh

vào ngày Chúa nhựt 7 hoặc 8/1)

Ga 2,1-12

A. Hạt giống…

Tường thuật này không phải đơn giản nói về một bữa tiệc cưới, nhưng còn là “dấu chỉ đầu tiên” qua đó Đức Giêsu “bày tỏ vinh quang của Ngài” để cho “các môn đệ tin vào Ngài” (câu 11). Chúa bày tỏ những gì ?

  1. Trước hết Ngài cho thấy Ngài Đấng khai mở một thời kỳ hoan lạc mới. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh tiệc cưới để chỉ thời hoan lạc Messia, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Messia. Trong đám cưới ở Cana, lẽ ra chú rể phải cung cấp đủ rượu cho khách dự tiệc, và như thế bữa tiệc mới vui mừng trọn vẹn. Thế nhưng chú rể ấy đã không chu toàn. Kẻ cung cấp rượu và làm cho bữa tiệc vui mừng trọn vẹn lại chính là Đức Giêsu.
  2. Ngài còn cho thấy Ngài đến để thiết lập một tín ngưỡng mới thay thế tín ngưỡng đã quá lỗi thời của người do thái : bài tường thuật có nhắc đến những chum đựng nước để cho người ta thanh tẩy trước khi dự tiệc. Đấy là một tục lệ tiêu biểu của đạo cũ. Hôm nay những chum ấy đã được Chúa Giêsu cho tràn ngập rượu mới, lại là thứ rượu ngon vượt sức tưởng tượng của người ta. Nghĩa là tín ngưỡng mới mà Đức Giêsu thiết lập vượt xa tín ngưỡng cũ quá bám víu vào hình thức bề ngoài.
  3. Bài tường thuật cũng nói tới “giờ” (Đức Giêsu nói với Đức Maria : “Giờ con chưa đến”). “Giờ” là lúc Đức Giêsu được vinh quang khi chịu chết trên Thập giá để tuôn ơn cứu độ cho loài người. Hôm nay ở Cana, tuy chưa tới “giờ” ấy, nhưng Ngài cũng tỏ chút vinh quang cho các môn đệ và người ta thấy trước qua việc Ngài làm phép lạ cho nước hóa thành rượu.
  4. Vinh quang Chúa đã được hé lộ trước cũng do công của Đức Maria, kẻ đã tế nhị thấy hoàn cảnh khó khăn của chủ nhà và chủ động đến xin Đức Giêsu can thiệp.

B…. nẩy mầm.

  1. Tín ngưỡng mới mà Đức Giêsu thiết lập không bám víu vào những hình thức lễ nghi bề ngoài, nhưng chú trọng đến đức tin bên trong và nhất là tin vào mầu nhiệm thập giá.

Hình như mặc dù tôi đã ở thời Tân Ước và đang ở vào cuối thiên niên kỳ thứ hai, nhưng đạo của tôi vẫn mới chỉ là một lớp vỏ bề ngoài với một ít hình thức lễ nghi. Xin Chúa cho con thêm đức tin, nhất là tin vào mầu nhiệm thập giá vinh quang của Chúa.

  1. Những người đầy tớ hôm đó đã vâng lời Chúa mà đi xách nước đổ vào các chum. Thế là nước lã hóa thành rượu ngon. Nhiều khi Chúa cũng bảo tôi làm những việc rất tầm thường. Nhưng những việc tầm thường ấy nếu được làm vì vâng lời và tin tưởng thì sẽ sinh ra những hiệu quả kỳ diệu không ngờ.
  2. Đức Maria có cặp mắt tế nhị tuyệt vời. Không cần ai nói, Người chỉ thấy thái độ bối rối của các gia nhân là hiểu ngay hoàn cảnh khó khăn của họ. Và Người đã nói với Chúa.

Xin ban cho một con cắp mắt tế nhị và một trái tim nhạy cảm để sớm thấy và giúp đỡ những khó khăn bối rối của anh chị em con.

  1. Và Đức Maria còn dạy tôi một cách thức cầu nguyện : Xem ra Người không xin gì cả, chỉ trình bày hoàn cảnh “Họ hết rượu rồi”, và để Chúa giải quyết.

Khi cầu nguyện, tôi cũng phải có tinh thần tin tưởng phó thác như thế. Tôi trình bày hoàn cảnh khó khăn của mình, tôi không đòi hỏi hay áp đặt cho Chúa bất cứ cách giải quyết nào, vì tôi tin chắc rằng Chúa đã hiểu hoàn cảnh của tôi và Ngài có cách giúp đỡ tôi.

  1. “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người rằng “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3)

Vào một buổi chiều, tôi đạp xe đạp quanh thành phố. Bên cạnh tôi, biết bao người cũng đang tất bật, vội vã. Chiếc xe Honda chạy trước tôi bỗng để rơi vật gì đó. Tôi thản nhiên vượt qua, sát một bên. Nhưng người lái chiếc xe bên cạnh đã nhắc tôi “Nhặt giúp họ nhanh lên, kẻo xe cán hư mất”. Tôi giật mình, cúi xuống lượm những thứ ấy lên để trả lại cho chủ nhân của nó.

Cuộc sống tất bật đã khiến tôi bàng quan với mọi chuyện. Tôi coi chuyện của người khác chẳng dính dáng gì đến mình. Tôi chỉ biết sống cho riêng mình, sòng phẳng với nhau là đủ lắm rồi. Và tôi chỉ muốn co mình lại, để được yên ổn trong dòng chảy của cuộc đời.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết noi gương Mẹ, biết nhìn ra chung quanh để thấy được nhu cầu của những người đang cần đến sự giúp đỡ của con. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 7-1 :

b/ (Khi mừng lễ Hiển linh vào Chúa nhựt 6-1) Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh

Mt 4,12-17.23-25

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ mạng :

– Địa bàn hoạt động được Ngài chọn là miền Galilê, một miền được coi là lãnh địa của dân ngoại. Từ thời Cựu Ước, ngôn sứ Isaia đã nói “Galilê, miền đất của dân ngoại”. Nhưng Isaia đã tiên báo rằng dân ở đó sẽ “thấy một ánh sáng huy hoàng”.

– Hoạt động của Ngài gồm giảng dạy và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền.

– Sứ điệp của Ngài là “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”.

B…. nẩy mầm.

  1. Khi nào cần tóm lược một cách vừa gọn nhất mà cũng vừa đầy đủ nhất lời rao giảng của Gioan Tiền hô và của Chúa Giêsu, Tin Mừng dùng câu “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (x. Mt 3,2). Sám hối là điều kiện tiên quyết để được cứu độ, bởi vì sám hối là ý thức mình đang đi lệch đường và quyết tâm quay về đường chính. Có quay về như thế thì mới được vào Nước Trời. Cũng vì ý thức sự cần thiết của sám hối nên Giáo Hội luôn kêu gọi sám hối trước mỗi Thánh lễ.
  2. “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Câu này cũng có nghĩa vì Nước Trời đã đến gần nên con người phải sám hối ; nó cũng có nghĩa hãy sám hối để mình có thể vào Nước Trời ; và cũng có nghĩa hãy sám hối để Nước Trời có thể đến giữa mọi người.
  3. Người Hồi giáo có chuyện sau đây : Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo : “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”

 Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm nang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói : “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

 Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích : “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói : “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu. (Trích “Món quà giáng sinh”)

  1. Có một vị ẩn sĩ nổi tiếng là thánh thiện và được nhiều người đến xin ông cầu nguyện cho. Điều đó làm cho ông rất hãnh diện. Một buổi sáng nọ, trên đường đến thăm một ngôi nhà thờ, ông thấy một người ngồi nức nở bên đường. Đến gần, ông nhận ra đó là tên cướp mà mọi người trong vùng đều run sợ. Vị ẩn sĩ định bỏ đi, nhưng anh ta tiến đến quỳ trước mặt ông và xưng thú tội lỗi. Nghe xong, vị ẩn sĩ tự nhiên nổi giận và nói lớn tiếng : “Một tên trộm cướp như ngươi mà hy vọng được Chúa tha thứ sao ? Ta nói thật với ngươi : cây gậy ta đang cầm trên tay trổ bông còn dễ hơn việc Thiên Chúa tha thứ cho ngươi”. Nói như thế rồi, vị ẩn sĩ tiếp tục cất bước, bỏ mặc tội nhân trong thất vọng. Nhưng chưa đi quá mười bước, cây gậy ông đang cầm trên tay bỗng bị cắm sâu xuống đất. Ông dùng tất cả sức lực để rút lên nhưng cây gậy vẫn không nhúc nhích. Lạ hơn nữa, từ thân cây gậy, cành lá và hoa từ từ mọc ra. Rồi ông nghe có tiếng nói “Sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho một tội nhân sám hối còn dễ hơn một cây gậy trổ bông. Một người tội lỗi biết hối cải được tha thứ dễ dàng hơn một kẻ kiêu hãnh” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Mầm khác :

Ngày 8-1

(hay Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh)

Mc 6,34-44

A. Hạt giống…

Tin Mừng thánh Marcô trình bày tiếp hoạt động cứu độ của Chúa Giêsu. Những hoạt động của Chúa Giêsu đã thu hút dân chúng đi theo Ngài rất đông. Họ say mê Ngài đến nỗi quên ăn quên uống.

– Trông thấy họ, “Chúa chạnh lòng thương”. Ngài chạnh lòng vì thấy họ thiếu thốn : thiếu vật chất và nhất là thiếu tinh thần.

– Do chạnh lòng thương dân chúng, Chúa Giêsu muốn làm một việc gì đó để giúp họ. Việc đầu tiên Ngài làm là… “Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” : theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, sự đói khát tinh thần cấp bách hơn sự đói khát của ăn, cho nên việc đầu tiên Ngài làm là dạy dỗ họ.

– Tiếp đó Ngài mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn. Mà phép lạ này cũng là hình bóng tiên báo Bí Tích Thánh Thể và sự phục vụ của Giáo Hội.

B…. nẩy mầm.

  1. “Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương” : phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là yêu thương. Khi thấy những kẻ Ngài yêu thương “như bầy chiên không người chăn dắt” thì Ngài thương đến nỗi “chạnh lòng”. Thật tuyệt vời con người của Chúa Giêsu, thật tuyệt vời tấm lòng của Ngài. Xin cho con được giống Chúa.
  2. Khi chạnh lòng thương dân chúng, việc đầu tiên Chúa làm là “dạy họ nhiều điều”. Được biết Chúa là điều quan trọng nhất và là nguồn mọi hạnh phúc.
  3. Một chiều đông lạnh lẽo, triết gia Thomas Carlyle đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách. Cửa mở, cha xứ mới của giáo xứ bước vào. Sau mấy câu xã giao, cha xứ hỏi : “Theo ngài, lúc này giáo xứ mình cần cái gì nhất ?” Không chút ngập ngừng, triết gia đáp ngay : “Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lí thuyết.” (Góp nhặt).
  4. “Chúa Giêsu chính là ân huệ bằng xương bằng thịt mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  5. “Đức Giêsu thấy đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người dẫn dắt” (Mc 6,34)

Bởi chạnh lòng thương nên Ngài đã hóa bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Ngài không chỉ quan tâm đến cái đói thể xác nhưng còn muốn ban phát tình thương, của ăn mà nhân loại đang thiếu. Thực vậy, một trong những nghịch lý của thế giới hôm nay là thiểu số người giàu chia nhau đa phần tài nguyên thế giới ; là sản lượng của các nước phát triển không ngừng gia tăng, bên cạnh hàng loạt các nước thuộc thế giới thứ ba vẫn mãi nghèo đói. Nạn đói lan tràn, chiến tranh tiếp diễn, thất nghiệp gia tăng… cứ như điệp khúc của bản tin thời sự mỗi ngày. Cái thiếu thốn của thế giới hôm nay chính là tình thương, lòng nhân ái.

Bản thân tôi cũng lãnh nhận nhiều hơn là cho đi, luôn thoái thác như các tông đồ xưa : “Làm sao thỏa mãn những nhu cầu của kẻ khác, một khi sức mình có hạn ?”

Xin cho con hiểu rằng chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 9-1

(hay Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh)

Mc 6,45-52

A. Hạt giống…

– Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu “lập tức bắt các môn đệ xuống thuyền” đi nơi khác. Chi tiết này có nhiều ý nghĩa : a/ Còn phải loan Tin Mừng cho nhiều nơi khác nữa ; b/ Việc các môn đệ ở lại nơi đã xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều có thể là một nguy hiểm vì nó trói buộc các ông trong sự quyến luyến những lời khen ngợi và tình cảm biết ơn của những người đã được ăn bánh.

– Phần Chúa Giêsu thì “Ngài lên núi cầu nguyện” : sau một giai đoạn hoạt động ồn ào và mệt mỏi, Chúa thấy cần phải cầu nguyện để múc thêm sức mạnh siêu nhiên.

– Phần tiếp theo là câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Đây cũng là một phép lạ nữa mà ý nghĩa có liên hệ tới ý nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều (câu 52 cho thấy sự liên hệ đó : các môn đệ bàng hoàng trước việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển “vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa ra nhiều”). Ý nghĩa việc này là : Chúa Giêsu là Môsê mới. Ngày xưa Môsê đã cho dân do thái ăn manna, Chúa Giêsu cũng vừa làm như vậy ; ngày xưa Môsê đưa dân do thái qua Biển mà vẫn khô chân, bây giờ Chúa Giêsu đi trên mặt biển cách an toàn.

B…. nẩy mầm.

  1. Sứ mạng của các môn đệ là loan Tin Mừng khắp nơi. Bởi đó mặc dù sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng quyến luyến mến phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” rời nơi đó để đi đến các nơi khác. Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận vướng.
  2. Cuộc hành trình của các môn đệ (và của chúng ta) đôi khi khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là hoảng sợ như đang gặp ma. Nhưng nếu biết có Chúa đang đồng hành thì ta sẽ yên tâm. “Thầy đây, đừng sợ”.
  3. Bão táp diễn ra khi các môn đệ đi thuyền qua “bờ bên kia”, tức là qua vùng đất của dân ngoại. Cơn bão này tượng trưng cho những khó khăn nguy hiểm trong việc loan Tin Mừng cho lương dân. Nỗi sợ của các môn đệ cũng là nỗi e ngại sợ sệt của các nhà truyền giáo khi đứng trước vùng đất lạ của lương dân. Lời Chúa Giêsu trấn an các môn đệ xưa cũng là Lời Ngài trấn an chúng ta ngày nay : “Thầy đây dừng sợ”.
  4. Một người hành hương gặp bệnh dịch đang vào Baghdad. Anh hỏi bệnh dịch : “Mi định làm gì ở đó ?”

– Tôi sẽ giết 5000 người.

Người hành hương rùng mình và thay đổi dự định. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó và được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người chết.

Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Ông buộc tội : “Anh nói láo. Anh nói sẽ chỉ giết 5000 người thôi mà”.

Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ : “Tôi chỉ giết có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).

Nỗi sợ gây thiệt hại nhiều hơn những hiểm nguy có thực.

  1. “Cứ bình tĩnh. Thầy đây mà ! Đừng sợ !” (Mc 6,50)

Tôi thường tan học và trở về nhà vào khoảng 9 giờ tối. Tối nay trời mưa gió. Bất chợt tôi nghe có tiếng một người đàn ông bên cạnh : “Đi chậm lại. Ướt hết rồi !”. Tôi sợ hãi và càng đạp xe nhanh hơn. Về đến nhà tôi mới biết người ấy chính là đứa em trai của tôi. Tôi rất cảm động trước sự quan tâm của nó.

Các tông đồ cũng đã trải qua một phen bàng hoàng sửng sốt trước khi nhận ra Chúa đã đến cứu giúp mình khi hoạn nạn. Những lúc thất bại hay khổ đau, dường như tôi không thấy Chúa đâu cả. Nhưng thực sự Ngài vẫn ở bên tôi, và khi cần, Ngài sẵn sàng ra tay trợ giúp.

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Và khi gặp thử thách gian truân, xin cho con nghe được tiếng Chúa khích lệ “ Cứ an tâm. Thầy đây mà. Đừng sợ !”. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 10-1

(hay Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh)

Lc 4,14-22a

A. Hạt giống…

Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nadarét miền Galilê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày Sabbat, trong hội đường), Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài : Với tư cách là Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan Tin Mừng cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời ngôn sứ Isaia.

B…. nẩy mầm.

  1. “Thần khí Chúa ngự trên tôi… sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Thời Chúa Giêsu và thời các tông đồ, những kẻ nghèo hèn quả thực đã được nghe Tin Mừng. Nhưng những kẻ nghèo hèn thời nay có được như thế chưa ?
  2. Chuyện xảy ra trong một đêm trình diễn văn nghệ Giáng sinh : một thanh niên hóa trang thành một người ăn mày để diễn nhạc cảnh Chúa đến với người nghèo. Nhưng thanh niên này không thể nào bước lên sân khấu được, vì khi anh tới gần đó thì bị những người trong ban trật tự đuổi đi. Họ tưởng anh là một tên ăn mày thật, và họ sợ anh phá rối buổi trình diễn. Xét về mặt hóa trang thì ban tổ chức văn nghệ đã thành công. Tuy nhiên xét về tinh thần thì họ đã tự mâu thuẫn : họ muốn nói cho khán giả biết Chúa đến với người nghèo, nhưng khi gặp người nghèo, dù chỉ là một người giả nghèo, thì họ đã xua đuổi. Tin Mừng đã không thấm nhập vào lòng những kẻ trình diễn Tin Mừng.
  3. “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18)

Một người bạn kể lại : “… Trong lớp tôi dạy, có một em bị khuyết tật bẩm sinh : sứt môi và điếc một tai trái. Bị các bạn chế diễu, em luôn cảm thấy bị bỏ rơi, thua thiệt. Em trở nên khép kín và xa lánh mọi người. Một hôm, tôi cho các em được tự do đi lại trong lớp và có thể nói nhỏ vào tai bất kỳ một người bạn nào những gì mình thích. Bi ngồi đó, không tham gia, cũng không chờ đợi. Và chính lúc đó, tôi đã đến nói nhỏ vào tai em “Ước gì Bi là đứa em nhỏ của cô !” Bi ngước mắt ngạc nhiên như dò hỏi “Có thật không cô ?” Và tôi đã ôm chầm lấy em.”

Kỳ diệu thay luồng gió của Thánh Thần ! Ngài vẫn tác động trên tâm hồn con người, ngay trên người bạn của tôi, để luôn biết cảm thông và trao tặng… Hành vi ấy đang tiếp nối những hành vi của Chúa Giêsu, Đấng đã được Thánh Tần thúc đẩy để đem Tin Mừng cho người nghèo khó.

Lạy Chúa, khi con đói, xin gởi đến con người cần của ăn. Khi con cô đơn, xin gởi đến con người cần được thông cảm. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 11-1

(hay Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh)

Lc 5,12-16

A. Hạt giống...

Chúa Giêsu tiếp tục hoạt động cứu độ, Ngài chữa một người bị phong cùi.

– Việc chữa người phong cùi làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia về Đấng Messia, chứng minh Chúa Giêsu chính là Đấng Messia.

– Thái độ của người cùi chứng tỏ người này tin Ngài là Messia : anh “sấp mặt xuống” kêu xin ; anh nói “Nếu ngài muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch” (thời đó, phong cùi được coi là chứng nan y vô phương chữa trị).

– Thái độ của Chúa Giêsu biểu lộ một sự ưu ái đặc biệt : “Ngài giơ tay đụng vào anh” (không ai khác dám đụng người cùi, vì sợ lây bệnh và lây sự ô uế).

– Lời Ngài bảo anh đi trình diện tư tế và dâng của lễ chứng tỏ Chúa Giêsu tôn trọng luật lệ đạo do thái.

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh ; Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được hội nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn. Sự quan tâm của ta với những người nghèo khổ có được toàn diện như thế chưa ?
  2. Cái nghèo cũng là một thứ “tội đầu”, vì nghèo nên khổ, vì nghèo khổ nên bị coi khinh và xua đuổi
  3. Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc : “ Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì”.

Mặt người ăn xin sáng lên và nói : “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi !” (Góp nhặt).

Việc giúp đỡ người nghèo khổ chưa chắc có giá trị bằng thái độ tôn trọng của ta đối với họ.

  1. “Đức Giêsu giơ tay chạm đến anh ta và bảo “Tôi muốn, tôi cho anh được khỏi bệnh”. Ngay tức khắc, chứng phong hủi biến đi” (Lc 5,13)

Tôi có người bạn học sắp theo ngành cảnh sát. Trước khi nhập học, bạn đã hỏi cha mình “Con có nên nhập bọn với nhóm tội phạm, để một ngày nào đó phá tan băng nhóm ấy không ?” Cha bạn trả lời “Áo dơ muốn sạch thì phải chịu khó nhúng tay vào”.

Người mắc bệnh phong, vì muốn được khỏi bệnh nên đã tìm đến với Đức Giêsu. Chúa cũng muốn anh được chữa lành nên đã chạm đến anh.

Chúa cũng đã chạm đến tôi nhiều lần : khi tôi rước lễ, khi tôi cầu nguyện, đọc sách thánh… nhưng dường như chẳng có gì thay đổi nơi tôi cả ! Phải chăng vì tôi chưa thực sự tin tưởng vào Chúa và thực tâm muốn được chữa lành ?

Lạy Chúa, xin cho con khao khát được canh tân và ước muốn được chữa lành, để con luôn bước đến với Chúa và được hoàn toàn đổi mới. (Epphata)

  1. Mầm khác :

Ngày 12-1

(hay Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh)

Ga 3,22-30

A. Hạt giống...

Lời chứng cuối cùng của Gioan Tiền hô :

– Chúa Giêsu và Gioan cùng làm phép rửa, mỗi người một nơi, mỗi người có quần chúng ngưỡng mộ riêng.

– Việc làm phép rửa ấy gây nên một cuộc tranh luận và khiến các môn đệ Gioan ganh tức. Họ đến mách với Gioan, ngầm xin ông tỏ một thái độ ngăn cản hay chống đối nào đó với Chúa Giêsu.

– Nhưng Gioan chẳng những không chống đối Chúa Giêsu, mà còn làm chứng về Ngài và đề cao Ngài : “Tôi đây không phải là Đức Kitô mà chỉ là kẻ được sai được trước mặt Ngài”…, Ngài phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi”.

B…. nẩy mầm.

  1. Thánh Gioan Tiền hô dạy ta bài học phải biết đóng vai phụ. Ai mà không thích đóng vai chính. Nhưng trong một vỡ tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì rất nhiều. Nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên.
  2. “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải nhỏ đi” còn có nghĩa phải làm cho trong con người tôi phần của Chúa càng ngày càng lớn lên, và phần của xác thịt, của tội lỗi và của khuynh hướng xấu dần dần nhỏ bớt.
  3. Trên một chuyến tàu xuyên đại dương, vị giám mục kể cho một giáo sĩ trẻ mới ra trường về cuộc đời gian khổ của mình, rồi xin anh nói về ơn gọi của mình. Anh tự mãn trả lời : “Dễ thôi. Tất cả là Thiên Chúa cần con”.

Vị giám mục nói : “Này bạn trẻ, quả là trùng hợp ! Như tôi nhớ, trong Thánh Kinh, chỉ có một lần Thiên Chúa nói Ngài cần một điều gì đó. Trong Lc 19, 34 trên đường vinh thắng vào Giêrusalem, Ngài nói Ngài cần một con lừa” (Góp nhặt).

  1. “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó mà nghe chàng thì vui mừng hớn hỏ vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy. Niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3,29)

“Từ các hàng ghế đại biểu, chúng tôi chứng kiến những đôi mắt thấm đẫm niềm vui của hàng trăm thầy cô giáo, ban giám hiệu các trường dõi theo bước chân học trò mình lên nhận thưởng…” Bài báo khiến tôi lâng lâng một cảm giác khó tả. “Phía sau chùm hoa ấy… là dấu chân lặng thầm”. Thật vậy, phía sau những thành công và niềm vui của học trò là những đêm thức trắng, những tháng ngày lo lắng vun đắp của các thầy cô giáo. Quý thầy cô là những người tiên phong dọn đường cho thế hệ trẻ tiến bước, vươn cao và vươn lên mãi.

Ông Gioan Tẩy giả cũng là người đi trước dọn đường cho Chúa đến. Ngài lặng lẽ dâng trọn cuộc đời mình mở đường cho Chúa đến, để mọi người được phúc chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Giêsu Đấng Cứu Thế.

Xin cho con luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc khi phục vụ tha nhân, khi dọn đường cho Chúa đến với các tâm hồn. (Epphata)

  1. Mầm khác :