Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 2  Mùa Chay

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 2  Mùa Chay

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY..

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY

Lc 9,28b-36

A. Hạt giống…

Chúng ta nên để ý tới bối cảnh của việc Đức Giêsu biến hình :

  1. Ngài biến đổi hình dạng ra vinh quang sáng láng đang lúc cầu nguyện.
  2. Có một số chi tiết cho thấy cuộc biến hình này có liên quan tới việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại :

– Việc biến hình xảy ra “khoảng 8 ngày sau”, tức là sau việc Ngài báo tin chịu nạn lần thứ nhất. (xem Lc 9,22)

– Hai ông Môsê và Êlia đàm đạo với Ngài “về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem.

– Tiếng Chúa Cha từ trời phán “Đây là Con Ta, người Ta tuyển chọn” là trích những đoạn Cựu Ước nói về Người Tôi Tớ của Giavê chịu khổ để chuộc tội cho loài người.

Như thế Đức Giêsu hôm nay biến hình để cho 3 môn đệ thân tín thấy trước một chút vinh quang thật của Ngài, nhờ đó các ông sẽ đỡ hoang mang khi sau này thấy Ngài chịu nạn chịu chết.

 

B… nảy mầm.

  1. “Đang lúc Ngài cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng đổi khác” : cầu nguyện là lúc con người được biến đổi trở nên giống Chúa hơn.
  2. “Thưa Thầy, chúng con ở đây hay quá” : ai mà không muốn sống mãi trong ánh sáng vinh quang. Thế nhưng muốn đến vinh quang thì trước đó phải đi qua con đường thập giá.
  3. “Hãy vâng nghe lời Ngài” : các môn đệ Đức Giêsu – và cả chúng ta – rất sung sướng được ở trong vinh quang của Chúa. Họ khó chịu khi nghe Ngài nói tới con đường thập giá. Thậm chí Phêrô còn cản ngăn Ngài. Nhưng Chúa Cha bảo “Hãy vâng nghe lời Ngài”, nghĩa là phải chấp nhận đi theo Ngài trên con đường thập giá trước rồi mới được tới vinh quang. Nhưng thực ra, nghe lời một Đức Giêsu vinh quang thì dễ hơn nghe lời một Đức Giêsu thập giá nhiều !
  4. Mùa chay là thời gian cho mỗi người chúng ta “biến hình” : biến từ hình dạng méo mó của loài người sau khi phạm tội trở lại hình ảnh tốt đẹp ban đầu khi mới được Thiên Chúa tạo dựng ; biến hình nhờ cầu nguyện và nhờ đi theo con đường thập giá của Chúa.

Thứ Hai :

Đn 9,4b-10 ; Lc 6,36-38

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc Cựu Ước trích sách Đaniên là một lời cầu nguyện sám hối. Sách Bài đọc Phụng vụ tóm lược ý nghĩa lời cầu nguyện này trong một câu : “Chúng tôi đã phạm tội vì đã làm điều gian ác”.
  1. Bài Tin Mừng ghi những điều Chúa dạy : Nhân từ, đừng xét đoán và kết án, tha thứ, biết cho đi. Đặc biệt Chúa Giêsu nói rằng tuỳ cách ta đối xử với người khác như thế nào mà ta sẽ được Thiên Chúa đối xử như thế đó

– Hãy ở nhân từ như Cha các ngươi là Đấng nhân từ

  – Đừng xét đoán, đừng kết án thì sẽ khỏi bị kết án

  – Hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ

  – Hãy cho thì sẽ được cho lại

Các động từ ở vế thứ hai ở thể thụ động, hàm ý chính Thiên Chúa là Đấng tác nhân chủ động.

  1. Đọc bài Tin Mừng chung với bài Cựu Ước, ta thấy Giáo Hội muốn dạy rằng : phương cách để chúng ta được Chúa tha thứ là hãy sống nhân từ, không xét đoán, tha thứ và cho đi.

B…. nẩy mầm.

  1. Sám hối không phải chỉ là tâm tình hối hận vì những tội đã phạm, mà còn là làm việc lành để đền bù tội lỗi. Những việc lành đó được Chúa Giêsu chỉ rõ trong bài Tin Mừng này : Nhân từ, rộng lượng (không xét đoán và kết án), tha thứ, biết cho đi.
  1. Trong những việc lành vừa kể, Chúa Giêsu nói nhiều hơn về việc cho đi, Ta biết cho thì Chúa sẽ cho lại. Chúa dùng hình ảnh cái đấu : nếu ta đong cho người ta bằng cái đấu nhỏ hoặc cái đấu thiếu thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu nhỏ hoặc thiếu y như vậy. Ngược lại nếu ta đong cho người ta bằng đấu to thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu to hơn gấp bội, lại còn dằn, còn lắc và đầy tràn nữa.
  1. Một người nọ thật giàu muốn gì cũng có. Tuy vậy ông không thấy hạnh phúc vì ông chỉ nhận được những cái nhìn soi bói, coi thường và khinh miệt của người khác. Ông tìm đến hỏi một người nổi tiếng khôn ngoan : “Tại sao người ta lại coi thường và khinh miệt tôi cho tôi là kẻ keo kiệt bủn xỉn ? Người ta đâu biết rằng sau khi chết, tôi sẽ hiến tất cả gia tài của tôi cho người nghèo và cho công việc từ thiện”. Để trả lời, nhà khôn ngoan kể cho ông một câu chuyện nhỏ như sau : một chú heo than thở cùng chị bò cái : “Tôi cũng như chị, chúng ta cống hiến thịt mình cho loài người. Thế mà tại sao họ thân thiện với chị mà xa lánh tôi ?” Ngẫm nghĩ giây lát, chị bò cái trả lời : “Thịt chúng ta chỉ cống hiến cho loài người khi chúng ta chết. Còn bây giờ họ quý mến tôi hơn có lẽ tại tôi hiến cho họ sữa lúc tôi còn sống đấy chăng.” (Trích ”Món quà giáng sinh”)
  1. Thầy giáo : “Tâm, bây giờ thầy nói cho em ghi nhớ phương châm này: Cho có phúc hơn nhận” .

– Em đã biết điều đó, vì là phương châm trong nghề của Ba em.

– Ồ, thật tuyệt vời ! Ông ấy làm nghề gì ?

– Võ sĩ. (Góp nhặt)

  1. Đang đi dạo, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một người ngồi trên ghế mà cuốc vườn. Tôi nghĩ : “Quá lười biếng !”. Nhưng đột nhiên tôi thấy đôi nạng dựa ở ghế của anh. Thì ra anh vẫn làm việc dù bị tật nguyền.

Bài học tôi học được về sự phán đoán nông nổi vẫn khắc ghi trong tôi cho đến hôm nay : thánh giá của người khác đôi khi là do cái nhìn hạn hẹp của ta (Góp nhặt)

  1. Tha thứ giống như cái gì ? Giống như mùi hương mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát (Góp nhặt).
  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Ba :

Is 1,10.16-20 ; Mt 23,1-12

A. Hạt giống…

Lời Chúa hôm nay đặc biệt nói với các “thủ lãnh”

  1. Bài đọc I (trích sách Isaia) : Ngôn sứ Isaia bảo các thủ lãnh Sôđôma và Gômôra “Hãy làm điều lành, tìm kiếm công lý”, đó là cách để ta được Chúa thứ tha : “Cho dù tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm cũng sẽ trở nên trắng như tuyết, cho dù đỏ như vải điều cũng sẽ trở nên trắng như len”. Ta hãy chú ý tới những động từ “làm”, “tìm kiếm”. Đó là những hành động tích cực chứ không phải là những tâm tình hay lời nói suông.
  1. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về những người biệt phái và luật sĩ. Họ nói nhiều nhưng làm ít, nói tốt nhưng làm xấu. Họ lo tô vẽ dáng bề ngoài cho đạo đức mẫu mực nhưng lòng họ thì hám danh, phô trương và tham lam. Chúa phân biệt rõ hai phương diện : những gì họ nói thì đều là nói lời Chúa, nên hãy nghe theo ; nhưng những việc họ làm thì mâu thuẫn với những lời họ dạy, cho nên đừng bắt chước.

B…. nẩy mầm.

  1. Là Linh mục, tu sĩ thì theo một phương diện nào đó cũng là làm “lãnh đạo”, vì cách sống của chúng ta ảnh hưởng đến cách sống của người khác. Sám hối của kẻ “lãnh đạo” là :

– Không chỉ nói mà còn làm.

– Không chỉ lo cho dáng vẻ bề ngoài của mình có vẽ mô phạm, mẫu mực mà còn phải trau dồi cái tâm đạo đức thật của mình.

  1. Isaia đặc biệt bảo các nhà lãnh đạo hãy quan tâm đến những kẻ yếu thế dưới quyền mình : “hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, mồ côi, góa bụa”
  1. Người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau : Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ ”Bên phải dành cho người công giáo ; bên trái dành cho kẻ ngoại”. Tôi đi theo hàng lang bên phải. Đi được một lúc tôi tới ngã rẽ khác, lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau ”Bên phải dành cho người có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém”. Tôi lại đi theo bên phải. Đến một ngã rẽ khác, tôi loại thấy bảng chỉ dẫn ”Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ”. Tôi lại chạy qua bên phải. Cuối cùng tôi gặp bảng chỉ dẫn ”Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi”. Một lần nữa, tôi chọn bên phải. Tôi đang hân hoan rảo bước thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy : cảnh hoả ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức dậy. Sau một phút, tôi tự hỏi” Phải chăng cuộc sống đạo của tôi toàn là giả hình như giấc mơ hãi hùng ấy ?” (Trích ”Món quà giáng sinh”)
  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Tư :

Gr 18,18-20 ; Mt 20,17-28

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc một là lời tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia : làm ngôn sứ của Chúa, Giêrêmia chỉ muốn điều lành cho dân mình (rao giảng cho họ, chỉ bảo họ, cầu nguyện biện hộ cho họ) thế mà lại bị họ ghét, chống đối và tìm cách hãm hại. Giêrêmia phải than “Làm lành mà phải gặp dữ sao !”. Sứ mạng và thân phận của sứ giả Chúa là như thế.
  1. Bài Tin Mừng cho thấy các tông đồ chưa hiểu đúng sứ mạng của mình : họ theo Chúa Giêsu nhưng để được vinh dự và địa vị (lời xin của 2 con ông Dêbêđê, sự khó chịu của các tông đồ kia). Để giáo dục họ, Chúa Giêsu làm hai việc : một là loan báo cho các ông biết Ngài sẽ bị nộp vào tay kẻ thù để hiến thân chuộc tội cho loài người ; hai là dạy họ bài học phục vụ : “Ai muốn cầm đầu thì hãy làm đầy tớ…” “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”

B…. nẩy mầm.

  1. Hai người con của ông Dêbêđê là Gioan và Giacôbê. Họ là hai trong số những môn đệ đầu tiên đi theo Chúa Giêsu, thế mà họ cũng không thấm nhuần tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu dạy. Huống chi những môn đệ khác. Huống chi tôi… Phải chăng lâu nay tôi theo Chúa mà chỉ nghĩ đến quyền lợi, danh dự, ơn ích… Nói cách khác, tôi nghĩ đến nhận mà không nghĩ đến cho, tôi nghĩ đến được người ta phục vụ mà không nghĩ đến phục vụ người ta.
  1. Chương trình đào tạo trong trường của Chúa Giêsu là “đào tạo những người làm đầy tớ”. Vào trường của Chúa bấy lâu nay, tôi đã học làm đầy tớ được đến mức nào rồi ?
  1. Người môn đệ Chúa còn phải chuẩn bị để sau này có thể uống “chén” mà Chúa đã uống. Tôi đã chuẩn bị việc này chưa ?
  1. Cha Maximilien Kolbe làm gương cho chúng ta về cung cách sống của người môn đệ Chúa : Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Oswiccim của Đức quốc xã, có một người vượt ngục, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người kêu ré lên ”Ôi vợ và các con tôi” .

Hàng trăm dãy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dãy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trưởng trại. Mọi người nín thở : chuyện chưa từng có  ! Viên trưởng trại đặt tay lên súng : 

– Anh muốn gì ? 

– Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.

Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho kẻ có vợ và các con đang đợi ở nhà. Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu. Kẻ tình nguyện đó là Maximilien Kolbe, một linh mục công giáo. Cha đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh ngày 10.10.1082 tại  Rôma. (Trích ”Phúc”)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Năm :

Gr 17,5-10 ; Lc 16,19-31

A. Hạt giống...

  1. Bài trích sách Giêrêmia nói đến hai hạng người : hạng tin tưởng cậy dựa vào những giá trị đời này, và hạng đặt niềm cậy trông nơi Thiên Chúa. Giêrêmia nói khốn cho hạng thứ nhất và phục cho hạng thứ hai.
  1. Trong bài Tin Mừng, người phú hộ thuộc hạng thứ nhất. Khi ông chết thì những chỗ ông cậy dựa cũng tiêu tan luôn cho nên ông rơi vào cảnh rất khốn khổ. Ladarô là đại biểu của hạng thứ hai nên sau khi chết đã được hưởng hạnh phúc trong vòng tay Thiên Chúa (qua hình ảnh tổ phụ Abraham).

Dụ ngôn này còn muốn gởi một lời nhắn nhủ đến hạng thứ nhất : họ nên sớm thấy sai lầm của họ khi đặt niềm cậy trông vào những giá trị trần thế, để kịp thời quay về trông cậy vào Chúa. Đừng chờ đến khi chết, thấy rõ đâu là chỗ dựa vững chắc rồi mới sám hối, vì tới lúc đó, mọi việc đều không thể đảo ngược được.

B…. nẩy mầm.

  1. Đã biết tiền bạc, của cải và nói chung những giá trị thế gian là không bền, thế nhưng nhiều người vẫn cứ cậy dựa vào chúng. Đó chính là cái ngu dại của con người. Nếu nói theo từ ngữ của ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1, đó chính là cái “khốn nạn” của con người.
  1. “Abraham nói lại : giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm…” : Thiên Chúa không tạo dựng thẳm ngăn cách Ngài với con người. Nhưng chính con người tự đào vực thẳm ấy, bằng nhiều cách :

– Bằng ích kỷ không giúp đỡ một người anh em đang cần giúp trong khi chúng ta có thể giúp (như ông nhà giàu đối với Ladarô).

– Bằng thái độ bỏ Chúa đề hoàn toàn cậy dựa vào những giá trị trần gian.

  1. Lạy Thiên Chúa của Abraham, con đã hiểu rằng lòng thương xót kẻ khốn khổ sẽ đặt con bên cạnh Ladarô trong lòng Chúa, trái lại sự ích kỷ sẽ đẩy con xuống vực thẳm chung với người phú hộ. Chúa biết con muốn chọn phía nào rồi, nhưng xin giúp con.
  1. “Dửng dưng trước đau khổ của người khác là một tội. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nêu bật qua hình ảnh người giàu có trong Tin Mừng hôm nay” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  1. Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói : “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.

Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. ”Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.

Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. ”Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin  ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.

Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến  với bà và nói : “Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và cả 3 lần con đều đuổi Ta” (Góp nhặt).

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Sáu :

St 37,3-4.12-13a.17b-28 ; Mt 21,33-43.45-46

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc Cựu Ước kể chuyện tổ phụ Giuse bị các anh ganh ghét nên bán đi cho các lái buôn. Giuse trở thành nô lệ. (Phần sau của chuyện Giuse kể tiếp là sau này Giuse lên chức tể tướng nước Ai cập và đã cứu cả gia đình mình khỏi nạn đói).
  1. Qua dụ ngôn những thợ vườn nho ác ôn, Chúa Giêsu nói Ngài chính là Giuse mới, bị dân mình giết chết, nhưng lại là Đấng cứu độ muôn dân. “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc”.

B…. nẩy mầm.

  1. Lòng ganh ghét đã khiến các con Giacóp coi đứa em ruột của mình là kẻ thù. Lòng ganh ghét cũng khiến các thượng tế và kỳ lão do thái giết chết Đấng Messia mà toàn dân mong đợi bấy lâu nay. Dù chiếc xe đã ngã, nhưng vết xe cũ vẫn luôn có người theo. Tôi có như vậy không ?
  1. Giuse đã lấy ơn để trả oán. Chúa Giêsu đã lấy cái chết để cứu chuộc cả những người hành hạ Ngài. “Viên đá người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường”. Xin Chúa giúp ta cách “báo thù” tuyệt vời ấy.
  1. Một hoàng đế Trung hoa muốn chiếm đất của kẻ thù và tiêu diệt họ. Nhưng ít lâu sau, thần dân thấy nhà vua đi lại, ăn uống với kẻ thù trước kia.

  – Chẳng phải ngài đã từng nói là sẽ tiêu diệt hết kẻ thù  ?

  – Đúng, ta đã tiêu diệt hết kẻ thù. và ta đã biến họ thành bạn bè của ta.

  1. Cái nhìn của Chúa khác cái nhìn của loài người. Khả năng của Chúa cũng tuyệt vời hơn khả năng loài người. Viên đá mà “những người thợ xây” – tức loài người chúng ta – coi là đồ bỏ đi, thì Thiên Chúa có thể biến thành tảng đá góc tường. Thí dụ viên đá Phêrô đã 3 lấn chối Chúa, viên đá Phaolô trên đường Đamát, viên đá Augustinô… Nhiều anh chị em tôi cũng có thể là những viên đá như thế, vậy tôi hãy khoan dung… Ngay cả tôi cũng có thể là như thế, nên tôi hãy trông cậy.
  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Bảy :

Mk 7,14-15.18-20 ; Lc 15,1-3.11-32

A. Hạt giống…

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng nhân từ thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với người tội lỗi :

  1. Bài đọc 1 có câu : “Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển”.
  1. Hình ảnh người Cha trong bài Tin Mừng minh hoạ rất sống động tấm lòng nhân từ bao la đến độ không thể ngờ của Thiên Chúa.
  1. Bởi đó, câu xướng trước bài Tin Mừng mời gọi người tội lỗi hãy an tâm quay về với tình thương tha thứ của Chúa, vì “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”.

B…. nẩy mầm.

  1. Nhà truyền giáo T.R. Stevenson ở Thượng hải kể : một thương gia giầu có ở Quảng đông có hai con trai, người con lớn thường kết bè tụ đảng với bọn bất lương phá phách làng xóm. Một lần, quá túng, hắn dẫn cả một băng về cướp ngay tại nhà mình. Khi tội hắn bị lộ, người cha cho người đến nói với hắn : nếu biết đường cải tà qui chánh thì sẽ được tha. Người nhắn còn bảo đây là lần gia ân cuối cùng của ông chủ. Hắn chầm chậm đứng lên và quay về nhà cha. Một bữa tiệc đón tiếp xem ra cũng vui vẻ, nhưng trong dĩa thức ăn của hắn có bỏ thuốc độc. Hắn chết ngay đêm đó, nhưng người cha không bị ra toà vì theo luật Trung hoa, cha có quyền giết con. Từ câu chuyện này, các nhà truyền giáo thường đem đối chiếu với đoạn 15 Tin Mừng thánh Luca.
  1. Dụ ngôn này giống như một bộ tranh gồm 3 bức. Bức nào cũng đáng ta chiêm ngưỡng :

– Hãy nhìn bức tranh người cha, và chiêm ngưỡng tấm lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa.

– Hãy nhìn bức tranh đứa em, để suy nghĩ về con đường hư đốn của kẻ tội lỗi và con đường trở về của kẻ sám hối.

– Hãy nhìn bức tranh người anh, để thấy cõi lòng “người công chính” có thể trở nên hẹp hòi như thế nào.

  1. Một bà già thường đến gõ cửa phòng Cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, Cha xứ bảo : “Lần sau, nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất ?’, sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.

– Thưa Cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

– Thế bà có hỏi Ngài không ?

– Thưa có chứ.

Cha xứ bắt đầu hồi hộp :

– Bà hỏi thế nào ?

– Thì con hỏi y như Cha đã bảo : “Cha xứ con có tội gì nặng nhất ?”

Cha xứ càng hồi hộp thêm :

– Vậy Chúa có trả lời không ?

– Có chứ.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự :

– Chúa nói sao ?

– Chúa nói : “Ta đã quên hết rồi”

Cha xứ thở phào nhẹ nhỏm (Kể theo Đức Cha Px NVT)

  1. (những mầm khác)