Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 20 Mùa Quanh Năm

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 20 Mùa Quanh Năm

 

Chúa Nhật 20 Thường Niên C.

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Chúa Nhật 20 Thường Niên C

Lc 12,49-53

A. Hạt giống…

Đoạn này có hai ý :

  1. Bằng hai hình ảnh “lửa” và “phép rửa”, Chúa Giêsu nói về tương lai sắp tới (cc 49-50) :

– “Lửa” ám chỉ sự thanh luyện. Chúa Giêsu đến trần gian để thanh luyện trần gian, cho nên Ngài ước mong việc thanh luyện ấy sớm hoàn thành.

– “Phép rửa” ám chỉ cuộc khổ nạn sắp tới : việc thanh luyện ấy chỉ hoàn thành sau khi Ngài chịu nạn chịu chết và sống lại. 

  1. Bằng hai hình ảnh “hòa bình” và “chia rẽ”, Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài (cc 51-53) : Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (x. Is 9,5). Chúa Giêsu xác nhận rằng đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình (Is 9,5tt ; Dcr 9,10 ; Lc 2,14 ; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm : chữ “Hòa bình” có nhiều nghĩa : hòa bình kiểu thế gian và hòa bình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hòa bình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin mừng của Ngài. Thực tế cho thấy là sứ vụ của Chúa Giêsu đã gặp chống đối, và Lời rao giảng của Ngài đã gây ra chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xảy ra ngay trong lòng một gia đình (Lc 2,35 : có chia rẽ, thì tâm tư người ta mới lộ ra).

B… nảy mầm.

  1. Lời Chúa Giêsu nói về sứ mạng của Ngài cũng là một lời khuyến cáo các môn đệ Ngài : Sự kiện Nước Thiên Chúa đến không phải để các môn đệ hưởng thụ một cuộc sống bình an một cách thụ động. Họ sẽ hưởng bình an đấy, nhưng là thứ bình an mà họ phải cố gắng chiến đấu mới đạt được, chiến đấu trong gian truân thử thách, chiến đấu với cả những người thân nhưng không cùng niềm tin với mình. Phaolô và Barnabê đã hiểu như thế, nên đã khuyên các tín hữu rằng : “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa”. (Cv 14,22)
  2. Hòa bình Chúa ban là kết quả của những cố gắng để giải quyết tình trạng “chia rẽ” : a/ Nơi bản thân mỗi người, chỉ có hòa bình thật khi không còn xung đột giữa cái tôi hướng thiện với cái tôi hướng ác ; b/ Nơi gia đình, nơi xã hội và bất cứ nơi nào cũng thế, chỉ có hòa bình thật khi mọi người đều một lòng một ý với nhau.
  3. “Nếu trong tương lai, chúng ta không ký kết được những hiệp ước vững chắc và thành thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng, thì nhân loại, hiện đang gặp nguy cơ trầm trọng dù có một nền khoa học kỳ diệu đi nữa, có lẽ cũng sẽ tiến đến cách thảm khốc tới một giây phút mà nhân loại sẽ không biết hòa bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc”. (Gaudium et Spes, số 82)
  4. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên !” (Lc 12,49)

Báo tuổi trẻ trong bài “Một cái chết bắt đầu cho sự sống” đã viết về anh Nguyễn Đức Minh như sau :

“… Vật vã với cơn đau ngày càng tăng, từ đầu năm anh tìm đến khoa giải phẫu của trường ĐHYD rồi về nhà lập tờ di chúc, trong đó chỉ có ba điều ước mong : hiến xác, đề nghị gia đình không làm đám tang lớn để lấy tiền giúp người khốn khó và dành những vật dụng riêng gồm máy đánh chữ, cassette, ampli, dụng cụ học tập của câu lạc bộ Bừng Sáng và một người bạn cùng cảnh mù. Chị hai của Đức Minh cho biết : “Em tôi lo gia đình không thực hiện lời hứa nên đã bắt cha mẹ ký xác nhận cho xác em mới chịu lên bàn mổ. Trước khi mổ, em còn dặn bác sĩ viện trưởng có gì thì đưa xác em đi ngay để gia đình khỏi đổi ý…”

Mong ước của anh Minh giúp tôi nhận ra được những khao khát của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Thương Khó : “Thầy ước mong phải chi lửa ấy – ngọn lửa yêu thương mà Ngài đã ném vào mặt đất – cháy bùng lên !”.

Giêsu ơi, con cũng muốn sống những thao thức của Giêsu, bằng cuộc sống yêu thương, và dấn thân cho tình yêu. Xin giúp con Chúa nhé ! (Hosanna). 

 

Thứ Hai :

Mt 19,16-22

A. Hạt giống…

Chuyện một ơn gọi thất bại :

– Đối tượng là một thanh niên giàu thiện chí. Vì thiện chí, anh tự tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi cách cho được sự sống đời đời. Qua đối thoại với Chúa Giêsu, anh còn cho biết anh đã tuân giữ tất cả giới răn từ thuở nhỏ.

– Thấy thiện chí của anh, Chúa Giêsu mời anh tiến một bước xa hơn nữa : bán tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi trở lại theo làm môn đệ Ngài.

– Điều này đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Anh không thể đáp ứng được, nên anh buồn rầu bỏ đi.

B…. nẩy mầm.

  1. Mặc dù thanh niên này là một người tốt, nhưng xét cho cùng, anh còn ích kỷ, anh chỉ nghĩ tới thu vào, anh đã có nhiều thứ và còn muốn được thêm chứ không dám mất đi. Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời (nghĩa là anh muốn được cả đời này lẫn đời sau). Khi Chúa Giêsu đề nghị anh bỏ tài sản thì anh từ chối.

Đối với Chúa, nhiều khi phải dám mất thì mới được : mất vật chất để được tinh thần, mất về đời này để được đời sau.

  1. “Tôi phải làm việc lành gì để được sự sống đời đời ?” : Người thanh niên này nghĩ sự sống đời đời là tiền công cho những việc lành. Chúa Giêsu sửa lại cách nghĩ đó : “Sao anh hỏi tôi về việc lành ? Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng tốt lành”. Theo Chúa Giêsu, điều ta phải nhắm là Thiên Chúa tốt lành chứ không phải những việc lành. Làm việc lành mà nghĩ đến mình, mong cho mình được thưởng thì là lệch hướng. Nhắm đúng hướng là làm mọi việc chỉ vì lòng yêu mến Chúa. Kitô giáo không phải là đạo nhằm đến những công việc, mà nhắm đến một Người là Thiên Chúa.
  2. Người thanh niên này đã khá tốt lành, nhưng nếu anh muốn trọn lành thì hãy từ bỏ của cải. Từ đó ta có thể suy ra 2 ý tưởng :

– Sự dính bén với của cải là một cản trở cho việc trở nên tốt lành hơn.

– Sự từ bỏ của cải giúp người ta trọn lành.

  1. Có một vị khổ tu Hồi giáo nọ sống rất gương mẫu. Suốt đời ông chỉ có một thao thức là ra sức chống lại tình dục. Khi ông chết, nhiều người thương tiếc, trong số đó có một đệ tử của ông vì thương tiếc quá nên ngã bệnh và cũng qua đời. Khi tới thế giới bên kia, anh chứng kiến một cảnh tượng làm anh rất hài lòng, đó là có những đàn bà đẹp ở với thầy. Anh chợt nghĩ rằng thầy mình xứng đáng được thưởng như vậy, và anh đến chúc mừng thầy. Thế nhưng vị khổ tu quay lại nhìn anh và nói “Ngươi là một thằng điên. Ta không được thưởng công gì cả. Đây không phải là thiên đàng. Những người đàn bà này cũng đang bị trầm luân như ta mà thôi.

Câu chuyện tưởng tượng trên đây muốn nói với chúng ta rằng sự thánh thiện đích thực không hệ tại lối sống khắc khổ hay tuân giữ một cách nhiệm nhặt những qui định của đạo như ăn chay, hãm mình, đọc kinh, bố thí. Đạo của chúng ta không chỉ là hệ thống luân lý gồm những điều phải làm và những điều phải tránh. Sống đạo không phải là một cuộc thao luyện của ý chí. Đạo của chúng ta là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. (“Mỗi ngày một tin vui”)

  1. Đoạn Tin Mừng này đặc biệt muốn nói với những người hiến thân cho lý tưởng tu trì : sự ham mê và quyến luyến của cải rất không hợp với lý tưởng họ đang theo.
  2. Chúa Giêsu trả lời người thanh niên giàu có : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy theo tôi”. (Mt 19,21)

Hồi còn học cấp III, tôi khao khát nên hoàn thiện, và cố gắng thực hiện biết bao “nguyên tắc” do ba má, thầy cô, bạn bè, sách vở… chỉ dẫn. Sau mấy năm nhọc công, tôi được nhiều người khen ngợi, quý mến và kết thân. Với chính mình, tôi cũng cảm thấy hài lòng hơn. Nhưng tự thâm tâm, tôi đã bắt đầu mệt mỏi trước những đòi hỏi của sự hoàn thiện, nhất là những yêu sách của Phúc Âm : toàn là những cái làm và phải làm. Giữa lúc chán ngán đến mệt nhoài, tôi có dịp đọc lại bài Phúc Âm người thanh niên giàu có. giữa anh thanh niên và tôi, hình như có cái gì rất chung…

Vâng, tôi cũng cần bán tất cả, cần quên đi tất cả những cái tôi làm và phải làm. Điều chính yếu, tôi chỉ cần bước theo Giêsu, Đấng hoàn thiện và để Người chiếm trọn đời tôi. Như thế, con đường nên hoàn thiện ngắn nhất là bám chặt vào Đấng hoàn thiện và để Người chiếm trọn cuộc đời.

Lạy Chúa, chỉ mong Ngài lấy đi. Mong chẳng còn gì gọi là con, nhờ thế, con được gọi Ngài là tất cả của con… (Rabindranath Tagore). (Hosanna)

Thứ Ba :

Mt 19,23-30

A. Hạt giống…

Cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với các môn đệ sau câu chuyện người thanh niên nhà giàu :

– Chúa Giêsu tuyên bố : “Người giàu thật khó mà vào Nước Trời”

– Các môn đệ quá bỡ ngỡ nên than : “Vậy thì ai mà có thể được cứu độ !”

– Chúa Giêsu an ủi : “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”

Sau đó Chúa hứa phần thưởng cho các môn đệ đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài : họ sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nên chú ý : người thanh niên nhà giàu cũng muốn được sự sống đời đời, nhưng vì anh không chịu từ bỏ nên Chúa không hứa gì với anh. Bây giờ các môn đệ đã từ bỏ mọi sự nên Chúa hứa ban cho họ sự sống đời đời ấy.

B…. nẩy mầm.

  1. “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời” : của cải vật chất tuy rất hữu ích cho sự sống đời này, nhưng hoàn toàn vô ích cho sự sống đời đời, có thể còn là một cản trở rất lớn.
  2. “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được” : hãy trình bày với Chúa điều gì hiện tôi không thể làm được, và xin Chúa giúp ta làm điều đó.
  3. Người kia mua của người láng giềng một mảnh đất. Khi đào đất để đổ nền nhà, người đó tìm được một hũ vàng. Vốn là người lương thiện và thành thật, anh mang ngay hũ vàng qua nhà người láng giếng và nói : “Đây là hũ vàng tôi tìm thấy trong mãnh đất ông đã bán cho tôi. Tôi mua đất chứ không mua hũ vàng. Vậy tôi xin trả lại hũ vàng cho ông”. Người láng giềng cũng lương thiện không kém. Ông không nhận hũ vàng và giải thích như sau : “Khi bán miếng đất cho anh, tôi đã có ý định bán tất cả những gì chứa đựng trong đó. Vậy hũ vàng là của anh”. Hai bên cứ nhường nhau mãi cho đến tối mà chưa ai chịu nhận hũ vàng. Rốt cuộc cả hai đồng ý tạm ngưng tranh luận, hẹn hôm sau bàn tiếp.

Nhưng qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, họ đã bị con quỷ tham lam nhập vào lúc nào không hay. Sáng hôm sau hai người gặp lại. Người mua đất liền nói : “Tôi đã suy nghĩ kỹ lại thì thấy lời ông nói hôm qua quả là chí lý : tôi đã mua đất của ông, tất nhiên mọi sự có trong mảnh đất ấy đều thuộc về tôi”. Người láng giếng cãi : “Không phải thế. Hôm nay tôi đã xét kỹ thì thấy lời anh nói hôm qua rất xác đáng : anh không thể nào mua một món đồ mà chính anh không có ý mua. Anh chỉ mua đất chứ không mua vàng. Anh hãy trả lại hũ vàng cho tôi.”

Hai người cãi nhau dữ dội. Từ đó họ không còn là láng giềng tốt của nhau mà trở thành thù địch.

  1. “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Mt 19,29)

Abraham, tổ phụ chúng ta, đã vâng lời Thiên Chúa. Ông đã đem Isaac – con trai độc nhất của mình – mà tế lễ cho Ngài. Còn gì đau khổ bằng chính người cha phải đem giết con trai mình vì bất cứ lý do gì. Thế nhưng, Abraham đã làm được điều đó. Ông đã hy sinh cái quý giá nhất của mình cho Chúa. Thiên Chúa đã thấu hiểu lòng trung thành của ông và Ngài đã ban cho ông không những một người con mà có cả một dòng dõi đông đúc.

 Để tỏ lòng trung thành với Chúa, Abraham tổ phụ đã dâng Isaac ; còn chúng con, chúng con đã hy sinh được gì ? Xin Chúa giúp sức cho chúng con để chúng con biết trung thành với Chúa, và sống hy sinh vì Chúa. (Hosanna)

Thứ Tư :

Mt 20,1-16a

A. Hạt giống…

Dụ ngôn những thợ làm vườn nho. Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn này là 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ :

– Lối suy nghĩ của một số thợ làm nhiều giờ : làm nhiều thì phải được trả công nhiều.

– Lối suy nghĩ của ông chủ : ông trả công vì thương (nhưng không hại đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.

Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người do thái và của Chúa Giêsu :

– Người do thái làm việc đạo đức đề tính công với Chúa. Họ nghĩ họ làm càng nhiều thì Chúa phải ban ơn cho họ càng nhiều.

– Đối với Chúa Giêsu : Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.

B…. nẩy mầm.

  1. Lý lẽ của tình thương nhiều khi không song hành với lý lẽ của công bằng. Trong gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải theo lý lẽ công bằng, theo đúng công lao của chúng, nhưng theo lý lẽ tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối chẳng làm gì được cho gia đình nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ trong gia đình mà cư xử với con cái theo lý lẽ của công bình thì không biết con cái sẽ ra sao ?

Chúa cũng cư xử với chúng ta như thế. Nếu Chúa xử theo công bình thì không biết chúng ta sẽ ra sao ?

  1. Nếu tôi là người thợ làm từ giờ thứ nhất, tôi không nên ganh tị với những người làm từ giờ thứ 11 (những người lương trở lại sau, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại tôi phải nghĩ rằng mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu hơn họ.
  2. Mỗi khi tôi bị cám dỗ viện lẽ công bình để ganh tị với người khác, tôi hãy nghĩ đến câu Thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vũng được !”. Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không cư xử theo công bình mà tôi mới có thể đứng vững. Tôi phải xin Chúa giúp tôi cư xử với mọi người hơn lẽ công bình, vươn tới tình thương.
  3. Một người do thái nọ qua đời. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng nghĩa y học, và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất. Giữa lúc chuẩn bị hạ huyệt, người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, người ta rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kẻ chết sống lại. Thế nhưng vị chủ trì nói với kẻ chết sống lại như sau : “Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.” Nói xong ông truyền đóng nắp quan tài lại và tiếp tục chôn.

Câu chuyện trên đây có lẽ muốn chế diễu tính máy móc, cứng nhắc của nhiều người khi tuân giữ các lể luật tôn giáo cũng như khi cư xử với nhau. (“Mỗi ngày một tin vui”)

  1. “Mấy người sau chót làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi, là những người đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,12)

Trời quá oi bức, cái quạt bàn trong nhà thờ hôm nay lại trục trặc rồi. Nó vẫn quạt mát nhưng lại đứng lì một chỗ mà không quay xung quanh được.

Một người lên xoay nó về phía mình. Chưa đầy hai phút một người khác chạy lên, và tiếp tục xoay nó. Thế rồi một lúc sau một người khác nữa lại chạy lên. Bây giờ tiếng xầm xì nổi lên và người ta bắt đầu tranh chấp. Bỗng từ phía dưới một người lên tiếng : “Tốt hơn, hãy tắt cái quạt máy đi !” Và họ chỉ yên lặng sau khi quạt máy đã tắt hẳn.

Tôi suy nghĩ và tự hỏi : Tại sao đến với Chúa mà người ta vẫn còn tranh chấp, ganh tị ? Nhưng dường như cuộc sống con người thường như vậy. Khi tính ích kỷ đã lấn át, cái tôi ngự trị, người ta chỉ còn nghĩ đến mình, thu vén mọi lợi ích cho mình mà quên đi nhu cầu của tha nhân.

Lạy Chúa, Tình yêu Chúa vượt qua mọi tính toán, xin cho con có một tình yêu như Ngài, để con không dừng lại ở quyền lợi, nhưng dừng ở chính những con người để biết yêu thương. (Hosanna)

Thứ Năm :

Mt 22,1-14

A. Hạt giống…

Dụ ngôn tiệc cưới :

– Tiệc cưới là Nước Trời

– Những khách được mới đợt đầu nhưng từ chối là dân do thái

– Những khách được mời đợt sau là chư dân

Trong dụ ngôn này có hai chi tiết hơi khó hiểu là :

– Vua ra lệnh phá huỷ thành phố của những người không đáp lời mời : ám chỉ việc thành Giêrusalem bị phá huỷ năm 70.

– Một người vào dự tiệc mà không mặc áo cưới nên bị phạt : áo cưới chỉ nếp sống mới. Được gia nhập Nước Trời mà không có một nếp sống mới thì cũng sẽ bị phạt trong ngày phán xét.

B…. nẩy mầm.

  1. So với dân Do thái, chúng ta chính là những người tốt có xấu có vất vơ ở các ngã ba đường nhưng được Chúa mời vào Giáo Hội. Hãy tạ ơn Chúa.
  2. Câu chuyện người không mặc áo cưới là một lời cảnh giác chúng ta : để xứng đáng với tấm lòng của Chúa, chúng ta phải cố gắng hoán cải, có một nếp sống mới. Không phải nguyên việc ở trong Giáo Hội là bảo đảm cho ơn cứu độ đâu. Thánh Phaolô đã kêu gọi hãy từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới.
  3. Tiệc cưới và áo cưới tượng trưng cho những tâm tình cơ bản mà người kitô hữu phải luôn có, đó là hân hoan, vui mừng và yêu thương.

Có người đã tưởng tượng ra thiên đàng và hoả ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hoả ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được nhưng không thể nào đưa vào miệng. Bàn tiệc trên thiên đàng thì cũng y hệt, nhưng khác một điều là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn đưa vào miệng người đối diện. Thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn no nê. (“Mỗi ngày một tin vui”)

  1. Ngày nay chúng ta có thể “đọc lại” (relecture) dụ ngôn này và hiểu đợt khách được mời đợt thứ nhất là chính chúng ta

– “Mọi sự đã sẵn, xin mời đến dự tiệc” : Chúa dọn sẵn cho ta hai bàn tiệc là Thánh Thể và Lời Chúa. Đến đó, chúng ta sẽ được bồi dưỡng mọi thứ cần thiết. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta từ chối.

– Cũng như những người trong dụ ngôn, chúng ta coi việc “đi thăm trại” và “buôn bán” (những việc làm ăn, vui chơi) trọng hơn bàn tiệc của Chúa.

  1. “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời không xứng đáng. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, mời ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22,89)

… Và tiếng còi của trọng tài đã vang lên, kết thúc trận đấu chung kết của khoa.

Và đó cũng là tiếng còi khai mạc cho những tràng vỗ tay, những niềm vui hân hoan của những cổ động viên (là những thành viên trong lớp tôi)

Trước đây tinh thần này không thấy được  trong lớp tôi, các bạn trong lớp chia băng, kết bè ít quan tâm tới việc lớp, chuyện của bạn… mỗi người theo chủ nghĩa “Mackeno” (“mặc kệ nó”)

Đội bóng lớp tôi đã đạt được chức vô địch khoa. Nhưng cao quý hơn nữa là mỗi người đã phá vỡ cái tôi, bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, con người của sự yêu thương, chăm sóc, con người của tình đoàn kết, hoà đồng.

Lạy Chúa, xin cho con biết đến với anh em, xóa bỏ mặc cảm tự ti, để có thể hoà nhịp với dòng người vào tiệc cưới trong nhà Cha. (Hosanna)

  1. Nhà vua sai những đầy tớ khác đi và dặn họ : “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn sàng. Mời quý vị đến dự tiệc cưới. Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới lại bỏ đi…” (Mt 24,4-5)

Kết thúc cuộc chiến, một người lính trẻ đã viết thư về cho cha mẹ báo tin ngày về : “Thưa cha mẹ, con có người bạn từng chiến đấu sống chết với con, nay đã thành kẻ tàn phế. Chiến tranh cướp đi người bạn con đôi tay. Con muốn anh ta sống chung với gia đình mình để con có thêm người bạn.” Người cha đã hồi âm : “Không được con ơi, một người tàn phế như vậy thì có ích gì !” Nhận được thư, người con đã quyết định không bao giờ trở về bởi vì con người tàn phế đó không ai khác, chính là anh !

Khác xa người cha trong câu chuyện, Chúa chẳng bao giờ chối bỏ con. Trái lại, Chúa vẫn tiếp tục gõ cửa nhà từng người chúng con để mời gọi chúng con dự phần vào sự sống  và niềm vui của Chúa, nhưng nhiều khi chúng con đã khước từ. Xin tha thứ và cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tấm lòng của người con thảo. (Hosanna)

Thứ Sáu :

Mt 22,34-40

A. Hạt giống…

Trả lời cho một luật sĩ hỏi “Giới răn nào trọng nhất ?”, Chúa Giêsu đưa ra hai giới răn mến Chúa và yêu người.

Đặc biệt, Ngài nói “Giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất”, và “Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

B…. nẩy mầm.

  1. Những luật sĩ do thái rất thuộc luật và giữ luật rất kỹ, nhưng họ không biết đến cốt lõi của mọi khoản luật là yêu thương. Có thể chúng ta cũng thế : hằng ngày chăm chỉ giữ luật Giáo Hội và luật cộng đoàn, nhưng không có tình mến Chúa và yêu người. Nếu thế thì tất cả đều vô ích.
  2. Có người nói yêu người khó hơn mến Chúa. Dĩ nhiên, vì con người không dễ thương bằng Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu đã coi giới răn thứ hai cũng bằng giới răn thứ nhất.
  3. “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không tể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Ngài : ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,20-21)
  4. Có một tác giả tưởng tượng câu chuyện sau :

Trên đường đi đến miền đất Chúa hứa, Abraham dựng một cái lều để nghỉ chân. Vừa ra khỏi lều, ngài thấy một người hành khất xin giúp đỡ. Động lòng thương, ngài mời người đó vào và làm tiệc thiết đãi. Trước khi ăn tiệc, ngài mời người hành khất cùng dâng lời chúc tụng cảm tạ Chúa. Nhưng vừa nghe thấy tiếng “Chúa”, người ăn mày liền nói lộng ngôn xúc phạm đến Chúa. Abraham nổi giận đuổi người đó ra khỏi lều. Đêm đó, khi Abraham quì cầu nguyện, ngài nghe có tiếng Chúa nói như sau : “Này Abraham, ngươi có biết người ăn mày đó đã nhục mạ Ta 50 năm qua không ? Thế mà mỗi ngày Ta vẫn ban lương thực cho nó. Ngươi không yêu thương cho nó một bữa ăn sao ?”.

Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải là một người cha yêu thương mọi con cái, ngay cả những đứa con bất hiếu ngỗ nghịch. Đồng thời Ngài mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha trên trời, nghĩa là yêu thương mọi người không loại trừ người nào. Đó là tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu : Ngài đến để nói với con người rằng Thiên Chúa yêu thương con người và con người cũng hãy yêu thương nhau. (“Mỗi ngày một tin vui”)

  1. “Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu thương lân cận như chính mình” (Mt 22,39)

Thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu được giao phó trông coi một chị nữ tu lớn tuổi. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà dòng. Đến giờ ăn, Têrêxa phải dìu chị đi xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ cho Têrêxa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêxa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì thánh nữ yêu mến Chúa ; và vì tình yêu Chúa, thánh nữ yêu mến người nữ tu đáng thương này.

Tình yêu đối với Chúa phải được tỏ hiện qua dấu hiệu bên ngoài là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta phải chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không những bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông.

Lạy Chúa, xin cho chúng  con luôn biết yêu thương tha nhân, nhất là những người thân, sống trong gia đình chúng con. (Hosanna)

Thứ Bảy :

Mt 23,1-12

A.Hạt giống…

Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài về các luật sĩ và biệt phái :

  1. Vì họ “ngồi tòa Môsê”, nghĩa là nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ”.
  2. “Nhưng dừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm”. Những gương xấu của họ là :

– Ra luật cho người khác giữ, còn bản thân không giữ.

– Làm những việc đạo đức chỉ cốt cho người ta thấy mà khen.

– Ham danh vọng : ngồi chỗ nhất, thích được chào nơi công cộng, thích được gọi là Rabbi.

B…. nẩy mầm.

  1. Hầu hết những lời Chúa Giêsu kết án các biệt phái ngày xưa đều đúng cho tôi ngày nay :

– Trong cương vị lãnh đạo, phải chăng tôi cũng thường “chỉ tay năm ngón”, bảo người khác làm còn mình thì không làm ?

– Đạo đức bề ngoài : người ta tưởng tôi đạo đức, nhưng trước mặt Chúa tôi có đạo đức thật không ?

– Tôi cũng ham danh vọng và địa vị ?

  1. “Tất cả chúng con đều là anh em với nhau” : người có quyền và người không có quyền, người bề trên và người bề dưới cũng đều ngang nhau trước mặt Chúa. Quyền và chức chỉ là những phương tiện để phục vụ anh em. “Trong chúng con, ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ chúng con”.
  2. “Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên” : các động từ ở thể thụ động “bị hạ xuống” và “được nâng lên” ám chỉ kẻ hạ xuống và nâng lên là chính Thiên Chúa. Đã đành ai ai cũng ghét kẻ kiêu căng và mến người khiêm tốn. Nhưng quan trọng hơn nữa là chính Thiên Chúa cũng hạ kẻ kiêu căng và nâng cao người khiêm tốn.
  3. Vào thế kỷ thứ 12, tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó Thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện. Ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài. Ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ. Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp. (“Mỗi ngày một tin vui”)

 

print