Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 4 Mùa Chay

print

HGNM TUẦN 4 MÙA CHAY

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

Thứ Hai :

Is 65,17-21 ; Ga 4,43-54

 

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 : Ngôn sứ Isaia phác hoạ bức tranh hạnh phúc thời Messia : “Này Ta tác tạo trời mới đất mới… Từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa… sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu, không còn người già chết sớm nữa…”. Dĩ nhiên ta không nên hiểu những hình ảnh này theo nghĩa đen. Chúng chỉ đến hạnh phúc được tham gia sự sống thần linh của Thiên Chúa.
  2. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện điều mà Isaia tiên báo. Ngay cả một người ngoại như viên sĩ quan triều đình cũng được hưởng hạnh phúc ấy : con trai ông sắp chết nhưng được Chúa cho sống lại. Lý do là vì ông đã tin, một đức tin mạnh đến nỗi ông vâng lời Chúa ra về trước khi thấy Ngài chữa bệnh cho con ông. Ông tin chỉ vì nghe mặc dù chưa thấy.

 

B…. nẩy mầm.

1a. Tin Mừng theo Thánh Gioan trình bày hai cấp độ tin : tin vì thấy, và tin chỉ vì nghe. Chúa Giêsu muốn người ta Tin ở mức độ thứ hai. Chính các tông đồ mãi tới lúc Chúa Giêsu sống lại mới đạt tời đức tin như thế khi Tôma tuyên xưng đức tin mà không còn đòi phải xỏ ngón tay vào các vết thương của Chúa nữa. Khi đó Chúa nói “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”. Trong bài Tin Mừng này, lúc đầu Chúa cũng nói “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Phần tôi, đức tin của tôi đang ở cấp độ nào ? Tôi có tin nhiều điều Chúa nói nhưng tôi chưa thấy hoặc chưa có dịp kiểm chứng không, chẳng hạn : Chúa rất thương tôi, Chúa đang sống bên cạnh tôi, Chúa sẽ nâng đỡ tôi trong những lúc gian truân, hãy hoàn toàn phó thác vào Ngài vì Ngài sẽ che chở tôi… ?

1b. Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông : Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế la lấy hết sức lực, người vô thần la lớn : “Lạy Chúa”. Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một  lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn : “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa.” Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao : “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế.” “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.” Tiếng ấy trả lời : “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.”  Người vô thần thất vọng thốt lên : “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao !”  (Trích ”Món quà giáng sinh”)

2a. Một câu thường được lặp đi lặp lại mãi trong Tin Mừng Ga, đó là “Tin để sống”. Chúa Giêsu thường kêu gọi người ta tin, bởi vì Ngài muốn cho người ta sống. Ngài đến để cho người ta sống và sống dồi dào. Tin vào Lời Ngài chính là nguồn ban sự sống ấy.

2b. Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.

Có lẽ đời ta cũng vậy. Nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa.

3a. Sự sống thần linh quan trọng hơn sự sống thể xác. Tôi có quan tâm gia tăng sứ sống thần linh ấy trong tôi không ? Ta múc lấy sự sống thần linh ấy khi đến với Chúa, khi cầu nguyện, khi rước lễ…

3b. Một bà đạo đức áy náy vì một vài tật xấu bà đã cố gắng hết sức mà vẫn không chừa được. Ban đến than thở với cha linh hướng. Ngài nói : “Con có để ý thấy không, vào mùa đông, lá sồi rụng nhiều, nhưng vẫn còn vài chiếc. Gió đông thổi mạnh cũng không làm chúng rụng xuống. Nhưng khi mùa xuân đến, chúng tự động rụng nhường chỗ cho lá non mẩy lộc. Vậy cái gì làm cho chúng rơi rụng ? Thưa đó là sự sống mới lưu chuyển trong thân cây. Với chúng ta cũng vậy, khi sự sống mới của đức Kitô nảy nở trong đời sống, ta sẽ mau thăng tiến trên đường đạo đức.” (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Ba :

Ed 47,1-9.12 ; Ga 5,1-3a.5-16

 

 

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 : Sách Bài đọc Phụng vụ đã tóm thị kiến của ngôn sứ Êdêkien lại thành một câu “Tôi đã thấy nước từ bên phải đến thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi”.
  1. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu chính là nguồn nước cứu rỗi ấy. Người bất toại nằm chờ bên hồ Bétsaiđa đã 38 năm nhưng chưa có cơ hội xuống được nước hồ để khỏi bệnh. Chúa Giêsu chỉ cần nói một câu “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về” thì tức khắc anh khỏi bệnh.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa Giêsu thường “là cà” ở những nơi có những người khốn khổ, để chia xẻ với họ, an ủi họ, giúp đờ họ và nếu họ tin thì cứu chữa họ. Có phải đó cũng là những nơi tôi thường tới không ? Trong Mùa Chay, Chúa muốn tôi thay mặt Chúa để đến những nơi đó, tới với những người đó…
  1. “Thưa Ngài tôi không được ai đem xuống hồ”. Đó cũng là tiếng than ngày hôm nay của biết bao người đau khổ trong thể xác và trong tâm hồn. Họ không được ai đem họ đến với Chúa là nguồn nước trị mọi bệnh tật hồn xác. Frédo Krumnov, một tông đồ giáo dân, một vài tuần trước khi chết đã chia xẻ tâm tư của một người bệnh sắp chết như sau : “Người còn khoẻ mạnh không thể nào hiểu được tâm hồn người bệnh nặng sẵn sàng cởi mở đón Chúa như thề nào đâu…” (Croire, trang 134. Nxb Ouvrières)
  1. “Phép lạ xảy ra cho người bất toại trong Tin Mừng hôm nay có thể là hình ảnh của lòng tin cần được thanh luyện. Từ 38 năm qua, con người tàn tật này chờ một phép lạ, nhưng một phép lạ gắn liền với một hiện tượng bên ngoài là nước hồ lay động đã không bao giờ xảy đến. Chỉ khi người tàn tật này gặp gở Chúa Giêsu, xưng thú nỗi bất lực của mình và tin tưởng ờ lời Ngài thì lúc đó phép lạ mới thực sự được thực hiện” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  1. Một đức tin nhỏ sẽ đưa linh hồn bạn vào thiên đàng ; một đức tin lớn sẽ đưa thiên đàng vào linh hồn bạn (H. Spurgeon).
  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Tư :

Is 49,8-15 ; Ga 5,17-30

 

 

A. Hạt giống…

  1. Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp theo đoạn hôm qua : vì Chúa Giêsu chữa bệnh cho người bất toại vào ngày sabát nên một số người do thái trách Ngài đã làm việc trong một ngày lẽ ra phải nghỉ việc. Trả lời cho họ, Chúa Giêsu nói “Cha Ta làm việc liên lỉ. Ta cũng làm việc như vậy… Điều gì Chúa Cha làm thì Chúa Con cũng làm y như vậy”.
  1. Bài đọc 1 (trích sách Isaia) có thể giúp ta hiểu công việc mà Chúa Cha và Chúa con vẫn làm liên lỉ là gì : đó là việc xót thương, cứu giúp loài người, nhất là những người cùng khổ. Giống như một người mẹ không bao giờ ngưng thương con cái mình : “Nào người mẹ có thể quên con mình được chăng ? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng ta không quên ngươi đâu”.

B…. nẩy mầm.

  1. Trái tim không bào giờ ngừng đập, tình thương không bao giờ ngơi nghỉ. Thiên Chúa và Chúa Giêsu vẫn liên lỉ làm những việc tình thương. Nhưng phần con người thì lại có câu “Tình thương mệt mỏi” !
  1. Trong ngày sabát hoặc ngày Chúa nhựt bây giờ, chúng ta nghỉ bớt những việc khác, để có thể càng làm nhiều việc bác ái hơn. Nói cách khác, trong ngày đó, ta nghỉ những việc làm cho mình, để làm những việc cho người khác.
  1. Chúa Giêsu tỏ ra là một con người rất tự do vì Ngài không bị ràng buộc bởi tập tục ngày sabát. Nhưng sự tự do này xuất phát tự một sự lệ thuộc : “Ta không thể tự mình làm điều gì… vì Ta không tìm ý riêng Ta mà tìm ý Đấng đã sai Ta”. Như thế, bài Tin Mừng hôm nay là một sự nghịch lý : Tự do nhờ lệ thuộc ý Thiên Chúa. Khi con người lệ thuộc hoàn toàn vào ý Thiên Chúa thì con người sẽ tự do, ngược lại khi con người không theo ý Thiên Chúa thì con người sẽ thành nô lệ cho rất nhiều thứ khác. Ta hãy suy nghĩ thêm về cái nghịch lý này.

3b. Một  thiếu niên đi xem đấu bóng với cha sở, nói với cha rằng anh không thích vâng phục. Anh nói : ”Thưa cha, con rất ghét ai bảo phải thế này, thế nọ. Không có tự do trong việc này”.

Cha sở không nói một lời. Liền sau đó, họ gặp một biển chỉ đường chỉ hướng đi tới sân chơi. Cha sở làm như không thấy. Cậu bé la lên : “Chúng ta đi sai đường ! Thưa cha, cha không thấy dấu đằng kia à !”.

Cha sở bình tĩnh trả lời : “Cha thấy chứ, nhưng cha nghĩ đường này xem ra tốt hơn, và cha ghét bị chỉ bảo đi đường này đường kia bởi một biển chỉ đường cũ kỹ. Nó không cho cha tự do hành động”.

Cậu bé nhận ra bài học, và họ vòng trở lại đi vào hướng sân chơi. (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Năm :

Xh 32,7-14 ; Ga 5,31-47

 

 

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 mô tả ông Môsê là một người rất có uy tín đối với Chúa. Khi dân Israel đúc tượng con bê vàng, Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ muốn tiêu diệt họ. Nhưng nhờ Môsê cầu xin, Thiên Chúa đã nguôi giận và không phạt họ nữa.
  1. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận với những người biệt phái sau việc Ngài chữa một người bất toại vào ngày sabát. Ngài đã nói với họ rằng sở dĩ Ngài làm việc trong ngày sabát là vì Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài (bài Tin Mừng hôm Thứ Tư). Họ không tin. Chúa Giêsu lại nói : chính Thánh Kinh và Môsê (phải hiểu là Cựu Ước) làm chứng rằng Ngài chính là Messia, Con Thiên Chúa. Nếu họ tin Môsê thì họ phải tin lời chứng của Môsê.

B…. nẩy mầm.

1a. “Trong khi toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” (“Mỗi ngày một tin vui”). Tại sao có thảm kịch này ? Vì người do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc sách thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.

1b. Một thợ săn lạc trong rừng nhiều lần. Một người bạn mua cho anh một la bàn. Dù vậy, anh thợ săn trẻ vẫn bị lạc. Khi tìm thấy, người bạn hỏi xem anh có mang theo la bàn. Anh bảo có.

  – Tại sao anh không dùng nó ?

  – Tôi không dám. Tôi muốn đi về hướng Nam và cố giữ cho kim chỉ hướng Nam, nhưng không được. Nó luôn lắc quanh và chỉ hướng Bắc.

  Nhiều người mong Thánh Kinh chỉ hướng họ muốn đi, hơn là hướng Thánh Kinh muốn họ đi. (Góp nhặt)

1c. Có lần, nhà văn Mark Twain nói : “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh Kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh Kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu.”

  1. Muốn đọc Sách Thánh mà thấy được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.
  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Sáu :

Kn 2,1a.12-22 ; Ga 7,1-2.10.25-30

 

 

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 trích sách Khôn ngoan nói lên một sự thật phũ phàng là kẻ gian ác không thích người công chính và bách hại người công chính. Bởi vì sự hiện diện và việc làm của người công chính càng làm lộ rõ sự gian ác của chúng, cụng như ánh sáng soi rõ những chỗ dơ dáy xấu xa trong các xó kẹt tối tăm.
  1. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu chính là người công chính bị quân gian ác bách hại. Để khỏi mang tội giết Đấng Messia, họ lý luận rằng Đấng Messia phải có nguồn gốc lai lịch rõ ràng, còn Chúa Giêsu thì họ không biết xuất thân từ đâu. Nhân đó Chúa Giêsu nói cho họ biết lai lịch và nguồn gốc của Ngài là Chúa Cha “Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Nhưng nói như thế càng khiến họ muốn giết Ngài hơn. Tuy nhiên hiện giờ “họ chưa làm gì Ngài được vì chưa tới giờ Ngài”.

B…. nẩy mầm.

  1. Người công chính thường bị kẻ gian ác bách hại. Tôi có thể áp dụng cho mình câu này về cả hai vế :

– Hãy tự hỏi tôi có phải là kẻ gian ác đang bách hại những anh chị em tôi vì họ công chính hơn tôi không ?

– Tôi có sẵn sàng chấp nhận những bách hại của kẻ khác để kiên trì sống theo lý tường công chính không ?

  1. Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái kéo dài rất dai dẳng nhưng Ngài cũng chẳng làm cho họ tin Ngài được, trái lại càng ngày họ càng muốn giết Ngài. Cái gì đã khiến họ khó tin vào Chúa Giêsu như thế ? Thưa chính là vì họ tưởng họ biết quá rõ về Thiên Chúa và về Đấng Messia của Thiên Chúa : họ tưởng họ biết Thiên Chúa là ai, Đấng Messia từ đâu đến, biết rành Thánh Kinh, biết rất rõ luật Môsê… Tất cả những gì ở ngoài cái khung hiểu biết ấy của họ thì họ đều coi là sai lạc, là từ Xatan… Tôi có nghĩ rằng tôi đã biết tất cả về Chúa và về ơn cứu độ không ? Tôi có sẵn sàng và ngoan ngoãn để Chúa dạy tôi những điều bất ngờ không ?
  1. Một lý do nữa khiến các thượng tế, luật sĩ và biệt phái tìm giết Chúa Giêsu là vì Ngài là một cái gai làm họ khó chịu. Phải chăng tôi không bị cám dỗ bởi ý muốn dẹp bỏ những người làm tôi khó chịu, vì họ không giống tôi, vì họ dám nói ra những chỗ yếu kém của tôi, hay chỉ vì họ khá hơn tôi khiến sự hiện diện của họ làm cho tôi bị lu mờ đi… ?
  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Bảy :

Gr 11,18-20 ; Ga 7,40-53

 

 

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc 1 : Hôm qua chúng ta đã nghe một đoạn sách Khôn ngoan nói về việc người công chính bị kẻ gian ác bách hại. Hôm nay, ngôn sứ Giêrêmia cũng lặp lại ý tưởng đó. Người công chính thường bị bách hại, đó là một chủ đề lớn của Cựu Ước. Chúa Giêsu cũng không được miễn khỏi “đinh luật” khắt khe đó.
  1. Bài Tin Mừng : Càng ngày, Chúa Giêsu càng tiến gần đến lúc nguy hiểm. Dân chúng trước đây cách chung ủng hộ Ngài nay hoang mang, kẻ thì nói Ngài là Đấng Kitô, kẻ khác không còn tin nữa, vì theo những kẻ này Đức Kitô không xuất thân từ Galilê mà phải xuất thân từ Bêlem thành của Đavít. Các thượng tế và biệt phái thì nòng lòng muốn bắt Ngài. Gamaliên lên tiếng bênh vực Ngài thì bị chụp mũ là đồng bọn Galilê với Ngài.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa Giêsu đã trở nên một dấu hỏi lớn. Mỗi người phải tự tìm một câu trả lời cho câu hỏi “Giêsu là ai ?”. Câu trả lời của tôi thế nào : đối với tôi, Giêsu là Đấng để tôi chạy tới xin ơn ? Là Đấng nhân từ luôn thông cảm tha thứ ? Là người rắc rồi hay đặt vấn đề cho lương tâm tôi ? Là Đấng mà tôi phải trung thành đi theo, cho dù phải theo trên con đường thập giá ?
  1. Trong khi nhiều người chống đối Chúa Giêsu, nhiều người khác hoang mang không xác định rõ lập trường, thì Gamaliên đã can đảm lên tiếng bênh vực Ngài. Chung quanh chúng ta ngày này cũng có nhiều người chống đối hoặc chưa hiểu Chúa Giêsu. Tôi có can đảm như Gamaliên không ?
  1. “Blondin là một trong những tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác Niagara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh quay sang hỏi một cậu bé đứng gần đó : “Em có tin là tôi có thể mang một người trên vai và đi xuyên qua dòng thác không ?” Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, cậu bé thét lên “Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai thì em đã lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự đảm bảo của người biểu diễn.

Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu “Phần các con, các con bảo ta là ai ?”. Cũng như Phêrô khi đại diện cho các tông đồ, chúng ta sẽ trả lời “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng trong thực tế, thái độ sống của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta chưa là những kitô hữu thực sự, nghĩa là chưa tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa.” (“Mỗi ngày một tin vui”).

  1. (những mầm khác)