Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 4 Mùa Phục Sinh

print

Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 4 Phục Sinh                                                 

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Ga 10,1-10

 

A. Hạt giống…

Sang đơn vị nói về Mục tử tốt lành. Bài giáo lý thứ 3 : sống dưới sự dẫn dắt của Chúa Giêsu là Mục tử tốt lành.

Đoạn Tin Mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên :

– “Ai không qua cửa chuồng chiên mà vào thì là quân trộm cướp” : Chúa Giêsu ám chỉ những người biệt phái và luật sĩ. Họ không được Thiên Chúa ủy nhiệm, họ chỉ dành quyền lãnh đạo tôn giáo, không phải để mưu cầu lợi ích cho dân, mà để tìm vinh dự và quyền lợi riêng.

– “Ta là cửa chuồng chiên” : Chúa Giêsu là mục tử đích thực của dân. Ngài đi vào đường hoàng, được người canh gác mở cửa cho, gọi tên từng con chiên, chiên quen tiếng nên đi theo, Ngài dẫn chúng đi ăn…

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa chúng ta không phải là một Thiên Chúa cao vời xa cách, mà là một Thiên Chúa rất gần gũi yêu thương, như một mục tử sống sát với đàn chiên, hiểu biết, yêu thương, chăm sóc từng con chiên một… Giả như tôi có là một con chiên yếu đau, què quặt, Chúa đã biết và vẫn thương tôi, hơn nữa còn chăm sóc tôi đặc biệt hơn những chiên khác. Vì thế tôi nên phó thác sống theo sự dẫn dắt của Ngài.
  2. Từ lâu, tôi vẫn cứ ấm ức không hiểu tại sao khi minh họa chân dung mình trong dụ ngôn Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu lúc thì ví mình như Mục tử, lúc lại ví mình như cửa chuồng chiên. Gần đây, một cuốn sách đã giải tỏa cho tôi thắc mắc đó. Sách viết : một du khách đến Palestin, gặp được một mục tử đang làm việc tại một trại cừu. Người đó chỉ cho du khách thấy cảnh vật biến ảo của cánh rừng. Thấy thế, du khách hỏi : “Đó là trại cừu, kia là bấy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu ?” Người mục tử hỏi lại : “Cửa hả ? Chính tôi là cửa. Ban đem tôi nằm giữa lối đi này. Không một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác tôi.” Thế đó, đức Giêsu đâu có lẫn lộn khi trình bày chân dung mình : Ngài vừa là mục tử vừa là cửa vào. (Góp nhặt)
  3. “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.”

“Tôi xin chọn Người làm gia nghiệp tôi mãi mãi. Trọn đời tôi trót cả đời tôi, trọn tuổi xuân, dâng cả tình yêu luôn với ước mơ… ” Đối với tôi, đó không chỉ là một bài hát, là những nốt nhạc, những là tâm nguyện, là cuộc đời của một chàng trai đã dám từ bỏ tất cả : tương lai rực rỡ, một người yêu tuyệt vời và cả những cuộc vui cùng bè bạn, để bước theo tiếng Chúa gọi.

Đã bao lần tôi muốn quyết định… những rồi lại thôi. Muốn đặt bước chân mình lên bước chân Người, định đưa tay tôi ra để Người nắm lấy và dẵn tôi đi, nhưng lại hèn nhát rụt tay lại.

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con, và xin cho con biết đón nhận thánh ý Người.  (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Ba :

Ga 10,22-30

 

A. Hạt giống…

Tiếp bài giáo lý sống theo sự dẫn dắt của Chúa Giêsu :

Chúa Giêsu là mục tử : “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi cho chúng được sự sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất”

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Con chiên ta thì nghe tiếng ta. Ta biết chúng và chúng theo ta”. Phụng vụ đang dạy chúng ta sống dưới dự dẫn dắt của Chúa Giêsu mục tử tốt lành. Muốn thế, ta phải “nghe tiếng” Ngài và “đi theo” Ngài.
  2. Ở Phi châu, có một bộ tộc khá kì lạ. Họ không bao giờ đếm, không ai biết tí gì về toán học. Có người hỏi một người dân bản địa có bao nhiêu cừu. Anh đáp : không biết. “Vậy nếu lỡ mất một hai con, làm sao anh biết ? “Câu trả lời thật ý nhị : “Không phải tôi mất một con số, mà mất một bộ mặt.” (Góp nhặt)
  3. “Chúa là mục tử… tôi không sợ chi, tôi không thiếu gì”

Suốt đời tôi, tôi rất sợ chết, cho đến ngày một đức con tôi về với Chúa. Trong lễ nghi an táng cháu, cha sở kể câu chuyện sau : “Một mục tử dẫn bầy chiên đến bờ sông. Nhìn dòng nước chảy xiết, tự nhiên là bầy cừu sợ hãi. Người mục đồng không làm sao hối thúc chúng qua được. Cuối cùng, ông lựa ra một con cừu non, cùng đi với nó xuống dòng nước và dẫn nó qua bờ bên kia. Khi cừu mẹ thấy con mình ra đi, nó quên cả sợ hãi phóng theo. Và thế là cả bầy cừu nối đuôi nhau theo sự hướng dẫn của người mục tử.

Một mai có phải theo con tôi về với Chúa, tôi chẳng sợ. (Góp nhặt)

  1. “Con chiên ta thì nghe tiếng ta. Ta biết chúng và chúng theo ta”

Trong phim “giai điệu hạnh phúc” (la Mélodie du bonheur), cô Marie đã đem tình thương và hạnh phúc đến cho gia đình viên đại úy. Cô đã cảm hoá được những đứa con của ông, chia sẻ và cảm thông với chúng. Cô đến với từng đứa trẻ, hiểu rõ tính nết và cả những  khát vọng của chúng. Từ những  đứa trẻ ngỗ nghịch và bướng bỉnh, chúng đả trở nên ngoan hiền, dễ thương. Chúng cũng cảm thấy phải yêu thương và nghe lời cô chỉ bảo.

Hình ảnh của cô đã để lại trong tôi một ấn tượng hết sức tốt đẹp về người mục tử. Chúa Giê-su là vị mục tử nhân hậu và tốt lành. Ngài không những biết và biết rõ từng con chiên mà còn yêu thương chăm sóc và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Ngài đã sống lại và trở nên nguồn sống của đoàn chiên.

Phần tôi, một con chiên trong đàn, tôi cũng được Ngài yêu thương và chăm sóc vỗ về, nhưng tôi còn biết quá ít về Ngài và chưa theo Ngài trọn vẹn.

Lạy Chúa, xin cho con cảm mến sự ngọt ngào của đồng cỏ xanh và dòng suối mát, để được no thoả trong tình yêu của Ngài. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Tư :

Ga 12,44-50                

 

A. Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 4 : đi theo ánh sáng Chúa Giêsu

Chủ đề Ánh sáng là một chủ đề lớn trong Tin Mừng Gioan. Ngay từ bài tiền ngôn, Gioan đã viết : “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”. Việc Chúa Giêsu giáng thế cũng như một luồng ánh sáng đến trong đêm tối. Và rồi sau một thời gian Chúa Giêsu sống với loài người, một số đã đến với Ngài, nhưng một số vẫn chối từ Ngài. Bài Tin Mừng này là phần cuối sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài nhắc lại : “Ta là sự sáng đã đến thế gian…”.  Những ai không đón nhận Ngài tức là tự ý ở trong tối tăm, ấy là án xét xử họ do chính họ tự xử lấy.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Sống ở đời là sống trong cảnh tranh tối tranh sáng. Ngay trong lòng ta cũng có bóng tối và ánh sáng phân tranh. Nhiều khi ta cứ lưỡng lự trước những sự chọn lựa, nửa muốn chọn theo sáng, nửa muốn chọn theo tối. Là Kitô hữu, ta phải tập quen chọn hành động theo sự sáng.
  2. Người đời hay mê lầm : có người nghĩ rằng trong cuộc sống không gì quan trọng bằng tiền bạc, người khác nghĩ không gì quan trọng bằng lạc thú, người khác nữa nghĩ điều quan trọng nhất là địa vị… Tại vì họ không được ánh sáng Chúa soi dẫn. Bởi thế Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy theo ánh sáng của Ngài.
  3. Một hôm, vị đạo sĩ hỏi các đệ tử : làm sao có thể biết được là ngày đã đến và đêm sắp kết thúc ? Mỗi đệ tử thứ nhất trả lời một cách khác nhau nhưng không câu trả lời nào làm ông hài lòng. Sau cùng ông nói : “Khi chúng ta nhìn vào người bên cạnh, nếu chúng ta có thể nhìn người đó như người anh em chúng ta, thì lúc đó là ngày cho chúng ta, nhưng bao lâu chúng ta chưa đạt được điều này thì chúng ta sống trong đêm tối” (Góp nhặt)
  4. Chúng ta phải sống như con cái sự sáng, không phải chỉ vì lợi ích cho chúng ta, mà còn để cho đời này bớt tăm tối. Thánh Phaolô khuyên : “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời thế gian”.
  5. Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cà trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách : ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quấn áo. Nhờ có ánh sáng, ta mới thấy được sự vật quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại ; Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn : ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa, nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối ; Nếu không có ánh sáng, sinh vật không lớn lên được và sẽ chết dần mòn… Bởi thế người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng (Frank Mihalic).
  6. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Năm :

Ga 13,16-20

 

A. Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 5 : Chủ đề Đón nhận.

Trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ, Chúa Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho mọi kitô hữu : hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình : “Ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy ; và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”

 

B…. nẩy mầm.

  1. “No man is an island”, đó là tựa đề một quyển sách (Không ai là một hòn đảo). Ai sống cũng có những người khác sống chung quanh. Cuộc sống đầy những dịp gặp gỡ. Khi tôi đến gặp ai, nếu người ta lạnh nhạt với tôi, tôi có khó chịu không ? Thế thì tại sao khi người ta đến với tôi, tôi lại không đón nhận. Huống chi Chúa Giêsu còn muốn tôi coi những người đến với tôi là do Chúa sai đến.
  2. Sau khi lãnh Bí tích Rửa tội, người kitô hữu gia nhập một cộng đoàn gồm những anh chị em mới trong Đức Kitô, và những người lãnh đạo thay mặt Chúa hướng dẫn mình. Đó là những người mà Chúa sai đến với mình và Chúa muốn mình đón nhận. Tôi đã đón nhận anh chị em như thế nào ? Tôi có luôn vui vẻ đón nhận sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm hướng dẫn tôi không ?
  3. Đón tiếp hay đón nhận đòi tôi phải hy sinh thời giờ, công việc và có khi của cải tiền bạc nữa. Không muốn hy sinh những thứ đó thì không phải là đón tiếp và đón nhận, hoặc chỉ là đón tiếp cách thờ ơ lãnh đạm.
  4. Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.

 Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng  anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người  thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

 Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

 Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh : “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay” (Trích “Món quà giáng sinh”)

  1. “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy ; và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”

Chị tôi có một anh bạn cùng lớp. Tôi không ưa kiểu nói năng gàn dở của anh. Một hôm anh đến chơi, chị nhờ tôi pha nước. Mê coi ti-vi, bực mình vì quấy rầy, tôi đã pha cho anh ly nước mật chua và khoái chí khi thấy bộ mặt nhăn nhó của anh.

Chúa đã phục sinh gần hai ngàn năm, nhưng con người vẫn cứ ngụp lặn trong thế giới cũ mèm của hận thù, đố kỵ. Thế giới này sẽ đẹp hơn, nếu như mọi người biết bao dung và khoan dung cho nhau, yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

Lạy Chúa, xin giúp con hiểu rằng, mỗi người con gặp là một sứ giả của Chúa, Người mang đến cho con bài học về lẽ yêu thương. Xin cho con luôn biết yêu thương đón tiếp họ, để cả hai chúng con được sống trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Sáu :

Ga 14,1-6                           

 

A. Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 6 : Chúa Giêsu là đường.

Cũng trong khung cảnh bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đang nói cho các môn đệ những lời rất thân tình, tha thiết. Ngài báo cho họ biết Ngài sẽ ra đi, đi đến một nơi mà họ rất lạ. Nhưng Ngài hứa sẽ trở lại đón họ để cũng đưa họ đến nơi đó. Ông Tôma tò mò hỏi “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi ?” Chúa Giêsu đáp : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Nghĩa là : mục tiêu cuộc hành trình của mọi người là về với Thiên Chúa là Cha ; Chúa Giêsu chính là người dẫn đường, hơn nữa Ngài chính là con đường dẫn ta đến đó.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Sinh ký, tử quy”, sống là gởi, chết là về. Đời này không phải là quê hương mà chỉ là nơi chúng ta gởi thân trong một khoảng thời gian nào đó. Khi chết, chúng ta sẽ về quê hương thật. Đó là chân lý. Nhưng nhiều người quên hẳn chân lý đó, họ sống ở trần gian như là đang ở quê hương vĩnh viễn, không hề nghĩ tới lúc phải rời bỏ cái “ký túc xá” này, không hề nghĩ tới nơi mình sẽ về.
  2. Một người nói chuyện với bạn là một Kitô-hữu già cả : “Tôi sợ rằng anh gần đất xa trời rồi !” Người kia nhẹ nhàng đáp : “Tôi biết chứ, nhưng nhân danh Chúa, tôi không sợ, mà tôi còn đặt hi vọng vào đó.” (Góp nhặt)
  3. Sống là hành trình. Mà hành trình thì phải hướng đến một điểm tới. Trong cuộc hành trình tới một nơi tôi chưa từng biết, nếu tôi tự hướng dẫn thì dễ lạc đường ; tôi đi theo sự hướng dẫn của người khác thì có thể khá hơn ; nhưng không gì bảo đảm bằng hành trình theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu : “Không ai lên trời được ngoại trừ Con Người Đấng đã từ trời xuống” (Ga 1,13).
  4. Lạy Chúa, nhiều khi con lo lắng về tương lai, không biết đời con sẽ về đâu. Chúa bảo “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Tương lai, hãy để Chúa dẫn dắt. Chúa dẫn con dần đến cái chết, không, đúng hơn là Chúa dẫn con ngày càng tới gần với Chúa Cha. Chúa dạy con hằng ngày sống như Con của Cha và như anh em của mọi người. Đó là con đường mà nếu con đi thì chắc chắn con sẽ đến Nhà Cha trên trời.
  5. Một Kitô-hữu già cả sắp chết. Một người đến nói :

– Con đọc cho cụ nghe một câu Thánh Kinh ngọt ngào nhất nhé  !

– Vâng.

– “Trong nhà Cha có nhiều chỗ… Ta đi dọn chỗ cho các con”

– Không, đó không phải là câu ngọt ngào nhất. Đọc tiếp đi

– “…Ta sẽ trở lại để Ta ở đâu các con cũng ở đó với Ta”

– Đó mới là câu ngọt ngào nhất. Điều tôi cần, không phải là một chỗ, mà là chính Chúa. (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Bảy :

Ga 14,7-14

 

A. Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 7 : Chúa Giêsu là mặc khải của Chúa Cha.

Tiếp tục những lời thân tình của Chúa Giêsu trong bầu khí bữa tiệc ly. Philipphê xin : “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu đáp : “Ai Thấy Thầy là xem thấy Cha”

 

B…. nẩy mầm.

  1. Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi tín hữu. Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng đó : “Ai Thấy Thầy là xem thấy Cha”. Nhìn Chúa Giêsu, ta có thể biết Chúa Cha như thế nào : nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với kẻ tội lỗi… Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.
  2. “Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Chúa Giêsu nói tới sức mạnh và năng lực kỳ diệu Ngài sẽ ban cho kẻ tin vào Ngài. Các vị Thánh đã tin và đã làm được những phép lạ như Chúa Giêsu. Tôi có tin không ?
  3. “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy. Chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10)

Có một vị ẩn sĩ sống rất khiêm tốn và khó nghèo. Ngày kia, một thiên thần đến nói với Ngài : “Chúa sai tôi đến gặp ngài, ngài có thể xin bất cứ điều gì ngài muốn. Vậy, ngài có muốn được ơn chữa bệnh không ?” Vị ẩn sĩ trả lời : “Không thà để chính Chúa chữa trị thì tốt hơn”. Thiên thần lại đề nghị : “Hay ngài có muốn trở thành mẫu gương để người khác nhìn vào mà sống tốt hơn không ?”. Ẩn sĩ khiêm tốn nói : “Không, bởi như thế, tôi sẽ trở thành trung tâm của sự chú ý”

Cuối cùng thiên thần nói : “Ít nhất ngài nên xin một điều gì đó, vì Chúa muốn thế”

– “Vâng, tôi xin điều này : xin cho mọi việc thiện được thực hiện qua tôi mà tôi không hề hay biết”. Thế là lời ước của ẩn sĩ thành sự thật, Thiên Chúa ban cho cái bóng của ngài có được mọi thứ quyền năng. Nơi nào có bóng ngài đi qua người bệnh được khỏi, niềm vui thay cho sầu khổ và đất đai trở nên phì nhiêu. Nhưng ẩn sĩ không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chỉ chú ý tới cái bóng đến độ quên hẳn ngài.

Xin cho biết sống như Thánh Gioan Tẩy Giả “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. (Epphata)

  1. (những mầm khác)