Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 5 Phục Sinh

print

Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 5 Phục Sinh             

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

Thứ Hai :

Ga 14,21-26

A. Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 8 : về Ba Ngôi Thiên Chúa

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nhắc tới cả 3 ngôi Thiên Chúa : “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ…. Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến… Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

Như thế, giáo lý cơ bản về Ba Ngôi là :

– Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con đến với loài người

– Chúa Con vâng lời Chúa Cha đến với loài người để dạy loài người những lệnh truyền

– Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, để dạy loài người hiểu sâu hơn những lệnh truyền của Chúa Con.

Thái độ con người phải có đối với Ba Ngôi :

– Yêu mến Chúa Con nên tuân giữ những điều Ngài dạy.

– Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ làm điều đó

– Kết quả : Ba Ngôi sẽ “yêu mến”, “tỏ mình ra” và “ở trong” người ấy.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Làm kitô hữu là được gia nhập gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi Thiên Chúa đều tận tình yêu thương và chăm sóc chúng ta. Đó là một vinh dự và một hạnh phúc to lớn. Cám ơn Chúa.
  2. Thái độ đối xử đúng nhất của kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa là “nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ”, vì như thế ta tỏ ra mình yêu mến Thiên Chúa, ta được Ngài yêu mến, tỏ mình ra và ở trong ta.
  3. Hai cha con thỏa thuận : ông sẽ mua cho cậu một xe hơi nếu cậu cạo râu, cắt mái tóc dài và đọc Thánh Kinh mỗi ngày. Xe mua về, cậu đọc sách nhưng không cắt tóc và cạo râu.

Khi ông đe dọa, cậu nói : “Con đang đọc về Chúa Giêsu, Ngài để tóc dài và râu”.

Ông bố nói : “Đúng, Ngài đã để râu và tóc, nhưng Ngài còn luôn thi hành ý Cha”. (Góp nhặt)

  1. Trong cuốn sách The living stone có một câu chuyện như sau : Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị Thầy này sắp lìa trần, ông cho gọi Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ “Hãy hành động vì lòng yêu mến”.

Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản “Ai nghe và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy”. Chúa Giêsu không đòi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính… Tuy nhiên một tình yêu đúng nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì người yêu, chứ không dừng lại ở những rung động của thân xác phần nào nói lên tính vị kỷ của mình (“Mỗi ngày một tin vui”)

  1. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.

Mỗi lần, bạn ấy xin ba mẹ đi chơi, chúng tôi đều cười nhạo : “Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tùy ý”. Bạn ấy đã giải thích một cách đơn sơ nhưng thật hợp lý hợp tình : “Hẳn ba má không cần tôi xin, nhưng chắc chắn ba má tôi rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm con và làm con thảo của ba mẹ tôi”.

Hẳn Chúa cũng rất vui khi tôi quan tâm lắng nghe và tuân giữ Lời Ngài, để Ngài có thể đưa tôi vào sự hiệp thông tình yêu của ba ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực hành lời Chúa để luôn được hiệp thông với Người. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Ba :

Ga 14,27-31a

 

 

A. Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 9 : Về bình an Chúa ban

Những lời này Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong hoàn cảnh Ngài sắp ra đi chịu nạn chịu chết. Trong lúc các ông đang hoang mang sợ hãi như thế mà Chúa Giêsu lại nói “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Như thế, thứ bình an này hẳn là đặc biệt :

– Nó không giống thứ “bình an mà thế gian ban tặng”

– Nó dựa trên căn bản là lòng yêu mến đối với Chúa, và niềm tin tưởng rằng Chúa có đi rồi cũng sẽ trở lại.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Bình an của Chúa Giêsu mang đến không phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thỏa hiệp. Bình an Chúa mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt : nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như Thánh Phaolô “Lương tâm tôi không trách cứ tôi điều gì” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Còn gì quý hơn một cuộc sống mà tâm hồn luôn bình an thư thái. Bởi thế chúng ta có thể đề ra cho mình cả một chương trình sống mà mục tiêu là tạo dựng và gìn giữ bình an trong tâm hồn :

– Làm tất cả những gì có thể mang lại bình an cho mình và cho anh chị em.

– Tránh gây ra xung đột, va chạm

– Tìm cách hóa giải và hòa giải mọi mầm mống có thể gây bất an

– Nhất là tránh tội lỗi là thứ làm xáo trộn tâm hồn mình nhiều nhất.

  1. Một lần được phỏng vấn trên đài truyền hình, mẹ Têrêsa trực diện với một kẻ hỏi cắc cớ : “Bà yêu thương người nghèo, điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao những người giàu có của Vatican và của giáo hội thì sao ?”

Mẹ nhìn thẳng vào người phỏng vấn và nói : “Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang xâu xé ông. Ông không có một chút bình an trong lòng”.

Lời đó làm ông xụ mặt. Và Mẹ tiếp tục khiến ông thêm quặn đau : “Ông nên có niềm tin tưởng”.

– Làm thế nào tôi có được niềm tin ?

– Ông nên cầu nguyện.

– Nhưng tôi không thể cầu nguyện.

– Tôi sẽ giúp ông. Nhưng phần ông, ông nên cho những người xung quanh  nụ cười. Một nụ cười làm ông gần những người khác. Nó mang sự thật về Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta. (Góp nhặt)

  1. “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”

Michael Jackson, một ca sĩ nhạc Rock, anh đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Bây giờ, ước mơ của anh là được sống đến 105 tuổi. vì thế, anh chẳng ngại thuê trực thăng đem khí ôxy từ đỉnh núi cao, bơm đầy phòng kính nơi anh ở, để tránh mọi sự ô nhiễm.

Tôi tự hỏi : “Liệu anh có thực sự an toàn và bình an nơi phòng kín ?”

Vâng, Lạy Chúa, có nhiều lần con tự trấn an mình bằng những gì mình có, con chiếm hữu và lo giữ lấy. Trước bạn bè, con giả vờ như rất an tâm giữ những ồn, ào, huyên náo, nhưng thật sâu bên trong : tâm lại chẳng an.. Xin ban cho con bình an của Chúa, thứ bình an mà không đau khổ nào có thể chạm tới, bình an của một tâm hồn luôn sống trong sự thật. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Tư :

Ga 15,1-8

 

 

A. Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 10 : Dụ ngôn Cây Nho. Về sự sống trong Chúa Giêsu

Dụ ngôn này dạy chúng ta một cách vừa cụ thể dễ hiểu nhưng vừa rất sâu sắc về cuộc đời kitô hữu :

– Kitô hữu nếu muốn sống phong phú thì phải sống trong Chúa Giêsu và sống bằng sức sống của Ngài “Thầy là cây nho, các con là nhành… Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều trái”

– Kitô hữu cũng phải chấp nhận để cho mình “được Cha Thầy tỉa sạch” bằng những việc xảy ra không đúng ý mình làm cho mình đau khổ.

– Chúa Giêsu còn hứa một điều rất tốt đẹp : “Nếu các con ở trong Thầy và Lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được”

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chữ “Kitô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Đức Kitô”. Cho nên cuộc sống kitô hữu đương nhiên phải là sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài. Muốn thế thì đương nhiên phải kết hợp chặt chẻ với Đức Kitô : bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành nhưng lời Ngài dạy… Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là kitô hữu thật, người ấy là nhành nho khô, sớm muộn cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.
  2. Cắt tỉa : cuộc đổi đời nào cũng thường được đánh giá bằng những cái mất và những cái được. Tuy nhiên, với con mắt đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất… Đức Hồng Y Etchegaray có lần đã nói “Đứng trước cánh rừng, chúng ta không nên dừng lại ở tiếng ngã đổ của cây rừng, nhưng hãy lắng nghe âm thanh những mầm non đang mọc lên” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  3. Thánh Anphonxô đã được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà ngài làm luật sư. Thánh Inhaxiô được cắt tỉa khi bị thương què chân trong một trận chiến. Các ngài mất một điều nhưng được lại một điều khác quý giá hơn nhiều.
  4. “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi”

Mỗi ngày đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, tôi lại nghe đến vụ giết người dã man ; những thảm hoạ của chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, hạt nhân ; những cái chết đầy thương tâm do các căn bệnh thế kỷ gây ra như Sida, Êbôla v.v… Đâu đâu cũng thấy tang thương và chết chóc.

Có lần tôi đã phải bàng hoàng sửng sốt trước mẩu tin : “Một thanh niên đã chĩa súng bắn chết bố mẹ chỉ vỉ ông bà không cho cậu tiền tiêu vặt”.

Tại sao cuộc sống hôm nay lại có nhiều tội ác đến thế ? Nguyên nhân chính phải chăng là vì con người xa lìa Thiên Chúa, chạy theo cuộc sống vật chất, do đó trở nên thái hoá, buông thả, vô đạo. Đức tin khô héo rồi chết đi.

Lạy Chúa, xin cho biết lưu lại trong Chúa qua cuộc sống yêu thương và phục vụ. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Năm :

Ga 15,9-11

 

A. Hạt giống…

Tiếp dụ ngôn bài giáo lý “Sống trong Chúa” :

Chúa Giêsu dạy : “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy”.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Tôi yêu Chúa. Nhưng tôi không luôn yêu Ngài. Tình yêu của tôi đối với Ngài lúc có lúc không, có khi nồng nàn, có khi lạnh nhạt. Nghĩa là tôi chưa “ở lại” trong tình yêu của Ngài. Muốn “ở lại”, tôi hãy làm theo Lời Chúa dạy “Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy”.
  2. Hễ đã yêu thương ai, hẳn chúng ta muốn sống bên cạnh người ấy để chia xẻ và lấy sở thích của người ấy làm sở thích của mình. Tình yêu giữa con người với nhau còn như thế, huống nữa là tình yêu giữa Thiên Chúa với con người. Chúa Giêsu đã rất mực yêu thương các môn đệ, Ngài muốn họ luôn ở với Ngài cũng như Ngài hằng ở với Thiên Chúa ; Ngài muốn họ thực hành Lời Ngài cũng như Ngài luôn vâng phục lệnh truyền của Chúa Cha. (“Mỗi ngày một tin vui”)
  3. “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.”

Năm 1963, tại Washington, 200.000 người lắng nghe Martin Luther King. vị mục sư da đen, người đoạt giải Nobel hoà bình nói chuyện : “Tôi ước mơ một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và của những chủ nô sẽ ngồi chung với nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi mơ ước một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nước mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao…”

Ông ra sức thực hiện ước mơ ấy, biết bao khó khăn thử thách, ghen tương đố kỵ đã ập xuống trên ông, nhưng ông vẫn kiên quyết thực hiên hoài bão này.

Năm 1968, M.L. King đã ngã gục dưới lằn đạn của những kẻ thù ghét ông. Nhưng công trình của ông vẫn được tiếp tục, bởi ước mơ của ông đã trở thành ước mơ của hàng triệu con người trên thế giới.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết ở lại trong tình thương của Chúa. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Sáu :

Ga 15,12-17

 

A. Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 11 : Kitô hữu hãy yêu mến nhau

Lòng “Yêu mến nhau” mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ mình có phải vươn tới những mức độ sau đây :

– “Các con hai yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con”

– “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Yêu thương”, “Tình gia đình”, “Huynh đệ”, “Chia xẻ”, “Hiệp thông” v.v. là những từ ngữ được nói quá nhiều nhưng nhiều khi chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản. Chính con cũng rất nhiều lần nói như thế. Từ nay con muốn nói những chữ ấy một cách thật lòng, nhất là nói với những người cùng niềm, cùng lý tưởng với con.
  2. Yêu thương, nếu chỉ là một cảm giác dễ chịu thì chưa phải là tình yêu thật. Tình yêu thật là phải cho đi, phải hy sinh. Cho đi càng nhiều, hy sinh càng lớn thì tình yêu càng đúng nghĩa. Bởi thế Chúa Giêsu nói : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”
  3. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Câu Tin Mừng này khiến tôi liên tưởng tới một câu chuyện tôi đã đọc hồi còn nhỏ, tựa đề “Anh phải sống” : hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi. Chỉ có một khúc cây đủ sức cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo các con”. Người vợ cũng bảo chồng “Anh phải sống”. Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.
  4. “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”

Từ 23 tháng chạp đến tết, đất Trung Quốc nhộn nhịp hẳn lên vì chuẩn bị cầu phúc. Trong những ngày này, Lố Tấn gặp thím Tường Lâm. Thím là một nông dân cần cù. Chồng trước thì chết sớm, Cồng sau chết vì thương hàn, thằng con nhỏ thì bị chó sói vồ… Họ còn đồn rằng mai sau thím sẽ bị cưa đôi để chia cho hai con ma chồng. Thím luôn phải sống trong sợ hãi. Ai cũng coi thím là đồ ô uế. Chủ nhà không cho thím sờ tay vào các lễ vật, dù đó chỉ là cái chân đèn… Thím từ từ suy sụp và sinh hoảng loạn.

Lỗ Tấn thấy thím, tóc trắng toá, tay sách cái làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, tay kia cầm cây gậy trúc đầu dưới toe toé, lang thang trên đường, miệng lẩm bẩm gọi tên đứa con mình…

Tiết trời lạnh lẽo, thím nằm chết trên một đống tuyết vừa lúc giao thừa đến, pháo nổ vang trời. Các gia đình giàu có mở cửa ra, thấy vậy quát lên : “Tại sao chết vào lúc tao đang cầu phúc ?”

Lạy Chúa, có nhiều người bên con vẫn đang âm thầm đau khổ chỉ vì những suy nghĩ, lời nói và hành động thiếu yêu thương của con. Xin giúp con hiểu và thực thi giới răn yêu thương của Ngài. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Bảy :

Ga 15,18-21

 

A. Hạt giống…

Đề tài lý thứ 12 : cuộc sống của kitô hữu trong thế gian

Trong Tin Mừng Gioan, chữ thế gian mang 2 nghĩa : thứ nhất, chỉ nhân loại cách chung (Td “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của mình cho thế gian”). Trong đoạn này chữ “thế gian” không theo nghĩa này ; thứ hai : “thế gian” là những người không chấp nhận Chúa Giêsu và thù ghét Ngài. Đây là ý nghĩa trong đoạn Tin Mừng này.

Vào thời thánh Gioan viết Tin Mừng, các kitô hữu sống giữa những người thù ghét Đức Kitô và kitô giáo ; a/ các tin đồ Do thái giáo thù ghét họ, coi họ là đồ phản lại đạo Do thái ; b/ Đế quốc Rôma cũng thù ghét họ vì nếp sống của họ không giống những người khác : không mê tín dị đoan, không thờ hoàng đế La mã…

Chúa Giêsu đã cho môn đệ mình biết trước tình trạng đó. Ngài an ủi họ, đồng thời dạy họ cách sống giữa một thế gian thù nghịch như thế :

– “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”

– “Vì các con không thuộc về thế gian… nên thế gian ghét các con”

– “Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa Giêsu đã cho biết trước rằng làm môn đệ Ngài thì phải chấp nhận bị thế gian thù ghét. Nhưng thực tế, chúng ta một mặt tránh làm những gì khiến thế gian thù ghét mình, mặt khác còn tìm cách để thế gian yêu thương chiều chuộng mình. Hẳn là chúng ta không nên cố tình chọc tức thế gian, nhưng ta không nên quên lời Chúa nói : Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
  2. “Vì các con không thuộc về thế gian… nên thế gian ghét các con”. Người thế gian coi tiền bạc trọng hơn đạo đức, lọc lừa nhiều hơn là chân thật, ai cũng ích kỷ lo cho bản thân, thậm chí chà đạp lên người khác… Kitô hữu không thể sống như họ, cho nên bị họ thù ghét. Vậy, nếu vì phải sống theo lý tưởng tốt đẹp của mình mà bị thế gian thù ghét, chúng ta hãy chấp nhận.
  3. “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”. Chúng ta còn chấp nhận bị thế gian thù ghét vì lý do chúng ta là môn đệ Chúa, chúng ta phải vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa.
  4. “Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em”.

Khi còn là sinh viên tôi thực sự là người ngoan đạo, sống trung thực và nghĩ đến người khác. nhưng sau khi ra trường, đi làm và tiếp súc với nhiều hạng người, tôi dần dần ngã theo cách sống vụ lợi, không thật với lòng mình.

Hôm nay, đọc đoạn Tin Mừng này, tôi giật mình tự hỏi : Mình còn là người Kitô hữu nữa không ? Vâng người Kitô hữu phải có cuộc sống khác : Phải yêu thương, bác ái, vị tha.

Quả là khó để trở lại, vì một phần cái “tôi” quá lớn, phần khác nếu tôi không hoà theo kiểu sống của giới làm ăn, không làm hài lòng cấp trên thì sẽ bị tẩy chay, trừ khử.

Lạy Chúa, xin chỉ cho con cách thức sống Lời Chúa trong môi trường con hiện nay. (Epphata)

  1. (những mầm khác)